- Đang online: 1
- Hôm qua: 327
- Tuần nay: 10037
- Tổng truy cập: 3,399,726
LẠ LÙNG BÙI NGUYỄN LONG
- 321 lượt xem
LẠ LÙNG BÙI NGUYỄN LONG
MẠC VĂN TRANG
(Villa de Lotus – Biệt thự Hoa sen – xây năm 1930)
Cao Bằng 6/6/2011.
Hội thảo về “NHÀ MẠC THỜI KỲ CAO BẰNG” kết thúc vào trưa 6/6/2011. Bữa trưa cơm rượu xong các đại biểu ra về, tôi vẫn nán lại muốn gặp mấy vị cao niên trong Mạc tộc ở địa phương để trò chuyện, tìm hiểu thêm. Tôi để ý thấy một ông già hom hem, ăn mặc khá luộm thuộm giống lão ông người Tày, ngồi gật gù xem cuốn Kỷ yếu hội thảo. Tôi liền đến hỏi chuyện, làm quen. Ông rót nước mời rồi bảo, ông ở trong Bản Phủ, xa lắm. Con nó đưa đi họp… Sau đó Hoàng Minh Tuấn đến, bảo đây là ông BÙI NGUYỄN LONG, hồi làm phim “Tiếng kèn nhà Mạc” đã gặp nhau, nhiều chuyện thú vị lắm… Sau đó ông tha thiết mời chúng tôi tối đến nhà ông chơi, ăn cơm tối, ngủ đấy càng vui, nhà rộng lắm!
Buổi chiều tà hôm đó bốn người chúng tôi: Thái Văn Tâm, Nguyễn Vũ Long, Hoàng Minh Tuấn và tôi đi xe do Tâm lái đến nhà ông Long. Không ngờ đường từ thị xã Cao Bằng vào Bản Phủ, ông nói có hơn 10km mà đi lâu thế. Đường mấp mô ổ trâu, ổ gà lại vòng vèo, lên xuống nên đến nhà ông đã nhá nhem tối. May có cậu Tuấn thuộc đường không thì còn mò mẫm. Ông bà ra cổng đón, dẫn vào trong sân gạch, khá rộng. Thấy chúng tôi ngạc nhiên trước ngôi biệt thự nguy nga, cổ kính giữa “rừng xanh”, ông giải thích: “Ngôi biệt thự này cha tôi xây năm 1930, đặt tên là Biệt thự Hoa sen, chữ còn nguyên kia kìa!”. Chúng tôi nhìn lên bức tường sau ban công tầng hai thấy rõ dòng chữ đắp nổi Villa de Lotus. Ông giải thích thêm: “Biệt thự ông cụ xây ở đây là trên nền đất Cung Điện nhà Mạc ngày xưa, gọi là Bản Phủ. Xây để giữ lấy đất của tổ tiên”… Rồi ông dẫn chúng tôi ra đầu ngõ, chỉ cho xem “giếng nước nhà Mạc”, cái giếng được khơi hơn 400 năm trước lấy nước tắm cho các hoàng hậu, công chúa, nay nước vẫn trong vắt, luôn luôn chảy, múc đi lại dâng đầy, mùa đông nước ấm mùa hè thì nước mát lạnh…Chung quanh đây là thành lũy, bờ tre gai mọc ken dầy, dân vẫn gìn giữ…Rồi ông chỉ, trước mắt kia là “cánh đồng nhà Mạc” mênh mông, ở giữa có “Hồ sen nhà Mạc” rất rộng, chắc xưa kia vua và hoàng hậu thi thoảng ngự du thuyền…Ông bảo: “Cha tôi lấy tên biệt thự Hoa Sen là có ý như thế”…Khi ông dẫn mọi người vào biệt thự, tôi vội rút điện thoại di động ra chớp lấy một “pô”. Tối. Máy không đèn. Không chụp thêm được gì nữa. Tiếc quá. Trong khi ông dẫn khách giới thiệu nội thất của biệt thự, thì bà xào nấu thơm lừng. Bà bảo toàn những thứ trồng cấy trong vườn nhà cả đấy. Lúc nãy nhìn khu vườn quanh biệt thự rộng, dài trồng đủ loại hoa và rau, củ, tôi đã nghĩ hai ông bà có là nông dân chính hiệu, canh tác cũng mệt.
Ông pha nước mời rồi thủng thẳng kể chuyện, khiến tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông bảo hai vợ chồng tôi cấy trồng đủ thứ, tự túc được hết. Nay tôi yếu rồi, chỉ mình bà ấy cuốc xới, trồng trọt, chăm bón là chính.
Cha tôi gốc họ Mạc, sau khi nhà Mạc thất thủ, mới đổi ra họ Bùi. Cha tôi là BÙI NGUYỄN CẦN, sinh năm 1900. Cụ lớn lên ở đất này, học ở thị xã Cao Bằng. Học giỏi, rồi ra Hà Nội học, sau vào trường Sư phạm Đông Dương. Tốt nghiệp xong, năm 1926 cụ được bổ nhiệm về Cao Bằng dạy học. Mẹ tôi là cô gái người Thái. Năm 1930 cụ xây biệt thự này… Tôi chợt nghĩ, chà thời Pháp thuộc, ông giáo dạy tiểu học mới ra trường bốn năm đã cưới vợ, lại xây luôn biệt thự, oai ghê. Ở đây mà lên dạy trên thị xã Cao Bằng chắc cụ phải cưỡi ngựa? Hay đây chỉ là biệt thự về nghỉ cuối tuần và dịp hè?
Ai đó hỏi, nhà to thế này, cải cách ruộng đất có sao không? Ông Long bảo, “không vấn đề gì cả”. Cha tôi là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, vừa dạy học vừa giác ngộ cách mạng cho học sinh. Hầu hết các cán bộ chủ chốt của tỉnh là học trò cụ. Cụ dạy học suốt cả trong chín năm kháng chiến chống Pháp, đến 1954 cụ mất…
Bà Long giục mọi người chuẩn bị vào bàn ăn. Có đủ thịt, cá nhưng mọi người khoái nhất là mấy món rau, đậu tươi hái từ vườn nhà. Đồ uống thì nhâm nhi rượu thuốc của nhà…
Bà Long ở tuổi 73 mà béo khỏe, trắng trẻo, hồng hào, trái ngược với hình dáng còm nhom của ông. Lại một sự ngạc nhiên. Ra bà là con gái Tày. Hồi kháng chiến chống Pháp bà được sang học ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Rồi sau 1954 về Hà Nội học trung cấp sư phạm miền núi Trung ương, làm cô giáo dạy cấp II. Lúc đó cậu Bùi Nguyễn Long cũng từ kháng chiến về học ở trường Cao cấp Ngân hàng, ngay phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội). Cô cậu đồng hương nên duyên và lần lượt cho ra đời bốn “nhóc”, cả bốn đứa đều học hành tử tế và sau này đều là Đảng viên ĐCSVN. Ông tốt nghiệp trường Ngân hàng và đảm nhiệm nhiều công tác tại Hà Nội (ông không muốn kể ra). Khi nghỉ hưu hai ông bà quyết định để lại tất cả đời sống tiện nghi “cho Thủ đô”, về sống ở ngôi biệt thự “giữa rừng xanh” này… Ông bảo, mấy đứa lớn đi công tác xa hết rồi, giờ còn mỗi thằng út có nhiệm vụ chốt tại Cao Bằng…
****
Câu chuyện dở dang của ông Long theo tôi về Hà Nội, cứ vương vấn mãi. Tôi nhắn tin cho ông, bảo ông viết câu chuyện về cụ thân sinh và của ông để đăng trên trang web Mạc tộc. Ông nhắn lại, bảo mắt kém lắm không viết được. Tôi bảo ông đọc cho các con viết và gửi qua mạng… Ông bảo chúng nó ở xa lại bận bịu, chẳng muốn phiền! Anh viết được thì hay quá! Anh cứ viết đi!…
Rồi thỉnh thoảng ông lại nhắn tin cho tôi khi thì mấy lời tâm sự, khi mấy câu thơ, khi thì đôi dòng tin tức:
“Chúng tôi có ý nguyện tôn tạo đền thờ Hoàng hậu nhà Mạc ở Cao Bình. Hiện nay nhân dân Cao Bình, xã Hưng Đạo đang có phong trào tôn tạo di tích lịch sử. Mong được Hội đồng Mạc tộc VN và các địa phương quan tâm giúp đỡ. Cám ơn. Bùi Nguyễn Long”…
04/7/2011
“Cha tôi, tôi và hai em gái đều làm giáo viên đến lúc về hưu. Con tôi hai đứa học sư phạm, một đang làm giáo viên ở Thủ Dầu Một. Tôi có mấy câu thơ:
Biệt thự “Hoa sen” vẫn ngự đây
Ba đời nối tiếp làm nghề thầy
Ông bà cha mẹ và con cái
Hạnh phúc tỏa hương tự đất này”.
24/9/2011
…..
“Kinh đô Vương Mạc tại Cao Bình
Khéo chọn nơi đây đất địa linh
Nhân kiệt hiền tài và đãi sỹ
Cùng chung bảo vệ nước Nam Bình”
20/10/2011
……
“Nhân dân khu phố chợ Cao Bình
Lập miếu tôn thờ Hoàng hậu Đinh
Đạo đức trung quân và ái quốc
Lưu danh muôn thuở cõi tâm linh”.
( Hoàng Hậu Đinh Thị Thành là vợ của vua Mạc Kính Vũ
Nhân dân lập miếu thờ năm 1677).
23/10/2011
Mới đây tôi nhắn: ông cố về dự Đại hội Mạc tộc Việt Nam vào ngày 6/11/2011, thăm Thủ đô, con cháu một thể. Ông nhắn lại, cho biết ông không được khỏe, không về dự được. Rồi ông nhắn cho biết tên, nơi công tác, số điện thoại của hai cô con gái ở Thủ đô, cô thì đang làm trưởng phòng của một công ty thuộc ngành Bưu chính viễn thông; cô thì làm Đại biểu Quốc hội khóa XI, nay đang công tác tại UBDTTƯ: “Hai cháu anh đó, anh gọi cho chúng nó nhé. Các cháu được như ngày nay cũng nhờ ân đức Mạc tộc!”! Tôi nhắn: Sẽ mời con anh đến dự Đại hội thay anh! ông vui lắm, nhắn mấy tin liền cám ơn và hai bài thơ Chúc Đại hội!…
Thế đấy, chỉ nghe lõm bõm ít thông tin về BÙI NGUYỄN LONG đã thấy thú vị lạ lùng!
29/10/2011
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử