- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17428
- Tổng truy cập: 3,369,500
VIẾT TIẾP “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ”
- 199 lượt xem
Lời BBT: Ban Biên tập trang Web ”mactoc.com” trân trọng giới thiệu bài viết của Tác giả Tôn Nữ Tịnh Tâm đăng trong Tạp chí “Hồn Việt” số 91 tháng 4 năm 2015 trao đổi về bài “ Cấm phóng uế vào Lịch sử” của Hoàng Thiếu Phủ đăng trong Tạp chí “Hồn Việt” số 90 tháng 2+3/2015.
Tác giả Tôn Nữ Tịnh Tâm đã viết bài ” Viết tiếp cấm phóng uế vào lịch sử” dưới đây với trình độ chuyên môn sử liệu sâu sắc, hết sức công tâm, khoa học mà lịch lãm, lập luận sắc bén với Hoàng Thiếu Phủ. BBT mong rằng sắp tới Bộ Quốc sử mới mà Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định biên tập lại sẽ đánh giá đúng công lao của các Triều đại trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đánh giá đúng lịch sử mới đoàn kết các họ lại với nhau trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
BBT trang Web “mactoc.com” chân thành cảm ơn Tác giả Tôn Nữ Tịnh Tâm và Tạp chí Hồn Việt đã đăng bài này góp phần sáng tỏ công minh lịch sử, công bằng xã hội đúng như tinh thần đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam.
VIẾT TIẾP “CẤM PHÓNG UẾ VÀO LỊCH SỬ”
Trao đổi về bài tạp văn “Cấm phóng uế vào lịch sử” của Hoàng Thiếu Phủ (Hồn Việt số 90 trang 2&3-2015).
TÔN NỮ TỊNH TÂM
Trước đây, sách Việt Nam sử lược (VNSL) của Trần Trọng Kim được phổ biến rộng rãi. Nhiều người còn nhớ đoạn tác giả kết án Mạc Đăng Dung (MĐD) một cách hùng hồn: “Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một nghịch thần: đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần ra trói mình lại, đi đến quỳ lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cậy lấy cái phú quý cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ. Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục” (VNSL tập II, trang 17).
Có lẽ khi ngồi trên ghế nhà trường, Hoàng Thiếu Phủ đã đọc VNSL (mà ông cho là một trong “ các bộ sách lịch sử kinh điển”), chịu ảnh hưởng của bản luận tội nói trên, nên ông đã phản ứng khá gay gắt khi hay tin thành phố Hà Nội định lấy tên MĐD và con là Mạc Đăng Doanh để đặt cho hai con đường ở Thủ đô. Trong tập văn Cấm phóng uế vào lịch sử!, Hoàng Thiếu Phủ đã đặt vào miệng thầy trò một lớp học nào đó những câu như sau: MĐD là ”Một kẻ gian thần, giết vua để chiếm ngôi rồi tự trói mình ra hàng quân Minh ở Ải Nam Quan nhục nhã nhất là việc đầu hàng và cắt đất biên giới dâng cho giặc”… “tự cổ chí kim trong lịch sử Việt Nam chưa có ông vua nào độc ác và hèn hạ đến thế”… “đối với cha con MĐD và Mạc Đăng Doanh, lịch sử coi họ là tội đồ”.
Trong bài viết này, chúng tôi không có ý đồ xấu nào để phục vụ nên sẽ không dựa vào lập luận của các sử gia gần đây mà chỉ trích dẫn những bộ sử xưa. Chúng tôi sẽ lần lượt đề cập tới ba “ tội” của MĐD mà Trần Trọng Kim đã lên án: cướp ngôi, đầu hàng giặc, cắt đất dâng cho Tàu.
* Tội “cướp ngôi”:
Nếu giai đoạn đầu của nhà Hậu Lê có những vị minh quân như Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông… thì các ông vua của giai đoạn cuối lại quá tệ. Đại Việt sử ký toàn thư ( ĐVSKTT) của các sử gia đời Hậu Lê điểm mặt ba vua Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông như sau:
Lê Uy Mục “ nghiện rượu, hiếu sắc, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tông thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, người bây giờ gọi là Quỷ Vương (vua quỷ), điếm loạn đã xuất hiện từ đây” (tập III, tr 57), “ bạo ngược vô đạo, giết hại tông thất, tàn sát nhân dân, tự mình chuốc lấy diệt vong chẳng đáng lắm sao!” ( tập II, tr 78)
Năm 1509, Lê Dinh lật đổ Uy Mục, lên làm vua ( tức Tương Dực), nhưng ông này lại đi vào vết xe đổ của vua trước. Lê Tương Dực “ chơi bời vô độ, xây dựng liên miên, dân nghèo thất nghiệp, trộm cướp nổi lên, dẫn tới nguy vong là bởi ở đấy” (tập III, tr 81), “ xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt nặng, thuế khóa nhiều, giết hết các thân vương, can qua xảy ra khắp nơi, người thời ấy gọi là “ Vua lợn”, điềm nguy vong đã được thấy đó” ( tập III, tr120).
Năm 1516, Trịnh Duy Sản giết Tương Dực, lập Lê Y lên làm vua (tức Chiêu Tông).
Lê Chiêu Tông “ bấy giờ trong buổi loạn lạc, quyền binh không ở trong tay, bên trong thì nghe lời xiếm nịnh gian trá, bên ngoài lại ham mê săn bắt chim muông, ngu tối bất minh, ương ngạnh tự phụ, bị nguy vong là đáng lắm!” (tập II tr 127).
Dưới thời các hôn quân nói trên, xã hội Đại Việt vô cùng loạn lạc, dân chúng khốn khổ. Trong triều, các đại thần chia bè kết đảng, đem quân đánh lẫn nhau: bên ngoài, các cuộc nổi loạn nổ ra ( như loạn Trần Cáo có hàng vạn người theo, có lúc chiếm được kinh thành, Trần Cáo tự xưng làm vua). Các Vua phải nhờ đến tài thao lược của MĐD, sách Đại Việt thông sử ( ĐVTS) của Lê Quý Đôn viết: “ Sau khi Đăng Dung một mình giữ binh quyền, tung binh được nhiều giặc lớn, uy quyền ngày càng thịnh, lòng người ai cũng hướng về” ( ĐVTS, tr 15).
Trước “ uy quyền ngày một lớn” (ĐVSKTT, tâp III, tr 154) của MĐD, Chiêu Tông lo sợ, rời kinh thành, “hiệu triệu các tướng bốn phương hỏi tội Đăng Dung” (ĐVTS, tr 116). Triều đình lập em của Chiêu Tông là Lê Xuân lên làm vua (tức Cung Hoàng). ĐVSKTT nhận định: lúc đó “ lòng người đã lìa, tài năng (của Cung Hoàng) lại vốn hạng thường, hạng kém thì dẹp yên thế nào được” ( tập II, tr 161).
Đất nước không phải của riêng của một ông vua hay một dòng họ nào, nhất là khi ông vua ấy bất tài, dòng họ ấy suy tàn. Cuộc đảo chính tháng 7 năm 1527 diễn ra dưới hình thức một cuộc nhường ngôi ( dẫu không phải là tự nguyện). Tờ chiếu – do Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Văn Thái, nhân danh vua Cung Hoàng, thảo – nêu lý do việc nhường ngôi: “ Lòng người đã lìa, mệnh trời không giúp… thiên hạ đã không phải là của nhà ta (nhà Lê). Ta không có đức, lạm giữ ngôi trời (ngôi Vua), việc gánh vác không kham nổi. Mệnh trời, lòng người đều theo về người có đức… Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung… bẩm tính thông minh sáng suốt, có tài lược văn võ. Bên ngoài đánh dẹp bốn phương, các nơi đều phục tùng; bên trong coi sóc trăm quan, mọi việc đều tốt đẹp. Công to đức lớn, trời cho người theo. Nay ta cân nhắc lẽ phải, nên nhường ngôi cho” (ĐVSKTT, tập III, tr170-171). “ Mệnh trời” là một khái niệm siêu hình, khó thấy nhưng “ lòng người” là một thực tế, các sứ giả nhà Lê, tuy chống họ Mạc, nhưng cũng thừa nhận “ Bây giờ thần dân trong kinh Thăng Long đều theo Mạc Đăng Dung và đều đón Mạc Đăng Dung vào kinh” ( ĐVSKTT, tập III, tr 170), “ Lúc này thần dân phần nhiều hướng về Đăng Dung” (ĐVSKTT, tr 121). Khi nhận định cuộc đảo chính tháng 7/1527, chúng ta đứng về phía “lòng dân” hay tỏ ra “ bảo hoàng hơn vua”?
*Tội “ đầu hàng”:
Đầu năm 1533, cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim lập Lê Duy Ninh ( con của Chiêu Tông) lên làm vua ( tức Trang Tông). Trang Tông lần lượt cử hai sứ giả là Trịnh Duy Liêu và Trịnh Viên sang Yên Kinh kể tội Mạc Đăng Dung (nội dung có lẽ không khác “ bản luận tội” của Trần Trọng Kim bao nhiêu), Minh Thế Tông chụp lấy cơ hội này, sai Cửu Loan và Mao Bá Ôn dẫn 20 vạn quân áp sát biên giới Việt – Trung. Mạc Đăng Dung ( lúc đó đã lên làm Thái thượng hoàng) cùng con là vua Mạc Đăng Doanh quyết định đối phó bằng hai biện pháp song song; quân sự và ngoại giao.
Một mặt, M Đ D “ tu sửa trai sách, luyện tập thủy quân, trưng cầu hết thảy các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước” tuyển trai tráng sung vào ngạch quân”. (ĐVTS, tr 140,141). Mặt khác, MĐD dùng cách trá hàng để đẩy lui 20 vạn quân địch. Nội dung đầu hàng của MĐD gồm:
“- Xin kính theo chính sóc (tức theo lịch sử của nhà Minh),
– Xóa bỏ tiệm hiệu ( không xưng hoàng đế, thái thượng hoàng),
– Trả lại đất bốn động đã chiếm,
– Xin nội thuộc xung thần,
– Xin hàng năm ban lịch Đại Thông (tức lịch nhà Minh),
– Và bù đủ lễ vật tiến cống hàng năm” (ĐVSKTT, tập III, tr191).
Hầu hết những điều trên đây không có gì mới. Sau khi chiến thắng vẻ vang quân Minh năm 1427, Lê Lợi cũng sai sứ sang Tàu dâng biểu cầu phong, nộp lễ cống, nộp tượng người vàng thế thân v.v…Lúc đó, vua Minh chỉ phong Lê Lợi làm “quyền thự An Nam quốc sự” ( tạm coi công việc nước An Nam) ( ĐVSKTT, tập II, tr 306), về sau mới phong làm An Nam quốc vương.
Trong sớ dâng lên Minh Thế Tông, Mao Bá Ôn nhắc lại chuyện “ thời xưa, Trương Phụ dùng hơn hai mươi vạn người đánh dẹp nước ấy (An Nam) mà cũng chỉ lập quận huyện được mấy năm, chúng (người Việt ) lại liên tiếp phản bạn, rốt cuộc quyền cai trị lại thuộc về người Di ( chỉ người Việt )” rồi đề nghị vua Minh “ châm chước sự lợi hại về thời trước, không gì bằng cứ để nước ấy là người ngoài mà không sáp nhập vào Trung Quốc, chỉ dùng người Di trị người Di, mới được ổn tiện” ( ĐVTS, tr 154 – 155).
Sau khi cân nhắc, năm 1541 Minh Thế Tông quyết định “ xá tội cho cha con Mạc Đăng Dung đổi An Nam quốc thành An Nam đô thống sứ, cho hàm nghị phẩm và quả ấn bằng bạc và được đời đời truyền nối, 13 lộ (tức các đơn vị hành chính của Đại Việt thì cứ theo nguyên tên cũ dưới quyền Đô thống sứ quản hạt và sai khiến triều cống, ngoài ra, các chức quan lớn nhỏ trong toàn cõi đều thuộc quyền Đô thống sứ tùy nghi cắt đất”( ĐVTS, tr. 157).
Như vậy, bằng biện pháp trả hàng, MĐD đã tránh được thế “ lưỡng đầu thọ địch” (quân Minh từ phía Bắc đánh xuống, quân Lê Trang Tông từ phía Nam đánh lên), tránh lặp lại thất bại mà Hồ Quý Ly đã chịu năm 1407 (một thất bại đau đớn, đấy đất nước chìm đắm trong hai thập niên bị Tàu đô hộ).
Trở lại Thăng Long, họ Mạc vẫn xưng hoàng đế và Thái thượng hoàng, vẫn làm chủ nước Đại Việt. Không có bóng dáng người Tàu nào trên đất nước ta. Việc “ xin nội thuộc và xưng thần” chỉ mang tính hình thức để đánh lừa đám bá quyền Đại Minh. Bằng cách đầu hàng giả, MĐD đã giữ được độc lập thật cho Tổ quốc. Qua hành động này, MĐD không “ phản quốc” “ nhục nhã”, “ hèn hạ” như ai đó đã kết tội, mà ngược lại là một người đáng kính trọng vì đã dám hy sinh danh dự cá nhân cho đại cục của dân tộc, nhờ đó tránh được nguy cơ chiến tranh xâm lược từ nước láng giềng khổng lồ. Người đáng bị kết tội chính là Lê Trang Tông, kẻ đã vì quyền lợi của dòng họ mình mà không ngăn, lại mời rắn về cắn gà nhà.
* Tội “ cắt đất”:
Theo ĐVSKTT, MĐD hai lần cắt đất dâng cho nhà Minh. Lần đầu tiên vào năm 1528, MĐD “ cắt đất dâng hai châu Quy và Thuận “ (ĐVSKTT, tập III, tr 176). Thực ra “ hai châu Quy và Thuận đã bị nhà Tống chiếm từ đời Lý” ( ĐVSKTT, tập III, tr 178, chú thích số 1). Lần sau vào năm 1540, MĐ D dâng cho nhà Minh 6 động ( động là đơn vị hành chính, có khoảng 280 hộ), nhưng nhiều tài liệu khác chỉ nói 4 động. Thực ra ,các động này trước kia thuộc Tàu. Năm 1427, các trưởng động xin theo về nhà Lê. Nhưng năm 1540, khi nhà Minh đe dọa đánh nhà Mạc, các trưởng động xin trở lại với nhà Minh ( trước khi có việc Mạc Đăng Dung đầu hàng). Trong biểu tấu đầu hàng, MĐD nói rõ: “ Thủ thần Khâm Châu (của Tàu) tâu xưng (bốn động) là đất của Khâm Châu. Nếu quả như vậy thì những đất ấy do triều trước họ Lê mạo nhận. Nay hạ thần xin tình nguyện dâng các xứ ấy lệ thuộc vào Khâm Châu” ( ĐVTS, tr 150 -151).
Như vậy, không hề có việc cắt đất dâng cho Tàu, mà chỉ là việc “ của Tàu trả âm ty” mà thôi.
* Công của Mạc Đăng Dung
Sẽ không trọn vẹn nếu gỡ tội cho MĐD mà không nói tới công của ông. Cuộc đảo chính tháng 7 năm 1527 đã chấm dứt tình trạng loạn lạc nghiêm trọng của Đại Việt và đưa lại một thời kỳ thái bình thịnh trị. Chính xác sứ giả nhà Lê – vốn rất ác cảm với họ Mạc – vẫn phải thừa nhận: “ Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ. Trong khoảng mấy năm, trộm cướp bặt tăm, Súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi ngày một lần kiểm điểm thôi” ( ĐVTS, tr 138), “ trong khoảng vài năm người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không cần phải đóng” ( ĐVSKTT, tập III, tr 182).
Nhà Mạc rất quan tâm đến giáo dục. Lịch triều hiến chương loại chí ( LCHCLC) của Phan Huy Chú ghi nhận: nhà Mạc “ dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử, vì thế được nhiều người tài giỏi, giúp việc giữ nước chống nhà Lê” ( tập II, tr.165). Chỉ tính trong vòng 65 năm đầu (1527 – 1592), nhà Mạc đã mở 22 khoa thi Hội, tuyển được 485 tiến sĩ, trong đó có 13 trạng nguyên (như Nguyễn Thiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Nguyễn Kỳ…).
Kinh tế phát triển, đặc biệt nông nghiệp “ bấy giờ được mùa, nhà no người đủ, trong nước gọi thời ấy là bình trị “ (LCHCLC, tập II, tr 217) “ lại trúng mùa luôn luôn, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn” ( ĐVTS, tr.138).
Khuôn khổ một bài bào không cho phép chúng tôi nói đến những thành tựu về các mặt văn hóa, thủ công nghiệp, thương nghiệp… của nhà Mạc. Chỉ xin nhắc lại một nhận định của Phạm Đình Hổ, tế tửu Quốc Tử Giám (tức viện trưởng Viện Đại học Quốc gia) trong Vũ trung tùy bút “ Các đức chính của đời Minh Đức (niên hiệu của MĐD), Đức Chính niên hiệu của Mạc Đăng Doanh, nhà Mạc vẫn còn cố kết ở lòng người chưa quên. Vậy nên sau này vận trời đã về nhà Lê trung hưng mà lòng người thì hướng theo nhà Mạc vẫn chưa hết. Những nhà Nho đời bấy giờ còn nhiều người ẩn hình giấu bóng, không chịu ra làm quan cho nhà Lê trung hưng” ( tr.137).
Chúng tôi tán thành khẩu hiệu “ Cấm phóng uế vào lịch sử!” của Hoàng Thiếu Phủ, nhưng muốn nói thêm: cũng cần làm vệ sinh những gì mà các tác giả đã lỡ “ phóng uế” vào sử học để bộ mặt của ngành khoa học này luôn được sạch sẽ! Chính vì lẽ đó, chúng tôi mạo muội viết tiếp bài tạp văn của Hoàng Thiếu Phủ.
Sách tham khảo:
1. Các sử thần nhà Lê. Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tập III NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000.
2. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí tập I và II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1992.
3. Lê Quy Đôn, Đại Việt thông sử, NXB Tổng hợp Đồng Tháp, 1993.
4. Phạm ĐÌnh Hổ, Vũ Trung tùy bút, NXB Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 1989.
5. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Trung tâm học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1971.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.