- Đang online: 2
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19088
- Tổng truy cập: 3,370,066
TRANG TRÍ GẠCH THỜI MẠC 599
- 282 lượt xem
Trang trí gạch thời Mạc
Gạch là vật liệu quan trọng trong các công trình kiến trúc truyền thống Việt Nam. Trang trí trên gạch góp phần làm cho các công trình kiến trúc thêm đẹp và trang trọng. Công việc xây dựng nhiều, sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình gạch, đặc biệt là những viên gạch trang trí hoa văn, đã tạo nên những sắc thái khác nhau trong các công trình kiến trúc. Thông qua nguồn tư liệu về những viên gạch trang trí thời Mạc, chúng ta có thể hiểu thêm về kiến trúc, mỹ thuật cũng như lịch sử văn hóa Việt Nam thời kỳ này.
Tình hình xây dựng và sử dụng gạch thời Mạc
Thời Mạc nước ta tồn tại hai triều: triều Mạc đóng đô ở Thăng Long và Dương Kinh gọi là Bắc Triều; triều Lê Trung hưng đóng đô ở Thanh Hóa gọi là Nam Triều. Tuy nhiên các di tích đã nghiên cứu đề cập ở đây chủ yếu có dấu ấn nhà Mạc.
Thời Mạc kéo dài 65 năm (1527-1592) với 10 đời vua kế tiếp nhau. Trong khoảng thời gian ấy, có đến 47 năm nhà Mạc phải tiến hành các cuộc chiến tranh với nhà Lê Trung hưng. Điều đó cũng hạn chế phần nào việc xây dựng kiến trúc cung điện thời kỳ này. Tuy nhiên, kiến trúc dân gian lại có dịp phát triển mạnh mẽ trong các làng quê với sự hưng công đóng góp của vua, quan lại và tầng lớp quý tộc vào việc xây dựng các công trình đó. Thời Mạc tồn tại hai loại hình kiến trúc: kiến trúc cung điện, thành quách và kiến trúc dân gian. Nguồn thư tịch ghi chép rõ về tình hình xây dựng kiến trúc cung đình còn không ghi chép một dòng nào về kiến trúc dân gian ở các làng quê. Trong khi đó, nguồn văn bia lại ghi chép rất rõ về kiến trúc dân gian còn kiến trúc cung đình, thành quách hầu như không được đề cập đến. Sử sách có ghi chép về thời Mạc sửa chữa lại Thăng Long (Hà Nội), Lam Kinh (Thanh Hóa) và xây dựng thêm kinh đô mới ở Dương Kinh (Hải Phòng). Tại Thăng Long, nhà Mạc tiến hành 3 lần sửa chữa thành lũy vào các năm 1585, 1587, 1588; dựng điện Giảng học năm 1582 và trùng tu nhà Quốc Tử Giám năm 1536 (1).
Tại Dương Kinh, nhà Mạc cho xây dựng thêm kinh đô thứ hai làm nơi thiết triều và để ở. Trong thời gian từ năm 1527 đến 1530, một loạt cung điện được xây dựng ở Dương Kinh như điện Sùng Đức, điện Phúc Ý, điện Tường Quang. Sử ghi rõ, năm 1530, Mạc Đăng Doanh cho “dựng điện nguy nga để Đăng Dung ở, mỗi tháng vào ngày mồng 8 và ngày 22, Đăng Doanh dẫn quần thần tới điện triều yết”.Năm 1592, kinh đô Dương Kinh bị phá hủy hết lăng trong cuộc chiến tranh với nhà Trịnh (2).
Tại Lam Kinh, sử ghi mỗi sự kiện ngay sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung cho sửa chữa điện Lam Kinh vào năm 1527 (3).
Tuy nhiên, gạch chỉ được nhắc đến vào năm 1585 khi xây thành Đại La: “Đắp thành trì, làm nhiều công việc xây dựng, nung gạch, ngói một năm thì xong”(4).
Nguồn tư liệu văn bia thời Mạc đồng thời cung cấp nhiều thông tin có giá trị về tình hình xây dựng, trùng tu và sử dụng gạch trong các kiến trúc dân gian. Theo thống kê đến năm 1993, có 195 công trình kiến trúc (142 chùa, 12 đình, 7 quán đạo, 8 đền, miếu và bến đò, chợ, cầu) được xây dựng mới, trùng tu. Các di tích này phân bố ở hầu khắp các tỉnh Hải Hưng, Hải Phòng và Hà Tây (cũ) và rải rác ở các tỉnh khác ở Bắc Việt Nam như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Hà, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Thái Bình (5), Năm 2010, thống kê bổ sung thêm 40 bia, trong đó một số chùa, quán, đền ghi việc trùng tu xây dựng (6).
Theo các văn bia đó, các di tích kiến trúc chủ yếu được trùng tu trên cơ sở từ thời kỳ trước chứ ít được xây dựng mới. Sự tham gia đóng góp tích cực của tầng lớp vua, quan và quý tộc vào các công trình tín ngưỡng tôn giáo ở các làng quê đã tạo lên những sắc thái khác nhau và ảnh hưởng đến chất lượng công trình kiến trúc. Điều đó phần nào chứng minh qua gạch, đặc biệt là những viên gạch trang trí hoa văn. Gạch được sử dụng ở các vị trí kiến trúc như thềm, nền, bệ thờ, tường, bờ nóc mái, tiền đường, hậu đường, tam quan…
Trang trí trên gạch
Gạch thời Mạc gồm có các loại: hình vuông, hình khối chữ nhật và hình dáng đặc biệt. Tùy theo từng loại hình mà gạch có chức năng khác nhau như xây, lát và ốp trang trí trên mọi vị trí trong công trình kiến trúc. Trong mỗi loại lại có một số hình thức hoa văn trang trí với nhiều biến thể phong phú.
Gạch hình vuông: có chức năng lát nền nên còn gọi là gạch lát. Gạch có hình dáng chung là một khối hình vuông dẹt, tiết diện ngang hình chữ nhật. Kích thước gạch nhỏ nhất (33 x 33 x 4.5)cm, lớn nhất (45 x 45 x 5.5)cm. Gạch vuông thời Mạc có màu, thường để trơn, ít trang trí hoa văn. Hoa văn trang trí gồm hoa chanh ở thành Xích Thổ (Quảng Ninh) hoặc ô vuông dạng hình bàn cờ ở chùa Đậu (Hà Nội) (7).
Gạch hình chữ nhật: theo kích thước gạch hình chữ nhật có hai loại: loại có kích thước chiều dày ngắn hơn chiều rộng tạo mặt cắt ngang hình chữ nhật dẹt (còn gọi là gạch bìa) và loại có tiết diện hình vuông, gần vuông (còn gọi là gạch vồ).
Gạch vồ ở di tích Dương Kinh dài trong khoảng 36,5 – 39cm, rộng 13 -14cm, dày 10,5 – 12cm. Trong khi đó loại gạch này ở chùa Đậu nhỏ hơn đôi chút, dài từ 24 – 34cm, rộng 9,5 – 11cm, dày 7 -11cm. Gạch được trang trí hoa văn. Điểm đáng chú ý là cũng giống như gạch hình vuông, gạch vồ có trang trí hoa văn chỉ thấy trong các di tích kiến trúc dân gian ở xóm làng như chùa Đậu, chùa Cực Lạc (Hà Nội). Các di tích kiến trúc kinh đô thường sử dụng gạch vồ không trang trí hoa văn.
Hoa văn trang trí trên gạch thời Mạc thiên về những nét chạm khắc đơn giản, thưa nhưng đề tài trang trí phong phú với nhiều mẫu hoa văn khác nhau. Hoa văn trang trí trên mặt gạch, đầu viên gạch hoặc kết hợp trên mặt gạch và đầu viên gạch thường là các khung hình khác nhau: hình vuông, hình tròn lồng trong khung hình vuông, hình chữ nhật và hình ô van.
Thoát khỏi nghệ thuật kiến trúc mang tính khuôn phép, cung đình thời Lê sơ, đề tài trang trí trên gạch phong phú, đa dạng phản ánh nghệ thuật dân gian phát triển cao. Đề tài trang trí là linh thú và hoa lá cách điệu mang đậm phong cách thời Mạc. Đề tài linh thú gồm hình rồng, chim phượng, cá hóa rồng, hổ, nghê, lân, ngựa, voi, hươu, chim… Đề tài hoa lá gồm hoa mai, hoa sen. Hoa sen được thể hiện phong phú với chiều nhìn chính diện gồm 8 cánh hoa nổi khối trên mặt gạch; chiều nhìn bổ dọc có cánh hoa lượn mềm. Sự phối hợp nhiều đồ án khác nhau như chuột và hoa sen, rồng và chim phượng, hươu và hổ, hươu và voi,… là đặc trưng nổi bật trong giai đoạn này.
Sự xuất hiện trở lại của hoa văn hình chim phượng và hoa sen trang trí trên gạch cũng là nét đáng chú ý trong trang trí trên gạch thời Mạc. Đặc biệt, hoa dây lá cách điệu và in/khắc chữ Hán khá phổ biến trong thời Lê sơ lại vắng bóng trong thời Mạc. Dạng hoa văn này tiếp tục xuất hiện trở lại trong thời Lê Trung hưng.
Gạch có chức năng xây bó móng, lát sân nền đường đi, xây giếng, cống thoát nước và các vị trí khác trong kiến trúc. Gạch vồ trang trí hoa văn được sử dụng xây ở các vị trí như bó móng hoặc ốp bệ thờ, hiện còn ở một số di tích thuộc Hà Nội như chùa Hội, chùa Bối Khê, quán Hội Linh, quán Hưng Thánh (huyện Thường Tín), chùa Trăm Gian (Hoài Đức), đền Phù Đổng (Gia Lâm). Gạch thời này còn được tận dụng để xây bó móng bằng hình thức quay mặt có hoa văn trang trí vào trong như cách làm ở chùa Đậu (8).
Gạch hình khối chữ nhật: kích thước chiều dày mỏng hơn chiều rộng tạo mặt cắt ngang hình chữ nhật dẹt (còn gọi là gạch bìa). Trên một số viên có gờ ở rìa cạnh để khớp nối với những viên gạch khác như gạch trang trí hình chim phượng ở chùa Cực Lạc và đền Thượng (Hà Nội). Loại gạch này rất đa dạng về kích thước: 34 x 21,5 x 3,4cm, 26.5 x 11,5 x 5,3cm. Gạch được sử dụng để ốp trang trí bệ thờ hoặc xây bó móng.
Loại có hình dáng đặc biệt như gạch hình khối hộp chữ nhật rỗng và gạch hình chữ D. Gạch hình khối hộp chữ nhật rỗng (còn gọi là gạch thông gió) có hai mặt trang trí hoa văn hình bông hoa mai bốn cánh. Khi liên kết với nhau tạo thành một dải hoa mai liên hoàn, hình các vòng tròn lồng nhau và hình bông hoa đồng tiền. Loại gạch này hiện còn ở di tích Dương Kinh (Hải Phòng) và trên bờ nóc mái quán Hưng Thánh (Hà Nội). Tuy nhiên, gạch ở quán Hưng Thánh có đường diềm là băng chấm tròn nổi, nhụy hoa hình bông cúc nhiều cánh như hình mặt trời có nhiều tia sáng, màu sắc đỏ tươi. Trong khi đó gạch ở di tích Dương Kinh màu xám, nhụy hoa có chấm tròn nổi hơi tạo cánh hoa mai, đường diềm không có chấm tròn nổi. Gạch hình chữ D có hình khối chữ nhật, trên rìa cạnh viên gạch hình cung tròn tạo mặt cắt hình chữ D. Mặt này thường để trơn hoặc trang trí hoa văn. Hoa văn trang trí hình cánh sen và hoa lá cách điệu. Gạch loại này thường được sử dụng bó vỉa hoặc bó góc như ở chùa Hội (Hà Nội)
Một số nhận xét việc trang trí trên gạch
Những viên gạch trang trí hoa văn thời Mạc góp phần nhận thức về kỹ thuật ốp trang trí trên vật liệu kiến trúc Việt Nam thời kỳ này. Diện mạo kiến trúc bị ảnh hưởng trực tiếp từ những chuyển biến xã hội theo xu hướng không ổn định như thời Lê sơ. Cho đến nay chưa tìm thấy vết tích móng nền kiến trúc ở Thăng Long và Dương Kinh. Hiện mới chỉ nhận diện được gạch thời Mạc ở Dương Kinh (Hải Phòng) nên bước đầu nhận thấy, móng gạch thời Mạc ở kinh đô Dương Kinh có phần nhỏ, không kiên cố và không có trang trí hoa văn.
Ngược lại với kiến trúc cung đình, móng kiến trúc dân gian thời Mạc được nhận diện được khá rõ, qua vết tích móng kiến trúc còn khá nguyên vẹn ở chùa Đậu, chùa Hội và quán Hội Linh (Hà Nội). Kỹ thuật bó móng kiến trúc thời Mạc là xếp so le và không dùng chất kết dính. Kỹ thuật này bảo lưu truyền thống từ thời Lý, Trần, Lê sơ và phát triển trong thời Mạc. Nhưng điểm khác biệt trong kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo thời Mạc là gạch bó móng có trang trí hoa văn. Truyền thống này tiếp tục phát triển trong thời Lê Trung hưng như đã thấy trên những viên gạch vồ trang trí hoa văn ở chùa Đậu (Hà Nội).
Mỹ thuật thời Mạc vẫn tiếp nối các đề tài quen thuộc như hình rồng, hoa cúc, hoa mai, tượng nghê… thời Lê sơ. Nhưng thời đại mới với những yếu tố mới đã tác động lên thẩm mỹ của con người nói chung, người thợ trực tiếp làm ra sản phẩm nói riêng. Cụ thể, bên cạnh Nho giáo, sự phát triển khá mạnh của Phật giáo và Đạo giáo cùng với sự biến động của lịch sử đã tác động mạnh mẽ đến mỹ thuật thời Mạc. Nét đặc trưng của mỹ thuật thời Mạc là sự xuất hiện thêm nhiều hoa văn mới như linh vật gần gũi với con người (hươu, voi, hổ, chuột…). Các hình tượng trong trang trí được diễn tả hiện thực hơn, hình khối trở lại với vẻ khỏe khoắn, đơn giản. Bố cục tự do, thoải mái, ít bị gò bó theo khuôn mẫu.
Kỹ thuật in khuôn phổ biến, nhưng kỹ thuật chạm khắc trực tiếp bằng tay. Ví dụ, viên gạch trang trí hình chim phượng được tạo bằng nhiều đường nét tỷ mỷ nhờ thủ pháp kỹ thuật tinh xảo như các đường cong nhẹ thể hiện lớp cánh, các đường chạm khắc vát lõm, tỉa nhỏ… tất cả thể hiện hình chim phượng rất sinh động và giàu tính hiện thực. Đó cũng là đặc điểm góp phần làm rõ hơn mỹ thuật thời kỳ này.
Nhìn chung, mỹ thuật thời Mạc phản ánh sự hòa quyện giữa cung đình và dân gian. Trong đó, yếu tố dân gian có xu hướng lấn át yếu tố cung đình, khiến cho các sản phẩm đem lại cảm nhận gần gũi hơn với đời sống.
Trang trí trên gạch thời Mạc nói riêng và gạch thời Mạc nói chung góp phần phản ánh lịch sử văn hóa xã hội Việt Nam thời kỳ này. Xã hội thời Mạc có nội chiến phe phái Nam – Bắc triều. Phía Bắc là nhà Mạc, phía Nam là nhà Lê Trung hưng với sự phò tá của chúa Trịnh. Do mải lo tập trung trí lực và vật lực vào các cuộc nội chiến, nên việc quy định đẳng cấp rõ ràng được nới lỏng. Nho giáo vẫn tồn tại nhưng Phật giáo và Đạo giáo có xu hướng phát triển trở lại. Nhà Mạc không tập trung xây dựng kinh đô Thăng Long mà thay vào đó là ở Dương Kinh. Gạch thời Mạc giản lược hơn rất nhiều so với vẻ hoành tráng của gạch thời Lê sơ. Gạch in, khắc chữ Hán không thấy xuất hiện. Hiếm thấy gạch có kích thước lớn.
Thời kỳ này, chùa thờ Phật và các quán Đạo giáo xuất hiện nhiều. Sự tham gia hưng công đóng góp của tầng lớp vua, quan nhà Mạc vào các ngôi chùa làng phát triển mạnh mẽ. Bằng chứng là hình ảnh bông hoa sen trang trí trên gạch trong những ngôi chùa, quán đạo thời Mạc tuy có cách điệu nhưng vẫn mang dáng dấp của ngôi chùa Phật giáo thời Trần – Hồ. Màu sắc đỏ tươi cũng góp phần cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ từ truyền thống nghệ thuật Phật giáo thời Trần – Hồ.
Đặc biệt, nghệ thuật dân gian bắt đầu phát triển mạnh trong thời Mạc. Các loại hoa văn mang đậm chất dân gian như hình linh thú (chuột, voi, hươu, hổ), cũng như hình những loài vật gần gũi với con người trở thành môtip trang trí phổ biến trên gạch trong những ngôi chùa làng. Hình rồng và chim phượng vốn là hoa văn trang trí trong cung đình nhưng dưới thời Mạc, hoa văn này được trưng dụng và thể hiện một cách thoải mái trên gạch cùng với các hoa văn khác. Người thợ dân gian chạm khắc bằng tay trực tiếp rồi đắp thêm trên mặt gạch hình chim phượng, như ở chùa Cực Lạc (Hà Nội), đã minh chứng cho sự phát triển trong tư duy tạo hình đương thời. Sự phát triển của nghệ thuật dân gian trên gạch thời Mạc trùng hợp với sự phát triển của kiến trúc dân gian trong TK XVI.
_______________
1, 4. Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, tr.120, 161, 177.
2, 3. Lê Quý Đôn toàn tập, tập III, Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978, tr.265, 266.
5. Nguyễn Tiến Cảnh, Nguyễn Du Chi, Trần Lâm, Nguyễn Bá Vân, Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật, Hà Nội, 1993, tr.106 -178.
6. Đinh Khắc Thuân, Văn bia thời Mạc, Nxb Hải Phòng, 2010, tr.163, 224.
7. Đỗ Văn Ninh, Thành Xích Thổ (Quảng Ninh), Tạp chớ Khảo cổ học, số 20-1976, tr.71-76.
8. Nguyễn Ngọc Chất, Nguyễn Quang Huy, Khai quật khu trung tâm di tích chùa Đậu năm 2006, Thụng bỏo Khoa học, Hà Nội, 2007, tr.77-102.
Tác giả bài viết: Ngô Thị Lan
Nguồn tin: Tạp chí VHNT số 351
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.