- Đang online: 1
- Hôm qua: 319
- Tuần nay: 10551
- Tổng truy cập: 3,387,810
TỪ BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI ĐẾN HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- 423 lượt xem
Kỷ niệm 20 năm hoạt động và đóng góp
của Ban Liên Lạc Họ Mạc Hà Nội (1994-2014)
=============================
TỪ BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
ĐẾN HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM
Thái Kế Toại
Nguyên Phó Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội
Nguyên Phó Ban Liên lạc Lâm thời họ Mạc Việt Nam
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam
Người móc nối đầu tiên để tôi tham gia Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội là ông Hoàng Cao Quý, lúc đó là Phó Văn phòng Bộ Công an. Khi đó Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội mới được thành lập. Những buổi sinh hoạt thường ở nhà ông Bùi Trần Chuyên, Trưởng ban đầu tiên, một căn hộ ở tầng ba nhà D2 trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Một căn phòng giản dị chừng 20 mét vuông, được dùng làm buồng thờ và buồng khách. Mọi người ngồi bệt trên chiếu trải xuống nền nhà.
Ông Bùi Trần Chuyên ở chi họ Bùi Trần tại Quất Động, Thường Tín tỉnh Hà Tây cũ. Thủy tổ của chi họ Bùi Trần là hoàng tử Mạc Phúc Đăng con của Hoàng đế Mạc Hiển Tông tức Mạc Phúc Hải. Khi Thăng Long có chính biến (năm 1546) bà Quý phi Bùi Thị Ban đã đem Mạc Phúc Đăng lánh về Quất Động, sau năm 1592 đổi họ Mạc sang Bùi, lấy tên đệm là tên họ của bà nội Trần Thị, hoàng hậu của vua Thái tông Mạc Đăng Doanh.
Ông Quý là hậu duệ của Phó vương Mạc Đăng Lượng ở Nghệ An
Ông Quý nhiệt thành với công việc phục hưng dòng họ Mạc. Do điều kiện công tác thuận lợi ông đã đi nhiều địa phương, phát hiện nhiều anh em công an, một số chi họ gốc Mạc. Đặc biệt phía Nam ông đã liên hệ với các chi họ gốc Mạc Nguyễn Trường hậu duệ Mạc Cảnh Huống ở Duy Xuyên; chị họ Hoàng ở Điện Quang, Điện Bàn hậu duệ Hoàng Diệu; chi họ Phạm ở Mộ Đức của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Quý làm Phó ban liên lạc thường trực cho ông Hoàng Lê.
Những ngày ấy tham gia bàn thảo công việc họ còn có những bậc lão thành như cụ Hoàng Hữu Xứng, cụ Phan Đăng Diêu, cụ Thái Duy Thẩm, cụ Lều Thọ Vực, cụ Thạch Văn Thụ, cụ Nguyễn Ngọc Cầu, cụ Vũ Tiến Liễu, cụ Phạm Vĩnh Hanh… Đôi khi còn có cả đại diện các chi họ tỉnh xa về như ông Mạc Văn Kết từ Lũng Động; ông Mạc Đình Ngọc, Mạc Như Thiết từ Cổ Trai; ông Phạm Văn Sênh từ Yên Dũng Bắc Giang; ông Vũ Tiến Sủng, Bùi Đăng Uyển, Vũ Như Úy từ Thái Bình; Phạm Trọng Thanh từ Nam Định; ông Mạc Văn Mến từ Cao Bằng; ông Hoàng Trần Mai từ Thanh Hóa; ông Nguyễn Phương Thoan từ Nghệ An; ông Mạc Xuân Kỷ, Mạc Đường từ thành phố Hồ Chí Minh ra…
Về các bậc tiền bối không thể không nhắc đến công sức của ông Hoàng Lê từ những ngày đầu hình thành một đường dây móc nối giữa những người con họ Mạc đi đầu công việc phục thủy Mạc tộc trong phạm vi cả nước. Ông Tiến sỹ Hoàng Lê là hậu duệ của thủy tổ Mạc Đăng Khuê di cư đến xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Do công tác ở Viện Hán nôm năm 1980 ông đã được giao dịch từ chữ Hán ra chữ Việt gia phả của dòng họ Hoàng gốc Mạc Nông Cống. Cũng từ cách đổi tên của dòng họ mà ông phát hiện ra mật mã thông điệp của tổ tiên Khử túc bất khử thủ, cái chìa khóa để phục thủy họ Mạc. Tháng 4/1987, chi họ Thạch ở Ninh Hiệp với sự ủy thác của 20 chi họ Mạc, đã nhờ ông tổ chức biên dịch cuốn Mạc thị thế phả hợp biên gồm thế phả họ Mạc ở Trung Quốc, thế phả họ Mạc Long Động Hải Dương, thế phả họ Lều Nhị Khê và nhiều gia phả của các họ Bùi, Phạm, Hoàng…Cuốn sách ra mắt trong dịp gặp mặt các chi họ Mạc, gốc Mạc đã tìm được nhau đầu xuân năm 1988 tại từ đường họ Thạch. Đây là một sự kiện quan trọng của quá trình phục hưng họ Mạc. Khi Ban Liên lạc họ Mạc được thành lập ông Hoàng Lê nhận trách nhiệm Phó ban. Khi ông Bùi Trần Chuyên mất năm 2000 ông thay làm Trưởng ban liên lạc Hà Nội cho tới 2006. Trao lại trách nhiệm Trưởng ban liên lạc cho ông Phan Đăng Nhật ông vẫn nhận làm Trưởng tiểu ban nghiên cứu lịch sử dòng họ. Với vai trò của ông hầu hết các ấn phẩm quan trọng của họ Mạc trong giai đoạn này đã được thực hiện như “Những chuyện kể về Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi”, “Gương sáng dòng họ” 3 tập, “Hợp biên thế phả họ Mạc”. Mặc dù rất khó khăn nhất là về tài chính nhưng các tập sách trên vẫn xuất bản được và đến tay bà con họ Mạc cùng công chúng trong và ngoài nước. Đặc biệt ông đã chủ biên Hợp biên thế phả họ Mạc một công trình đồ sộ, một dấu ấn quan trọng của Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội trên tiến trình phục hưng dòng họ.
Trong hơn mười năm từ 1994 đến 2005 Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội đã được các Ban Liên lạc họ Mạc các tỉnh thành coi như là một trung tâm đoàn kết quy tụ hậu duệ họ Mạc trong cả nước, một đầu não trí tuệ triển khai các quan hệ nghiên cứu khoa học lịch sử chiêu tuyết cho dòng họ.
Ban Liên lạc họ Mạc năm 2006 có bước đột phá mới là trẻ hóa với ba gương mặt trẻ làm Phó ban là Bùi Trần Tuấn và Nguyễn Minh Đức, Lê Hoài Giao.
Năm 2008 là năm Ban Liên lạc họ Mạc có những chuyển biến lớn trước yêu cầu đổi mới công tác họ. trong cuộc họp tổng kết công tác năm 2007 tại Bảo tàng Quân đội, tôi có phát biểu đề nghị sau khi đã hoàn thành cơ bản mục tiêu khôi phục lịch sử và chắp nối dòng họ cần có sự xác định mục tiêu chiến lược giai đoạn mới và đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động thích hợp hiện đại. Tuy nhiên vẫn có ý kiến chỉ nên hoạt động như phương thức cũ nhưng đa số các bác trong hội nghị tán thành ý kiến của tôi, giao cho Ban Liên lạc xúc tiến xây dựng kế hoạch.
Trong cuộc gặp mặt ngày 15/6/2008 tại UBND huyện Kiến Thụy, Hải Phòng và cuộc gặp mặt ngày 21/9/2008 nhân lễ giỗ Mạc Thái tổ tại Cổ Trai, các Ban liên lạc họ Mạc ở các tỉnh đã đề nghị xúc tiến thành lập Ban Liên lạc họ Mạc Việt Nam, đề nghị Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội đứng ra chủ trì việc thành lập.
Tháng 10/2008 thường trực Ban Liên lạc bổ sung ông Thái Kế Toại làm Phó ban thường trực, cử ông Mạc Văn Trang làm Phó trưởng ban. Anh Bùi Trần Tuấn giữ nhiệm vụ Thư ký Ban Liên lạc kiêm Trưởng tiểu ban Tổ chức- Hành chính. Tôi còn kiêm Trưởng Tiểu ban tuyên truyền – báo chí.
Với trách nhiệm mới tôi bắt tay xây dựng kế hoạch hiện đại hóa công tác tuyên truyền báo chí của họ Mạc. Ngoài việc tiếp tục xuất bản văn hóa phẩm, tuyên truyền trên báo viết tôi mạnh dạn đề xuất lập trang báo mạng Mạc tộc và tổ chức làm phim lịch sử về nhà Mạc, họ Mạc.
Với số tiền ít ỏi ban đầu 10 triệu đồng lấy từ quỹ của Ban Liên lạc họ Mạc Hà Hội, anh Bùi Trần Tuấn cùng con trai tôi là Thái Doãn Nguyên thiết kế phần mềm và đánh máy hàng ngàn trang tài liệu, scan hàng mấy trăm bức ảnh. Ngày 18/5/2008 trang Web Mactoc.net đã lên mạng với tiêu đề Mạc Tộc Việt Nam. Ngay lập tức Mactoc.net đã thu hút đông đảo con cháu họ Mạc cả nước và bạn đọc quan tâm. Nhờ trang Web nhiều chi họ ở một số tỉnh chưa có thông tin để kết nối Mạc tộc đã được tôi hướng dẫn liên lạc với Ban liên lạc họ Mạc ở địa phương. Cũng qua trang Web tôi đã kết giao với trang web của các dòng họ Lê, Trịnh, Phạm, Bùi…, trao đổi nội dung tuyên truyền cho các trang web bè bạn như Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, Bô xít… Do một mình vừa phải làm Tổng Biên tập vừa làm quản trị trang trong điều kiện còn công tác và không có kinh phí sau một năm tôi đã thông báo xin nghỉ và chuyển giao cho ông Thái Khắc Việt. Tiếc rằng do yếu về kỹ thuật, nhân viên của ông Việt đã làm hỏng phần mềm của chương trình. Sau ông Mạc Văn Trang đã chỉnh sửa và khôi phục được nhưng còn nhiều danh mục vẫn chưa khôi phục được hoàn toàn.
Tôi có ý định làm thử một bộ phim tài liệu ngắn về Nhà Mạc ở Cao Bằng trước, sau đó sẽ tiến hành làm phim về toàn bộ nhà Mạc, họ Mạc. Nhưng thấy rằng nếu vào dịp tháng 10/2009 vừa lễ kỷ niệm Mạc Thái Tổ vừa động thổ Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc thì cần phải có một bộ phim lớn. Quan trọng là lúc đó toàn thể Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội nhiệt tình ủng hộ nhất là khả năng tài chính của anh Phan Mạc Tuấn đang là Trưởng Tiểu ban kinh tế tài chính. Thế là tôi bắt tay vào viết kịch bản và tổ chức kíp làm phim. Đạo diễn thì mời anh Mạc Văn Chung một hậu duệ trẻ, đạo diễn có tay nghề. Quay phim phải thuê ngoài. Chủ nhiệm là anh Hoàng Minh Tuấn. Trợ lý là anh Phan Đăng Thuận. Kỹ thuât là anh Hoàng Văn Xuân hậu duệ chi họ Hoàng gốc Mạc anh Tuấn. Đến trước ngày đoàn phim lên đường anh Mạc Văn Chung xin rút, tôi phải kiêm luôn đạo diễn cùng với trách nhiệm Giám đốc sản xuất. Bước đầu anh Phan Mạc Tuấn tạm ứng được 150 triệu đồng, đó là tiền riêng của cá nhân anh Phan Mạc Tuấn giúp chọ họ. Đoàn khởi quay ngày 3/5/2009 tại nhà ông Bùi Trần Chuyên rồi đi qua 27 tỉnh thành phố trong cả nước, từ Cao Bằng đến Bến Tre trong cả mùa hè nóng bức. Cuối tháng 7/2009 mới bắt đầu dựng phim tại cơ sở kỹ thuật Công ty truyền thông Thăng Long của anh Trần Ngũ Châu em rể anh Hoàng Minh Tuấn. Cuối tháng 9 phim cơ bản hoàn thành với độ dài 5 tập. Nói về toàn bộ sự nghiệp của nhà Mạc và dòng họ Mạc thì như thế mới tạm đủ. Chúng tôi đã hết tiền thì bắt mối được ông Phạm Đức Hùng con cả Trung tướng Phạm Kiệt hậu duệ họ Phạm gốc Mạc Tư Nghiã, Quảng Ngãi. Ông Hùng đã nhận lời chọn nhạc, lồng nhạc cho phim và tài trợ cho việc nhân bản in bao bì nhãn mác phim. Còn tôi phải tự viết lấy, đọc lấy lời bình.
Phim ra mắt đầu tháng 10/2009, đúng ngày giỗ Mạc Thái tổ sau đó được nhân rộng cho con cháu họ Mạc khắp cả nước. Đài Truyền hình Hải Phòng cũng phát bộ phim này trong ba ngày lễ. Bộ phim “Tiếng kèn nhà Mạc” đã làm cho toàn thể con cháu họ Mạc trong cả nước và con cháu đang sống ở nước ngoài xúc động, tạo ra một sức mạnh kết nối mới cho các hoạt động phục hưng họ Mạc. Phim vẫn còn phải chỉnh sửa, bổ sung một số chi tiết nhưng tiếc rằng lúc đó Thường trực Ban Liên lạc hoạt động không mạnh, không tìm được người tài trợ cho phim. Anh Phan Mạc Tuấn thì vì khó khăn cá nhân cũng không còn khả năng tài trợ nốt số tiền đã hứa. Thế là chỉ với 150 triệu đồng anh em chúng tôi đã làm được 5 tập phim lẽ ra phải được làm với mấy trăm triệu như thời giá làm phim lúc đó. Thế là anh em chúng tôi không lĩnh gần như toàn bộ tiền chế độ làm phim trong mấy tháng trời. Tiền thuê máy quay, máy dựng phim của công ty em rể anh Hoàng Minh Tuấn cũng không trả được, khoảng vài trăm triệu. Tôi phải xin lỗi và nói rằng coi như vợ chồng chú Châu công đức cho họ.
Một điều đáng kể nữa là trong hành trình xuyên suốt 27 tỉnh thành đoàn làm phim chúng tôi đã có dịp thăm viếng, tiếp xúc với với nhiều chi họ Mạc, gốc Mạc, trong đó có một số chi họ lần đầu tiên móc nối nhận họ, mang đến cho bà con những thông tin mới nhất về công cuộc phục hưng dòng họ là việc xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc ở Cổ Trai trong Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và sự ra đời của trang Web Mạc tộc Việt Nam. Với tư cách là Phó trưởng ban liên lạc lâm thời họ Mạc Việt Nam tôi dã tham mưu cho Các Ban Liên lạc các tỉnh thành phương hướng xây dựng và hoạt động trong giai đoạn mới đồng thời phát hiện một số hạt nhân nhiệt tình bổ xung cho các Ban Liên lạc tỉnh thành và trung ương. Cho đến hôm nay nhiều người đã trở thành những cốt cán của Ban Liên lạc địa phương và Hội đồng Mạc tộc Việt Nam.
Ngoài những gì đã được dựng thành phim. Đoàn làm phim còn để lại 60 giờ băng quay. Một số lượng tư liệu to lớn, đầy đủ về Nhà Mạc , các dòng họ Mạc , gốc Mạc cho công tác tuyên truyền sau này.
Cho đến hôm nay sau khi đã cùng hưởng vinh quang mà bộ phim “Tiếng kèn nhà Mạc” mang lại các thành viên Ban Liên lạc Hà Nội lúc đó và Hội đồng Mạc tộc sau này không còn ai nghĩ đến việc sửa chữa bộ phim và quên bẵng món nợ của đoàn làm phim chúng tôi.
Nhưng dù sao, bỏ qua những chuyện vướng vít đó, trong những tháng cuối cùng Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội đã làm trọn sứ mệnh trách nhiệm của nó trước cộng đồng Mạc tộc cả nước, đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho sự ra đời của tổ chức lãnh đạo trong phạm vi toàn quốc của họ Mạc Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tháng 2/2009 Thường trực Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội công bố Danh sách Ban trù bị thành lập Ban Liên lạc họ Mạc Việt Nam còn gọi là Ban Liên lạc lâm thời họ Mạc Việt Nam.
Ngày 9/10/2009 nhân ngày lễ giỗ Mạc Thái Tổ, Hội nghị đại biểu các chi họ Mạc gốc Mạc toàn quốc họp tại Cổ Trai đã nhất trí với đề xuất của Ban về tên gọi tổ chức mới của họ Mạc là Hội đồng Mạc tộc Việt Nam. Tên chính thức Hội đồng Mạc tộc Việt Nam được sử dụng từ ngày đó với sự nhất trí của đại đa số các Ban Liên lạc họ Mạc toàn quốc và sau đó Danh sách nhân sự cùng Quy chế hoạt động đã được công bố trên trang Web Mactoc.net. Nhân sự của Hội đồng Mạc tộc Việt Nam đầu tiên chủ chốt là lãnh đạo Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội chuyển sang có bổ sung thêm một số người như ông Phạm Đức Hùng, Mạc Đường (Thành phố HCM), Mạc Đình Ngọc (Hải Phòng), Thái Doãn Đệ (Nghệ An), Hoàng Văn Khánh (Hải Phòng), Trưởng ban liên lạc họ Mạc một số tỉnh và hải ngoại. Thực ra phải coi đó là Đại hội lần thứ nhất của họ Mạc và Hội đồng Mạc tộc thành lập ngày 9/10/2009 là Hội đồng khóa 1.
Sau sự kiện này trong lãnh đạo Hội đồng Mạc tộc Việt Nam có sự lẫn lộn giữa chức năng nhiệm vụ của công tác mới với chức năng nhiệm vụ riêng biệt của Ban liên lạc họ Mạc Hà Nội. Trên thực tế là bỏ quên việc vẫn cần có một Ban Liên lạc họ Mạc của Hà Nội.
Vì thế, các thành viên của Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội cũ đã kiến nghị củng cố lại Ban Liên lạc họ Mạc của Hà Nội. Tiếp theo, tại cuộc găp mặt đầu xuân Canh Dần (2010), một Ban thường trực mới của Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội đã được bầu ra với những gương mặt năng động trẻ trung thực hiện nhiệm vụ đặc thù của họ Mạc Thủ đô.
Trung Văn Tháng 11-2014
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.