- Đang online: 2
- Hôm qua: 936
- Tuần nay: 18080
- Tổng truy cập: 3,370,350
ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- 5131 lượt xem
ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG
Ký sự của ThS. Đào Tiến Thi, Biên tập viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)
Thăm chùa Đà Quận
Tôi họ Đào nhưng từ nhỏ đã nhiều lần được bố tôi và các cụ trong họ kể rằng dòng họ nhà mình vốn là họ Mạc. Có cụ Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1280 – 1346) nổi tiếng thông minh và liêm khiết; có cụ Mạc Đăng Dung (1483 – 1541) trí dũng song toàn, phụng sự vua Lê. Năm 1527, vua Lê Cung Hoàng tuyên Chiếu nhường ngôi, cụ Mạc Đăng Dung đã lập nên triều Mạc. Nhà Mạc đóng đô ở Thăng Long, cai quản đất nước 65 năm (1527 – 1592), về sau thất thế phải rút lên Cao Bằng và cải họ để tránh sự truy sát của nhà Lê – Trịnh. Trên Cao Bằng, những người ngày nay mang họ Hoàng chính là từ họ Mạc mà ra – các cụ bảo thế.
Năm 2004, người trưởng họ Đào của tôi may mắn tìm được một quyển gia phả của dòng họ, tôi liền đem đến Viện Hán Nôm thuê dịch. Cuốn này có lẽ cũng chỉ là một phần của gia phả, vì chỉ thấy ghi từ cụ tổ đầu tiên lên đất Lập Thạch, Vĩnh Phúc, trong khi gia phả nói rõ đời trước ở Thái Thụy, Thái Bình. Những cụ tổ đầu lên Vĩnh Phúc còn mang họ Đào Đăng, đến đời thứ chín mới đổi thành Đào Tiến. Gần đây, liên hệ được với bác Mạc Văn Trang, bác Thái Kế Toại và anh Phan Đăng Thuận là những người gốc họ Mạc, am hiểu nhiều về sử họ Mạc, thì khát khao tìm về tộc họ gốc của mình càng cháy bỏng trong tôi. Nhân chuyến đi công tác của cơ quan lên Cao Bằng, tôi đã tranh thủ về nguồn.
Chiều tối ngày 6-11-2015, sau khi đi thăm Trường Tiểu học Đàm Thủy (Trùng Khánh) và tham quan thác Bản Giốc cùng anh em trong đoàn công tác, về đến TP. Cao Bằng, tôi bắt vội taxi đi tìm di tích thành Bản Phủ, cách thành phố Cao Bằng khoảng 10km (đừng nhầm với thành Bản Phủ ở Điện Biên, gắn với cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất). Tài liệu có trong tay quá ít ỏi và cũng không kịp tìm ai am hiểu để hướng dẫn, chỉ nhờ được cháu Hoàng Kiều, nhân viên của khách sạn dẫn đi. Cháu Kiều hôm ấy đang nhiều việc ở khách sạn, con nhỏ lại đang sốt nhưng đã rất nhiệt tình giúp, phần vì tôi đang là khách ở đây, phần có lẽ vì tôi đã kể với cháu rằng họ Hoàng của cháu không khéo cũng có gốc từ họ Mạc mà ra. Cháu gọi hãng taxi bảo họ tìm cho một anh xế nào có hiểu biết về khu vực thành Bản Phủ. Công ty cho số máy một anh taxi theo đúng yêu cầu. Để chắc chắn, cháu phải hỏi thử anh ta hàng loạt địa danh mà tôi đang cần, xem anh ta có biết không: cánh đồng Cao Bình, thành đất Bản Phủ, hồ Sen, giếng Ngọc (Bó Phủ), chùa Đà Quận (Nà Quận), đền Nà Lữ, v.v..
Theo một số tác giả, Cao Bình là gọi chệch từ Cao Bằng, nghĩa rộng chỉ cả vùng Cao Bằng, nghĩa hẹp chỉ vùng đất thuộc xã Hưng Đạo, một thời là thủ phủ của xứ Cao Bằng khi nhà Mạc đóng đô tạm ở đây. Nay Cao Bình chỉ là tên một cánh đồng. Xã Hưng Đạo trước 2010 thuộc huyện Hoà An, nay thuộc TP. Cao Bằng. Xã có xóm Đà Quận, nơi có chùa và đền Đà Quận (người ở đây còn gọi là Nà Quận).
Bóng tối đang đổ sập xuống. Giữa cánh đồng Cao Bình lúa đang chín, tôi không tìm được một dấu tích nào để có thể gọi là “thành”. Cũng không một ai biết để chỉ cho. Cháu lái taxi đành chỉ đưa đến chùa Đà Quận (ở đấy vừa có chùa, vừa có đền; đền lại thờ một vị khác không liên quan đến chùa). Chùa Đà Quận (còn gọi là Nà Quận) được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ XVII, thờ Đà Quận Công Mạc Ngọc Liễn, một danh tướng của nhà Mạc. Ông vốn người họ Nguyễn (Nguyễn Liễn), phò nhà Mạc nên được cải sang họ Mạc. Ông cùng Mạc Kính Điển và Mạc Đôn Nhượng (hai thân vương nhà Mạc) trở thành ba trụ cột cho nhà Mạc, chống nhau với nhà Lê – Trịnh. Bản thân ông đánh trăm trận, công nghiệp vô cùng to lớn. Ông lâm bệnh mất khi đi đánh trận ở vùng Yên Tử, Vạn Ninh (Quảng Ninh). Hằng năm nhân dân vùng Đà Quận tổ chức lễ hội vào mùng 9 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ ông.
Đường đất xấu, đến nơi thì người giữ chìa khóa cổng lại đi vắng. Hỏi thăm và chờ ít phút, khi gặp được người giữ chìa thì anh bạn đi cùng nhất nhất đòi về. Anh cần kịp giờ giao lưu với Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng như đã hẹn, vì anh là trưởng đoàn nên không thể đến muộn.Tôi chỉ còn biết bái vọng và chụp vội vài kiểu ảnh trước khi bóng tối đổ sập xuống hoàn toàn. Dưới bóng trời chạng vạng tối, mái cong của ngôi chùa in rõ lên nền trời, càng làm cho tôi cảm hoài khôn xiết về những bước phong trần tha hương của tổ tiên mình thuở trước.
Gặp người hậu duệ nhà Mạc
Sau bữa cơm tối giao lưu với Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng, tôi cảm thấy vẫn vô cùng áy náy, rằng sao mà mình đã “vội dời chân đi” như thế, liền gọi bác Mạc Văn Trang. Bác Trang cho biết ở rìa làng tiếp giáp với cánh đồng Cao Bình, nay còn có một người hậu duệ nhà Mạc đang sống, đó là cụ Bùi Nguyễn Long, năm nay ngoài tám mươi tuổi. Nếu đến đó sẽ được bác Long cho biết nhiều thông tin về di tích nhà Mạc.
Biết làm thế nào khi thời gian ở đây chỉ còn đến 7g sáng mai là phải xuôi về Hà Nội ? Thế là bảo anh bạn, rằng sáng mai tôi lại đi Cao Bình, sẽ về sát giờ xe chạy, nếu lỡ về muộn thì nhờ anh chuyển hành lý lên xe giúp và tôi sẽ đuổi theo sau. Nhưng anh bạn bảo nên đi thật sớm để về kịp và anh lại muốn đi cùng, vì anh cũng mang họ Hoàng, biết đâu chẳng khám phá ra điều gì thú vị.
Tôi gọi cháu taxi hôm qua, bảo 4g30 đến đón, nhưng cháu kêu sớm quá, lúc đến làng sẽ chưa đầy 5g, trời miền núi mùa này hãy còn tối lắm, khó mà gặp được ai để hỏi thăm, vì ở nơi làng quê vốn không có thói quen đi thể dục buổi sáng. Nhưng tôi nghĩ chắc cháu còn nghi ngại khi đi với người lạ vào lúc tối trời chăng. Cuối cùng thống nhất là 4g45.
Đến nơi thì ra ngôi nhà này chính cháu taxi ấy đã có lần đưa khách đến, nghe đâu đó là mấy ông giáo sư ở Hà Nội đi khảo cứu về lịch sử.
Bác Bùi Nguyễn Long năm nay 82 tuổi, bị liệt nửa thân dưới, chỉ có thể ngồi tại giường, không thể đi lại bước nào, nhưng tinh thần vẫn rất minh mẫn. Bác kể đời ông cụ thân sinh bác vốn ở trong Nghệ, vì quyết tâm giữ di tích nhà Mạc nên cụ đã dời quê từ Nghệ An lên Cao Bằng. Năm 1930, cụ xây tại nơi cố cung của nhà Mạc xưa một ngôi biệt thự gọi là Hoa Sen (tiếng Pháp:Lotus de Villace). Ngôi biệt thự nay đã sửa sang phần nội thất nhưng cấu trúc khung nhà vẫn giữ nguyên. Ngôi biệt thự nằm ở cuối làng, phía trước là cánh đồng Cao Bình (không thấy ao sen, hay là sen đã tàn mà tôi không thấy rõ vào lúc trời chưa sáng hẳn). Bác Long gái (bác Niêm) tuổi cũng đã cao nhưng còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Bác dẫn chúng tôi đi thăm giếng Ngọc (Bó Phủ) và di tích còn lại của thành Bản Phủ xưa. Thành Bản Phủ nay chỉ còn là đoạn bờ đất thấp có lũy tre rậm rạp, dài khoảng trăm mét và nằm ngoài thổ cư của nhà bác Long. Nếu không có người giới thiệu, không ai nghĩ nó là thành. Nhưng điều này hoàn toàn hiểu được vì thành đắp bằng đất, trải qua ba, bốn trăm năm mưa nắng dãi dầu cộng với sự vô tâm của con người, thì nay còn được như thế đã là may. Chỉ tiếc rằng cho đến giờ nhà nước vẫn không có chủ trương gì để bảo vệ. Theo bác Long, cư dân đến đấy ở có nhiều người từ “phương Bắc” sang. Nhiều kẻ đã gặp “sự cố” nguy hiểm khi dám phá bờ thành.
Chúng tôi tiếp tục đi thăm đền Hoàng Hậu ở gần đấy, ngay cạnh chợ Cao Bình. Đền Hoàng Hậu thờ vợ vua Mạc Kính Vũ, ông vua cuối cùng của nhà Mạc. Theo ông Nguyễn Xuân Toàn, bà Hoàng Hậu rất đẹp, đoan trang, văn võ song toàn, bà chuyên lo dạy các công chúa, phi tần. Ngoài ra bà còn dạy và khuyến khích dân vùng này các nghề canh cửi. Năm 1677, quân Lê -Trịnh tấn công thành Cao Bình, vua Mạc Kính Vũ rút vào hậu cứ, còn bà ở lại đốc chiến. Thành vỡ, bà cùng hai công chúa chạy về phía hồ Ba Bể (Bắc Kạn). Khi giặc đuổi kịp, bà nắm hai tay hai công chúa nhảy xuống sông Dẻ Rào tự vẫn. Xác bà trôi trở lại Bản Phủ. Nhân dân thương tiếc vớt lên chôn cất chu đáo và lập đền thờ, hương khói cho đến ngày nay.
Sáng sớm nên đền chưa mở. Tôi lại chỉ biết đứng ngoài bái vọng và chụp vài kiểu ảnh. Toan đi tiếp sang thành Nà Lữ (qua cầu sang bên kia sông) cách độ vài cây số. Nhưng đã kíp giờ lên đường xuôi Hà Nội của đoàn nên đành phải quay về. Lòng biết bao ngậm ngùi.
Thay lời kết
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non,
Nàng về nuôi cái cùng con,
Ðể anh đi trảy nước non Cao Bằng
Cao Bằng xa lắm ai ơi…
Mấy câu ca dao ám ảnh tôi từ thời trẻ con. Sách giáo khoa lịch sử hồi ấy nói rằng bài ca dao này là tiếng than thở của những người lính phải đi chiến trận cho nhà Mạc trong nội chiến Nam – Bắc triều, hàm ý oán ghét cuộc chiến tranh phi nghĩa của nhà Mạc. Đến nay tôi thấy chẳng có lý do gì để gán cho nó điều đó. Mà nếu nó thật sự xuất hiện vào thời Mạc thì đã chắc gì phê phán nhà Mạc? Đó là lời than của những người lính bên Lê – Trịnh thì sao? Có thể lắm, vì văn cảnh bài ca dao cho thấy là người đi, đi từ dưới xuôi lên Cao Bằng. Nhà Mạc khi rút lên Cao Bằng thì chỉ có thể tuyển lính vùng Cao Bằng, và khi đi đánh nhau với quân Lê –Trịnh thì không thể than “Cao Bằng xa lắm ai ơi” được. Nếu họ tiến về xuôi thì phải là “Thăng Long xa lắm ai ơi” mới phải! Vậy nó chỉ có thể cho thấy một thời trận mạc trong tiến trình lịch sử, thế thôi. Việc nhà Mạc rút lên Cao Bằng và trụ thêm 85 năm (có tác giả cho biết thực ra nhà Mạc còn tồn tại đến 1685, tức hơn 90 năm), đó là một khoảng thời gian khá dài. Trong suốt khoảng thời gian ấy, tổ tiên tôi bị kẹp giữa hai gọng kìm là nhà Lê – Trịnh ở mặt Nam và nhà Minh (sau là Thanh) ở mặt Bắc, chưa kể phải chống chọi với rừng thiêng nước độc trùng điệp thời đó. Về mặt khách quan, họ Mạc đã tạo một bộ mặt mới cho miền viễn biên này. Văn hóa Thăng Long, văn hóa Dương Kinh (Hải Dương) hòa vào văn hóa bản địa để tạo nên một địa tầng văn hóa mới cho miền núi phía Bắc Việt Nam. Công lao mở nước, gìn giữ bờ cõi biên cương của tổ tiên tôi lớn lao biết chừng nào.
Đào Tiến Thi – 8/11/2015
Một số ảnh ghi lại trong chuyến đi:
1. Bác Niêm (vợ bác Bùi Nguyễn Long) dẫn chỉ di tích thành Bản Phủ
2. Giếng Ngọc (Bó Phủ)
3. Tác giả bên đền Hoàng Hậu (thờ vợ vua Mạc Kính Vũ)
4. Tác giả cùng cháu Hoàng Kiều bên chùa Đà Quận (chiều tối)
5. Chùa Đà Quận (ảnh của Thái Kế Toại)
6. Biệt thự trên nền cố cung của nhà Mạc (tư gia bác Bùi Nguyễn Long)
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- HAI BÀI THƠ của GS VĂN TẠO và TS HOÀNG LÊ
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.