- Đang online: 2
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 13712
- Tổng truy cập: 3,389,303
CẢM KHÁI VỀ MỘT DÒNG MẠC TỘC
- 308 lượt xem
CẢM KHÁI VỀ MỘT DÒNG MẠC TỘC
(Dòng họ Phạm Đình ở thôn Sơn Cao, xã Thái Hòa,
huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình)
—***—
Phạm Thị Phong
Con người có tổ, có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn...
Cây có cội, nước có nguồn. Bao giờ cũng vậy, tự ngàn xưa, “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ông cha, đạo lí làm người. Đạo làm con phải giữ tròn chữ Hiếu, lớp lớp cháu con phải ra sức báo đền công đức Tổ tiên !
Dòng họ Phạm Đình chúng ta, một dòng họ được sinh ra trên dải đất đồng bằng màu mỡ, nơi có con sông Cầu nước chảy lơ thơ, có lũy tre xanh xanh bao bọc, có biển Đông sóng vỗ rì rào. Đó là làng Sơn Cao thuộc xã Thái Hoà, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình – một làng quê thanh bình, yên ả :
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư đông đúc như hình con Long.
Trong tâm khảm mỗi người dân họ Phạm luôn in sâu hình ảnh cái ngõ Vẹo cong cong, con đường làng thẳng tắp cùng câu hát truyền đời:
Giếng Sơn Cao vừa trong vừa mát
Đường Sơn Cao đất cát dễ đi.
Mãi mãi khắc ghi hình ảnh mái đình làng Đông Cao quen thuộc cùng ngôi chùa quán nước Tây Đô. Trải bao tháng năm dãi dầu mưa nắng, bụi thời gian lớp lớp sóng dồi, mà gạch đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, khói nhang trầm vẫn nghi ngút tỏa hương.
Chúng ta vô cùng biết ơn các vị Thủy tổ Tiền hiền Mạc tộc đã sản sinh ra dòng họ Phạm Đình – Sơn Cao. Chứng tích về cụ Thủy Tổ Phạm Công Khanh (tức Mạc Công Khanh) vẫn còn ghi trong cuốn Gia phả chữ Hán của dòng họ Phạm Đình, đã được cụ Phạm Bân – một nhà nho uyên thâm trong họ dịch lại:
Tổ Tiên ta xưa kia là họ Mạc
Ở huyện Hoành Bồ thuộc tỉnh Quảng Yên
Xẩy đến khi nhà Mạc mất chính quyền
Người trong họ phải lánh đi mọi ngả.
Cụ Tổ ta đến trú cư Hoàng Xá
Tức Sơn Cao ta ở ngày nay,
Để giấu che tung tích, tránh nguy cơ
Bỏ họ Mạc đổi ra làm họ Phạm.
Lúc bấy giờ nước nhà đang biến loạn,
Giặc cướp nổi lên quấy nhiễu dân lành.
Địa phận ta, giặc cỏ hoành hành
Thuyền chúng đậu ở phía đông Đầm Tắm,
Nhân dân trong vùng hàng ngày khổ lắm,
Bọn chúng kéo lên cướp phá thường xuyên
Bèn đặt ra khoán ước trong miền:
“Ai dẹp tan được quân cướp ấy
Sẽ được hưởng bảy đời Tiên chỉ” !
Thực là phần thưởng quý nhất hương thôn.
Cụ Tổ ta, người chí đảm mưu khôn
Nghề lưới bén dần dần quen bọn chúng,
Khi được cá mang lên thuyền bán
Để dò la biết rõ tình hình.
Bỗng một hôm, cả lũ ngã lăn kềnh
Bởi chúng nó quá no say chè chén,
Ngắm lúc ấy, chính thời cơ đã đến
Người nhanh tay không lỡ phút giây nào,
Thấy trong thuyền có đầy đủ gươm đao
Lấy gươm giặc chém ngay đầu tướng giặc.
Quân mất tướng, hồn xiêu phách lạc
Vội giương buồm kéo cánh rút ngay.
Cụ Tổ ta, người chạy như bay
Xách đầu giặc mang về lấy thưởng.
Đây nghĩa cử vô cùng cao thượng
Cứu nhân dân thoát khỏi tai nguy.
Công ơn mãi nặng còn ghi,
Đẹp đẽ thay câu truyền thuyết ấy !
Chúng ta thấy tự hào biết mấy
Có Tổ Tiên công đức sáng ngời,
Có họ hàng con cháu đông vui
Cùng hưởng thụ muôn đời phúc lộc !
Trong suốt dọc hành trình mang gươm đi mở cõi, vượt bao gian nan thử thách, tổ tiên ta đã đùm bọc cưu mang, dìu dắt cháu con bảo tồn dòng tộc. Trải bao thăng trầm loạn lạc, người dân họ Phạm Đình đã cùng sinh ra, lớn lên và trưởng thành ngay trên mảnh đất quê hương, lớp cha trước lớp con sau, cùng chung lưng đấu cật bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ dòng tộc và truyền thống cha ông muôn đời để lại. Chúng ta vô cùng hãnh diện tự hào là hậu duệ của những con người cần cù lao động và hăng say chiến đấu, đóng góp hết sức mình cho đất nước quê hương.
Những năm tiền Khởi nghĩa, khi làn sóng Cách mạng Việt Nam đang dâng trào sôi sục thì dòng họ Phạm Đình chúng ta từng là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng nhiều người con yêu nước cách mạng. Đó là cụ Kí Nhạo, người đã đứng ra tập hợp, xây dựng những tổ chức cách mạng đầu tiên như Hội Nông dân cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc. Đó là các bậc lão thành cách mạng đi đầu trong phong trào cách mạng ở địa phương như ông Phạm Thăng, ông Phạm Lượng, ông Phạm Bân và vợ là bà Trần Thị Chiến v.v…
Trong cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, noi gương các bậc tiền bối, nhiều người con dòng họ Phạm Đình đã tình nguyện khoác ba lô ra đi chiến đấu và nhiều người đã anh dũng ngã xuống nơi chiến trường, để lại cho dòng họ nỗi tiếc thương vô hạn xen lẫn tự hào. Chúng ta ta đời đời khắc ghi công ơn của các liệt sĩ Phạm Đình Điệt, Phạm Đình Hoài, Phạm Đình Quyền, Phạm Đình Bỉnh, ….
Rồi khi nước nhà độc lập, non sông thu về một mối, Tổ quốc thống nhất, song cuộc sống vẫn bộn bề gian khó. Dòng họ chúng ta lại ngày đêm cần cù lao động, chăm lo học hành để dựng xây cuộc sống quê hương ngày thêm giàu đẹp.
Cho đến hôm nay, khi đất nước bước sang thời kì đổi mới, cuộc sống quê hương đã thực sự đổi thay. Làng xóm ta ngày nay vẫn lũy tre xanh ngàn năm bao bọc, vẫn những ao chuôm, miếu mạo, đình chùa. Trước miếu Âm Hồn, cánh đồng Ngoài, đầm Lính hoa màu vẫn lên xanh ngăn ngắt, cánh cò bay la lả chiều hôm. Hồn quê vẫn nguyên sơ nhưng cảnh vật đã có nhiều thay đổi. Cái ngõ Vẹo cùng con đường làng đất cát năm nào, nay đã được bê tông hóa hoàn toàn. Nhiều nhà mái ngói, mái bằng, nhà cao tầng đã thi nhau mọc lên thay cho những mái tranh nghèo thuở trước. Con sông Cầu năm nào chiều chiều cả làng còn rủ nhau ra tắm mát thì giờ đây trông tựa con kênh. Còn Đầm Tắm ngày xưa thuyền bè vào ra tấp nập thì nay tất cả chỉ còn là hình ảnh một chiếc ao con bèo che kín mít. Ôi, con tạo vần xoay, cuộc đời dâu bể, khiến cho lòng người không khỏi dâng lên niềm cảm hoài da diết :
Sơn Cao chẳng thấy núi cao,
Thùy Dương nào thấy đâu nào thùy dương ?
Đoái nhìn phong cảnh thân thương
Quê hương nghĩa nặng tình thương dạt dào.
Phạm Đình – dòng họ Sơn Cao
Cái nôi sinh dưỡng xiết bao nghĩa tình.
Trong họ Phạm Đình, nhiều người đỗ đạt thành danh, người cán bộ, công nhân viên chức, người bộ đội, công an, người vẫn là nông dân miệt mài trên đồng ruộng. Kẻ đi xa, người ở lại quê hương nhưng tất cả chúng ta rất tự hào là dòng họ hiếu học, có nếp sống trọng đạo nghĩa, thủy chung, trong sạch, hiền hoà. Cho dù là giàu hay nghèo, dù ở gần hay xa, dù bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, người họ Phạm Đình cũng sống yêu thương đùm bọc, cùng hướng về quê hương, hướng về nguồn cội.
Dòng họ chúng ta đã bao đời trọn hiếu với Tổ tông:
Cha ông xưa dày công khai phá
Con cháu nay ra sức đắp bồi.
Nhớ Tổ tiên, ơn đền nghĩa trả
Truyền thống muôn đời gìn giữ không quên.
Theo truyền thống, hằng năm cứ đến ngày giỗ Tổ, con cháu trong họ lại tụ hội về làm lễ dâng hương, cúng giỗ rất trang nghiêm, thành kính. Những ngôi mộ ông bà tổ tiên giờ đây được xây cất lại khá khang trang. Đình làng đã qua mấy lần tu tạo và ngôi chùa mới được cả làng chung tay xây dựng trông thật hoành tráng, oai nghiêm. Nhưng Từ đường tộc Phạm Đình – “ngôi nhà chung” của tổ tiên ta bao năm qua còn đơn sơ, nhỏ hẹp. Đó là điều mà lớp cháu con chúng ta luôn canh cánh bên lòng.
Năm 2011, với tấm lòng hiếu thảo, thành kính với tổ tiên, người dân trong họ ta đã cùng nhau họp bàn và lập ra một Ban Khánh tiết nhằm tổ chức xây dựng ngôi Từ đường mới khang trang hơn. Tất cả bà con kẻ góp công, người góp của, đã chung tay góp sức xây dựng nên ngôi Từ đường mới của dòng họ mình thật uy nghi, đẹp đẽ, đáp ứng lòng mong mỏi của mọi người…
Ngày 21.08.2011(âm lịch) có một sự trùng hợp thật ngẫu nhiên: ngày Lễ Khánh thành nhà thờ Tộc Phạm Đình – Sơn Cao lại đúng với ngày Lễ Khánh thành Khu di tích tưởng niệm Vương triều Mạc – Thủy Tổ của họ ta. Âu cũng là điềm linh thiêng báo ứng, các bậc Tiền Hiền đã dun dủi cho đàn con cháu tụ hội về đây, thành kính dâng hương trong ngày Đại Lễ. Trong làn khói hương nghi ngút, Tổ tiên ta cùng hiện về mục kích cháu con sum vầy đông đủ. Thắp ba nén nhang, chúng ta mong sao các vị Tiền nhân thấu hiểu và rộng lòng thứ lỗi cho những đứa con xa xôi vì miếng cơm manh áo phải sống tha hương, không thể về thăm viếng thường xuyên nhưng lòng thì vẫn hằng băn khoăn một chữ Hiếu chưa tròn. Chúng con cầu mong Ông Bà Tổ tiên phù hộ độ trì, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, hậu sinh khả uý. Chúng con tin rằng: các Cụ tuy thân xác đã hoá thân trọn vẹn nơi mảnh đất quê hương, nhưng linh hồn đã được siêu thoát về cõi vĩnh hằng, hoà vào khí thiêng sông núi.
Sau Lễ Khánh thành Nhà thờ tộc Phạm Đình ở Sơn Cao, bốn mươi người con trong họ lại làm cuộc hành hương vấn tổ tầm tông ra Từ đường Mạc Tộc tại Kiến Thụy – Hải Phòng, tìm về nơi nguồn cội, viếng thăm Thủy Tổ của mình.
Ngày nay, dòng họ Phạm Đình – Mạc tộc chúng ta vẫn luôn hướng về phía trước, vẫn vững lòng tin ở tương lai tươi sáng. Cho dẫu hôm nay, nhiều cháu con trong họ đang phải sống lưu lạc khắp bốn phương trời trên mọi miền đất nước, nhưng bằng lối sống nhân nghĩa, cần cù và bằng cả tấm lòng thành kính luôn hướng về đất Mẹ, chúng ta đã phần nào báo đáp công đức Tổ tiên. Chúng ta sẽ được thanh thản tâm hồn mà dốc hết sức mình cho cuộc mưu sinh. Nhà nhà cùng tham gia các hoạt động xã hội trong cộng đồng, cùng nhau dựng xây nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới. Người người cùng làm tốt hơn nữa việc chăm sóc nuôi dưỡng người già, giáo dục, động viên con cháu chăm ngoan, học hành tiến bộ, phấn đấu không ngừng, đặng làm rạng danh dòng tộc, đóng góp nhiều hơn cho quê hương đất nước. Đó chính là hoài bão, là ước mơ mà tổ tiên ta, ông cha ta và cả chúng ta phấn đấu và mong đợi.
Một nén tâm hương, xin cúi mình quỳ lạy trước vong linh Tiên Tổ, cầu chúc cho linh hồn các vị Tiền Nhân họ Phạm Đình – Mạc tộc an lạc, siêu thoát và phù hộ độ trì, ban phúc cho lớp cháu con ngày nay được khoẻ mạnh an khang, học hành thi cử hiển vinh, ấm no hạnh phúc và ngày càng thịnh vượng, phúc như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn !
Ơn Tổ tiên núi cao biển rộng
Nghĩa cháu con đạo Hiếu vẹn toàn.
Chúng con xin hứa một lòng
Đền ơn trả nghĩa muôn đời không quên !
Ngày 30 tháng 09 năm 2011
Tác giả :
Phạm Thị Phong
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.