- Đang online: 4
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 16772
- Tổng truy cập: 3,369,217
SAO LẠI PHẢN ĐỐI ĐẶT TÊN ĐƯỜNG MẠC THÁI TỔ ? – (Hoàng trần Hòa Trích Báo Nguồn Việt) – 13/06/2015 – THÀNH NHẬT
- 259 lượt xem
SAO LẠI PHẢN ĐỐI ĐẶT TÊN ĐƯỜNG MẠC THÁI TỔ ?
(Hoàng trần Hòa Trích Báo Nguồn Việt)
13/06/2015 – THÀNH NHẬT
7 bài viết
Vì thế, việc phản đối đặt tên đường Mạc Thái Tổ là không có cơ sở. Có chăng, đó chỉ là sản phẩm của một thứ chủ nghĩa dân tộc lạc loài, một tâm lí “chính thống” không đến nơi và một “chiêu bài” chống Trung Quốc mang màu sắc hiện tại mà thôi…
Vua Việt Nam thường được sử gia và đời sau gọi bằng Miếu hiệu (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông…) cá biệt có nhà Nguyễn gọi bằng Niên hiệu (Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức) chứ ít nào khi gọi bằng Thụy hiệu (Vũ đế, Văn đế, Thiếu đế, Phế đế…)
Miếu hiệu, thường được bắt đầu từ Thái Tổ (hoặc Cao Tổ) rồi đến Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông… cứ thế truyền mãi cho đến đời sau. Ở Việt Nam, chỉ có triều Lý, Trần, Hậu Lê có Thái Tổ còn các triều Đinh, Ngô, Tiền Lê và Nguyễn đều không có. Gia Long có miếu hiệu là Thế Tổ, chữ “Thế” ở đây đồng nghĩa với chữ “Thái” nhưng về ngữ cảm, thì kém chữ “Thái” một bậc (tỉ như “Thái tử” là con Hoàng đế, còn “Thế tử” chỉ là con bậc Vương, công).
Việc xác định ai là Thái Tổ và khi nào được đặt miếu hiệu Thái Tổ rất quan trọng, không phải cứ thích là làm. Chẳng hạn như Trần Cảnh là vua đầu tiên của triều Trần nhưng do cha (Trần Thừa) vẫn còn sống nên chỉ có miếu hiệu Thái Tông. Lại như trường hợp của Nguyễn Huệ được đặt miếu hiệu Thái tổ Vũ Hoàng đế nhưng vua đầu tiên của triều Tây Sơn lại là Nguyễn Nhạc (niên hiệu Thái Đức).
Thông thường miếu hiệu Thái Tổ được đặt cho vị vua sáng nghiệp. Nếu xét theo nghĩa đó thì bất cứ vị vua sáng nghiệp nào cũng có thể đặt miếu hiệu Thái Tổ. Và như vậy Mạc Đăng Dung với tư cách người sáng lập triều Mạc hoàn toàn được đặt miếu hiệu Thái Tổ, không có gì phải bàn cãi.
Nhưng ở đây, khi xem xét lại lịch sử, nhiều người lại cho rằng Mạc Đăng Dung không đáng có miếu hiệu Thái Tổ, vì rằng ông ta “cướp ngôi” của triều Hậu Lê.
Đây là một quan điểm rất siêu hình trong nhận định và đánh giá nhân vật lịch sử. Bởi việc thay đổi triều đại tuân theo những quy luật khách quan chứ chẳng tuân theo ý muốn chủ quan của người nào. Nhà Hậu Lê (Lê sơ) trải qua 7 đời thịnh trị đến 3 đời suy vong, đã mất đi vai trò lãnh đạo đất nước. Lúc đó việc xuất hiện Mạc Đăng Dung là một tất yếu khách quan để lập lại trật tự xã hội chứ không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Trước Mạc Đăng Dung đã có Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Tuy… với khát vọng thống nhất quyền lực nhưng những nhân vật này không đủ năng lực thực hiện. Chỉ có Mạc Đăng Dung làm được, điều đó cho thấy ông ta là người được lịch sử lựa chọn. Và việc thành lập vương triều Mạc trên cơ sở phế bỏ vua Lê là một hành động hợp với quy luật của thời thế.
Nếu bảo Mạc Đăng Dung “cướp ngôi” nên không đáng có miếu hiệu Thái Tổ thì phải nói thế nào về cuộc “cách mạng nhung” của Lý Công Uẩn? Chẳng phải họ Lý đã thừa hưởng cơ nghiệp của họ Lê sao? Vậy tại sao Lý Công Uẩn có miếu hiệu Thái Tổ mà Lê Hoàn lại không, trong khi Lê Hoàn cũng được binh sĩ tôn lên ngôi Hoàng đế chứ chẳng phải thoán đoạt gì? (Cũng tương tự trường hợp của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn được binh sĩ tôn phù)
Ở đây, Mạc Đăng Dung cũng rơi vào trường hợp giống Lưu Dụ. Lưu Dụ là quyền thần nhà Đông Tấn, soán ngôi vua mà lập ra nhà Tống (Lưu Tống). Nhưng Lưu Dụ trước sau vẫn được đặt miếu hiệu Cao Tổ mà chẳng thấy sử gia Trung Quốc bác bỏ gì, còn ở Việt Nam thì “xôn xao” cả lên, bảo rằng “ép” vua nhường ngôi thì không được đặt Thái Tổ? Lại còn quy chụp kiểu: công nhận miếu hiệu Thái Tổ của Mạc Đăng Dung là công nhận hành động bán nước (?!)
Quay lại với con đường tiến đến ngôi Hoàng đế của Mạc Đăng Dung, ông xuất thân từ một võ cử, rồi dần dần được thăng lên các chức vụ khác nhau. Trong thời biến loạn ông trổ tài đánh dẹp các thế lực cát cứ khác, đảm bảo sự thống nhất của đất nước về mặt chính trị cũng như lãnh thổ. Đứng trước sự bất lực của nhà Lê, Mạc Đăng Dung phế Lê Cung Hoàng mà lập nên triều đại mới. Đó hoàn toàn là quy luật lịch sử.
Nhà Mạc thành lập từ năm 1527, trải 5 đời vua thì bị Trịnh Kiểm đánh bật ra khỏi Thăng Long. Nhưng “con sâu trăm chân, chết vẫn không ngã”, con cháu họ Mạc rút lên Cao Bằng và duy trì được chính quyền ở đó đến tận năm 1677 mới chấm dứt, tổng cộng 150 năm.
Giờ, chính quyền Hà Nội đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ ở Hà Nội có nhiều người phản đối kiểu: tại sao lại vinh danh một ông vua cướp ngôi, tại sao lại đặt là Mạc Thái Tổ…rồi suy diễn ra cả các chuyện thời sự đương thời (?!)
Đặt tên Mạc Thái Tổ là đúng, vì bản thân Mạc Đăng Dung đáng được hưởng miếu hiệu Thái Tổ, còn xét về mặt lịch sử, Mạc Đăng Dung hoàn toàn có những đóng góp nhất định cho đất nước. Việc sử nhà Lê viết ông đầu hàng nhà Minh, dâng đất đai là sai. Các sử gia đời trước (như Nguyễn Văn Siêu) và các sử gia đời nay đều chứng minh rằng không có chuyện cắt đất, còn việc đầu hàng chỉ là giả hàng mà thôi. Hơn nữa, khi Mạc Đăng Dung làm vua (tính cả thời nhiếp chính Đăng Doanh – Phúc Hải) chính sự ổn định, nhân dân được sống yên bình, không phải chịu sưu thuế khổ cực như cuối thời Hậu Lê, ông cũng quan tâm đến phát triển văn hóa – giáo dục bằng cách tu bổ Văn Miếu, mở khoa thi… Khác với các vua có truyền thống “tru diệt” dòng vua cũ, Mạc Đăng Dung không truy sát dòng họ Lê ở Lam Kinh. Đó là cái Đức của bậc minh vương.
Vì thế, việc phản đối đặt tên đường Mạc Thái Tổ là không có cơ sở. Có chăng, đó chỉ là sản phẩm của một thứ chủ nghĩa dân tộc lạc loài, một tâm lí “chính thống” không đến nơi và một “chiêu bài” chống Trung Quốc mang màu sắc hiện tại mà thôi…
Xin được bổ sung rằng (BBT): Việc không truy sát người làm việc cho triều đại (chế độ) cũ, đã được lịch sử minh chứng một lần nữa, đó là sau ngày đất nước ta được hoàn toàn giải phóng, dân ta được độc lập, tự do, hai miền Nam Bắc được thống nhất một nhà, sau Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975. Tính nhân văn, đại nghĩa, lòng nhân ái của người Việt đã có từ cội rễ của các bậc hiền nhân thuở trước (mà tiêu biểu là thời Mạc Đăng Dung) đã được Đảng và dân ta thể hiện bằng chính sách nhân hậu với những người theo chính quyền Ngụy Việt Nam Cộng hòa, sau toàn thắng mùa Xuân 1975 lịch sử ./.
Ảnh: Tượng Mạc Thái Tổ thờ tại KTN Vương triều Mạc ở Hải Phòng
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.