- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 20427
- Tổng truy cập: 3,371,055
Sự phát triển của sở hữu tư nhân về ruộng đất thời Mạc 827
- 191 lượt xem
Sự phát triển của sở hữu tư nhân về ruộng đất thời Mạc
Nếu ở thế kỷ XV, phần lớn ruộng đất thuộc quyền quản lý của nhà nước, thì đến thế kỷ XVI, ruộng đất tư ngày một mở rộng.
Số liệu vừa nêu trên về ruộng đất của một số làng xã do văn bia ghi lại cho thấy, dưới thời Mạc, ruộng tư chiếm tới 90% (27/30 mảnh ruộng) ở khu vực chùa làng Thánh Ân (Bắc Ninh), 88% (206/222 mảnh ruộng) ở làng Hòa Niểu (Hải Phòng), 79% (20/29) ở đồng làng Phương Để (Nam Định) và 50% (7/14) ở làng Hậu Bổng (Hải Dương). Điều đặc biệt là số ruộng tư lớn nhất lại nằm ở các làng quê, mà ở đó có nhiều người được hưởng lộc điền. Điều này tương ứng với một số làng quê ở đầu thế kỷ XX như làng Mộ Trạch (Hải Dương) 83% ruộng tư, Dục Tú (Bắc Ninh) 67,60%, Hà Trì (Hà Nội) 65,34%. Tỉ lệ ruộng tư cao xuất hiện ở đầu thế kỷ XIX này, như đã từng xảy ra vào cuối thế kỷ XIV. Dưới thời Mạc, ruộng tư phát triển khá nhanh. Chúng ta không rõ số lượng cụ thể ruộng tư của mỗi người, nhất là của các chủ sở hữu lớn, song qua bảng về số lượng ruộng tư được cúng vào chùa và được lưu truyền sau đây, phần nào lý giải những đặc điểm loại ruộng tư nà ở thời Mạc.
Bảng 14: Ruộng tư cúng vào chùa và lưu truyền về sau
Chủ sở hữu |
Chức danh |
Năm |
Số lượng |
Nguồn gốc ruộng |
Tài liệu |
Đỗ Thị Sâm |
Hậu Phật |
1538 |
1m |
Ruộng tư |
|
Đào Tân |
Tước bá |
1554 |
1m 6s |
Ruộng tư gửi giỗ |
|
Nguyễn Vĩnh Miên |
Thượng thư bộ Lễ |
1557 |
10m |
Lộc điền để cho con cháu |
|
Vị họ Nguyễn |
Dân làng |
1557 |
1s 8t |
Ruộng tư cúng cho làng |
|
|
Thái hoàng Thái hậu |
1561 |
26m 1s |
Phân điền cúng vào chùa |
|
Bà họ Vũ |
Thái hoàng Thái hậu |
1561 |
23m 2s |
Phân điền và mua |
|
Bà họ Vũ |
Thái hoàng Thái hậu |
1562 |
1m 9s |
Phân điền và mua |
|
Vương Ngọc Diên |
Vinh quốc Thái phu nhân |
1571 |
3m |
Ruộng tư |
|
Phúc Tuy |
Công chúa |
1572 |
5m |
Bán ruộng thế nghiệp |
|
Cụ ông, cụ bà |
Dân làng |
1578 |
7m |
Ruộng tư |
|
Bà họ Vũ |
Thái hoàng Thái hậu |
1579 |
1m 5t 2t |
Mua cúng vào chùa |
|
Bà họ Vũ |
Thái hoàng Thái hậu |
1579 |
1m 1s 11t |
Mua cúng vào chùa |
|
Trần Thời Ung |
Phủ sinh |
1579 |
4m 8s |
Lộc điền lưu truyền về sau |
|
Lê Quang Bí |
Thượng thư Quận công |
1579 |
50m, 80, 11m 4s 5t |
Lộc điền, thế nghiệp điền để lại cho con cháu |
|
Mai Thị Ngọc Miêu |
Công chúa |
1579 |
1m |
Mua để cúng |
|
Nguyễn Thị Ngọc Nha |
Trung quận phu nhân |
1579 |
5s |
Ruộng tư |
|
Phạm Thị Tam |
Hậu Phật |
1579 |
1m |
Ruộng tư |
|
Bà họ Bùi |
Thái hoàng Thái hậu |
1582 |
30m |
Phân điền |
|
Thọ Phương |
Công chúa |
1582 |
20m |
Phân điền để bán |
|
Bà Khiêm |
Thái hậu |
1583 |
3m |
Mua để cúng |
|
Vị họ Nguyễn |
Tĩnh Quốc công |
1544 |
55m |
Lộc điền đem bán |
|
Vũ Nho |
Dân làng |
1586 |
5m |
Mua 30 quan/1 mẫu |
|
Mạc Ngọc Liễn |
Quận công |
1586 |
10m |
Phân điền |
|
Công chúa họ Mạc |
Chính phi công chúa |
1589 |
7m |
Phân điền |
|
Mạc Thị Ngọc Ỷ |
Công chúa |
1592 |
2m 8s |
Phân điền |
|
Số ruộng đất trên được cúng vào chùa hoặc gửi lại cho làng xã dùng vào việc cúng lễ, hoặc múa bán, chuyển nhượng cho người sau. Phần lớn số ruộng này là ruộng tư của các thành viên trong Hoàng tộc, của quan lại trong triều, nhất là bà Thái hoàng Thái hậu họ Vũ đã có khoảng 30 mẫu ruộng cúng cho chùa, Mạc Bang Hộ tước Tĩnh Quốc công có 55 mẫu lộc điền ở thôn Bùi (Yên Mô, Ninh Bình) trao lại cho con cái và con cái mang bán đi vào năm 1544, Thượng thư Lê Quang Bí cũng có 50 mẫu ruộng thế nghiệp trao lại cho con cái, Trần Thời Ung phủ sinh có 4 mẫu 8 sào ruộng tư đã gửi cho làng để lo cúng giỗ về sau vì ông không có con cái.
Chính điện thờ Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản (Thái hoàng thái hậu họ Vũ được nhắc đến ở trên)- Vợ của Thái Thượng Hoàng Mạc Đăng Dung tại chùa Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Bà đã bỏ tiền và vận động quan lại triều Mạc mua đất, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ…
Số lượng ruộng đất này chưa hẳn phản ánh đầy đủ toàn bộ số ruộng đất sở hữu của các chủ sở hữu trên, song nhìn chung, ở thời Mạc không có chủ sở hữu lớn về ruộng đất. Số người có số ruộng đất xấp xỉ 10 mẫu chỉ có 7 vị ở thời Mạc, trong khi đó ở thế kỷ XVII, có tới 32 vị. Ngoài ra, tất cả những chủ sở hữu có trên dưới 10 mẫu ở thời Mạc đều là những thành viên của Hoàng tộc hoặc là những đại thần thân thuộc của triều đình. Số dân làng có số ruộng trên 10 mẫu thì hầu như không có ở thời Mạc, trong khi đó ở thế kỷ XVII có 16%.
Theo số liệu phân tích của các nhà sử học thì ở đồng bằng sông Hồng, những người có 10 mẫu ruộng có thể coi là “địa chủ”. Như vậy, thì địa chủ chưa hề xuất hiện ở thế kỷ XVI; đồng thời cũng không có thế lực kinh tế lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng như ở các thế kỷ sau đó, hoặc như một số địa phương ở xã hội Trung Quốc đương thời. Tuy nhiên, ở thời Mạc bắt đầu xuất hiện lẻ tẻ chủ sở hữu ruộng đất là nông dân mà tư liệu văn bia đã ghi nhận được.
Chẳng hạn, trong số 27 chủ sở hữu ruộng đất ở làng Phù Than (Bắc Ninh) thì có 13 vị là nông dân; trong số 206 chủ sở hữu ruộng đất làng Hòa Niểu ( Hải Phòng) có 180 là dân làng, trong đó có một số vị có từ 3 đến 5 mảnh; trong số 20 chủ sở hữu ruộng làng Phương Đề (Nam Định) có 18 nông dân, trong đó 2 vị có 2 mảnh, những người khác có một mảnh. Tuy số ruộng của họ không nhiều, song khá nhiều người có dư ruộng đất để cúng vào chùa, gửi cho làng xã. Một số người già ở thôn Cao Dương (Thái Bình) đã gom góp được 7 mẫu cúng cho chùa làng, Nguyễn Văn Tòng cúng cho làng An Lý (Lý Nhân, Hà Nam) 6 sào 3 thước để dựng miếu thần vào năm 1531, Nguyễn Thị Tam được bầu làm Hậu Phật đã cúng cho làng một mẫu ruộng và 1 chiếc ao để làm đình (Văn bia thời Mạc, Sđd, tr.51), Nguyễn Thị Bảo cúng 3 sào vào chùa của làng bà để gửi giỗ cho cha mẹ, Tạ Bá Thăng cúng 2 sào 5 thước cho chùa để gửi giỗ cho vợ (Văn bia thời Mạc Sđd, tr.197). Trong số những người có ruộng đất tư này, có một số là phụ nữ mà ruộng đất có được là do họ bỏ tiền ra mua hoặc được thừa kế. Việc phụ nữ cũng được thừa kế ruộng đất như nam giới là sự tiến bộ của xã hội đương thời. Điều này từng được quy định thành điều luật sử dụng trong thời kì Lê Mạc.
Ruộng đất ở vùng đồng bằng sông Hồng đương thời vô cùng quý giá,nên số ruộng đất mà từng người cúng vào chùa không nhiều, phổ biến là trên dưới một sào, số khác chỉ có vài thước, thậm chí vài khấu, như vợ chồng Phạm Lương cúng 2 thước ruộng, Nguyễn Viết Khang cúng 3 khấu đất vào chùa Sùng Khang (Hải Phòng) năm 1586. Vì thế mà, phần nhiều người công đức cho chùa, quán đương thời đều cúng tiền bạc hơn là cúng ruộng, như bà Thái hoàng Thái hậu có tới 6.000 lá vàng để cúng cho các chùa, trong khi số ruộng cúng chỉ có 30 mẫu; Mai Thị Ngọc Miêu cúng 30 lạng bạc trong khi chỉ cúng 1 mẫu ruộng cúng; vợ chồng Thái bảo Mạc Ngọc Liễn cúng tiền bạc cho hàng chục ngôi chùa quán, trong khi đó chỉ có 10 mẫu ruộng cúng cho quán làng mình – Linh Tiên quán (Hoài Đức – Hà Nội). Ngoài ra, rất nhiều quan lại, thành viên trong Hoàng tộc hầu như chỉ công đức bằng tiền bạc. Có lẽ phần lớn số ruộng đất công làng xã đều đã được dùng để cấp làm lộc điền và binh điền. Nhà nước đã không còn ruộng quân điền để ràng buộc dân làng như thời Lê sơ nữa. Kết quả là không ít nông dân không có ruộng đất để cày cấy. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự mở rộng ngành nghề, nhất là thợ thủ công và buôn bán nhỏ nơi thôn quê; đồng thời là cơ sở khuyến khích việc tích lũy tiền bạc để mua sắm ruộng đất, khiến ruộng đất tư ngày càng mở rộng dưới thời Mạc.
Trong sản xuất nông nghiệp, sử liệu cho thấy, ở chừng mực nào đó, triều Mạc đã có sự chú trọng đáng kể, nhất là trong quản lý ruộng đất và chú trọng đến sản xuất nông nghiệp. Để chăm lo về nông nghiệp, mỗi địa phương đều đặt quan Khuyến nông sứ và Hà đê sứ trực tiếp lo sản xuất, đề phòng lũ lụt. Nhiều đê sông được bồi đắp như đê Chân Kim (nay thuộc vùng Kiến Thụy, Hải Phòng), đê Kinh Điền (An Lão, Hải Phòng) và đê Hà Nam (Yên Hưng, Quảng Ninh), mà ngày nay dân gian vẫn truyền gọi là “ đê nhà Mạc”. Đặc biệt vùng xung quanh Dương Kinh nhà Mạc cho đào kênh núi Voi ( thuộc huyện An Lão) và kênh Cái Giếng (huyện Vĩnh Bảo) mà đốc công chính là quận công Nguyễn Công Đích, người làng Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh), nên thường gọi là kênh cụ Thượng quận Phù Lưu. Cả vùng Dương Kinh này vì thế, sản xuất nông nghiệp khá phát triển mà cháu con dân làng ở đây về sau vẫn mãi ngợi ca: “ Mạc triều hưng thịnh, thiên hạ yên bình. Phá điền trị thủy, nông phu ổn định, nhi hòa cốc phong đăng” ( Triều Mạc hưng thịnh, thiên hạ thái bình. Khai khẩn đất đai, ngự trị sông nước, nông dân ổn định, lúa đồng tốt tươi). Vùng Gia Viễn (Ninh Bình) cũng có kênh nước được đào dưới thời Mạc để phục vụ tưới tiêu nước ngọt trong vùng, nay được truyền ngôn là “ kênh nhà Mạc”. Điều này cũng từng gặp những nhận xét tương tự của Phan Huy Chú là “ Đăng Doanh (1530 – 1540), một ông vua tính khoan hậu. Ông luôn giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi là thời trị bình vậy”. Các sử gia Lê – Trịnh, như Lê Qúy Đôn, cũng có lúc từng ghi nhận sự ổn định, phồn vinh của xã hội đương thời như đã nêu ở trên. Sự ổn định này kéo dài nhiều năm trong thời kì trị vì của những vị vua đầu của nhà Mạc ở nhiều vùng đất nước, nhất là vùng châu thổ sông Hồng.
Đối với vùng đất phía Nam, đặc biệt là vùng Thuận Hóa và Quảng Nam, Dương Văn An từng viết vào thời kì đầu nhà Mạc còn trị vì ở đây: “ Tháng 4, tháng 5, lúa chín đầy đồng, gặt hái không kịp; tháng 6, tháng 7 thả trâu ngoài đồng, cả tuần không cần chăn dắt”. Vùng rừng núi phía Bắc như Tuyên Quang, Hưng Hóa, Ninh Sóc và Lạng Sơn, cũng đều là vùng đất hết sức trù phú, như Thái sư Trịnh Kiểm nhận xét: “ Nơi đó, 4 xứ: Tuyên Quang, Hưng Hóa, Ninh Sóc, Lạng Sơn, dân chúng giàu có, tiền thóc dư thừa…”.
Xã hội dưới thời Mạc thực sự ổn định trong nhiều năm đầu. Phần lớn các vùng đất do nhà Mạc cai quản đều khá yên ổn cả về kinh tế và an ninh chính trị. Trong đó, đặc biệt trù phú là vùng châu thổ sông Hồng mà trung tâm là Dương Kinh và vùng lân cận; ngoài ra là các vùng rừng núi phía Bắc là vùng Thuận Quảng ở phía Nam, trong thời kì đầu dưới sự cai quản của vương triều này.
Tác giả: Đinh Khắc Thuân
Nguồn: Góp phần nghiên cứu Lịch sử Vương triều Mạc
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.