- Đang online: 1
- Hôm qua: 915
- Tuần nay: 16883
- Tổng truy cập: 3,451,857
KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- 2256 lượt xem
Mạc Văn Trang
Phó Chủ tịch HĐMTVN
Đầu năm 1992 tôi chuyển nhà từ khu Đống Đa về gần Công viên Thủ Lệ. Mỗi buổi sáng vào công viên đi dạo, thường xem mọi người đánh cầu lông. Trong số những người cao tuổi đánh cầu thấy một ông cụ, người nhỏ thó mà đánh cầu rất tinh khôn, tôi rất phục và mon men làm quen, mong ông dạy mình cách chơi cầu. Hỏi han một hồi, hóa ra cùng anh em họ Mạc, lại đồng hương Hải Dương. Ông là Mạc Bá Nguyên, cán bộ tuyên huấn của thành ủy Hà Nội nghỉ hưu, quê ở xã Hợp Tiến, Nam Sách, Hải Dương. Từ sự quen biết ấy, ông Mạc Bá Nguyên cho biết có một số anh em họ Mạc và gốc Mạc ở Hà Nội liên hệ với nhau đã lập ra Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội, nhằm làm đầu mối chắp nối các chi phái họ Mạc, gốc Mạc trong cả nước. Hiện Ban đang tập hợp tư liệu để làm cuốn “Mạc thị thế phả hợp biên”[1]… Thú thực lúc đó tôi chưa hào hứng về việc họ lắm, lấy lý do đang bận công tác, chưa tham gia. Nhưng thực ra trong lòng vẫn mang mặc cảm về họ Mạc, đã bao lần bị bạn bè trêu chọc, nó khiến tôi suốt thời học sinh như dị ứng với môn Lịch sử, đến nỗi tôi là một học sinh dốt sử!
Nhưng rồi vào đầu xuân 1996 thì phải, ông Nguyên rủ tôi “đi họp họ cho vui”. Đó là buổi họp mặt đầu xuân ở nhà ông Bùi Trần Chuyên, Trưởng ban đầu tiên của Ban LLHM Hà Nội. Có khoảng hơn 20 người, ngồi quây quần trên chiếu trải xuống sàn nhà, trong một căn hộ chung cư ở tầng ba nhà D2 trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Một căn phòng giản dị chừng 20 mét vuông, vừa kê bàn thờ vừa làm phòng khách. Bác Chuyên gái vui vẻ đón khách, dịu dàng bưng ra mấy đĩa bánh kẹo và làm nhiệm vụ tiếp nước trà… Mọi người sôi nổi trò chuyện, tự giới thiệu… Lại thấy chỉ có hai ba người mang họ Mạc, còn toàn họ lạ, nào Bùi, Nguyễn, Lều, Hoàng, Phan, Vũ, Thái, Phạm… Tôi thầm nghĩ: “Hóa ra ở đâu mình cũng thiểu số, ngay cả khi họp họ Mạc”! Nhưng rồi những câu chuyện về tìm kiếm, chắp nối thêm được chi này, ngành nọ… sôi nổi hào hứng, tràn ngập tình cảm đồng tộc thân thương cứ lôi cuốn tôi. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được nhu cầu bức bách và tình cảm tha thiết của những người họ Mạc đã thay tên đổi họ vẫn nung nấu ý chí tìm về nguồn cội. Một cảm nhận mới lạ, ý thức linh thiêng về dòng tộc lớn dần lên trong tâm tưởng của tôi… Từ đó năm nào tôi cũng đi sinh hoạt Ban LLHM Hà Nội và giác ngộ dần về việc họ. Tôi nhớ mỗi lần họp, ông Bùi Trần Chuyên lại đọc tờ Thông báo số… của Ban LLHM Hà Nội, mọi người góp ý thông qua, chỉnh sửa rồi in ra, phôtô để cháu Bùi Trần Tuấn (con trai bác Chuyên) gửi đi các địa phương và ra cả nước ngoài. Tuấn lúc đó còn là chàng trai trẻ, hơi rụt rè, nhưng rất hăng hái nhiệt tình vừa làm trợ lý cho cha, vừa làm liên lạc của Ban LLHM Hà Nội rất đắc lực. Lúc đó Ban LLHM Hà Nội có sứ mạng, vai trò làm đầu mối trung tâm cho hoạt động của các Ban LLHM trong cả nước và cũng là nơi sẵn sàng giúp những ai muốn tìm hiểu thông tin để tìm về nguồn cội gốc Mạc.
Năm 2000, ông Bùi Trần Chuyên mất. Tiến sĩ Hoàng Lê Phó trưởng ban Thường trực lên thay làm Trưởng ban LLHM Hà Nội cho tới 2006. Trong thời gian đó ông Hoàng Cao Quý làm Phó Ban trường trực của Ban LLHM Hà Nội. Ông Quý đã tham gia Ban LLHM Hà Nội từ năm 1995 và với chức vụ Phó Chánh Văn phòng Bộ Công An, ông tận dụng nhiều dịp đi công tác để kết hợp làm việc họ rất hiệu quả. Ông còn nhiều lần tạo điều kiện về phương tiện (ô tô) cho ông Bùi Trần Chuyên, Hoàng Lê đi tìm hiểu, sưu tầm tư liệu, chắp nối dòng họ ở các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An… thu thập được nhiều tư liệu quý giá và góp phần vào việc hình thành mạng lưới các Ban liên lạc địa phương kết nối với Ban LLHM Hà Nội.
Trong giai đoạn 1995 – 2006 Ban LLHM Hà Nội đã biên soạn, xuất bản Những chuyện kể về Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, rồi cuốn Hợp biên thế phả họ Mạc (xuất bản năm 2001, tái bản năm 2007) và Biên soạn những cuốn Gương sáng dòng họ (tập 1, 2, 3) là những sự kiện đánh dấu thành quả lớn lao của Ban LLHM Hà Nội đóng góp cho Mạc tộc Việt Nam. Trong thời gian này, tôi cũng được TS Hoàng Lê giao nhiệm vụ “Kiến nghị với Ban biên soạn sách giáo khoa Lịch sử phổ thông cần chỉnh sửa những chỗ viết về nhà Mạc không còn phù hợp với những nghiên cứu mới gần đây của giới sử học Việt Nam”. Tôi đã tự nhân mình dốt sử, nên chỉ biết viết một đơn Kiến nghị đưa TS Hoàng Lê ký và phô- tô tất cả những đoạn trong các sách giáo khoa phổ thông viết về nhà Mạc để TS Hoàng Lê sửa chữ đỏ vào. Sau đó tôi gặp PGS TS Nghiêm Đình Vì lúc đó là Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Trưởng Ban biên soạn sách giáo khoa Lịch sử phổ thông và TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Thư ký Ban biên soạn sách giáo khoa Lịch sử phổ thông để đưa Bản kiến nghị và những trang sách sử phô- tô đã được TS Hoàng Lê chữa mực đỏ cho hai vị. Hai anh đều là chỗ bạn bè quen biết với tôi nên cũng rất thuận lợi. Như vậy là khâu sách giáo khoa phổ thông tuy chưa được viết theo những kết quả nghiên cứu mới về nhà Mạc và thời kỳ nhà Mạc trong lịch sử dân tộc, nhưng cũng đã chỉnh sửa được những quy kết sai lệch, những lời lẽ xúc phạm đến nhà Mạc…trong các sách giáo khoa phổ thông. Nhưng còn các giáo trình lịch sử ở đại học do từng giảng viên tự biên soạn và những sách cũ do các nhà xuất bản vẫn tái bản y như cũ, thì đang là vấn đề rất phức tạp, chưa có giải pháp!
Năm 2006, GS TSKH Phan Đăng Nhật được cử làm Trưởng Ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội cùng với với ba gương mặt trẻ làm Phó ban là Bùi Trần Tuấn và Nguyễn Minh Đức, Lê Hoài Giao. TS Hoàng Lê và ông Hoàng Cao Quý xin nghỉ lãnh đạo nhưng vẫn tiếp tục tham gia việc họ một cách tích cực, âm thầm và có những đóng góp quý báu.
Tháng 10/2008 thường trực Ban Liên lạc bổ sung ông Thái Kế Toại làm Phó ban thường trực và Mạc Văn Trang làm Phó trưởng ban. Ông Bùi Trần Tuấn giữ nhiệm vụ Thư ký Ban Liên lạc kiêm Trưởng tiểu ban Tổ chức- Hành chính. Thời kỳ này ông Thái Kế Toại có vai trò đặc biệt quan trọng, ông chính là người khởi xướng và trực tiếp xây dựng, quản lý trang web mactoc.net của Mạc tộc Việt Nam từ 2008 đến giữa năm 2010 thì bàn giao lại cho ông Thái Khắc Việt. Đến tháng 11/2010 tôi nhận bàn giao trang web từ ông Thái Khắc Việt và đổi tên miền thành mactoc.com, duy trì hoạt động cho đến nay.
Việc thứ hai, rất quan trọng, ông Thái Kế Toại đã làm được trong thời gian này là hoàn thành bộ phim 5 tập “Tiếng kèn nhà Mạc”, thời lượng hơn 2 giờ chiếu. Những người cùng sát cánh và hỗ trợ đắc lực cho ông Toại mà tôi được biết là anh Hoàng Minh Tuấn và Phan Đăng Thuận. Nhóm làm phim đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức, vượt qua không biết bao nhiêu trở ngại, đi khắp mọi miền đất nước để hoàn thành được bộ phim tài liệu rất cơ bản, quan trọng này…
Năm 2008, khi thành phố Hải Phòng lập dự án xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, cộng đồng họ Mạc trong cả nước thấy rằng cần có một Ban liên lạc họ Mạc Việt Nam đại diện cho họ Mạc cả nước để kêu gọi bà con họ Mạc hướng về cội nguồn, Ban LLHM Hà Nội được cộng đồng họ Mạc tín nhiệm và giao nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện và đề xuất các nhân sự lãnh đạo của Ban vận động thành lập Hội đồng Mạc tộc VN. GS TS Phan Đăng Nhật được cử làm Trưởng ban vận động, Đến tháng 10/2009, Ban vận động (hay còn gọi là Ban liên lạc lâm thời) đổi tên thành Hội đồng Mạc tộc Việt Nam. Đầu năm 2010, Ban LLHM Hà Nội được củng cố lại, hoạt động độc lập, cử anh Bùi Trần Tuấn làm Trưởng Ban, Đến đầu năm 2013, do anh Tuấn bận làm việc xa nên TS Phan Đăng Long được cử làm Trưởng ban LLHM Hà Nội.
Nhìn lại chặng đường 1994 – 2010, ít nhất Ban LLHM Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng cho Mạc tộc Việt Nam, đó là:
1. Là tổ chức đầu mối, liên lạc, kết nối cộng đồng họ Mạc Việt Nam trong cả nước và ở nước ngoài, có vai trò dẫn dắt các Ban LLHM ở nhiều địa phương cùng gắn kết hoạt động chung vì mục tiêu “vấn tổ tầm tông”, “chung phục thủy” và chiêu tuyết cho tổ tiên;
2. Ban LLHM Hà Nội là nơi tổ chức cho bà con họ Mạc, gốc Mạc ở Thủ đô hàng năm đi cúng giỗ, dự lễ hội ngày mồng 10 tháng Hai ở Long Động và ngày 20 tháng Tám (âm lịch) ở Cổ Trai một cách đều đặn từ đầu những năm 1990, thành nề nếp sinh hoạt của cộng đồng họ Mạc Hà Nội. Từ năm 2010, BLLHM Hà Nội lại phối hợp cùng Ban quản lý khu di tích Hoàng thành Thăng Long, tổ chức dâng hương đều đặn vào ngày giỗ các Tiên đế nhà Mạc trị vì ở Thăng Long 65 năm.
2. Đã biên soạn cuốn “Những chuyện kể về Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi”, NXB Văn hóa Thông tin; đặc biệt là đã biên soạn xuất bản, rồi tái bản cuốn Hợp biên thế phả họ Mạc và Biên soạn những cuốn Gương sáng dòng họ (tập 1, 2, 3), là những tư liệu ban đầu vô cùng quý giá;
3. Đã xây dựng lên trang Web Mạc tộc với tên miền mactoc.net từ 2008, làm cơ sở cho trang web mactoc.com của Hội đồng MTVN tiếp tục sau này;
4. Đã xây dựng được bộ phim “Tiếng kèn nhà Mạc” với những tài liệu hết sức cơ bản, phong phú, rộng khắp cả nước. Đây là cái vốn quý báu phải được trân trọng giữ gìn để tiếp tục khai thác, sử dụng, hoàn thiện bộ phim tài liệu về họ Mạc, nhà Mạc trọng lịch sử Việt Nam.
5. Ban LLHM Hà Nội cũng đã góp phần vào nghiên cứu, khẳng định những đóng góp của vương triều Mạc vào lịch sử dân tộc với những quan niệm mới, nhận thức mới về nhà Mạc và nước Đại Việt thời kỳ nhà Mạc. Đặc biệt góp phần tổ chức thành công Hội thảo về “Vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc” tại Hoàng thành trước thềm Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (tháng 9/2010) và phối hợp với tạp chí Xưa và Nay xuất bản số chuyên đề về Nhà Mạc nhân kỷ niệm 470 năm ngày Mạc Thái Tổ băng hà (1541 – 2011).
6. Từ năm 2010 đến nay, Ban LLHM Hà Nội đã bền bỉ, âm thầm xúc tiến công việc đề xuất với Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội về việc đặt tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông cho đường phố ở Thủ đô. Đây là một quyết định mang tính “công minh lịch sử” nhưng quá trình vận động đi đến quyết định đó là những công việc đầy tính phức tạp và tinh tế… Cuối cùng kết quả đang đi đến thành công.
Từ những đóng góp nói trên, cho đến nhân sự của Hội đồng Mạc tộc Việt Nam lâm thời chủ yếu là từ Ban LLHM Hà Nội – đã tiến hành Đại hội lần thứ I, tháng 11/2011 thành lập HĐMTVN, có thể nói Ban LLHM Hà Nội là tiền thân của HĐMTVN. Cần khẳng định điều đó để thấy lịch sử phát triển liên tục của tổ chức Mạc tộc Việt Nam, và cần thấy rằng giữa HĐMTVN và Ban LLHM Hà Nội không có lý do gì lại không gắn kết với nhau trong hoạt động hiện tại và tương lai vì sự phát triển của cộng đồng Mạc tộc Việt Nam.
Hà Nội, ngày 20/11/2014
Mạc Văn Trang
[1] Lúc đầu khi biên soạn là “Mạc thị thế phả hợp biên”, đến năm 2000 khi chuẩn bị xuất bản thì đổi là “Hợp biên thế phả họ Mạc” cho thuần Việt.
Viết bình luận
Tin liên quan
-
GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
-
Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
-
CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
-
ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
-
MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
-
HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
-
HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
-
Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
-
KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
-
HAI BÀI THƠ của GS VĂN TẠO và TS HOÀNG LÊ
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC