- Đang online: 1
- Hôm qua: 401
- Tuần nay: 11940
- Tổng truy cập: 3,388,211
Nhớ một mùa đông Ba Lan
- 411 lượt xem
Nhớ một mùa đông Ba Lan
Mạc Văn Trang
Sang thăm con cháu từ mùa Hè 2009, định qua Thu thì về. Con cháu cứ nằn nì: Hai ông bà ở lại qua Tết hãy về; có ông bà mới làm một cái Tết đúng kiểu truyền thống cho các cháu nó biết… Ông gói bánh chưng, bà làm cỗ 6 đĩa 4 bát cho đúng kiểu Tết Việt Nam… Tấm lòng con cháu chân thành, thiết tha như thế, ông bà nào cầm lòng được!
Không ngờ mùa ĐÔNG – XUÂN 2009 – 2010 ở Ba Lan, mình được trải nghiệm nhiều đến thế! Đó là một mùa đông lạnh kỷ lục, mấy chục năm mới lặp lại. Nhiều đợt lạnh âm 30 độ C, tuyết rơi nhiều vô kể, nước các sông, hồ đều đóng băng… Nay giữa mùa đông Hà Nội ấm áp, bỗng nhớ đến bao kỷ niệm về mùa đông năm ấy của Ba Lan. Xin ghi lại vài mẩu ký ức vụn vặt.
1. Nhà mặt phố…
Sáng ngủ dậy, nhìn qua cửa sổ thấy bên ngoài một màu trắng xóa. Các mái nhà xung quanh đều trắng, ngoài vườn, vỉa hè, mặt đường …ngồn ngộn tuyết trắng. Chỉ những cây thông, dù tuyết phủ trĩu cành, phía dưới vẫn còn thấy những đốm lá xanh…
Anh con rể vừa thức dậy, nhìn ra những lớp tuyết dày trước cửa nhà, vội mặc áo ấm, chạy ra nhà kho lấy xẻng, hùng hục xúc tuyết trên vỉa hè nhà mình, hất sang hai bên, dọn dẹp cho một lối đi rộng chừng một mét. Vỉa hè nhà nó dài đến gần 20 mét nên xúc khỏe cũng mất khoảng nửa giờ. Nhìn sang hàng xóm, cũng thấy mấy người đang mải mê xúc tuyết trên vỉa hè nhà họ. Đợi con vào mới hỏi:
– Sao lại phải xúc tuyết trên vỉa hè nhà mình? Không có đội “công nhân vệ sinh môi trường” à?
– Có, nhưng họ chỉ dọn nơi công cộng. Còn nhà dân, vỉa hè nhà ai, người ấy phải có trách nhiệm dọn tuyết, lại còn phải rắc cát, rắc muối để người ta đi không bị trơn. Người ta mà trượt ngã do mình không dọn vỉa hè chu đáo là có thể bị kiện, mình phải bồi thường!
– Thế có ai đã ngã mà đi kiện chưa?
– Có rồi chứ ạ. Với lại khi các nhân viên đi kiểm tra, để người ta nhắc nhở đã ngượng rồi; còn mình để vỉa hè quá tệ, bị phạt thì xấu hổ chết! Với lại, ai cũng tự biết, làm sao để người đi bộ qua vỉa hè nhà mình thấy hài lòng, chứ không muốn để người ta phiền lòng…
– Con biết không, ở Việt Nam có câu: “Nhà mặt phố, bố làm to”. Ở Hà Nội mà có cái vỉa hè to, dài thế này, rồi cái vườn rộng thế kia, cái tầng hầm bỏ không mấy chục mét vuông, thì chỉ việc “ngồi mát, ăn bát vàng!”
– Làm gì ra tiền hả bố?
– Cho thuê làm “cà phê vườn”, làm “vũ trường”, “mat-sa VIP”, “quán ăn Nhật”, “quán ăn Tàu” vân vân. Con mắt những người chuyên nghề làm ăn, người ta biết làm gì để hái ra tiền…
– Ở đây thì “ăn có nơi, chơi có chốn”, các khu dân cư thế này chả được phép mở những loại kinh doanh dịch vụ như bố nói. Các nhà chung quanh, có nhà hàng ngàn mét vuông vườn chỉ để trồng cây cỏ. Mà những cây trong vườn nhà mình đã trên 10 năm là thuộc diện chính quyền quản lý, không phải mình muốn chặt bỏ là được đâu!
– Ồ, thế ra nước mình tự do thật! Vỉa hè nhà mình, vườn nhà mình, muốn làm gì thì làm. Thanh tra à? Dân ta có câu: “Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì, cho cái phong bì thì lại thanh kiu”! Nước mình hóa ra lại dễ làm ăn!
2. Den đôp-brư!
Mình dậy sớm ngồi xem ti-vi, thấy con dậy muộn, lại phải xúc tuyết rồi vội vàng đi làm, cũng áy náy. Rồi thấy bên nhà đối diện, một ông già mặt đỏ au, đầu bạc trắng, chẳng cần đội mũ, sáng nào cũng hăm hở xúc tuyết trên vỉa hè, và nhà sát bên, một bà già mỗi sáng cũng cặm cụi xúc tuyết, nên mình cũng thử xem sao.
Buổi sáng sớm, các con cháu còn ngủ, mình mũ áo nai nịt, giầy ủng gọn gàng, tay đeo găng, cầm xẻng, mở cổng ra đường…
– Den đôp-brư! Ồ, ông già bên vìa hè đối diện, một tay cầm xẻng, một tay giơ lên chào mình… Mình vội tươi cười, giơ tay Den đô-brư lại ông ta…Rồi quay sang phía bà đang xúc tuyết trên vỉa hè nhà sát bên…
Bà cũng Den đôp-brư! Rồi tươi cười, thân mật hỏi han gì đó một hồi. Mình cũng Den đôp- brư lại và cười trừ, ra hiệu không hiểu tiếng Ba Lan. Ba ta gật gật, đưa tay ra dấu “không vấn đề gì”!
Mấy người già cặm cụi xúc tuyết trên vỉa nhà mình, thỉnh thoảng ngửng lên, hễ bắt gặp nhìn nhau là lại tươi cười, gật gật… Ồ, thế ra con mình là dân “ngụ cư”, mình lại kéo sang “ăn theo”, mà dân sở tại, hàng xóm làng giềng cũng thân thiện, vui vẻ, quý hóa đáo để! Sau hỏi các con mới biết bà hàng xóm chồng đã chết, có hai con gái, chồng hai cô đều ở rể trong nhà này. Mỗi cặp vợ chồng trẻ cũng đã có hai con. Vậy mà gia đình ba thế hệ nhà bà Đa- nut -ta (nhớ mang máng tên bà là thế) xem ra sống rất êm đềm, vui vẻ…
Ông già ở đối diện, tên là Nô-vak thì phải, cũng có gia đình anh con trai và anh con rể ở cùng; có thằng cháu cùng tuổi với cháu nhà này nên hay chơi đùa với nhau…
Mấy gia đình cùng đông con, đông cháu ra trò, nhưng sáng nào cũng thấy mấy ông bà già dậy sớm hăm hở xúc tuyết và râm ra tiếng chào nhau Den-đôp- brư! Den-đôp-brư!.. Trời lạnh âm 30 độ C mà trong lòng thấy ấm áp tình người. Lại nghĩ: “Nước mắt chảy xuôi” hình như là quy luật phổ biến…
Hôm rồi, con gọi điện về, nói ông Nô-vak hàng xóm, bố nhớ không? Ông ấy mới mất, bọn con cũng đến viếng. Tự nhiên mình buồn quá, nhớ hình ảnh một ông già xa lạ mà luôn vui vẻ, xởi lởi, lúc nào gặp, cũng Den đôp-brư mình trước…
3. Giải cứu con mèo trên cây
Nhà bà hàng xóm Đa- nut- ta có con mèo khoang đẹp tuyệt. Thỉnh thoảng nó vẫn lẻn sang nhà bên này chơi đùa. Mèo Tây chịu rét rất tài, nó có vẻ khoái chơi đùa trên tuyết. Sáng nào nhìn tuyết trên vườn mới phủ trắng qua đêm, cũng thấy dấu chân nó. Một buổi chiều bà Đa- nut -ta đem một con chó lạ hoắc, to đùng về nhà (nghe đâu bà bạn ở độc thân, vào nằm viện, gửi nó nhờ bà trông nom giùm). Người mình đã tổng kết: “Chó cậy nhà, gà cậy chuồng”, mà cái con chó Tây này chẳng biết “lễ độ” là gì, cứ đuổi con mèo khoang của chủ nhà mà sủa. Con mèo sợ quá, leo tít lên ngọn cây thông trong vườn. Đến chiều, con mèo vẫn không dám xuống đất. Bà Đa-nu-ta sợ con mèo ở trên cây, chịu rét qua đêm có thể nguy hiểm. Bà liền a-lô cho công an (không biết bên ấy gọi lực lượng này là gì, như dân mình quan niệm đúng nghĩa, đó là CA: cái gì dân “bất an” thì phải nhờ đến “công an”). Một lúc sau một cái xe ô tô chuyên dùng chạy đến, mấy anh CA bước xuống, chào hỏi chủ nhà. Bà chủ chỉ lên chỗ con mèo nằm trên ngọn cây. Mấy anh CA đưa một chiếc thang dài lên chỗ con mèo. Một anh cầm chiếc túi leo lên, bắt chú mèo bỏ vào túi đưa cho chủ nhà. Chủ nhà vui vẻ cám ơn. Các anh CA hoàn thành nhiệm vụ, vui vẻ, vội vã ra đi.
4. Con chó nhà ông Ze-lin-xit-ki
Nhà ăn tối xong còn ngồi quây quần trò chuyên. Con gái thu dọn thức ăn thừa vào túi ni-long rồi mặc pan-tô… Bà xã tôi hỏi:
– Con đi đâu bây giờ?
– Con đem ít thức ăn cho con chó nhà ông Ze-lin-xit-ki.
– Sao phải đem cho nó?
– Ông ấy ở độc thân với con chó. Người ta bảo đưa ông vào trại tế bần, nhưng ông không chịu đi. Ông ra vườn khuân củi, bị ngã gẫy chân. Người ta đem ông đi bệnh viện. Con chó của ông ở nhà một mình. Mấy bà con hàng xóm bảo nhau mỗi ngày đem ít thức ăn cho nó…
– Có xa không? Cho mẹ đi với.
– Chừng hai trăm mét thôi. Vâng mẹ đi cho vui.
Về bà xã tôi kể: Ông này cũng có cái nhà con con, đổ mái bằng hẳn hoi. Vườn rộng lắm, cây cối ngổn ngang, bờ rào sập sệ. Mà nhà mặt phố đàng hoàng. Giá như ở Hà Nội, cái vườn ấy, ông ta bán đi, thì có mà không để đâu hết tiền! Con chó khôn lắm. Mình đến cổng, nó ở trong nhà chạy ra sủa dữ lắm. Nhưng khi vứt thức ăn qua cổng, nó không sủa nữa, im lặng chạy ra “nhận” thức ăn.
Từ hôm đó, bà xã mình “xung phong” hằng ngày “tiếp tế” thức ăn cho con chó nhà ông Ze-lin-xit-ki. Mình cũng tò mò đi tìm hiểu xem sao…
Ít lâu sau, tình hình trở nên phức tạp. Các bà hàng xóm ai cũng thương chú chó đơn côi, giữa mùa đông lạnh giá, nên nhiệt tình đem cho nhiều thức ăn quá, dư thừa quá nhiều. Tự nhiên nhà ông Ze-lin-xit-ki trở thành điểm “nhạy cảm”. Lũ cho hoang không biết từ đâu ra bốn, năm con đến tranh thức ăn, có lúc cắn nhau loạn xạ! Rồi từng đàn quạ đen, chim sẻ, bồ câu … cũng kéo đến kiếm mồi, trở thành điểm “tự phát tụ tập các phần tử vô tổ chức”! Như bên ta thì xử lý vụ này rất nhanh gọn. Nhưng bên đó thì chịu, cứ để chúng “tụ tập, gây rối kéo dài”. Đã thế các bà còn tiếp tế nhiều hơn cho các phần tử này, thức ăn được vứt rải ra khắp vườn nhà ông Ze-lin-xit-ki để chúng khỏi tranh nhau; được thể, chúng kéo đến tụ tập ngày càng đông, cứ như hội hè ở cái vườn hoang này!
Bà xã mình xem ra đã bị “lôi kéo, xúi giục” nên bao nhiêu cơm thừa, gạo cũ, bánh mì khô…cứ nhặt nhạnh tiếp tế cho bọn này. Mà bây giờ bà chú ý đến bọn chim muông nhiều hơn; bà còn đem thức ăn ra cả khu hồ sau nhà cho chúng. Dần dà bà làm quen được với cả bầy chim muông. Thấy bà ra là cả đàn chim sẻ, bồ câu sà xuống vây quanh, có con đậu cả lên tay. Mấy chú sóc nhỏ cũng mon men rồi xán lại gần, nhảy nhót quanh chân bà, “xin” thức ăn. Còn đám quạ đen, bồ câu, vịt hoang thì cứ chầu chực, kiếm ăn ở vòng ngoài…
Năm sau hỏi thăm, con gái nói, ông Ze-lin-xit-ki đã bán cả khu vườn và vào nhà dưỡng lão; còn con chó của ông, đã có một người nhận đem về nuôi.
5. Khánh thành trường Trung học cơ sở
Nghe thằng cháu bé nói, sau kỳ nghỉ Đông, sẽ được học trường mới. Trường mới là một ngôi nhà ba tầng khá dài, khang trang. Trường có sân rộng, vườn, khu thể thao…Cầu thang lên tầng hai, tầng ba lại ở ngoài trời, phía đầu hồi chạy lên hành lang…Nhưng còn chờ ông quận trưởng xuống làm lễ cắt băng khánh thành đã. Cứ nghĩ lễ khánh thành phải như bên mình: có cờ quạt, băng rôn khẩu hiệu, loa đài tưng bừng, hoành tráng; có đông đảo quan chức các ngành giới; có trịnh trọng kính thưa đầy đủ các quan khách; có mười cô người mẫu mặc áo dài đỏ, cầm giải lụa điều căng dài; năm, sáu, bảy quan chức cùng cầm kéo, rồi “hai ba”, cùng cắt giải lụa ra làm nhiều mảnh… Và pháo hoa phụt lên tới tấp; đội hình các nhà báo, đài đông đảo quay phim, chụp hình lia lịa…
Đằng này lèo tèo, có một ít đại diện giáo viên, cha mẹ học sinh, một nhóm quan chức từ quận xuống… (Các cháu học sinh không thấy tham gia, có lẽ hôm nay là việc của người lớn; còn hôm nào dọn sang trường mới, mới là việc của các cháu). Có một tấm vải điều phủ lên cái biển tên trường, trên cột cổng bên phải. Chắc là lúc tuyên bố khánh thành, ông quân trưởng sẽ gỡ tấm vải che biển tên trường, để chính thức khai trương…
Nhưng ông quận trưởng lại cùng với hiệu trưởng và mọi người vào kiểm tra bên trong trường đã. Họ đi thị sát một vòng và dừng lại ở chỗ cầu thang lên tầng, thảo luận khá lâu. Rồi mọi người tụ tập vào xung quanh. Ông quận trưởng giải thích gì đó cho mọi người. Rồi ông hiệu trưởng cũng phát biểu dăm câu. Ông quận trưởng lên xe ra về! Mình chẳng hiểu ra làm sao. Sau đó hỏi ra mới biết sự tình: Ông quận trưởng bảo, Luật về người khuyết tật đã có hiệu lực rồi, mà cầu thang công trình này không có đường dành riêng cho người khuyết tật, nên chưa thể khánh thành! Ông hiệu trưởng thì bảo, trường này khởi công trước khi Quốc hội ra Luật người khuyết tật, nên thiết kế xây dựng không có cầu thang riêng cho người khuyết tật. Nhưng ông quận trưởng không nghe. Luật là luật! Sau đó được biết, nhà trường đã được quận chi tiền bổ sung để làm dường xe lăn bằng thép, gá vào cầu thang chính, để dành riêng cho người khuyết tật. Mình hỏi ra thì biết trường này cũng chẳng có cháu nào khuyết tật, đi xe lăn cả! Thì ra nước họ nó thế! Anh hành pháp cứ phải răm rắp thực hiện đúng luật của anh lập pháp. Dù có tức trong bụng, có cãi lại, nhưng cứ phải tuân theo!
Lại nhớ hôm ở nhà ga, thấy nhà đi tiểu của nam giới đông quá, mình định chạy vào cái toa-let sạch sẽ lại không có ai, con rể vội bảo: chỗ ấy dành riêng cho người khuyết tật đấy bố ạ, có kí hiệu kia kìa! Rồi lúc đỗ xe ở siêu thị, mình bảo: sao cứ loay hoay mãi, kia còn mấy chỗ trống sao không đỗ? Con rể lại bảo: “Bố ơi, chỗ ấy dành riêng cho xe người khuyết tật”! Lạ thật, ở Ba Lan, anh quan nào từ trên xuống dưới, cũng sợ luật, theo luật một phép? Hỏi ra mới biết, anh quan nào phạm luật là bị các phương tiện truyền thông vạch mặt ra trước bàn dân thiên hạ, dễ mất chức liền. Quan biết sợ, nên dân cũng gắng làm sao cho đúng luật.
6. Casino khuyến mại cho người Việt
Con rể bảo:
– Tối nay, có khai trương Casino và chìa ra mấy cái giấy mời bằng tiếng Việt, bố đi xem tí cho biết.
– Hay quá, bố cũng muốn tò mò xem Casino nó thế nào? Nhưng sao lại dành cho người Việt?
– Casino ở Ba Lan đã có từ đôi chục năm nay, nhiều người Việt Nam trở thành khách sộp của họ, nên thỉnh thoảng họ lại mở tiệc chiêu đãi, khuyến mại hay dạy cách chơi cho những người muốn nhập cuộc. Dân Việt, dân Tàu, dân Thổ… máu cờ bạc lắm, nhiều người ngày kiếm tiền, tối nướng vào cờ bạc. Có người thua mấy chục ngàn đô-la một tối, gán cả xe ô tô cả quầy hay cả công hàng luôn.
– Nhưng mở Casino thì có lợi gì cho thành phố?
– Nguồn thu lớn lắm: Tiền thuế của chủ Casino, tiền thuế từ các dân chơi. Đây là loại thuế đặc biệt. Thuế rất cao mà rất nhiều người ham…
Vào cửa Casino quả là nghiêm ngặt. Các vệ sĩ mặc đồng phục, xem giấy tờ rất kỹ, soát người như qua sân bay, rồi phải gửi áo ngoài, túi xách…Thấy toàn người Việt vào Casino, liền hỏi, thì được biết: Tối qua khai trương dành cho người Tàu, tối nay cho người Việt, tối mai cho người Thổ; còn dân khác thì tùy nghi…Cũng có mấy người lên nói vo ngắn gọn, rồi mời ăn tiệc đứng, toàn món Việt là chính. Rượu thì đủ loại nặng nhẹ, có mấy em Tây mắt xanh, môi đỏ cười tươi như hoa, luôn tay rót rượu cho khách…
Ăn uống chừng hơn một giờ, mọi người bắt đầu vào các “chiếu bạc”. Phòng lớn bên trái của phòng tiệc thấy toàn máy đánh bạc, kê hai dẫy quay vào tường, giữa là quầy phục vụ; phòng bên phải lại toàn các “chiếu bạc” chơi với các quân bài; mỗi “chiếu bạc” một kiểu bài khác nhau…Trông rối cả mắt!
Chẳng hiểu gì về cách đánh bạc, lại thấy mệt, vì đông người quá, ồn ào, ngột ngạt…hết hứng thú, tò mò, nên xem qua một vòng, liền hỏi con:
– Con có chơi không?
– Không. Con chỉ đi xem nó thế nào, với gặp bạn bè tí cho vui thôi. Bố mệt, thì bố con mình về luôn. Đêm tuyết xuống nhiều, đi xe càng thêm khó…
Thế là hai bố con ra về. Mình cũng biết qua bề ngoài Casino nó thế nào.
Quả thật, trên đường về mới thấy tuyết rơi ghê. Lúc đi còn thấy rõ những lằn đường, lúc về, nhiều đoạn đường trắng xóa mênh mông… Con rể vừa lái xe vừa bảo: Năm nay Ủy ban thành phố phải chi thêm hàng triệu đô-la cho việc dọn tuyết, mà vẫn còn ngổn ngang thế này!…
Trời băng giá, tuyết ngập đầu gối, mà bà con mình vẫn ra chợ đầu mối để bán hàng, lấy hàng từ hai, ba giờ đêm! Kiếm được đồng tiền nơi xứ người biết bao đắng cay, cực nhọc mà lại đễ dàng nướng vào cờ bạc. Con người ta cũng lạ thật!
7. Cứu con chó nhỏ trên sông băng
Vào cuối Đông, sang đầu Xuân, tuyết vẫn rơi nhiều nhưng băng trên các dòng sông bắt đầu tan. Những tảng băng lớn nhỏ từ từ chuyển động, lặng lẽ trôi ra biển. Có mấy cậu bé phát hiện một chú chó nhỏ đang run rẩy đứng trên tảng băng trôi trên dòng sông, họ liền gọi điện cho CA đến cứu. Một lúc sau mấy chú CA đã có mặt tại hiện trường. Lúc này nhiều người dân cũng dừng lại xem. Có cả nhà báo ghi hình chú chó nhỏ đang co ro trên tảng băng, nó quay đầu hướng về phía những người trên bờ với vẻ mặt đầy hy vọng. Nếu chậm trễ, tảng băng càng trôi xa ra giữa sông, tính mạng chú chó càng nguy hiểm. Mấy chú CA hội ý một lúc, rồi một chú mặc áo phao, lội xuống sông, trườn mình trên những tảng băng về phía chú cún con. Một lúc sau chú CA đã túm được con chó; chú buộc dây vào cổ con chó cho đồng đội kéo lên bờ. Mọi người có mặt xúm lại reo hò sung sướng. Một chú CA lấy cái chăn bọc cho con cún đỡ rét. Trong khi đó chú CA từ dưới sông cũng được đồng đội từ từ kéo lên… Không ngờ, chú CA bị trượt xuống giữa hai tảng băng và bị hai tảng băng dập vào người, bị trọng thương. Đồng đội xúm lại kéo lên bờ và gọi xe cấp cứu…
Hình ảnh người chiến sĩ CA quên mình cứu con chó nhỏ trên dòng sông băng được các nhà báo quay phim, tường thuật liên tiếp trên chương trình Thời sự của Đài truyền hình. Đài cũng đưa tin những lời thăm hỏi của người dân khắp nơi về sức khỏe của người chiến sĩ CA và của con chó nhỏ. Đài Truyền hình, báo chí cũng đưa hình ảnh, đặc điểm chú chó được cứu sống và mời gia chủ đến nhận lại. Có nhiều người bày tỏ nguyện vọng được nhận chú cún về nuôi, nếu không tìm thấy chủ của nó.
Câu chuyện về chú cún con mà cứ xôn xao dư luận cả nước, cứ như chuyện gì to tát lắm! Cái nước của họ đến là lạ!
Hà Nội, 02 – 12 – 2013
MVT
Viết bình luận
Tin liên quan
- GƯƠNG SÁNG DÒNG HỌ QUA CÁC THỜI ĐẠI VIỆT NAM!
- Trao đổi tâm tình VIỆC HỌ (ĐẤT TỔ ĐƯỜNG DÒNG HỌ) VÀ NGƯỜI LÀM VIỆC HỌ
- CÓ HAI THỨ CHA MẸ CẦN TRANG BỊ CHO CON CÁI, VÀ CHỈ HAI THỨ ĐÓ LÀ ĐỦ
- ĐI TÌM DẤU XƯA CHUYỆN CŨ CỦA DÒNG HỌ Ở CAO BẰNG – Ký sự của Đào Tiến Thi, 8/11/2015 (công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) –
- MỘT THANH NIÊN NGƯỠNG MỘ CỤ MẠC ĐĨNH CHI – Mạc Văn Trang – 24/10/2015 –
- HUYỀN TÍCH DƯƠNG KINH Những giai thoại “Siêu Linh Huyền Bí” (tiếp theo và hết) –
- HÃY ĐỂ NGƯỜI XƯA LÊN TIẾNG
- Ý KIẾN VỀ BÀI “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ” CỦA HOÀNG THIẾN PHỦ
- KÝ ỨC VỀ MẠC TỘC HẢI DƯƠNG TẠI TP.HCM – SƠ KHAI CỦA MẠC TỘC TP.HỒ CHÍ MINH
- KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY THAM GIA SINH HOẠT BAN LIÊN LẠC HỌ MẠC HÀ NỘI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.