- Đang online: 1
- Hôm qua: 401
- Tuần nay: 11898
- Tổng truy cập: 3,388,187
BÀI PHÁT BIỂU CỦA ÔNG LÊ ĐĂNG KHOA, CHỦ TỊCH HĐGT HỌ LÊ ĐĂNG TẠI BUỔI LỂ DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM 409 NGÀY MẤT CỦA PHÓ QUỐC VƯƠNG MẠC ĐĂNG LƯỢNG
- 372 lượt xem
Nhân Kỷ niệm 472 năm ngày Thái Tổ Nhân Minh Cao Hoàng Đế Mạc Đăng Dung băng hà. Từ xứ Nghệ, con cháu hậu duệ phái hệ Mạc Đăng Lượng hướng về Từ Đường và Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại Cổ trai, Kiến Thụy, Hải Phòng…
Như nén hương thơm tưởng niệm Mạc Thái Tổ. HĐMT Nghệ Tĩnh xin giới thiệu Bài phát biểu của ông Lê Đăng Khoa, Chủ tịch HĐGT họ Lê Đăng tại buổi Lễ dâng hương tưởng niệm 409 năm ngày mất của Phó Quốc Vương Mạc Đăng Lượng, tại Đền Tán Sơn, xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
(Tô Mạc Duy Hinh. PCT HĐMT Nghệ Tĩnh)
BÀI PHÁT BIỂU CỦA ÔNG LÊ ĐĂNG KHOA, CHỦ TỊCH HĐGT HỌ LÊ ĐĂNG
TẠI BUỔI LỂ DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM 409 NGÀY MẤT CỦA PHÓ QUỐC VƯƠNG MẠC ĐĂNG LƯỢNG TẠI ĐỀN TÁN SƠN XÃ XUÂN HÒA
***
Kính thưa các vị khách quý.
Kính thưa các quý vị đại biểu.
Kính thưa bà con dòng tộc.
Hôm nay chúng ta tập trung về đây thành kính dâng nén hương thơm kỷ niệm 409 năm ngày tạ thế của Phó quốc vương Mạc Đăng Lượng (5/8/1604-5/8/2013). Năm nay cũng là năm kỷ niệm 420 năm đổi từ họ Mạc Đăng sang Lê Đăng, Hoàng Đăng và các chi họ khác (1592-2013) và đây cũng là năm các bậc con cháu của Ngài đồng tâm nhất trí nhận biết anh em giữa 3 chi họ Lê Đăng và 5 chi họ Hoàng Đăng đã bị lịch sử chia lìa sau 400 năm xa cách.
Trước giờ phút thiêng liêng để tri ân thần tổ, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những công đức của bậc tiền nhân.
Họ Mạc ta vốn phát tích ở Long Đông – Chí Linh (nay là Long Động xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương)
Cụ tổ đầu tiên tại đất Việt Nam là Trạng nguyên Mạc Hiển Tích và em trai là Thượng thư Mạc Kiến Quan, hai anh em là huynh đệ đồng triều đã có nhiều đóng góp xây dựng đất nước Việt Nam từ thời nhà Lý.
Bảy đời sau dòng họ ta xuất hiện một nhân tài. Đó là cụ Mạc Đĩnh Chi. Cụ Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên dưới triều vua Trần Anh Tôn. Tài năng và trí tuệ của cụ không chỉ vang khắp đất nước Đại Việt mà còn vang đến Trung Hoa. Khi được cử đi sứ nhà Nguyên, bằng tài năng và trí tuệ, cụ đã khiến vua quan nhà Nguyên phải khâm phục trí tuệ của cụ cũng như coi trọng nền văn minh Đại Việt. Vua Nguyên đã phong tặng cho cụ là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.
Đến thế kỷ XVI, một bước ngoạt lịch sử đã diễn ra đối với họ Mạc. Đó là vào năm 1527, được thần dân trong nước hướng về, Mạc Đăng Dung đã phế bỏ nhà Lê sơ lập nên nhà Mạc. Việc nhà Mạc thay thế là Lê sơ là hoàn toàn hợp với quy luật lịch sử. Giáo sư Phan Huy Lê đã khẳng định: “Việc nhà Lê sụp đổ, thay nhà Mạc là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Không nên coi sự việc này là sự cướp ngôi. Sau khi ra đời và tồn tại, nhà Mạc đã có những đóng góp nhất định về mặt văn hoá, về mặt tư tưởng và một phần nào đó về mặt kinh tế…”
Nhà Mạc đã tồn tại được 156 năm (1527-1683) truyền ngôi được 12 đời (5 đời tại Thăng Long, 7 đời ở Cao Bằng và hậu Cao Bằng).
Khi nhà Mạc thất thế, ngọn lửa hận thù của tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh núp dưới ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc” để tiêu diệt và làm nhục dòng họ nhà Mạc, Chúa Trịnh đã chém giết con cháu nhà Mạc trong 2 tỉnh Hải Phòng, Hải Dương và san bằng Dương Kinh và các công trình kiến trúc của Nhà Mạc.
Mấy thế kỷ qua, tổ tiên ta đã bị vua Lê – chúa Trịnh làm nhục. Các bậc tiền nhân ta phải ly tán, ẩn cứ lánh nạn muôn phương, con cháu nhà Mạc ở nhiều vùng trong cả nước vẫn giữ một quy ước chung để sau này tìm lại tổ tông. Quy ước đó được ghi trong Văn tế, trong câu đối, trong gia phả, có nơi chỉ truyền miệng. Khử túc bất khử thủ tức là chặt tay chặt chân không chặt được đầu. Nếu lấy họ Mẹ hoặc con nuôi thì lấy tên lót là Đăng cho nên có Nguyễn Đăng, Lê Đăng, Mai Đăng, Trần Đăng, Phạm Đăng, Phan Đăng… Riêng ở Nghệ An ta có: Bùi Danh, Bùi Văn, Bùi Đình, Nguyễn Phương, Hoàng Đăng, Hoàng Trần, Hoàng Bá, Hoàng Sỹ, Lê Đăng, Phạm Cao, Phạm Quốc, Phạm Đình, Thái Văn, Thái Hồng, Thái Bá, Thái Doãn.
Sau sự kiện 1592 dòng họ ta, con cháu ta phải thay tên đổi họ để mai danh ẩn tích cho đến nay ban liên lạc của dòng họ đã thống kê được con cháu đã ở khắp 63 tỉnh thành đổi ra 54 họ khác nhau với 615 chi họ trong cả nước.
Hôm nay trước anh linh của Ngài. Các bậc hậu duệ kính cẩn nghiêng mình dâng nén hương thơm để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ công đức và biết ơn sâu sắc vị Thần Tổ đã dày công vun đắp cho dòng họ một truyền thống giàu lòng yêu nước, chí thông minh và lòng hiếu học, lòng nhân ái và độ lượng của Ngài, đã đóng góp một phần rất lớn để xây dựng nền văn hiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Trước giờ phút thiêng liêng, để tri ân thần tổ, chúng ta điểm qua một quãng đường dài mà dòng tộc ta đã dày công vun đắp để có một công đức như ngày nay.
Ngài Mạc Đăng Lượng, sinh năm 1496 tại Thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 17 tuổi đậu Tiến sỹ, 25 tuổi đậu Tam giáp Tiến sỹ (Trạng Nguyên). Ngài là cháu đời thứ 6 của Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Mạc Đỉnh Chi, là chú của Thái Tổ Mạc Đăng Dung.
Sau khi nhà Mạc thất thế, Ngài đã đổi thành Lê Đăng Hiền, Từ Thạch Thành – Thanh Hóa và trong gia phả có ghi:
Thanh Tiền miêu Duệ Lê Truyền Chi.
Hậu Nghệ tử Tôn Phái Tộc thừa.
Nghĩa là: Cải họ Mạc Thành họ Lê Tại Thanh Hóa.
Các đời con cháu về sau sống tại làng Nho Phái tỉnh Nghệ An.
Mong muốn của Ngài là nước nhà bình yên không loạn lạc, không binh đao, nhân dân được sống ấm no hạnh phúc. Ước muốn không thành vận nước suy, đời ông luôn luôn than thở với các bậc con cháu là:
Trung Thần bất sự nhị quân.
Trinh nữ bất canh nhi phụ
Nghĩa là: Là tôi trung không thờ 2 vua khác họ, Trinh nữ không thờ 2 chồng. Ngài căn dặn con cháu trước lúc qua đời là ngày giỗ Ngài nên làm xôi đỗ đen để tỏ long trung thành với non sống đất nước. Ngày nay hàng năm khi tế lễ con cháu của đã làm xôi đỗ đen để báo đáp lòng mong muốn của Ngài.
Ngài có công rất lớn trong các trận đánh ở Thanh Hóa và Nghệ An, Ngài đã chiêu dân lập ấp được 137 hộ ở Bắc Sơn, Nam Sơn, Đặng Sơn ngày nay nên nhân dân ở đây lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Ngài và dền thờ ở Đặng Sơn cũng được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Ngài vâng lệnh vua Mạc Thái Tông vào trấn thủ tại đất Hoan Châu (Nghệ An) đóng đại bản doanh ở Đô Đặng và Nam Đàn, tướng tá và binh lính của ngài lúc này hơn một vạn quân. Cuối đời ngài có làm nghề dạy học và bốc thuốc bắc chữa bệnh cứu người tại làng Đan Nhiệm.
Ngài hưởng thọ 108 tuổi (1496 – 1604), sau khi qua đời lăng mộ của ngài được đặt trên núi Nhuệ Sơn (Rú Nhón). Theo tương truyền khi mai táng Ngài, anh em trong dòng họ, nhân dân trong vùng để thi hài của Ngài trong quan ngoài quách, có mặt bằng ngang với Đồng Mui. Một ý là đào sâu chôn chặt, một ý nữa là huyệt tốt để sau này các bậc con cháu làm ăn phát đạt.
Mãi về sau triều đình Nhà Nguyễn thấy sự oan trái của nhà Mạc và công lao của ngài Mạc Đăng Lượng, năm Quý Mùi (Tự Đức Thứ 8 năm 1855) Ngài được phong Thượng Đằng Thần, Thành Thái thứ 7 (Giáp Ngọ năm 1894) Ngài được phong Thượng Thượng Đẳng Thần, Bảo Đại thứ 8 (1944-Giáp Thân) Ngài được Phong Thượng Thượng Thượng Đẳng Thần tại nhà thờ Đặng Sơn – Đô Lương.
Vua Quang Trung người anh hùng dân tộc, một vị tướng tài đầy thao lược vô cùng cảm phục sự tài ba lỗi lạc của Đại tướng quân Mạc Đăng Lượng cũng đã truy phong ngài: Thượng Thượng Thượng Đẳng Thần là điều chưa từng có ở xứ Nghệ An và rất hiếm hoi trong cả nước.
Vẻ vang cho tổ tiên và niềm tự hào của dòng tộc, phu nhân của ngài bà Mai Thị Huệ là một nữ tướng có tài thao lược tuyệt vời giúp chồng trấn thủ phía Nam Tổ Quốc, giỏi việc nước, đảm việc nhà, trọn nghĩa với đạo làm dâu, làm mẹ. Bà được vua truy phong: Thượng Thượng đẳng thần Mai Thị Huệ.
Tám người con của ngài đều học hành thành đạt nhưng vì đại họa tru di cho nên việc tu dưỡng thành người tài giúp ích cho xã hội gặp nhiều khó khăn.
Ba người con đầu đổi thành Lê Đăng và năm người con sau đổi thành Hoàng Đăng. Hiện nay có 8 chi như sau:
1.Cụ Lê Đăng Lương Thủy tổ chi họ Lê Đăng Ở tại: Nho Phái (Xuân Hòa)
2.Cụ Lê Đăng Tưởng Thủy tổ chi họ Lê Đăng Ở tại: Nghi Phương
3.Cụ Lê Đăng Thân Thủy tổ chi họ Lê Đăng Ở tại: Thanh Luân
4.Cụ Hoàng Đăng Lưu Thủy tổ chi họ Hoàng Trần Ở tại: Đặng Sơn
5.Cụ Hoàng Đăng Đạo Thủy tổ chi họ Hoàng Văn Ở tại: Bắc Sơn
6.Cụ Hoàng Đăng Kỳ Thủy tổ chi họ Hoàng Bá Ở tại: Nam Sơn
7.Cụ Hoàng Đăng Ngọc Thủy tổ chi họ Hoàng Sỹ Ở tại: Yên Sơn
8.Cụ Hoàng Đăng Thuật Thủy tổ chi họ Hoàng Văn Ở tại: Đan Nhiệm (Xuân Hòa)
Các chi họ thuộc Triệu tổ Mạc Đăng Lượng tuy xa cách nhau nhưng tình cảm thần tộc luôn luôn đoàn kết, gắn bó với nhau để cùng xây dựng đất nước, đến nay 8 chi họ có khoàng 1.500 hộ và dân số hơn 6.000 nhân khẩu.
Các bậc con cháu của Ngài nhiều người ra gánh vác việc nước, xây dựng cơ đồ. Dưới danh tiếng họ Lê, họ Hoàng, nhiều vị là tiến sỹ, cử nhân ở Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương như: Tham tán Đại Thần Hoàng Trần Ích được vua Hàm Nghi phong làm Đại tướng; Ông Lê Đăng Kính là chắt nội 5 đời của Ngài Mạc Đăng Lượng thường gọi là ông Lĩnh Kính, ông có sức khỏe vô địch được nhà Nguyễn giao cho chức Lãnh binh lo việc quân trong hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh và được phong Ngũ phẩm Triều đình, trong phong trào Văn Thân ông được mật lệnh chỉ huy các sỹ phu yêu nước ở Xuân Hồ và Xuân Liễu (xã Xuân Hòa và Nam Xuân-Nam Đàn ngày nay).
Khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên đất nước Việt Nam, dân tình nước ta vô cùng khổ cực, các người con yêu dấu của các chi phái đã lên đường diệt giặc cứu nước. Điển hình như ông Lê Hồng Sơn, 17 tuổi xuất dương sang Trung Quốc hoạt động. Ông đã cùng với cụ Phan Bội Châu, Hồ Tùng Mậu lập ra Tâm Tâm xã, sau đó được Bác Hồ giác ngộ, ông đi theo con đường cứu nước chân chính. Ông là một trong 5 Đảng viên đầu tiên được kết nạp ở nước ngoài.
Tiếng bom của Phạm Hồng Thái, Nhà cách mạng Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn đã thức tỉnh nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đứng lên đánh đổ bọn tay sai bán nước và bè lũ cướp nước.
Sống anh dũng, chết vẻ vang, ông Lê Hồng Sơn đã anh dũng hy sinh khi vừa tròn 35 tuổi, dòng họ ta dân tộc ta mất một nhân tài. Lịch sử đời đời ghi nhớ 2 vị anh hùng dân tộc là Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, hai người con của dòng họ Mạc.
Trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc. Dòng họ ta có nhiều con ưu tú đã vĩnh viên ra đi không có ngày gặp lại, 8 chi họ 1.500 hộ dân ở Nam Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương, Đô Lương và Thọ Xuân-Thanh Hóa đã cống hiến cho Tổ quốc 81 Liệt sĩ, 7 mẹ Việt Nam anh hùng, 2 anh hùng lực lượng vũ trang, 1 anh hùng lao động. Hàng trăm cán bộ trung cao cấp trong Đảng, chính quyền mặt trận, Quân đội và Công an, 5 tiến sĩ kinh tế và 136 thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư. Các bậc con cháu về sau có nhiều thanh thiếu niên đã đạt các giải cấp Quốc tế, Quốc gia, cấp tỉnh, cấp thành phố hiện đang học tập, công tác khắp mọi miền của Tổ quốc.
Tự hào về quê hương Nam Đàn, đã sản sinh nhiều vị danh nhân đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà cách mạng Phan Bội Châu, Lê Hồng Sơn; Anh hùng lao động Hoàng Hanh… Là địa phương có vinh dự được trực tiếp thừa hưởng những truyền thống lịch sử, các giá trị văn hóa, tinh thần, các thành tựu kinh tế xã hội. Con cháu nhà Mạc ngày nay ý thức được rằng: Việc công nhân từ đường Cụ Mạc Đăng Lượng tại đền Tán Sơn, Lăng mộ Lê Hồng Sơn (Xuân Hòa- Nam Đàn), Đền Tiên Đô (Đặng Sơn- Đô Lương) là di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, đó là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước với sự cống hiến lớn lao của các vị tướng quân như: Mạc Đăng Lượng, Lê Đăng Lương, Lê Đăng Tưởng, Lê Đăng Thân, Hoàng Đăng Tuấn, Hoàng Đăng Đạo, Hoàng Đăng Kỳ, Hoàng Trần Ích…
Trải qua bao biến đổi, thăng trầm trong lịch sử của dân tộc và hơn 400 năm dòng họ ta phải chịu đựng trong cảnh ly tán, phải mai danh ẩn tích để bảo vệ sự trường tồn của một vương tộc.
Cho đến nay với cách nhìn sáng suốt của Đảng và Nhà nước, sự đánh giá đúng đắn, khách quan của các nhà khoa học và các bậc học giả theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lê Nin – và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Tán Sơn, Lăng Mộ Lê Hồng Sơn, Đền Tiên Đô là chính đáng và khách quan. Việc công nhận này đã đáp ứng sự mong mỏi của anh em trong dòng họ và ước vọng của Đảng bộ nhân dân địa phương.
Hôm nay, các bậc con cháu tập trung tại đây kỷ niệm 409 ngày tạ thế của Ngài. Con cháu của Ngài cùng nhau ôn lại và khẳng định thêm nguồn tin sắt đá đã ấp ủ bao đời nay và đúng như với tiên đoán năm xưa của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tứ Bách niên tiền chung phục thủy.
Thập tam thế hậu dị nhi đồng.
Nghĩa là: Bốn trăm năm trở lại ban đầu.
Mười ba đời sau chung nhau một gốc.
Thật vậy, sau 400 năm (1592-1994) Nhà nước ta cho phép Hội thảo về Vương triều Mạc và trải qua 13 đời con cháu mới được minh oan và đoàn tụ.
Dòng họ ta mãi mãi tự hào về những gương anh dũng hy sinh cho Tổ Quốc như: Lê Hồng Sơn và 81 Liệt sĩ của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Chống Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam – Bắc. Vô cùng biết ơn các bậc cha mẹ đã dày công vun đắp nuôi dạy con cái noi gương tiền nhân: siêng học, siêng làm, biết phát huy truyền thống anh dũng đấu tranh cho Tổ quốc, có nhiều cán bộ giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và biết bao hậu duệ của Ngài Mạc Đăng Lượng đã đi khắp mọi miền của Tổ quốc, ngày đêm mang hết sức lực, trí tuệ đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa, góp công, góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu cho sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh do Đảng và Bác Hồ đã khởi xướng và lãnh đạo.
Nhân dịp này, các thế hệ hậu duệ của Ngài Mạc Đăng Lượng xin chân thành cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các đoàn thể của huyện Nam Đàn và xã Xuân Hòa.
Cảm ơn Đảng uỷ – HĐND – UBND – UBMTTQ – Các ban ngành đoàn thể các xã Nghi Phương (Nghi Lộc), Thanh Luân (Thanh Chương), Đặng Sơn, Bắc Sơn, Nam Sơn, Yên Sơn, Đà Sơn (Đô Lương) đã có công lao đóng góp to lớn để các từ đường khang trang đẹp đẽ ngang tầm với các tộc họ khác.
Cảm ơn cán bộ và nhân dân 2 thôn 10 và 11 xã Xuân Hòa, đã giúp đỡ tận tình để Từ đường Cụ Mạc Đăng Lượng và Lăng mộ chiến sỹ cách mạng Lê Hồng Sơn được công nhân là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Các bậc con cháu chúng tôi coi đây là một vinh dự vô cùng lớn lao, một phần thưởng vô cùng quý báu mà Đảng, Nhà nước và Đảng bộ, nhân dân địa phương đã giành cho dòng Tộc chúng tôi.
Đốt nén hương thơm tưởng nhớ đến Ngài và các bậc Tiền nhân của dòng họ. Chúng cháu nguyện học tập thật tốt, rèn luyện thật tốt, ra sức nuôi dạy con cái thật tốt để các bậc hậu sinh không hổ thẹn với quá khứ huy hoàng của dòng họ. Xin thành tâm báo cáo trước anh linh của Ngài là mãi mãi đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra và lựa chọn.
Thay mặt cho các bậc con cháu trong dòng họ, tôi chân thành cảm ơn các vị khách quý, các vị đại biểu, bà con các chi họ khác ở các tỉnh, thành, địa phương đã về dự Lễ dâng hương tưởng niệm ngày hôm nay.
Cảm ơn các bậc cao niên, bà con thân hữu, anh em trong dòng tộc, những gia đình có cảm tình với dòng họ chúng tôi và xin gửi tới các quý vị lời chào trân trọng./.
Xin cảm ơn!
Ngày tháng 9 năm 2013
TM/HĐGT
Chủ tịch
Lê Đăng Khoa
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.