- Đang online: 2
- Hôm qua: 635
- Tuần nay: 15830
- Tổng truy cập: 3,369,234
NHỮNG ĐIỀU CÒN CHƯA BIẾT VỀ CUỐN GIA PHẢ CỔ VÀ NGÔI MỘ TỔ CỦA CHI HỌ HOÀNG XÃ HIỆP AN, KINH MÔN, HẢI DƯƠNG
- 196 lượt xem
NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ CUỐN GIA PHẢ CỔ VÀ NGÔI MỘ TỔ
CỦA CHI HỌ HOÀNG XÃ HIỆP AN, KINH MÔN, HẢI DƯƠNG
___________
(Viết bài: Hoàng Văn Chòi – Xã Hiệp An, Kinh Môn, Hải Dương)
1. Về cuốn gia phả cổ của Chi họ:
– Từ lúc còn nhỏ, phải theo bố tôi chạy loạn giặc Pháp hoặc thay đổi nơi ở, tôi thấy bố tôi luôn mang theo một gói nhỏ, được buộc vào trong một tấm khăn đen cũ. Cả mẹ và anh em tôi không được biết đó là gói gì. Sau này già yếu, vì anh trai tôi mất sớm, bố tôi mới trao cái gói ấy cho tôi và nói rằng: Họ mình là họ Mạc, Tổ mình làm Vua, ngày giỗ giấu 24 tháng Chạp. Tất cả họ đương nằm trong này con ạ. Mấy ngày sau, tôi mới biết đó là gói đựng 2 cuốn gia phả. Còn Tổ mình là ông vua nào và giỗ thật là ngày nào thì lúc ấy tôi không được biết.
– Bố tôi kể lại rằng: cụ Đồ Tam là em ruột ông nội tôi, nổi tiếng học giỏi, hay chữ của làng, là người trực tiếp giữ cuốn gia phả cổ viết bằng chữ Hán của họ. Truyện kể rằng, vào một ngày cuối tiết thu, trời heo may, tự nhiên cụ Đồ Tam lại kiếm giấy dó, mực tầu, sao chép lại cuốn gia phả sang quyển mới. Sau đó, Cụ đem giấu 2 cuốn ở hai chái đầu nhà từ đường, dưới lớp rạ ranh. Mấy ngày sau, Từ đường bỗng nhiên bị hỏa hoạn, bốc cháy. Cụ Đồ Tam chẳng kịp hô hoán cứu lửa mà chỉ chạy tìm gia phả, thì một quyển đã bị cháy hết, còn quyển kia thì may mắn chỉ bị rách chút ít và chưa bị gì. Khi cụ Đồ Tam mất rồi, sợ bị cháy lần nữa và sợ gia phả bị rách, nên cụ Đồ Ngư là con của cụ Đồ Tam đã chép lại sang quyển thứ hai và giao lại 2 cuốn gia phả ấy cho bố tôi cất giữ. Trước khi bố tôi mất, bố tôi đã trao cái gói đựng gia phả cho tôi kèm theo lời dặn dò. Từ đó, tôi là người giữ gia phả đựng trong ống sắt cho đến bây giờ.
2. Về ngôi mộ Tổ:
– Đó là truyện Tổ họ mình làm vua, chiến đấu oanh liệt, nhưng vì lực lượng ít và yếu nên bị thua và bị bắt, bị chém đầu tại một bến nhỏ gần bờ sông Phú Thái ngày nay, thuộc địa phận khu vực giữa làng Cổ Tân với làng Phương Luật của xã An Phụ. Bây giờ sử sách gọi là bến Thảo Tân. Cũng may thay, 2 người em trai và một người em gái của Cụ trốn thoát, mấy người con trai của Cụ thì được con cháu trong họ che giấu đi từ trước. Bọn giặc giết cụ Toàn và nhiều người khác rồi, còn truy sát nhiều người nữa mang họ Mạc. Thế nên không ai dám khai đúng tên họ mình nữa và dần cải sang tên các họ khác, nhưng quy ước rằng khi chết thì sẽ quay lại đúng tên họ của mình là họ Mạc.
Sau khi giết cụ Toàn, chúng chôn Cụ ngay tại bến Thảo Tân rồi tiếp tục kéo quân đi đánh nơi khác. Nhân cơ hội ấy, con cháu trong họ đã bí mật cướp xác Cụ, đóng bè đưa qua triền sông vào lạch Cống Sừng, chôn ở Đống Dẹt và sau đó cải táng cũng ngay tại Đống Dẹt. Đống Dẹt chính là khu Đồng Vườn của xã Hiệp An bây giờ, ở đó có nhiều mộ lắm, to cũng có, nhỏ cũng có, đa số mộ không hương khói gì cả, quanh năm cỏ mọc um tùm, xung quanh là ruộng đồng, ruộng bãi.
– Năm 1968, khi hợp tác xã cải tạo ruộng đất, nhiều mộ phải chuyển đi để đào mương hoặc làm đường. Tôi lúc ấy 42 tuổi, được cụ Hừng tôi gọi bằng chú, sai bảo là đi đào chuyển mộ tổ. Tham gia đào mộ và chuyển mộ với tôi còn có cụ Hừng, ông Nhông, ông Hoi và ông Lãng.
Điều kỳ lạ là: trên mặt đất, nấm mộ Tổ rất bé, cỏ mọc um tùm, nhưng phải đào rất sâu mới thấy một tấm đá sanh hình vuông kích thước khoảng 90 phân. Khi lật tấm đá đó lên thì thấy một cái chum sành loại lớn, rất đẹp, cao chừng 50-60 phân, miệng chum đậy gạch hoa cũ. Xung quanh chum sành là 4 tấm đá sanh khác, phía dưới đáy chum cũng là một tấm đá sanh, kiểu trong quan ngoài quách. Tôi chạy về nhà lấy đôi quang gánh để chuyển chum. Mặc dù dính bùn đất nhưng tôi còn nhìn thấy rõ tấm đá để đậy trên và 4 tấm đặt xung quanh đều khắc chữ nho hay chữ Hán gì đó. Rất tiếc là chúng tôi không chuyển được các tấm đá này về chôn cùng chum cốt của Cụ được.
– Lên triền núi Cao, sau khi cụ Hừng chỉ vị trí đặt mộ, chúng tôi tiếp tục đào hố để chôn chum sành. Vị trí đặt mộ mới này đã được cụ Hừng đi xem bói và được một ông thầy địa lý ấn định. Mộ mới nằm ở triền núi, trên một khu đất khá bằng phẳng, không cao quá mà cũng không thấp quá, theo hướng Đông Nam, tức là hướng nhìn về Cổ Trai, phía trước và ở dưới là có ngôi chùa cổ (gọi là chùa Lưu Thượng) và một doanh trại quân đội. Để đảm bảo bí mật, ngôi mộ được làm bình thường như những ngôi mộ khác, bên cạnh đặt thêm một hòn đá to, xung quanh trồng rất nhiều cây gai và không có đường lên mộ. Muốn lên mộ phải đi qua Chùa hoặc phải đi qua doanh trại quân đội. Con đường bây giờ là do Chi họ mới làm. Về sau, Chi họ lại chuyển tiếp hai ngôi mộ nữa đặt hai bên mộ Tổ: Một bên là ngôi mộ cụ Tổ Phúc Ninh, sinh ra 4 ngành thứ và một bên là mộ cụ Nguyễn Công Xuân, là thầy đồ có công dạy dỗ cụ Phúc Ninh.
Hiện nay, nhiều người tham gia trực tiếp chuyển mộ Tổ cùng tôi không còn nữa. Cụ Hừng mất năm 1994, ông Nhông mất tháng 7 năm 1994, ông Hoi mất năm 2009, còn ông Lãng thì yếu hơn cả tôi. Trong họ, tôi biết chắc chắn rằng cụ Hừng là người biết được và chứng kiến nhiều chuyện bí ẩn nhất.
Tôi bây giờ già yếu rồi, chỉ có một mong muốn là họ ta xây lại ngôi mộ Tổ cho to hơn và đẹp hơn.
___________________________________________________________________
(Bài phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học “Những di sản văn hóa
về Vũ An Hoàng đế Mạc Toàn tại huyện Kinh Môn”, ngày 13/10/2011.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.