- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 18205
- Tổng truy cập: 3,369,770
SỬ LIỆU THÀNH VĂN VÀ TRUYỀN MIỆNG VỀ HOÀNG ĐẾ MẠC KÍNH VŨ Ở VIỆT NAM 623
- 193 lượt xem
SỬ LIỆU THÀNH VĂN VÀ TRUYỀN MIỆNG VỀ HOÀNG ĐẾ MẠC KÍNH VŨ Ở VIỆT NAM
T.S. Trần Thị Thanh Vân
Ths. Phan Đăng Thuận
Sử liệu là cơ sở khoa học để nhận thức lịch sử. Hiện nay, trong nghiên cứu lịch sử, chúng ta chia sử liệu thành mấy loại chủ yếu sau: sử liệu vật thực, sử liệu hình ảnh, sử liệu dân tộc học, sử liệu ngôn ngữ học, sử liệu truyền miệng, sử liệu viết. Các nguồn sử liệu này luôn bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình nhận thức lịch sử. Nghiên cứu về cuộc đời thăng trầm của Hoàng đế Mạc Kính Vũ được các nhà sử học khai thác từ nhiều chiều, dựa trên các nguồn sử liệu đáng tin cậy. Tuy nhiên, trong khuôn khổ tư liệu chúng tôi tiếp cận được, giữa sử liệu thành văn và sử liệu truyền miệng về nhân vật này không thống nhất, thậm chí đôi lúc còn có sự mâu thuẫn.
1. Vê tư liệu thành văn:
Các sách sử của Việt Nam đều viết về Mạc Kính Vũ như sau:
Đại Việt sử ký tục biên chép: “Tháng tám [năm Đinh Tỵ-1677], bọn Đinh Văn Tả cả phá quân Nguyên Thanh (Mạc Kính Vũ) ở Cao Bằng. Nguyên Thanh chạy đến Long Châu (Trung Quốc), dư đảng đều tan vỡ. Bốn châu lấy lại và được yên”[1].
Ngô Cao Lãng viết: “Tháng 8, mùa thu [năm Đinh Tỵ-1677]. Bọn Đinh Văn tả cả phá Nguyên Thanh ở Cao Bằng. Nguyên Thanh chạy đi Long Châu, dư đảng đều tan vỡ. Bốn châu do đó được lấy lại và yên”[2].
Các sử gia triều Nguyễn cũng khẳng định: “Tháng 8 năm này [Đinh Tỵ-1677], bọn Đinh Văn Tả đánh phá được Kính Vũ ở Cao Bằng, Kính Vũ chạy sang Long Châu, đồ đảng còn lại đều tan vỡ”[3].
“Đến tháng 8 năm Đinh Tỵ (1677) Đinh Văn Tả lấy được thành Cao bằng, Mạc Kính Vũ cùng họ hàng chạy sang Long Châu, bị quan nhà Thanh bắt giải sang trả cho An Nam”[4].
Như vậy, các tư liệu mà chúng tôi vừa dẫn ra ở trên đều thống nhất với nhau rằng: năm 1677, Mạc Kính Vũ thua trận ở Cao Bằng, phải chạy sang Long Châu (Trung Quốc) và cũng không cho biết cụ thể số phận của ông về sau như thế nào. Sự kiện năm 1677 cũng đồng nghĩa với việc nhà Mạc hoàn toàn kết thúc giai đoạn ở Cao Bằng.
2. Về tư liệu truyền miệng:
Khi đi điền dã lên Cao Bằng, chúng tôi được nghe kể chuyện hoàng đế Mạc Kính Vũ giữ thành Phục Hoà trong thời gian 8 năm (1677-1685). Thành Phục Hoà được nhà Mạc xây dựng từ giữa thế kỷ XVII, nằm ở phía Đông của huyện Phục Hòa. Xưa có 4 đường thành khép kín và một đường thành án ngữ bên ngoài. Thành án ngữ cách thành phía Bắc khoảng 800m. Vật liệu xây dựng bởi đá và gạch vồ nung chín hòa vôi tẩm mật mía rất vững chắc. Hiện nay thành còn khoảng 40m, thành gạch còn tương đối nguyên vẹn, nhất là ở đoạn trụ sở xã Hòa Thuận. Phục Hoà cũng rất gần với Long Châu (Trung Quốc)
|
Gạch vồ ở thành Phục Hoà (ảnh Phan Đăng Thuận)
Cuối năm 1677, Mạc Kính Vũ thua trận phải bỏ lại Vương phủ ở Cao Bình và chạy về cố thủ ở thành Phục Hoà. Khi biết tin Mạc Kính Vũ đang cố thủ ở thành Phục Hòa, Đinh Văn Tả cho quân về đóng ở Tổng Lao (Cao Tiên) ngày nay để bao vây Phục Hòa. Quân của hai bên chỉ cách nhau bởi dòng sông Bằng. Tướng Đinh Văn Tả bao vây thành Phục Hòa 8 năm trời. Vậy tại sao thời gian bao vây của tướng Tả lại kéo dài đến như vậy? Điều này có thể lý giải như sau:
Một là tướng Đinh Văn Tả thừa hiểu rằng lúc này quân Mạc đã ở vào thế đường cùng. Nếu tấn công, quân Mạc sẽ liều chết phản công. Như vậy cả hai bên đều phải chịu tổn thất lớn.
Hai là cũng trong thời gian này, Đinh Văn Tả bắt được hai cô gái ở Phiềng Lâu. Hai cô khai là quê ở Ba Bể, bố mẹ mất sớm nên phải đi ở với họ hàng. Bị gả bán, hai cô bỏ trốn nên không biết đi đâu. Cảm thương cho hoàn cảnh của hai nàng, Đinh Văn Tả giữ lại làm tỳ nữ. Chính hai cô cũng khuyên Đinh Văn Tả không nên tấn công quân Mạc ở thành Phục Hoà bởi vì “Quân Mạc đã đến nước đường cùng, nên lấy khoan dung tạo lối thoát. Nếu tiến công ngay thì “cùng quá hóa liều”, đôi bên đều tổn thất”. Bởi vậy Đinh Văn Tả bàn với hai cô, muốn kéo dài cuộc vây hãm thì phải tổ chức sản xuất tự túc lương thực để nuôi quân, đồng thời, để yên lòng binh sĩ nên phải tổ chức vui chơi cho binh lính, tăng cường mối giao lưu với nhân dân, cùng cày cấy, cùng vui chơi múa hát. Hai cô được giao tổ chức múa hát trong những đêm trăng sáng, hiện nay còn tồn tại tiếng hát lượn Slương, lượn Nàng Hai (nàng trăng)[5].
Thời gian bao vây kéo dài, lại nghe tin Đinh Văn Tả bắt được hai cô gái xinh đẹp, vua Lê sinh nghi nên ra lệnh cho công tấn công trước mùa gặt (tháng 10/1685). Khi biết tin vua Lê ra lệnh tấn công thành Phục Hoà, hai nàng đã trẫm mình xuống dòng sông Bằng và để lại cho tướng Đinh Văn Tả một bức thư. Trong thư, cô cả tự thú mình là công chúa nhà Mạc còn cô bạn là chị em kết nghĩa. Hai cô mang ơn cứu mạng của Đinh Văn Tả, tình thế lúc này, nếu không ủng hộ ông tấn công thành Phục Hoà sẽ mang tiếng vô ơn, còn nếu ủng hộ tấn công Phục Hoà lại mang tội bất hiếu với tổ tiên. Bởi vậy, hai cô nguyện lấy cái chết để bày tỏ tấm lòng.
Cảm động bởi tấm lòng của hai nàng, Đinh Văn Tả quyết định lùi thời gian tấn công là 100 ngày và tổ chức lễ tang chu đáo cho hai cô. Cũng trong thời gian này, Đinh Văn Tả đã cử người thân tín sang thuyết phục quân Mạc tự giải giáp. Ông cam kết sẽ tạo điều kiện cho những người trong hoàng tộc Mạc tìm nơi ẩn tích, tuỳ nghi di tản, hàng binh sẽ được đối xử tử tế và cho về quê cũ làm ăn.
Cuối năm 1685, quân của Đinh Văn Tả tấn công vào thành Phục Hoà thì cửa thành bỏ ngỏ, quân Mạc án binh bất động xin hàng. Việc tấn công thành Phục Hoà không mất một hòn tên mũi đạn nên nơi đây được đặt tên là Quy Thuận, sau đổi tên là Hoà Thuận.
Và sau biến cố năm 1685, cùng với nhiều vương gia nhà Mạc, Mạc Kính Vũ đi đâu cũng không ai biết.
Trong nhiều lần đi nghiên cứu về hậu duệ của họ Mạc, chúng tôi đã tìm đến hậu duệ của Nguyễn Hữu Pháp ở Vĩnh Phúc. Hiện nay, hậu duệ của Nguyễn Hữu Pháp có 4 chi sống ở huyện Lập Thạch và huyện Vĩnh Tường.
Ở huyện Vĩnh Tường, xã Việt Xuân có ngôi chùa Xuân Sơn Tự mà dân gian quen gọi là chùa Trống. Xung quanh chùa Xuân Sơn Tự cũng có chi thứ 4 của Nguyễn Hữu Pháp sinh sống. Theo truyền ngôn để lại thì Nguyễn Hữu Pháp là con trai trưởng của Mạc Kính Vũ. Sau khi Cao Bằng thất thủ, Mạc Kính Vũ cùng gia đình xuôi theo dòng sông Bằng chạy về đây. Chính ông đã xây dựng và đi tu ở tại chùa Trống. Hiện nay, tại chùa Trống còn có mộ của công chúa Mạc Chính Lan và Mạc Kính Vũ. Năm 1965, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt vùng Việt Trì. Bởi vậy, khi bộ đội đào đất để xây dựng trận địa pháo đã làm lộ thiên một ngôi mộ của công chúa. Ngôi mộ có kết cấu trong quan ngoài quách.
Lần theo lịch sử, có thể hiểu rằng, để đề phòng sự truy sát của chính quyền Lê -Trịnh, Mạc Kính Vũ đã cho người con trai là Nguyễn Hữu Pháp chạy về vùng Tiên Lữ, Lập Thạch ngày nay. Tại đây, Nguyễn Hữu Pháp đã hưng công xây dựng chùa Tiên Lữ. Tại khu mả vàng vẫn còn có mộ của Nguyễn Hữu Pháp. Hiện tại, ông Nguyễn Hữu Hạnh, cán bộ văn hoá xã đồng thời cũng là tộc trưởng của 4 chi họ Nguyễn hậu duệ của Nguyễn Hữu Pháp. Ông có cho chúng tôi xem một văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương. Trong văn bản này, ông Hạnh khẳng định: “Ông cha chúng tôi vốn là dòng dõi họ Mạc, đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm. Tháng 8/1677, Vương triều Mạc thất thủ ở Cao Bằng, phải chạy đi khắp nơi đổi họ, thay tên, mai danh ẩn tích, tránh sự truy sát của nhà chúa Trịnh. Khi đó đã có những thân vương nhà Mạc về tại xã Tiên Lữ để mai danh ẩn tích”. Theo dân gian truyền miệng, khi về đến xóm chùa xã Tiên Lữ, những người này có đem theo nhiều báu vật của triều đình nhà Mạc như Mi môn, Cửu long tranh châu, Ấn tín, Gia phả cổ của 10 đời vua Mạc, đồ thờ cúng… nhưng đến nay đã bị thất truyền, không còn lưu giữ được.
Theo lời kể của ông Đỗ Văn Ngạn, là đảng viên, hiện đang nghỉ hưu tại xã Tiên Lữ thì năm 1961 một đoàn cán bộ của Bộ Văn hóa có về gia đình ông để tìm kiếm báu vật của Vương triều Mạc, nhưng lúc đó cụ nhà ông ấy phải dấu kín thân phận nên không khai báo gì. Đến năm 1965, Bộ Văn hóa lại cử người về nhà ông Ngạn một lần nữa để tìm kiếm một mảnh đĩa cổ, lúc đó cũng có mặt của ông Đỗ Văn Ngạn. Theo lời ông Ngạn kể thì cán bộ của Bộ Văn hóa có nói với gia đình ông ấy rằng: khi thất thủ Cao Bằng, nhà Mạc phải ly tán tránh sự truy sát của chúa Trịnh nên cắt một cái đĩa thành bốn mảnh chia cho bốn anh em, mỗi người giữ một mảnh, giao ước với nhau rằng, khi nào đất nước thanh bình anh em gặp lại nhau mỗi người một mảnh ghép vào thấy khớp thì đúng là con cháu nhà Mạc. Cán bộ của Bộ Văn hóa nói rằng, được biết ở Thanh Hóa giữ một mảnh, Hải Phòng giữ một mảnh, còn ở Tiên Lữ – Lập Thạch giữ một mảnh, Cao Bằng giữ một mảnh.
Như vậy, nguồn tư liệu điền dã đều thống nhất rằng: Mạc Kính Vũ không nhảy xuống sông Bằng tự vẫn, cũng không chạy sang Trung Quốc mà ông xuôi theo dòng sông Hồng về ẩn tích ở Vĩnh Phúc.
Kết luận:
Tại sao giữa tư liệu thành văn và tư liệu truyền miệng về Mạc Kính Vũ lại có sự khác biệt như vậy? Điều này có thể lý giải như sau:
Một là, “Các sử quan của nhà Lê trung hưng viết về nhà Mạc cũng viết không đến nơi đến chốn”[6]. Họ tìm mọi cách để xoá bỏ các thành tựu của nhà Mạc đối với lịch sử dân tộc. Viết về số phận thăng trầm của nhà Mạc nói chung và Hoàng đế Mạc Kính Vũ thời kỳ này, tư liệu không nhiều, đa phần bỏ lửng.
Hai là, cũng có thể, việc mai danh ẩn tích của Mạc Kính Vũ trong cộng đồng cư dân ở miền trung du Việt Trì rất chắc chắn, khiến các sử gia thời đó không có được thông tin chính xác.
Trước thực tế đó, đối với thời kỳ nhà Mạc ở Vĩnh Phúc, việc nghiên cứu sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguồn sử liệu vốn dĩ đã khan hiếm lại có nhiều độ vênh nên sẽ khó đồng nhất, đòi hỏi chúng ta cần có lập trường khoa học và tư duy biện chứng cao. Thiết nghĩ, việc kết hợp, đối chiếu giữa sử liệu thành văn và sử liệu truyền miệng cũng sẽ gợi mở cho chúng ta nhiều hướng giải quyết. Trả lại sự thật cho thân phận Hoàng đế Mạc Kính Vũ cũng như gia tộc dòng họ Mạc thời kỳ loạn lạc ở Vĩnh Phúc là trách nhiệm và lương tâm của các nhà sử học chân chính.
[1] Đại Việt sử ký tục biên, Nxb. Văn hoá Thông tin-Hà Nội-2011, tr 19
[2] Ngô Cao Lãng: Lịch triều tạp kỷ, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội-1995, tr 69
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, Hà nội-2007, tr 340
[4] Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, Nxb. Văn hoá Thông tin, Hà Nội-1999, tr 331
[5] Vấn đề này xin đọc thêm Nguyễn Xuân Toàn: Công chúa Mạc Thị Tuyết Lan nặng lòng hiếu nghĩa, Tạp chí xưa nay số 346 (12-2009).
[6] Nguyễn Huệ Chi: Một số đặc điểm của văn học thời Mạc, Tạp chí Xưa-Nay số 385 tháng 8-2011.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.