- Đang online: 2
- Hôm qua: 520
- Tuần nay: 11040
- Tổng truy cập: 3,388,412
TẤM GƯƠNG NGƯỜI THẦY THUỐC ĐÁNG KÍNH
- 318 lượt xem
TẤM GƯƠNG NGƯỜI THẦY THUỐC ĐÁNG KÍNH
Cụ Phạm Đình Bân (ảnh do gia đình gửi đến BBT)
Mac Văn Trang: Tôi nhận được thư của chị Phạm Thị Phong viết:
Tác giả Phạm Hồng Chương – lương y ở xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình – là em trai của em. Bố mẹ em sinh được 8 người con: 7 gái 1 trai thì cậu út là Phạm Hồng Chương. Chị gái thứ ba là Phạm Thị Tiền có 2 bằng bác sĩ (BS Tây y và BS Đông y) hiện ở TP Hồ Chí Minh. Còn em là Phạm Thị Phong – con gái thứ 4 – là GV tại TP Đà Nẵng. |
Gia đình em biết trang Web mactoc.com từ ngày đứa cháu trong họ thấy trên trang mạng mactoc.com một bài thơ dịch từ chữ Hán về dòng họ Phạm Đình gốc Mạc tộc của bố em dịch ngày trước, nó liền thông báo cho gia đình và họ hàng.
Sinh thời bố em là người giỏi Hán học, Pháp văn, biết tiếng Anh, sống đức độ được nhiều người trọng vọng. Nay bố em đã mất năm 2000 nhưng những gì bố em làm được cho dân cho nước được họ hàng và mọi người ghi nhớ. Điều đó làm cho gia đình em rất cảm động, biết ơn và bố em cũng thỏa vong linh.
Xin trân trọng cám ơn Ban Biên tập dòng họ Mạc tộc đã lưu tâm!
TẤM GƯƠNG NGƯỜI THẦY THUỐC ĐÁNG KÍNH
Phạm Hồng Chương
Sinh ra trong một gia đình dòng dõi Nho học trên quê hương giàu truyền thống Cách mạng, cụ Phạm Đình Bân (1917 – 2000) là một lương y đáng kính được nhiều người dân trong vùng mến mộ. Cụ là người thuộc dòng họ Phạm Đình gốc Mạc tộc ở thôn Sơn Cao, xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Thân sinh cụ vốn là thầy đồ dạy chữ Nho lại vừa là thầy thuốc tại quê nhà.
Thuở sinh thời, cụ học chữ Hán rồi theo học Sơ học yếu lược tại trường công. Năm 1942, cụ về mở lớp dạy học tại gia đình. Tiếng lành đồn xa, lớp học của cụ có hàng trăm học sinh theo học. Thời gian này, phong trào Cách mạng đang lớn mạnh và ngày càng lan rộng. Được sự giác ngộ của Đảng, cụ cùng một số thanh niên yêu nước tham gia thành lập Tổ Thanh niên Cứu quốc làng Sơn Cao.
Sau Cách mạng tháng Tám, cụ được cử giữ các chức vụ, trọng trách của chính quyền thôn, xã. Năm 1946, cụ được kết nạp vào Đảng Cộng sản và được cử làm Phó Ban Bình dân học vụ huyện Thư Trì, Phó Ban Bình dân học vụ huyện Kiến Xương. Năm 1951, cụ giữ chức Phó Trưởng Ban Bình dân học vụ tỉnh Thái Bình. Sau đó, cụ bị thực dân Pháp bắt và tra tấn tại nhà tù Căng – Thái Bình.
Sau khi ra tù, do điều kiện sức khỏe yếu đi nên cụ không tiếp tục công tác thoát li được nữa và trở về sống tại quê nhà. Vốn có trình độ Nho học uyên thâm và sẵn nghề gia truyền do cụ kị, cha ông để lại, cụ đã chọn nghề thầy thuốc trị bệnh cứu người. Từ đó, cụ chẳng quản ngày đêm miệt mài đèn sách, tự mình nghiên cứu bộ sách Đông y của các vị tiền bối. Ngoài ra, cụ còn tìm tới các vị lương y danh tiếng trong vùng để học hỏi kinh nghiệm và sưu tầm sách vở, thuốc men và phương cách chữa trị. Một thời gian sau, khi đã tinh thông kiến thức y lý, dược lý, cụ bắt đầu thực hành cắt thuốc điều trị bệnh cho những người thân trong gia đình và dòng tộc. Tiếng lành đồn xa, thấy kết quả hiệu nghiệm nhanh chóng, bà con khắp nơi liền tìm đến lấy thuốc của cụ ngày càng đông. Chẳng bao lâu, cụ đã trở thành thầy thuốc nổi tiếng trong vùng.
Ngoài cắt thuốc, cụ còn châm cứu, bấm huyệt kết hợp dùng thuốc nam để điều trị rất công hiệu nhiều thứ bệnh và được mọi người ngưỡng mộ. Vốn giỏi Hán học và khả năng văn phạm rất tốt nên cụ đã dịch được nhiều cuốn sách Y học cổ truyền thành thơ hoặc văn vần để người đọc dễ hiểu, dễ nhớ. Đó là các quyển: Y học nhập môn, Thương hàn luận, Kim giám nội khoa, Phú nhân thân, Phú tinh dược… Trong đó, Phú nhân thân là quyển dịch thơ nổi tiếng nhất của cụ.
Trong mấy khóa liền, cụ Phạm Đình Bân đã được bầu vào Ban chấp hành Hội Đông y huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và đảm nhiệm công tác Tuyên huấn của Hội.
Năm 1974, nhiều địa phương nước ta xuất hiện đại dịch ỉa chảy. Để chữa chứng bệnh này, cụ có bài thuốc bột rất đơn giản mà công hiệu. Cụ còn nổi tiếng với những bài thuốc đặc hiệu chữa bệnh kiết lị, điều trị cho cả 3 thể lỵ mà tất cả các bệnh nhân mắc bệnh lỵ khi đã tìm đến với cụ đều khỏi bệnh.
Thời kì năm 1979, ở nước ta có đại dịch sốt xuất huyết lan tràn khiến nhiều nơi bệnh viện, trường học, trạm xá đầy ắp bệnh nhân nhưng ở vùng Bắc Thái Ninh quê cụ không có ca nào phải nhập viện là nhờ có bài thuốc nam thần diệu mà cụ đã dày công nghiên cứu, chế tạo. Các vị thuốc nam được cụ cho người nhà tìm kiếm, băm nhỏ, phơi kín khắp mấy sân. Hàng ngày, có tới hàng trăm bệnh nhân sốt xuất huyết ùn ùn kéo đến nhà cụ để xin được chữa bệnh. Những bệnh nhân nghèo hoặc nhiều chiến sĩ trong doanh trại bộ đội đóng tại địa phương đã được cụ điều trị miễn phí. Đôi khi cụ còn sai vợ con mang thuốc sắc đến giúp cho những gia đình neo đơn cả nhà đều mắc bệnh. Có những bệnh nhân ở xa, gặp bữa còn được gia đình cụ mời cơm.
Trong suốt cuộc đời hành nghề bốc thuốc trị bệnh, cụ Phạm Đình Bân được mọi người biết đến như một vị lương y chân chính, có nhiều công lao trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân địa phương. Dù tuổi cao sức yếu, cụ vẫn không quản ngại ngày đêm vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn, tự mày mò nghiên cứu, tự tìm tòi học hỏi và dụng công sưu tầm, chế tạo được nhiều bài thuốc nam quý giá và các vị thuốc nam thay thế với tiêu chí : điều trị nhanh, hiệu quả, giảm chi phí đến mức tối đa cho người bệnh. Ở cụ, y đức nổi bật trong nghề nghiệp chính là lòng nhân từ cùng phương châm “cứu bệnh như cứu hỏa”. Khi có người nhà bệnh nhân nặng, nguy cấp đến cầu cứu thì dù gặp lúc đêm hôm, mưa rét bão bùng, cụ cũng không nề hà, lặn lội đi ngay. Bao nhiêu năm chữa bệnh cho nhân dân, cụ chưa hề lấy một đồng tiền công châm cứu của ai bao giờ. Còn đối với các căn bệnh nhẹ, cụ đều mách bảo các bài thuốc nam dễ tìm để bệnh nhân khỏi phải tốn kém.
Cụ Phạm Đình Bân quả là một tấm gương sáng về y đức của người thầy thuốc. Về sau, nghề Đông y của cụ đã được hai người con của cụ nối nghiệp. Đó là bác sỹ – lương y Phạm Thị Tiền hiện đang sinh sống và hành nghề chữa bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh và lương y Phạm Hồng Chương là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Nhớ về Cụ, chúng ta nhớ về một người thầy đạo cao đức trọng, một người thầy thuốc đáng kính suốt đời tận tâm tận lực vì sức khỏe của nhân dân. Hôm nay, cụ đã đi xa nhưng hình ảnh đáng kính và y đức sáng ngời của cụ vẫn sống mãi trong lòng nhân dân địa phương.
Tác giả:
Phạm Hồng Chương
Xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.