- Đang online: 2
- Hôm qua: 694
- Tuần nay: 16418
- Tổng truy cập: 3,369,293
TÍNH CHÍNH THỐNG CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC – ThS. Tống Thanh Bình
- 572 lượt xem
TÍNH CHÍNH THỐNG CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC
ThS. Tống Thanh Bình
1. Đặt vấn đề
Chế độ phong kiến Việt Nam trải qua bao nhiêu thăng trầm cũng chứng kiến bấy nhiêu sự đổi thay. Tuy không thoát khỏi hình thái kinh tế xã hội phong kiến, nhưng sự thay thế giữa các triều đại đã góp phần duy trì và phát triển xã hội Đại Việt trong gần mười thế kỷ độc lập. Mỗi triều đại mới, khi thay thế triều đại cũ, đều thi hành nhiều biện pháp khẳng định tính chính đáng của dòng họ mình, để được dân tín, đặc biệt là giới trí thức công nhận. Vậy tính chính thống của một dòng họ trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam được hiểu như thế nào ?
Dưới thời đại quân chủ chuyên chế, một triều đại được xác định là thống trị một cách chính thống khi hội đủ ba điều kiện:
Thứ nhất: Triều đại đó phải có lãnh thổ thuộc quyền quản lý của mình;
Thứ hai: Cư dân sống trên lãnh thổ ấy phải theo về triều đại đó;
Thứ ba: Triều đại đó phải có một đường lối xây dựng đất nước trên tất cả các phương diện. Ngoài ra, triều đại ấy phải được thiên triều công nhận và truyền ngôi theo dòng đích con trưởng.
Theo nguyên lý đó, nhà Mạc đường đường chính chính là một triều đại chính thống, từng tồn tại như các triều đại khác trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, nhà Mạc dường như vẫn bị mờ nhạt dẫu triều đại này đã có những đóng góp nhất định đối với lịch sử dân tộc thế kỷ XVI. Điều đáng nói là:trong khi nhà Hồ tiếm ngôi nhà Trần, nhà Mạc tiếm ngôi nhà Lê Sơ đều bị coi là ngụy triều, thì nhà Trần tiếm ngôi nhà Lý vẫn được coi là triều đại chính thống, mặc dù những biện pháp của Mạc Đăng Dung không quá khốc liệt như cách của Trần Thủ Độ hay Hồ Quý Ly, từng làm với hoàng tộc, quan lại của triều đại trước, nhưng hành động của Mạc Đăng Dung lại bị lịch sử lên án. Giải thích điều này như thế nào ?
Sở dĩ nhà Mạc bị các sử gia coi là “ngụy triều” vì đã tiếm ngôi nhà Lê. Cần hiểu rằng, nhà Lê Sơ sau cuộc kháng chiến chống Minh thắng lợi đã xác lập tính chính đáng của dòng họ mình một cách vẻ vang. Thứ nhất, nhà Lê đã được đông đảo nhân dân ủng hộ trong suốt quá trình tiến hành kháng chiến. Bởi vậy, ngay sau khi Lê Lợi lên ngôi, sự ủng hộ của nhân dân là lẽ đương nhiên, hợp với lòng người và “ý trời”. Thứ hai, Lê Lợi đã đại diện toàn dân thu hồi lại toàn bộ đất đai và chủ quyền lãnh thổ qua hội thề Đông Quan với quân Minh trước khi chúng rút về nước. Thứ ba, điều mà nhà Lê hơn hẳn so với các triều đại khác, đó là sau thắng lợi, nhà Lê đã ban bố một chính sách xây dựng đất nước với những tư tưởng duy tân tiến bộ qua bản “Bình Ngô đại cáo” và nỗ lực thực hiện, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân Đại Việt.
Dẫu vào cuối triều đại mình, nhà Lê Sơ đã bộc lộ sự suy tàn, khủng hoảng trầm trọng với sự cai trị thối nát của những “vua quỷ” Lê Uy Mục, “vua lợn” Lê Tương Dực, nhưng với vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh và những ảnh hưởng sâu sắc của một thế kỷ trị vì, trong đó có những thời kỳ phát triển thịnh trị, được coi là hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam, nhà Lê Sơ vẫn luôn là “tượng đài” trong tư tưởng của các sử gia phong kiến. Vì thế, việc nhà Mạc bị coi là “ngụy triều”, “nghịch thần” khi đảo chính lật đổ nhà Lê là một điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, dù các sử gia phong kiến cố tình không công nhận nhà Mạc là một triều đại chính thống, nhưng trên thực tế, nhà Mạc đã tồn tại và khẳng định được tính chính đáng của mình với hàng loạt những chính sách cai trị đúng đắn, tiến bộ.
2. Chính sách cai trị của nhà Mạc
Sau khi tiến hành cuộc đảo chính thành công, nhà Mạc đã bắt tay vào tổ chức và ổn định lại xã hội, nhằm khẳng định tính chính đáng của dòng họ mình.
2.1. Chú trọng giáo dục, khoa cử
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Trong một xã hội phong kiến theo mô hình học thuyết Khổng Tử với thang bậc xã hội “ sĩ, nông, công, thương”, nhà Mạc không chỉ kế thừa truyền thống đó, mà còn sáng suốt khai thác lực lượng xã hội này phục vụ cho mục đích cai trị và sự tồn tại dòng họ mình.
Thứ nhất: Mạc Đăng Dung biết cách dùng người tài. Ngay sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung đã sử dụng các cựu thần, nho sĩ của nhà Lê, để họ nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, “trưng cầu con cháu các vị công thần thế gia”, “Đăng Dung muốn thu nhân tâm, bèn phong tặng tất cả các vị tiết nghĩa cựu thần, như các ông Vũ Duệ, Đàm Thận Huy” [2,267]. Ngay sau đó, năm 1528, Mạc Đăng Dung phong chức những người từng phục vụ cho nhà Lê hoặc đậu đạt dưới triều Lê. “Tất cả có 56 người đều được thăng trật và phong tước theo thứ bậc khác nhau” [2, 267]. Cách làm của nhà Mạc không giống các triều đại trước và sau đó, việc sử dụng đội ngũ quan lại của triều đại cũ, tham gia chính quyền mới, tạo dựng là việc làm khôn ngoan, mềm dẻo để thu phục nhân tâm và tạo sự vững chãi cho vương triều mới.
Nhà Mạc không quá khắt khe mà rất chú ý sử dụng, khai thác đội ngũ trí thức phục vụ việc cai trị của mình. Chính vì vậy, rất nhiều trí thức đã lựa chọn nhà Mạc với niềm tin tưởng và khao khát được cống hiến cho sự nghiệp nhà Mạc. Tiêu biểu như Giáp Hải, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Bỉnh Đức, Nguyễn Quyện, Nguyễn Miện, Nguyễn Khải Khang, Lê Khắc Thận…, đặc biệt, có trường hợp bà Nguyễn Thị Duệ (Ngọc Toàn) – nữ tiến sĩ đầu tiên trong nền giáo dục khoa cử Hán học của Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có những trí thức không theo Mạc mà ủng hộ sự nghiệp Trung Hưng của nhà Lê hay bỏ Mạc theo Lê, nhất là giai đoạn sau này, như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh… Đó cũng là một sự chọn đường của giới trí thức đương thời và họ có lý do và mục đích của mình.
Thứ hai, nhà Mạc hết sức chú trọng đến việc tổ chức đều đặn các kỳ thi trong suốt thời gian trị vì, nhằm tuyển chọn nhân tài. Theo “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục”, trong 65 năm tồn tại, nhà Mạc đã tổ chức được 22 khoa thi Hội, lấy đỗ 485 tiến sĩ. Khoa thi đầu tiên mở năm Minh Đức thứ 3 (1529) đã có hơn 4.000 thí sinh tham dự, trong đó có nhiều người là con cháu nhà Lê” [5, 143]. So sánh với nhà Lê Sơ, tỉ lệ bình quân về số kỳ thi và số người đỗ, triều Mạc không thua kém gì. Trong hoàn cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, có lúc cơ nghiệp khuynh nguy do chiến tranh loạn lạc, nhưng các kỳ thi vẫn được nhà Mạc tổ chức đều đặn, chất lượng, hiệu quả.
Giới trí thức không chỉ góp phần củng cố, duy trì sự tồn tại của nhà Mạc trong suốt thời gian đó, mà còn làm rạng danh sử sách đất Việt, bằng trí tuệ, bản lĩnh của mình trước kẻ thù với những giai thoại về Trạng Trình hay Trạng nguyên Giáp Hải và những thế hệ học trò có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ…, từ đó đã cho thấy sự thịnh vượng của giáo dục Đại Việt thời Mạc.
Có thể nói, nhà Mạc đã thành công khi tuyển dụng được đông đảo đội ngũ trí thức. Nhưng điều đáng tiếc là sau khi khẳng định được tính chính đáng của dòng họ mình, sau gần hai mươi năm đầu thịnh trị, nhà Mạc cũng bộc lộ những hạn chế và ngày càng suy thoái. Nếu trước đây, trí thức theo Mạc, thì nay họ đứng trước nhiều ngả đường, tiếp tục chọn lựa hoặc bỏ Mạc theo Lê, hoặc bỏ Mạc và trở thành những trí sĩ. Việc nhà Mạc được Nguyễn Bỉnh Khiêm ra phò giúp, thể hiện sự thành công của nhà Mạc trong buổi đầu thành lập, nhưng việc Nguyễn Bỉnh Khiêm từ bỏ chốn quan trường về ở ẩn cũng đồng nghĩa với việc nhà Mạc đã mất đi một niềm tin lớn và đó chính là một trong những mầm mống của sự sụp đổ nhanh chóng của nhà Mạc sau này, khi sự tấn công của nhà Lê Trung Hưng ngày càng mạnh mẽ. Sự thất bại của nhà Mạc có thể cắt nghĩa từ nhân tố này. Có thể nói tạo được niềm tin là không đơn giản, song giữ trọn được niềm tin là còn khó khăn hơn nhiều, trong trường hợp này, nhà Mạc đã không làm được trọn vẹn hai mệnh đề đó.
2.2. Ổn định xã hội và phát triển kinh tế
2.2.1. Ổn định xã hội
Sử gia phong kiến có thể nhận định sự thay thế của nhà Mạc là tiếm ngôi, hay coi nhà Mạc là ngụy triều song vẫn phải thừa nhận “lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung” [2, 264]. Mạc Đăng Dung bằng chính con đường binh nghiệp và tài năng đã khẳng định công lao của ông và góp phần quan trọng trong việc ổn định xã hội Đại Việt cuối thời Lê Sơ. Đứng ở thời điểm hiện tại, đối sánh thời điểm trước và sau khi Mạc Đăng Dung xuất hiện trên chính trường trong thời gian đầu thế kỷ XVI, có thể đánh giá vai trò của Mạc Đăng Dung giống như vai trò của Đinh Bộ Lĩnh trong việc dẹp loạn mười hai sứ quân thế kỷ X.
Sau khi lên nắm quyền, nhà Mạc gặp phải sự phản kháng quyết liệt từ nhiều lực lượng với danh nghĩa phù Lê. Mạc Đăng Dung và những vua kế vị đã nhanh chóng tổ chức quân đội để đàn áp, tạo sự ổn định xã hội để nhân dân yên ổn làm ăn, đất nước thái bình. Cuộc nổi dậy của Lê Ý (1530), của những bề tôi nhà Lê đều bị quân nhà Mạc đánh bại, đã ngăn chặn âm mưu phục Lê diệt Mạc và tình trạng cát cứ. Tuy nhiên, lịch sử đã không ủng hộ nhà Mạc khi liên tiếp gặp phải sự chống đối của các lực lượng phù Lê. Thời gian trị vì phải đối mặt với bao khó khăn do hệ quả xã hội thời Lê Sơ để lại, cùng sự chống phá liên tục của kẻ thù đã khiến nhà Mạc không thể trụ vững và cuối cùng thất bại.
Để ổn định xã hội và giải quyết những bất ổn còn tồn tại trong xã hội, sau khi lên nắm quyền, nhà Mạc “tuân theo những pháp độ triều Lê” [2, 266]. Mạc Đăng Dung đã cho “soạn 59 điều Cáo ban hành” [2, 269], củng cố quân đội, duy trì bộ máy thống trị của nhà Lê, bổ sung binh chế, điền chế… nhằm ổn định đời sống nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế, nên đời sống nhân dân được đảm bảo sau một thời gian dài điêu linh.
Do hoàn cảnh đất nước luôn có ngoại xâm, nội phản, nhà Mạc hết sức chú trọng đến xây dựng lực lượng quân đội, số quân lên đến hơn 10 vạn. Để duy trì một đội quân đông đảo, vận động người dân tham gia chiến trận chống lại sự đe doạ của các lực lượng thù địch trong và ngoài nước, nhà Mạc đã ưu tiên hàng đầu cho các đối tượng gia đình hoàng tộc, công thần, quan lại và đặc biệt là cho quân lính. Chính sách Binh điền (ruộng lính) đã thực sự phát huy tác dụng trong suốt thời gian nhà Mạc cai trị.
Chính sách ruộng đất của nhà Mạc đem lại những hệ quả sau: Thứ nhất: số ruộng công bị giảm đi khá nhiều, số ruộng công ngày càng bị thu hẹp. Thứ hai: việc thiếu ruộng canh tác đã tạo điều kiện cho thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển. Nhân tố này đã giải quyết những bất ổn trong xã hội và góp phần giúp chính sách về ruộng đất của nhà Mạc thành công, tạo sự ổn định cần thiết và tạo tiềm lực cho nhà Mạc có thể trụ vững trước những đợt tấn công của nhà Lê Trung Hưng.
Về vấn đề này, sử sách phong kiến dù đứng trên quan điểm đối lập cũng phải công nhận và khen ngợi triều Mạc: “Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ, trong khoảng mấy năm trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm mà thôi. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều yên ổn” [2, 276], “đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài đêm không phải đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên” [3, 126]. Đó là một trong những lý do giúp nhà Mạc ngày càng chiếm được lòng dân – một yếu tố để khẳng định tính chính đáng của nhà Mạc.
Mặc dù sự ổn định, thịnh trị của nhà Mạc chỉ được duy trì trong gần 20 năm đầu trị vì, song trên thực tế, nhà Mạc cũng làm được điều mà các vua Lê cuối thời Lê Sơ và nhà Lê Trung Hưng bất lực, đưa xã hội Đại Việt vào sự ổn định, đem lại cuộc sống yên bình cho nhân dân sau một thời gian cơ cực sống dưới ách thống trị của những “vua quỷ”, “vua lợn”.
2.2.2. Phát triển kinh tế
Kinh tế công thương nghiệp thời kỳ này được sự quan tâm của nhà nước nên có điều kiện phát triển hơn so với các thời kỳ trước và sau đó. Trong một xã hội có sự dung hoà giữa các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian đã tạo ra một thế giới quan hài hoà và sự cân bằng trong nhận thức về thứ bậc và các ngành nghề trong xã hội. Thứ bậc “sĩ, nông, công, thương” và quan niệm “dĩ nông vi bản” đã không còn chi phối xã hội quá nặng nề. Kinh tế phát triển là một trong những cơ sở để duy trì sự tồn tại một triều đại. Nhà Mạc trong quá trình trị vì đã tạo điều kiện cho nền kinh tế công thương nghiệp phát triển.
Những biện pháp nhà Mạc thi hành để phát triển kinh tế công thương nghiệp là:
Thứ nhất: Nhà Mạc rất chú trọng việc tuyển dụng những nghệ nhân phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của hoàng cung. Những công tượng dưới thời Mạc có vị thế cao hơn thời Lê rất nhiều, không bị đối xử như những người lao động khổ sai mà thực sự được đề cao, được ban thưởng và giữ những chức vụ tương đương với tài năng và công lao.
Thứ hai: Trong hoàn cảnh chiến tranh triền miên, nhà Mạc không có điều kiện chú tâm nhưng cũng không tỏ ra quá khắt khe với sự phát triển của thủ công nghiệp và thương nghiệp. Điều này đã tạo một diện mạo mới cho xã hội Đại Việt. Thế kỷ XVI được chứng kiến sự phát triển nở rộ của các sản phẩm gốm sứ. Đặc biệt, vào thời điểm bấy giờ, nhà Minh cấm tư nhân Trung Hoa buôn bán với nước ngoài (1371 đến 1567) đã tạo điều kiện để ngành thủ công của Đại Việt được khu vực và thế giới biết đến và ưa chuộng.
Thứ ba: Dưới thời Mạc, sự dung hòa tôn giáo và sự phát triển mạnh mẽ của các tín ngưỡng dân gian đã tạo điều kiện cho ngành thủ công nghiệp phát triển. Những kiến trúc chùa, đạo quán, đình làng, bia đá… đã giúp cho sản phẩm các ngành thủ công được tiêu thụ với số lượng lớn và trí tưởng tượng của các nghệ nhân được “chắp cánh”, vì vậy, thủ công nghiệp thời Mạc có điều kiện phát triển.
Thứ tư: Nhà Mạc cũng có những biện pháp tạo điều kiện cho ngành thủ công và thương nghiệp phát triển, như chú trọng mở đường sá, xây dựng tu bổ cầu, mở một số chợ, thậm chí khuyến khích hoạt động ngoại thương chứ không “bế quan toả cảng” như triều Lê Sơ. Trong thời gian trị vì, nhà Mạc đã cho xây dựng mới và tu sửa 15 chiếc cầu [6, 215], mở thêm 7 chợ hoạt động khá quy củ, tấp nập để trao đổi hàng hóa [6, 219]. Điều này đã tạo điều kiện cho việc đi lại giữa các vùng miền thuận lợi, trao đổi hàng hoá dễ dàng, sản phẩm thủ công được tiêu thụ mạnh ở trong và ngoài nước trở thành thế mạnh để xuất khẩu.
Thời kỳ này, Đại Việt được nhiều quốc gia biết đến với những sản phẩm nổi tiếng, như: gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), gốm Thanh Lâm (Nam Sách, Hải Dương), gốm Chu Đậu (Hải Dương)… Chính vì thế, những người thợ thủ công có điều kiện thi thố tài năng của mình. Từ thế mạnh đó, thương nghiệp thời kỳ này phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng hơn so với trước. Hệ thống chợ được mở rộng và hoạt động hiệu quả, tấp nập, trong đó, gốm sứ là mặt hàng phổ biến cả thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể là “Trên một bản đồ nước ta do người thời Minh vẽ vào cuối thế kỷ XVI, Annan tu (An Nam đồ) có rất nhiều cửa biển, nơi thuyền buôn nước ngoài có thể ra vào tiện lợi” [6, 224], cùng thời gian này đã có nhiều nhà truyền đạo phương Tây vào Đại Việt (1535) và rất có thể họ cũng ấn tượng và bị hấp dẫn bởi các sản phẩm gốm sứ. “Trong con tàu buôn bị đắm ở Cù Lao Chàm (thuộc địa phận Hội An, Quảng Nam) mà các nhà khảo cổ học vừa trục vớt gần đây, có rất nhiều gốm thương phẩm có niên đại XV-XVI, được sản xuất từ Chu Đậu (Hải Dương)” [6, 224]. Tiếc là, “những nhà sản xuất đương thời nói chung chưa biết đầu tư vốn nhằm mở rộng sản xuất để sinh lợi, mà khi có chút vốn liếng liền quay về với việc tâm linh như dựng chùa, mua ruộng thờ cúng về sau” [6, 229]. Xã hội Đại Việt ì ạch trong mô hình một nước quân chủ nông nghiệp theo văn minh lúa nước vì lẽ đó. Tuy vậy, điều đáng nói là, trong một xã hội quân chủ chuyên chế, đạt được những thành tựu trên là một cuộc thay đổi lớn cả về thiết chế xã hội cũng như hệ tư tưởng.
2.3. Chính sách ngoại giao khôn khéo, mềm dẻo bảo vệ độc lập dân tộc
Kế thừa truyền thống các triều đại trước, sau khi lên ngôi nhà Mạc đã thực hiện trách nhiệm của một nước nhỏ, thần phục đối với thiên triều Trung Hoa. Nhà Mạc bằng mọi cách để nhà Minh công nhận sự xác lập quyền thống trị dòng họ mình để có tính chính đáng như các triều đại trước. Trước chủ nghĩa Đại Hán và âm mưu phù Lê của các thế lực trong nước, nhà Mạc đã thi hành những chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo, linh hoạt, cụ thể là: nhà Mạc đã đặt quan hệ tốt với các sứ thần nhà Minh, triều cống như các triều đại trước, đáp ứng những yêu cầu của nhà Minh trên cơ sở giữ vững chủ quyền dân tộc song đồng thời cũng ra sức chuẩn bị tiềm lực để đối phó với kẻ thù trong tình huống xấu nhất.
Những điều nhà Mạc làm không khác những triều đại trước đó như cách nói của Phan Huy Chú là “trong thì xưng đế, ngoài xưng vương”. Nhưng nhà Mạc không giống các triều đại khác ở chỗ: trong khi các triều đại trước đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc đều đứng trên thế mạnh của một dân tộc và triều đại từng giành chiến thắng trước kẻ thù, thì nhà Mạc lên ngôi sau một cuộc đảo chính. Tiếp quản một xã hội mang trong mình sự khủng hoảng, trong nước còn bao thế lực thù địch sẵn sàng cấu kết với nhà Minh, nhà Mạc đã tiến hành một cuộc đấu trí để tránh binh đao, tàn sát thảm khốc để xã hội được thái bình, đồng thời không vội vàng đối đầu với quyết tâm xâm lược của nhà Minh để tránh một sự thất bại như nhà Hồ trước đây.
Kết quả là nhà Mạc đã thành công. Trong suốt 65 năm tồn tại, nguy cơ cuộc chiến tranh xâm lược đã bị đẩy lùi, nhưng Mạc Đăng Dung và các vua Mạc sau này lại bị lịch sử quy tội “dâng đất”, “hèn hạ” suốt một thời kỳ dài. Trong xã hội phong kiến, mưu đồ bá vương là điều thường thấy, khi âm thầm lúc mạnh mẽ, kiên quyết. Việc nhà Lê Trung Hưng cầu cứu nhà Minh nên đánh giá như thế nào hãy để hậu thế phán xét, nhưng việc làm đó đã đặt dân tộc trước nguy cơ bị kẻ thù ngoại bang xâm lược, là “đem thân trăm họ làm công một người”.
Những nỗ lực của nhà Mạc đã đem lại hệ quả là: “Vua Minh bèn phong cho Mạc Đăng Dung làm An Nam Đô thống sứ ty đô thống sứ, cho ấn bạc và cho thế tập” [3, 133], nghĩa là nhà Mạc đã đượcthiên triều công nhận và quan trọng hơn nhà Mạc đã nỗ lực để nhân dân Đại Việt đã tránh được một cuộc binh đao.
3. Kết luận
Nhà Mạc tồn tại như một vương triều chính thức trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, là triều đại có nhiều cống hiến cho lịch sử, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục khoa cử và phát triển kinh tế. Điều quan trọng nhất là nhà Mạc đã phục hồi xã hội Đại Việt sau một thời gian khủng hoảng và duy trì nền độc lập trong suốt thời kỳ cai trị. Trên thực tế, nhà Mạc đã khẳng định được tính chính đáng của dòng họ mình, nhưng đó là một quá trình gian khó, bởi “từ đầu thế kỷ XVI, vua Lê chỉ còn hư vị, là bức bình phong là chỗ dựa cho các tập đoàn phong kiến giương cao ngọn cờ “phù Lê, diệt Mạc” nhằm thu phục nhân tâm, chiêu tập những công thần của Lê cựu” [7, 73]. Nhà Mạc đã nỗ lực không ngừng để ổn định, phát triển đất nước dưới triều đại mình, nhưng thời thế đã không ủng hộ. Trong trường hợp này, thắng lợi thuộc về những ai “thờ bụt ăn oản” và “biết tìm thóc giống mà gieo”. Nhà Mạc chấm dứt vai trò thống trị chính thức năm 1592 với sự kiện Mạc Mậu Hợp bị thất bại thảm hại trước nhà Lê Trung Hưng, nhưng dư âm của triều đại này vẫn ngự trị trong lòng bao thế hệ trong một khoảng thời gian và không gian dài rộng.
Nhận thức đúng về vấn đề này không chỉ trả lại sự thật cho lịch sử, mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề trong thực tiễn, để các thế hệ sau có những hiểu biết sâu sắc về một triều đại từng tồn tại và có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc ./.
Tài liệu tham khảo
1. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (tập III), Nxb Sử học, Hà Nội 1961.
2. Lê Quý Đôn, Lê Quý Đôn Toàn tập – tập III, Đại Việt thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1978.
3. Đại Việt sử ký toàn thư (tập IV), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1973.
4. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc, Hội Sử học Hải Phòng.
5. Ngô Đăng Lợi, Trần Thị Vinh, Nguyễn Quang Ân, Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, Hà Nội 1996.
6. Đinh Khắc Thuân, Lịch sử vương triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 2001.
7. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện Sử học, Vương triều Mạc 1527-1592, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1996.
Ảnh: Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.