- Đang online: 1
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 13667
- Tổng truy cập: 3,389,285
CẦN ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN ĐỂ CÓ NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ VƯƠNG TRIỀU MẠC.
- 241 lượt xem
CẦN ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN
ĐỂ CÓ NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ VƯƠNG TRIỀU MẠC.
Kính gửi: – HĐMT Việt Nam
– TBT và Ban biên tập trang Web Mạc tộc.
– Các quý vị đại diện cho các chi họ Mạc, gốc Mạc Việt Nam.
Vừa qua nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 470 ngày Mạc Thái Tổ băng hà, được UBND Thành Phố Hải Phòng chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành Thành phố và UBND Huyện Kiến Thụy tổ chức đại lễ 3 ngày rất trọng thể tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. ( Trong dịp Đại lễ có hàng chục nghìn người đến dự, trong đó có hàng nghìn con cháu họ Mạc, gốc Mạc ở các nơi trên toàn quốc đã về dự, có nhiều tỉnh, thành phố con cháu về dự lên tới 300-400 người ). Trong Diễn văn tại lễ kỷ niệm 470 năm ngày Mạc Thái Tổ băng hà đã ca ngợi công đức của Vương triều Mạc có nhiều đóng góp to lớn trong lịch sử dân tộc.
(Lễ hội ngày Giỗ Thái tổ Mạc Đăng Dung 22/8 âm lịch – 2011)
Với tấm lòng của các con cháu hậu duệ luôn hướng về cội nguồn tiên tổ, tri ân công đức to lớn của các bậc tiền nhân, tôi cũng xin mạn phép nói lên cảm nghĩ khách quan, trung thực, đánh giá công bằng từ đáy lòng mình để nói về nhà Mạc và Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
(HĐMT Hải Dương dâng lễ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc ngày 21/8 âm lịch- 2011)
Việc đánh giá về Nhà Mạc theo các sử gia của chế độ phong kiến trước đây còn có một số vấn đề bất công phi lý, cần phải tiếp tục đổi mới nhận thức, đánh giá đúng về Nhà Mạc, và tiếp tục các công trình nghiên cứu khoa học khách quan, trung thực, công bằng để đánh giá đúng về Nhà Mạc. Đồng thời trả lại cho Vương triều Mạc, và dòng họ Mạc những đóng góp tích cực xây đắp nên truyền thống anh hùng 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trước hết việc tuyên truyền, giáo dục này cần cần được tiến hành ở các cộng đồng Mạc tộc từ cơ sở, từ các chi họ. Từ đó mở rộng ra xã hội. Có một số vấn đề cần nhấn mạnh:
– Hiện nay việc đánh giá về Vương triều Mạc vẫn còn đánh giá sai lệch trên 2 vấn đề chính sau đây:
1/ Quy kết cho Nhà Mạc là ngụy triều, cũng như các sử gia phong kiến đã quy kết cho ngụy Tây Sơn, nhuận Hồ.
2/ Quy kết cho nhà Mạc đầu hàng và cắt đất cho Nhà Minh.
+ Từ 2 vấn đề trên của nhà Mạc còn bị các sử gia phong kiến đánh giá sai lệch, đến nay tư tưởng đó cũng còn đọng lại ở không ít người, ( hoặc vẫn còn tồn tại những bất cập trong sách giáo khoa nhưng chưa được sửa đổi…). Trước hết đi vào vấn đề thứ nhất cho nhà Mạc là “ngụy triều ”. Như chúng ta đã biết từ khi có chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, đất nước ta đã phát triển nhanh về kinh tế, củng cố vững chắc về quốc phòng an ninh, phát triển mạnh về văn hóa khoa học giáo dục, trong đó có đổi mới tư duy nghiên cứu, quan điểm đánh giá các sự kiện lịch sử để bảo đảm tính khách quan, khoa học, trung thực, công tâm, và công bằng. Trong đó quan điểm đánh giá về nhà Mạc cũng có nhiều tiến bộ, tích cực và khách quan hơn. Chỉ tính từ năm 1985 đến nay đã có nhiều công trình của nhiều nhà khoa học có tầm cỡ, đã nghiên cứu đánh giá khách quan trung thực, và hiểu đúng về nhà Mạc, trả lại cho nhà Mạc sự công bằng, vì đã có nhiều đóng góp to lớn trong lịch sử dân tộc. Mặt khác đã có rất nhiều cuộc hội thảo khoa học về nhà Mạc được tổ chức tại Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cao Bằng.v.v… để đánh giá về nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử dân tộc.
+ Cụ thể như sau:
– Ngay từ năm 1985 tại Hải Phòng đã có hội thảo khoa học nhân 400 năm ngày mất của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bước đầu có những công trình nghiên cứu đánh giá khách quan hơn, và tương đối công bằng về nhà Mạc. Trong đó đánh giá việc nhà Mạc lên thay nhà Lê ở đầu thế kỷ XVI được đánh giá là một tất yếu trong lịch sử phong kiến Việt Nam, một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ xã hội. ( Vì lịch sử chế độ phong kiến cũng trải qua rất nhiều triều đại, triều đại này lên thay triều đại kia cũng là chuyện tất yếu của lịch sử . Ngay trong lịch sử phát triển của xã hội loài người còn trải qua 5 chế độ Cộng sản nguyên thủy, chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, chế độ tư bản, chế độ XHCN…)
– Năm 1991 tại thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có hội thảo của Viện khoa học xã hội và Sở văn hóa thông tin với nhiều bài viết đánh giá tích cực về Vương triều Mạc tương tự như hội thảo ở Hải Phòng.
– Ngày 18/7/1994 tại thành phố Hải Phòng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam, Hội khoa học lịch sử Hải Phòng, cùng với Sở Văn hóa thông tin Thành phố và UBND huyện Kiến Thụy đã có hội thảo khoa học về Vương triều Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử. Trong đó có nhiều công trình nghiên cứu khoa học sâu sắc đã đánh giá công lao to lớn của Vương triều Mạc đối với quá trình phát triển dựng nước của dân tộc ta.
– Ngày 21 Tháng 9 Năm 2010 trước thềm Lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long có hội thảo về Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam do Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa- thành cổ Hà Nội, phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia 1000 năm Thăng long cùng với Hội sử học thành phố Hà Nội tổ chức. Trong hội thảo có nhiều công trình nghiên cứu khoa học ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành như: Sử học, khảo cổ học, văn hóa giáo dục, xã hội học, ngoại giao, tổ chức hành chính, chính trị, quân sự, kinh tế…Trong đó có nhiều công trình nghiên cứu rất sâu sắc, đánh giá công lao to lớn của Vương triều Mạc một thời thịnh trị, dày công với nước, nặng đức với dân.
– Tiếp đó ngày 16 tháng 6 Năm 2011 HĐMT Việt Nam, Hội sử học Việt nam phối hợp với UBND tỉnh Cao bằng đã có cuộc Hội thảo về Nhà Mạc thời kỳ ở Cao Bằng. Như vậy trong khoảng 25 -26 năm gần đây với rất nhiều cuộc hội thảo có quy mô lớn, để đánh giá về vai trò của Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong những lần hội thảo đó có nhiều công trình nghiên cứu đánh giá rất khách quan khoa học, công tâm, trung thực, và công bằng về Vương triều Mạc của các nhà khoa học tiêu biểu hàng đầu như: GS Vũ Khiêu, Văn Tạo, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Phan Đăng Nhật, Mạc Đường, Dương Trung Quốc, PGS-TS Trần Thị Vinh, Nguyễn Hải Kế và nhiều nhà khoa học khác như: Huệ Thiên, Nguyễn Huệ Chi, Lê Văn Hòe, TS Hoàng Lê, TS Ngô Đăng Lợi, TS Phan Đăng Thuận, TS Trần Lâm, TS Đinh Khắc Thuân, Tô Ngọc Hưng,Tống Thanh Bình, Nguyễn Minh Đức, và còn rất nhiều nhà khoa học khác.v.v… Trong đó cũng có những đóng góp rất tích cực của con cháu dòng họ Mạc, gốc Mạc ở các địa phương trên mọi miền của tổ quốc. Từ sự kết nối tích cực của các chi họ Mạc, gốc Mạc, cùng với nhiều nhà khoa học có tâm, có tầm, có tài và công bằng đã cùng với các chi phái họ Mạc, gốc Mạc xuất bản được cuốn “ Hợp biên thế phả họ Mạc ”, và xuất bản nhiều cuốn sách quý về dòng họ Mạc như : “Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc ”, góp phần đổi mới quan điểm nhận thức đánh giá về “ Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử dân tộc”; “gương sáng dòng họ tập 1,2,3”, “Kỷ yếu hội thảo về vương triều Mạc ở Hải Phòng, ở Thăng Long, ở Cao Bằng ” . Đồng thời Tạp chí xưa và nay số 385 tháng 8/2011của Hội khoa học lịch sử Việt Nam có phụ trương Nhà Mạc và tiếp cận sử học.v.v… Trên cơ sở những đánh giá khách quan trung thực, công tâm, công bằng của các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử trong thời kỳ đổi mới, nên Nhà Mạc đã được đánh gía là một “ Vương triều chính thống ” trong lịch sử dân tộc. Chính vì vậy những năm gần đây Nhà Mạc đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm cho xây dựng, trùng tu nhiều công trình, để ghi nhận công lao to lớn của Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc. Chỉ tính từ năm 2004 Từ đường họ Mạc ở thôn Cổ trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng được Bộ Văn Hóa – Thông tin cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2010 Nhà nước cho xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc rất khang trang, hoành tráng với quy mô lớn 10,5 ha ở Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, Kiến Thụy, Hải Phòng. Đồng thời công trình Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc được sự nhất trí của Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Sinh Hùng ( khi đó là Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia 1000 năm Thăng Long ) đưa vào là 1 trong 3 công trình trọng điểm của Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Mặt khác năm 2010 tại quê hương gốc tổ họ Mạc ở thôn Long động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, HảI Dương công trình đền thờ “ Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi ” cũng được UBND tỉnh Hải Dương và Nhà nước đầu tư nâng cấp với quy mô khang trang bề thế.
– Nhớ về cội nguồn tổ tiên của dòng họ Mạc chúng ta đã có từ hàng ngàn năm trước đây trên đất nước Đại Việt. Trong đó 925 năm nay họ Mạc chúng ta đã được vinh danh trong sử sách, từ khi Cụ Mạc Hiển Tích, đỗ đệ nhất giáp tiến sỹ khóa thi năm 1086 ( tương đương Trạng nguyên ở các khóa thi sau ) từ thời Vua Lý Nhân Tông. Cụ được Triều đình Nhà Lý bổ nhiệm làm Thượng thư Bộ lại. Khi cụ Mạc Đăng Dung lên ngôi Vua nhà Mạc, đã truy phong Cụ Mạc Hiển Tích là: Thủy Tổ Hồng Phúc Đại vương. Sau Cụ Mạc Hiển Tích còn có Cụ Mạc Kiến Quan là em cùng đỗ Tiến sỹ, cụ được bổ nhiệm làm Thượng Thư Bộ Công, huynh đệ đồng triều đỗ đạt ở đỉnh cao nhất. Đây là một sự kiện đặc biệt hiếm có của dòng họ Mạc và của cả nước. Vì vậy ngay tại quê hương gốc tổ nhà Mạc nơi đây trong đền thờ “ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ” của chúng ta đang thờ 3 vị Trạng nguyên họ Mạc.
– Kế thừa truyền thống tổ tiên cụ Mạc Đĩnh Chi ( 1272-1346) là cháu đời thứ 5 của cụ Mạc Hiển Tích đã thi đậu trạng nguyên đời vua Trần Anh Tông. Sau đó cụ được bổ nhiệm làm Quan Ngự Sử, Và hết lòng phò 3 đời vua Trần Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông giúp nước, cứu dân. Do có công lao đặc biệt to lớn, và là một bậc kỳ tài hiếm có trong thiên hạ nên cụ được vua Trần Minh Tông bổ nhiệm làm chức quan cao nhất trong triều là: Đại Liêu Ban Tả Bộc xạ ( tương đương chức Tể tướng ). Sau đó cụ được vua Trần Minh Tông cử làm chánh sứ sang Tàu, do tài năng xuất chúng, ứng đối kỳ tài của cụ vua Nguyên đã đặc cách phong cụ là Trạng Nguyên Trung quốc. Như vậy cụ được vinh danh cả 2 nước và vua Nguyên ban cho lá cờ: “ Lưỡng quốc Trạng nguyên ”. Cụ đã làm rạng danh nước Đại Việt và mang về niềm tự hào vinh quang tột đỉnh cho tổ quốc. Khi Vua Mạc Thái Tổ lên ngôi đã truy phong cho cụ Mạc Đĩnh Chi là: Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế.
+ Như vậy dòng họ Mạc của chúng ta là dòng họ:“ Thế gia vọng tộc” về văn chương khoa cử đã vang bóng một thời. Trong đó có Cụ Mạc Đĩnh Chi là Lưỡng quốc Trạng nguyên không thua kém các dòng họ mạnh khác. Tiếp tục kế thừa truyền thống vinh hiển của tổ tiên là Cụ Mạc Đăng Dung (1483-1541) đỗ Trạng nguyên về võ, đời vua Lê Uy Mục. Cụ có sức khỏe phi thường, với võ công tuyệt đỉnh, cùng tài năng mưu lược xuất chúng của mình ( Trong đó có thanh đại bảo đao báu vật của cụ Mạc Thái Tổ là minh chứng sống động nhất, hùng hồn nhất đến nay đã được trên 500 năm, kích thước dài 2,55m, nay tuy đã han rỉ nhiều, mà vẫn còn cân nặng 25,6 kg, đang được thờ tại thánh điện Khu tưởng niệm Vương Triều Mạc ), Cụ đã phục vụ các đời vua Lê giúp nước, cứu dân ( Lê Uy Mục, Tương Dực, Quang Trị, Chiêu Tông, Cung Hoàng) dẹp loạn được nhiều phe phái như: đánh được Lê Do, Trần Thăng, Cù Khắc xương, Lê Bá Hiến, Trịnh Tuy, dụ hàng Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc, và các phe phái chống lại triều đình nhà Lê trong 1 thời gian ( từ 1507-1526 ). Trong thời gian ngắn 20 năm bằng tài năng thao lược thực sự của mình, Cụ Mạc Đăng Dung lần lượt được thăng tiến rất nhanh từ: Đô chỉ huy sứ vệ thần vũ ( 1508), Vũ xuyên Bá, rồi thăng Đô đốc ( 1518) ; Tiết chế doanh thủy, lục quân 13 đạo ( 1520), Thái phó Nhân quốc công ( 1521) . Đồng thời cụ được vua Lê ban cho chức quan cao nhất trong triều là Thái sư An Hưng Vương ( 1527 ) ( nếu không bằng tài năng thực sự của mình, thì một người xuất thân từ dân thường như Cụ không thể thăng tiến nhanh đến như vậy ) .
Trong khi đó tình hình chính trị xã hội thì mục ruỗng, thối nát khoảng 20 năm đầu của thế kỷ XVI xảy ra khủng hoảng cung đình đã phải thay tới 4 đời vua ( Uy Mục, Tương Dực, Quang Trị, Chiêu Tông ) khi đó đất nước ta không còn cảnh thái bình thịnh trị như thời vua Lê Thánh Tông tài năng và đức độ. Trong khi ra làm quan cho nhà Lê, cụ Mạc Đăng Dung đã tận tâm phục vụ Triều Lê, với mong muốn xây dựng Triều Lê ngày một tốt đẹp hơn, để mang phúc cho dân. Nhưng Triều Lê lúc này chính sự đã quá mục ruỗng, thối nát, như cỗ xe phi nước đại, lăn xuống vực, không sao cản nổi. Như vậy trong bối cảnh lịch sử thời kỳ đầu thế kỷ XVI nhà Lê khi ấy đã suy tàn: vua quỷ, vua lợn ăn chơi hoang dâm vô độ.v.v…làm cho dân chúng lầm than khổ cực. Vì vậy sự cần thiết tất yếu khách quan đất nước Đại Việt phải có một “ Minh Quân mới ” để gánh vác trọng trách quốc gia, lo cho giang sơn xã tắc. Vì vậy rất cần thiết phải đánh đổ triều đại cũ thối ruỗng, mục nát, để xây dựng một triều đại mới tiến bộ hơn, dân chủ hơn, để bảo vệ non sông xã tắc và mang lại ấm no tự do hạnh phúc cho muôn dân. Trong bối cảnh khủng hoảng cung đình đó, Cụ Mạc Đăng Dung là ngôi sao sáng nhất, vĩ đại nhất, hội tụ đầy đủ cả tâm, đức, tài, trí thời bấy giờ. Cụ được đa số quan, quân triều đình ủng hộ và thần dân tin yêu. Đồng thời vua Lê Cung Hoàng khi đó đức mỏng, tài hèn, gánh vác không nổi mệnh trời, đã tuyên chiếu nhường ngôi vua cho Cụ Mạc Đăng Dung ( tháng 6/1527). Bài chiếu nhường ngôi có đoạn viết như sau: “ Thiên hạ lúc ấy đã không phải là của nhà ta. Ta không có đức, gánh vác không nổi. Mệnh trời, lòng người đều theo về người có đức. Xét người là Thái sự An Hưng Vương Mạc Đăng Dung, có tư chất duệ trí, tài lực văn võ, ngoài đánh bốn mặt, các phương phục tòng. Trong cõi trăm quan, mọi việc đều tốt, công to đức lớn, trời cho người theo. Nay theo lẽ phải, nên nhường ngôi cho. Nên cố sửa đức, cần giữ mệnh trời, để yên dân chúng. Mong kính theo đó ” ( Trích ĐVSKTT- NXBKHXH 1973; tập 4 ; tr 118 )
Như vậy việc thay thế một triều đại phong kiến nhà Lê khi đó đã suy tàn này, bằng một triều đại mới là nhà Mạc tích cực hơn, tiến bộ hơn như đánh gía khách quan của GS Viện sỹ Viện hàn lâm Phan Huy Lê chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam tại cuộc hội thảo về nhà Mạc 1994: “…Nên xóa bỏ những thành kiến và định kiến về Nhà Mạc. Nên đối xử với nhà Mạc một cách công bằng hơn như các triều đại khác, Hãy trả lại cho nhà Mạc những đóng góp khách quan. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách đánh giá các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà Mạc. Không nên đánh giá nặng nề về nhà Mạc như trước đây, do nhận thức của một số người nghiên cứu còn hạn chế. Nhà Mạc là một Vương triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê. Việc nhà Lê sụp đổ, nhà Mạc lên là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Không nên coi việc này là cướp ngôi. Sau khi ra đời và tồn tại nhà Mạc đã có nhiều đóng góp nhất định về mặt văn hóa, về mặt tư tưởng và một phần nào đó về mặt kinh tế.v.v…”
– Tương đồng cùng với quan điểm chung đó; GS Viện sỹ Viện hàn lâm Vũ Khiêu – Anh hùng lao động cũng đã có những đánh gía rất công bằng: “ Lịch sử đã ghi lại nhiều bằng chứng nói lên công lao to lớn của Mạc Đăng Dung cả trước và sau khi ông lên ngôi vua. Từ khi ông lên ngôi vua, triều đại của ông đã giúp cho sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, đem lại đời sống ấm no cho nhân dân. Thủ công nghiệp được phát triển, nhất là đồ gốm, đồ dệt. Trật tự an ninh được đảm bảo, không có người cầm giáo mác binh khí đi ngoài đường. Không còn trộm cướp, người đi lại buôn bán được an toàn. Trâu bò chăn thả không phải mang về”; “ Nhìn lại tư tưởng và việc làm của Mạc Đăng Dung ta thấy ông xuất hiện như một bông hoa xuyên tuyết, chọc thủng lớp dày băng gía mùa đông, để đón chào mùa xuân của đất nước”. Chính GS Văn Tạo nguyên Viện trưởng Viện sử học cũng đã khẳng định: “…Toàn bộ công tích của nhà Mạc cống hiến cho dân tộc đã được sử sách ghi chép. Riêng công trạng Mạc Đăng Dung có thể tóm tắt như sau: Khi khủng hoảng cung đình diễn ra trầm trọng, triều đình đổ nát, kinh tế suy sụp, dân tình cực khổ. Mạc Đăng Dung đã dẹp được các phe phái phân chia, cát cứ, lên ngôi, tạo dựng cơ nghiệp, cho con cháu nối đời, góp phần ổn định đời sống xã hội, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt: Kinh tế, văn hóa, xã hội trong hơn nửa thế kỷ. Xét về sự nghiệp dựng nước thì bao giờ cũng “ Vạn sự khởi đầu nan ”, công lao đó thuộc về Mạc Đăng Dung. Nói tóm lại, với 65 năm tồn tại và phát triển, nhà Mạc đã có cống hiến nhất định vào lịch sử dân tộc. Công lao sự nghiệp của Mạc Đăng Dung đối với nhà Mạc là lớn lao và sự nghiệp dựng nước của nhà Mạc đã được sử sách ghi nhận. Hậu thế chúng ta cần trân trọng và phát huy ”. Mặt khác chính GS Văn Tạo cũng đã khẳng định: “ Nhà Mạc không phải là ngụy triều ”. Đồng thời cố GS Trần Quốc Vượng Đại học quốc gia Hà Nội cũng đã có những đánh giá tích cực, công bằng về nhà Mạc:“… Không nên chỉ nhìn nhận và đánh giá sự nghiệp nhà Mạc qua những gì sử thần nhà Lê viết. Triều đình Lê – Trịnh đối địch với triều Mạc từ đầu đến cuối thế kỷ XVI và còn đối địch với nhà Mạc thu nhỏ ở Cao Bằng. Do vậy sử thần nhà Lê – Trịnh bôi xấu triều Mạc là tất nhiên, yêu nên tốt, ghét nên xấu là chuyện thường tình ”; “ Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê không phải từ tay vua Lê anh hùng như Lê lợi, một vua Lê có học vấn và tài năng như vua Lê Thánh Tông, mà từ những vua lợn, vua quỷ …Sự thay thế đó là hợp lẽ đời và đạo, việc ấy là theo lẽ phải “ Lẽ phải chính trị và nhân văn ”; “ Tôi cho rằng, nếu Dương kinh nhà Mạc được xây dựng thành công, nhà Mạc tồn tại và phát triển lâu hơn nữa, Việt Nam đã có một cuộc cải cách đổi mới mạnh mẽ giống như thời kỳ Minh Trị của Nhật Bản, nhưng rất sớm. Dương kinh chính là sự thể hiện tư tưởng “ hướng ngoại”của nhà Mạc ” . Bên cạnh đó nhà sử học Lê Văn Hòe ngay từ năm 1959 đã có công trình nghiên cứu đánh giá về nhà Mạc:“… Cái khuyết điểm lớn nhất của cuốn Việt nam sử lược là ở chỗ đã nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung – Vua Thái tổ nhà Mạc… Sự thật khác hẳn, Mạc Đăng Dung bị hiểu lầm. Mạc Đăng Dung là một người anh hùng lập thân trong thời loạn. Mạc Đăng Dung là người yêu nước thương dân. Mạc Đăng Dung là người có tài ngoại giao. Mặt khác chúng ta tiếp tục tìm hiểu thêm một công trình nghiên cứu và đánh gía khách quan, trung thực của PGS- TS Trần Thị Vinh Viện Sử học:“…Đã đến lúc Mạc Đăng Dung và triều đại nhà Mạc phải được trả về vừa tầm với vị trí của mình. Tôi đồng tình với một số ý kiến của giới sử học gần đây trong cách đánh giá Mạc Đăng Dung và nhà Mạc. Tức là chúng tôi nhìn nhận Mạc Đăng Dung không phải là kẻ “ nghịch thần ”… Nếu coi nhà Mạc là kẻ “ Thoán đoạt ” là “ Nghịch thần ” và coi nhà Mạc là “ Ngụy Triều ” tức là đã phủ nhận những đóng góp chung của nhà Mạc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và nghệ thuật. Còn nếu coi những hoạt động chính trị của Mạc Đăng Dung ở đầu thế kỷ XVI dẫn đến việc thiết lập Vương triều Mạc là có tội, thì trước kia vào cuối thời Lý đầu thời Trần; Trần Thủ Độ cũng dùng mưu mẹo, thậm chí dùng cả hành động độc ác ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, giành cơ đồ về tay nhà Trần. Vậy tại sao lại không bị lịch sử lên án ”.
+ Trên cơ sở nghiên cứu khách quan, khoa học, trung thực, công tâm và công bằng của các nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Chúng tôi nhận thấy việc nhà Mạc thay thế nhà Lê khi đó đã mục nát là một tất yếu khách quan của lịch sử. Điều đó giống như việc thay đổi các triều đại trước đây đã từng làm: Nhà tiền Lê thay nhà Đinh; nhà Lý thay nhà tiền Lê, nhà Trần thay nhà Lý, cũng như nhà Hồ thay nhà Trần. Vì lẽ đất nước Đại Việt là của muôn dân, bách tính, chứ không phải là của riêng dòng họ nào, khi triều đại đó vì dân, lấy dân làm gốc thì “ Quốc Thái, dân an, đất nước cường thịnh ”. Nhưng cuối triều đại Lê sơ Vua quỷ, vua lợn dân chúng thì lầm than khổ cực. Vì vậy rất cần thiết phải thay thế bằng một triều đại mới tiến bộ hơn, là một tất yếu khách quan của lịch sử. Trong trường hợp này nếu không phải là cụ Mạc Đăng Dung gánh vác sứ mệnh thiên tử, thì tất yếu khách quan cũng sẽ có một nhân vật lịch sử khác thay thế. Do đó cụ Mạc Đăng Dung đã được lịch sử lựa chọn, giao phó trọng trách nặng nề, để gánh vác non sông xã tắc, cụ đã đáp ứng được nguyện vọng đông đảo quan lại chân chính của triều đình và đại đa số nhân dân thời bấy giờ. Vì vậy khi cụ Mạc Đăng Dung từ Dương Kinh về Thăng Long để lên ngôi vua, Cụ đã được từ quan lại triều đình đến muôn dân đều vui mừng khôn xiết, tất cả đều ra đón cụ vào cung.
+ Vì vậy nếu coi nhà Mạc là “ Ngụy triều ?” thì chính Đại việt sử ký toàn thư cũng đã phải thừa nhận: “ Bấy giờ thần dân trong nước đều theo Mạc Đăng Dung, đều đón vào kinh sư ” ( ĐVSKTT – tr 118 ). Đồng thời nếu nhà Mạc là:“ Ngụy Triều? ” thì sau khi Cụ Mạc Đăng Dung lên ngôi vua và các triều đại sau đó lại xây dựng được một xã hội tốt đẹp no ấm: “…Từ đấy những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem theo khí giới để tự vệ, trong khoảng mấy năm trộm cắp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm đếm mà thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn ” ( ĐVTS – tr276 ) hoặc “…Đường xá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng ” ( ĐVSKTT- tr126). Vậy thì nhà Mạc chịu nỗi oan hai chữ “ Ngụy triều ? ” chẳng qua là do các sử gia phong kiến vì tư tưởng nho giáo lạc hậu. Đồng thời cũng vì 2 chữ “ Tôi trung ” có cái nhìn thiển cận, với đầu hẹp hòi: “ Ăn cây nào, rào cây ấy ” mà tuân theo sự áp đặt của cường quyền của triều đình phong kiến Lê – Trịnh mà thôi. Vì miếng cơm manh áo, vì sự bình an, hạnh phúc của gia đình và dòng tộc nên phải uốn cong ngòi bút để bôi nhọ, xuyên tạc nói xấu những mặt tích cực của nhà Mạc, vì không thể nào làm trái ý vua Lê- Chúa Trịnh được ( Vì pháp luật xã hội phong kiến rất hà khắc, nếu trái ý vua chúa là hậu quả chu di tam tộc, mà điển hình là án oan thảm khốc đã mang đến với khai quốc công thần số 1 là Nguyễn Trãi còn sờ sờ ra đó. Rất may mắn là Nguyễn Trãi còn được Vua Lê Thánh Tông về sau minh oan ông )
– Từ những công trình nghiên cứu đánh gía khách quan của các nhà khoa học và bối cảnh khủng hoảng cung đình của đầu thế kỷ XVI, tình hình chính trị thì suy đồi, kinh tế xã hội yếu kém, chúng ta có đủ cơ sở để kết luận nhà Mạc lên ngôi thay thế nhà Lê là hợp lẽ đời và đạo, hợp lẽ công bằng trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc. Vì vậy Cụ Mạc Đăng dung lên ngôi vua là chính đáng và tất yếu khách quan lịch sử, không phải là “ Ngụy triều ” như sử gia phong kiến Lê -Trịnh đã quy kết sai lệch, bôi nhọ, nói xấu.
+Từ khi cụ Mạc Đăng Dung lên ngôi vua lấy niên hiệu là Minh Đức tức là lấy đức sáng để trị vì thiên hạ. Như vậy nhà Mạc đã trị vì 65 năm ( 1527-1592 ), ở kinh thành Thăng long với 6 đời vua: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp, Mạc Toàn và 85 năm ( 1593-1677 ) ở Cao Bằng với 4 đời vua nữa là: Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung; Mạc Kính Khoan; Mạc Kính Vũ. Tổng cộng Nhà Mạc có tất cả 10 đời vua là 150 năm ( theo tài liệu mới nghiên cứu của GS TSKH Phan Đăng Nhật là 12 đời vua và 158 năm 1527-1685 ). Thời gian trị vì của nhà Mạc tuy không dài so với lịch sử dân tộc, nhưng cũng không phải quá ngắn như một số triều đại khác là: Nhà Đinh (12 năm ), Tiền Lê (29 năm), nhà Hồ ( 7năm), nhà Tây Sơn (24 năm).
+ Trong thời gian nhà Mạc trị vì tình hình đất nước không có giặc ngoại xâm, về trật tự xã hội được bảo đảm, kinh tế phát triển, nhiều năm liền được nông nghiệp mùa, mở mang công, thương nghiệp và khuyến khích giao thương với các nước, chứ không khép kín ( kinh tế tự cung tự cấp, hay trọng nông ức thương ) như chế độ phong kiến trước đây. Điển hình là nhà Mạc đã cho xây dựng Dương Kinh thành kinh đô thứ 2 vùng ven biển rất phồn thịnh, trong đó đã xây dựng những thương cảng sầm uất ( Đô Mây- Đò Mè; Minh Thị Tiên Lãng ) để giao thương mạnh mẽ với 28 nước trên thế giới, và sản xuất hàng hóa đồ gốm, hàng tơ lụa đã phát triển mạnh mẽ ( qua con tàu cổ vật đắm tìm thấy ở Hội an đã tìm được 24000 hiện vật. Trong đó có đa số là gốm sứ Chu Đậu, Bát Tràng có nhãn hiệu hàng hóa được sản xuất từ thời Mạc ).
+ Điều đó chứng tỏ nhà Mạc đã chú trọng xây dựng một xã hội mới tiến bộ hơn, tốt hơn, quan tâm đến đời sống nhân dân hơn thời kỳ của vua quỷ, vua lợn trước đây… Nhà Mạc còn đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa giáo dục, đã tổ chức được 22 khoa thi đình, lấy đỗ 483 tiến sỹ. Trong đó Nhà Mạc đã chọn ra được 13 trạng nguyên, có nhiều trạng nguyên nổi tiếng, có tài năng xuất chúng ra phò vua Mạc, giúp nước, giúp dân như: Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Nguyễn Thiến…Đặc biệt là Nhà Mạc đã tuyển dụng nữ tiến sỹ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử xã hội phong kiến là bà: Nguyễn Thị Ngọc Toàn, về sau được bổ nhiệm làm Lễ nghi học sỹ, chuyên dạy phi tần, mỹ nữ trong cung. Điều đó cũng chứng tỏ chính sách rất cởi mở của nhà Mạc là khuyến học, và trọng dụng hiền tài là “ Nguyên khí quốc gia ”, không trọng nam, khinh nữ, như các triều đại phong kiến bảo thủ trước đây.
+ Như vậy: Cụ Mạc Đăng Dung bằng tài trí văn võ song toàn, dùng võ công mà định đoạt thiên hạ, dùng nhân đức để trị quốc an dân, giữ yên bờ cõi, lấy văn giáo để rèn luyện nhân tài, lấy tư duy đổi mới để phát triển kinh tế nông, công, thương, tín, xây dựng xã hội no ấm, giàu mạnh. Trong 65 năm Nhà Mạc trị vì ở kinh thành Thăng Long thì “ Quốc Thái, dân an, đất nước cường thịnh, không có giặc ngoại xâm”. Vì vậy xã hội Triều Mạc “Đất nước thịnh nhờ tâm Minh Đức, Quốc Pháp minh bởi Thiện Chính Thư ”.
– Vì vậy ta có thể gọi các triều đại phong kiến theo cách gọi của nhà làm niên biểu nhà Mạc là Lê Thành Lân thì thời kỳ 65 năm ( 1527 -1592 ) nhà Mạc trị vì ở Thăng Long nên gọi là Vương triều chính thức, còn nhà Lê khi ấy ở Thanh Hóa, nên gọi nhà Lê khi đó là triều cùng thời. Đồng thời khi nhà Lê – Trịnh chiếm được Thăng Long và định đô ở đó ( từ tháng 5/1593 trở đi Vua Lê mới ở Thăng Long ) thì gọi nhà Lê là Vương triều chính thức, còn nhà Mạc ở tại Cao Bằng là Vương triều cùng thời ( 1593-1677 ). Vì vậy theo cách gọi này có lẽ mềm mỏng hơn, thấu lý, đạt tình hơn, và tránh được những xung đột không cần thiết giữa 2 họ Mạc và Lê – Trịnh
– Do nhưng công lao to lớn của Vương triều Mạc đối với tiến trình lịch sử dựng nước của dân tộc, nên chúng ta là hậu duệ của “ Các Cụ Tiên Tổ ” hoàn toàn có quyền vinh dự và tự hào về truyền thống vinh hiển anh hùng, đã làm vinh danh dòng họ Mạc cả trong nước và quốc tế như cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đánh giá rất cao:
“Lũng Động Văn chương Quang Nhật nguyệt
Cổ Trai đế nghiệp tráng sơn hà ”.
+ Vấn đề tồn nghi thứ 2 là nhà Mạc có cắt đất trả nhà Minh không? và có đầu hàng nhà Minh không ?. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu thời kỳ đổi mới khẳng định không phải như vậy, mà bị sử gia phong kiến Lê -Trịnh xuyên tạc sự thật, nói xấu, đặt điều, bôi nhọ. Vấn đề dâng đất cho nhà Minh như rất nhiều nhà khoa học đã dày công nghiên cứu đánh giá và khẳng định: “ Nhà Mạc đã thực sự không dâng đất cho Nhà Minh”. Ngay từ thế kỷ XVIII Nguyễn Văn Siêu ( Thần Siêu ) trong sách Phương Đình dư địa chí cũng đã khẳng định: “ Thế thì sáu động họ Mạc đem nộp vờ như đất Như Tích, Phật Đà ở Khâm Châu chỉ vì tên gọi thay đổi khác nhau mà thôi ”. Đó là dâng đất khống, ( hoặc trả lại những đất đã chiếm trước đây ), hay các động trưởng vùng biên giới do tư tưởng mạnh bên nào theo bên ấy mà thôi. Còn trong quan hệ Mạc – Minh, trước đây thường lên án nhà Mạc đầu hàng nhà Minh, nhưng nay các nhà nghiên cứu cho thấy sự thật cũng không phải thế, chỉ là giả vờ đầu hàng để giữ hòa hiếu, nhưng điều cốt lõi là giữ được độc lập thực sự ( trước một nước lớn có tư tưởng bành trướng bá quyền thường xuyên muốn nhòm ngó xâm lược nước ta ). Đây là sách lược ngoại giao khôn khéo, linh hoạt, mềm mỏng của nhà Mạc như cố GS Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh: “ Hành động đầu hàng ” của nhà Mạc do Minh sử chép là một sự phóng đại để khoe khoang… Cũng hành động ấy của vua Lê ngay từ năm 1533 vua Lê đã sai Trịnh Duy Liêu sang tố cáo nhà Mạc cướp ngôi và mượn quân nhà Minh về để tiêu diệt nhà Mạc. Ngày 3/2 năm Gia Tĩnh thứ 16 ( 13/3/1537 ) cháu dòng đích của Vua An Nam tên là Lê Ninh ( Lê Trang Tông ) sai người trong nước là bọn Trịnh Duy Liêu gồm 10 người đến kinh đô, xin hưng binh để hỏi tội nhà Mạc cứu nguy nạn nước. Qua một số sự việc nêu trên cho thấy: Ngay từ những năm đầu trung hưng của nhà Lê, vì quyền lợi của riêng dòng họ mình mà mượn quân nhà Minh sang xâm lược Đại Việt, để lấy cớ tiêu diệt nhà Mạc. Đây thực sự là hành động “ cõng rắn cắn gà nhà, hay rước voi dày mả tổ ”, mà sau này con cháu là vua Lê Chiêu Thống lại lặp lại tấm gương của cha ông đã mượn 20 vạn quân Thanh để xâm lược nước ta và đánh nhau với quân Tây Sơn. Nhưng tại sao ? những hành động đó thì không bị sử gia nhà Lê – Trịnh phê phán ?…Thế sao cùng một hành động, người này thì khen là khôn khéo, người khác lại chê là hèn hạ. Vấn đề này cho thấy về mặt chiến lược nhà Mạc rất khôn khéo và có tài ngoại giao luôn luôn giữ vững nguyên tắc giữ vững độc lập chủ quyền của tổ quốc, không để cho giặc Minh xâm lược nước ta. Các chứng cứ là trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1536 đến tháng 10 năm 1540 nhà Minh cử Thượng thư Bộ binh Mao Bá Ôn và Hàm Ninh Hầu Cừu Loan đã đưa quân xâm lược áp sát biên giới nước ta với quân số cả chính binh và kỳ binh là 22 vạn quân ( Cương mục tập 2- tr114 ). Trong đó đã có 10 lần diễn ra các sự kiện ( ngày 16/11/1536; ngày 7/12/1536; ngày 12/1/1537; ngày 13/3/1537; ngày 20/3/1537; ngày 21/5/1537; ngày 16/6/1537; ngày 4/7/1537; ngày 8/9/1539; ngày 20/10/1540 ) nhà Minh tích cực chuẩn bị chiến tranh xâm lược nước ta. Nhưng vì sao chúng còn chần chừ, do dự chưa xâm lược ngay. Vì trong chiến tranh theo binh pháp Tôn tử thì “ Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng ” nên nhà Minh lo ngại nhà Mạc có lực lượng quân sự mạnh, với số quân thường trực khoảng 12 vạn người, không kể dân binh. Đồng thời nhà Mạc đã tích cực, chủ động cho củng cố các công trình phòng thủ trong nước, để chuẩn bị cho tác chiến phòng thủ, bảo vệ đất nước ( mà bằng chứng còn dấu tích đến ngày nay là nhà Mạc đã xây dựng các công trình thành trì kiên cố ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Hưng hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hoành Bồ, Cẩm Phả Quảng Ninh và nhiều nơi khác nữa…). Mặt khác tại thời điểm đó nhà Mạc là thời kỳ thịnh trị, khi đó tình hình kinh tế trong nước phát triển mạnh mẽ, nông nghiệp được mùa liên tiếp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp cũng được mở mang, phát triển giao thương buôn bán với nước ngoài. Bên cạnh đó về an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, ra đường không phải mang theo binh khí, nhà cổng ngoài không phải đóng…Vì vậy cả “ thế và lực” trong nước đã được nhà Mạc chuẩn bị chu đáo cho tác chiến phòng thủ chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. Đồng thời nhà Minh lại biết rõ về tài thao lược, văn võ kiêm toàn của Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh và đội ngũ tướng lĩnh trung thành của ông, cũng như nhiều văn thần, võ tướng tài ba phục vụ Triều Mạc ở thời điểm này có Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng nguyên Giáp Hải… Chính nhà Mạc đã khéo léo vận dụng sức mạnh tổng hợp của toàn dân và triều đình để xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, để chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất chống giặc Minh như Lê triều Thông sử đã viết: “ Mạc Đăng Doanh đã cho tu sửa doanh trại, xây dựng thành lũy nơi hiểm yếu, luyện tập thủy quân, trưng cầu hết thảy những cựu thần, lão tướng để cùng bàn việc nước ”; ( Việc này chứng tỏ nhà Mạc rất khôn khéo là tập hợp được sức mạnh toàn dân, giống như mở hội nghị Diên Hồng thời Trần, để cố kết nhân tâm, đoàn kết quân dân, hiến mưu sâu, kế hiểm để bảo vệ tổ quốc ). Ngay sách “ Thù Vực chu tư lục ” cho biết triều đình nhà Minh còn tranh cãi về việc đánh hay không? khá gay go. Khi Mao Bá Ôn đến Nam Ninh tung quân đi do thám đã thấy quân dân Đại Việt tích cực chuẩn bị chống lại nhà Minh quyết liệt, lấy thuốc độc bã đậu bỏ vào suối nước, đào hố, chôn cọc tre để ngựa sa hố, lại phao tin sẽ mang quân theo đường biển tập kích Quảng Đông ( mà nhà Mạc mạnh thực sự về thủy quân, nên việc mang quân theo đường biển để tập kích Quảng Đông là điều có thể xảy ra khi nhà Minh xâm lược nước ta ). Mặt khác nhà Mạc lại khéo léo kết hợp sách lược đấu tranh quân sự, chính trị với đấu tranh ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo “ Lấy nhu thắng cương ”; nhưng thể hiện ý chí kiên quyết, anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam qua bài thơ “ Vịnh Bèo của Trạng Nguyên Giáp Hải ” đối đáp với Thương Thư Bộ Binh Mao Bá Ôn của nhà Minh. Điều đó thể hiện tinh thần sẵn sàng chiến đấu của quân và dân Đại Việt dám hy sinh để bảo vệ nền độc lập tự do của tổ quốc v.v…Vì vậy nhà Mạc đã khôn khéo chọn lựa cả 2 hình thức đấu tranh là: Vừa chuẩn bị chiến đấu nếu tình huống xấu nhất là quân minh xâm lược nước ta. Đồng thời vừa đàm phán để có thể giữ vững hòa bình, tránh cho đất nước khỏi cuộc chiến tranh xâm lược của 22 vạn quân Minh. Công lao to lớn này trước tiên thuộc về Mạc Đăng Dung và những văn thần, võ tướng trung quân ái quốc, tài ba lỗi lạc của nhà Mạc. Vì vậy trong 65 năm nhà Mạc đóng đô ở kinh thành Thăng Long, không có bóng một tên xâm lược nhà Minh. Đồng thời ngay cả khi vận số nhà Mạc không còn ở Thăng Long, nhưng Đại thần Đô úy Thái phó Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn đã dặn dò con cháu: “…Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước, mà để dân ta phải lầm than cực khổ, đó là tội lớn không gì nặng bằng ”. Đây không phải là ý kiến riêng của cá nhân cụ Mạc Ngọc Liễn, mà đây là tuyên ngôn tư tưởng lớn của nhà Mạc về tấm lòng yêu nước thương dân, không muốn vì quyền lợi của riêng dòng họ mình, mà mượn người Minh vào xâm lược dày xéo non sông đất nước ta, nhằm tránh cho đất nước ta một cuộc chiến tranh với ngoại bang.
+ Tóm lại: Qua việc nghiên cứu đánh gía của các nhà khoa học thời kỳ đổi mới, chúng ta có thể khẳng định rằng nhà Mạc, và Vua Mạc Đăng Dung không phải là “ Ngụy Triều, không hề cắt đất, dâng đất và đầu hành nhà Minh, mà nhà Mạc còn công lớn trong việc ngăn chặn không cho 22 vạn quân Minh đang định xâm lược nước ta… ”. Đồng thời nhà Mạc có nhiều công lao to lớn đóng góp trong lịch sử phát triển của dân tộc về các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ, công nghiệp, thương nghiệp, ngoại thương và phát triển văn hóa xã hội như đánh gía của GS Văn Tạo là: “… hậu thế chúng ta cần trân trọng và phát huy ”.
+ Chúng ta rất vui mừng trải qua bao đau thương mất mát, con cháu nhà Mạc lại được sum họp một nhà. Điều đó đã được thể hiện trong những năm gần đây về mặt tổ chức họ Mạc đã thành lập được HĐMT Việt Nam và HĐMT ở một số tỉnh, cũng như HĐGT ở các địa phương. Trong đó HĐMTVN và HĐMT các địa phương đã tổ chức được nhiều hoạt động tích cực, thiết thực đã giúp cho các hoạt động của dòng họ đạt được hiệu quả cao. Đây là cơ sở, là động lực, để thúc đẩy các hoạt động của dòng họ trong các năm tiếp theo được phát triển mạnh mẽ, và thành công hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn 2 vấn đề sai lệch mà tôi đã nêu trên, chúng tôi thấy HĐMT Việt nam, HĐMT các tỉnh thành và HĐGT các chi học Mạc, gốc Mạc cùng các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung nhiều tư liệu mới, để rồi một ngày gần đây sẽ xóa bỏ hẳn 2 vấn đề còn sai lệch đã nêu ở trên. Đồng thời HĐMT Việt Nam cũng cần đề nghị Nhà nước mà trực tiếp là Bộ Giáo dục trên cơ sở những công trình nghiên cứu khoa học thời kỳ đổi mới gần đây, để sửa đổi 2 nội dung còn định kiến sai lệch đã thành bài giảng trong SGK. Mặt khác để con cháu chúng ta sang thế kỷ 21 văn minh thấy được sự công bằng, khách quan, trung thực trong đánh giá về nhà Mạc và dòng họ Mạc đã có nhiều đóng góp tích cực trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc. Mặt khác HĐMT Việt Nam, HĐMT các tỉnh, cần tiếp tục cập nhật tư liệu, thông tin các nội dung công trình nghiên cứu khoa học mới về nhà Mạc ở thời kỳ đổi mới. Qua đó biên tập thành tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu để tuyên truyền định kỳ 3, tháng, 6 tháng, 1 năm trong nội tộc, để chính con cháu chúng ta ở mỗi chi họ Mạc, gốc Mạc cần hiểu đúng, khách quan về tiên tổ của mình, nhằm tránh được những hiểu lầm đáng tiếc trong các thế hệ con cháu nhà Mạc sau này.
Với bài viết này tuy còn có điểm hạn chế, nhưng tôi coi đó là một nén tâm hương để kính dâng lên tiên tổ Mạc Triều hiển linh. Đồng thời tôi xin phép gửi tới ông, bà trong HĐMT Việt Nam, HĐMT các tỉnh và cùng toàn thể các ông bà đại diện cho các chi họ Mạc, gốc Mạc trên mọi miền đất nước lời tiên tri của Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm rất linh nghiệm:
“ Tứ Bách niên tiền chung phục thủy
Thập tam thế hậu dị nhi đồng ”
Vì những mất mát đau thương tột cùng do xã hội phong kiến gây ra cho họ Mạc ta, nên toàn thể bà con dòng tộc Mạc (gốc Mạc) cần tiếp tục tăng cường vấn tổ, tìm tông, kết nối dòng họ, tăng cường đoàn kết, đoàn kết hơn nữa, để vận dụng sức mạnh tổng hợp cả tâm, trí, tài, lực để phục hồi và chấn hưng dòng họ Mạc ( gốc Mạc ) của chúng ta được tiếp tục được phát triển mạnh mẽ, thành công, thành công hơn nữa, xứng đáng sánh vai cùng các dòng họ mạnh khác trong lịch sử dân tộc. Trong số đó có không ít con cháu trong họ chúng ta nhiều người thành đạt trên các lĩnh vực, cần góp tiếng nói chung bằng tâm trí, tài lực để chiêu tuyết cho tổ tiên ta đã chịu quá nhiều mất mát, thiệt thòi, oan trái. Do đó HĐMT Việt Nam và HĐMT các địa phương cần động viên giao nhiệm vụ cho những con cháu có điều kiện công tác nghiên cứu khoa học thuộc các chuyên ngành khoa học lịch sử, khoa học xã hội nhân văn, khảo cổ học, kết hợp với các nhà khoa học khác có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đánh giá đúng, khách quan công bằng hơn về Nhà Mạc.
Xin trân trọng kính chúc các ông bà trong HĐMT Việt Nam và các chi họ Mạc (gốc Mạc ) toàn quốc mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục lãnh đạo, phấn đấu xây dựng một cộng đồng Mạc tộc: “ Đoàn kết chặt chẽ, phát triển bền vững, vinh hiển trường thịnh ”. Kính mong HĐMT Việt nam và Ban biên tập trang Web Mạc tộc tiếp tục là nhịp cầu kết nối dòng tộc, kết nối những niềm vui, niềm tin đưa những thông tin hữu ích gắn kết các chi họ của chúng ta ngày càng phát triển tốt hơn nữa. Xin trân trọng cảm ơn quý vị !
05/10/2011
NGUYỄN QUANG TUYẾN
chi ho Nguyen goc Mac
xa Hiep An, huyen Kinh Mon, tinh Hai Duong
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.