- Đang online: 4
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 12606
- Tổng truy cập: 3,388,942
NHỜ CÔ BẰNG “NỐI ĐÀI” ĐỂ TRÒ CHUYỆN VỚI “CÁC CỤ”…
- 235 lượt xem
NHỜ CÔ BẰNG “NỐI ĐÀI”
ĐỂ TRÒ CHUYỆN VỚI “CÁC CỤ”…
Mạc Văn Trang: Bài này viết từ 20/3/2012 và chuyển cho một số người trong cuộc đọc. Ai cũng bảo viết thật thà… Nhưng có người nói: viết hơi dài về người khác, còn viết về việc họ mình ít quá! Tôi biết, nhưng nhiều việc của họ ta không thể nói ra công khai được! Tôi đã quyết định không đưa bài lên Web. Nhưng mấy người đã đọc, bảo nên đăng lên trang web họ mình, nhất là T. rất tha thiết, với lý do: “Bác không đăng là có tội đấy! Như cháu, nếu không nhờ cô Bằng “nối đài” để các cụ về chỉ cho thì làm sao cháu biết mình họ gốc Mạc; làm sao tìm được mồ mả, nhận được họ hàng! Họ ta thất lạc, mất mát quá nhiều, đây cũng là cơ duyên, có thêm một “kênh” giúp tìm kiếm họ hàng, chắp nối dòng tộc”… Vì lý do đó, tôi xin đưa bài này lên, không phải để tuyên truyền cho cô Bằng, mà hy vọng có ai đó cũng may mắn nhờ cô Bằng mà tìm được dòng tộc như cậu T. …
Mạc Văn Trang
Cô Bằng và tác giả
Tôi được Chủ tịch HĐMTVN giao nhiệm vụ tổ chức việc nghiên cứu và hội thảo về Nhà Mạc và hậu duệ trên vùng đất Vĩnh Phúc. Tôi từ chối vì bận phụ trách trang Web và không có chuyên môn về Lịch sử, nhưng Cụ cứ giải thích, rằng anh chỉ lo tổ chức thôi… Nể cụ, biết tính cụ, nên nhận còn hơn để cụ phải thuyết phục mãi!
Sáng 28/12/2011 nhóm nghiên cứu lên Vĩnh Phúc làm việc với Sở Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc thì gặp luôn nhóm nghiên cứu của Nhật Bản, đúng sáng hôm đó, cũng về đấy nghiên cứu về nhà Mạc trên vùng đất Vĩnh Phúc… Sự trùng phùng ngẫu nhiên thật lạ lùng! Sau một tuần, nhóm nghiên cứu báo cáo thu được một số tư liệu khả quan. Nhưng gia phả, sắc phong … hầu như mất gần hết, chỉ nghe mấy chi họ gốc Mạc ở đây truyền ngôn qua nhiều đời về những dấu tích quan trọng. Nhóm nghiên cứu đang lo tìm kiếm những vật chứng lịch sử thì anh T. (vì công tác hiện nay, anh T. không muốn công khai danh tính) bảo: cứ thỉnh các cụ lên là các cụ chỉ cho chỗ mà tìm… Rồi anh kể chuyện anh đã nhờ cô Bằng gọi hồn các cụ về chỉ cho rất chính xác việc tìm mộ ông ngoại đã thất lạc từ năm 1950 trên đất Hòa Bình; chỉ rõ cho biết họ Phạm nhà anh chính là gốc họ Mạc và hậu duệ của các cụ nào, thuộc chi nhánh nào, ở những đâu để tìm ra nhau…
Anh bảo đã đi gặp nhiều nhà ngoại cảm tìm mộ, áp vong, nhập đồng … nhưng chưa thấy ai “gọi hồn” thực sự để “người âm” về trò chuyện với “người dương” được như cô Bằng… Băng ghi âm đây, chính xác, đúng với sự thật, không ai có thể bịa đặt, gian dối như thế được!…
Từ hồi thanh niên đến nay ở tôi đã hình thành một tâm thế: trước trời, phật, thánh thần, linh hồn người đã chết… nói chung là chuyện tâm linh, tôi luôn cung kính nhưng là “kính nhi viễn chi”, chứ không dám dấn thân vào thiết tha tìm hiểu, vì biết đó là một thế giới huyền bí, đầy phức tạp, có cả thật, giả… mình không đủ điều kiện để theo đuổi. Thấy tôi có về lừng khừng, anh T liền cho tôi nghe băng ghi âm cuộc gọi gần nhất: cụ Nguyễn Hữu Pháp (tức Mạc Hữu Pháp) về nói một số việc chung của Mạc tộc và nhiều chuyện cụ thể của con cháu chi họ Nguyễn gốc Mạc tại Vĩnh Phúc. Tôi nghe băng hai, ba lần và hoàn toàn bị thuyết phục, vì cô Bằng hay bất kỳ một người nào cũng không thể biết được những chuyện cụ thể về hàng chục tên người, tên đất ngày xưa và tên tuổi từng đứa cháu, đứa chắt, chít… trong dòng tộc ra sao; rồi chuyện thay tên đổi họ, ly tán kỳ lạ của con cháu họ Mạc; những chuyện bí mật về mồ mả tổ tiên, thay đổi tên họ… mà ngay người đi “gọi hồn” là câu T. cũng có biết gì đâu! Tôi tự nêu ra hàng loạt câu hỏi nhưng không sao lý giải được. Và tôi đã tin, không thể không tin! Thế là quyết định theo cậu T. đi xuống nhà cô Bằng để thỉnh các cụ về chỉ cho xem có tìm được manh mối, dấu tích, bằng chứng gì thêm cho cuộc nghiên cứu này không?
Anh T. rất tin tưởng, nhiệt tình hết lòng và chủ động bao, lo hết mọi việc: tự anh lái xe đi về, lo ăn uống cho cả nhóm 4- 5 người…
4giờ 30 sáng ngày 20/2/2012 (29/1 âm lịch), Phan Đăng Thuận đèo tôi đến nhà T. Trời rét căm căm. Ở nhà T đã có hai anh từ Vĩnh Phúc xuống từ hôm trước để cùng đi. Năm người lên chiếc xe Ford 6 chỗ của T và anh lái đi. T đã về nhà cô Bằng vài chục lần nên thuộc làu đường xá. Trong 5 người, chỉ có tôi lần đầu tiên đi “gọi hồn”, lần đầu tiên xuống gặp cô Bằng…
Cô Vũ Thị Bằng hay Vũ Thị Cẩm Bằng ở thôn Thạch Lỗi, xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Từ Hà Nội về đến nhà cô chừng 40km, ô tô 6 chỗ vào đến tận sân nhà bên cạnh, sát liền nhà cô. Nhà này trông xe cho khách, bán đồ lễ và phục vụ ăn sáng cho khách có nhu cầu. Tôi đi lần đầu nên cứ theo người đi trước làm gì mình cũng làm theo. Thoạt tiên mỗi người mua hai cái lễ hết ba mươi ngàn đồng, mỗi lễ gồm một gói bánh, một thẻ hương, một gói nhỏ giấy “tiền, vàng” rồi sang nhà cô Bằng. Nhà cô Bằng có cái sân gạch khá rộng. Một ngôi nhà xây ba gian cao rộng, nằm dọc theo chiều dài của sân. Vuông góc, theo chiều ngang là một gian Điện thờ. Bên ngoài cửa Điện, trên mặt sân có làm một cái lán lợp mái tôn khá rộng, kê khoảng chục hàng ghế dài kiểu hội trường hợp tác xã ngày xưa. Lúc 6giờ 30 sáng có khoảng hơn 30 người đến đặt lễ. Mọi người xếp hàng trước cửa Điện, vào bàn tự tay bày lễ vào hai cái đĩa nhựa, bỏ thêm tiền VNĐ vào lễ (thấy cậu Thuận bỏ vào mỗi đĩa một đồng mười ngàn, tôi cũng bắt chước làm như vậy). Sau đó đưa lễ vào cửa điện, có một cô gái nhận lễ, bầy lên ban thờ giúp. Ban thờ ở điện xây bằng gạch, bày biện khá đơn sơ, giản dị. Lễ của ai được đặt lên thì người đó quỳ khấn trước ban thờ. Có người khấn rất lâu, có người chỉ khấn một – hai phút. Tôi cũng không biết khấn gì nhiều, nên chỉ dăm bảy câu là hết, vái ba vái rồi ra ghế ngoài lán ngồi đợi…
Đang tò mò muốn biết mặt cô Bằng thì cậu T (quen biết với cô Bằng như người nhà) bảo lên nhà uống nước. Cô Bằng đang bế đứa cháu chừng hai tuổi, nô đùa với cháu rất hồn nhiên. Chồng cô Bằng rót nước, trò chuyện với khách. Anh là cựu chiến binh, chừng hơn 50 tuổi, một nông dân thực thụ, nay vẫn làm ruộng và trông coi ao cá của nhà. Cô Bằng cũng khoảng 50 tuổi, với dáng vẻ một nông dân chất phác, phát âm L thành N hết và ngữ âm, ngữ điệu đúng là của vùng quê Cẩm Giàng, Hải Dương. Cách ăn mặc, nói năng, cư xử của cô như những chị em nông dân bình thường, hoàn toàn không có vẻ gì là một “cô đồng”… Thuận xin chụp ảnh cô. Cô bảo bao giờ xong việc đã. Tôi hỏi: Người đặt lễ trước hoặc sau có gì khác nhau không?. Cô bảo: Không sao, khi “nối đài” rồi thì tùy các quan sắp đặt ở dưới đó, có người đặt sau, vong lại về trước…. Cậu T. giải thích: Trước kia đông lắm, mọi người xếp hàng cả đêm để đặt chỗ và cô làm việc cả ngày, rất mệt; nay cô xin các Ngài chỉ làm buổi sáng và từ 6giờ 30 mới cho đặt lễ, nên đỡ vất vả hơn… Chừng 7giờ 30 cô Bằng xuống Điện. Cô vẫn ăn mặc bình thường nguyên như lúc bế cháu. Cô ngồi giữa chiếc chiếu trải trước ban thờ. Cô thỉnh mấy tiếng chuông rồi khấn, cầu xin cho được “nối đài”. Lời cô khấn rất mộc mạc, chứ không phải đọc theo kinh sách bài bản. Cô khấn cầu các quan trên Thiên đình, thần, phật, thổ công, thổ địa…. ngắn gọn thôi, chừng dăm, bảy phút và bắt đầu “xin âm dương”, xem các Ngài có cho “nối đài” không! Nếu chưa được lại khấn lại bài khấn đó, rồi lại xin “âm dương”… Có lẽ phải xin đến hơn mười lần thì mới “nối được đài”, tức là “xin âm dương” thành công. Cô phấn khởi reo lên “nối đài” được rồi. Mọi người đều vui vẻ, phấn chấn hẳn lên, nhưng rất trật tự, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để được “gặp người âm”… Cô bắt đầu cầm các tờ giấy xếp thứ tự lên đọc tên những người đi cầu và khấn tên những vong người âm, cầu được gặp… Tôi chăm chú quan sát từng động thái của cô và hồi hộp chờ đợi như tất cả mọi người. Cô nhắm mắt, che mặt bằng chiếc quạt giấy, ngồi trong tư thế thiền, lắc lư… Một lúc cô “rùng mình” một cái và nói theo giọng một bà già: “Tôi về đây…”. Mấy người ngồi gần cô (hình như là “hầu đồng”), ngọt ngào nói: “Lạy vong ạ. Xin vong cho biết quý danh để người trần chúng con biết mà xưng hô cho phải phép ạ”. Hình như vong chả thèm để ý mấy người thưa bẩm có vẻ “nịnh nọt”… Bỗng nhiên vong gọi to: “Con mẹ Thoảng với cái thằng bố Hinh sao đứng ngoài kia hả? Sao không vào chào bà đi chứ! Bà là bà Hoa, chị em với bà Lá, bà Nụ, biết chưa?”. Ba bốn người ở ngoài sân chạy vội vào: “Chúng con đây ạ. Con chào bà ạ! Lạy bà ạ! Chào bà ạ! …” Vong nói: “Cái con Xuyến kia, phải chào cụ chứ! Mẹ chào bà, con cũng chào bà là cá mè một lứa à?”. Cô gái vội rối rít: “Con xin lỗi cụ, con chào cụ ạ!”… Cụ bắt đầu gọi tên các con, cháu, nói về vận hạn, dặn dò cẩn thận việc nọ việc kia… Một bà sốt ruột hỏi: “Cụ toàn nói về các con cháu bên ngoại, thế bên nội thế nào ạ?”. Cụ “phê” luôn: “Cụ đâu có phân biệt nội, ngoại… mà nhà mẹ Thoảng nói thế! Đứa nào có vận hạn, có việc thì cụ nói trước, đứa nào không sao, thì cụ không nói. Thì giờ đâu mà nói hết các thứ, dài dòng được. Còn phải cho người khác lên chứ, bao nhiêu con cháu người ta cũng chờ đợi… Tôi nói thế có phải không các bác?”. Sau đó cụ trả lời về mồ mả, làm nhà, cưới xin … của các con cháu… Một chị ngồi bên hỏi: “Cụ ơi, cụ có gặp cụ Hoan, cụ Hỉ nhà cháu ở cùng thôn nhắn giùm cho chúng con đang chờ”… Cụ bảo: “Có phải cụ Hoan, cụ Hỉ có ông anh là cụ Thực mà thông gia với nhà cụ Phùng phải không? (….) Đúng rồi. Để tôi nhắn cho!”… Cuộc trò chuyện hơn 10 phút thì cụ bảo: “Thôi bà đi đây”!… Và cô Bằng nhắm mắt lại, đờ đẫn, ngã ra…Mấy người ngồi gần đỡ lấy cô, phẩy quạt vào người… Chừng vài chục giây, cô lắc lắc đầu rồi tỉnh lại bình thường. Cô lấy hai tay vuốt mặt, xoa mắt một lát, rồi cô lại bắt đầu cầm các tờ giấy đã “đăng ký” lên khấn để mời các vong khác về tiếp… (Tôi đã bí mật ghi âm cuộc nói chuyện vừa nãy, vì tò mò… Rồi tự cảm thấy có lỗi và thấy sợ, nên từ sau đó chỉ chăm chú quan sát các vong khác nhập về và ghi nhớ một số sự kiện ấn tượng).
Vong tiếp theo lên là một cụ ông. Cụ xưng tên là Hoạt. Cụ gọi thằng Tốn, thằng Sửu, con Thu, con Mai, thằng Thặng, thằng Quân… Cụ bảo thằng Quân ngồi gần lại đây! Mấy con cháu thưa đây là Quận, em của Quân. Cụ bảo, ừ sao hai anh em mày giống nhau như đúc! Cụ cứ nhầm. Rồi cụ bảo cái Lan, con nhà Quân là ốm bệnh trần, phải đi bác sĩ mà chữa, chứ ông bà ai lại làm hại con cháu nhà mình, mà chúng mày cứ đi xem người ta nói lung tung, rồi cúng lễ tứ phương, thì khổ mà bệnh đâu có khỏi… Mà hôm nọ thằng Quân đem ngựa, mũ đi lễ tạ ở cái đống Găng ấy, lại hóa ngựa như thế là ngựa mù, ngựa câm, ngựa điếc, ngựa què! Chúng mày có hiểu không? Mọi người rối rít: Chúng con không biết, xin cụ dạy cho ạ. Cụ cười bảo: không ai dạy cho thì dốt là phải. Trước khi hóa ngựa, phải “khai nhãn”, là mở mắt ấy, hiểu chưa? Rồi “khai nhĩ”, là thông tai ấy, hiểu chưa? Rồi “khai khẩu”, là mồm ấy, để nó còn hí được chứ!…Một người hỏi: thưa “khai thế nào ạ?”. Cụ lại cười, bảo: phải cầm nén hương, đưa vòng quanh và khấn cho mắt nó tinh, tai nó thính, miệng nó hý to, chân nó chạy khỏe… hiểu chưa? … Tôi giật mình, lần đầu tiên được “người âm” dạy cho một điều như thế! Cụ cũng nói chừng hơn mười phút.
Sau đó một cụ bà về, nói một câu chuyên rất cảm động. Cụ bảo: bố các con có lầm đường, lạc lối đi theo người đàn bà ấy, bỏ rơi mẹ con các con. Như thế là có lỗi rồi, bà cũng buồn lắm, ngăn cản mà không được… Bây giờ bố các con ở Vũng Tầu, ốm đau, tồi tàn lắm. Mà đang nằm chữa bệnh ở chỗ tư nhân tại Sài Gòn. Chỗ này tốn tiền mà không tốt, bệnh lại nặng thêm, mà không có người chăm nom, tội nghiệp lắm. Bây giờ bố các con đã biết nghĩ lại, biết lỗi lầm rồi, nhưng ngượng lắm, không dám báo cho các con biết… Các con không thể để cho bố đẻ như thế được. Mà bố chết, thì các con cũng phải vào, rồi đem bố các con về quê chứ! Như thế thì vất vả, tốn kém… Vậy các con hãy vào Sài Gòn đón bố các con về chăm sóc cho trọn đạo làm con. Nhưng mà phải con Hạnh với thằng Quế đi, khéo nói, phải từ từ thì bố các con mới nghe; chứ thằng Thuật mà gặp bố con là lại vặc nhau, hỏng hết việc. Các con phải họp bàn cho kỹ, nhất tâm rồi hãy đi đón. Phải bảo mẹ các con thôi thì xí xóa lỗi lầm cho bố con, chứ về rồi lại đay nghiến, này nọ là hỏng hết. Đón về rồi hục hắc nhau thì còn khổ hơn… Đám con cháu năm sáu người “vâng, dạ” rối rít, xem ra tâm phục, khẩu phục lắm… Khi đám con cháu ra sân, tôi hỏi một chị: Liệu bà có muốn đón ông về không? Chị vui vẻ bảo: Cụ đã dạy thế, bà cháu nghe quá đi chứ!…
Ba bốn vong nữa lên, chưa thấy các cụ nhà mình lên, T sốt ruột liền vào nhắc cô Bằng nhắn mời giúp… Vong tiếp theo lên nói: Các cụ nhà các bác là các quan lớn, hôm nay ngày xấu, các Ngài không về. Mai đến! T bảo về thôi, mai các cụ sẽ lên…
Hôm sau chúng tôi cũng tiến hành mọi việc y như hôm trước và chờ đợi. Ba máy ghi âm đã sẵn sàng… Cô Bằng cầu xin “nối đài” đã mấy lần, xem chừng sắp được. Bỗng nhiên có một anh chàng ở đâu chạy vào lôi vợ ra sân, quát tháo om xòm: Cô có biết nó lừa thế nào không? Ăn một bát mỳ 30 nghìn, mua cái lễ 30 nghìn… Mỗi ngày hàng trăm người đến, người ta thu bao nhiêu tiền! Lừa bịp hết!… Mọi người sửng sốt, bất bình, nhưng rất nhẹ nhàng nhắc anh ta không được như thế, hỏng việc của mọi người… Có người bảo: anh phải vào điện sám hối xin lỗi các Ngài đi! Anh ta bảo: tôi nói vợ tôi, tôi làm gì ai mà phải xin lỗi, sám hối! Rồi anh ta lôi vợ về…
Cô Bằng buồn rầu như sắp khóc. Cô thanh minh: các bác xem, lễ xong mỗi buổi em cũng phát lộc cho mọi người, chứ em ăn làm sao được bánh với kẹo! Tiền thì tùy tâm đặt lễ, có người đặt một, hai nghìn; có người năm, mười nghìn, em có đòi hỏi gì đâu mà họ nói thế!… Mọi người an ủi, động viên cô Bằng tiếp tục công việc, nhưng phải mất hàng giờ sau, cô mới định tâm lại, tiếp tục công việc. Tôi thấy giọng cô tha thiết, tội nghiệp quá, xin sám hối thay cho kẻ bổ báng thánh thần; xin các Ngài tha thứ, cho “nối đài”! Nhưng cô khẩn cầu mãi, xin mãi mấy chục lần chẳng được! Cô buồn rầu bảo mọi người nghỉ thôi, các ngài phạt, không cho “nối đài” đâu!
Mấy chúng tôi theo cô lên nhà. Cô vẫn nói tiếp: Đấy ông xem, cháu mà tham tiền thì đã giàu có, chứ đâu nhà cửa thế này. Mà sợ nhất là các Ngài phạt. Trước đây các Ngài phạt cháu có lần nôn ra hàng chậu máu; có lần bụng trướng lên như cái thúng; có lần phạt nặng, liệt nửa người hơn ba tháng trời!… Tôi bảo: Sao lại phạt cô? Lỗi của người khác sao cô chịu phạt? Cô bảo: phạt vào cháu thì cháu còn biết đường cầu xin, sám hối, các Ngài tha cho, cũng là gánh đỡ cho người ta thôi…
Anh chồng bảo: Phức tạp lắm ông ạ. Bảo thôi mà không thôi được… Cô Bằng nói tiếp: Cháu làm thế này là 19 năm rồi. Mấy lần xin thôi nhưng các Ngài không cho. Cháu có “căn” phải đứng ra nhận lấy việc này giúp mọi người… Các Ngài giao cho thì cứ phải làm… Các bác ở Trung tâm nghiên cứu trên Hà Nội bảo cháu viết báo cáo, cháu cũng chả biết viết thế nào. Các bác ấy về nghiên cứu rồi cấp Giấy chứng nhận để làm việc thôi… Tôi chợt hiểu, à ra thế, nên cô Bằng không thấy “nổi tiếng” như một số nhà ngoại cảm khác.
Ngày thứ ba chúng tôi đi tiếp và làm mọi việc như những lần trước. Nhưng hôm nay các Ngài vẫn chưa cho “nối đài”. Cô giải thích: ở “bên dưới” lúc xếp hàng cũng xảy ra “hai vong trêu chọc, cãi cọ nhau”, “các quan phạt” và “các cụ nhà các bác” thấy “dân tình phức tạp, nhốn nháo” là các cụ không vào đâu!… Chúng tôi lại về không.
T bảo: Mấy hôm tới cháu bận, sau đó lại giỗ cụ Mạc Đĩnh Chi (10/2 âm lịch), các cụ tập trung về đấy cả, không lên đâu. Qua giỗ đã…
Sau giỗ cụ Mạc Đĩnh Chi dăm ngày chúng tôi lại đến nhà cô Bằng. Lần này hai anh trên Vĩnh Phúc không xuống được. T bảo: việc đi gặp các cụ cứ phải kiên trì. Có bận cháu đi một lần gặp được ngay. Có bận đi 20 – 30 lần mới gặp được. Nhiều người ở trong Nam ra, tỉnh xa về phải ở trọ đợi chờ lâu lắm… Hôm nay cô Bằng “nối đài” được, nhưng chúng tôi vẫn chưa gặp được các cụ!
Hôm sau chúng tôi lại đi. Lần này ngoài T, Thuận và tôi còn có thêm cháu Quyên, bạn gái của T. Quyên mua thêm một bó hoa rất đẹp đem theo. Tôi hỏi Quyên họ gì, có phải gốc Mạc không? Với giọng con gái Kinh Bắc ngọt lịm, Quyên bảo: cháu họ Dương, hình như cũng gốc Mạc… Hôm nay các cụ cũng không về.
Sáng 12/3/2012 (20/2 âm lịch), bốn người chúng tôi lại đến cô Bằng. Quyên vẫn mua một bó hoa đẹp. Hôm nay thứ Hai, người đến vắng hơn. Cô Bằng vừa xin âm dương hai lần, các Ngài cho “nối đài ngay”. Cô và mọi người đều sung sướng, vui vẻ. Cô vừa ngồi thiền, che quạt, lắc lư thì vong một cụ ông về ngay. Tiếp theo là vong một cụ bà về… Sau hai cụ là một vong trẻ con về. Giọng trẻ con lanh lảnh của nó “Mi-ẹ ơi”! làm mọi người cười ồ, vui vẻ, xúm lại. Mi- ẹ ơi! Mẹ Thảo ơi. Con Cường đây! Một chị chừng 50 tuổi chạy vội vào: Mẹ đây! Mẹ đây! Giọng trẻ con thật dễ thương, nó cứ nói tưng tưng, kể đi chơi những đâu, gặp ai, còn người mẹ thì cứ nghẹn ngào, sụt sịt, không cất lên lời! Một lúc trấn tĩnh lại, bà mẹ hỏi: Mẹ sắp dọn về nhà mới có phải làm lễ tạ bát hương không? Nó cười ngặt nghẽo: ai lại “tạ bát hương”! Chỉ tạ đất, tạ mồ mả thôi chứ. Còn bát hương gọi là “an vị”! Mà mẹ phải hỏi về bà trước đã rồi mới hỏi nhà chứ! Bảo bà tháng 6 tháng 8 có hạn phải cẩn thận kẻo ngã gẫy tay. Với lại anh Chung yêu chị ấy cũng được… Bà mẹ: Nhưng mà con xem hai người có hợp nhau không? Với lại lấy nhau, anh con không chịu về, mà phải bao cho chị ấy sang Tiệp Khắc thì tốn kém lắm… Cậu bé cười khanh khách. Mẹ ứ biết gì cả. Con có phải là thầy đâu mà biết xem anh chị có hợp không. Lúc nãy con nói mấy cái là ông bảo con nói thế. Mới lại bây giờ ai gọi là Tiệp Khắc! Người ta gọi là Sec và Xlô – va – ki – a, mẹ hiểu chưa? Anh ấy ở Sec. Con mới sang chỗ anh ấy chơi, vui lắm. Anh ấy không về đâu mà sẽ bảo lãnh cho chị ấy sang. Lúc nẫy mẹ bảo là “bao”, cứ như là “bao” ăn, “bao” uống… Phải gọi là “bảo lãnh” chứ! Mẹ buồn cười quá. Nó lại cười khanh khách… Bao nhiêu hôm đi, hôm nay mới gặp một vong tươi vui thế, ai cũng vui vẻ, phấn chấn hẳn lên.
Sau đó thì một cụ ông về. Tôi về đây sốt ruột cho cháu Hương, cháu Hạnh, cháu Hương Lan nhà Nhật, cháu Sĩ … Nghe thấy Hạnh, Nhật, Sĩ… biết là cụ nhà mình rồi. Chúng tôi vội chạy vào, ríu rít chào hỏi… Cụ bảo cụ là cụ Thạch đây. T nói khẽ: Cụ Mạc Thạch. Giọng Cụ khàn khàn, đôi khi ho, nhưng nói vẫn khỏe: Cụ vừa đi vào Yên Thành Nghệ An ra đây. Rồi vào miền Nam chỗ nhà Lưu – Phan Đăng Lưu ấy. Cụ là cụ đi tất! Cụ sốt ruột cho con cho cháu. Bảo với nhà Thiềng, nhà Luyến dòng họ Phan ấy, rồi cháu Ngọc, cháu Oanh, cháu Ánh, cháu Lê, cháu Lý, cháu Khánh… Chúng bay không biết đâu. Thằng Thuận kia nó biết đấy. Có biết chi nhánh nào không? Cậu Thuận ngồi bên tôi, vội thưa là thuộc nhánh cụ Mạc Mậu Giang ạ. Cụ bảo đúng rồi. Họ Phan đấy, tức là Mạc đấy. Cụ cũng vừa vào Nam, vào chỗ nhà Lưu – Phan Đăng Lưu đấy. Làm sao cho nó quy về một mối… Tôi khẽ thưa: Phan Đăng Lưu mất rồi… Cụ bảo: là nói cái thằng (… ) còn sống đấy (…). Rồi Cụ dặn một loạt tên các cháu: cháu Kiểm, cháu Lụa, cháu Tuấn Anh… phải cẩn thận năm hạn. Cụ lưu ý nhất là “thằng Khoa”. Nó năm nay 56 tuổi rồi, bảo nó giữ gìn sức khỏe, chứ tai biến một lần nữa là khó lòng qua khỏi! Con Thu, con Quyên năm nay là năm con gà, cũng cẩn thận… Mà cái con Quyên nó không chào Cụ gì cả? Cháu Quyên ngồi hơi xa, sợ quá, vội xích vào gần chào cụ…
T vội tranh thủ hỏi: Xin Cụ chỉ cho các vật chứng… Cụ giơ tay ra: khoan đã, dặn dò con cháu xong đã. Cháu Tuyên, cháu Khanh, cháu Đức, cháu Tuấn… sao nhà mình bây giờ nhiều Tuấn quá! Rồi cháu Trường, cháu Giang, cháu Gia Bảo… nhà Thọ, nhà Toàn, nhà Yến, nhà Thi, nhà Huy… ở Diễm Xuân, dòng tộc nhà Sỹ đấy… Rồi cháu Toàn, cháu Thuận, cháu Hạnh, cháu Tuấn, lại Thuận nữa… Rồi con Hoa, con Hương, con Thái Hương, con Hương Lan … Sao bây giờ chúng mày đặt trùng lắm tên Hương quá … cứ lẫn đứa nhà nọ sang nhà kia!… Con (….) nó thành tâm công đức xây từ đường, tức là nơi thờ các cụ nhà mình như thế là tốt, nhưng tất cả các con cháu phải cùng nhất tâm, cứ làm từ từ, chắc chắn rồi tất cả sẽ hoàn thành thôi… Các cụ nhà mình đã đi tấu đối rồi. Thiên đình trả lại Hồng phúc cho họ nhà ta. Hải Phòng làm thế cũng tạm được, nhưng (…). Từ nay đến 2015 là con cháu các nơi tìm nhau, quy về một dòng tộc… Ở bên Nam Sách (…). Nhưng từ nay đến 2015 con cháu khắp nơi sẽ tìm được gốc tích, quay về với dòng tộc hết.
Lấy vật chứng để Nhà nước công nhận thì có cả đấy. Nhưng cụ Đĩnh Chi – Cụ Mạc Đĩnh Chi ấy, hôm nay định về, nhưng lại là ngày Hội ở Văn Miếu, Cụ bận không về được. Cụ Đĩnh Chi bảo các vật chứng có đủ cả, nhưng cụ dặn (…). Chúng bay có hiểu câu của cụ Đĩnh Chi nói (…) thế nghĩa là thế nào không? Mấy đứa chúng tôi cùng đáp: “Thưa có hiểu ạ”. Bây giờ ở đâu cứ để yên đấy (…). Cụ bảo Thiên đình trả lại Hồng phúc cho gia tộc, nên các con cứ yên tâm, làm từ từ, làm đâu chắc đấy, không phải một sớm một chiều mà xong được. Rồi đến 2015 mọi việc sẽ đâu vào đấy cả thôi… Rồi chi nhánh nhà Phan Đăng Lưu ở trong Nam, các chi nhánh ở Cao Bằng, Nghệ An, Hải Phòng, Hải Dương… thuộc nhánh nào rồi sẽ tìm ra nhánh đó, quy về dòng tôc…
Như nhà Sỹ là trưởng thay thế cả một dòng tộc cụ Nguyễn Hữu Pháp ở Diễm Xuân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đấy!
Cậu Thuận hỏi: Bọn con xin Cụ cho biết … Cụ ngắt lời: Sao lại “bọn con”? Có phải trẻ ranh đâu mà “bọn con”… Cụ là cụ bảo cho biết để mà sửa! Cậu Thuận “dạ” rối rít! Rồi chợt nghĩ ra điều gì đó, Cụ nói: Cụ thương nhà thằng Luyến, nó phạm vào (…), nên (…).
Về mấy cái mộ, Cụ lại dặn thế này: Ở đâu cứ để yên đấy. Cái mộ (….) ngày chiến tranh đã bị du kích đào lên một lần, nay ở chỗ vườn nhà người ta cũng không tốt lắm, nhưng cứ để yên đấy, không được chuyển đi nữa (…). Bây giờ con cháu cụ Nguyễn Hữu Pháp, tức là chi trưởng đấy, chỗ thằng Sĩ đấy phải lo trông nom, tuần rằm hương khói; bảo cái con Sửu là con dâu, phải cho cháu Trường, cháu Giang nó biết, lên đó hương khói… Nơi ấy là phải trông nom (…) cả một vùng khu Năm đấy…
Còn về chuyện nhà con Chen –ly, nó cũng có lòng, nó định (…), nhưng hoàn cảnh của nó bây giờ khó khăn; bảo nó lo chuyện gia đình xong đã…
T hỏi: Bây giờ cứ quây từng mộ xây lên thôi không di chuyển phải không ạ? Cụ bảo: đúng rồi! Nhưng phải gìn giữ trông nom cả một vùng là khu Năm đấy. T lại hỏi: các mộ để yên, nhưng xây một đền thờ chung các vua nhà Mạc ở trên đồi được chứ ạ? Cụ bảo đúng rồi, cứ làm như thế… Đáng lẽ cụ Minh về, nhưng vì liên quan đến công việc trên này, nên Cụ về.
Bây giờ phải kêu gọi tất cả con cháu từ Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Nghệ An, Miền Nam… cùng lo công việc này.
Còn chuyện đất nước từ nay đến 2015 thì (…). Hóa ra các cụ nhà mình khác các vong “dân thường”, các cụ không chỉ nói chuyện gia tộc mà còn lo nhiều chuyện “quốc gia đại sự”! Cụ nhắc nhở mấy việc “quốc kế dân sinh”, chứng tỏ các cụ không những “nắm rất rõ tình hình thời sự” mà còn dặn dò, dự báo…! Cuối cùng Cụ bảo “Các con cứ thế mà làm. Cụ đi đây!”. Chúng tôi vội đáp: “Chúng con chào Cụ ạ” và không khỏi nuối tiếc, vì muốn hỏi nhiều điều nữa… Cô Bằng lảo đảo, ngã vào tay mấy người ngồi bên…
Một lát cô tươi tỉnh trở lại. Cô bảo hôm nay suôn sẻ lắm, nghỉ một lúc rồi lại tiếp tục. Cô lên nhà. T vẫy chúng tôi theo lên. Tôi hỏi: Cô có mệt lắm không? Cô tươi tỉnh: cứ hôm nào “nối đài” suôn sẻ, các vong về nhiều thì khỏe lắm; hôm nào các Ngài phạt, “nối đài” không được thì khổ lắm, mệt lắm… Tôi bảo: Hôm nay “xong việc” rồi, cô cho chụp ảnh chứ? Tôi viết bài đưa lên mạng được chứ? Cô cười vui vẻ… Nghỉ chừng 15 phút, cô lại xuống Điện tiếp tục công việc. Một lát đã lại thấy một vong nữa về … Thế này thì hôm nay phải được vài chục vong về…
Tôi viết đến đây rồi bỏ đó, đưa mấy người tin cậy xem, cho ý kiến… Tôi hỏi Quyên Chen- ly là ai? Quyên bảo Chen – ly là em anh T. Định cư ở Úc nên lấy tên Chen – ly Phạm. Chị ấy đang gặp vấn đề về gia đình… Tôi hỏi T: Khoa là ai? Luyến là ai mà Cụ quan tâm thế? Thì ra Khoa là anh ruột T, còn Luyến là một người họ Phan, gốc Mạc…
Ngày 26/3/2012 nhóm chúng tôi cùng GS Phan Đăng Nhật và một số người về xã Việt Xuân, nơi Cụ nói đến mấy ngôi mộ và nhiều cháu chắt hậu duệ ở đó. Chúng tôi đã ra chỗ ba ngôi mộ Tổ thắp hương. Tôi hỏi mấy người ở địa phương xem Cụ nói không chỉ trông nom mấy ngôi mộ mà còn gìn giữ cả “Khu Năm” là thế nào? Mọi người cho biết “Khu năm” là khu vực chùa Trống. Hồi chiến tranh chống Mỹ, xã này chia sáu khu vực. “Khu năm” là khu vực chùa Trống, nơi có đồi, đào nhiều hầm hố, là khu sơ tán, an toàn…
Buổi tối chúng tôi họp mặt với bà con gốc Mạc ở Việt Xuân để cùng nghe băng cụ Mạc Thạch dặn dò con cháu… Lần đầu tiên tôi được gặp những người Cụ đã nói tên tuổi. Ra “thằng Sĩ” mà Cụ hay nhắc đến đã gần 80 tuổi, là trưởng tộc. Tôi tìm hỏi cháu Giang, cháu Bảo đâu? Ồ, thì ra các cháu còn rất bé, mới tuổi nhi đồng!…
Thắp hương tại mộ Tỏ bên chùa Trống
Bà con nghe băng lời cụ Mạc Thạch.
Ông Sỹ mặc áo xám, ngồi hàng bên trái, thứ hai từ ngoài vào
Bài viết dài dòng quá! Muốn nói nhiều về việc họ mình, nhưng các Cụ lại dặn không được tiết lộ! Có nhiều việc riêng tư Cụ nói đến, nhưng đưa ra không tiện, nên đành (…). Đây là chuyện tâm linh, ai tin hay không tin là tùy.
Ai muốn nghe băng thì gặp chúng tôi, nghe trực tiếp, chứ không in sao ra.
MVT
Ngày 02/5/2012
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.