- Đang online: 3
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17391
- Tổng truy cập: 3,369,481
TƯ TƯỞNG CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM VỀ LÝ – ĐẠO
- 722 lượt xem
TƯ TƯỞNG CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM
VỀ LÝ – ĐẠO – TÂM
Trần Nguyên Việt (*)
Làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt trong quan niệm về lý – đạo – tâm của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với Tống nho, trong bài viết này, tác giả đã khẳng định: Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiếp thu quan niệm của Tống nho về lý – đạo – tâm, song ông không sa đà vào việc phân tích, lý giải triết học, mà về cơ bản, đứng trên lập trường của minh triết phương Đông để giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống và do vậy, lý học của ông mang tính thực tế hơn, tránh được lối học và trình bày của các học giả Tống nho Trung Quốc.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, quyển “Nhân vật chí”, sử gia Phan Huy Chú đã nhắc lại lời sứ giả nhà Thanh (Trung Quốc) là Chu Xán Nhiên về Nguyễn Bỉnh Khiêm rằng: “An Nam lý học hữu Trình Tuyền” (Nước An Nam có nhà Lý học là Trình Tuyền)(1). Tuy nhiên, trong di sản thơ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm còn lại cho đến nay, chúng ta không tìm thấy một văn bản chính thức nào bàn về những vấn đề cơ bản của Lý học với tư cách học thuyết về con đường nhận thức thế giới thông qua phạm trù Lý như một hiện thực khách quan. Lý học của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ tập trung lý giải những vấn đề xuất phát từ trực quan sinh động về một thế giới đang diễn biến phức tạp nhưng tất thảy mọi hiện tượng, sự vật trong đó đều vận động theo một quy luật đã định sẵn. Chính vì vậy, trong tư tưởng của ông khó tách bạch giữa Lý, Đạo và Tâm, bởi truyền thống của Lý học Trung Hoa phần lớn là trùng hợp với Đạo học, còn tâm vừa là chủ thể của nhận thức, vừa là đối tượng, mục đích của nhận thức. Cả ba học thuyết trên hướng đến việc nhận thức chân lý. Trên thực tế, nhà Lý học Việt Nam chỉ vận dụng các phạm trù của Lý học thời Tống vào việc suy xét và lý giải thế sự. Do vậy, theo chúng tôi, không nhất thiết phải tập trung trình bày tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm về các phạm trù Lý, Đạo, Tâm, mà phải xuất phát từ thực tiễn xã hội, đòi hỏi của thời đại mà nhà tư tưởng đó sống, nhận thức và phản tư trước thực trạng xã hội bằng những nguyên lý và phương pháp của Tân Nho giáo. Lý và Đạo trong tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm là sự kế thừa học thuyết của Nhị Trình(2), được ông vận dụng vào việc xem xét các hiện tượng, sự vật của thế giới, mang đậm sắc thái của triết học tự nhiên. Trình Hạo viết: “Muôn vật không vật nào là không có đối, một âm một dương, một thiện một ác. Dương trưởng thì âm tiêu; thiện tăng thì ác giảm. Lý ấy đem suy ra thật là xa. Làm người chỉ cần biết có thế” (Ngữ lục). Thực ra, quan niệm này của Trình Hạo có nguồn gốc từ Dịch học, đó là “Nhất âm nhất dương chi vị đạo” (Một âm một dương gọi là đạo). Lão Tử, khi phát biểu về tính quy luật của đạo, cũng nói: “Vạn vật đều cõng âm mà ôm dương, điều hòa bằng khí trùng hư” (Vạn vật phụ âm nhi bão dương, trùng khí dĩ vi hòa – Đạo Đức Kinh, chương 42). Khi thừa nhận đạo [âm, dương] như một quy luật phổ biến là “Lý”, “thiên lý” là bản thể của thế giới vạn vật; “trên trời chỉ có một lý”; “vạn vật đều cùng một thiên lý”; đồng thời xem “Lý” là cái trừu tượng, siêu hình, tồn tại thông qua các sự vật cụ thể hữu hình (hình nhi thượng); và khí tức là các sự vật cụ thể hữu hình, là sự biểu hiện cụ thể của lý (hình nhi hạ), Nhị Trình đều đồng quan điểm về ý nghĩa phổ biến của Lý, từ đó các ông mới đi đến khẳng định: “Làm người chỉ cần biết có thế”. Khi quan sát các hiện tượng, sự vật, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khái quát lên thành quy luật tự nhiên và áp dụng nó vào việc xem xét các quy luật trong xã hội. Ông viết: “Khôn ngoan mới biết thăng thì giáng, Dại dột nào hay tiểu có đài. Đã khuất bao nhiêu thì lại duỗi, Đạo trời lồng lộng chẳng hề sai” (Thơ Nôm, 2)(3). Đạo trời ở đây chính là “Lý”, là quy luật siêu hình thuộc hình nhi thượng mà không phải ai cũng nắm được, bởi đó là quá trình của nhận thức từ đơn giản đến phức tạp mà kỳ vọng của con người muốn đạt tới đích đó phải trải qua “cách vật trí tri”. Cũng tương tự như vậy, ông viết tiếp về quy luật tự nhiên: “Hoa càng khoe nở, hoa nên rữa, Nước chứa cho đầy, nước ắt vơi. Mới biết doanh hư đà có số, Ai từng dời được đạo trời” (Thơ Nôm, 48). Trong các tác phẩm thơ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng ta ít gặp các thuật ngữ, “Lý”, “Lý học”, nhưng thay vào đó là thuật ngữ thông dụng nhất, được dùng nhiều nhất là “Đạo trời”. Chúng tôi cho rằng, đây là cách biểu thị ý nghĩa cũng như tính chất của khái niệm “Thiên lý” trong triết học Trình – Chu. Sự vật và hiện tượng luôn có đối, tức là hai thái cực, hai thế lực đối ngược nhau nhưng lại tạo điều kiện cho nhau để cùng tồn tại thống nhất trong các sự vật, hiện tượng ấy. Âm trưởng thì dương tiêu, giữa chúng luôn có sự bù trừ lẫn nhau, tự điều chỉnh để tính hệ thống trong các sự vật và hiện tượng luôn tồn tại và phát triển:(3) “Cơ ngẫu tòng lai doanh cánh hư, Âm dương tiêu trưởng lẽ thừa trừ” Nghĩa là: (Chẵn lẻ, xưa nay đầy lại vơi, Âm dương tiêu trưởng nghiệm rõ lẽ thừa trừ – Độc Chu Dịch hữu cảm). Tuy nhiên, sự phát triển của sự vật và hiện tượng trong quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm theo một quy luật (“Lý”) phổ biến xác định của Dịch. Đó là sự phát triển theo chu kỳ tuần hoàn, hết rồi lại bắt đầu: “Tái nhất âm hề phục nhất dương, Tuần hoàn vãng phục lý chi thường” Nghĩa là: (Một khí âm vừa qua thì một khí dương lại đến, Xoay vòng ra đi và trở lại là lẽ thường – Khiển hứng) Hoặc: “Nhất chu khí vận chung nhi thủy, Bác phục đô tòng Thái cực tiên”. Nghĩa là: (Khí vận xoay vòng, hết rồi lại bắt đầu, Quẻ Bác đến quẻ Phục, đều theo đạo Thái cực sắp đặt trước – Cảm hứng). Theo đó, có thể nói, Nguyễn Bỉnh Khiêm rất chú trọng đến sự thống nhất giữa hai mặt đối lập trong một sự vật cũng như hệ quả tác động giữa chúng. Một vấn đề đặt ra là, chẳng lẽ ông không đề cập gì đến vấn đề quan trọng nhất của Lý học là mối quan hệ giữa lý và khí? Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đưa ra quan niệm về khí như là nguồn gốc của vạn vật. Trong bài “Cảm hứng”, ông nói về sự hình thành tam tài như sau: “Thái cực sơ triệu phân, Tam tài định quyết vị. Khinh thanh thượng vi thiên, Trọng trọc hạ vi địa. Trung tập nhi vi nhân, Bẩm thụ thị nhất khí”. Nghĩa là: (Thái cực từ lúc mới tạo lập đã phân chia, Tam tài đã ổn định vị trí của nó. Nhẹ và trong bốc lên là trời, Nặng và đục lắng xuống là đất. ở giữa tập kết lại thành người, Bẩm thụ cùng một khí chất – Cảm hứng, ba trăm câu). Ở đây, chúng tôi có một nghi vấn về cách trình bày của Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi ông cho rằng, “Thái cực từ lúc mới tạo lập đã phân chia” thành tam tài (Thiên – Địa – Nhân). Trong Chu Dịch, Hệ từ truyện có viết: “Dịch hữu thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”, tức là (Dịch có thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái). Thuật ngữ sinh ở đây vừa chỉ mối quan hệ nhân quả, vừa phản ánh quá trình tiến hóa của vũ trụ, vạn vật. Quá trình đó chắc chắn là lâu dài và phức tạp, song Nguyễn Bỉnh Khiêm lại quan niệm kết quả của quá trình phân chia đó rất nhanh, làm chúng ta liên tưởng đến chu kỳ “sinh – trụ – dị – diệt” trong thế giới quan Phật giáo, ở đó sự biến đổi của vạn vật diễn ra trong khoảnh khắc thời gian rất ngắn (sadna). Rất có thể, do ảnh hưởng của Phật giáo mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đưa ra cách trình bày không giống như các nhà sáng lập Nho giáo đời Tống. Ông đã từng nhấn mạnh quan điểm của Phật giáo về nguồn gốc của thế giới: “Tòng đầu sắc thị không, Bản lai vô nhất vật” (Từ đầu thì sắc đã là không, Vốn không có một vật gì cả – Cảm thời cổ ý). Tuy nhiên, không phải Nguyễn Bỉnh Khiêm đứng trên lập trường duy tâm chủ quan của Phật giáo, mà ông tiếp tục đi theo xu hướng duy tâm khách quan của Tống Nho, khi cho rằng, vạn vật có nguồn gốc từ khí (Bẩm thụ thị nhất khí). Khí ấy, theo Trương Tải (1020-1078), ở trong Thái hư – “Thái hư thì vô hình, là bản thể của khí” (Chính mông, Thái hòa). Nhị Trình nói: “Khí thì tự nhiên sinh ra con người, sự sinh ra của khí, sinh ra ở chân nguyên. Khí của trời cũng tự nhiên sinh sôi không cùng” (Nhị Trình di thư, Ngữ lục). Còn Chu Hy thì cho rằng: “Giữa trời đất có lý và khí. Lý là đạo thuộc hình nhi thượng, là gốc sinh ra vạn vật. Khí là khí vật, vật chất thuộc hình nhi hạ, là công cụ sinh ra vạn vật. Do đó khi được sinh ra, người và vật phải bẩm thụ cái khí này, rồi sau mới có hình” (Chu Văn Công văn tập, Đáp Hoàng Đạo Phu thư). Như vậy, có thể nói, Nguyễn Bỉnh Khiêm trình bày theo đúng quan điểm của Chu Hy, song ông không nói cái gì quy định sự “bẩm thụ” cái khí ấy. Có một số nhà nghiên cứu cho rằng, quan niệm của Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ tập trung vào khí mà không đề cập đến mối quan hệ giữa lý và khí, từ đó cho rằng, “chính đây mới là chìa khóa then chốt để có thể đánh giá đóng góp đích thực của ông đối với triết học tự nhiên”(4). Chúng tôi cho rằng, cách trình bày của Nguyễn Bỉnh Khiêm về quá trình hình thành và phát triển của vũ trụ vạn vật là giản đơn và vắn tắt, không suy luận dài dòng và phức tạp. Tuy không trình bày một cách cụ thể mối quan hệ giữa lý và khí, nhưng ông lại khẳng định cái vô hình (thuộc hình nhi thượng) vẫn luôn thắng cái hữu hình (thuộc hình nhi hạ). Bằng chứng là, có lần đi thăm chùa Phổ Minh, ngôi chùa được xây dựng vào thời Trần ở ngoại thành Nam Định đã bị giặc Minh tàn phá, thậm chí cái vạc của chùa rất nổi tiếng cũng bị giặc phá làm súng đạn năm 1426, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại? Thức đắc vô hình thắng hữu hình”. Nghĩa là: (Vắng vẻ lặng lẽ, vạc xưa nay còn đâu? Thế mới biết vô hình vẫn thắng hữu hình – Du Phổ Minh tự). Tuy cái vạc với tư cách sự vật cụ thể làm cho ngôi chùa đó nổi tiếng linh thiêng một thời không còn, cảnh chùa vắng vẻ nhưng vẫn có cái gì đó tác động mạnh mẽ tới ấn tượng của người thăm viếng. Dù cách trình bày vắn tắt như ở trên, chúng ta vẫn hiểu được tính nhất quán trong tư tưởng của Trạng Trình về sự vượt lên của cái siêu hình (lý) so với “khí” mà ở đây, có thể xem là “khí cụ” từng được Chu Hy đề cập tới trong học thuyết của mình. Từ đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa thiên lý (đạo trời) áp dụng vào việc lý giải các hiện tượng của đời sống xã hội mà về cơ bản, là làm rõ quan hệ của “thái cực” trong từng sự việc, từng mối quan hệ cụ thể:(4) “Thửa nơi doanh mãn là nơi tổn, Hãy gẫm cho hay mới kẻo âu” (Thơ Nôm, 9) Hoặc: “Làm người chớ thấy tài mà cậy, Có nhọn bao nhiêu, lại có tùi” (Thơ Nôm, 10) “Một cơ yêu nhục đổi thay đều, Yêu bao nhiêu, thì nhục bấy nhiêu” (Thơ Nôm, 25) Những cặp từ đối lập, như “mãn – tổn”; “nhọn – tùi”; “yêu – nhục”, v.v. đều làm cho con người lâm vào tình trạng rắc rối, lo âu. Chính vì vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên mọi người hãy luôn cảnh tỉnh để tránh bất cập, và muốn tránh được bất cập thì tốt nhất là tuân thủ đạo “trung thường”, tức là giữ nguyên tắc không thiên lệch, thái quá: “Đạo ở mình ta lấy đạo trung, Chớ cho đục, chớ cho trong” (Thơ Nôm, 104) Trong tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Đạo” tức “Lý” còn được thể hiện rõ nét trong đời sống xã hội. Với tinh thần nhất quán về tính quyết định của Đạo trời (thiên lý) đối với tất thảy các sự vật, hiện tượng, ông khẳng định đạo trung thường chính là vùng giao thoa giữa đạo trời và đạo người mà ở đó, đến lượt mình, đạo người lại tiếp tục bị chi phối bởi đạo trời: “Thấy cơ doanh mãn, cho hay chớ, Phải đạo trung thường, mựa có qua” (Thơ Nôm, 17) Đạo trung thường tức là đạo trung dung, không thái quá và cũng không bất cập. Con người muốn biết đạo trời và giữ được đạo người thì phải chú trọng, không được phép bỏ qua đạo trung dung, phải tâm niệm đạo đó là thường hằng, bất biến. Mối quan hệ giữa đạo trời và đạo người trong tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, về thực chất, là sự phản ánh thực trạng xã hội đương thời vô cùng rối ren, phức tạp. Trong xã hội loạn lạc đến cực đỉnh, ở đó ngôi vua không chính, bề tôi tham nhũng, nhân dân đói rét, ly tán bởi chiến tranh và cướp bóc thì sự đối cực trong các mối quan hệ xã hội luôn là vấn đề nổi cộm. Do đó, việc xác định điểm giữa (trung) để dung hòa sự đối và duy trì sự tồn tại của đối tượng (khách thể) càng trở nên khó khăn. Tuy vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn luôn khẳng định trong bất kỳ trường hợp nào cũng có thể tìm được điểm trung nhạy cảm ấy. Tuy nhiên, để nhận thức được sự đối cực và tìm đến đạo trung thường, Nguyễn Bỉnh Khiêm đòi hỏi không chỉ có “khôn ngoan”, tức sự khéo léo trong cách ăn ở, cư xử, mà phải có sự tham dự của “tâm”. Ông khuyên người khôn không nên coi thường kẻ dại; ngược lại, người dại không nên tranh chấp với kẻ khôn: “Làm người có dại mới nên khôn, Chớ dại ngây si, chớ quá khôn. Khôn được ích mình, đừng rẻ dại, Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn” (thơ Nôm, 94). “Khôn – dại” trong cuộc sống dù thận trọng đến mấy cũng không thể tránh được những lúc lầm lỡ, bởi “Dại nọ chưa đo âu đã đắn, Khôn thì thốt trước lại lo sau” (Thơ Nôm, 59). Vì vậy, trong cách ứng xử với người khác, theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, tốt nhất là “vô sự”, tức là bằng cách nào đó để tâm không bị dao động và phiền muộn. Ông viết: “Chữ rằng “nhân dĩ hòa vi quí”, Vô sự thì hơn, kẻo phải lo” (Nôm, 72). Hoặc: “Có thuở được thời mèo đuổi chuột, Đến khi thất thế kiến tha bò. Được thua sau mới ăn năn lại, Vô sự chăng hơn có sự ru” (Thơ Nôm, 75). Tuy chỉ nêu các hiện tượng cụ thể để làm rõ sự “đối cực” trong cuộc sống thường nhật, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã giúp con người lựa chọn cách ứng xử sao cho có lợi nhất cho bản thân và những đối tác của nó. Ông đưa ra khái niệm “vô sự” và ví nó như ánh trăng soi xuống mặt nước hồ trong đêm thu lặng gió, đó là lòng chân thành, chân thực và thêm vào đó là sự vô tư. Theo ông, “vô sự” không phải là sự thờ ơ của con người trước các hiện tượng của thế giới đang vận động, biến đổi vô thường, mà nhằm làm cho tâm tĩnh để suy xét chúng được chính xác hơn, để con người đỡ ân hận, ăn năn sau những quyết định của mình. Ông nói: “Kiền khôn tĩnh lý suy, Kim cổ nhàn trung đắc. Hiểm mạc hiểm thế đồ, Bất tiễn tiện kinh cức. Nguy mạc nguy nhân tâm, Nhất phóng tiện quí quắc. Quân tử cầu sở chỉ, Chí thiện tư vi cực”. Nghĩa là: (Tâm tĩnh biết lẽ càn khôn, Trong nhàn, ngẫm lẽ xưa nay. Không gì hiểm bằng đường đời, Không cắt đi thì toàn gai góc. Không gì nguy bằng lòng người, Buông lỏng ra thì đều là quỉ quái. Quân tử tìm chỗ đứng lại, Chí thiện ấy là chỗ cùng tột – Trung Tân ngụ hứng). Tâm tĩnh là mệnh lệnh tuyệt đối, đồng thời là điều kiện tất yếu để nhận thức thế giới xung quanh. Đó cũng là điểm gặp gỡ của tam giáo mà Tống – Minh Nho đã lĩnh hội được từ sự Phật giáo hóa, Lão – Trang hóa trong nhận thức luận của mình. Nhờ sự “tự đổi mới” trong lĩnh vực nhận thức luận mà Tân Nho giáo đã đạt được hiệu quả nhất định trong việc nhận thức các nguyên lý của vũ trụ (lẽ càn khôn), của đường đời và lòng người. Dù đưa ra các thuật ngữ khác nhau, như Lý học, Đạo học, Thánh học, Thực học, Tâm học, song con đường chính của các nền học thuật ấy, suy cho cùng, cũng là nhằm đạt tới nhận thức cái tuyệt đối. Nguyễn Bỉnh Khiêm không giải thích tâm là gì, là thể hay dụng, ông chỉ nói: “Ôi! nói về tâm là nói về chỗ mà chí đạt tới vậy, mà thơ lại là để nói chí” (Bài tựa tập thơ “Bạch Vân am thi tập”). Thiết nghĩ, một câu triết lý ngắn gọn này bao hàm cả một vấn đề lớn về “tâm” như là phạm trù dùng để chỉ ý thức con người. Khác với Trương Tải cho “nơi đến của tâm là tính”, Nhị Trình cho tâm là khí, tính là lý, Nguyễn Bỉnh Khiêm chọn chỗ đến của chí là tâm. Chí được Nguyễn Bỉnh Khiêm hướng tới cuộc sống nhàn dật, tự tại, bởi theo ông, trong trạng thái “nhàn dật” tâm mới tĩnh, mới đủ điều kiện để suy ngẫm “lẽ xưa nay”. ở Nho giáo, cái tuyệt đối là Thiên lý, ở Phật giáo là Phật tính, ở Lão Trang là Đạo. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiếp thu tinh thần ấy của Tống Nho, nhưng ông không sa đà vào việc phân tích, lý giải triết học, mà về cơ bản, đã đứng trên lập trường của minh triết phương Đông để giải quyết các vấn đề thực tiễn của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh thêm điều là, minh triết của Nguyễn Bỉnh Khiêm mang sắc thái Tống Nho, song ở đó hàm lượng các yếu tố Phật giáo và Đạo Lão – Trang được sử dụng một cách tinh tế hơn, thực tế hơn so với nguyên bản của chúng. Vì thế, Lý học của ông mang tính thực tế hơn, tránh được lối học và trình bày của các học giả Tống Nho Trung Quốc.
******************** (*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Trưởng phòng Triết học Việt Nam, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. (1) Trình Tuyền hầu – danh hiệu do vua Mạc phong tặng Nguyễn Bỉnh Khiêm. (2) Trình Hạo (1032-1085) và Trình Di (1033-1107) – hai anh em ruột đồng thời là hai nhà Lý học lớn đời Tống của Trung Quốc. (3) Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nxb Văn học, Hà Nội, 1983. Từ đây, các bài thơ chữ Nôm được chỉ dẫn theo số bài trong tác phẩm này, còn các bài thơ chữ Hán chúng tôi ghi rõ tiêu đề. (4) Nguyễn Huệ Chi, Tạ Ngọc Liễn. Phác họa diện mạo tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm // Nguyễn Bỉnh Khiêm, về tác gia và tác phẩm. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr.116. |
( Tạp chí Triết học số 9 (232) – 2010)
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.