- Đang online: 1
- Hôm qua: 401
- Tuần nay: 11211
- Tổng truy cập: 3,387,940
TỪ DI CẢO CỦA CHA TÔI
- 286 lượt xem
Hoàng Gia Cương
Trong di cảo của cha tôi có đủ thể loại, có lắm đề tài, từ những bài gia huấn đến những bài ca ngợi Bác, ca ngợi cách mạng; từ vịnh cảnh, vịnh tình, đến vịnh quê hương đất nước và cổ vũ phong trào kháng chiến kiến quốc; thậm chí có cả thơ châm biếm đả kích … Nhưng có lẽ mảng thơ viết về gia đình, về mẹ tôi, về con cháu làm cho chúng tôi xúc động sâu sắc nhất.
Người ta thường viết về những người thành đạt, những nhân vật thành danh trong mọi lĩnh vực khác nhau, chứ hầu như không ai viết về những con người bình thường mà tiếng tăm chỉ gói tròn trong dòng họ, trong làng xã và trong một số nhỏ nhoi của những người bạn thân quen.
Vì thế mà tôi cứ phân vân mãi không biết mình có nên viết bài này không? Vì viết về một người bình thường, lại là người thân, nên tôi thật sự thấy rất khó viết. Tuy vậy, khi cầm tập di cảo của cha tôi trên tay, ngẫm lại cả một quãng đời trải dài hơn tám chục năm của cha tôi, tôi lại muốn viết. Tôi viết vì sự tri ân đối với người cha quá cố, vì thấy cái lớn lao trong một con người, vừa có nét khác thường lại vừa bình dị như bao nhiêu người cha đất Việt.
Cách đây 34 năm, năm 1974, cha tôi đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi 82, nghĩa là cụ đã mất 1 năm trước ngày miền Nam giải phóng, trước ngày non sông nối liền một dải. Suốt nửa cuộc đời cụ chờ mong ngày nước nhà đại thắng, ngày mà những người con, người cháu của cụ chiến đấu trên khắp mọi miền đất nước được sum họp dưới mái nhà cha mẹ, dưới bàn thờ tổ tiên. Cụ đã nhắm mắt xuôi tay khi mà trong lòng còn chất chứa bao điều nuối tiếc chờ mong!
Cha tôi là Hoàng Bá Chuân, hiệu Minh Sơn, một nhà Nho, hậu duệ của Mạc tộc, chắt của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và của Hoàng đế Mạc Đăng Dung. Cụ tổ nhánh chúng tôi là một hoàng tử, phải thay tên đổi họ bởi lệnh tru di tam tộc của vua Lê – chúa Trịnh, di cư vào vùng đất Bố Chính (Quảng Bình ngày nay) khai phá điền thổ và đã tạo lập nên một chi họ lớn bây giờ. Cha tôi là trưởng tộc của chi họ đó.
Có lẽ vì tiếp thu cái gene di truyền từ cụ Thái tổ Mạc Đĩnh Chi mà dù điều kiện học hành thi cử gặp thời suy vi, bị hạn chế, cha tôi cũng thông thuộc “Tứ Thư” “Ngũ Kinh”, trở thành một nhà Nho khá tiếng tăm của cả một vùng. Suốt cuộc đời cha tôi đã sáng tác hàng ngàn bài thơ, hàng trăm bài văn, bài phú và vô số câu đối cả bằng Hán tự và bằng quốc ngữ. Cũng cần nói thêm là cả chữ Hán và chữ quốc ngữ, cha tôi đều hầu như hoàn toàn tự học.
Do điều kiện chiến tranh, nhà bị đốt, phải chạy giặc khắp nơi qua thời Nhật chiếm đóng và qua 2 cuộc kháng chiến dài lâu, các tác phẩm của cụ đã thất lạc mất mát rất nhiều. Tuy vậy, trước khi vĩnh viễn ra đi, cụ còn để lại cho con cháu 5 tập văn thơ chép tay, trong đó có 1 tập là thơ chữ Hán. Cứ như thời buổi bây giờ, có sẵn điều kiện xuất bản và in ấn thì có lẽ cụ đã có hàng chục tác phẩm văn chương trình diện với đời. Gần đây anh em chúng tôi đã cố gắng sao chép và in một phần trong số đó, thành một tập với chừng trên 300 bài thơ, một số bài văn và câu đối để bảo tồn di cảo của cụ.
Năm tròn 80 tuổi, cha tôi đã làm bài thơ “Bát tuần tự vịnh” để tổng kết cuộc đời, để giáo huấn và nêu gương cho con cháu:
Bát tuần đã trải việc đời nhiều
Chân chính bao nhiêu phúc bấy nhiêu
Nhân hậu thói nhà in một nếp
Trung kiên việc nước đủ trăm chiều
Lòng son phới phới vầng trăng rọi
Tóc bạc phơ phơ ngọn gió phiêu
Hôm sớm sân Lai (*) thêm sắc mới
Sum vầy con cháu tiếng vui reo!
(*) Sân Lai: Theo điển tích: Lão Lai Tử khi đã về già hằng ngày vẫn đến trước mặt cha mẹ làm trò cho cha mẹ vui. Sân Lai có nghĩa là sân nhà cha mẹ.
Khi đọc bài thơ này chắc mọi người cũng hình dung ra được cái cốt cách nhà Nho trong con người cha tôi. Một nhà Nho thật sự chân chính bao giờ cũng đặt nghĩa nước lên trên tình nhà, đặt tinh thần lên trên vật chất và không bao giờ hệ lụy cầu mong phú quý vinh hoa. Suốt cuộc đời cha tôi đã làm theo điều đó và luôn dạy anh em con cháu chúng tôi điều đó.
Cha tôi đã động viên anh em con cháu chúng tôi lên đường cứu nước, không ngại hy sinh, không nề gian khổ. Bản thân cả cha và mẹ tôi đều tham gia kháng chiến, hoạt động ngay trong vùng du kích rất gian khổ và hiểm nguy. Các cụ đã tự tay tiêu thổ kháng chiến theo lời hiệu triệu của Bác Hồ. Cha tôi là Hội trưởng Hội Liên Việt trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp. Mẹ tôi cũng là Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ.
Từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước, cha tôi đã từng hiến tất cả tài sản ruộng vườn cho chính quyền địa phương, không giữ lại một thứ gì ngoài hai bàn tay trắng với niềm tin vô hạn vào sự thành công của cách mạng, vào vị Cha già dân tộc. Cũng với niềm tin đó mà cha tôi đã là tấm gương để chúng tôi mãi mãi noi theo, tuyệt đối trung thành với nước với dân, sẵn sàng hy sinh vì nước vì dân.
Cha mẹ tôi sinh được 7 người con, toàn trai. Người ta vẫn thường nói là các cụ có thất hiền. Là một gia đình làm ruộng nghèo, sống ở một vùng quê nghèo nàn khắc nghiệt nhưng cha mẹ tôi luôn coi trọng việc học hành của con cái.
Anh cả tôi là Hoàng Bá Trình luôn ốm yếu nên không thể đi học trường xa, nhưng anh vẫn được cha tôi cho học hành đầy đủ ngay ở quê nhà. Tôi còn nhớ anh là người viết chữ rất đẹp, ít có ai sánh bằng. Người anh thứ hai của tôi là Hoàng Thúc Cảnh làm gia sư ở An Cựu (Huế). Được chừng hơn 2 năm thì anh Cảnh kéo thêm người anh thứ ba của tôi là anh Hoàng Thúc Tuệ và sau đó anh thứ tư của tôi là Hoàng Thúc Cẩn tiếp tục vào. Có thể khẳng định rằng cha tôi là người đã đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp của tất cả các con, và cả thế hệ các cháu sau này.–PageBreak–
Cách mạng Tháng 8 bùng nổ, anh Cảnh tham gia cướp chính quyền ở Thanh Hóa, anh Tuệ và anh Cẩn thì tham gia ở ngay huyện nhà. Cũng từ đó các anh trở thành những cán bộ cách mạng trên nhiều cương vị khác nhau. Anh Cảnh công tác ở Liên khu 4, có thời gian là Bí thư của cụ Hồ Tùng Mậu trước khi cụ mất. Anh đã công tác liên tục tại Văn phòng Chính phủ suốt gần bốn chục năm liền cho tới ngày về hưu.
Anh Tuệ vào học Khóa 1, Trường Sĩ quan Lục quân Quảng Ngãi ngay từ năm 1946 và giữ nghiệp binh cho đến cuối đời. Anh từng là người chỉ huy đánh thắng trận Phù Trịch trên sông Gianh, cuối năm 1949, một trong những trận thắng lớn, nổi tiếng, ở vùng đất Quảng Bình. Anh Tuệ cũng đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên lịch sử.
Anh Cẩn cũng giữ nghiệp binh cho đến lúc về hưu. Anh là người chỉ huy đánh trận Phát Diệm, năm 1951. Trong chiến dịch Hòa Bình (1952), anh từng được “truy điệu”, nhưng đã chỉ huy đơn vị tự giải vây trở về sau hàng tuần bị địch vây hãm, bị mất liên lạc và hoàn toàn bị chia cắt khỏi đại quân.
Người anh thứ tư của tôi là Hoàng Thúc Tấn. Cuối năm 1953 anh chính thức thành anh bộ đội Cụ Hồ. Sau khi đi học đại học ở Liên Xô về, anh trở thành một cán bộ kinh tế đối ngoại. Anh từng là Phó Chủ nhiệm (Thứ trưởng) Văn phòng Chính phủ, Phó đại diện Thường trực Chính phủ Việt Nam tại Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV).
Anh thứ sáu là Hoàng Quý Thân, cũng từng phải làm gia sư để đi học ở Nghệ An trong những năm kháng chiến, xa nhà. Anh đã nhận bằng tiến sĩ ngành Hệ thống điện tại Hungari, từng phụ trách hợp tác quốc tế của ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, từng đi dạy đại học ở Angiêri. Người con thứ bảy của cụ chính là tôi, nay đã ở tuổi 70, từng là anh bộ đội, là nhà giáo, là kỹ sư vô tuyến điện.
Cha tôi là một nhà Nho, cũng có thể nói cụ là một nhà thơ, tuy không nổi danh tên tuổi. Có lẽ chỉ ai đọc tập di cảo của cụ mới có thể khẳng định điều đó.
Năm 1951, nhân Hội nghị Phụ lão toàn quốc, Hồ Chủ tịch có gửi cho các cụ một bức thư. Đó là một bài thơ thể song thất lục bát khá dài (46 câu) viết theo mạch vận “Tam thiên tự”: “Phụ lão ta chín mươi lăm phần trăm thống nhất/ Đoàn kết lại như thiên trời địa đất/ Đồng nhất tâm cử cất tồn còn/ Ông cha ta gây dựng nước non/ Để truyền lại tử con tôn cháu…”. Cha tôi đã có một bài họa đáp lại kịp thời và đã kính dâng lên Bác: “Công đức Cụ như thiên trời địa đất/ Chúng ta nên cử cất tồn còn/ Bắt tay nhau giữ lấy nước non/ Cho hưng vượng tử con tôn cháu…”.
Bài thơ của Bác và bài họa của cha tôi (dài tới 56 câu) mấy năm trước chúng tôi đã cho đăng trên nhiều tờ báo như Báo Văn nghệ, Tạp chí Kiến thức ngày nay, Tạp chí Xưa & Nay và cũng đã in trong một số tập sách như tập “Hồ Chí Minh – chân dung danh nhân văn hóa, hòa bình”.
Trong di cảo của cha tôi có đủ thể loại, có lắm đề tài, từ những bài gia huấn đến những bài ca ngợi Bác, ca ngợi cách mạng; từ vịnh cảnh, vịnh tình, đến vịnh quê hương đất nước và cổ vũ phong trào kháng chiến kiến quốc; thậm chí có cả thơ châm biếm đả kích (như đả kích Mỹ – ngụy…). Nhưng có lẽ mảng thơ viết về gia đình, về mẹ tôi, về con cháu làm cho chúng tôi xúc động sâu sắc nhất. Khi mẹ tôi mất (1951), cha tôi đã viết: “… Rồi đây đánh giặc giặc tan/ Đoàn con cứu quốc khải hoàn thăm quê/ Nhớ lời mẹ dặn ngày về…”.
Với cụ, của cải chỉ là “phù vân”, nên cụ thường căn dặn chúng tôi cái triết lý “sắc sắc không không” của đạo Phật và cái triết lý nhà Nho: “Của phù vân rày có mai không”. Điều đó đã làm cho chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về cách hành xử trong đời của cụ. Cha tôi đã bỏ qua tất cả những gì đau khổ, uất ức từng nếm trải, không thù hận, không oán trách cả những người đã một thời đối xử không tốt với cụ. Đấy chính là cách hành xử của một bậc túc Nho.
Cụ chịu ảnh hưởng tư tưởng của đạo Nho hay đạo Phật? Có lẽ cả hai, mặc dù cụ không là tín đồ của một tôn giáo nào. Sau cải cách ruộng đất, cha tôi tiếp tục sống ở quê một mình, không chịu ra Hà Nội cùng các con. Lý do rất đơn giản, đó là vì cha tôi không thể xa bàn thờ tiên tổ, không thể xa nấm mộ mẹ tôi, cũng không muốn xa xóm làng, bà con thân thuộc. Mãi tới năm 1966, chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ ngày càng trở lên ác liệt, được tỉnh giúp, cha tôi mới ra Hà Nội sống cùng anh em chúng tôi.
Ra Hà Nội chẳng bao lâu, cha tôi đã kết giao được với nhiều cụ nhà Nho đất Hà thành. Đó là cụ Tùng Lĩnh, Lăng Vân, Công Bình, Đại Trạch, Chấn Hưng (thân sinh của nhà thơ – giáo sư Phạm Huy Thông), Lê Hào, nữ sĩ Ngân Giang… Các cụ lập thành tổ thơ Hoàn Kiếm, một dạng câu lạc bộ thơ như bây giờ, hoạt động rất sôi nổi. Có lẽ nhờ hoạt động này mà cha tôi dường như khỏe ra, dường như trẻ lại.
Suốt ngày các cụ họp mặt, đến thăm viếng nhà nhau, ngồi ngâm nga, xướng họa. Cha tôi cũng đã từng họa thơ các cụ Trần Huy Liệu, Phan Anh, Xuân Thủy, Đào Duy Anh, Hoàng Trung Thông, Lê Xung Kích và rất nhiều người khác. Nhiều bài thơ của cụ đã được in trên các báo Cứu Quốc, Thống Nhất, Độc Lập…
Báo Cứu Quốc số 3572 ra ngày 16/1/1972, trong bài tổng kết cuộc họa thơ “Cây cao bóng cả” của Bộ trưởng Phan Anh có viết: “…Một buổi tối mùa hè 1971, lúc 8h, cụ Hoàng Bá Chuân, một nhà Nho lão thành ở 64 Hàng Bạc, Hà Nội, tới tòa soạn cùng với con là kỹ sư Hoàng Gia Cương đưa thơ họa mà cụ vừa sửa lại. Đồng chí Hoàng Gia Cương cũng đã họa một bài. Cụ Chuân còn có 3 người con nữa là kỹ sư Hoàng Thúc Tấn, Đại úy Mai Cẩn (tức Hoàng Thúc Cẩn) và đồng chí Hoàng Quý Thân, nghiên cứu sinh hiện đang học ở nước bạn Hungari. Cả 3 đồng chí đó đều có thơ họa để gửi tới tòa soạn. Thơ họa của đồng chí Thân từ thủ đô Budapest gửi về. Tất cả những bài thơ của gia đình cụ đều mỗi bài một vẻ khác nhau…”.
Tuy cùng ở Hà Nội nhưng anh em chúng tôi mỗi người mỗi phường, mỗi quận, cách nhau khá xa. Vậy mà vào ngày chủ nhật hay nghỉ lễ là cha tôi lại theo tàu điện hay cuốc bộ một vòng, đến từng nhà thăm con cháu. Chiến tranh lan ra Hà Nội, cụ cũng đi sơ tán như mọi người. Đi sơ tán, các cụ trong tổ thơ vẫn tìm cách liên lạc với nhau, gửi cho nhau tác phẩm mới và mời nhau xướng họa.
ở cõi vĩnh hằng chắc hẳn cha tôi đã siêu sinh tịnh độ. Tôi viết bài này như thắp một nén hương trước vong linh người cha mà tôi luôn tôn thờ, yêu kính. Tuy vậy, suy cho cùng đây đâu chỉ là một việc riêng tư?
9/2008
Hoàng Gia Cương
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.