- Đang online: 0
- Hôm qua: 412
- Tuần nay: 13273
- Tổng truy cập: 3,359,461
Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- 9379 lượt xem
Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
KHOA VĂN HỌC NGÔN NGỮ – TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHXH VÀ NV – ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HCM
Chủ nhật, 07 Tháng 11 2010 10:35 Nguyễn Phạm Hùng*
Nguyễn Dữ là nhà tiểu thuyết truyền kỳ nổi tiếng nhất của Việt Nam thời trung đại và Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm văn xuôi duy nhất của Việt Nam từ xa xưa được đánh giá là “thiên cổ kỳ bút” (ngòi bút kỳ lạ của muôn đời), một cái mốc lớn của lịch sử văn học, sau này được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác Truyền kỳ mạn lục chủ yếu vẫn chỉ là những phỏng đoán dựa trên một vài ghi chép sơ sài của người đời sau. Vì vậy, khó tránh khỏi những nhầm lẫn đáng tiếc. Mấy mươi năm qua, trong quá trình hội nhập và phát triển, chúng ta có thêm những cơ hội được tiếp xúc với nhiều quan điểm và phương pháp nghiên cứu khác nhau trên thế giới, giúp vào việc góp phần giải quyết nhiều vấn đề học thuật phức tạp mà trước nay còn nhiều cấn cái. Đối với trường hợp cụ thể Nguyễn Dữ, những nghiên cứu của các học giả nước ngoài về so sánh loại hình học (typologie) giữa Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ở Việt Nam với Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu ở Trung Quốc đã bổ sung những kết quả mới trong việc tìm hiểu tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Trong đó, chúng tôi rất chú ý tới một số ý kiến gợi mở hướng tìm tòi mới về thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác Truyền kỳ mạn lục. Đây là một vấn đề tuy nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa đối với việc nhận thức đúng đắn cuộc đời tác giả cũng như tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Để thấy rõ hơn vấn đề này, chúng tôi xin trình bày lại “hồ sơ sự việc” làm căn cứ đoán định.
1. Ghi chép của các nhà khảo cứu thời cổ
– Hà Thiện Hán trong bài Tựa Truyền kỳ mạn lục viết năm 1547 có thể là tài liệu “ghi chép sớm nhất” về Nguyễn Dữ, đã viết: “Tập này là trứ tác của Nguyễn Dữ, người Gia Phúc, Hồng Châu. Ông là con trưởng vị Tiến sĩ triều trước Nguyễn Tường Phiếu. Lúc nhỏ rất chăm lối học cử nghiệp, đọc rộng nhớ nhiều, lập chí ở việc lấy văn chương truyền nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến, nhiều lần thi Hội đỗ trúng trường, từng được bổ làm Tri huyện Thanh Tuyền. Mới được một năm, ông từ quan về nuôi mẹ cho tròn đạo hiếu, đến mấy năm không đặt chân đến chốn thị thành, thế rồi ông viết ra tập lục này để ngụ ý…”(1). – Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục cũng có một thiên tiểu truyện về ông: “Nguyễn Dữ người xã Đỗ Tùng, huyện Gia Phúc. Cha là Nguyễn Tường Phiếu, Tiến sĩ khoa Bính thìn đời Hồng Đức (1496), làm quan đến Thượng thư Bộ Hộ. Dữ từ nhỏ đã nổi tiếng học rộng nhớ nhiều, có thể lấy văn chương nối nghiệp nhà. Đỗ Hương tiến, nhiều lần thi Hội trúng Tam trường, được bổ chức Tri huyện Thanh Tuyền, mới được một năm, lấy cớ nơi làm việc xa xôi, xin về phụng dưỡng (cha mẹ?). Sau vì ngụy Mạc thoán đoạt, thề không đi làm quan nữa, ở làng dạy học, không đặt chân đến chốn thị thành, viết Truyền kỳ mạn lục bốn quyển, văn từ thanh lệ, người đương thời rất khen”(2). – Vũ Phương Đề (1697 – ? ) trong Công dư tiệp ký viết: “Dữ ở ẩn không làm quan, viết Truyền kỳ mạn lục, phần nhiều được ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) phủ chính nên trở thành một “thiên cổ kỳ bút”(3). – Phan Huy Chú trong Đăng khoa bị khảo ghi: “Nguyễn Tường Phiếu người xã Đoàn Tùng, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Bính thìn năm Hồng Đức 27 đời Thánh Tông, làm quan đến Thừa tuyên sứ, tặng Thượng thư, nay là phúc thần. Con ông là Nguyễn Dữ, học vấn hơn người, viết Truyền kỳ lục”(4). Còn trong Lịch triều hiến chương loại chí, ông viết: “Truyền kỳ mạn lục, bốn quyển. Dật sĩ Nguyễn Dữ soạn, đại khái bắt chước Tiễn đăng tập của một nhà nho đời Nguyên. Tập này cộng 22 truyện. Dữ người Đỗ Tùng, huyện Gia Phúc, con trai của Tiến sĩ Tường Phiếu”(5). Lại viết: “Bấy giờ học trò ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) thành đạt rất nhiều, chỉ có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, Trương Thì Cừ là có tiếng nhất… Khi Dữ viết quyển Truyền kỳ mạn lục được ông sửa chữa nhiều chỗ, sau thành áng văn hay của bậc đại gia”(6).
2. Quan điểm của các nhà nghiên cứu hiện đại
– Bùi Văn Nguyên viết: “Nguyễn Dữ, người làng Đỗ Tùng, huyện Thường Tân (nay là làng Đỗ Lâm, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Hưng), con ông Thượng thư Nguyễn Tường Phiếu (Tiến sĩ năm 1496 đời Hồng Đức)… Nguyễn Dữ có chân Hương tiến (tương đương với Cử nhân), thi Hội trúng Tam trường, có làm Tri huyện huyện Thanh Tuyền (nay là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), được một năm rồi từ chức về nuôi mẹ, chân không bước đến chốn thị thành nữa. Theo Vũ Khâm Lân, tác giả bài Bạch Vân am cư sĩ phổ ký và theo An Quang hầu, người ghi chép thơ chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì Nguyễn Dữ không ra làm quan, chỉ ở ẩn nơi thôn dã. Nguyễn Dữ là một trong những người học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông sống vào khoảng các triều vua Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng, tức là thời kỳ suy đồi của nhà Lê. Chịu ảnh hưởng của thày học, ông chán ghét đời sống quan trường điên đảo, bỏ đi ở ẩn và ca tụng cảnh nhàn tản…”(7). “Cũng như thầy học là Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ là một nhà nho có khí tiết sống giữa thời loạn lạc…”(8). – Trần Văn Giáp viết: “Ông đậu Hương tiến (Cử nhân) vào khoảng đầu thế kỷ XVI, làm tri huyện Thanh Toàn (?) rồi xin nghỉ về nhà nuôi mẹ. Trong khi nghỉ, ông soạn ra bộ Truyền kỳ mạn lục. Theo sách Công dư tiệp ký (q. 10), ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nên sách này đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm sửa chữa. Đến đời Mạc, sách này được Nguyễn Thế Nghi, tước Đại Hưng hầu, người làng Mộ Trạch diễn dịch ra chữ Nôm (Công dư tiệp ký, q.2, tờ 35)”(9). – Bùi Duy Tân viết: “Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm của Nguyễn Dữ, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân (Hải Dương), nay là thôn Đỗ Lâm, xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện (Hải Hưng). Cha Nguyễn Dữ là Nguyễn Tường Phiếu, Tiến sĩ khoa Bính thìn niên hiệu Hồng đức thứ 27 (1496) đời Lê Thánh Tông. Theo Ôn Đình hầu Vũ Khâm Lân, người biên soạn Bạch Vân am cư sĩ phả ký và Ân Quang hầu, người biên tập thơ văn chữ Hán của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thì Nguyễn Dữ không ra làm quan, ẩn cư ở núi rừng Thanh Hóa và làm ra sách Truyền kỳ mạn lục. Sách ấy được Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính, trở thành “thiên cổ kỳ bút”. Nhưng theo bài tựa đề ở đầu cuốn truyện in mộc bản năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), theo Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục, Bùi Huy Bích trong Hoàng Việt thi tuyển và một số bài tựa ở các cuốn Truyền kỳ mạn lục in về sau, thì Nguyễn Dữ có đi thi hương, đậu Hương tiến (tức Cử nhân), sau thi hội, trúng Tam trường và có ra làm quan huyện Thanh Toàn (nay là huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phú), được một năm thì cáo quan về, lấy lý do phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo hiếu, từ đó “trải mấy mươi sương, chân không bước đến thị thành… Theo Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề thì Nguyễn Dữ là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), bạn học với Phùng Khắc Khoan (1528-1613)…”(10). Bùi Duy Tân nhắc lại trong Từ điển văn học: “Nguyễn Dữ, nhà văn Việt Nam, người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân, nay thuộc Thanh Miện, Hải Dương. Thuộc dòng dõi khoa hoạn, từng ôm ấp lý tưởng hành đạo, đã đi thi và có thể đã ra làm quan. Sau vì bất mãn với thời cuộc, lui về ẩn cư ở núi rừng Thanh Hóa, từ đó “trải mấy mươi sương, chân không bước đến thị thành”. Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống đồng thời với thầy học là Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học là Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ XVI và để lại tập truyện chữ Hán nổi tiếng viết trong thời gian ở ẩn, Truyền kỳ mạn lục… Truyện được Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính và Nguyễn Thế Nghi sống cùng thời dịch ra chữ Nôm”(11). Sở dĩ chúng tôi trích dẫn khá dài dòng như vậy để thấy rằng các tài liệu về thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm ra đời tác phẩm Truyền kỳ mạn lục trong các sách vở từ thế kỷ XVI đến nay đại để có vậy, với những thông tin rất sơ sài và không có mấy sai dị.
3. Những vấn đề đặt ra từ quan điểm của các nhà khoa học nước ngoài
Hầu hết các sách vở xưa nay đều cho chúng ta biết rằng: Nguyễn Dữ sống vào thế kỷ XVI, không rõ năm sinh và năm mất, là con ông Nguyễn Tường Phiếu đỗ Tiến sĩ khoa Bính thìn năm 27 đời Hồng Đức (1496). Ông đỗ Hương tiến (Cử nhân), thi Hội đỗ Tam trường (Tiến sĩ), được bổ Tri huyện Thanh Tuyền (?), làm quan được một năm, lấy cớ phụng dưỡng mẹ già cáo quan về ở ẩn. Là học trò giỏi của Nguyễn Bỉnh Khiêm, chịu ảnh hưởng của tư tưởng thày học và tác phẩm Truyền kỳ mạn lục do được Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính mà trở thành “thiên cổ kỳ bút”. Gần đây, học giả Đài Loan là Trần Ích Nguyên trong công trình Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, bằng phương pháp suy luận đã có những ý kiến khá mới mẻ và có lý khiến chúng ta không thể không suy nghĩ lại một cách nghiêm túc vấn đề này. Chỉ một việc các sách vở đều ghi Nguyễn Dữ có đỗ Tiến sĩ và làm quan thôi, lần đầu tiên đã bị nghi ngờ có lý như sau: “Sau khi ông đỗ Hương tiến, “nhiều lần thi Hội đỗ trúng trường”, được bổ chức Tri huyện Thanh Tuyền. Tuy nhiên, chúng tôi (tức Trần Ích Nguyên) tìm trong Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, không thấy tên Nguyễn Dữ trong hàng sĩ nhân trúng cách khoa thi Hội, huyện Thanh Tuyền chính xác ở đâu cũng có nhiều thuyết khác nhau…”(12). Nếu chúng ta mở thêm sách Các nhà khoa bảng Việt Nam(13), quả cũng không thấy có tên Nguyễn Dữ trong những người đỗ Tiến sĩ. Vì thế việc chép Nguyễn Dữ thi Hội đỗ trúng Tam trường là không chính xác. Lý giải việc từ quan của Nguyễn Dữ, cũng có những ý mới, khiến người ta nghĩ đến những lý do khác nữa của hành động này: “Nhưng Nguyễn Dữ làm quan huyện Thanh Tuyền chỉ một năm thì xin từ chức về nhà. Bấy giờ chắc chắn phụ thân ông là Nguyễn Tường Phiếu đã mất, nếu không trong lời Tựa Hà Thiện Hán đã không nói: “từ quan về nuôi mẹ cho tròn đạo hiếu”. Nhưng vì sao Nguyễn Dữ từ quan vội vàng như thế? Có phải vì cha đột ngột qua đời nên ông phải về gấp chịu tang? Hay vì làm quan quá xa không yên tâm để mẹ ở nhà cô quạnh? Hoặc còn có nguyên cớ nào khác nữa chăng? Thực là đủ cho người bỏ công suy nghĩ”(14). “Hồ Huyền Minh tham khảo Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm và Việt Nam đại quan của Lý Văn Hùng, nói Nguyễn Bỉnh Khiêm có hai học trò: người giỏi nhất là Phùng Khắc Khoan, người thứ hai là Nguyễn Dữ. Thuyết ấy chứng minh rằng những sự việc Nguyễn Dữ làm quan, từ quan đều xảy ra trước khi nhà Mạc thoán ngôi nhà Lê (1527), như vậy ghi chép của Thuần Phủ chỉ là hư cấu! Lại nói trong Bạch Vân am tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm nếu quả có ghi chép điều gì tương tự như Công dư tiệp ký thì cũng có khả năng chỉ là nguỵ tác của người đời sau, bởi vì Nghệ văn chí trong Hoàng Việt thông sử có ghi rằng: “Bạch Vân am tập… quyển, lại một bộ nữa… quyển, Nguyễn Bỉnh Khiêm soạn, tự đề tựa, tổng số thơ gồm 1000 bài. Một trong hai bộ đó không có lời tựa, số thơ còn lại chỉ độ một phần mười nguyên tác, chắc chắn do người đời sau biên soạn, nhưng để khuyết tên họ…”(15). Trần Ích Nguyên cũng trích lại ý kiến của Trần Khánh Hạo trong lời thuyết minh về việc xuất bản tập Truyền kỳ mạn lục trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san ở Đài Loan, cho rằng Nguyễn Dữ không phải là học trò mà là người đồng niên, thậm chí thuộc thế hệ trước Nguyễn Bỉnh Khiêm như sau: “Căn cứ vào tiểu truyện họ Nguyễn, năm Vĩnh Định sơ niên, Bỉnh Khiêm nghiễm nhiên là bậc thày của vua, thanh danh rất lớn. Nếu như Nguyễn Dữ là học trò “cao túc” của ông thì e rằng Hà Thiện Hán khi viết lời Tựa không thể bỏ sót tên ông. Vậy thì có thể Nguyễn Dữ chỉ là người đồng thời và có khi còn lớn tuổi hơn Nguyễn Bỉnh Khiêm chút ít”(16). Trần Ích Nguyên cho rằng “đây là một luận đoán khá tin cậy”. Về thời điểm sáng tác Truyền kỳ mạn lục, các tài liệu của ta nói chung không xác định được, nên rất mơ hồ. Chỉ biết rằng, nó được viết vào thế kỷ XVI. Nhưng vào thời gian nào của thế kỷ XVI? Nhiều người cho rằng Nguyễn Dữ viết Truyền kỳ mạn lục sau khi nhà Mạc tiếm ngôi và trong thời gian ông cáo quan về ở ẩn. Trần Ích Nguyên đã cung cấp một số ý kiến khác nhau của các học giả Đài Loan và Nhật Bản về vấn đề này, và giới hạn cụ thể hơn thời gian sáng tác Truyền kỳ mạn lục là “vào khoảng năm 30 của thế kỷ XVI”: “Về thời gian ra đời của Truyền kỳ mạn lục, do còn mơ hồ về năm sinh, năm mất của Nguyễn Dữ mà trước đây vẫn còn tình trạng phỏng đoán ước chừng… Mọi người chỉ có thể nói rằng sách được viết sau khi cha của Nguyễn Dữ đỗ Cử nhân năm Hồng Đức 27 (1496). Người Nhật Bản là Áo Dã Tín Thái Lang trong Truyền kỳ mạn lục được nhìn như một ví dụ của văn học An Nam mới nhận định khá rõ ràng rằng: “Đại khái là trong khoảng thời gian đời vua Thánh Tông (1460) cho đến đời vua Chiêu tông (1527); Xuyên Bản Bang Vệ trong sách Truyền kỳ mạn lục tiểu khảo thì cho rằng “sách phải được viết vào giữa thế kỷ XVI”(17). “GS. Trần Khánh Hạo trong sách Hán văn Việt Nam tiểu thuyết tùng san ở phần “xuất bản thuyết minh” có nói: “Ở cuối thiên Từ Thức tiên hôn lục trong Truyền kỳ mạn lục kể về sự việc năm Lê Diên Ninh 5, tức là Mạn lục được viết xong cũng phải sau năm 1458”. Lúc này chúng ta lại phát hiện ở quyển bốn truyện Kim Hoa thi thoại ký có đoạn viết: “Cuối năm Đoan Khánh, có người học trò là Mao Tử Biên đến du học ở kinh thành”. Đoan Khánh là niên hiêu của Lê Uy Mục, tất cả có 5 năm, tức 1506-1509. Cuối năm Đoan Khánh là chỉ Đoan Khánh 5, tức thời gian sớm nhất Truyền kỳ mạn lục có thể ra đời phải là năm 1509”(18). “Thêm vào đó, gắn bài tựa của Hà Thiện Hán (ông từ quan về nuôi mẹ cho tròn đạo hiếu, mấy năm không đặt chân đến chốn thị thành, thế rồi viết ra tập sách này để ngụ ý) với tiểu truyện Nguyễn Dữ của Lê Quý Đôn (lấy cớ nơi làm việc xa xôi, xin về phụng dưỡng (cha mẹ). Sau vì ngụy Mạc thoán đoạt, thề không đi làm quan nữa, ở làng dạy học, không đặt chân đến chốn thị thành, viết Truyền kỳ mạn lục bốn quyển), có thể suy đoán Truyền kỳ mạn lục viết xong vào những năm 30 của thế kỷ XVI, tức là “mấy năm liền” sau khi “ngụy Mạc cướp ngôi”(19). Trần Ích Nguyên chủ trương rằng: “Nguyễn Dữ vào khoảng năm 30 của thế kỷ XVI đã sáng tác Truyền kỳ mạn lục”(20). Quan điểm này, tuy nhiên vẫn có chỗ chưa thỏa đáng, chúng tôi sẽ xin nói tới ở phần sau. Luận giải của các học giả Đài Loan nằm trong xu hướng chứng minh Nguyễn Dữ là một nhân sĩ triều Lê, đỗ Cử nhân dưới triều Lê, làm quan cho triều Lê, thuộc thế hệ trước hoặc đồng thời với Nguyễn Bỉnh Khiêm, cáo quan về ở ẩn do bất mãn với nhà Mạc, viết Truyền kỳ mạn lục để ký thác tâm sự, sau đó “chết già” trong chốn ẩn cư. Thời điểm sáng tác Truyền kỳ mạn lục có thể là những năm 30 của thế kỷ XVI. Các tác giả cho rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm không thể là thày học của Nguyễn Dữ. Rõ ràng, đây là một bước tiến đáng kể.
4. Những đoán định lại về thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác Truyền kỳ mạn lục
Cho đến nay, những câu hỏi sau đây vẫn đang được đặt ra và đòi hỏi giải đáp: Nguyễn Dữ sinh khi nào? Ông đi thi và làm quan ở thời nào? Vì sao ông cáo quan về ở ẩn? Ông viết Truyền kỳ mạn lục khi nào? Ông có phải là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm không? Nguyễn Dữ có ảnh hưởng tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Bỉnh Khiêm có sửa chữa để Truyền kỳ mạn lục trở thành “thiên cổ kỳ bút” hay không? Để trả lời cho những câu hỏi này, căn cứ hầu như duy nhất hiện nay vẫn là phải dựa vào ghi chép của các nhà biên khảo thời cổ. Chúng ta chỉ có thể áp dụng phương pháp phân tích tính lôgic của thông tin, kết hợp với nghiên cứu thế giới quan và tư tưởng thẩm mỹ của nhà văn trong tác phẩm để đoán định sự việc. Trước đây, khi nghiên cứu về khuynh hướng sáng tác của Nguyễn Dữ(21) và tư tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Bỉnh Khiêm(22), mặc dù chưa nghi ngờ những thông tin về thân thế và mối quan hệ “thày trò” giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ, nhưng chúng tôi cho rằng không thể có việc Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính sách Truyền kỳ mạn lục để nó có thể trở thành một áng văn hay, một “thiên cổ kỳ bút”, bởi vì căn cứ vào nội dung tư tưởng các tác phẩm của hai ông, chúng tôi đã xác định tư tưởng thẩm mĩ của hai ông là hoàn toàn khác nhau, thế giới quan và nhân sinh quan của hai ông cũng khác nhau, từ đó chúng tôi rút ra kết luận rằng: Nguyễn Bỉnh Khiêm là người chủ trương cải tạo con người để bảo vệ trật tự chế độ, còn Nguyễn Dữ lại là người chủ trương cải tạo chế độ để bảo vệ quyền sống của con người. Về thân thế của Nguyễn Dữ, cho đến nay vẫn còn khá mơ hồ. Ngay tên gọi Nguyễn Dữ, gần đây cũng có ý kiến yêu cầu xem xét lại, là Nguyễn Dữ hay Nguyễn Dư, Nguyễn Dụ hay Nguyễn Dự? Chúng tôi tán thành ý kiến của Trần Ích Nguyên cho rằng cách viết tên Nguyễn Dữ với nghĩa dữ là đẹp, như Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí, Văn tịch chí, Truyện ký loại(23). Các ý kiến hiện nay về thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác Truyền kỳ mạn lục chủ yếu dựa vào ghi chép của các tác giả cổ xưa Hà Thiện Hán, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Vũ Khâm Lân, Vũ Phương Đề… Nhưng ngay trong các ghi chép đó, Hà Thiện Hán và Lê Quý Đôn đã không hề nói Nguyễn Dữ có quan hệ thân thiết và là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Căn cứ vào tài liệu hiện còn và vào ý kiến của các nhà nghiên cứu, chúng ta có thể hình dung thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm viết Truyền kỳ mạn lục như sau: – Nguyễn Tường Phiếu đỗ Tiến sĩ khoa thi năm 1496, và con ông ta, Nguyễn Dữ, bước vào con đường khoa hoạn sau ông khoảng từ 10 đến 20 năm là điều có thể hiểu được. Có thể Nguyễn Dữ đi thi trong các đời vua Uy Mục (1505-1509), Tương Dực (1509-1516), Chiêu Tông (1516-1522), hay Cung Hoàng (1522-1527). Điều này phù hợp với luận đoán cho rằng Nguyễn Dữ đi thi, làm quan đều dưới triều Lê, cáo quan trước khi nhà Mạc “tiếm ngôi” (1527), và viết Truyền kỳ mạn lục trong thời gian mới cáo quan ở ẩn từ dưới triều Lê. Cần chú ý tới hai ý kiến: một của Hồ Huyền Minh cho rằng “những sự việc Nguyễn Dữ làm quan, từ quan đều xảy ra trước khi nhà Mạc thoán ngôi nhà Lê (1527)” và một của Trần Khánh Hạo cho rằng “thời gian sớm nhất Truyền kỳ mạn lục có thể ra đời phải là năm 1509”. Theo Trần Văn Giáp: “Ông (Nguyễn Dữ) đậu Hương tiến (Cử nhân) vào khoảng đầu thế kỷ XVI, làm Tri huyện Thanh Toàn (?) rồi xin nghỉ về nhà nuôi mẹ. Trong khi nghỉ, ông soạn ra bộ Truyền kỳ mạn lục”. (…) Đến đời Mạc, sách này được Nguyễn Thế Nghi, tước Đại Hưng hầu, người làng Mộ Trạch diễn dịch ra chữ Nôm (Công dư tiệp ký, q.2, tờ 35)”(24). Cứ như ý đoạn văn trên, thì rõ ràng Trần Văn Giáp không những xác định Nguyễn Dữ thi đỗ, làm quan rồi cáo quan dưới triều Lê, mà còn viết Truyền kỳ mạn lục từ thời Lê. Thậm chí sách này đã rất nổi tiếng và nhiều người biết đến. Nếu không, ông đã không viết “đến thời Mạc, sách này được Nguyễn Thế Nghi, tước Đại Hưng hầu, người làng Mộ Trạch diễn dịch ra chữ Nôm”. Nguyễn Thế Nghi là nhân vật của những năm đầu tiên triều Mạc: “Quê ở thôn Hạ, xã Mộ Trạch, là em ruột Trung quan Đam quốc công Nguyễn Thế Ân, và là chú Phò mã Nguyễn Thế Tứ (có sách chép là anh họ)… Rất sở trường về văn Nôm… Trước kia cùng chơi thân với Mạc Đăng Dung… Đặng Dung cho ông làm một chức lớn, nhưng ông từ chối không nhận. Ông chỉ xin một tước để làm danh xưng và xin lấy hai chữ Đại Hưng làm hiệu”(25). “Tương truyền ông có diễn Truyền kỳ truyện nghĩa, văn chương thanh nhã, và làm bài phú sư Huyền Quang đưa cung nữ. Những tác phẩm ấy hiện nay vẫn còn truyền tụng”(26). Nguyễn Thế Nghi tuổi tác phải ngang với Mạc Đăng Dung nên mới có thể “chơi thân với Mạc Đăng Dung”, mà năm 1529, “khi ấy Mạc Đăng Dung cướp ngôi đã được 3 năm, tự thấy mình tuổi già, bèn đem ngôi truyền cho con trưởng là Đăng Doanh, tự xưng là Thái Thượng hoàng”(27). Trong Lược truyện các tác gia Việt Nam, Trần Văn Giáp tuy nói rằng theo sách Công dư tiệp ký, Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng không hiểu sao khi xếp thứ tự lại đặt Nguyễn Dữ (vị trí số 222) trước Nguyễn Bỉnh Khiêm (vị trí số 236)? Đây là sự nhầm lẫn hay có ý nghi ngờ của tác giả? Phần lớn các sách vở sau này căn cứ vào ý kiến của Lê Quý Đôn, cho rằng Nguyễn Dữ cáo quan về ở ẩn khi nhà Mạc tiếm ngôi và viết Truyền kỳ mạn lục trong thời gian này: “Sau vì ngụy Mạc thoán đoạt, thề không đi làm quan nữa, ở làng dạy học, không đặt chân đến chốn thị thành, viết Truyền kỳ mạn lục bốn quyển, văn từ thanh lệ, người đương thời rất khen”(28). Nhưng nếu chúng ta căn cứ vào nội dung tác phẩm, thì thấy Nguyễn Dữ không hề bênh vực nhà Lê và chỉ trích nhà Mạc. Theo chúng tôi, Nguyễn Dữ có thái độ bất mãn với nhà Lê chứ không phải bất mãn với nhà Mạc. Bởi vì khi đó, các vương triều Lê Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng mà Nguyễn Dữ nếm trải đã quá thối nát và tàn bạo, mâu thuẫn với quyền sống của con người. Khi đó nhà Mạc chưa lên, nhưng nếu ông tiếp xúc với nhà Mạc sớm hơn, trước khi ông cáo quan chẳng hạn, chưa chắc ông đã có thái độ bất mãn như thế. Vì chúng ta biết rằng, những năm đầu triều Mạc không hề đen tối như nhiều người lầm tưởng, mà trái lại, khá sáng sủa, đến nỗi những sử gia phong kiến triều Lê tuy không hề có thiện cảm với nhà “ngụy Mạc” nhưng vẫn ghi lại được khá trung thực tình hình xã hội lúc đó: “Từ đấy người buôn bán và kẻ đi đường đều đi tay không, ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần… Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên”(29). Nguyễn Dữ không phải là một nhà nho cố chấp. Ông có tư tưởng khá cởi mở. Không phải ngẫu nhiên mà ông lựa chọn hình thức tiểu thuyết truyền kỳ để sáng tác. Tư duy tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết truyền kỳ thường dễ chấp nhận những đổi thay và biến ảo(30), đã giúp ông dễ thích nghi với những đổi thay và biến ảo của cuộc đời, miễn là sự đổi thay đó không làm phương hại đến hạnh phúc của con người. Chúng ta tin vào khả năng Nguyễn Dữ đã cáo quan về ẩn cư dưới triều Lê. Nguyên nhân có thể có nhiều, nhưng không thể không liên quan đến thái độ của ông đối với sự đen tối của chế độ đương thời. Đó là những năm tháng con người chịu bao lầm than dưới sự cai trị của những ông Vua Quỷ, Vua Lợn… Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục có thể được ông viết trong thời kỳ này, “để ngụ ý”, như nhận xét của Hà Thiện Hán? Vì thế giọng văn hết sức đau xót và phẫn uất. Và cũng từ đó, “trải mấy mươi sương, chân không bước đến chốn thị thành”. Mấy năm không đến chốn thị thành, nhưng những biến chuyển chính trị tích cực đương thời của mấy năm đầu triều Mạc ông không thể không biết. Nhưng đó cũng chỉ là mấy năm đầu, rồi thì không thể khác được, bánh xe phong kiến lại lăn theo con đường cũ. Trong nhãn quan của ông, tất cả các triều đại phong kiến lúc này đều không tốt đẹp, đều xấu xa. Nhưng vì ông đã viết những dòng bức bối ấy dưới triều Lê, nên có thể đây là một trong những lý do khiến nó được nhiều người “yêu thích” dưới những năm tháng “tươi sáng” triều Mạc, và khiến cho Nguyễn Thế Nghi, một trọng thần của nhà Mạc hứng thú, diễn ra quốc âm để truyền tụng và phổ biến. – Khi Nguyễn Dữ đỗ đạt, làm quan, viết Truyền kỳ mạn lục dưới triều Lê, và tác phẩm này đã được “người đương thời rất khen” (Lê Quý Đôn), thì Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc đó vẫn còn là một nho sĩ nghèo, vô cùng lận đận: “Cha của ông là nhà nho bình dân… Gia đình ông không phải là địa chủ quý tộc. Cha ông nhờ học hành thông minh mới được Thượng thư Nhữ Văn Lan gọi đến gả con gái luống tuổi cho. Qua thơ văn của ông, chúng ta thấy ông thường nói tới cái nghèo, hậm hực về sự ám ảnh của “con ma nghèo”… Có lúc sống trong cảnh thanh bần, ông cố giữ phong thái một “nhà nho quân tử”… nhưng vẫn không quên được thực tế chua cay… Có người cho rằng sở dĩ ông phải ra thi là vì lúc đó nghèo túng quá; tác giả Bạch Vân am sự tích lại cho là vì bạn bè khuyên nhủ. Gia đình có quẫn bách, bạn bè có thôi thúc, nhưng cũng chưa đến cái thế đẩy ông vào cảnh “cố cùng”. Mặc dầu còn “chân trắng”…, nhưng qua thơ văn của ông, ta thấy ông là người có bản lĩnh, chín chắn”(31). “Nguyễn Bỉnh Khiêm không chịu ra thi. Bất mãn với thời cuộc, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sống như một ẩn sĩ… Ngay từ những năm tuổi đời còn trẻ. Sau này, sở dĩ ông ra ứng thí và làm quan với triều Mạc là do tình thế bức bách, đâu phải vì bạn bè khuyên nhủ, gia đình nghèo túng”(32). Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết đến và được đề cao chủ yếu là sau khi thi đỗ Trạng nguyên và làm quan dưới triều Mạc Đăng Doanh. Vì thế, thật khó có thể tin rằng: Nguyễn Bỉnh Khiêm – một người có thể bằng hoặc ít tuổi hơn Nguyễn Dữ, con một nhà nho bình dân, suốt thời trẻ tuổi nghèo túng, chưa đỗ đạt, không danh vọng, đi thi và làm quan (1535-1542) trong thời nhà Mạc, lại là “thày học” của một người có thể bằng hoặc nhiều tuổi hơn, con của một nhà khoa bảng, “lúc nhỏ rất chăm lối học cử nghiệp, đọc rộng nhớ nhiều, lập chí ở việc lấy văn chương truyền nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến, nhiều lần thi Hội đỗ trúng trường, từng được bổ làm Tri huyện Thanh Tuyền” (Hà Thiện Hán), hay “từ nhỏ đã nổi tiếng học rộng nhớ nhiều, có thể lấy văn chương nối nghiệp nhà, đỗ Hương tiến, nhiều lần thi hội trúng Tam trường” (Lê Quý Đôn), từ thời Lê, làm quan và cáo quan từ thời Lê, tức là trước khi nhà Mạc ra đời. Còn việc Nguyễn Dữ bỗng nhiên trở thành “học trò” của Nguyễn Bỉnh Khiêm, “bạn học” của Phùng Khắc Khoan, và việc “thày học” sửa chữa Truyền kỳ mạn lục để tác phẩm trở thành “thiên cổ kỳ bút” có thể chỉ là do nhầm lẫn, hoặc có thể là do người đời vì muốn tôn vinh Nguyễn Bỉnh Khiêm mà gán cho, bởi xét về tư tưởng thẩm mỹ của hai ông là hoàn toàn khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau, bởi chứng cứ về mối quan hệ “thày trò” giữa hai ông là mơ hồ, nó mơ hồ như việc Nguyễn Dữ là “bạn học” của Phùng Khắc Khoan vậy. Bởi vì, năm 1527, năm nhiều người cho rằng vì ngụy Mạc thoán ngôi nên Nguyễn Dữ bỏ về, “thề không đi làm quan nữa” thì “bạn học” Phùng Khắc Khoan vẫn còn chưa ra đời (Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528, mất năm 1613)?! Đã đến lúc chúng ta cần xác định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác Truyền kỳ mạn lục để có thể nhận thức chính xác hơn vị trí và tư tưởng nghệ thuật của ông trong lịch sử văn học. Có thể hình dung về Nguyễn Dữ như sau: Nguyễn Dữ người làng Đỗ Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Cha là Nguyễn Tường Phiếu đỗ Tiến sĩ năm 27 niên hiệu Hồng Đức triều Lê (1496), làm quan đến Thượng thư Bộ Hộ. Không rõ năm sinh, năm mất, nhưng căn cứ vào những luận đoán trên, có thể Nguyễn Dữ sinh vào khoảng cuối thế kỷ XV, thi đỗ Cử nhân chứ không đỗ Tiến sĩ, làm quan và cáo quan về ở ẩn rồi viết Truyền kỳ mạn lục trong khoảng thời gian trước năm 1527, dưới triều Lê. Sau sống ẩn dật và mất tại Thanh Hóa. Luận đoán này bác bỏ thuyết cho rằng Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm và tác phẩm Truyền kỳ mạn lục do được Nguyễn Bỉnh Khiêm phủ chính mà trở thành “thiên cổ kỳ bút”. Nếu luận đoán này hợp lý, thì nó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nhận thức lại thân thế Nguyễn Dữ cũng như tư tưởng nghệ thuật của ông trong Truyền kỳ mạn lục, một trong những tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong kho tàng văn học Việt Nam thời trung đại./. Hà Nội, tháng 2/2005 ______________
(1) Theo Trần Ích Nguyên: Tiễn đăng tân thoại dữ Truyền kỳ mạn lục chi tỉ giảo nghiên cứu (Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục). Đài Loan học sinh thư cục xuất bản, Đài Bắc 1990. Phạm Tú Châu, Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Thị Ngân dịch. Nxb. Văn học, H, 2000, tr.47.(2) Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1977.(3) Vũ Phương Đề: Công dư tiệp ký. (Đoàn Thăng dịch). Tư liệu Viện Văn học.(4) Phan Huy Chú: Đăng khoa lục bị khảo. (5) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. T. III. Văn tịch chí. Nxb. KHXH, H, 1992, tr.169.(6) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí. T. III. Sđd, tr.337. (7) Bùi Văn Nguyên: Lịch sử văn học Việt Nam, T. II, (In lần thứ 5), Nxb. Giáo dục, H, 1978, tr.247.(8) Bùi Văn Nguyên: Lịch sử văn học Việt Nam, T. II, (In lần thứ 5), Sđd, tr.261.(9) Trần Văn Giáp (Chủ biên): Lược truyện các tác gia Việt Nam. T. I, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1971, tr.249.(10) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam, thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII. T. II, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H, 1979, tr.238, 239.(11) Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (đồng Chủ biên): Từ điển văn học (Bộ Mới), Nxb. Thế Giới, H, 2004, tr.1123, 1124.(12) Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Sđd, tr.49, 50.(13) Ngô Đức Thọ (Chủ biên): Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. Văn học, H, 1993.(14) Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Sđd, tr.50.(15) Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Sđd, tr.52.(16) Trần Khánh Hạo: Lời thuyết minh về việc xuất bản tập Truyền kỳ mạn lục trong Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san. Xem Trần Ích Nguyên, Sđd, tr.52.(17) Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Sđd, tr.99.(18) Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Sđd, tr.100.(19) Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Sđd, tr.101.(20) Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Sđd, tr.109.(21) Nguyễn Phạm Hùng: Tìm hiểu khuynh hướng sáng tác trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Tạp chí Văn học, số 2-1987.(22) Nguyễn Phạm Hùng: Xung đột nghệ thuật và tư tưởng thẩm mỹ trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm. In trong Nguyễn Bỉnh Khiêm – Danh nhân văn hoá. Nxb. Văn hoá, H,1991.(23) Xem thêm chú giải của Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kỳ mạn lục, Sđd, tr.71.(24) Trần Văn Giáp (Chủ biên): Lược truyện các tác gia Việt Nam. T. I. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1971, tr.249.(25) Vũ Phương Đề: Công dư tiệp ký. Tiền biên. (Đoàn Thăng dịch). Tư liệu Viện Văn học.(26) Vũ Phương Đề: Công dư tiệp ký. Tục biên. Sđd.(27) Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư. T. IV. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1973, tr.123.(28) Lê Qúy Đôn: Kiến văn tiểu lục. Nxb. Khoa học xã hội, H, 1977. (29) Quốc sử quán triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư. T. IV, Sđd, tr.126.(30) Xem thêm Lỗ Tấn: Trung Quốc tiểu thuyết đích lịch sử đích biến thiên. Toàn tập, T. VIII; M.B. Bakhtin: Lý luận và thi pháp tiểu thuyết. Trường viết văn Nguyễn Du, H, 1992.(31) Bùi Văn Nguyên: Lịch sử văn học Việt Nam, T. II, Sđd, tr.231, 232.
(32) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam, thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII. T. II, Sđd, tr.102
*: TS Nguyễn Phạm Hùng
Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
Lần cập nhật cuối ( Thứ tư, 10 Tháng 11 2010 05:23 )
.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VỀ VỚI AO DƯƠNG
- LỜI CÁM ƠN GIỚI SỦ HỌC ĐÃ ĐEM LẠI NHỮNG NHẬN THỨC ĐỔI MỚI VỀ NHÀ MẠC –
- CÁC THÔNG ĐIỆP CỦA TIỀN NHÂN TẠI LỄ HỘI NÁ NHÈM –
- THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG ĐẨY LÙI CUỘC XÂM LƯỢC CỦA 22 VẠN QUÂN MINH, TRÁNH CHO ĐẤT NƯỚC KHỎI THẢM HỌA CHIẾN TRANH NĂM 1540.
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- LỄ HỘI NÁ NHÈM – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI –
- CỔ VẬT KỲ SỰ: CÂY ĐÈN GỐM THỜI MẠC CÒN NGUYÊN VẸN
- TRỞ LẠI NƠI XUẤT XỨ BÀI THƠ!
- Chữ hiếu xưa và nay
- TÁC PHẨM THƠ “MẠC TRIỀU”
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.