- Đang online: 1
- Hôm qua: 516
- Tuần nay: 20258
- Tổng truy cập: 3,372,279
“ĐỒNG CHÍ PHAN ĐĂNG LƯU[1]
- 428 lượt xem
(Nhân kỷ niệm ngày sinh thứ 110:
5/ 5/1902 – 5/5/2012)
“ĐỒNG CHÍ PHAN ĐĂNG LƯU[1]
– MỘT TRÍ THỨC CÁCH MẠNG TIÊU BIỂU”
GS. TSKH. Phan Đăng Nhật
“Năm 1959 nhân dịp thăm Bảo tàng Cách mạng, đến gian trưng bày ảnh đồng chí Đăng Lưu, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: đồng chí Phan Đăng Lưu là một trí thức cách mạng tiêu biểu” [2]1
Nghiên cứu học tập cuộc đời của đồng chí Phan Đăng Lưu dưới góc độ một người trí thức cách mạng, chúng tôi thấy có mấy điểm nổi bật:
– Say sưa học hỏi, để đạt trình độ cao và toàn diện về trí thức đương thời.
– Nâng cao trí thức tuyệt nhiên không vì mưu cầu lợi ích cá nhân mà nhất nhất là phục vụ Đảng, cách mạng, dân tộc, nhân dân.
– Hết sức quan tâm đào tạo thế hệ trẻ và bồi dưỡng trí thức cho đồng bào, đồng chí.
– Sử dụng triệt để công cụ tri thức là sách báo để làm cách mạng.
– Vận dụng một cách đầy trí tuệ, minh mẫn, sáng suốt trong hoạch định đường lối và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng
Bài viết xin lần lượt đi vào các điểm trên.
*
* *
I. Say sưa học hỏi để tiến tới đạt trình độ cao và toàn diện về trí thức đương thời
“Lên sáu tuổi, anh bắt đầu học chữ Hán. Anh rất sáng dạ, vượt xa những bạn cùng lứa tuổi nên bao giờ cũng được thầy giáo cho một số bài học và bài làm nhiều hơn các bạn cùng học. Sau mười năm đèn sách, đủ sức thi hương, anh đã phải khai thêm tuổi cho hợp lệ vào trường thi. Khảo hạch, đạt hạng ưu.
Sau kỳ thi này, anh chuyển sang học tiếng Pháp. Ngay năm đó, anh vào học ở trường tiểu học Pháp Việt thành phố Vinh. Nhờ có tư chất thông minh và quyết tâm, anh học rất nhanh, chưa đầy hai năm đã tốt nghiệp và loại giỏi”[3].
Đồng chí đạt đến một vốn học vấn uyên thâm, hầu như mọi lĩnh vực đồng chí đều có hiểu biết đầy đủ và nhiều khi sâu sắc. Đồng chí rất thành thạo tiếng Pháp, giỏi chữ Hán, bạch thoại, biết cả tiếng Êđê. Đồng chí Tố Hữu bày tỏ sự thán phục đồng chí Phan Đăng Lưu “Tôi biết anh là người cách mạng đi tù Buôn Ma Thuột về. Hơn nữa thấy anh học rộng, trầm tĩnh, thông thạo tiếng Pháp, tiếng Hoa càng kính nể”[4]. Về chủ nghĩa Mác – Lênin đồng chí đã nghiên cứu sâu các sách kinh điển như: Tư bản luận, Chống Đuyrinh, v.v… Về lịch sử đồng chí đã thống nhất với Trần Huy Liệu viết một cuốn sử Việt Nam theo quan điểm mới. Về thơ ca đặc biệt là thơ ca yêu nước đồng chí là một kho nhớ vô tận và đã biên soạn Thơ văn các chí sĩ Việt Nam lấy bút danh là Phi Bằng[5].
Không chỉ có khoa học xã hội mà khoa học tự nhiên đồng chí cũng đã học có hệ thống ngành nông nghiệp và xuất thân từ ngành này.
Đạt được trình độ như vậy ngoài việc có một sự thông minh tuyệt vời, một trí nhớ lỗi lạc, đồng chí còn rất say sưa học tập. Lúc nào đồng chí cũng tranh thủ học tập. Cụ bà Phan Đăng Dư cho biết, hồi nhỏ đồng chí Lưu không bao giờ rời sách vở, nhiều lần ốm, cụ bảo đồng chí ngừng học, đồng chi vẫn tìm cách dấu mẹ “ôm lấy sách” (lời của Cụ). Đời sống tù đày cực khổ nghiệt ngã như vậy đồng chí vẫn tìm cách nâng cao trình độ. Kẻ thù không bao giờ cho các đồng chí sách bút, đồng chí nhặt từng mẩu giấy báo đọc để hệ thống hoá lại, nắm tình hình bên ngoài, sau đó truyền đạt lại cho các đồng chí trong tù. Đồng chí Trần Ngọc Điệp cho biết, trước khi ra pháp trường, anh còn tổng kết rút kinh nghiệm về khởi nghĩa Nam Kỳ để đem lại những bài học cho các đồng chí về sau. “Một hôm, anh gọi cả phòng chúng tôi lại và ghé miệng ra song sắt gọi với sang bên kia, bảo chị em bên đó cùng tập trung lại. Rồi bất chấp cả tên lính gác bồng súng đứng ngoài song, anh mở cuộc kiểm thảo rút kinh nghiệm về cuộc tổng khởi nghĩa Nam Kỳ. Anh hỏi tỉ mỉ từng li từng tí, từ những việc lớn cho đến việc đối xử với nhà thờ, chùa chiền. Cuộc kiểm thảo không giấy mực ấy chưa kết thúc thì đã bị bọn lính ngục giải tán”[6].
II. Người trí thức cách mạng khác với các trí thức cũ là không phải học để vinh thân phì gia, vợ đẹp, ô tô, nhà lầu, mà nhất nhất là để phục vụ Đảng, nhân dân, dân tộc và cách mạng. Đồng chí Phan Đăng Lưu là như vậy. Đồng chí không chọn các ngành học để làm quan mà chọn ngành canh nông là nhằm để sau này có ích cho đất nước. Sau đây là thư anh gửi về cho bố mẹ: “Người trí thức không thể chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình mà phải nghĩ đến ích nước lợi dân. Nước ta lấy nông nghiệp làm gốc, dân ta sống về cày ruộng, nhưng bao đời nay dân cày cực khổ vì nghề nông quá kém cỏi, lạc hậu. Gần đây, con được xem một số sách nói về nông nghiệp ở Âu Tây, thấy họ có nhiều phương pháp trồng trọt, chăn nuôi tiến bộ, nhờ đó mà nước họ giàu có, thịnh vượng. Con thiết nghĩ hiện nay ích nước lợi dân không gì bằng mở mang nông nghiệp, mà muôn thế thì phải học cái hay, cái tốt, cái văn minh trong nghề nông…”[7]
Những hiểu biết sâu rộng của đồng chí về nhiều lĩnh vực, kết quả của bao nhiêu năm cần cù, tích lũy, không nhằm lợi ích riêng mà hướng về một mục đích duy nhất: phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đó là con đường đồng chí đã sớm lựa chọn, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, con đường mà đồng chí theo đuổi suốt đời. Cho nên ở đâu, lúc nào, dù gặp hoàn cảnh khó khăn đến mấy, đồng chí cũng không ngừng học tập và nhiệt tình giúp đỡ những người gần gũi mình học tập. Đây cũng là nét nổi bật trong đời đồng chí.
Trong nhà tù Buôn Ma Thuật, đồng chí quyết định học tiếng Êđê là nhằm qua thứ ngôn ngữ này để vận động những người lính Đê, giúp họ giác ngộ và đối xử tốt với các đồng chí cách mạng.
“Đầu năm 1930 anh bị đầy đi Buôn Ma Thuật mang số tù 1438. Đây là nhà tù lớn nhất và nổi tiếng khắc nghiệt nhất của đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều ở Trung kỳ. Chúng không những dùng khí hậu khắc nghiệt, lao động khổ sai, sinh hoạt cực khổ, để giết dần giết mòn người tù mà còn dùng người Êđê bị tuyên truyền sai về những người tù chính trị, người Kinh. Họ hành hạ tù Kinh và sẵn sàng bắn chết, chặt đầu người tù để lĩnh thưởng.
Đồng chí Phan Đăng Lưu thấy rằng muốn vận động lính Êđê thì tốt nhất là phải biết tiếng Đê. Đồng chí hăng hái học tiếng và vận động anh em cùng học. Chỉ trong một thời gian ngắn với trí thông minh và lòng quyết tâm,đồng chí đã nói thạo tiếng Êđê, tranh thủ được tình cảm của những người lính vốn chất phác, đã bị kẻ thù lợi dụng, trở thành bạn của người tù.
Đồng chí tổ chức tờ báo nhỏ viết tay lấy tên Doãn Đê tù báo (tờ báo trong tù của người Kinh và người Êđê). Đồng chí phụ trách mục bình luận và dạy tiếng Êđê. Tờ báo ra hàng tuần, lưu hành bí mật trong anh em”[8].
Báo Tiếng dân viết: “Ông Phan Đăng Lưu là một người ham nghiên cứu. Ở Buôn Ma Thuật có mấy năm nay, tiếng mọi, chữ mọi (E đê), cho đến phong tục mọi ông cũng thông thạo. Những bạn trí thức làng Đê cũng phải kính nể”[9]
Nhờ có tờ báo nhỏ và việc học tập chữ Êđê mà các người tù và lính Thượng hiểu nhau hơn.
III. “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Người trí thức cách mạng Phan Đăng Lưu nhận thức rất sâu sắc điều đó nên thường xuyên để tâm lực vào việc đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trí thức của thế hệ trẻ và đồng bào đồng chí.
Nhiều người biết đến vai trò đào tạo, bồi dưỡng của đồng chí Lưu với nhà thơ Tố Hữu qua câu thơ quen thuộc:
Con lớn lên con tìm cách mạng
Anh Lưu anh Diểu dạy con đi
Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt con khi chửa biết gì.
Nhà thơ Tố Hữu viết: “Người giảng dạy chính trị nhiều nhất cho tôi qua sách là anh Phan Đăng Lưu. Lần đầu gặp anh, tôi cầm cuốn Tư bản nói với anh:
– Anh ơi, tôi thấy khó hiểu quá.
Anh nói:
– Cậu nên tìm cuốn dễ đọc trước.
Rồi anh hướng dẫn cho tôi đọc từ thấp đến cao, từ những quyển sách mỏng loại ABC về chủ nghĩa Mác, của nhà xuất bản xã hội Pháp, đến “Tuyên ngôn cộng sản” và những tác phẩm kinh điển khác”[10].
Không những đồng chí dạy chủ nghĩa Mác cho nhà thơ Tố Hữu mà còn dạy làm thơ. Cụ thể như sau:
“Một hôm anh hỏi tôi:
– Cậu biết làm thơ không ?
Tôi đáp:
– Niêm luật Đường thi, ca dao lục bát thì tôi nắm được nhưng không biết thơ có hay không.
– Vậy thì tốt rồi – Anh Lưu nói – báo ta (tức báo Dân) hơi khô. Cậu biết làm thơ hãy làm những bài thơ về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải là số phận, mà là do đế quốc phong kiến bóc lột, và do sưu thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi,… có rất nhiều điều cần viết để thức tỉnh nhân dân. Cậu cố gắng viết để đăng được mỗi số một bài hoặc vài số một bài, có thể nhờ đó dân thích đọc báo ta hơn. Nhưng phải chú ý: dễ hiểu, dễ nhớ và đừng dài dòng…
Tôi nói:
– Nếu viết những cái đó thì tôi viết được.
Như vậy, anh Phan Đăng Lưu chính là người thầy đầu tiên hướng tôi vào dòng thơ cách mạng”[11].
“Ba điều mà anh Lưu đã nói với tôi: – đời sống của nhân dân – chớ viết khó quá – và đừng dài quá.
Đó là những điều căn dặn đầu tiên mà một thi sĩ mới nhú mầm, nhận được ở anh Phan Đăng Lưu”[12] 1.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng là người được đồng chí Lưu dạy những bài học đầu tiên về chính trị “Năm 1936, Vịnh (Nguyễn Chí Thanh) và người bạn là Phạm Oanh gặp đồng chí Phan Đăng Lưu ở nhà cụ Phan Bội Châu. Đồng chí đã giải thích cho hai người rõ về tình hình chính trị nước Pháp, về thành phần mặt trận nhân dân ở Pháp, về đường lối chính trị của Đảng cộng sản Pháp. Đồng chí còn nói rõ thế nào là chủ nghĩa cộng sản. Anh nói về tình hình Đông Dương và chủ trương của những người cộng sản Đông Dương. Anh nói tôn chỉ, mục đích của những người cộng sản Đông Dương là đánh đổ đế quốc và phong kiến giành độc lập dân tộc, dân chủ, xây dựng một xã hội không có giai cấp, không có áp bức bóc lột ở Đông Dương, đưa Đông Dương lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Nhưng trước mắt nhân dân ta phải đoàn kết đấu tranh chống phát xít, chống chiến tranh, chống phản động thuộc địa để đòi hỏi hoà bình, tự do, cơm áo,… Những lời giảng giải của Phan Đăng Lưu giúp cho Vịnh sáng tỏ nhiều điều. Vịnh vui mừng, phấn khởi vì đã tìm thấy được con đường đi đúng đắn”[13].
Có những người ở trong hàng ngũ địch cũng được đồng chí giáo dục bồi dưỡng trở thành người tốt cho cách mạng “Anh Lưu đã giác ngộ Nguyễn San, lái xe cho Bảo Đại, anh này sau đã thành Đảng viên. Anh Lưu đã nhờ đồng chí San thuê hộ nhà Hai Út là tư sản, chị ruột San, làm trụ sở Đảng. Sau hiệp định Giơnevơ, đồng chí Nguyễn San ở lại miền Nam và bị Ngô Đình Diệm giết hại”[14].
Ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà tù đế quốc và trước khi ra pháp trường đồng chí cũng không quên nâng cao trình độ cho các đồng chí của mình: “Trong khám lớn Sài Gòn những lúc rảnh, anh cạy vôi làm phấn dạy chúng tôi học quan thoại và bài Quốc tế ca (tiếng Pháp)[15].
IV. Đồng chí đã khai thác triệt để các công cụ của trí thức là sách báo để hoạt động cách mạng.
1. Thời kỳ hoạt động sôi nổi và có hiệu lực cao của đồng chí là các năm đấu tranh trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương được gọi là “Những năm tháng chấn động cố đô”.
Hoạt động báo chí đã đóng góp rất to lớn trong phong trào này.
Được phân công của Đảng phụ trách báo chí, đồng chí đã vượt mọi khó khăn về tài chính, bài vở, in ấn, phát hành,… trong sự theo dõi bắt bớ rất gắt gao của địch.
Trong tình hình đó đồng chí đã vận động ra báo Sông Hương tục bản (mua lại của Phan Khôi), báo ra được 14 số (số đầu ra ngày 15 tháng 6 năm 1937). Sông Hương tục bản đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc tranh cử vào viện dân biểu Trung Kỳ năm 1937. Tiếp sau là báo Dân. Báo Dân ra được 17 số, kẻ thù bị thất bại trên mặt trận công luận, tư tưởng đã đưa tờ báo ra toà.
Không chịu bó tay, đồng chí Phan Đăng Lưu lại ra tờ báo Dân tiến, đặt trụ sở ở Sài Gòn, ra được 5 số thì bị đóng cửa. Đồng chí lại ra tờ Dân muốn, đặt trụ sở ở đại lộ Galiêni (Sài Gòn), chỉ ra được 2 số (số thứ 2 ra ngày 25 tháng 1 năm 1929) lại bị đình bản… (!)
2. Làm báo như đồng chí Phan Đăng Lưu thời bấy giờ là đối mặt với nhà tù, trại giam, roi vọt, máy chém,… cho nên phải dấu tên tuổi, bút danh, tung tích… Khoa báo chí ngày nay nên ra sức phục hồi lại sự đóng góp của họ, là những người bấy giờ là “mai danh” và bây giờ là người thiên cổ. Nguyễn Thành đã có công lớn đối với đồng chí Phan Đăng Lưu, nhà báo. Dựa vào sách Phan Đăng Lưu – tiểu sử, tác phẩm của ông, chúng tôi đã liệt kê ra 95 bài (thời Mặt trận Dân chủ Đông Dương) (có ghi ở cuối Phụ lục 1). Chỉ cần đọc tên, mỗi bài báo cũng cho ta thấy cuộc chiến đấu quyết liệt, gay go, ác liệt. Kẻ thù có trong tay cả một (có thể nói là hai) bộ máy đàn áp khổng lồ của Nam triều và thực dân. Chúng ta chỉ có những tờ báo mỏng manh mà đã gây cho chúng sóng gió.
Chúng tôi thấy thời bấy giờ ở một số nước tự xưng là dân chủ tự do báo chí (giả hiệu) khó mà tồn tại mấy chục bài báo như của Đảng ta thời bấy giờ chưa nói đến một phong trào báo chí kéo dài từ 1937 đến 1939. Thử xin đọc một bài ở Phụ lục 2: “Con chó của cụ Sứ hay dân ăn tiền quan”.
Về những thắng lợi trong giai đoạn này, đồng chí Lê Duẩn viết: “Một thời kỳ đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp kết hợp chặt chẽ với hoạt động bí mật, bất hợp pháp như hồi 1936 – 1939 thật là hiếm có ở một xứ thuộc địa… Đó là một thời kỳ vận động quần chúng sôi nổi chưa từng thấy dưới thời Pháp thống trị. Với nhiều hình thức tổ chức và hoạt động rất linh hoạt kể cả việc lợi dụng các “Viện dân biểu”, các “hội đồng quản hạt” do thực dân Pháp lập ra, Đảng đã động viên và giáo dục chính trị cho hàng triệu quần chúng… chuẩn bị điều kiện để đưa quần chúng vào những trận chiến đấu quyết liệt mới trong thời kỳ 1940 – 1945” [16]
*
* *
Để có được những thắng lợi trên, đồng chí Phan Đăng Lưu và Đảng đã phải đổi bằng tù đày và máu. Những bài báo gửi ra ngoài để tố cáo nhà tù đã khiến cho đồng chí phải chịu thêm 5 năm khổ sai.
“Năm 1933, anh Đậu Hàm, quê ở Nghệ Tĩnh, hết hạn tù sắp được ra. Anh Lưu viết một bài báo vạch trần tội ác của bọn thống trị ở Buôn Ma Thuật, nhờ anh Hàm về gửi hộ sang Pháp. Anh Hàm đã cẩn thận giấu bài báo vào trong dép. Nhưng có một tên phản bội tố giác, địch khám xét bắt được bào báo. Anh Hàm bị giữ lại. Để đồng chí Hàm khỏi bị tra tấn, anh Lưu đã nhận mình là tác giả bức thư và bị địch tăng thêm 5 năm tù. Có đồng chí bảo: “Anh sắp hết hạn tù đợi ít lâu nữa được về, ra ngoài anh sẽ tha hồ viết, tội gì viết vội ở đây cho chúng nó hành hạ ?”. Anh trả lời: “Tình cảnh anh em tù như ở trên một con thuyền sắp bị đắm, trong một ngôi nhà đang bốc cháy. Phải giành lấy từng phút, từng giây báo cho dư luận trong nước và trên thế giới biết để chặn bàn tay tội ác của địch, mong cứu vãn tình thế được phần nào chăng ! Nếu chờ tôi được ra thì e quá muộn”[17].
Báo Dân ra được 17 số, địch bịa ra lý do rất vớ vẩn để phạt tờ báo và hai ông Quế, Các, nếu không muốn ở tù phải nạp tất cả 140 đồng phạt và bị tước hết cả công quyền, mất chức dân biểu”[18].
V. Sáng suốt trong việc hoạch định đường lối chính sách của Đảng
Ai cũng biết cuộc đời cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu gắn với khởi nghĩa Nam Kỳ. Đồng chí Lưu trước sau vẫn không đồng ý khởi nghĩa Nam Kỳ vào lúc đó “Tại cuộc họp tháng 7 năm 1940, tại Long Hưng bàn về khởi nghĩa, anh Lưu chăm chú nghe báo cáo của từng người, từng địa phương. Hỏi đi hỏi lại, cặn kẽ tỉ mỉ về sự lãnh đạo của Đảng bộ. Trong không khí chung náo nức muốn tiến hành bạo động cướp chính quyền, anh nhắc nhiều lần, bình tĩnh, điềm đạm “Nguyên tắc khởi nghĩa là phải chuẩn bị đầy đủ, phải có quyết tâm cao. Chúng ta không thể đùa với khởi nghĩa, không thể đưa quần chúng vào chỗ hy sinh vô ích”[19].
“Điều đáng chú ý là trong hội nghị, một số đại biểu Sài Gòn – Chợ Lớn và liên tỉnh miền Đồng: Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hoà, Tây Ninh không tán thành phát động khởi nghĩa trong thời gian trước mắt. Anh Lưu nhất trí với ý kiến đó, lý do là so sánh lực lượng giữa ta và địch thì ta còn quá yếu. Anh cũng đồng ý với một số đồng chí về sự cần thiết xây dựng căn cứ địa cách mạng. Nhưng vì số đông lại tán thành khởi nghĩa do tình hình đặt ra những vấn đề hết sức bức bách nên cuối cùng, anh Lưu quyết định sẽ xin chỉ thị của trung ương nhân dịp anh ra dự Hội nghị Trung ương lần thứ bảy sắp họp ở ngoài Bắc”[20].
Đồng chí Dương Quang Đông kể lại: “Trong hội nghị cũng còn một vài đồng chí không đồng ý khởi nghĩa, nhưng trong không khí chung số đông đang cương quyết muốn vùng lên khởi nghĩa, không ai dám phản đối. Chỉ một mình đồng chí Phan Đăng Lưu nói mạnh nói nhiều mà cũng chưa thuyết phục được số đông”[21]. “Hồi ức của đồng chí Dương Quang Đông còn cho biết. Rất tiếc là Xứ ủy Nam Kỳ đã cử đồng chí Phan Đăng Lưu đi xin ý kiến Trung ương mà lại không chờ đồng chí về, cứ phát động khởi nghĩa. Sách Nam kỳ khởi nghĩa của Trần Giang ghi “Hội nghị nhất trí cử Phan Đăng Lưu ra Bắc liên hệ với các đảng bộ miền Trung và miền Bắc bàn việc phối hợp hành động”. Nhưng đồng chí Dương Quang Đông còn cho biết Phan Đăng Lưu ra Bắc xin ý kiến trung ương”[22].
*
* *
Đồng chí Hồng Phi có viết lại: “Trong xà lim án chém, đồng chí Phan Đăng Lưu đã từng nói: “Tôi không sợ chết, nhưng chúng xử tôi khổ sai chung thân đày ra Côn Đảo thì hay hơn. Còn sống, nhất định tôi tìm được cách vượt ngục để về hoạt động”[23].
Nếu lời mong ước sống để hoạt động ấy thành hiện thực thì với trí tuệ uyên bác, và sáng suốt trong việc hoạch định chính sách, trí nhớ tuyệt vời, tinh thần uy vũ bất năng khuất, đạo đức hết lòng vì Dân vì Đảng, phong cách năng động sáng tạo, luôn lăn lộn trong nhân dân, đồng chí Phan Đăng Lưu còn đóng góp nhiều cho Đảng ta, nhất là những bước ngoặt, những cơn phong ba. Thế nhưng, kẻ thù đã giết hại đồng chí Lưu cũng như các đồng chí khác khi còn trẻ: Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai,… Đồng chí Lưu bị hành quyết khi mới 39 tuổi. Đau đớn và tiếc thương khôn xiết !
Ra đi đồng chí để lại cho hậu thế một tấm gương sáng ngời. Là con của quê hương Nghệ Tĩnh, quê hương Phan Đăng Lưu, chúng ta là những người có điều kiện trước hết để học tập tấm gương của Người về trau dồi trí thức mới trong công nghiệp hoá và hội nhập toàn cầu./.
P. Đ. N.
Phụ lục 1
(Bài viết của đồng chí Phan Đăng Lưu trong thời kỳ mặt trận
Dân chủ Đông Dương ở miền Trung)
– Tình hình tù chính trị bị giam cầm ở Buôn Ma Thuật, viết bằng tiếng Pháp, ký tên Mục tiêu.
– Sự chết chóc ở nhà ngục Buôn Ma Thuật, viết bằng tiếng Pháp, ký tên Thương tâm.
– Giảm chế độ ăn uống vì bệnh phù thũng, viết bằng tiếng Pháp, ký tên Dân nguyện.
– Tình hình những người bị giam cầm ở Buôn Ma Thuật, viết bằng tiếng Pháp, ký tên BCH.
– Tình hình tù bị đày ở Buôn Ma Thuật, viết bằng tiếng Pháp, ký tên QB.
– Nhân cuộc tuyển cử sắp đến, nhìn lại các cuộc tuyển cử vừa rồi ở trong nước và ngoài nước, ký tên Sông Hương, đăng ở báo Sông Hưng tục bản, số 1, ngày 19 tháng 6 năm 1937.
– Ý tốt của Hoàng thượng đã bị một hạng thừa hành vô tâm hay hữu ý làm sai lạc, Báo Sông Hương tục bản, số 1 ngày 19 tháng 6 năm 1937 và số 2 ngày 26 tháng 6 năm 1937.
– Cuộc tổng tuyển cử dân viện Trung Kỳ, ký tên SH, Báo Sông Hương tục bản, số 2 ngày 26 tháng 6 năm 1937.
– Hỡi anh em cử tri, ký tên SH, Báo Sông Hương tục bản, số 3 ngày 3 tháng 7 năm 1937 và số 4 ngày 10 tháng 7 năm 1937.
– Cùng các ông nghị ra tranh cử dân biểu, ký tên SH, Báo Sông Hương tục bản, số 4 ngày 10 tháng 7 năm 1937.
– Chương trình chúng tôi, Báo Sông Hương tục bản, số 5 ngày 17 tháng 7 năm 1937.
– Chúng tôi yêu cầu để cho cử tri được tự do bỏ thăm và trừng trị những sự ép uổng và gian lận trong cuộc bầu cử, ký tên SH, Báo Sông Hương tục bản, số 6 ngày 27 tháng 7 năm 1937.
– Cuộc tổng tuyển cử sắp tới, Báo Sông Hương tục bản, số 6 ngày 27 tháng 7 năm 1937.
– Bức thơ công khai, Báo Sông Hương tục bản, số 14 ngày 14 tháng 10 năm 1937.
– Phương châm hành động của các dân biểu trong Mặt trận Dân chủ, Báo Dân, số 3 ngày 22 tháng 7 năm 1938.
– Nhân kỳ hội đồng thường niên của dân viện, Báo Dân, số 7, ngày 19 tháng 8 năm 1938.
– Muốn cho Viện dân biểu có thể thống, muốn cho Viện dân biểu làm được việc, cần phải có tinh thần đoàn kết chặt chẽ, Báo Dân, số 7 ngày 19 tháng 8 năm 1938.
– Nhân kỳ hội đồng thường niên của dân viện, xin chính phủ cho dân chúng tự do bày tỏ nguyện vọng, Báo Dân, số 7, ngày 19 tháng 8 năm 1938.
– Muốn cho lời thỉnh cầu có giá trị, chúng tôi mong các ông dân biểu hãy đi sát nguyện vọng thiết tha của dân chúng và phải có tài liệu đầy đủ, Báo Dân, số 7 ngày 26 tháng 8 năm 1938.
– Đã đến lúc phải mở rộng quyền hạn cho Dân viện, ký tên Dân, Báo Dân, số 8, ngày 26 tháng 8 năm 1938.
– Trước vấn đề cải cách thuế đinh, điền ở Trung kỳ. Thái độ của các ông dân biểu phải thế nào ? Dân chúng đương nhìn vào các ông, ký tên Dân, Báo Dân, số 11, ngày 9 tháng 9 năm 1938.
– Không nên tăng thuế điền thổ nữa, ký tên Dân, Báo Dân, số 13, ngày 16 tháng 9 năm 1938.
– Trước vấn đề thuế thân, viện Dân biểu Trung kỳ đã thống nhất lực lượng và tỏ thái độ bênh vua cho dân chúng rất đáng khen ngợi, ký tên Dân, Báo Dân, số 14, ngày 20 tháng 9 năm 1938.
– Dân Viện bế mạc, Báo Dân, số 15 ngày 23 tháng 9 năm 1938.
– Công việc của các ông dân biểu đã kết thúc chưa ? Báo Dân, số 16, ngày 30 tháng 9 năm 1938.
– Diễn văn bế mạc Viện dân biểu Trung kỳ, ông Hoàng Văn Khai đọc, đồng chí Phan Đăng Lưu soạn.
– Báo sông Hương thay đổi thể tài, ký tên Sông Hương, Báo Sông Hương tục bản, số 7 ngày 19 tháng 8 năm 1937.
– Báo sông Hương bị kiện, Báo Sông Hương tục bản, số 7 ngày 19 tháng 8 năm 1937.
– Chung quanh vụ kiện báo Sông Hương, Báo Sông Hương tục bản, số 10 ngày 16 tháng 9 năm 1937.
– Chiếu điện đó, Báo Sông Hương tục bản, số 11 ngày 23 tháng 9 năm 1937.
– Chúng tôi quyết làm phận sự cho đến giọt mực cuối cùng, Báo Sông Hương tục bản, số 11 ngày 23 tháng 9 năm 1937, ký tên SH và số 12 ngày 30 tháng 9 năm 1937.
– Chánh phủ không đợi gì nữa mà chưa ban hành luật tự do báo chí cho Đông Dương, Báo Dân, số 6, ngày 12 tháng 3 năm 1938.
– Tự do báo chí sao lại là một mình xứ Nam kỳ được hưởng, ký tên Dân, Báo Dân, số16, ngày 30 tháng 9 năm 1938.
– Con đường của chúng tôi, ký tên Dân, Báo Dân, số 17, ngày 7 tháng 10 năm 1938.
– Sau khi tờ báo bất hạnh của dân Trung kỳ bị kết án. Chúng tôi biện hộ cho Dân, ký tên Dân tiến, Báo Dân tiến, số 1, ngày 27 tháng 10 năm 1938.
– Vì sao Trung, Bắc kỳ lại không được tự do báo chí như Nam kỳ ?, ký tên Dân tiến, Báo Dân tiến, số 2, ngày 10 tháng 11 năm 1938.
– Báo Dân đã bị chà đạp dưới gót sắt cường quyền. Anh em làng báo Nam kỳ tính sao đây, ký tên Dân tiến, Báo Dân tiến, số 4 ngày 15 tháng 12 năm 1938.
– Chúng tôi đối với vấn đề phòng thủ Đông Dương và cuộc công khai hiện thời, ký tên Dân, Báo Dân, số 1, ngày 6 tháng 7 năm 1938.
– Công cuộc bầu cử dân biểu Bắc kỳ đã tới đâu ? Báo Dân, số 1, ngày 6 tháng 7 năm 1938.
– Ai là kẻ muốn phá hoại hoà bình ? Báo Dân, số 1, ngày 6 tháng 7 năm 1938.
– Phải để số tiền 3 triệu cho nạn dân, Báo Dân, số 2 ngày 13 tháng 7 năm 1938.
– Chung quanh sự thay đổi ngôi Toàn quyền hay là nguyện vọng dân chúng xứ Đông Dương, ký tên Dân, Báo Dân, số 2, ngày 13 tháng 7 năm 1938.
– Sau cuộc tổng tuyển cử Bắc kỳ, ký tên Dân, Báo Dân, số 3, ngày 22 tháng 7 năm 1933.
– Sau cuộc công thải phòng thủ Đông Dương, ký tên Dân, Báo Dân, số 5, ngày 5 tháng 8 năm 1938.
– Chúng tôi chỉ tán thành những cuộc cải cách thật có lợi cho dân, ký tên Dân, Báo Dân, số 9, ngày 2 tháng 9 năm 1938.
– Nguyện vọng chánh đáng của dân chúng trong lúc này. Các quyền tự do dân chủ, Báo Dân, số 9, ngày 2 tháng 9 năm 1938.
– Không nên dùng chính sách khủng bố trong giờ hiện tại, ký tên DM, Báo Dân muốn, số 1, ngày 5 tháng 1 năm 1939.
– Nội chiến Tây Ban Nha bao giờ mới dứt, Báo Sông Hương tục bản, số 1, ngày 19 tháng 6 năm 1937.
– Nội các Blum từ chức. Báo Sông Hương tục bản, số 2 ngày 26 tháng 6 năm 1937.
– Chuyện ba vua, Báo Sông Hương tục bản, số 1, 2, 3, ngày 19 tháng 6, 26 tháng 6 và 3 tháng 7 năm 1937.
– Chuyện xung đột giữa Tàu và Nhật sẽ đi đến đâu ?, Báo Sông Hương tục bản, số 7, ngày 19 tháng 8 năm 1937.
– Thời cuộc, ký tên SH, Báo Sông Hương tục bản, số 11, ngày 23 tháng 9 năm 1937.
– Thời cuộc (bài 2), ký tên SH, Báo Sông Hương tục bản, số 12, ngày 3 tháng 9 năm 1937.
– Thời cuộc (bài 3), ký tên SH, Báo Sông Hương tục bản, số 13, ngày 7 tháng 10 năm 1937.
– Thử tàu bay. Quân Nhật tàn bạo. Quân Tàu hăng hái. Hồng quân đại thắng. Đồ đệ Tơrôtxky phá hoại, ký tên Phan Thị Hồng Anh, Báo Sông Hương tục bản, số 13, ngày 7 tháng 10 năm 1937.
– Thời cuộc (bài 4), ký tên SH, Báo Sông Hương tục bản, số 14, ngày 14 tháng 10 năm 1937.
– Chánh sách bất can thiệp ở Tây Ban Nha. Ai chủ động ?, ký tên H, Báo Dân, số 2, và 3 ngày 13 và 22 tháng 7 năm 1938.
– Phản đối chiến tranh, ủng hộ hoà bình, ký tên Dân, Báo Dân, số 4, ngày 29 tháng 7 năm 1938.
– Nga và Nhật, Nga năm 1935, Nga năm 1938, ký tên Dân, Báo Dân, số 4, ngày 29 tháng 7 năm 1938.
– Câu chuyện hàng tuần, chuyện tuyển cử ở Bỉ, ký tên Nghị Toét, Báo Sông Hương tục bản, số 1, ngày 19 tháng 6 năm 1937.
– Góp… nhặt, Báo Sông Hương tục bản, số 1, ngày 19 tháng 6 năm 1937.
– Lời khuyên các cử tri, (thơ), ký tên Gái quê, Báo Sông Hương tục bản, số 4, ngày 10 tháng 7 năm 1937.
– Câu chuyện hàng tuần. Phơi gan trải ruột cho quốc dân biết, ký tên Nghị Toét, Báo Sông Hương tục bản, số 4, ngày 10 tháng 7 năm 1937.
– Câu chuyện hàng tuần, Rađio mấy ông nghị, ký tên Nghị Toét, Báo Sông Hương tục bản, số 5, ngày 17 tháng 7 năm 1937.
– Câu chuyện hàng tuần. Lai chiếu điện, ký tên Nghị Toét, Báo Sông Hương tục bản, số 6, ngày 21 tháng7 năm 1937.
– Góp… nhặt… chuyện tầm phào (bài 2), Báo Sông Hương tục bản, số 6, ngày 21 tháng 7 năm 1937.
– Những chuyện hay trong vụ tuyển cử, Báo Sông Hương tục bản, số 6, ngày 19 tháng 8 năm 1937.
– Những chuyện hay trong cuộc tuyển cử, (tiếp theo số trước), Báo Sông Hương tục bản, số 8, ngày 2 tháng 8 năm 1937.
– Câu chuyện hàng tuần, mỹ nhân kế, Báo Sông Hương tục bản, số 9, ngày 2 tháng 9 năm 1937.
– Cà kê dê ngỗng. Từ Tây sang Đông, họ thi nhau nói láo, Báo Sông Hương tục bản, số 9, ngày 2 tháng 9 năm 1937.
– Cà kê dê ngỗng. Một trận giặc ở Hà Nội, Báo Sông Hương tục bản, số 10, ngày 16 tháng 9 năm 1937.
– Lối thơ vô chính phủ (thơ), Báo Sông Hương tục bản, số 10, ngày 16 tháng 7 năm 1937.
– Chuyện vài hàng…, Báo Sông Hương tục bản, số 11, ngày 23 tháng 9 năm 1937.
– Một đấm với một đá. Chó quan lại sủa tiếng quan, Báo Sông Hương tục bản, số 11, ngày 23 tháng 9 năm 1937.
– Cà kê dê ngỗng. Ông bà Tưởng Giới Thạch ngồi trong: Nam mô a di đà phật, Báo Sông Hương tục bản, số 12, ngày 23 tháng 9 năm 1937.
– Lối thơ vô chính phủ (bài 2), Báo Sông Hương tục bản, số 12, ngày 7 tháng 1 năm 1937.
– Dân khóc Ủy ban điều tra, ký tên KĐ, Báo Dân, số 1 ngày 6 tháng 7 năm 1938.
– Nửa chơi… nửa thật. Báo Tràng An theo cộng sản, ký tên KD, Báo Dân, số 1, ngày 6 tháng 7 năm 1938.
– Quan khóc theo áo gấm, ký tên KĐ, Báo Dân, số 2, ngày 13 tháng 7 năm 1938.
– Nửa chơi nửa thật. Các mệ diễn thuyết ư ?, ký tên KĐ, Báo Dân, số 2, ngày 13 tháng 7 năm 1938.
– Nửa chơi… nửa thật, ký tên KĐ, Báo Dân, số 3, ngày 22 tháng 7 năm 1938.
– Dân là quý, ký tên KĐ, Báo Dân, số 3, ngày 22 tháng 7 năm 1938.
– Tết Tây buồn lắm chị em ơi, ký tên KĐ, Báo Dân, số 4, ngày 29 tháng 7 năm 1938.
– Ân thương vinh hàm, ký tên KĐ, Báo Dân, số 5, ngày 5 tháng 8 năm 1938.
– Con chó của cụ Sứ hay là dân ăn tiền quan, ký tên KĐ, Báo Dân, số 6, ngày 12 tháng 8 năm 1938.
– Chương trình phòng thủ Huế khi có loạn, ký tên KĐ, Báo Dân, só 7, ngày 19 tháng 8 năm 1938.
– Chuyện cà kê dê ngỗng, ký tên KĐ, Báo Dân, số 8, ngày 26 tháng 8 năm 1938.
– Đảng Quốc phòng, ký tên KĐ, Báo Dân, số 11, ngày 9 tháng 9 năm 1938.
– KĐ đi dự hội đồng thường niên Viện dân biểu Trung kỳ, ký tên KĐ, Báo Dân, số 13, ngày 16 tháng 9 năm 1938.
– Lại chuyện đít cua, ký tên KĐ, Báo Dân, số 16, ngày 30 tháng 9 năm 1938.
– Tờ hiểu thị của KĐ, ký tên KĐ, Báo Dân, số 17, ngày 7 tháng 10 năm 1938.
– Nói chuyện anh Năm Sài Gòn, Báo Dân tiến, số 2, ngày 10 tháng 11 năm 1938.
– Coi mặt đặt tên, Báo Dân tiến, số 3, ngày 17 tháng 11 năm 1938.
– Vừa chơi vừa thật. Ân huệ, Báo Dân tiến, số 4, ngày 15 tháng 12 năm 1938.
– Nụ cười cay đắng. Cái cục phản, Năm Huế, Báo Dân muốn, số 1, ngày 29 tháng 12 năm 1938.
– Sách Xã hội tư bản, bút danh Tân Cương, Nxb Tư tưởng mới, Đà Nẵng, 1937.
– Sách Thế giới cũ và thế giới mới, bút danh Tân Cương, Nxb Tư tưởng mới, Đà Nẵng, 1937.
[1] Đ/c Phan Đăng Lưu là họ Phan Đăng gốc Mạc, hậu duệ trực tiếp của cụ Mac Mậu Giang, hoàng tử thứ 14 của hoàng đế Mạc Phúc Nguyên.
[2] Ngô Nhật Sơn: Đồng chí Phan Đăng Lưu, Nxb Nghệ Tĩnh, 1987, tr. 64.
[3] Ngô Nhật Sơn: Đồng chí Phan Đăng Lưu, sách đã dẫn, tr. 6, 7.
[4] Tố Hữu: Nhớ lại một thời, Văn nghệ số ra ngày 22 tháng 7 năm 2000.
[5] Có người nói viết chung cùng Lê Nhiếp.
[6] Trần Ngọc Điệp: Trong ngục tù đế quốc, Báo Thống nhất số 26 ngày 24 tháng 11 năm 1957.
[7] Ngô Nhật Sơn: Đồng chí Phan Đăng Lưu, sách đã dẫn, tr. 8.
[8] Nguyễn Thành: Nhà báo Phan Đăng Lưu, tạp chí Người làm báo, số 2 năm 1988.
[9] Số 757, ngày 2 tháng 1 năm 1935.
[10] Tố Hữu: Nhớ lại một thời, bài đã dẫn
[11] Tố Hữu: Nhớ lại một thời, bài đã dẫn,
[12] Tố Hữu: Máu và Hoa, Tác phẩm mới, số 57 tháng 1 năm 1976, tr 81.
[13] Nguyễn Chí Thanh của chúng ta, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1981, tr. 40.
[14] Theo lời kể của đồng chí Trịnh Quang Xuân, bí thư Đảng ủy đường sắt, hoạt động cùng đồng chí Phan Đăng Lưu thời kì 1936 – 1939.
[15] Trần Ngọc Điệp: Trong ngục đế quốc, bài đã dẫn.
[16] Ngô Nhật Sơn, Đồng chí Phan Đăng Lưu, sách đã dẫn, tr 37-38.
[17] Ngô Nhật Sơn, Đồng chí Phan Đăng Lưu, sách đã dẫn, tr 24, 25.
[18] Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu: tiểu sử, tác phẩm, Nxb Thuận Hoá, tr 191.
[19] Ngô Nhật Sơn, Đồng chí Phan Đăng Lưu, sách đã dẫn, tr 52.
[20] Ngô Nhật Sơn, Đồng chí Phan Đăng Lưu, sách đã dẫn, tr 52, 53.
[21] Hoàng Thanh Đạm: Phan Đăng Lưu với Nam kỳ khởi nghĩa, Tạp chí lịch sử quân sự, số 1 và 2 năm 2001, tr 18.
[22] Hoàng Thanh Đạm: Phan Đăng Lưu với Nam kỳ khởi nghĩa, bài vừa dẫn, tr 19.
[23] Hồng Phi: Những ngày cuối cùng của đồng chí Phan Đăng Lưu, Báo Thống nhất, số ra ngày 24 tháng 11 năm 1957.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.