- Đang online: 1
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 13661
- Tổng truy cập: 3,389,282
TÂM SỰ NGƯỜI MANG HỌ “MẠC”
- 211 lượt xem
TÂM SỰ NGƯỜI MANG HỌ “MẠC”27
MẠC VĂN TRANG
(Mạc Văn Trang tháng12/2009) |
Tôi vô cùng xúc động khi nghe GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam nói: “Tôi thương họ Mạc đến phát khóc lên!”. GS là sử gia với tư duy khoa học biện chứng sâu sắc, một trái tim rung động theo từng số phận của các nhân vật lịch sử, trải qua chiêm nghiệm của cả đời người chuyên nghiên cứu, trăn trở, suy tư về lịch sử nước nhà – đã thốt lên những lời như thế!… Ông đại diện cho một thế hệ các nhà sử học đã xua tan dần những bóng tối, những uẩn khúc, khuất tất, xuyên tạc, thành kiến… trong lịch sử nước nhà bằng tư duy khoa học, khách quan, thái độ công tâm, trách nhiệm xã hội cao để lấy lại công bằng cho lịch sử của dân tộc. Các nhà sử học là những người có sứ mệnh và tư cách công bố những đánh giá lịch sử đáng tin cậy nhất, định hướng cho toàn xã hội. Không chỉ con cháu họ Mạc mà nhà Hồ, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn …và những người dân đất Việt công tâm đều biết ơn GS Văn Tạo và những đồng sự của ông.
Nhớ lại hồi còn đi học, tôi luôn bị bạn bè trêu chọc, nhất là trong lớp có bạn nào đó họ Lê, là các bạn hay xúi vào: “Nó là con cháu nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê của mày”, và thế là đôi khi xảy ra đánh nhau! Sau này lớn hơn thì biết không chấp những lời chọc tức, mỉa mai nữa, nhưng trong lòng nặng trĩu tâm tư, như nhà Phân tâm học Sigmund Freud giải thích “mang những mặc cảm tội lỗi của tổ tông”! Suốt những năm là học sinh, sinh viên đến những năm đã đi làm, ở đâu tôi cũng có cảm giác cô đơn, vì những người mang họ Mạc rất hiếm. Cả lớp, thậm chí cả trường, may lắm mới có một hai người họ Mạc. Có lúc ở một cơ quan mấy trăm người, tôi chỉ gặp được mỗi anh lái xe mang họ Mạc. Cho mãi đến năm 1990 khi tôi làm bí thư đảng ủy của một Viện nghiên cứu, lại vẫn xảy ra chuyện chậm chọc về “nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê”! Chuyện là thế này: ông viện trưởng họ Lê, ông có việc phải tháp tùng bộ trưởng, trong khi hai ông viện phó đều đi vắng. Ông viện trưởng là GS đáng kính, rất cẩn trọng, ông họp các trưởng đơn vị trong viện nói rằng, bí thư đảng ủy sẽ thay ông phụ trách viện, trong khi ông đi vắng. Sau cuộc họp, trong viện có mấy cậu đùa tếu, dấy lên chuyện râm ran “nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê rồi!” Có cậu độc mồm còn nói “Phe phù Lê diệt Mạc trong viện đang mâu thuẫn, phe diệt Lê phù Mạc đang hình thành!”… Dù biết là anh em chỉ đùa, những mình thấy rất buồn bực, như bị chạm vào vết thương lòng sâu kín…
Do những thành kiến xã hội với họ Mạc như vậy, nên tôi nghĩ những người vẫn giữ họ Mạc cũng trải nghiệm tâm trạng như tôi. Và trong chừng mực nào đó cũng gặp những bất lợi do tâm lý xã hội ám ảnh, đòi hỏi mình phải phấn đấu nhiều hơn, sống cẩn thận hơn. Không biết GS TS Mạc Đường, TS Mạc Văn Trọng và những anh em vẫn giữ họ Mạc khác có chung cảm nhận như vậy không?
Với những nỗi niềm như thế nên ngày nay càng cảm thấy sung sướng vô cùng, vì tổ tiên đã và đang được chiêu tuyết, anh em con cháu họ Mạc cải đổi ra mấy chục họ, nay lại tìm về một gốc, đi đâu cũng gặp bà con trong họ. Nói đến đây lại nhớ ơn các vị tiền bối có công vấn tổ tầm tông, chắp nối dòng tộc rồi lập ra các Ban liên lạc với bao tâm huyết, công phu hoạt động để hình thành nên tổ chức tiền thân của Hội đồng Mạc tộc Việt Nam ngày nay, đại diện cho một cộng đồng Mạc tộc đông đảo và đầy sức sống.
Ngày 22 tháng Tám âm lịch, năm 2010 khi về dự Lễ khánh thành giai đoạn một Khu tưởng niệm vương triều Mạc, sau khi dâng hương, vào hậu cung, ngước lên ngắm nhìn tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và các tiên đế, toàn thân tôi như có luồng linh khí trào dâng, tôi bỗng nấc lên, nghẹn ngào, không sao kìm nén nổi niềm xúc động dồn nén trong tim, một niềm xúc động lạ lùng chưa bao giờ trải qua trong cuộc đời hơn 70 năm với bao trải nghiệm. Tôi đã khóc òa nức nở như một đứa trẻ chịu bao điều oan khuất, nay mới được ông bà, cha mẹ giải oan! Cậu Hoàng Minh Tuấn đứng cạnh tôi chắc hơi ngạc nhiên, vì tôi vốn trầm tính, nay sao khóc dữ như vậy! Anh Hoàng Văn Minh thì ôm lấy tôi và nước mắt dàn dụa. Sau anh nói, anh có mặt ở Thái miếu suốt mấy ngày nay, đã chứng kiến nhiều con cháu họ Mạc từ Nghệ An, Thanh Hóa, Cao Bằng, Hải Dương… khắp nơi về đây, nhiều người cũng khóc như tôi, nhất là các cụ già. Mừng mừng tủi tủi, thương lắm!
Câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ứng nghiệm. Đúng là:
“Tứ bách niên tiền chung phục thủy,
Thập tam thế hậu dị nhi đồng”.
Tính từ 1593 khi vương triều Mạc phải rút lui lên Cao Bằng và con cháu họ Mạc bị truy diệt tàn khốc, phải ly tán, đến nay đã hơn 400 năm và đang dần trở lại “NHƯ BAN ĐẦU”; hơn 400 năm con cháu họ Mạc thay tên đổi họ, mai danh ẩn tích, nên “DỊ”, nay đang trong quá trình tìm lại nhau để được “ĐỒNG”…Đó là sự phi thường của một dòng họ. Tôi không hiểu rõ có họ nào ở Việt Nam hay trên thế giới trải qua những bi thương, thăng trầm hơn bốn trăm năm mà lại hồi sinh kỳ lạ như họ Mạc ở Việt Nam hay không? Theo sự tìm hiểu chưa đầy đủ của tôi, đến nay đã có hơn 40 họ gốc từ họ Mạc nay đã tìm về nguồn cội, kết nối dòng tộc, sinh hoạt chung trong cộng đồng Mạc tộc Việt Nam. Đó là các họ Bế, Bùi, Cao, Cát, Cù, Chu, Chữ, Diệp, Dương, Đoàn, Đào, Đỗ, Đặng, Hà, Hán, Hồ, Hoa, Hoàng, Huỳnh, Khoa, Khổng, Khương, Lê, Lều, Liễu, Ma, Mai, Nguyễn, Phạm, Phan, Phùng, Phương, Tô, Thái, Thạch, Trần, Trừ, Trường, Văn, Vũ và họ Mạc (còn giữ nguyên). Nếu tính ra các chi/ phái thì nhiều lắm, ví dụ họ Bùi có Bùi Văn, Bùi Trần, Bùi Đăng, Bùi Đức…; họ Thái có Thái Khắc, Thái Kế, Thái Duy, Thái Văn… Chắc chắn còn nhiều họ khác nữa từ gốc họ Mạc, vẫn chưa được phát hiện. Rất mong bà con ta cung cấp để thống kê đầy đủ hơn.
Đang lẻ loi, đơn độc giữa cõi đời, nay được nhận họ hàng, dòng tộc với ngần ấy anh em bà con khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài, tôi nói sao hết niềm hạnh phúc ngập tràn!
Trước ngày Đại hội HĐMTVN
27/10/2011
MVT
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.