- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 20312
- Tổng truy cập: 3,371,016
ĐỒNG CHÍ TRƯỞNG BAN TUYÊN TRUYỀN CỦA TỈNH NGHỆ AN KHÓA ĐẦU TIÊN (1930) MANG HỌ GÌ? Trương Quế Phương 829
- 184 lượt xem
ĐỒNG CHÍ TRƯỞNG BAN TUYÊN TRUYỀN
CỦA TỈNH NGHỆ AN KHÓA ĐẦU TIÊN (1930)
MANG HỌ GÌ?
Trương Quế Phương
Từ mùa xuân năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới ngọn cờ đỏ búa liềm, đã có hàng ngàn người dân yêu nước Nghệ An đứng lên theo Đảng làm cách mạng. Được tôi luyện trong đấu tranh, đã có hàng trăm người trở thành những chiến sỹ cộng sản kiên cường. Với một số lượng đảng viên đông thì việc nhầm tên hoặc nhầm họ của người này sang người khác là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, số chiến sỹ cộng sản tiêu biểu được Đại hội Đảng bộ Nghệ An lựa chọn để bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy khoá I thì chỉ có 7 đồng chí. Trong quá trình đi sưu tầm tư liệu ở các huyện, không có một địa phương nào tìm được người mang đúng họ tên là Nguyễn Trần Thâm có tên trong danh sách Ban Chấp hành Tỉnh ủy Khóa đầu tiên . Một câu hỏi đặt ra đã từ lâu trong tôi, vậy đồng chí Trần Thâm mang họ gì? Thời gian ngày càng lùi về quá khứ, nhân chứng lịch sử ngày một ít dần, tôi thấy, nếu như không trao đổi để trả lại họ cho đồng chí Trần Thâm thì cái sai cứ kéo dài năm này qua năm khác. Vì vậy, bài viết này cung cấp một số tư liệu lịch sử về thân thế, quê hương, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Thâm, cuối cùng để khẳng định một vấn đề: đồng chí Thâm có phải mang họ Nguyễn như sử sách đã in hay không?
Theo tài liệu cuốn “Những kỳ Đại hội Đảng bộ Nghệ An”của Nhà xuất bản Nghệ An, vào cuối năm 1992, trong lời nói đầu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Bá đã viết: “Để giúp bạn đọc tìm hiểu về các kỳ Đại hội của Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho xuất bản cuốn “Những kỳ Đại hội Đảng bộ
Nghệ An” từ 1930 – 1992” (Sơ thảo). Ở trang thứ 7 có đăng danh sách Ban chấp hành khoá một năm 1930 với nội dung như sau: “ Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành chính thức đầu tiên của Đảng bộ, gồm các đồng chí:
1. Trần Thị Minh Châu; 2. Tôn Gia Chung; 3. Nguyễn Sinh Diên; 4. Phan Đình Đồng; 5. Nguyễn Trần Thâm; 6. Phạm Huy Thường; 7. Nguyễn Tiềm
(Bí thư)”. Đến năm 1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, Tập I (1930- 1954) để xuất bản vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2/1998.
Cuốn sách Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, Tập I (1930- 1954),
ST. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1998 ghi :
– Chịu trách nhiệm xuất bản: GS Trần Nhâm.
– Chỉ đạo biên soạn, gồm có các đồng chí: Nguyễn Bá, Hồ Xuân Hùng, Lê Doãn Hợp, Nguyễn Như Vỹ, Trương Công Anh, Trần Hữu Ích.
– Ban Nghiên cứu biên soạn gồm các đồng chí: Bùi Ngọc Tam (chủ biên), GS Phan Đại Doãn, Hoàng Minh Truyền, Ngô Đức Khánh, Dương Văn Em. Tại trang 72 của cuốn sách cũng đã viết: “Vào cuối tháng 10/1930…, Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại làng Đồng Xuân (nay thuộc xã Xuân Tường, Thanh Chương). Xứ ủy Trung kỳ đã phái một đại biểu về dự và chỉ đạo Đại hội… Đại hội đã bầu Ban chấp hành chính thức của Đảng bộ gồm các đồng chí: Nguyễn Tiềm (Bí thư), Tôn Gia Chung, Nguyễn Sinh Diên, Phan Đình Đồng, Nguyễn Trần Thâm, Phan Huy Thường, Trần Thị Minh Châu.”
Như vậy, họ và tên đồng chí Nguyễn Trần Thâm tiếp tục được ghi chép lại giống như cuốn Những kỳ Đại hội Đảng bộ Nghệ An. Nếu ta căn cứ vào hai nguồn tài liệu có thể gọi là gốc đó thì rõ ràng đồng chí Trần Thâm được mang họ Nguyễn.
Tuy nhiên, thực tế đồng chí Thâm không phải mang họ Nguyễn như các sách đã ghi chép. Bởi vì trong các sách lịch sử Đảng bộ của tất cả các huyện ở Nghệ An không hề ghi chép có đồng chí nào mang tên là Nguyễn Trần Thâm trong Ban chấp hành Tỉnh ủy khoá thứ nhất.
Trong tài liệu Lịch sử huyện Đảng bộ phủ Anh Sơn (thời kỳ trước năm 1963) và Lịch sử Đảng bộ huyện Đô Lương đều có ghi tên của một đồng chí ở làng Đặng Lâm, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn trước năm 1963 (nay là xã Đặng Sơn, thuộc huyện Đô Lương) đã trúng vào Ban chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An khoá đầu tiên có tên là Hoàng Trần Thâm. Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ Đô Lương (Sơ thảo Tập 1 1930 – 1963), in năm 1991 có ghi: “…Tháng 3/1930, Nguyễn Liễn (tức Tàng Liễn) và Nguyễn Tiềm (tức Quảng) được trên phái về chỉ đạo thành lập ra Phủ ủy lâm thời ở Anh Sơn gồm có các đồng chí: Trần Dụ (tức Thái), Nguyễn Văn Tạo (tức Chính), Hoàng Trần Thâm (tức Công)” (Trích ở trang 36).
Theo Gia phả họ Hoàng Trần ở làng Đặng Lâm, tổng Đặng Sơn và hồ sơ khoa học do Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh lập trình lên Bộ Văn hóa Thông tin cấp Bằng di tích Lịch sử Văn hóa Thông tin KH – CN Nghệ An Số 5/2013 [45] cấp Quốc gia cho Di tích Nhà thờ họ Hoàng Trần ở làng Đặng Lâm, tổng Đặng Sơn có ghi: Đồng chí Hoàng Trần Thâm sinh năm Kỷ Dậu (1909) tại làng Đặng Lâm, tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn. Thân phụ là cụ Hoàng Trần Đài, một sỹ phu yêu nước, liên tục tham gia các phong trào chống Pháp từ thời Cần vương, Đông Du đến thời kỳ xây dựng Đảng. Nhà thờ họ HoàngTrần và gia đình cụ Hoàng Trần Đài là cơ sở hoạt động của Đảng. Hai con trai của cụ là Hoàng Trần Liễn, Bí thư Tổng ủy Đặng Sơn năm 1930 và Hoàng Trần Thâm là Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Tuyên truyền của Đảng năm 1930. Đồng chí Hoàng Trần Thâm bị bọn mật thám Pháp bắn lén, bị trọng thương khi đang diễn thuyết trước hàng ngàn nhân dân tại cuộc mít tinh ở Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương. Sau khi Hoàng Trần Thâm hy sinh, Tờ báo Cờ giải phóng của Phủ ủy Anh Sơn có đăng tin buồn với nội dung: “Đồng chí Hoàng Trần Thâm tức Công, tức Hứa đã vì cách mạng mà hy sinh; vĩnh biệt đồng chí, những người cách mạng sẽ trả thù cho đồng chí và noi gương đồng chí…”. Báo Nghệ An ra ngày 11/1/1994 cũng đã viết đôi nét về hoạt động và sự hy sinh của đồng chí Hoàng Trần Thâm như sau: “…Ngày 12/4/1931, trong khi anh đang say sưa diễn thuyết tuyên truyền cách mạng tại xã Hạnh Lâm trước đông đảo hàng ngàn người lắng nghe thì kẻ thù đã lén đến bắn trộm anh… Lúc đó anh mới 23 xuân xanh”. Năm 1973, đồng chí Hoàng Trần Thâm được Đảng và Chính phủ truy tặng Liệt sỹ, được cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Phần mộ đồng chí Hoàng Trần Thâm nay an táng tại nghĩa trang Liệt sỹ ở truông Cồn Đọi, huyện Đô Lương.
Do những thành tích hoạt động cách mạng của con cháu trong gia tộc họ Hoàng Trần, ngày 5/9/1994, nhà thờ họ Hoàng Trần ở làng Đặng Lâm, huyện Đô Lương đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Trong Di tích Nhà thờ họ Hoàng Trần đã dành riêng một gian trang trọng để thờ phụng liệt sỹ Hoàng Trần Thâm (lúc hy sinh đồng chí Hoàng Trần Thâm, chưa xây dựng gia đình).
Qua một số thông tin tư liệu lịch sử đã nêu trên, tôi đã đủ căn cứ để khẳng định: ở Nghệ An không có ai mang họ tên Nguyễn Trần Thâm được bầu vào Ban chấp hành Tỉnh ủy khoá thứ nhất vào tháng 10/1930, duy nhất chỉ có một đồng chí là Hoàng Trần Thâm mà thôi. Đồng chí Hoàng Trần Thâm là một chiến sỹ cộng sản kiên cường, một nhà lý luận chính trị sắc sảo, một Trưởng ban Tuyên truyền xuất sắc của Đảng. Đồng chí đã hy sinh trọn đời cho nền độc lập dân tộc, góp phần tô đẹp thêm trang sử vàng của Đảng, của nhân dân xứ Nghệ anh hùng. Thiết nghĩ rằng một con người
đã lấy máu mình toả sáng cho quê hương thì hậu duệ phải trân trọng và tôn thờ, không thể để sai họ của một nhân vật lịch sử đã đi vào trang sử vàng của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931 oai hùng.
Việc đính chính cho đúng họ của đồng chí trong các cuốn sách, tư liệu lịch sử là một việc cần làm ngay để các đối tượng nhân dân, đặc biệt là các thế hệ học sinh có được thông tin chính xác về một người chiến sỹ cộng sản đáng tự hào trong lịch sử cách mạng tỉnh NghệAn.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, để tuyên truyền và giáo dục tinh thần yêu nước và cách mạng của đồng chí Hoàng Trần Thâm cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, đặc biệt là thế hệ trẻ trong thời kỳ đất nước đổi mới, trong sử sách, trong các bài viết tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, chúng ta cần nghiên cứu thêm về thân thế và sự nghiệp cách mạng, những đóng góp và hy sinh to lớn của đồng chí Hoàng Trần Thâm cho Tổ quốc và quê hương. Tại tổng Đặng Sơn, huyện Đô Lương nên có một trường học mang tên của nhà cách mạng Hoàng Trần Thâm như các chiến sỹ cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh (Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Tiềm, Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Duy Trinh…). Tại thành phố Vinh, thành phố Đỏ từ Xô viết Nghệ Tĩnh nên có một con đường mang tên đồng chí Hoàng Trần Thâm – Trưởng ban Tuyên truyền xuất sắc, đa tài, kiên cường bất khuất đầu tiên của Tỉnh ủy Nghệ An từ ngày đầu cách mạng./.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.