- Đang online: 1
- Hôm qua: 1174
- Tuần nay: 20076
- Tổng truy cập: 3,454,496
MẤY CẢM NGHĨ VỀ DÒNG HỌ MẠC
- 385 lượt xem
MẤY CẢM NGHĨ VỀ DÒNG HỌ MẠC
(Phát biểu tại cuộc họp HĐMT Hải Dương
(xã Nam Tân, huyện Nam Sách,
ngày 24/ 7/2011 )
Nguyễn Quang Tuyến.
Hôm nay tôi rất vui mừng phấn khởi được về dự họp của các chi họ Mạc, gốc Mạc tại tỉnh Hải Dương do HĐMT Hải Dương tổ chức tại thôn Long Động, xã Nam tân, Nam Sách, Hải Dương quê hương gốc tổ dòng họ Mạc Việt Nam.
Trước tiên tôi xin gửi lời chào trân trọng nhất tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương xã Nam Tân, và thôn Long Động, cùng các ông, bà trong HĐMT Việt Nam, HĐMT Hải Dương, và các quý vị đại biểu thuộc các chi họ Mạc, gốc Mạc tỉnh Hải Dương. Đồng thời tôi kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, các ông bà trong HĐMT Việt nam, HĐMT Hải Dương, cùng toàn thể các quý vị đại diện cho các chi họ Mạc, gốc Mạc tỉnh Hải Dương, mạnh khỏe, hạnh phúc, và thành công trong cuộc sống.
+ Tôi xin tự giới thiệu là: Nguyễn Quang Tuyến. Tôi là con cháu nhà Mạc, thuộc chi họ Nguyễn (gốc Mạc) ở thôn Lưu Thượng, xã Hiệp An, Kinh Môn. Tôi là cháu đời thứ 15, tính từ cụ tổ đời thứ nhất của chi họ Nguyễn (gốc Mạc) quê tôi là: cụ Mạc Phúc Hóa.
Việc vấn tổ tầm tông, kết nối dòng họ, tổ chức các hoạt động thiết thực của dòng họ để hướng về cội nguồn là việc làm có ý nghĩa đặc biệt, và hết sức cần thiết, tất yếu khách quan để giáo dục truyền thống uống nước, nhớ nguồn, cây có gốc, nước có nguồn, con người có tổ, có tông. Đó là quy luật tất yếu của lịch sử loài người nói chung và của từng họ nói riêng. Đúng như câu ca sau :
“ Cây có gốc mới vươn cành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Con người nguồn gốc tổ tiên
Có ông bà, cha mẹ rồi sau có mình ”.
Từ khi đất nước hòa bình thống nhất, Bắc Nam được sum họp một nhà, đất nước được độc lập tự do, dân ta được ấm no hạnh phúc. Đặc biệt từ khi có chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, đất nước ta đã phát triển nhanh về kinh tế, củng cố vững chắc về quốc phòng an ninh, phát triển mạnh văn hóa khoa học giáo dục, trong đó có phát triển khoa học lịch sử. Trong bối cảnh ấy đã tạo điều kiện cho các con cháu các dòng họ nói chung và dòng họ Mạc nói riêng có điều kiện vấn tổ, tầm tông, kết nối dòng họ, tìm về cội nguồn tổ tiên, lập gia phả, xây dựng từ đường, xây dựng mộ tổ của dòng họ…
Riêng họ Mạc ta chỉ tính từ năm 1994 đến nay đã có rất nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức tại Hải Phòng, Hà Nội, Cao Bằng.v.v… để đánh giá về Nhà Mạc, Vương triều Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử dân tộc. Đồng thời đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu đánh giá rất khách quan khoa học, biện chứng, công tâm, trung thực, về vương triều Mạc của các nhà khoa học tiêu biểu như: GS Vũ Khiêu, Phan Đăng Nhật, Văn Tạo, Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Mạc Đường, Nguyễn HảI Kế và nhiều nhà khoa học khác như: Hoàng lê, Phan Đăng Thuận, Trần Lâm, Nguyễn Minh Đức.v.v… Trong đó có đóng góp rất tích cực của con cháu dòng họ Mạc, gốc Mạc ở các địa phương trên mọi miền của tổ quốc. Từ sự kết nối tích cực đó của các chi họ Mạc, gốc Mạc, cùng với nhiều nhà khoa học có tâm huyết với họ ta đã xuất bản được cuốn “ Hợp biên thế phả họ Mạc ”, và xuất bản nhiều cuốn sách quý đánh giá khách quan, công tâm và trung thực về dòng họ Mạc như : “Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc ”, góp phần đổi mới quan điểm nhận thức đánh giá về “ Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử dân tộc”; “gương sáng dòng họ”.v.v… Trên cơ sở đánh giá khách quan trung thực, công bằng của khoa học lịch sử trong thời kỳ đổi mới nên Nhà Mạc đã được đánh gía là một “ Vương triều chính thống ” trong lịch sử dân tộc. Vì vậy những năm gần đây họ Mạc ta đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm cho xây dựng, trùng tu nhiều công trình để ghi nhận công lao to lớn của Vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc. Chỉ tính từ năm 2004 Từ đường họ Mạc ở thôn Cổ trai, xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, HP được Bộ Văn Hóa – Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2010 Nhà nước cho xây dựng Khu tưởng niệm vương triều Mạc ở Cổ trai, xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy là một công trình trọng điểm của Hải phòng đưa vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Đồng thời tại quê hương gốc tổ họ Mạc ở thôn Long động, xã Nam Tân công trình nâng cấp khu đền thờ “ Lưỡng quốc trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi ” cũng được UBND tỉnh Hải Dương và Nhà nước đầu tư nâng cấp khang trang bề thế. Trong những năm gần đây về mặt tổ chức họ Mạc đã thành lập được HĐMT Việt Nam và HĐMT ở một số tỉnh. Trong đó đã tổ chức được nhiều hoạt động thiết thực, đã thúc đẩy các hoạt động tích cực của dòng họ đạt được hiệu quả cao. Đây là cơ sở, là động lực để thúc đẩy các hoạt động của dòng họ trong các năm tiếp theo được phát triển mạnh mẽ, và thành công hơn nữa như: sắp tới là chuẩn bị cho lễ kỵ 470 năm ngày mất của Mạc Thái Tổ sẽ được tổ chức trọng thể tại khu tưởng niệm Vương Triều mạc ở cổ Trai Kiến Thụy Hải phòng và một số việc quan trọng khác của dòng họ…
+ Hôm nay được về quê hương gốc tổ để dự họp, được gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, lại được gặp các bác ở HĐMT Việt Nam về dự, được gặp mặt HĐMT Hải Dương, và các quý vị đại biểu đại diện cho 41 chi họ Mạc, gốc Mạc tỉnh Hải Dương tôi rất vui mừng và cảm động. Tự đáy lòng mình tôi cảm thấy dâng trào lên tình cảm thân thương ruột thịt, cung dong máu gần gũi, than thuong biết nhường nào, nó cảm giác như một người cháu hậu duệ ở xa quê lâu ngày về với cội nguồn tiên tổ, để đốt nén tâm hương thành kính dâng lên tiên tổ.
Kính mong tiên tổ hiển linh phù hộ độ trì cho con cháu dòng tộc Mạc, gốc Mạc ở mọi miền của tổ quốc được mạnh khỏe, hạnh phúc, đoàn kết chặt chẽ, phát triển bền vững, tiếp tục làm cho dòng họ Mạc xứng đáng với truyền thống vinh hiển của tiên tổ, làm cho họ ta ngày càng phát triển mạnh mẽ ngang hàng với các dòng họ mạnh trên toàn quốc.
– Long Động nơi đây là cội nguồn tổ tiên của dòng họ Mạc chúng ta đã có từ hàng ngàn năm trước đây trên đất nước Đại Việt, chính nơi đây họ Mạc chúng ta đã được vinh danh trong sử sách từ 925 năm nay. Khi đó Cụ Mạc Hiển Tích, đỗ đệ nhất giáp tiến sỹ ( tương đương Trạng nguyên ở các khóa thi sau ) khóa thi năm 1086 từ thời Vua Lý Nhân Tông. Sau đó cụ được Triều đình Nhà Lý bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ lại ( tương đương hàm Bộ trưởng ngày nay ). Đồng thời cụ còn được cử làm chánh sứ sang Chiêm Thành năm 1094 và cụ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vua trao, làm vẻ vang cho đất nước Đại Việt lúc bấy giờ. Khi cụ Mạc Đăng Dung lên ngôi Vua Nhà Mạc, đã truy phong cụ Mạc Hiển Tích là: Thủy Tổ Hồng Phúc Đại vương. Sau cụ Mạc Hiển Tích còn có cụ Mạc Kiến Quan là em cùng đỗ Tiến sỹ, cụ được bổ nhiệm làm Thượng Thư Bộ Công, huynh đệ đồng triều đỗ đạt ở đỉnh cao nhất. Đây là một sự kiện đặc biệt hiếm có của dòng họ Mạc và của cả nước, cũng ngay tại gốc tổ nơi đây chúng ta đang thờ 3 vị trạng nguyên Họ Mạc.
– Kế thừa truyền thống tổ tiên cụ Mạc Đĩnh Chi ( 1272-1346) là cháu đời thứ 5 của cụ Mạc Hiển Tích đã thi đậu trạng nguyên năm 1293 đời vua Trần Anh Tông. Sau đó cụ được vua Trần Anh Tông bổ nhiệm làm Quan Ngự Sử. Do cụ là bậc kỳ tài hiếm có trong thiên hạ, lại thẳng thắn, cương trực hết lòng phò 3 đời vua Trần Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông giúp nước, cứu dân. Do có công lao đặc biệt to lớn, nên cụ được vua Trần Minh Tông bổ nhiệm làm chức quan cao nhất trong triều là: Đại Liêu Ban Tả Bộc xạ ( tương đương chức Tể tướng ). Sau đó cụ được vua Trần Minh Tông cử làm chánh sứ sang Tàu, do tài năng xuất chúng, ứng đối kỳ tài của cụ, vua Nguyên đã đặc cách phong cụ là Trạng Nguyên Trung quốc. Như vậy cụ được vinh danh cả 2 nước và vua Nguyên ban cho lá cờ: “ Lưỡng quốc Trạng nguyên ”. Cụ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vua trao, làm rạng danh nước Đại Việt và mang về niềm tự hào vinh quang tột đỉnh cho tổ quốc. Khi Vua Mạc Thái Tổ lên ngôi đã truy phong cho cụ Mạc Đĩnh Chi là: Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế.
– Tiếp tục kế thừa truyền thống vinh hiển của tổ tiên là cụ Mạc Đăng Dung (1483-1541) đỗ Trạng nguyên về võ ( 1506), đời vua Lê Uy Mục, bằng tài năng xuất chúng của mình, đã phục vụ 4 đời vua Lê giúp nước, cứu dân ( Lê Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông, Cung Hoàng) dẹp loạn các phe phái như: đánh được Lê Do, Trần Thăng, Cù Khắc xương, Lê Bá Hiến, Trịnh Tuy, dụ hàng Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc, và các phe phái khác chống lại triều đình Nhà Lê trong 1 thời gian ( từ 1507-1526 ). Trong thời gian ngắn 20 năm bằng tài năng thao lược thực sự của mình, Cụ Mạc Đăng Dung lần lượt được thăng tiến rất nhanh như: Đô chỉ huy sứ vệ thần vũ ( 1508), Vũ xuyên Bá, rồi thăng Đô đốc; Tiết chế doanh thủy, lục quân 13 đạo, Thái phó Nhân quốc công . Đồng thời cụ được vua Lê ban cho chức quan cao nhất trong triều là Thái sư An Hưng Vương. Trong bối cảnh lịch sử thời kỳ này Nhà Lê khi ấy đã suy tàn: vua quỷ, vua lợn ăn chơi hoang dâm vô độ.v.v…làm cho dân chúng lầm than khổ cực. Vì vậy sự cần thiết tất yếu khách quan đất nước Đại Việt phải có một “ Minh Quân mới ” để gánh vác trọng trách quốc gia, lo cho giang sơn xã tắc. Đồng thời rất cần thiết phải thay đổi bằng một triều đại mới tiến bộ hơn, tích cực hơn và chăm dân hơn, để đáp ứng được lòng tin của nhân dân. Trong bối cảnh khủng hoảng cung đình đó, cụ Mạc Đăng Dung là ngôi sao sáng nhất, vĩ đại nhất, hội tụ đầy đủ cả tâm, đức, tài, trí thời bấy giờ. Cụ được đa số quan, quân triều đình ủng hộ và thần dân tin yêu. Đồng thời vua Lê Cung Hoàng khi đó “đức mỏng, tài hèn” đã tuyên chiếu nhường ngôi vua cho cụ Mạc Đăng Dung ( tháng 6/1527). Việc thay thế một triều đại phong kiến đã suy tàn này, bằng một triều đại mới tích cực hơn, tiến bộ hơn theo chúng tôi suy nghĩ đó là một tất yếu khách quan như : Nhà tiền Lê thay nhà Đinh; nhà Lý thay nhà tiền Lê, nhà Trần thay nhà Lý, cũng như nhà Hồ thay nhà Trần… Vì lẽ đất nước Đại Việt là của muôn dân, bách tính, chứ không phải là của riêng dòng họ nào, khi triều đại đó vì dân, lấy dân làm gốc thì “ Quốc Thái, dân an, đất nước cường thịnh ”. Nhưng khi cuối triều đại Lê sơ dân chúng lầm than khổ cực như: Vua quỷ, vua lợn thì việc cần phải thay thế bằng một triều đại mới tiến bộ hơn, là một tất yếu khách quan của lịch sử. Trong trường hợp này nếu không phải là cụ Mạc Đăng Dung xuất hiện sứ mệnh thiên tử, thì tất yếu khách quan cũng sẽ có một nhân vật lịch sử khác thay thế. Do đó cụ Mạc Đăng Dung đã được lịch sử giao phó trọng trách nặng nề để gánh vác non sông xã tắc, cụ đã đáp ứng được nguyện vọng đông đảo quan lại chân chính của triều đình và đại đa số nhân dân thời bấy giờ. Vì vậy khi cụ Mạc Đăng Dung từ Dương Kinh về Thăng Long để lên ngôi vua từ quan lại triều đình đến muôn dân đều vui mừng khôn xiết, tất cả đều ra đón cụ vào cung.
+ Khi cụ Mạc Đăng Dung lên ngôi vua lấy niên hiệu là Minh Đức tức là lấy đức sáng để trị vì thiên hạ. Như vậy nhà Mạc đã trị vì 65 năm ( 1527-1592 ), ở kinh thành Thăng long với 6 đời vua: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp, Mạc Toàn và 85 năm ( 1593-1677 ) ở Cao Bằng với 4 đời vua nữa là: Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung; Mạc Kính Khoan; Mạc Kính Vũ. Tổng cộng Nhà Mạc có tất cả 10 đời vua là 150 năm ( theo tài liệu mới nghiên cứu của GS Phan Đăng Nhật là 12 đời vua và 158 năm 1527-1685), thời gian tuy không dài so với lịch sử dân tộc, nhưng cũng không phải quá ngắn như một số triều đại khác là: Nhà Đinh, Tiền Lê, nhà Hồ, nhà Tây Sơn. Trong thời gian nhà Mạc trị vì tình hình an ninh chính trị được ổn định, đất nước không có giặc ngoại xâm, về trật tự xã hội được bảo đảm, ra đường không phải đem theo binh khí, nhà đêm không phải đóng cửa, dân không nhặt của rơi, trâu bò chăn thả ngoài đồng không phải lùa về. Đồng thời nhà Mạc đã tích cực phát triển kinh tế, nhiều năm liền được mùa, mở mang công, thương nghiệp và khuyến khích giao thương với các nước, chứ không khép kín ( tự cung tự cấp, trọng nông ức thương) như chế độ phong kiến trước đây. Trong đó nhà Mạc đã cho xây dựng Dương kinh thành kinh đô thứ 2 vùng ven biển rất phồn thịnh, có những thương cảng để giao thương mạnh mẽ với các nước, và sản xuất hàng hóa đã phát triển mạnh mẽ ( qua con tàu cổ vật đắm tìm thấy ở Hội an đã tìm được rất nhiều gốm sứ Chu Đậu, Bát Tràng có thương hiệu hàng hóa được sản xuất từ thời Mạc ). Điều đó chứng tỏ Nhà Mạc đã chú trọng phát triển kinh tế mở, kinh tế hàng hóa từ rất sớm như GS Trần Quốc Vương đã nhận xét thời kỳ đầu của Nhà Mạc đã có những yếu tố phát triển sản xuất hàng hóa như thời Minh Trị của nước Nhật.
Nhà Mạc còn đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa giáo dục, đã tổ chức được 22 khoa thi đình, lấy đỗ 483 tiến sỹ. Trong đó Nhà Mạc đã chọn ra được 13 trạng nguyên và có nhiều trạng nguyên nổi tiếng, có tài năng xuất chúng ra phò vua Mạc, giúp nước, giúp dân như: Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Giáp Trưng, Nguyễn Thiến…Đặc biệt là Nhà Mạc đã tuyển dụng nữ tiến sỹ đầu tiên trong lịch sử xã hội phong kiến là bà: Nguyễn Thị Ngọc Toàn, về sau được bổ nhiệm làm Lễ nghi học sỹ, chuyên dạy phi tần, mỹ nữ trong cung. Điều đó thể hiện chính sách khuyến học, khuyến tài rất cởi mở của nhà Mạc, không trọng nam, khinh nữ, như các triều đại phong kiến trước đây. Do đó là hậu duệ của “ Các Cụ Tiên Tổ ” chúng ta hoàn toàn có quyền vinh dự và tự hào về truyền thống vinh hiển anh hùng, đã làm vinh danh dòng họ Mạc cả trong nước và quốc tế như cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đánh giá rất cao:
“ Lũng Động Văn chương Quang Nhật nguyệt
Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà ”
Kính thưa các quý vị!
+ Hôm nay được về dự họp của HĐMT Hải Dương và bàn những việc lớn của dòng họ Mạc trong thời gian tới. Trước hết muốn nói về dòng họ, tôi xin nói đến quê hương, có đất nước, mới có quê hương, nơi chôn rau cắt rốn quê tôi: Làng Lưu Thượng có từ cổ xưa, từ trước thế kỷ X lấy tên là làng Thượng trang. Làng có truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm, trong thời kỳ Bắc thuộc làng đã góp công sức, nhân tài, vật lực cho Ngô Quyền đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Đến giữa thế kỷ XIII nhà Trần đến đây chuẩn bị cho kháng chiến chống quân Nguyên, và đổi tên thành làng Lưu Thượng từ đó. Ngay từ thời kỳ đầu nhà Trần, nơi đây đã nằm trong vùng điền trang, thái ấp của Cụ An sinh vương Trần Liễu ( nơi có Đền cao An Phụ thờ cụ An sinh Vương Trần Liễu và tượng đài Trần Hưng Đạo). Trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược, nơi đây đã góp công, sức, nhân tài vật lực, đánh giặc bảo vệ tổ quốc, là hậu cứ phía sau vững chắc cho nhà Trần đánh trận Bạch Đằng. Đến các thời kỳ Pháp thuộc sau này có Cụ Đốc Tít ( họ Nguyễn gốc Mạc ) chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa chống Pháp theo chiếu cần vương của vua Hàm Nghi. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, làng Lưu Thượng đã có lớp cha trước, lớp con sau lên đường tòng quân giết giặc. Trong đó đã có nhiều tấm gương tiêu biểu hy sinh vì nước vì dân, ( trong đó có nhiều con em họ Nguyễn gốc Mạc ) để cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do và mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Ghi nhận công lao to lớn ấy Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho xã Hiệp An danh hiệu Anh hùng LLVTND (năm 2005), và 1 AHLLVTND, cùng nhiều bà mẹ VNAH. Có đất nước, có quê hương, mới có các dòng họ, có các gia đình, nhưng mỗi dòng họ lại có lịch sử hình thành và phát triển khác nhau.
Nhưng vì sao? họ Mạc ta lại phải phân chia ra 420 chi họ Mạc, và gốc Mạc hiện nay ở trên 28 tỉnh thành trong cả nước, trong số đó có chi họ Nguyễn (gốc Mạc) ở quê tôi. Vì dòng họ Mạc của chúng ta do những biến cố chính trị của lịch sử xã hội phong kiến khi nhà Lê trung hưng, chúa Trịnh Tùng và các chúa Trịnh khác đã thẳng tay đàn áp truy sát dòng dõi họ Mạc và những người thân thích với họ Mạc trong cảnh: “ Nồi da nấu thịt, máu chảy đầu rơi, đào tận gốc trốc tận rễ ”. Vì vậy đã gây ra cho họ Mạc có quá nhiều mất mát, đau thương, tổn thất không kể xiết ( Chỉ tính riêng ngày 23 tháng 3 năm 1593-Quý Tỵ, chúa Trịnh Tùng sai giết một lúc trên 2000 người quân, gia nhà Mạc- ĐVSKTT tập 3 NXBKHXH năm 1998-trang 182 ). Do đó họ Mạc ta từ một gốc, đã phải ly tán và phân ra rất nhiều chi họ Mạc, gốc Mạc khác nhau để bảo toàn nòi giống.
+ Vì thế tôi xin phép được cung cấp đôi điều về chi họ Nguyễn (gốc Mạc) quê tôi. Sau khi nhà Mạc rút khỏi kinh thành Thăng Long, (cuối năm 1592-1593 ) để tránh sự truy sát, trong bối cảnh đó nhiều chi họ Mạc ở Hải Dương, Hải Phòng và nhiều nơi khác đã phải mai danh, ẩn tích. Trong đó có các cụ thuộc chi họ Mạc nhà chúng tôi di cư từ thôn Cổ Trai, Dương Kinh đã chuyển về sinh sống tại thôn Lưu Thượng, xã Hiệp An, huyện Kinh Môn, Hải Dương cho đến nay.
– Chi họ nhà tôi trong sách “ Hợp biên thế phả Họ Mạc” do Tiến sĩ Hoàng Lê chủ biên có phả đồ ở trang 277 do Cụ Tổ đời thứ nhất là cụ: Mạc Phúc Hóa, cụ tổ đời thứ 2 là: Mạc Phúc Thiện, cụ tổ đời thứ 3 là: Mạc Phúc Duyên sinh ra tại Cổ trai, Dương Kinh. Trong thời kỳ Nhà Mạc trị vì ở Thăng long, các cụ đã có nhiều công lao lớn xây dựng và củng cố chính quyền khi Nhà Mạc, và 3 cụ đều thác tại Cổ Trai ( chưa rõ các cụ mất do già yếu chết, hay bị truy sát). Sau khi về thôn Lưu Thượng ở được một thời gian ngắn 3 anh em là: Cụ Mạc Phúc Diễn ( anh cả); cụ Mạc Lưu Truyền ( thứ 2) và cụ Mạc Huyền Cơ ( thứ 3 ) đã đưa hài cốt 3 cụ tổ kể trên về thôn Lưu Thượng để an táng ( hiện nay mộ 3 cụ tổ vẫn còn ở tại thôn Lưu Thượng, được con cháu tu bổ và hương khói đều đặn hàng năm, giỗ tổ chính vào ngày 10 tháng giêng âm lịch ). Sau khi về ở đây được một thời gian ngắn, chi họ tôi lại phân ra 3 chi nhỏ, đi ở 3 nơi khác nhau để bảo toàn nòi giống.
+ Trong đó chi 1 anh cả là Cụ: Mạc Phúc Diễn đổi sang họ Nguyễn ( gốc Mạc) vẫn ở tại quê tôi thôn Lưu Thượng, xã Hiệp An nhờ hồng phúc tiên tổ phù hộ, độ trì cho con cháu, nên dòng họ ngày càng sinh sôi đông đúc. Tính đến nay đã phát triển dòng họ Nguyễn (gốc Mạc) ngày càng đông đảo, có tới 19 phân chi, đã có các cháu hậu duệ đến đời thứ 17 rất đông đúc ( Theo thống kê chưa đầy đủ ở ngay quê tôi thôn Lưu Thượng, xã Hiệp An cũng có trên 3000 con cháu. Nếu kể cả chi em thứ 2 di chuyển về thôn Huệ Trì, xã An Phụ, cùng huyện Kinh Môn, giữ nguyên gốc họ Mạc có khoảng 2900- 3000 con cháu, và chi em thứ 3 di chuyển sang thôn Phúc Liệt, xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên đổi sang họ Đào và họ Lê có khoảng trên 1400-1500 con cháu. Tổng cộng toàn bộ 3 chi họ chúng tôi có khoảng trên 7500 con cháu ). Chi họ Nguyễn (gốc Mạc) quê tôi qua các thời kỳ đều là những người có vai tro, vị trớ quan trong trong làng, xã, tổng, và cả trong hàng huyện, phủ, nhưng các cụ đều nhân đức, vì nghĩa lớn, cứu nhân độ thế, giúp nước, cứu dân. Tiêu biểu trong chi họ chúng tôi có Cụ Mạc Đăng Tiết (1853-1912) cũng là con nhà thế gia vọng tộc, giàu có trong vùng ( cụ được vua Hàm Nghi phong là đề đốc quân vụ tỉnh Hải Dương- tương đương tỉnh đội trưởng ngày nay, nên thường gọi là Cụ Đốc Tít ). Cụ là cháu đời thứ 11, chiêu mộ nghĩa quân khởi nghĩa đánh Pháp (1885-1890 ) ở vùng Hai Sông ( sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn) phạm vi hoạt động của nghĩa quân rộng lớn trên 3 tỉnh gồm: Huyện Kinh Môn, Kim Thành, Nam Sách, Chí Linh (Hải Dương ); Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Hải An (Hải Phòng ) và Quảng Yên, Đông Triều, Uông bí (Quảng ninh ). Sau này Thực dân Pháp cùng Tổng đốc Hải Dương: Hoàng Cao Khải đã điều hàng ngàn quân chính quy, cùng với hàng ngàn dân binh bị ép buộc làm bia đỡ đạn, bằng nhiều âm mưu thủ đoạn thâm độc, tàn bạo, đã bao vây tiêu diệt nghĩa quân và đàn áp dã man con cháu dòng họ Nguyễn (gốc Mạc) và nhân dân quanh vùng đã giúp đỡ nghĩa quân. Đồng thời chúng còn cắt mọi đường tiếp tế lương thảo, thuốc cứu thương, vũ khí trang bị cho nghĩa quân, và đầu độc nguồn nước. Đặc biệt do sự đầu hàng Pháp của triều đình Tự Đức cùng, nên cuộc khởi nghĩa của Cụ Đốc Tít cùng với phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp của cụ Nguyễn Thiện Thuật ở Bắc kỳ đã thất bại. ( cụ bị Pháp bắt đi đày ở An giê ri và mất tại đó năm 1912 )
– Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã có hàng trăm con cháu lớp cha trước, lớp con sau của dòng họ Nguyễn (gốc Mạc ) đã tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường Bắc, Trung, Nam. Trong số đó có nhiều người là liệt sĩ đã hy sinh thân mình, hoặc là những thương binh đã dũng cảm trong chiến đấu, bỏ một phần xương máu của mình nơi chiến trường, để góp phần cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do và đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Hiện nay con cháu trong họ tôi là cán bộ thoát ly do chưa có điều kiện thống kê hết được. Nhưng chỉ tính riêng cán bộ chủ chốt về lãnh đạo Đảng và chính quyền, từ khi thành lập chi bộ Đảng ở xã Hiệp An ngày 24 tháng 8 năm 1947 đến năm 2010 tại xã Hiệp An, chi họ Nguyễn (gốc Mạc ) đã đóng góp 7 bí thư Đảng ủy xã, 9 chủ tịch UBND xã và nhiều cán bộ chủ chốt các ban ngành đoàn thể ở địa phương.
-Từ khi hòa bình đến nay chi họ Nguyễn ( gốc Mạc ) quê tôi đã làm được nhiều việc lớn của dòng họ như: Kết nối dòng họ xuống Cổ Trai, về Nam Sách, lên Hà Nội, sang Quảng Ninh để vấn tổ, tầm tông và bổ sung gia phả qua các thời kỳ sau này. Đồng thời xây dựng, tôn tạo khu mộ 3 cụ tổ đời thứ nhất là: cụ Mạc Phúc Hóa; tổ đời thứ 2 là: Cụ Mạc Phúc Thiện; tổ đời thứ 3 là: cụ Mạc Phúc Duyên. Mặt khác đã quy tập mộ các cụ tổ từ đời thứ 4 trở về các đời sau này, về tập trung một chỗ để tiện quản lý, chăm sóc hương khói khi thờ cúng. Đặc biệt năm 2009 con cháu dòng họ đã góp công sức, tiền của, chung sức, chung lòng, đồng tâm hiệp lực xây dựng nhà thờ họ Nguyễn (gốc Mạc) ở tại thôn Lưu Thượng, xã Hiệp An để thờ cúng các cụ và truy ơn tiên tổ ( từ đường họ Nguyễn gốc Mạc trước đây cũng đã có rất khang trang, nhưng giặc Pháp tàn phá năm 1948). Từ đường hiện nay được xây dựng rất khang trang, hoành tráng, có diện tích 112m2, trên diện tích đất nhà thờ là 485 m2.. Trong nhà thờ có đầy đủ hoành phi, câu đối, ban, bệ thờ, ngai, ỷ, bàn truyện, bài vị liệt tổ, liệt tông được sơn son thếp vàng. Bên ngoài nhà thờ còn có diện tích sân bãi đỗ xe ô tô, xe máy, dựng rạp để giỗ, tết và khi có các công việc cần thiết của họ với diện tích là 429 m2. Từ đường khởi công ngày 13/5/2009 ( tức là ngày 19/4 âm lịch năm Kỷ Sửu ), Từ đường được khánh thành vào ngày 26 /10/2009 ( tức ngày 9/9 âm lịch năm Kỷ Sửu ) thời gian xây dựng công trình là 5 tháng 14 ngày. Từ đường được xây dựng do công sức đóng góp của cả dòng họ, đặc biệt có sự công đức rất to lớn của gia đình ông Mạc Đăng Lớp ( là hậu duệ đời thứ 13 ). Hôm khánh thành Từ đường có đông đảo con cháu cả 3 chi họ về dâng hương truy ơn tiên tổ. Đồng thời còn có lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương, các chi họ Mạc, gốc Mạc ở các xã trong huyện và đại diện các chi họ Mạc ở trong tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, và Quảng Ninh về dự như: ông Mạc Văn Kết ở Nam Sách, ông Mạc Đình Ngọc, Mạc Như Thiết ở Cổ Trai, ông Mạc Văn Viên, Mạc Văn ẩn, Mạc Văn Nhung ở Thủy Nguyên.v.v..
– Đầu xuân ngày 01 tháng 3 năm 2011 (27 tháng giêng AL -Tân Mão ) chi họ Nguyễn (gốc Mạc ) chúng tôi được đón ông Phan Đăng Nhật CTHĐMTViệt Nam, ông Nguyễn Xuân Thú CT ông Mạc Văn Kết PCTHĐMT Hải Dương ( Nam Sách ), ông Mạc Đình Ngọc Chủ tịch, ông Mạc Như Thiết PCTHĐMT Hải Phòng ( Kiến Thụy ) về thăm và dâng hương tại từ đường họ Nguyễn gốc Mạc ( Dòng họ chúng tôi quy ước khi còn sống học hành, làm ăn công tác mang họ Nguyễn, khi về với tiên tổ ở cõi vĩnh hằng lại trở về gốc họ Mạc ). Trong chi họ chúng tôi có các cụ tiêu biểu trong các thế hệ trước đây hết lòng vì việc chung của dòng họ như:, cụ Giám, cụ Khải, cụ Diêu, cụ Thỏa, cụ Đễ ( đời 12 ), cụ Sung, cụ Quýnh, cụ Sáu ( đời 13 ) ông Quyên, ông Tân, ông Giọng, ông Sinh, ông Nhẫm, ông út ( đời 14) và nhiều người khác đã tích cực vun đắp, xây dựng dòng họ Nguyễn (gốc Mạc).
-Trong thời bình xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN chi họ chúng tôi đã rất chú trọng “ Vì lợi ích trăm năm phải trồng người ”, đã tích cực xây dựng được quỹ khuyến học khuyến tài, khuyến khích con cháu tích cực rèn luyện học tập, công tác tốt, nên chi họ được tặng giấy khen của hội khuyến học tỉnh, huyện về thành tích khuyến học ( là chi họ khuyến học tiêu biểu ). Trong chi họ tôi lớp trẻ hiện nay đã có hàng trăm con cháu là cử nhân, kỹ sư, bác sỹ. Trong đó có một số người là thạc sĩ, tiến sĩ giảng viên ở Học viện Quân Y, Học viện An Ninh, và có người là doanh nhân thành đạt ( Chỉ tính riêng con số các cháu đỗ Đại học ở quê tôi được quỹ khuyến học của dòng họ phát thưởng từ năm 2006-2010 đã là 55 cháu ). Trong chi họ chúng tôi hiện nay có 3 Đại tá đang công tác trong QĐNDVN là: Đại tá: Nguyễn Văn Xuất, Nguyễn Văn Chiều, Nguyễn Quang Tuyến, Thượng tá Nguyễn Văn Giọng và 1 Đại tá CANDVN là: Nguyễn Văn Đúc. Về dân chính có ông Nguyễn Văn Tòng Trưởng phòng quản trị tài chính, Văn phòng Quốc hội và còn nhiều cán bộ trung, cao cấp khác, do chưa có điều kiện thống kê được. Các cháu thành đạt trong họ đã tích cực góp trí tuệ, công, sức, tài lực vun đắp cho dòng họ, đã góp phần tích cực cùng với toàn thể dòng họ xây dựng thành công từ đường khánh thành năm 2009.
– Hiện nay con cháu chi họ tôi dù ở làm ăn ở quê, hay đi công tác trên khắp mọi miền của tổ quốc, đã và đang tích cực đóng góp trí tuệ, công sức, tài lực, vào củng cố chấn hưng dòng họ. Đồng thời góp một phần nhỏ bé của chi họ mình vào xây dựng Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc ở thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy và Khu đền thờ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi ở thôn Long động, xã Nam Tân, Nam Sách. Dòng họ chúng tôi luôn giáo dục truyền thống cho con cháu tử hiếu, tôn hiền, sống nghĩa tình thủy chung son sắt. Đồng thời chung tay góp sức để xây dựng cộng đồng “Mạc Tộc Đoàn kết, phát triển bền vững, Vinh Hiển, Trường Thịnh ”. Mặt khác chi họ tôi luôn động viên con cháu tích cực giúp đỡ nhau trong cuộc sống, luôn phấn đấu trong học tập, công tác tốt, giúp đỡ nhau trưởng thành tiến bộ, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.
+ Về Chi em thứ 2: Do cụ Mạc Lưu Truyền đã di chuyển lên thôn Huệ Trì, xã An Phụ , ở cùng huyện Kinh Môn. Trong chi họ này lại có 1 phân chi nhỏ do Cụ Mạc Phúc Chí di cư đi vào thôn Xuân Đài, xã Phú Tân, Điện Bàn, Quảng Nam, theo chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) để chống lại vua Lê- chúa Trịnh. Chi họ này đã sinh ra Tổng đốc Hoàng Diệu (1829-1882 ) chống Pháp anh dũng bảo vệ thành Hà Nội. Do sự hèn nhát đầu hàng Pháp của triều đình Tự Đức và có nội gián là tên Tôn Thất Bá phản bội, cùng đồng bọn đã phá kho thuốc súng của ta, mở cổng thành cho quân Pháp tấn công vào, nên Cụ Hoàng Diệu đã anh dũng hy sinh ngày 25/4/1882 ( tức ngày 8/3 âm lịch năm nhâm ngọ ). Sau này khi hòa bình lập lại, con cháu chi họ Hoàng (gốc Mạc ) ở Quảng Nam có cụ Hoàng Hỷ ( là cháu cụ Hoàng Diệu ) cán bộ miền Nam tập kết ra bắc, công tác tại TTXVN đã đưa con cháu về quê thôn Huệ Trì, xã An Phụ, Kinh Môn để nhận họ, nhận quê. Hiện nay hậu duệ của cụ Hoàng Diệu, có nhiều người rất thành đạt. Trong đó có giáo sư toán học Hoàng Tụy là cố vấn HĐMTVN đang ở tại Hà Nội. Trong chi thứ 2 còn có 1 phân chi nhỏ do cụ Mạc Văn Cửu di cư vào thôn Hổ Lao, xã Tân Việt, Đông Triều, QN có 6 gia đình anh em họ Mạc và nhiều con cháu đã tích cực giúp đỡ cách mạng xây dựng Đệ tứ chiến khu Đông Triều trước cách mạng tháng 8/1945. Trong chi họ Mạc ở thôn Huệ Trì, xã An Phụ ( Chi họ này đã có con cháu đến đời thứ 18 tính từ gốc cụ Tổ đời thứ nhất của chúng tôi là: Cụ Mạc Phúc Hóa ) ngày nay cũng có nhiều con cháu thành đạt như: Tiến sỹ Mạc Duy Khải Viện phó Viện ký sinh trùng và sốt rét TW, Đại tá Mạc Duy Phận ( đời thứ 15) công tác ở HVQP; Thượng tá: Mạc Công Đính và nhiều cử nhân, kỹ sư, bác sỹ và cán bộ trung, cao cấp khác. Trong đó con cháu dòng họ đã tích cực góp công của, tôn tạo lăng mộ cụ tổ bằng đá xanh kiên cố, và nhiều hoạt động thiết thực khuyến học, khuyến tài, tích cực vấn tổ tầm tông kết nối dòng họ như: ông Mạc Như An (đời thứ 14 ) và nhiều người khác.
+ Chi em thứ 3: Do cụ Mạc Huyền Cơ di cư sang thôn Phúc Liệt, xã Lưu Kiếm, Thủy Nguyên, HP đổi sang họ Đào và họ Lê ( do chưa có điều kiện thống kê chi tiết được ). Chi họ này cũng là một chi họ có đông con cháu, có nhiều con cháu thành đạt, chi họ đã xây dựng được nhà thờ họ Mạc – Đào- Lê, và quy tập khu mộ tổ ở thôn Phúc Liệt, xã Lưu Kiếm. Trong chi họ Đào cũng có nhiều con cháu tâm huyết với dòng họ tích cực vấn tổ tầm tông như : cụ Vào, cụ Định, cụ Quý, ông Mộc, ông Nhuế, ông Trữ…( đến nay chi họ này đã có con cháu đến đời thứ 16, tính từ cụ Mạc Phúc Hóa )
+ Vừa qua tại quê tôi cũng mới phát hiện một chi họ Hoàng gốc Mạc ( từ năm 2009 ) hậu duệ vua Mạc Toàn. Hiện nay ở tại quê hương chúng tôi có tới 4-5 chi họ Mạc, gốc Mạc ( gồm có: 2 Chi họ Mạc, 1 chi họ Nguyễn gốc Mạc, 1 chi họ Hoàng gốc Mạc, 1 chi họ Trần gốc Mạc ). Chi họ Nguyễn (gốc Mạc) chúng tôi đang tích cực cùng các chi họ Mạc, gốc Mạc khác luôn hướng về cội nguồn, vấn tổ tìm tông, kết nối dòng họ. Đồng thời chi họ chúng tôi cũng đang tích cực cùng các chi họ khác vận động HĐGT các chi họ Mạc ( gốc Mạc) ở quê tôi để tiến tới thống nhất thành lập HĐMT ở địa phương ( theo chỉ đạo chung của HĐMTVN ).
Để thay lời kết phần phát biểu cảm nghĩ của tôi về dòng họ Mạc, tôi xin phép gửi tới qúy vị đại biểu, các ông, bà trong HĐMT Việt Nam, HĐMT Hải Dương và cùng toàn thể quý vị đại diện cho 41 chi họ Mạc, gốc Mạc tỉnh Hải Dương và bà con cô bác họ Mạc, (gốc Mạc) trên mọi miền đất nước lời tiên tri của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rất linh nghiệm
“ Tứ Bách niên tiền chung phục thủy
Thập tam thế hậu dị nhi đồng ”
Vì những mất mát đau thương tột cùng do xã hội phong kiến gây ra cho họ Mạc ta, nên toàn thể bà con dòng tộc Mạc (gốc Mạc ) cần tiếp tục tăng cường vấn tổ, tìm tông, kết nối dòng họ, tăng cường đoàn kết, đoàn kết hơn nữa, để vận dụng sức mạnh tổng hợp cả tâm, trí, tài, lực để phục hồi và chấn hưng mạnh mẽ dòng họ Mạc ( gốc Mạc ) của chúng ta được tiếp tục được thành công, thành công hơn nữa, xứng đáng sánh vai cùng các dòng họ mạnh khác trong lịch sử dân tộc. Dòng họ chúng tôi luôn trân trọng tình cảm uống nước nhớ nguồn, máu chảy ruột mềm. Xin thành tâm kính mời các chi họ Mạc (gốc Mạc ) ở Hải Dương và các chi họ Mạc ( gốc Mạc ) trên toàn quốc, nếu có điều kiện về thăm quê chúng tôi, rất trân trọng được đón tiếp quý vị
Một lần nữa xin kính chúc các vị đại biểu khách quý và toàn thể quý vị đại diện các chi họ Mạc (gốc Mạc ) Hải Dương và toàn quốc mạnh khỏe hạnh phúc, tiếp tục xây dựng một cộng đồng Mạc tộc: “ Đoàn kết chặt chẽ, phát triển bền vững, vinh hiển trường thịnh ”. Xin trân trọng cảm ơn quý vị !
Nguyễn Quang Tuyến
Viết bình luận
Tin liên quan
-
GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
-
Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
-
CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
-
ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
-
MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
-
HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
-
HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
-
Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
-
KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
-
KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC