- Đang online: 1
- Hôm qua: 540
- Tuần nay: 12739
- Tổng truy cập: 3,376,504
MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- 2196 lượt xem
MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI
Mạc Văn Trang – 24/10/2015
Cách đây hơn một tuần tôi nhận được cuộc gọi của một thanh niên lạ. Anh xưng cháu là Hà Xuân Trường, ở Hà Nội. Cháu muốn thứ 7 hoặc CN tới bác cùng về Long Động với cháu được không ? Tôi hỏi:
– Có việc gì vậy cháu ?
– Cháu về hiến vào đền cụ Mạc Đĩnh Chi mấy thứ, và đem cỏ về trồng trên mộ các Cụ. Cách đây một tháng cháu đã về hiến tặng vào Đền Cụ một đôi đèn và một lá cờ Thần, thêu chữ quốc ngữ “LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN MẠC ĐĨNH CHI” để treo ở Đền. Cháu ra lăng mộ Cụ thấy những ô cỏ trên mộ trơ trọi chẳng có gì !…
– Cháu gốc họ Mạc à ?
– Không, cháu họ Hà, ở Thái Bình, không phải con cháu gốc họ Mạc. Nhưng cháu ngưỡng mộ Cụ…
– Được rồi, bác ghi số ĐT này và sẽ gọi cho cháu vào trước thứ 7 nhé.
Tôi nghĩ ngợi, liệu có vấn đề gì không nhỉ? Thời buổi này lại có một thanh niên người dưng quan tâm sửa sang đền miếu, phần mộ cụ Tổ nhà mình; trong khi nhiều con cháu hậu duệ Cụ lại chẳng đoái hoài! Cần tìm hiểu thêm động cơ của cậu ta…
Thế rồi vào thứ 5, cậu ta chủ động gọi cho tôi trước. Cậu ta bảo, bác nói địa chỉ nhà, 6 giờ sáng cháu đến đèo bác ra bến xe Mỹ Đình. Hai bác cháu đi xe khách về đến Sao Đỏ thì xuống, đi xe ôm ra Lăng mộ Cụ trước, rồi vào Đền sau… Thống nhất đi vào 6 giờ sáng thứ 7 bác nhé… Tôi chưa bao giờ đi về Long Động kiểu như vậy, liền hỏi:
– Cách đi như vậy có tiện không ? Có cách nào tốt hơn không ?
– Cháu đi mấy lần rồi, tiện lắm bác ạ. Thuê xe riêng đi thì tốt nhất, nhưng mà cần tiết kiệm bác ạ.
– Thế cháu đã liên hệ với địa phương chưa ?
– Cháu đã gọi điện cho chú Khắc, Trưởng ban quản lý di tích; dưới đó chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ. Buổi trưa, xong việc, chú Khắc sẽ mời cơm bác cháu mình…
Tôi thấy cậu thanh niên này rất hoạt bát, quyết đoán và có thể tin được. Định hỏi thêm mấy câu, nhưng sợ không được tế nhị; chỉ nói, bác đồng ý kế hoạch của cháu.
Sáng nay, 6giờ kém 15 tôi chủ động gọi cho Trường, bác ngồi uống nước ở quán trà đầu ngõ 79, đường vào nhà bác quanh co… Đúng 6 giờ cậu ta đến. Một thanh niên còn rất trẻ, dáng thư sinh, vui vẻ, dễ mến… Trên xe máy của cậu có một bao dứa và túi đựng bọc vải đỏ. Cậu bảo, túi vải đỏ là cháu hiến tấm màn đỏ treo ở hậu cung và lá cờ treo ở Lăng Cụ; còn bao dứa là cỏ Nhật, cháu mua của công ty ở Trương Định. Cỏ này là cỏ Nhật, đã trồng ở mộ các cụ nhà cháu, lên đẹp lắm… Tôi ôm bọc vải đỏ, ngồi sau xe máy, thấy yên lòng và bắt đầu mến cậu ta…
Xe khách chừng 40 chỗ ngồi, mới có dăm bẩy người, nhưng đúng 7 giờ là rời bến. Mình nghĩ thầm, xe bây giờ văn minh nhỉ, đúng giờ, dù ít người cũng đi… Nhưng ra khỏi bến, mới biết thế nào là “lễ độ”, cứ liên tục dừng đón khách dọc đường; 9 giờ 30 mới tới Sao Đỏ.
Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, mình tò mò tìm hiểu được nhiều điều về cậu ta. Trường mới 24 tuổi, tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, ra làm cho một Công ty ở Hà Nội. Cậu thích lịch sử và say mê tìm hiểu các nhân vật lịch sử. Cậu tâm sự, cháu thấy đền thờ Chu Văn an, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm…rất uy nghi, nhưng đền thờ Cụ Mạc Đĩnh Chi sơ sài quá, chưa xứng tầm… Cháu đánh giá rất cao công lao cụ Mạc Đĩnh Chi với đất nước. Không hiểu sao tư liệu về Cụ ít quá. Người ta chỉ chú ý mấy giai thoại về Cụ thông minh, đi sứ đối đáp giỏi, được vua Nguyên phong là trạng nguyên… Đành rằng Cụ xứng đáng là ông tổ ngành ngoại giao, nhưng không chỉ có vậy. Cụ làm Tể tướng, tức là Thủ tướng qua ba đời vua Trần, gần 30 năm. Trong suốt thời gian ấy, Cụ sống liêm khiết, quản trị triều chính nghiêm minh, Cụ phải biết quản trị và chống tham nhũng thế nào, giỏi lắm chứ… Rồi Cụ chỉ đạo đắp đê, khuyến nông; Cụ khuyến học khuyến tài; về hưu, Cụ lại mở trường dạy học, sống thanh cao…Những điều ấy, sử sách chép quá sơ sài, nên người đời chẳng quan tâm… Cháu tìm hiểu về Cụ và tự nhiên sùng kính Cụ vô cùng. Lần thứ nhất, cháu về thắp hương Cụ ở Đền, cách đây 2 năm. Về cháu cứ băn khoăn. Lần hai cháu về thắp hương Cụ ở Đền và cả ở Lăng mộ. Cháu thấy trong hậu cung tối và ở đền treo một lá cờ Thần, không có chữ. Cháu đề xuất dâng cúng vào Đền hai cây đèn thờ và lá cờ Thần có thêu tên Cụ bằng chữ quốc ngữ để ai cũng đọc được. Khi dâng đèn và cờ xong, cháu quan sát thấy phía sau tượng Cụ Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quang, Mạc Đĩnh Chi là bức tường trắng, có cảm giác trống trải, lạnh lẽo…Lần này cháu về dâng hiến thêm một lá cờ treo ở Lăng Cụ và trồng cỏ. Sau đó về Đền để treo tấm rèm…
Tôi thực sự khâm phục một thanh niên học Bách Khoa mà am hiểu lịch sử và có những nhận xét sâu sắc và mới mẻ về Mạc Đĩnh Chi. Giá con cháu họ Mạc, hậu duệ của Cụ ai cũng hiểu được như vậy !
Rồi cũng xuống xe ở Sao đỏ. Hai bác cháu đang lễ mễ, mỗi người xáh một bọc, thì một cậu lái taxi chạy lại mang xách đỡ và mời đi xe. Lên xe, cậu tài xế hỏi:
– Ông về đâu ?
– Về đền Cụ Mạc Đĩnh Chi ở Nam Tân, Nam Sách…
– Cháu cũng họ Mạc đây, họ Mạc ở Chí Linh còn hơi nhiều so với các nơi khác… Cháu là Mạc Văn Thắng.
– Ồ, thế thì cơ duyên may mắn rồi. Cậu thì chắc thạo đường vào Đền, ra Lăng mộ Cụ …
– Ơ… Thú thật cháu không biết ở đâu. Năm nay 41 tuổi nhưng cháu chưa đến đó bao giờ!
– Thế cả chi họ Mạc nhà cậu ở cách đền Cụ có chừng hơn 10km, mà hàng năm giỗ Cụ, lễ hội ba ngày, hàng ngàn hậu duệ và khách thập phương đến dự, chi họ cậu không về giỗ Cụ à?
– Giỗ Cụ ngày nào hả ông ? Thú thực xóm nhà cháu có 2 chi, một chi Mạc Văn, một chi Mạc Đăng… Nhưng chỉ lo làm ăn, các cụ cũng không chỉ dẫn con cháu, nên chúng cháu chẳng biết gì! Cũng biết có Cụ Trạng Mạc Đĩnh Chi, nhưng không biết liên quan thế nào!…
Tôi đem câu chuyện của cậu Trường ra nói cho Thắng nghe và bảo rằng, chắc hôm nay Cụ cho cậu gặp cậu Trường để được giác ngộ đấy. Thắng có vẻ “tâm tư” lắm…
Ra Lăng Cụ, có Trưởng ban quản lý Khắc và mấy người đã đợi sẵn. Mây người hạ cột treo cờ… Trường leo lên trồng cỏ cho mộ các cụ Mạc Hiển Tích, Mạc Kiến Quang, Mạc Đĩnh Chi, cùng đặt trong khuôn viện “Lăng Cụ Trạng”. Cậu Thắng thắp hương, rồi hăng hái tham gia mọi việc.
Xong việc ở Lăng, trên đường về Đền, Thắng dừng xe, mua bánh, hương về đền dâng hương. Cậu cảm động run run khấn vái. Khi thợ căng tấm màn đỏ sau tượng các Cụ, che đi bức tường trắng lạnh lẽo, đúng là nâng cao hiệu quả thẩm mỹ, tâm linh. Cậu Trường đúng là nhạy cảm về tâm linh. Cậu Thắng cứ mải mê đọc các bản tóm tắt tiểu sử các Cụ, rồi ngẩn ngơ đi xung quanh Đền… Cậu ra bờ hồ trước Đền kêu lên thú vị, các bác ơi, cụ Rùa nổi lên này!…
Loanh quanh thế mà 12 giờ mới ăn trưa. Bữa cơm quê thật đầm ấm tình anh em con cháu họ tộc. Cậu Trường nói, công việc hôm nay đẹp rồi. Cháu sẽ giúp chú Khắc lập quỹ khuyến học Mạc Đĩnh Chi ở xã này. Quê cụ Trạng mà không có quỹ khuyến học là không được. Cháu sẽ vận động được một vài nhà tài trợ cho quỹ… Cậu Thắng từ đó nhập vào đoàn một cách tự nhiên, cậu ta bảo, ăn xong cháu đưa bác với em về nhà bố cháu chơi, rồi ra bến xe còn kịp chán…
Thế là Thắng đưa chúng tôi về nhà cụ thân sinh ra anh, rồi lại qua nhà anh, xong mới ra bến xe. Thắng bảo, cháu hiểu rồi, cháu sẽ làm ngay mấy việc, một là họp anh em trong họ nói chuyện này; hai là giỗ Cụ nhất định rủ nhau đi; ba là con cháu năm nay thi lớp 12, trước khi thi đưa cháu đến thắp hương Cụ…
Nhưng Cụ nghiêm lắm đấy. Con cháu học có khá không ?
Con đầu lười học, cháu cho đi lấy chồng rồi, còn cháu thứ hai học giỏi lắm…
Ra bến, trả tiền taxi, cậu ta giãy nảy lên, cháu nào lại lấy tiền của bác với em. Đã có số ĐT của cháu rồi đấy. Cứ đến đây gọi, là cháu có ngay…
Lên xe 3giờ 30 chiều ở Sao Đỏ mà 6 giờ tối xe mới đến bến Mỹ Đình ! Lâu lắm mới đi xe khách, mình hiểu ra xe khách là mấy chục mạng người trong tay một chàng tài xế cậy còi to, xe lớn, luồn lách bạt mạng, thích đùa rỡn với tử thần trên đường !
Một ngày tuy vất vả, nhưng trải nghiệm nhiều niềm vui, thật ý nghĩa…
Một số hình ảnh trong ngày:
1. Miếu trên nền Điện Sùng Đức xưa
2. Cụ rùa nổi lên trong hồ sau khi dâng hương tại đền thờ cụ Mạc Đĩnh Chi.
4. Bác Mạc Văn Trang cùng cháu Hà Xuân Trường tiễn biệt sau khi trồng cỏ và dâng hương tại mộ cụ Mạc Đĩnh Chi.
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- HAI BÀI THƠ của GS VĂN TẠO và TS HOÀNG LÊ
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.