- Đang online: 1
- Hôm qua: 762
- Tuần nay: 11996
- Tổng truy cập: 3,388,654
HÙNG KHÍ CỦA CÁC VỊ HOÀNG ĐẾ NHÀ MẠC
- 248 lượt xem
Phạm Kim Tuấn
1. Vài nét về những hùng khí của các vị hoàng đế nhà Mạc cùng tôn thất Mạc.
a) Thời kỳ ở Thăng Long
Cuối thời Lê sơ, nguyên khí nhà Lê đã hết, vua tôi bị dân oán ghét, giặc giã nổi lên khắp nơi chống lại triều đình. Với bối cảnh lịch sử lúc đó (cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI), xã hội loạn lạc, thiên tai lụt lội, mất mùa xảy ra quanh năm, dân tình đói kém liên miên, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, các phe phái đánh giết lẫn nhau, triều đình thối nát vơ vét của cải, lao dịch của nhân dân giờ đã không thể kiểm soát nổi. Lúc đó Mạc Đăng Dung nổi lên từ một đô võ tướng đánh dẹp bốn phương, lòng người hướng về. Năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi Hoàng Đế là thuận đạo trời, hợp lòng người…
Thái Tổ Mạc Đăng Dung đã gánh vác vận mệnh đất nước, chèo lái con thuyền trong cơn bão táp để củng cố vương triều, lập lại kỷ cương xã tắc, an dân trăm họ….
Năm 1530, Thái Tổ nhà Mạc truyền ngôi cho con trưởng là Thái Tông: Khâm Triết Văn Hoàng Đế Mạc Đăng Doanh (1530 – 1540) lên làm Thái Thượng Hoàng. Các hoàng đế kế tiếp: Hiến Tông Hiển Hoàng Đế Mạc Phúc Hải (1540 -1546); Tuyên Tông Anh Nghị Hoàng Đế: Mạc Phúc Nguyên (1546 – 1562); Mục Tông Hồng Ninh Hoàng Đế Mạc Mậu Hợp (1562 – 1592); Cảnh Tông Thành Hoàng Đế Mạc Toàn (1592 -1593)…
Trong thời gian trị vì đất nước của các vị vua Mạc, nhân dân còn truyền tụng so với thời vua Nghiêu, vua Thuấn ở Trung Quốc: “những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ôn”[1]. Bởi vây, Nhân dân có câu ca dao:
“Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
Đất nước thái bình dân dễ làm ăn”
Vận nước thịnh rồi suy đó là lẽ trời.
Thánh nhân có câu:
Mặt trời lên đến đỉnh đầu thì xế
Trăng đầy thì khuyết
Sự vật thịnh thì suy.
Đấy là lẽ thường của trời đất.
Nhà Mạc có lẽ cũng theo vận trời mà mất dần nguyên khí. Trong thời gian trị vì làm vua cả nước tại Thăng Long, nhà Mạc nhiều Vua chết sớm, vua mới nối ngôi còn nhỏ, triều đình tang tóc chưa ổn định tập đoàn chúa Trịnh nổi lên dựng vua Lê làm danh nghĩa bắt đầu đánh nhau với nhà Mạc với khẩu hiệu “Phù Lê, diệt Mạc”…
Nhà Mạc có những tướng văn võ toàn tài, khí tiết, anh hùng, ví như Quản Trọng, Nhạc Nghị bên Trung Quốc. Đó là Khiêm Vương Mạc Kính Điển.
Mạc Kính Điển là con thứ ba của Thái tông Mạc Đăng Doanh, là em của Hiến Tông Hiển Hoàng Đế Mạc Phúc Hải. Hiến Tông mất, ngài là chú làm phụ chính cho vua mới nối ngôi. Ấu chúa còn nhỏ là Tuyên Tông Anh Nghị Hoàng Đế: Mạc Phúc Nguyên mới lên 6 tuổi. Dẹp loạn nội chiến Phạm Tử Nghi trong 6 năm. Thời gian này, tập đoàn Trịnh Lê lớn mạnh, chiến tranh nam bắc liên miên. Tuyên Tông hoàng đế Mạc Phúc Nguyên mất, ấu chúa Hồng Ninh hoàng đế Mạc Mậu Hợp mới 2 tuổi, lên nối ngôi. Khiêm Vương tiếp tục phụ chính. Về sau, Phụ chính Khiêm Vương Mạc Kính Điển mất, nguyên khí nhà Mạc kém dần, quân Nam triều lớn mạnh, nhà Mạc không có người thay thế xứng đáng Khiêm Vương Mạc Kính Điển. Năm 1592 Vua Mạc Mậu Hợp truyền ngôi cho con cả là: Mạc Toàn, thân chinh làm tướng thống lĩnh ba quân, dàn trận đánh nhau với quân Trịnh. Quân Mạc thua phải rút về Bắc Giang, Thăng Long thất thủ.
Cảnh Tông Thành Hoàng Đế Mạc Toàn lúc bấy giờ đang ở Kim Thành, Hải Dương nghe tin cha bị vây hãm ở Thăng Long bèn đem quân về cứu giá. Gặp quân Trịnh đông gấp bội lần, dòng dã nhiều ngày trời… cuối cùng quân ít lực mỏng, ngài đã anh dũng hy sinh tại bến Thảo Tân nay thuộc Kinh Môn – Hải Dương khi chưa đầy 20 tuổi.
Mẫn Tông: Trinh Hoàng Đế Mạc Kính Chỉ. Ngài là con cả của Khiêm Vương Mạc Kính Điển, Khi biết Mục Tông Hồng Ninh Hoàng Đế Mạc Mậu Hợp đã mất, ngài ở Đông Triều thu thập số quân còn lại chiếm xứ Thanh Lâm (nay là Nam Sách – Hải Dương) lên ngôi Hoàng đế ở Nam Giản thuộc Chí Linh Hải Dương và lấy niên hiệu là Bảo Định (1592) rồi đổi là Khang Hựu (1593).
Các tôn thất nhà Mạc gồm vài trăm người hưởng ứng, văn thần, võ tướng lại đến quy phục, quân sĩ đông đảo, chính sự uy nghiêm, đánh bại quân Trịnh lấy được vùng Hải Dương đến Bắc Ninh, Thanh thế lẫy lừng. Quân Trịnh dùng toàn lực phản công. Ngài dàn trận đánh nhau với quân Trịnh dòng dã nhiều tháng trời, quân đội mới tập hợp chưa có sự huấn luyện chống lại quân Trịnh đông gấp bội và thiện chiến. Cuối cùng ngài thế cô lực mỏng chiến đấu đến hơi thổ cuối cùng, không bao giờ chịu đầu hàng quân Trịnh. Ngài đã anh dũng hy sinh trên chiến trường để lại khí tiết ngàn thu.
b) Thời kỳ định đô ở Cao Bằng.
Đại Tông Linh Hoàng Đế: Mạc Kính Cung. Là em thứ 7 của Hoàng đế: Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Chỉ mất, ngài lên ngôi và lấy hiệu là Càn Thống. Ngài trấn giữ cả vùng rộng lớn từ sông Nhị Hà trờ về Bắc, cả vùng Trung du, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Các tướng lĩnh về tập hợp, Nhân dân đi theo rất đông. Ngài trấn chỉnh kỷ cương mọi mặt, an phục nhân tâm mở trường dạy học, mở khoa thi, thu nạp nhân tài, khuyến khích phát triển nông tang, mở các ngành nghề, đường xá chợ búa, thương mại phát đạt, chiêu binh mãi mã. Luyện tập quân đội tề chính uy nghi. Sửa sang thành trì, đắp nhiều thành nhỏ ở nơi hiểm yếu làm thế ỷ dốc (tiến thoái lưỡng tiện). Giảm sưu thuế, phạt nặng quan tham, vua tôi hòa đồng với nhân dân.
Sự nghiệp đó, nhằm đặt đế nghiệp lâu dài vững chắc ở Cao Bằng, khi thời cơ đến sẽ lấy Thăng Long thu phục cả nước như thời khai sang triều Mạc vậy. Ngài trấn chỉnh binh mã, ngày đêm luyện tập, chí khí hiên ngang, đánh đông dẹp bắc, nhiều lần đánh Thăng Long và 2 lần đã lấy được Thăng Long… Vì quân Trịnh quá mạnh, để bảo toàn lực lượng ngài cho quân rút về Cao Bằng. Nay dọc đường tiến quân của ngài từ Cao Bằng. Lạng Sơn tiến trên đỉnh núi Sóc Sơn vẫn còn đường to rộng mà dân địa phương vẫn gọi là đường nhà Mạc, dân truyền rằng: Mạc tiến quân, đầu quân cấy lúa, hậu quân đến nơi thì gặt lúa. Điều đó chứng tỏ quân đội của ngài kỷ luật nghiêm minh, không xâm phạm của dân, và ngài truyền cho binh sỹ ý chí sắt đá. Quyết chiến đấu để cứu dân cứu nước đến cùng. Có lần đại quân của ngài đánh chiếm Thăng Long, quân Nam triều quá mạnh nên ngài cho rút quân để bảo tồn lực lượng, quân Trịnh ào ạt đuổi theo đến Sóc Sơn, có 18 vị quận công cùng vài trăm binh sĩ cảm tử để chặn hậu, quân Trịnh kéo đến đông hơn chục vạn bao vây tứ phía, 1 chọi với 100, các vị quân công chiến đấu kiên cường trong nhiều ngày để chặn quân địch lại cho đại quân rút lui. Cuối cùng, các ngài cùng đội quân “chặn hậu”, bị dịch vây hãm, đã cùng nhau tuẫn tiết, khí phách anh hùng của các ngài sử xanh còn ghi. Nơi các ngài hy sinh, dân địa phương đã lập đền thờ 18 vị quận công chí khí hiên ngang anh dũng (nay là đền Quan Quận ở thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Càn Thống Hoàng đế chiến đấu hiên ngang từ (1593 – 1625) chiến tranh liên miên với quân Trịnh.
Phải nói thêm rằng, Nguyễn Hoàng là con Nguyễn Kim sợ bị Trịnh Kiểm giết chết như anh là Nguyễn Uông, nên đã xin đi trấn thủ phương nam. Tôn thất nhà Mạc có Mạc Cảnh Huống, Mạc Thị Giai, Mạc Thị Lâu về với chúa Nguyễn, Mạc Cảnh Huống trở thành Thừa Tướng khai Quốc công thần của chúa Nguyễn, đánh Chiêm Thành, mở mang bờ cõi nước ta về phía nam. Mạc Thị Giai trở thành hoàng hậu của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, Mạc Thị Lâu trở thành vợ của đại thần chúa Nguyễn. Các ngài đều có công góp phần mở mang bờ cõi nước ta rộng dài như ngày nay.
Đến năm 1625 Hoàng đế Càn Thống dàn trận đánh nhau với quân Trịnh, quân Trịnh đông và mạnh ngài đã anh dũng hy sinh để lại tiết khí ngàn thu.
Quang tổ Nguyên Hoàng Đế: Mạc Kính Khoan.
Ngài lên ngôi năm (1623 – 1638) Hiệu là Long Thái. Ngài là cháu nội Khiêm vương: Mạc Kính Điển, gọi Đại Tông Hoàng đế: Mạc Kính Cung là chú. Ngài thông hiểu binh pháp lấy nhu thắng cương, lấy ít địch nhiều. Vì quân đội trong tay ngài quá ít so với quân Trịnh Lê, ngài cho binh sĩ tập luyện tinh nhuệ chờ thời cơ thu phục Thăng Long và cả nước. Năm 1623 Trịnh Tùng ốm yếu, Trịnh Tráng nối nghiệp chúa, Trịnh Xuân nổi loạn đem quân đánh phủ chúa. Kinh thành rối loạn, ngài từ Cao Bằng đem quân về vây chặt kinh thành, Trịnh Tráng đánh mạnh, ngài lại phải rút quân về Cao Bằng.. Ngài dâng biểu giả vờ đầu hàng Lê Trịnh, nhưng vẫn là Hoàng đế nhà Mạc nhẫn nhịn ở Cao Bằng để đợi thời cơ. Năm mậu dần 1638, Ngài mất ở Cao Bằng. Trong thời gian trị vì, ngài mở trường học và nhiều khoa thi, lấy được nhiều tiến sỹ, tuyển chọn nhiều nhân tài cho đất nước.
Minh Tông Khai Hoàng Đế: Mạc Kính Vũ. Ngài lên ngồi năm (1638 – 1677) ngài là con trưởng Mạc Kính Khoan, lấy hiệu là Thuận Đức. Ngài cho tập duyệt quân đội, sắc lệnh rõ rành, thưởng phạt nghiêm minh, chiêu binh mãi mã. Mở nhiều khoa thi tuyển chọn nhân tài. Trong các khoa thi có trạng nguyên: Nguyễn Thị Duệ là nữ trạng nguyên đầu tiên và duy nhất tại nước ta. Giảm nhẹ sưu thuế, mở cửa thông thương mại với Trung Quốc, tự do sản xuất đồ mỹ nghệ, khuyến khích nông nghiệp, nhân dân được mùa phấn khởi, dân giàu nước mạnh, ngài lại tuyên chiến với quân Trịnh Lê. Ngài là vị vua anh minh cả trong nước và trên chiến trường. Chiến đầu dòng dã 40 năm khi thắng tiến xuống phía nam, khi bại thì lùi về cố thủ căn cứ. Ngài giúp lương thực cho Ngô Tam Quế (Tổng đốc lưỡng Quảng người Hán). Ngô Tam Quế đánh nhà Thanh thất bại. Nhà Thanh thù ngài đã giúp Ngô Tam Quế làm phản nên cho quân áp sát biên giới để đánh ngài. Quân trịnh cho đại tướng Đinh Văn Tả kéo đại quân đánh Cao Bằng năm 1677. Ngài truyền ngôi cho con là Mạc Kính Chửu (còn dịch là Hỷ) tức là Quý Tông Huệ Hoàng Đế: Mạc Kính Chửu (Hỷ). Hoàng đế Kính Chửu chống lại đại quân Đinh Văn Tả tại thành Nà Lữ đến năm 1682 thì truyền ngôi cho em là Đức Tông Độ Hoàng Đế: Mạc Kính Nghi (tức Tiêu). Hoàng đế Kính Nghi tiếp tục chống lại quân Đinh Văn Tả từ năm (1682 – 1685) bị quân Thanh ép sang và 1 bên là quân Trịnh theo thế gọng kìm, Mạc Kính Nghi cho quân giải giáp khí giới dần dần không bị tiêu hao sinh lực. Nhà Mạc từ đó mới hết.
Một giả thuyết có nhiều cơ sở cho rằng, Minh Tông Khai Hoàng Đế: Mạc Kính Vũ sau khi truyền ngôi cho con, ngài xuôi sông Hồng về ngã ba sông Việt Trì, vùng Bạch Hạc. Ngài và một số nghĩa quân theo về tụ hội, chiêu binh mãi mã ở vùng Lập Thạch, Tuyên Quang nơi đồn trú của nhà Mạc huấn luyện binh mã tinh nhuệ, ngày nay nơi đó vẫn còn đọc tên nơi quân Mạc tập trận như: Đồng trò, đồng Trận, đồng Ta, đồng Địch, và Lũy tre gai góc dày đặc mà con mèo còn không qua được là nơi đóng binh đại bản doanh quân Mạc.
Ngài truyền ngôi cho con là Mạc Kính Chửu (Hỷ) giữ thành Nà Lữ để kìm chân đại quân Trịnh do Đinh Văn Tả chỉ huy. Còn ngài về ngã ba sông Bạch Hạc (Việt Trì) tập hợp để đánh úp Thăng Long. Nhưng vận nước đã thay đổi nguyên khí nhà Mạc thời đó đã suy yếu, đành án binh bất động, trời không chiều lòng người. Về sau ngài mất tại đó…
Dù chính sử không hi đầy dủ, nhưng khí tiết anh hùng, dũng mãnh, hiên ngang của các vị hoàng đế và quan quân nhà Mạc còn lưu mãi trong dân gian đến ngày nay.
2. Những cống hiến cho đất nước:
- Về Kinh Tế:
-Nhà Mạc cởi mở tự do dân chủ. Sản xuất cho lấy tên thương hiệu tên người chủ sản xuất ra mặt hàng (nên có sức cạnh tranh và chất lượng, chữ tín…)
-Nông nghiệp: khuyết khích nông tang, đắp đê điều, giảm nhẹ sưu thuế, nhiều ruộng đất chia cho dân làm chủ….
-Thương mại xây dựng Dương Kinh – kinh đô đầu tiên hướng ra biển thông thương hàng hóa với nước ngoài, tự do tôn giáo tín ngưỡng.
- Về Chính Trị:
-Xây dựng nhiều trường học trong cả nước, mở nhiều khoa thi tuyển chọn nhân tài, có những trạng nguyên nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải,..v..v…
-Luật pháp nghiêm minh nới lỏng với nhân dân nhưng xử nặng với quan lại bóc lột của dân.
-Sửa sang đường xá, cầu cống, khắc phục thiên tai…
- Về Quân Sự:
-Quân kỷ nghiêm minh,
-Không xâm phạm của dân,
-Quân đội vừa cấy lúa làm nông nghiệp vừa chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
- Về Ngoại Giao:
-Mềm mỏng, khôn khéo trong ngoại giao nhưng cương quyết và cứng rắn trong bảo vệ Tổ quốc;
-Như bài Vịnh Bèo của Trạng nguyên Giáp Hải làm quân thù phải nể sợ v..v…
- Về khí tiết
-Các vị hoàng đế nhà Mạc quyết hy sinh trên chiến trường chứ không chịu đầu hàng. Công chúa nhà Mạc là Mạc Cao Tiên, Mạc Thị Tiên Dung, Mạc Tuyết Lan khi bị quân Trịnh bắt, quyết hy sinh để giữ trọn tử tiết và không chịu làm con tin để quân Trịnh ép điều kiện với quân mình. Các bà đã nhảy xuống sông Tuẫn Tiết thật khí phách anh hùng (Hiện ở Cao Bằng còn đền thờ công chúa Mạc Cao Tiên nơi bà tuẫn tiết) 18 vị quận công đã tuẫn tiết khi đã chặn đường tiến của quân Trịnh (đền thờ quan quận ở: Thôn Thanh Hà, Nam Sơn, Sóc Sơn, HN) Thật là những tấm gương khí tiết, kiên trung.
- Về Văn Hóa
-Ở Cao Bằng hiện còn hội LònTòng, vua đi cầy ruộng cùng dân thật là thương dân, gần dân….
-Hội Nàng Hai: do công chúa Mạc Tuyết Lan khởi dựng còn tồn tại đến ngày nay;
-Hát then giao thoa văn hóa giữa người Kinh và Tày của Công chúa Mạc Tuyết Lan sang tác, đến nay đang được trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể..v..v…
- Tổng Kết
– Công lao nhà Mạc với đất nước 65 năm oqwr Thăng Long và đặc biệt là thời gian hơn 80 năm định đô tại Cao Bằng là rất lớn lao, chưa nghiên cứu, đánh giá hết đươc;
– Mọi vấn đề kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, ngoại giao, chính trị, tôn giáo tín ngưỡng .v.v.. đều được phát triển rực rỡ, tự do, cởi mở như đã nói sơ lược ở trên;
– Điều quan trọng nhất là Mạc Trịnh giao tranh, phía Nam là chúa Nguyễn, đất nước chia ba, thành thế chân vạc. Nhà Mạc Cao Bằng cầm chân chúa Trịnh để chúa Nguyễn có thời gian rảnh tay mở đất nước về phương Nam. Cùng với chúa Nguyễn có Mạc Cảnh Huống (là con của vua Mạc Đăng Doanh) ngài là công thần hàng đầu nhà Nguyễn, thống lĩnh 3 quân mở rộng đất nước vào đàng Trong. Quận chúa Mạc Thị Giai là Hoàng Hậu của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, công chúa Mạc Thị Lâu là vợ của đại tướng chúa Nguyễn (2 bà là cháu của Cảnh Huống theo chú vào đàng Trong)
– Công lao, nhà Mạc không chỉ 65 năm ở Thăng Long mà thời kỳ Cao Bằng đối với dân với nước là rất lớn. Văn hóa giao thoa tày kinh. Nhà Mạc cầm chân nhà Trịnh cho chúa Nguyễn cùng tôn thất mở mang bờ cõi phương Nam để đất nước ta được dài rộng như ngày nay.
Ngày 28 tháng 05 năm 2011
Người viết
Phạm Kim Tuấn
[1] Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội-1978, tr 276.
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.