- Đang online: 3
- Hôm qua: 1039
- Tuần nay: 18656
- Tổng truy cập: 3,370,453
THÂN OAN CHO MẠC ĐĂNG DUNG – GS 663
- 161 lượt xem
THÂN OAN CHO MẠC ĐĂNG DUNG
Cụ Hoàng Văn Tụng năm nay 90 tuổi, ở thôn Vũ Lâm, xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, có đưa cho tôi tập sách “Thân oan cho Mạc Đăng Dung”, của GS-TS. Sử học Lê Văn Hoè, viết năm 1952. Tôi đọc thấy rất hay. Tôi xem lại bài “Một chút cơ duyên với họ Mạc” của cố GS. Trần Quốc Vượng, đăng trong “Hợp biên thế phả họ Mạc”, trang 7, ông viết: “Trong các học giả cận – hiện đại, thì có lẽ cụ Lê Văn Hoè, tác giả cuốn sách Mạc Đăng Dung, trong nhóm Trí Tân là những người đầu tiên đứng ra chiêu tuyết cho Mạc Đăng Dung và họ Mạc”. Lần đầu tiên tôi được đọc bài viết này. Nhất là bài viết từ năm 1952, lúc đó chưa có sự đổi mới của Đảng như hiện nay đối với nhà Mạc. Vì vậy, tôi đã chép lại, gửi các vị ở Mạc tộc Ninh Bình, các vị đó đều vui mừng tiếp nhận.
Tôi gửi đến các anh, nếu thấy cần thiết thì nên đăng tải để bà con họ ta cùng xem, vì đây là tài liệu cũ và là những quan điểm đầu tiên phản bác sự sai trái của các nhà sử cũ đối với Mạc Đăng Dung và nhà Mạc.
THÂN OAN CHO MẠC ĐĂNG DUNG
GS-TS. Sử học Lê Văn Hoè (tháng 8 năm 1952)
Cái ưu điểm lớn nhất của cuốn “Việt Nam sử lược” là ở chỗ biện hộ cho vua Quang Trung và đã dám công nhiên liệt nhà Tây Sơn làm một triều vua chính thống, ngang hàng với các triều chính thống như Đinh, Lý, Trần, Lê …
Cái khuyết điểm lớn nhất của cuốn “Việt Nam sử lược” là ở chỗ đã nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung, người sáng lập nhà Mạc. Theo luận điệu tác giả sách ấy là ông Trần Trọng Kim, thì suốt bốn ngàn năm lịch sử nước nhà, hình như chỉ có Mạc Đăng Dung là nhân vật đáng khinh bỉ hơn hết. Sự thật khác hẳn.
1. Mạc Đăng Dung bị hiểu lầm như thế nào ?
Tác giả sách Việt Nam sử lược đã phẩm bình Mạc Đăng Dung một cách khắt khe, gay gắt như thế này: “Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp ngôi, ấy là một người nghịch thần, đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đế nỗi phải cởi trần, trói mình lại để cầu lấy cái phú quý cho một thân mình, ấy là một người không biết liêm sỉ .
“Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế thì ai mà kính phục ?. Một cái cơ nghiệp dựng lên bởi sự gian ác, hèn hạ như thế thì không bao giờ bền chặt được .”
Tóm lại dưới ngọn bút của ông Trần Trọng Kim thì Mạc Đăng Dung không còn được là một con người nữa.
2. Mạc Đăng Dung là một con người anh hùng lập thân trong thời loạn:
Thực ra, Mạc Đăng Dung không phải là một người đáng khinh bỉ đến bậc ấy. Trước hết ta hãy xem tình thế thời bấy giờ. Sau vua Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, vua Uy Mục lên ngôi. Vừa lên ngôi Vua Uy Mục đã giết bà nội là Thái Hoàng Thái Hậu và hai quan đại thần trong triều là Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật, vì lẽ khi vua Hiến Tông mất bà Thái Hậu và hai ông này có ý không chịu lập Uy Mục làm vua. Tàn ác như thế lại hay đắm say tửu sắc: đêm nào cũng uống rượu với cung nhân đến khi say thì đem giết đi. Người Tầu đã làm thơ gọi Uy Mục là Quỷ Vương. Uy Mục đánh đuổi tôn thất, công thần, hà hiếp dân sự lòng người ai cũng oán thán.
Đó là một thời loạn.
Tháng Chạp năm Kỷ Tỵ (1501), Giản Tu Công tên là Oanh, là anh em con chú con bác với vua Uy Mục bị bắt giam. Giản Tụ Công lập mưu trốn được. Về Tây Đô hội với các quan cựu thần đem binh ra đánh bắt vua Uy Mục và Hoàng Hậu Trần Thị giết đi, rồi tự lập làm vua tức là vua Lê Tương Dực.
Đó là một thời loạn.
Vua Tương Dực tính hoang dâm, xa xỉ, sai thợ làm điện 100 nóc, xây cửu trùng đài tốn tiền và hại mạng dân, ai cũng oán giận. Bởi vậy, giặc giã nổi lên khắp nơi. Ở Kinh Bắc có Thân Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng; ở Sơn Tây có Trần Tuân, Phùng Chương, Trần Công Ninh; ở Nghệ An có Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Văn Triệt làm loạn; ở Hải Dương, Đông Triều có Trần Cao tự xưng là Đế Thích giáng sinh nhân dân hàng vạn người, tiến quân gần sát Đông Đô. Trong Triều thì Trịnh Duy Sản mưu với Lê Quảng Độ, Trịnh Chí Sâm đem binh vào cửa Bắc thành giết vua Tương Dực để lập vua khác.
Đó là một thời đại loạn.
Trịnh Duy Sản giết vua Tương Dực rồi chém giết triều thần là Phùng Mai lập con Mục Ý Vương là Quang Trị mới 8 tuổi lên làm vua. Làm vua được 3 ngày chưa kịp đổi niên hiệu thì Quang Trị bị Trịnh Duy Đại là anh Trịnh Duy Sản bắt vào Tây Đô (Thanh Hoá), rồi mấy ngày sau bị giết chết. Bon trịnh Duy Sản bèn lập Cẩm Giang Vương tên là Ý lên làm vua tức vua Chiêu Tông.
Đó là một thời đại loạn.
Vua Chiêu Tông còn trẻ tuổi chưa quyết đoán được việc nước. Triều thần thì Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy cậy công dẹp giặc Trần Cao, mỗi người đóng quân một nơi chống cự nhau, vua can không nổi. Trần Chân bênh Trịnh Tuy đem quân đánh Nguyễn Hoằng Dụ, Hoằng Dụ phải chạy vào Thanh Hoá.
Trong triều bọn Trịnh Duy Đại mưu làm phản, việc lộ bị giết cả đảng.
Mạc Đăng Dung được lệnh mang quân vào Thanh Hoá đánh Nguyễn Hoằng Dụ. Nhưng tiếp được thư Hoằng Dụ, Mạc Đăng Dung lại kéo quân trở về.
Quyền bính về tay Trần Chân. Vua ngờ Trần Chân mưu phản sai đóng cửa thành bắt giết đi. Tướng của Trần Chân là bọn Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng nghe tin Trần Chân bị giết đem quân về đánh kinh thành. Vua phải chạy lánh mình ở Gia Lâm, sai người vào Thanh Hoá Triệu Nguyễn Hoằng Dụ, nhưng Hoằng Dụ không ra. Vua đành cho vời Mạc Đăng Dung, không bao lâu Mạc Đăng Dung dẹp được hết bon giặc giã mưu phản. Quyền về tay Mạc Đăng Dung. Vua Chiêu Tông ngầm mưu với bọn nội giám để đánh Mạc Đăng Dung, nửa đêm bỏ kinh thành trốn lên Sơn Tây. Mạc Đăng Dung cùng Triều thần lập Hoàng Đế tên là Xuân lên làm vua, tức vua Cung Hoàng.
Đó là một thời loạn.
Vua Chiêu Tông chạy lên Sơn Tây. Ban đầu hào kiệt các nơi theo về cũng đông, sau thấy chính sự nhà vua không ra gì, mọi người bỏ đi hết. Vua cho người vào Thanh Hoá vời Trịnh Tuy ba lần. Tuy mới chịu ra. Nhưng sau khi vua giết mất tướng của Duy, Tuy giận bắt Chiêu Tông về Thanh Hoá.
Năm Giáp Thân (1524), Mạc Đăng Dung đem quân vào Thanh Hoá giết được Trịnh Tuy và bắt được vua Chiêu Tông, ít lâu sau vua bị giết .
Hai năm sau, Mạc Đăng Dung bắt các triều thần thảo chiếu nhường ngôi cho nhà Mạc.
Như vậy, thời bấy giờ là thời thiên hạ đại loạn. Vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi. Vua ngờ vực tất cả mọi người và chỉ định giết. Tôi thì giết vua, triều thần chẳng ai coi vua ra gì. Sinh vào thời đại loạn như vậy chỉ có hai đường: Một là lui về nơi sơn lâm để tránh tai vạ, hai là xông ra dẹp loạn an dân giúp vua, giúp nước. Mạc Đăng Dung đã đi vào con đường thứ hai. Đăng Dung phù vua nhưng vua định hại Đăng Dung. Cuối cùng Đăng Dung mới cướp ngôi vua vì thấy vua bất lực. Kể ra thì Mạc Đăng Dung cũng không tránh khỏi cái tội giết vua và cướp ngôi, nhưng tình thế không cho Đăng Dung lựa chọn, mà là phải làm.
Nhưng trước kia, thời Đinh, Lý, Trần không phải là không có người giết vua, cướp ngôi; ngay thời Mạc Đăng Dung cũng có bao nhiêu kẻ hoặc đã giết vua hoặc lăm le cướp lấy ngôi báu. Đứng vào địa vị Mạc Đăng Dung bấy giờ, muốn tiến thân không ai làm khác được. Giả sử Mạc Đăng Dung lui về ẩn dật, bỏ mặc việc đời, thì nhà Lê cũng không giữ nổi cơ nghiệp, ngai vàng hoặc đã về họ Trịnh, họ Trần (Trần cao) hay họ Nguyễn họ Hoàng. Mạc Đăng Dung chỉ là một người anh hùng lập thân ở thời loạn mà thôi. Trách Mạc Đăng Dung sao không cúc cung, tận tuỵ thờ vua Lê thì có khác gì trách Võ, Thang sao không tận trung thờ các vua Kiệt, Trụ ?
Lẽ ra, Mạc Đăng Dung phải làm công việc của Võ, Thang ngay từ thời Uy Mục và Tương Dực rồi mới phải. Nhưng có lẽ Mạc Đăng Dung còn muốn đợi xem lòng dân thế nào. Đến khi thấy rõ lòng dân Sơn Tây, Thanh Hoá đối với vua Lê, bấy giờ Đăng Dung mới quyết. Như vậy, kể cũng đã thận trọng lắm rồi, chứ không phải hành động vội vàng, mù quáng, lỗ mãng.
Đã không đủ lực lượng hoặc đủ lực lượng mà không muốn thì thôi, chứ đã muốn làm vua mà sợ tiếng nghịch thần thì còn làm vua thế nào được ?
Nếu ai cũng sợ tiếng nghịch thần thì từ thượng cổ đến giờ, trong lịch sử Trung Hoa, Lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử các dân tộc khác, có lẽ chỉ có một dòng họ làm vua, chứ làm gì còn có các nhà Tần, Hán, Đường, Tống, Lê, Lý, Trần, Hồ …
3. Mạc Đăng Dung là người yêu nước thương dân:
Năm Canh tý 1540, Mạc Đăng Dung thấy quân Minh sửa soạn sang đánh Đại Việt; Bèn cùng quần thần lên ải Nam Quan xin dâng đất 5 động Tê phù, Kim lạc, Cổ xung, Liễu cát, La phù và đất Khâm Châu để xin hàng.
Ông Trần Trọng Kim đưa vào việc này mà bảo Mạc Đăng Dung là người phản quốc, vì “ Cắt đất dâng cho người”.
Kể ra làm vua một nước mà phải cắt đất xin hàng giặc thì cũng đáng chê. Nhưng xét kỹ tình thế trong nước thời bấy giờ, trải mấy đời vua Uy Mục, Tương Dực hoang dâm xa xỉ lại thêm triều thần mưu phản, giặc giã đánh phá khắp nơi, nay dù họ Mạc đã dẹp yên bờ cõi, dựng nên nghiệp lớn, nhưng vết thương loạn lạc chưa hàn gắn xong, lòng người còn hoang mang, thì ta thấy họ Mạc không thể nào hành động khác được. Làm khác tức là không chịu hàng. Nghĩa là đánh. Đánh thì tất thua. Thua không vì quân Minh mà thua vì người trong nước. Vì chính người trong nước là cựu thần nhà Lê sang Vân Nam cầu xin quân Minh sang đánh họ Mạc để báo thù cho nhà Lê. Mà thua thì nước ta nhất định sẽ lại mất về giặc Minh như đời họ Hồ .
Tự lượng sức mình và muốn tránh vết xe đổ ngày trước, Mạc Đăng Dung đã phải nhượng bộ, dùng chính sách ngoại giao mềm dẻo để tránh cái hoạ mất nước. Dù có phải hy sinh rất nhiều cũng không từ. Phải cắt đất mấy động giáp địa giới Tầu để xin hàng là vì thế.
Đất cát của tổ tiên quý thật, tấc đất tấc vàng. Nhưng nếu hy sinh đất cát mấy làng (Động tức là làng Thổ Mán ở thượng du) ở nơi biên cảnh mà giữ vững được giang sơn, duy trì được độc lập, thì tưởng cũng không nên tiếc làm gì, nhất là lại đang ở vào tình thế cheo leo như nhà Mạc buổi ấy. Vả lại, cũng không tiếc được, vì tổ quốc và độc lập còn đáng tiếc hơn nhiều. Năm làng biên giới họ Mạc không thể tiếc được cũng như các vua Lê, từ Lê Thái Tổ trở xuống ba năm phải cống nhà Minh một lần, hai người đúc bằng vàng gọi là “ Đại thần kim nhân”.
Việc nhà Mạc nhân nhượng và đút lót vàng bạc cho quân Minh, chỉ là một thủ đoạn ngoại giao mà các triều vua trước áp dụng và sau này chính vua Quang Trung cũng phải áp dụng dù đã đại phá quân Thanh.
Nếu Mạc Đăng Dung cắt đất mấy làng biên giới nhường cho Tầu, để định cuộc hoà hiếu mà là phản quốc, thì không biết phải gọi bọn Trần Thiêm Bình sang Tầu cầu quân Minh về đánh nhà Hồ, bọn cựu thần nhà Lê sang Vân Nam xin quân Minh sang đánh nhà Mạc, vua Chiêu Thống sang cầu quân Thanh sang đánh Tây Sơn v v.. không biết phải gọi bọn ấy là gì ? Vì bọn ấy không chỉ dâng mấy làng mà dâng tất cả giang sơn Tổ quốc cho ngoại bang, đưa cả dân tộc vào vòng nô lệ. Điều đó hẳn tác giả Việt Nam sử lược không lạ gì.
4. Mạc Đăng Dung có tài ngoại giao
Ông trần Trọng Kim chê Mạc Đăng Dung không có nhân phẩm, vì “ làm vua không giữ được danh giá, phải cởi trần ra, trói mình lại để cầu phú quý cho một thân mình”.
Điều này vị tất đã đúng. Việc Đăng Dung cởi trần trói mình xin hàng, nếu là sử Tầu chép thì không đáng tin, không đáng tin như chuyện Triệu Ẩu vú dài ba thước và chuyện hai bà Trưng bị bắt đem về chém đầu ở Lạc Dương.
Nếu là sử ta chép thì tất là chép trong bộ Việt sử toàn thư, hay Quốc sử thực lục, là những bộ sử do chúa Trịnh sai chép từ đời Lê Trang Tông đến đời Gia Tông. Họ Mạc là địch thủ của họ Trịnh và nhà Hậu Lê, do họ Trịnh đỡ đầu, nên rất có thể đã bị sử họ Trịnh thêu dệt xuyên tạc ra để bêu xấu.
Câu chuyện “Cởi trần trói tay” nếu có chép ở đâu thì rất có thể là chép theo nghĩa bóng (như ta nói bó tay chịu chết) là xin đầu hàng và chịu tội, chứ không thể tin “cởi trần bó tay” là chuyện có thực.
Nguyên từ đời Lê, ba năm một lần nước ta phải cống người vàng cho Tầu gọi là “ Đại thần kim nhân”. Tượng người vàng tạc người đội mũ bận đai bào như hình ông vua. Đến đời Mạc nhà Minh buộc Mạc Đăng Dung phải đúc tượng trần cúi mặt để tỏ sự ăn năn hối hận về việc tiếm ngôi nhà Lê. Sang đời Lê Trung Hưng vua Trang Tôn cho đúc tượng mặc áo ngửa mặt như xưa. Tới Quảng Đông, quan Tầu không nhận, buộc phải đúc tượng cởi trần cúi mặt. Ông Lê Quý Đôn biện bạch rằng họ Mạc tiếm vị mới phải đúc tượng hối lỗi, chứ nhà Lê thì đường đường chính thống sao lại phải theo họ Mạc. Sau nhà Minh mới nghe.
Đến đời vua Quang Trung, nước ta không chịu cống người vàng. Vua sai Ngô Thời Nhiệm biện bạch với nhà Thanh đại ý nói: sự cống người vàng khởi từ triều Lê. Đến triều Mạc phải đúc người trần mình phủ phục vì nhà Mạc tiếm vị nên phải chuộc tội. Nay Tây Sơn được thiên hạ một cách đường đường chính chính không phải chuộc tội với ai và cũng không phải trả nợ cho ai. Có lẽ do việc này mà có chuyện nói Mạc Đăng Dung cởi trần bó tay. Cho dẫu chuyện Mạc Đăng Dung “cởi trần trói tay” là chuyện có thực chăng nữa, thì cũng không thể nói là nhằm một mục đích “Cầu cái phú quý cho một thân mình”, như ông Trần Trọng Kim đã nói. Ở đây Mạc Đăng Dung đã lấy tư cách là ông vua một nước xin hàng nhà Minh. Ngoài mục đích cầu phú quý cho mình còn có mục đích giữ cho Tổ quốc, nhân dân tránh được nạn binh đao và vòng nô lệ. Trong cái việc mà ông Trần Trọng Kim bảo “cầu phú quý cho một bản thân mình” đó, có hàm cả cái nghĩa đả phá mưu đồ bán nước của bọn cựu thần nhà Lê.
Nếu không vì một lý do gì khác nữa, tất nhiên là có nhiều lý do chỉ vì một việc mạc Đăng Dung “cởi trần trói mình xin hàng” mà giải được cái nạn vong quốc, thì dễ thường ta phải ca ngợi cái đức hy sinh cao cả của Mạc Đăng Dung, nó tương tự như việc vua Đại Vũ bên Tầu ngày xưa đã cởi trần làm vật hy sinh, phơi mình ra giữa nắng đại hạn như con lợn cạo, để cầu trời mưa (dĩ thân vi hy sinh).
Sự hy sinh đó cao cả vô cùng, vì đã biết quên cái cá nhân nhỏ bé của mình để mưu việc lợi lớn cho dân, cho nước.
Nếu chỉ “cởi trần trói tay” mà giữ yên được xã tắc, thì Mạc Đăng Dung há chẳng đáng khen, đáng phục hơn biết bao nhiêu ông vua khác trong lịch sử đã xua nhân dân ra đánh giặc, vào sinh ra tử, khốn khổ điêu linh trong bao nhiêu năm trời, để cuối cùng lại dâng biểu cầu hoà và tự nguyện làm chư hầu nước ngoài năm năm theo lệ triều cống. Cái cử chỉ hy sinh đó đã hà tiện được bao nhiêu xương máu đồng bào, đã cứu được giang sơn đất nước thoát nạn lầm than, khói lửa. Phương diện nào cũng tốt, nên nhằm một cứu cánh hay.
Việc Mạc Đăng Dung “cởi trần trói tay”, nếu có thật, chẳng có chi là đáng trách cả, vì nó đã đạt kết quả là duy trì được độc lập, hoà bình. Đáng trách trái lại những người xiêm vàng, hốt bạc, ăn bận chỉnh tề mà lại sang Tầu luồn cúi lạy lục, khẩn khoản kêu cầu đem quân sang đánh nước mình để báo thù cho một cá nhân.
Được vua Minh sai mang quân sang định mượn tiếng cứu nhà Lê để đánh cướp lấy nước ta, bấy giờ là đô đốc Cửu Loan làm tướng và Nam Xương Bá Mao Bá Ôn làm tán lý quân vụ. Mao Bá Ôn là một danh nho được vua Minh Gia Tĩnh kính trọng vô cùng. Trước khi cất quân đi vua Gia Tĩnh có tặng Mao Bá Ôn một bài thơ:
Đại tướng Nam chinh đởm khí hào
Yêu hoành Thu thuỷ Nhạn linh đao
Phong xuy đà cổ sơn hà động
Điện thiểm tinh kỳ nhựt nguyệt cao
Thiên thượng kỳ lân nguyên hữu chủng
Huyệt trung lâu nghijkhowir năng đào
Thái bình đãi chiếu quy lai nhựt
Trẫm dữ tiên sinh giải chiến hào .
Lược dịch:
Đại tướng Nam chinh khảng khái sao
Lưng đeo sáng quắc Nhạn linh đao
Gió lay trống trận sơn hà chuyển
Chớp nhoáng cờ dồn nhật nguyệt cao
Trời thẳm kỳ lân sinh giống sẵn
Hang sâu kiến cỏ trốn đàng nào
Thái bình khi chiếu đòi về nước
Trẫm cởi giùm ông chiếc chiến bào.
Khi sang nước ta Mao đưa cho vua quan nhà Mạc bài thơ “ Bèo” như sau này:
Tuỳ điền trực thuỷ mạo ương châm
Đào xứ khan lai thực bất thâm
Không hữu bản căn không hữu cán
Cảm sinh chi tiết cảm sinh tâm
Đồ tri tụ xứ ninh trí tán
Đãn thức phù thi ná thức trầm
Đại tề trung thiên phong khí ác
Tảo quy hồ hải tiện nan tầm .
Lược dịch:
Ruộng nước lênh đênh nhỏ tựa kim
Nơi nơi trông thấy mọc nông mèm
Đã không cành cỗi, còn không gốc
Dám có rễ mầm lại có tim
Nào biết nơi tan, duy biết tụ
Chỉ hay khi nổi, nọ hay chìm
Giữa trời giông tố thình lình nổi
Quét bạt ra khơi, hết kế tìm .
Cụ Trạng Giáp Hải đã hoạ vận gửi lại như sau:
Cẩn lán mật mật bất dung châm
Đới điệp liên căn bất kế tâm
Thương dữ bạch vân tranh thuỷ diện
Khổng giao hồng nhựt chiếu ba thâm
Thiên trùng lăng đả thành nan phá
Vạn trận phong xuy vĩnh bất trầm
Đa thiều ngư long tàng giá lí
Thái công vô kế hạ câu tầm.
Lược dịch:
Vẩy gấm ken dầy chẳng lọt kim
Lá liền rễ mọc kệ nông mèm
Mây bạc không cho soi thuỷ diện
Ánh hồng đâu để dọi ba tâm?
Sóng đồi ngàn lớp khôn xô vỡ
Gió dập muôn cơn khó đánh chìm
Rồng cá ít nhiều nương dưới đó.
Cần câu Lã Vọng hết mong tìm.
Tương truyền đọc thơ hoạ vần của cụ trạng Giáp Hải, Mao Bá Ôn khen nước ta có nhân tài rồi đem quân trở về không sang đánh nữa.
Chuyện đó chắc không thật. Chuyện có thật là chuyện Gia Tĩnh tiễn thơ Mao Bá Ôn và chuyện Mao Bá Ôn xướng hoạ với cụ Trạng Giáp Hải. Cụ Trạng Giáp Hải là triều thần của Mạc Đăng Dung còn dám hoạ vần với tướng Minh bằng những lời mạnh mẽ cứng cáp tỏ vẻ không sợ gì quân Minh. Như vậy, dù Mạc Đăng Dung có sợ quân Minh đến thế nào đi nữa, chắc cũng không đến nỗi phải “cởi trần trói tay” thật sự xin hàng.
Nhân việc hai bên hoạ thơ, ta có thể đoán rằng: hồi đó nước ta dùng ngoại giao để giải quyết việc quân Minh đem binh xâm lăng và cuộc ngoại giao đó đã cho hai bên thân mật, trổ tài văn thi ra với nhâu, cuối cùng ngoại giao đã thành tựu: quân Minh không đánh kéo về. Việc này, tỏ rõ cho biết tài ngoại giao của họ Mạc và xoá nhoà thuyết “cởi trần trói tay”, đây chỉ là sự bịa đặt, là sách nhục mạ, cái võ truyền kiếp của Tầu mà thôi.
Chính trị, quân sự đâu có phải vì một việc “cởi trần trói mình”, mà giải quyết được, Mạc Đăng Dung và tướng Minh đâu lại ngây thơ đến thế.
Nếu bảo rằng xin hàng quân Minh là vô liêm sỉ, là không còn nhân phẩm thì hết thảy các vua, chúa đều vô liêm sỉ, vô nhân phẩm như thế. Vì vua nào cũng vậy, thậm chí dù mới đánh tan được quân Tầu, lại cũng đều sai sứ đem đồ cống phẩm sang Tầu cầu hoà, tự nguyện xin là một nước thần thuộc.
Tháng 3 năm Bính thân 1596, vua Thế Tông nhà Lê sai triều thần đem 100 cân vàng, 1000 cân bạc cùng ấn phong nhà Mạc, ấn phong nhà Lê lên Nam Quan nộp cho quân nhà Minh, quan nhà Minh không nghe, đòi Lê Thế Tông phải thân đến trình kiến. Đến nơi, quân Minh đòi nộp người vàng như tích cũ và không chịu tiếp kiến. Vua Lê đành phải trở về. Đến tháng tư năm sau, sứ nhà Minh mời vua Thế Tông lại cùng triều thần lên hội với quân nhà Minh ở Nam Quan. Vua Minh sau cùng chỉ phong cho vua Lê làm An Nam Đô Thống Sứ như đã phong cho Mạc Đăng Dung trước kia.
Năm mậu thân 1788, theo lời thỉnh cầu của vua Lê, quân nhà Thanh dưới quyền thống lĩnh của Tôn Sĩ Nghị, kéo sang Thăng Long phong cho vua Chiêu Thống làm An Nam quốc vương. Nhưng các giấy tờ văn thư đều đề niên hiệu là Càn Long. Mỗi khi buổi chầu xong, vua lại đến dinh Tôn Sĩ Nghị để chầu trực việc cơ mật quân quốc. Vua chỉ đi với mươi người lính hầu. Có khi Tôn Sĩ Nghị lại không cho vua vào yết kiến, sai người đứng xa truyền ra bảo vua đi về. So với hai ông vua trên thì nhân phẩm Mạc Đăng Dung cao hay thấp hơn ? Sao lại chỉ mạt sát riêng họ Mạc ?
5. Mạc Đăng Dung Vẫn được nhân dân kính phục
Ông Trần Trọng Kim bảo “Một người như thế thì ai mà kính phục”. Thì Mạc Đăng Dung vẫn được người ta kính phục như mọi ông vua khác, không hơn không kém. Nếu không được người ta kính phục thì sao cơ nghiệp nhà Mạc bền lâu được hơn 100 năm, từ năm 1527 đến năm 1668 mới mất hẳn.
Mấy ông quan cựu thần nhà Lê phản đối Mạc Đăng Dung như lấy nghiên mực ném vào mặt, hoặc xông vào đánh Mạc Đăng Dung rồi tự sát… là phản đối việc tiếm ngôi của Mạc Đăng Dung, chứ không phải vì việc Mạc Đăng Dung cắt đất cầu hoà hay “cởi trần trói tay” hàng Minh lúc ấy, hai việc đó chưa sẩy ra. Vậy nói như ông Trần Trọng Kim hẳn là không đúng.
6. Cơ nghiệp nhà Mạc có thật dựng lên bởi sự tàn ác hèn hạ không ?
Ông Trần Trọng Kim căn cứ vào mấy điểm nghịch thần, phản quốc, vô liêm sỉ mà kết luận rằng “ Một cái cơ nghiệp dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế thì không bao giờ bền chặt được”. Mạc Đăng Dung có gian ác hèn hạ hay không thì trên đã nói rồi. Và như vậy thì không thể nói cơ nghiệp nhà Mạc dựng lên trên sự gian ác hèn hạ. Nếu cơ nghiệp nhà Mạc mà là cơ nghiệp dựng lên trên sự gian ác thì cơ nghiệp nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trân, chúa Trịnh cũng dựng lên trên sự gian ác như thế.
Nói đến sự gian ác, hèn hạ thì còn gì gian ác, hèn hạ hơn việc nhà Trần cướp ngôi nhà Lý. Trần Thủ Độ cho cháu trai vào hầu trong cung để trêu ghẹo nữ chúa Chiêu Hoàng còn nhỏ tuổi, mưu cho hai bên lấy nhau, bắt Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Thủ Độ lấy mẹ Chiêu Hoàng là bà Trần Thái Hậu làm vợ mà Trần Thái Hậu là chị em họ với Thủ Độ. Thủ Độ lập mưu giết hết tôn thất nhà Lý và sau bắt Trần Cảnh bỏ Chiêu Hoàng, để lấy chị gái Chiêu Hoàng là vợ Trần Liễu (anh ruột Trần Cảnh), lúc ấy có mang đã ba tháng. Thủ độ lại ra lệnh cho trai gái họ Trần không được lấy họ ngoài.
Dựng lên trên sự gian ác, hèn hạ như thế, vậy mà cơ nghiệp nhà Trần trái với lời ông Trần Trọng Kim bền được tới 175 năm truyền 12 đời vua.
Nói “Cơ nghiệp dựng lên trên sự gian ác thì không bao giờ bền chặt được”, tức là nói: “Cơ nghiệp dựng lên trên điều nhân nghĩa thì được bền chặt”. Cơ nghiệp nhà Tây Sơn thì hẳn là dựng lên trên điều nhân nghĩa, mà không dựng lên trên điều gian ác, hèn hạ .Vậy sao chỉ ngắn ngủi vẻn vẹn được có hơn mười năm trời ?
Coi đó đủ thấy cách lập luận và phẩm bình nhân vật lịch sử của tác giả Việt Nam sử lược chỉ đứng trên nền tảng suy cảm và tư duy cá nhân mà thôi, không hề căn cứ vào thực tiễn và lịch sử, trên cơ sở biện chứng tư duy logic ./.
Sưu tầm: Phạm Xuân Liêu – CT HĐMT tỉnh Ninh bình
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.