- Đang online: 2
- Hôm qua: 942
- Tuần nay: 41200
- Tổng truy cập: 3,472,035
NHỮNG ĐỊA DANH DI TÍCH VÀ CÂU CHUYỆN NHÀ MẠC Ở XÃ GIA BẰNG “NỬA PHẦN PHÍA TÂY ĐẤT XÃ MINH TÂM” 523
- 215 lượt xem
1. Thành Lũng Tàn với câu chuyện vua Mạc Kính Vũ: Lũng Tàn ở phía Tây Bắc xã Gia Bằng nằm trong khối núi đá vây quanh khép kín, lòng lũng trũng sâu gần bằng mặt đất ngoài cánh đồng. Lũng Tàn bề mặt toàn đất, bằng phẳng hình ê líp dài theo hướng Bắc Nam, rộng theo chiều Đông Tây. Diện tích lũng 3.5 ha. Góc Đông Bắc Lũng Tàn có giếng nước tự nhiên không bao giờ cạn. Phía Nam là dãy núi Phia Phải thông lọt sang Lũng Chang bởi đèo Kẻo Sải “Đéo Bẫy Đá”. Phía Bắc nhiều dãy núi đá liên tiếp có khe lạch và nhiều lũng nhỏ kéo dài khoảng 3km thì đến rừng rậm núi đất xã Trương Lương. Từ chỗ giáp giới giữa núi đá và núi đất đến cánh đồng nhỏ hẹp xã Trương Lương đường rừng rậm dài khoảng 5km. Phía Đông là đèo đá thấp hiểm trở xuôi dần ra Lũng Cút. Từ Lũng Cút vượt một đèo thấp ngắn độ 200m là Lũng Làng to, rộng và bằng phẳng. Phía Tây nhiều núi đá, nhiều thung lũng cao dần về xã Bắc Hợp. Từ đây theo hướng Tây núi đá, thung lũng kéo dài liên tiếp qua các xã Thái Học, Triệu Nguyên huyện Nguyên Bình. Thông thường chỉ có hai con đường tới được Lũng Tàn: – Đường qua Lũng Làng, Lũng Cút vào phía Đông vượt đường thành đá, con đường này dài 2,5km khá hiểm trở. – Đường từ Lũng Chang lên hiểm đèo Phia Phải “đèo Bẫy Đá” theo đường mòn xuống phía Nam Lũng Tàn. Con đường này hai bên sườn núi đều dốc 70º. Sườn phía Nam ít hiểm trở hơn song lại tiện cho việc đặt bẫy các dàn đá “đá trên đỉnh đèo lăn xuống rất ít vật cản”. Trừ mặt Nam Phia Phải cả hai con đường chỉ tiện việc hành quân bộ theo hàng một. Với địa hình núi đá ngựa, voi không còn tác dụng trong chiến trận. Thành Lũng Tàn có một đường thành đắp đất cắt ngang lũng theo chiều Đông Tây. Thành đất cao lừng lững như một đoạn đê sông Hồng dài 175m. Năm 1942, trong lần đi tìm đặt cơ quan, Bác Hồ đã trèo lên đường thành đất thăm ngắm công trình. Đến nay, do con người bớt đất gia tăng nên phần lớn đường thành đất đã bị thu nhỏ, có chỗ chỉ còn cao hơn 1m. Đường thành đất ngăn lũng làm hai phần: phần phía Bắc đường thành diện tích trên 2,3ha, phần phía Nam đường thành diện tích 1,2ha, phía Đông là đường thành bằng đá xếp cao thấp khác nhau, mặt trên đường thành đá rộng từ 1,5 đến 2m. Bức thành này bị người hôi của đào bới gần hết, chỉ còn lại một đoạn dài 8m ở phía Đông Bắc hình thế rõ ràng cao đến 5m, các phía khác do có vách núi đá dựng đứng hoặc hẻm đá chênh vênh hiểm trở nên không có đường thành. Tương truyền vua Mạc Kính Vũ đã ở thành này điều khiển quân tướng chống nhau với quân Lê – Trịnh mùa đông năm 1667. Sau trận đánh ác liệt ở đèo Bẫy đá, vua Mạc Kính Vũ bị quân Lê – Trịnh đóng chốt giữ các cánh đồng thuộc xã Gia Bằng, Kỳ Chỉ, Linh Mai thuộc huyện Nguyên Bình và các xã Trương Lương, Hồng Việt, Bình Long huyện Hòa An. Cuộc vây kéo dài, vua Mạc Kính Vũ phải rút theo đường núi đá xã Bắc Hợp, vượt sông Tà Sa lên các núi đá xã Thái Học. Vua Mạc Kính Vũ đến Lũng Kim thuộc xã Thái Học, huyện Nguyên Bình thì gặp một trận mưa máu dữ dội, nhà vua tạm trú ở hang đá, tạnh mưa vua đi tiếp thì thấy mặt đất có nhiều vàng lộ ra, vua nhặt lấy làm tiền lộ phí ăn đường. Từ bấy đến nay lũng ấy dân gọi là Lũng Kim “Lũng Vàng”. Sau sự kiện trận mưa đón vua về trời người đời không thấy vua Mạc Kính Vũ xuất hiện ở đâu nữa và đồn rằng vua Mạc Kính Vũ đã bay về trời. 2.Khu quân sự Lũng Chang “diện tích 8ha Lũng Chang nằm ở phía Nam Lũng Tàn. Đây là lũng mặt đất bằng phẳng, chiều dài khoảng 800m, chiều rộng độ 100m. Giữa lũng có một ngọn núi đá nhỏ nhô thẳng lên trời. Phía Bắc là dãy Phia Phải ngăn cách giữa Lũng Chang và lũng Tàn, phía Đông là cửa lũng thông với đồng đất xã Minh Tâm, phía Nam là núi đá ngăn cách với khu chăn nuôi Giỏon Mò, phía Tây nếu lần ra theo hẻm Tây Bắc sẽ xuống cánh đồng xã Linh Mai, nếu rẽ theo hẻm Đông Nam sẽ ra đồng đất Kéng Khon, đi nữa là đồn Đuôn Cáu. Lũng Chang có mỏ nước Bó Tốc Sỏi, hai bên Lũng Chang là núi đá dựng đứng hoặc thoai thoải, đây là chỗ bố trí quân lợi hại dễ thủ, dễ công, tiến thoái đều tiện lợi. Lũng Chang là cửa ngõ vào thành Lũng Tàn lại thông luôn đồng đất Gia Bằng nên nhà Mạc bố trí đông quân đảm bảo áng ngữ vững chắc con đường vào Lũng Tàn. Trên sườn phía Nam rặng Phia Phải, nhất là khu vực đèo Kéo Sải vua Mạc cho chuẩn bị nhiều dàn đá, bẫy đá, mỗi khi có động, quân túc trực cẩn thận canh gác đêm ngày.
3.Khu chăn nuôi Giỏon Mò 3ha Khu Giỏon Mò ở phía Nam Lũng Chang, khu Giỏon Mò ba mặt là núi đá toàn là đất bằng, phía đông thông lên đồng đất xã Minh Tâm. Khu Giỏon Mò gần như có hai lũng: Giỏon Mò Cải ở phía Bắc và Giỏon Mò Ỷ ở phía Nam ngăn cách nhau bằng núi đá thấp. Giỏon Mò tiếng Tày có nghĩa là chỗ nhốt bò. Đồn rằng, nơi đây là chỗ nhốt bò ở căn cứ dự phòng của nhà Mạc. Từ ngày thành lập căn cứ, nhà Mạc đã cho mở trại chăn nuôi bò.
4. Khu Lũng Vửt “ Lũng Then” Quãng giữa Lũng Chang ở sườn phía Bắc có một đèo thấp chỉ cao độ 20m vượt đèo sang phía Tây Bắc là Lũng Vửt “ Lũng Then”, diện tích độ 2000m2. Phía Tây và Bắc Lũng Vửt là núi cao và còn có nhiều lũng khác. Các cụ kể lại rằng, mỗi khi nhà Mạc sơ tán vào đây,lũng này dành riêng cho quan quản nhạc cùng đội then đàn tính ở và phục vụ quan quân trong căn cứ. Vì vậy, nhân dân mới gọi lũng này là Lũng Vửt, tức là Lũng Then. Người dân mỗi khi đi qua lũng này vẫn như nghe có tiếng đàn tính văng vẳng trầm bổng đâu đây.
5. Khu tiếp nhận sơ tán trâu, bò. Từ Lũng Vửt lên hẻm Đông Bắc sẽ gặp các lũng Uarrrt, lũng Vài “ lũng Trâu” , lũng Giểng, lũng Gủ. các lũng trên tổng diện tích cả phụ cận độ 1km2, có đường thông qua lại cho trâu, bò. Các lũng này là khu tiếp nhận trâu, bò từ khu Giỏon Mò chuyển lên khi có sự cố, đồng thời còn là kho dự trữ thực phẩm của nhà Mạc ở cứ dự phòng.
6. Đồn Đuôn Cáu và núi Phia Đén Đồn Đuôn Cáu là vị trí làng Đuôn Cáu ngày nay. Đồn Đuôn Cáu ở phía Đông Nam Giỏon Mò Ỷ, là đồn cực Tây của căn cứ dự phòng. Ngay sát phía Tây đồn Đuôn Cáu là núi Phia Đén “ Núi Đèn”. Phía đông đồn Đuôn Cáu có đám ruộng diện tích trên 1000m2 có tên gọi Nà Thiêng Háng “ chỗ chợ họp” Đồn Đuôn Cáu là chỗ các triều đại phong kiến cho đóng quân canh phòng giữ gìn an ninh. Thời Mạc , vua Mạc cho lập đồn binh tại đây để cảnh giới sự bình yên của căn cứ từ điểm cực Tây. Trên núi Phia Đén bao giờ cũng có quan canh gác là điểm quan sát dễ dàng, đêm đến nếu có động tĩnh sẽ đốt đèn làm hiệu thông báo các nơi trong cứ dự phòng nên gọi là Phia Đén “ Núi Đèn”.
7. Ngôi đình đỉnh Phia Nà Giàng Phia Nà Giàng là mỏm tận cùng phía Tây của Phia Chang. Mỏm núi này thấp, trên đỉnh có bãi đất bằng. Thời Mạc đỉnh núi này có ngôi đình “ tiếng Hán gọi là Sấn”. Cả mỏm núi Nà Giàng gọi là Đông Sấn. Núi thần không ai dám chặt phá. Trước năm 1945 có rất nhiều cây nghiến rất to nhưng nay chẳng còn. Đồn rằng: ngôi đình này là chỗ hội họp giữa các thủ lĩnh người địa phương quanh vùng Tam Kim, Thể Dục, Minh Thanh, Lang Môn về đây hội họp với cấp chỉ huy khu hậu cứ. Những người thủ lĩnh địa phương về họp thì họ chỉ được đến ngôi đình này chứ không được đến các nơi khác. Dưới chân núi phía nam có nhà nghỉ, nay đã thành ruộng gọi là Nà Rườm “ ruộng nền nhà”.
8 Gòi Mạ Tè Gòi Mà tè thuộc chân núi Bắc Khau Vạ, là vùng đất trên độ cao 100m từ chân núi ngược lên. Chỗ đất này phía Đông là Khuổi Luông, phía Tây là sườn núi đất bản Nưa. Gòi Mạ Tè thuộc vùng núi đất xã Gia Bằng, ngày ấy do yêu cầu cần có lương thực nên nhà Mạc cho phát triển vùng chân núi để tra lúa nương. Về sau quang đãng, quan quân nhà Mạc mới mang ngựa lên đây luyện tập nên gọi là Gòi Mạ Tè “ chỗ luyện tập ngựa”. Ngày nay, chỗ này đã bắt đầu thàng lang.
9. Khu quân sự Lũng Làng “ 6ha”. Cách cửa Lũng Chang 1km về phía đông là đến cửa vào Lũng Làng. Cửa Lũng Làng là đèo đá thấp dài 150km hiểm trở, đá nô nhô, lại có vực nước, bùn lầy, cây cối rậm rạp. Năm 1979, bộ đội xây dựng căn cứ cho nổ mìn để ô tô vào lũng, hiện đường vào Lũng Làng đã dễ đi hơn. Diện tích đất Lũng Làng khoảng 6ha, đất lũng bằng phẳng, phía Đông là mỏ nước dồi dào, phía Tây là Lũng Cút, phía Tây Bắc là Lũng Ỷ, phía Nam là Lũng Đẩy, các lũng rất gần nhau song lại rất kín đáo. Đứng ở giữa Lũng Làng khách rất khó nhận biết các lũng bên. Cả các lũng hợp lại nơi đây có thể chứa từ một vạn quân trở lên. Lũng Làng là nơi sơ tán của người dân Gia Bằng khi có giặc giã. Các vua Mạc cho làm nhiều nhà dự phòng chứa quân và kho tàng ở đây. Vì vậy, người đời mới gọi nơi đây là Lũng Làng. Thời Mạc Lũng Làng là khu quân sự án ngữ con đường vào thành Lũng Tàn từ phía Đông. Tại Lũng Tàn cách đây 72 năm, bà Mạc Thị Ngọn đã nhặt được con dấu bằng đồng ở hốc đá, nhiều người xem đều khẳng định con dấu này là của nhà Mạc, hiện con dấu bà Hà Thị Nghe cất giữ.
10.Phia bản Zeng “núi có hang Vọng Quan Đài”: Phía bản Zeng là ngọn núi ở phía tay phải cửa vào Lũng Làng. Phía bản Zeng là ngọn núi đá nhỏ, thấp. Mặt Bắc núi bản Zeng từ chân núi trở lên ở độ cao 10m có một hang quay cửa Bắc, hang này có thể chứa được 30 người sinh sống. Từ ngoài nhìn vào trong mé trái hang có một đường hầm tự nhiên đục thông lọt sang sườn Nam trên độ cao 20m. Do địa thế hiểm trở, từ chân núi phía Nam người thường không thể leo lên cửa hang. Người ngồi ở cửa hang quan sát được gần hết đồng đất xã Minh Tâm. Vì vậy, từ xa xưa nơi đây là vọng gác tự nhiên của dân cư Lũng Vạ mỗi khi phải sơ tán. Nơi đây biến thành trạm gác quan sát tiền tiêu của khu quân sự Lũng Làng. Thời Mạc hang bản Zeng còn có tên gọi là hang Vọng Quan Đài.
11.Tổng Ngần “đống bạc” Tổng Ngần là vùng đất dẫy chân núi hang Lê Nin “nơi Bác Hồ mở lớp huấn luyện cho cán bộ cốt cán tỉnh Cao Bằng tháng 6 năm 1942”. Tương truyền khi chuyển vào đây quan quân nhà Mạc tạm thời lấy chỗ đất Tổng Ngần ngày nay làm nơi chứa hàng hóa. Hàng hóa được quân khênh, ghánh, mang vác đến đây chất đống cao ngồn ngộn, trải khắp nương bãi. Về sau dân gọi nơi đây là Tổng Ngần “đống bạc”. Từ đây các hàng mới được phân về các cơ sở Lũng Tàn, Lũng Chang, Lũng Làng…
12.Răp Giải “chỗ đón, nghỉ” và Bó Cai Điềm Răp Giải là dẻo đất thuộc dải đồng bằng hẹp, nơi tiếp giáp hai xã Gia Bằng và Kỳ Chỉ. Tại đây thuộc phần đất xã Gia Bằng, nhà Mạc đóng một đồn binh: Quân Mạc đóng ở đây nhằm án ngữ căn cứ dự phòng từ phía Đông. Người phụ trách nổi danh nhà quản đội quân này là ông Cai Điềm, ông cho khơi một giếng nước để quân dùng. Nay giếng nước vẫn còn, dân trong vùng gọi giếng nước này là Bó Cai Điềm. Chỗ giáp giới thuộc đất xã Kỳ Chỉ là Răp Giai ‘làng đón nghỉ’. Các cụ ngày trước kể lại: Dân phu đưa của cải và dẫn người từ Hòa An vào đến đây liền có quân đón và mời dân phu nghỉ. Vì vậy, chỗ đất này mới có tên Răp Giải, lâu ngày dân mới lái đi thành Giẳp Giải. Để giữ bí mật cơ sở dự phòng dân phu không được vào đất xã Gia Bằng. Chỗ eo đất hẹp này thời Mạc canh gác cẩn mật.
13. Nà Thổm Giảng và hang Thẳm Keo Cách khu đất Tổng Ngần về phía Nam khoảng 700m sát chân núi là khu ruồng Nà Thổm Giảng ‘diện tích độ 1000m²’. Nà Thổm Giảng chính là ‘ao tắm voi’. Cách đấy có thoi đất nổi cao, thế đẹp, đời xưa truyền lại đây là chỗ của phò mã nhà Mạc, một vị tướng quản tượng binh. Chỗ ấy nay đã thành ruộng, dân gọi là Nà Tướng. Theo mương nước Nà Thổm Giảng ngược hướng Nam sẽ đến Cốc Bó Kéo, mỏ nước chảy quanh năm, mùa đông nước ấm, mùa hè, mát lạnh. Mỏ nước này quan quân nhà Mạc dùng nước để tắm rửa. Trên Bó Kéo về phía Nam là hang Thẳm Keo chính là đài quan sát của quân Mạc phòng địch từ Khau Vạ tràn xuống đồng đất xã Gia Bằng. Từ đó tới nay, mỗi lần giặc tới, hang Thẳm Keo lại đón người lên ở. Ngày nay hang đó còn, tĩnh mịch đón hút gió Nam.
14 – Chùa Lũng Vạ Quan quân, cung tần mỹ nữ nhà Mạc là người miền xuôi có nhu cầu tâm linh khấn Phật. Hằng tuần, hằng tháng họ phải đi lễ chùa tự, thế nhưng ở đất Gia Bằng vốn rất hẻo lánh này lấy đâu ra chùa để cầu tự. Chính vì lẽ trên, vua Mạc Kính Cung đã cho thiết lập ngôi chùa ở đây gọi là chùa Lũng Vạ thuộc xã Gia Bằng. Chùa Lũng Vạ dựng ngay trên đỉnh núi Phia Ỷ. Phia Ỷ nằm ngay bên phải cửa ngõ Lũng Chang. Nó là ngọn núi đá thấp, nhỏ, xinh xắn, gọn gàng. Thời bấy giờ ngọn núi này chưa bị khai phá nên còn nhiều cây cối che chắn mát mẻ, chim chóc tụ hội. Đây là địa điểm đẹp, lại là trung tâm để hai đồn quân phía Đông và phía Tây, người từ khi quân sự Lũng Chang, Lũng Làng và cả thành Lũng Tàn đến đây đều tiện lợi. Nhà vua quyết định đặt ngôi chùa ngay trên đỉnh núi Phia Ỷ. Ngôi chùa có nhà sư coi giữ tụng kinh niệm phật, đón người hành lễ. Hằng năm, đến ngày mùng chín tháng Giêng Âm lịch nhà Mạc cho tổ chức hội chùa. Ngày ấy người dân sở tại cùng quan quân nhà Mạc kéo đến chân núi Phia Ỷ hội chùa Già trẻ náo nức đến xem biểu diễn đàn tính, hát then, hát lượn, đánh quay, đánh còn chơi. Ai đàn hát hay, đánh quay giỏi, đánh còn trúng đều được thưởng. Sau năm 1677 vua Mạc Kính Vũ đi rồi, ngôi chùa chẳng còn ở trên đỉnh Phia Ỷ nữa, nhưng ngày hội chùa vẫn được tổ chức thường niên vào ngày mùng chín tháng Giêng Âm lịch tại trung tâm xã Gia Bằng. Ngày hội chùa đã trở thành một thứ di sản được người dân gìn giữ đến tận ngày nay. Dương Mạc Sẩy Nguồn: Vương triều Mạc ở Cao Bằng một thời hưng thịnh |
Viết bình luận
Tin liên quan
-
83 năm Nhà Mạc ở Cao Bằng của Tác giả: Phạm Huy Thực (Trang Mạc Tộc Nghệ An)
-
GỌI THẾ NÀO CHO ĐÚNG. Tác giả : Hoàng Cương.
-
HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
-
VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
-
THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
-
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
-
VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
-
ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
-
VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
-
MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- Họ Mạc, Nhà Mạc trong lịch sử
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC