- Đang online: 1
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 13682
- Tổng truy cập: 3,389,292
Đôi dòng cảm nghĩ của người con tộc Mạc
- 288 lượt xem
Đôi dòng cảm nghĩ
của người con tộc Mạc
Thái Văn Tâm
Kể từ năm Đinh Tỵ (1667) khi vua Mạc Kính Vũ thất thủ ở Cao Bằng chấm dứt thời kỳ nhà Mạc, đến nay đã 344 năm. Nhưng từ trước đó năm Nhâm Thìn (1592), khi kinh đô Thăng Long rơi vào tay nhà Lê Trịnh, bao đau thương ai oán đã chất chồng lên dòng họ Mạc. Người bị giết hại, người bị truy đuổi…cả dòng họ phải đổi sang hơn 50 họ khác nhau, phân tán biệt ly…
Tiếp đó lịch sử lại bị các triều đại sau ra sức bóp méo, phủ nhận tất cả những mặt tích cực, những điều tốt đẹp do vương triều Mạc dựng lên, gán cho cả vương triều những tiếng xấu mà ảnh hưởng của nó còn vương đến ngày nay.
Nhưng sức sống trường tồn của một dòng họ cũng như của một dân tộc không bao giờ bị hủy diệt, cho dù các thế lực hắc ám ấy có bạo tàn và hùng mạnh đến đâu…Trải qua bao đời lớp lớp cháu con dù ở đô thành hay miền sơn cước mang trên mình nhiều dòng họ khác nhau, vẫn truyền đời cho các thế hệ sau mình là người gốc Mạc
Năm tiếp, năm qua đi với bao biến thiên của lịch sử, bao thăng trầm trong dòng chảy của dân tộc, bao cản trở trong cuộc sống mưu sinh. Nhiều vị cao niên của các đời trong dòng Mạc tộc ở Cao Bằng, ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, nghệ An… đã ôm ấp ý chí phục dựng lại dòng họ. Mãi đến ngày 20/12 năm 1994 với sự cố gắng không mệt mỏi của nhiều cụ tâm huyết trong họ Mạc, gốc Mạc, Ban liên lạc Mạc tộc Hà Nội ra đời do cụ Bùi Trần Chuyên làm Trưởng ban, cụ Hoàng Lê làm Phó ban. Bước đầu qui nạp được hàng chục chi họ Mạc, gốc Mạc. Dần dần đã hình thành một phong trào chấn hưng dòng họ tìm lại cội nguồn. Đấy là ngọn lửa nhỏ thôi nhưng quí lắm, yêu thương lắm bởi từ ngọn lửa này sẽ thổi bùng thành ngọn lửa lớn và lan tỏa đi khắp nơi. Và quả đúng như vậy năm 2008, Ban Vận động thành lập Hội đồng Mạc tộc Việt Nam ra đời, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, một bước ngoặt trong phong trào quy tụ của các dòng họ. Tháng 10-2009 tại Cổ Trai nhân kỷ niệm 468 năm ngày giỗ Mạc Thái Tổ và Lễ khởi công công trình xây dựng khu tưởng niệm Vương triều Mạc trong cuộc họp đầu tiên đông đảo các chi họ Mạc gốc Mạc khắp cả nước Ban thường trực Hội đồng Mạc tộc Việt Nam (lâm thời) đã chính thức được thành lập. Ban liên lạc khắp các tỉnh thành cũng theo đó kiện toàn tổ chức và thành lập thêm nhiều ban liên lạc mới. Tiếp đến đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo rất công phu với sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử có uy tín trong giới sử gia, làm sáng tỏ dần được vị trí và vai trò cống hiến của nhà Mạc, dòng họ Mạc trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Một sự kiện trọng đại đã đến với không chỉ dòng tộc Mạc mà còn cả các dòng tộc khác trên cả nước. Khu tưởng niệm vương triều Mạc đã khánh thành giai đoạn 1 nguy nga, tráng lệ, hiện hữu ngay trên nền đất Dương Kinh xưa. Tất cả các chi họ Mạc và gốc Mạc trong cả nước khi xác minh được nguồn gốc của mình đã về Dương Kinh thắp hương bái tổ. Nhiều cụ già rơi nước mắt, có người khóc nức nở như được giải tỏa nỗi oan khiên.
Viết đến đây tôi thấy lòng mình chùng xuống bởi nhớ lại lần đi hội thảo tại Cao Bằng, xuống thăm thành Bản Phủ cùng bác Mạc Văn Trang, bác Nguyễn Tuấn Long, anh Hoàng Minh Tuấn; được bác Bùi Nguyễn Long là hậu duệ của các vua Mạc tại Cao Bằng hiện vẫn đang sống trên chính nền đất cung điện xưa dẫn chúng tôi ra thăm giếng nước cung đình, hồ sen và đồng ruộng của triều đình. Đứng bên giếng nước trong vắt, tôi ngắm nhìn hồ sen rộng lớn, tiếp giáp với cánh đồng bằng phẳng trải dài tít tắp đến chân rặng núi phía xa, sương mù bồng bềnh giăng mắc. Trên cánh đồng ấy đôi ba cánh cò trắng giang mình sải cánh bay vội vã về đâu đó trong ráng chiều tà….Mắt tôi ứa lệ…phải chăng xưa kia các vị vua cũng chiều chiều ra đứng nơi đây, mắt dõi về kinh thành Thăng Long xa xôi, lòng quặn đau khôn tả…Thương lắm người ơi …
Đêm ấy, chúng tôi nghỉ lại 1 khách sạn bên bờ sông Bằng Giang, con sông sát bên thị xã Cao Bằng. Lòng nặng trĩu ưu tư, tôi không sao ngủ được, ra ban công ngắm nhìn sông. Đã tháng 6 nhưng dòng sông vẫn rất ít nước. Đâu đó nổi lên vài doi đất chia cắt lòng sông làm cho dòng nước chia đôi chảy uốn lượn mờ mờ dưới ánh trăng bàng bạc. Bác Long cũng ra đứng bên tôi từ lúc nào. Tôi nói: “ Bác Long ơi, thời các cụ mình phải rời bỏ kinh thành Thăng Long lên đây chắc dòng sông này đang hùng vĩ lắm, nước sâu lắm” . Bằng chứng là khi triều đình thất thủ hoàng hậu Đinh Thị Thành, vợ vua Mạc Kính Vũ cùng hai công chúa nhảy xuống sông tự vẫn nghe đâu mãi tận Bình Long mà di hài bà trôi về ngang nơi bà sống thì dạt vào bờ không trôi nữa, dân làng đã vớt bà lên chôn cất rồi dựng miếu thờ. Miếu đó vẫn còn cho đến ngày nay, gọi là Miếu Bà. Còn hai công chúa cũng dạt vào bờ nhưng ở phía trên hướng thượng nguồn. Miếu Hai Cô giờ cách Miếu Bà vài ba cây số. Thời kì hưng thịnh dưới Dương Kinh có đội thủy quân mạnh và thiện chiến lắm nên khi lên đây chắc các cụ cũng thành lập đội thủy quân ngày ngày cho binh sĩ tập luyện. Tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng thét vang khắp núi rừng sông nước vui lắm thay .. nhưng nay còn đâu.?
Lần đi công tác sau tôi ghé thăm anh Trần Hùng, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng. Anh là người dễ gần và yêu thi ca, cảm nhận của anh về thi ca khá tinh tế. Anh nói : “Tôi hay xuống các địa phương và được nghe nhiều các làn điệu hát then, hát lượn của đồng bào dân tộc. Tôi thấy phảng phất đâu đó trong các làn điệu này âm vang nhè nhẹ âm hưởng của âm nhạc cung đình. Nhà Mạc đã để lại nhiều dấu ấn rất sâu đậm trên mảnh đất này. ” Anh tâm sự tiếp: “Rất nhiều các thế hệ lãnh đạo các cấp của tỉnh Cao Bằng mang họ người dân tộc nhưng thật ra cha ông cũng là người Kinh và người gốc Mạc đổi sang, nhất là vùng Hòa An chiếm tỉ lệ rất nhiều. Phải chăng đây là gien di truyền đã tiếp nối cho đến ngày nay, thật là nguồn gien quý.” Trước đây là cán bộ văn hóa nên anh rất quan tâm đến việc bảo tồn các di tích lịch sử và văn hóa, nhất là thời kì nhà Mạc. Anh đã yêu cầu cán bộ văn hóa các địa phương, đánh giá và gìn giữ các di tích còn lại để đến khi có điều kiện cho phép sẽ trùng tu tôn tạo. Tôi tin anh bởi trên bệ cửa sổ phòng làm việc của anh xếp thành dãy những viên đạn đá lớn nhỏ anh nhặt về từ thành Nà Lữ.
Chia tay với Phó chủ tịch phụ trách văn xã tỉnh Cao Bằng, tôi mừng vui lắm bởi được những người lãnh đạo tỉnh quan tâm đến những gì ít ỏi còn lại của vương triều nhà Mạc; hứa hẹn một thời kì phục dựng, tôn tạo lại các di tích lịch sử này với sự đóng góp tích cực và đồng lòng của bà con Mạc tộc trong cả nước. Ba triều đại nhà Mạc trên miền đất non nước trập trùng có cơ hội trở thành nơi viếng thăm và nơi tưởng niệm.
Tuy còn rất nhiều việc phải làm, phải kiện toàn Hội đồng Mạc tộc trung ương và các tỉnh thành phố, phải biến tinh thần Đại hội đại biểu Mạc tộc Việt Nam tháng 11-2011 thành các hoạt động cụ thể nhưng những gì đã làm được trong thời kì đổi mới ngày nay đã là rất to lớn. Đây chính là nén hương thơm ngát kính dâng tiên tổ dưới suối vàng, các bậc tiên liệt cũng phần nào được nguôi ngoai để phù hộ độ trì cho lớp lớp cháu con công thành danh toại, đoàn kết một lòng giữ gìn niềm kiêu hãnh và vẻ vang của một vương triều, của một dòng họ đã có nhiều đóng góp cho đất nước.
Hà Nội, tháng 11, năm 2011
Thái Văn Tâm
Tel: 0913588335
Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thiết bị Y tế XENCONAI
Địa chỉ: Số 414, Tòa nhà Office Centrel 319 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.