- Đang online: 5
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21839
- Tổng truy cập: 3,371,458
NHÀ MẠC VÀ VẤN ĐỀ NGUỴ TRIỀU TRONG LỊCH SỬ[1]
- 2710 lượt xem
GS Văn Tạo
Trong lịch sử Việt Nam, theo quan điểm của các sử gia phong kiến, có ba triều đại được coi là thoán nghịch, phải mang danh nguỵ triều (có người gọi là nhuận). Đó là nhuận Hồ, nguỵ Mạc và nguỵ Tây Sơn. Lập luận của họ, lời lẽ có thể khác nhau đôi chút, nhưng nội dung cơ bản là giống nhau.
Để minh chứng, xin dẫn ra đây lời bàn cụ thẻ của Đặng Bính, trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Từ vua Viêm đế bắt đầu phong nước Nam đến giờ, vua giỏi chúa hiền các đời có người đánh giữ mà thôn tính, có người truyền thụ mà giữ đời, đều nối làm vua, có vị hiệu thì chép làm chính thống… Còn như kẻ bội nghịch cướp ngôi giết vua mà tự lập, thì tuy có danh hiệu đều là danh không chính, nói không thuận… đó là nghịch mà thôi… Từ Triệu Việt Vương nổi lên thì vốn là bề tôi Tiền Lý Nam đế, nối Nam đế mà lấy được nước, rồi sau mới lên ngôi xưng vương, là bề tôi mà có thể thay vua làm chính sự, thế là thuận. Đinh Tiên Hoàng dẹp 12 sứ quân mà lấy cả nước, Thiếu đế hèn yếu không thể chống được giặc đem việc nước giao cả cho Lê Hoàn được Đinh hậu truyền ngôi cho mà có cả thiên hạ. Thế là thuận. Còn như nhà Lý thay nhà Lê, nhà Trần thay nhà Lý để làm vua đều là thuận cả. Thế thì 4 vua Triệu, Lê, Lý, Trần đều nhân lúc trong nước không có người làm chủ, hoặc nhân các quan nài xin, hoặc nhân vua đàn bà nhường ngôi, người trong nước tôn phục mình, trời cho, người theo, mà có thiên hạ, đều là do lẽ thuận mà lấy được. Còn như họ Mac thì không giống thế. Xem công việc làm thì Đăng Dung chẳng qua là một người đại thần của triều Lê, đương lúc nhà Lê vua yếu, tôi mạnh… bắt hiếp vua nhường ngôi, cướp nước, giết vua đề mưu tự lập… Thế nên tôi bảo là vì theo lẽ nghịch mà lấy được nước, cho nên không được chép chính thống”[2]
Đến Việt sử thông giám cương mục chép dưới thời Nguyễn cũng nhất thiết gọi nhà Hồ, nhà Mạc và nhà Tây Sơn là những kẻ tiếm nghịch. Do đó cũng dễ hiểu, khi viết về nhà Mạc, thường nhấn mạnh đến tội lỗi và thất bại, ít kể đến công lao. Chép về nhà Mạc, ít nói đến tác dụng xây dựng kinh tế xã hội, phát triển đất nước, cải thiện tình hình miền Bắc trong hơn 60 năm trị vì, đóng đô ở Thăng Long, mà chú ý nhiều đến sự lật đổ, tiếm nghịch, chinh chiến, và cuối cùng là thất bại.
Đến Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim đã tiến bộ hơn, coi Bắc triều nhà Mạc tồn tại từ 1527 đến Mạc Mậu Hợp 1592 song song và ngang hàng với Nam triều- Lê mạt (bắt đầu từ Lê Trang Tông 1533 đến Lê Thế Tông 1599), với sự phò tá của hai họ: Nguyễn (Nguyễn Kim) và Trịnh (Trịnh Kiểm)[3]. Nhưng vẫn coi Mạc là nghịch thần. Đặc biệt là chép về Mạc Đăng Dung đã “tự trói mình, cởi trần đến biên giới Việt Nam-Trung Quốc quỳ lạy dâng đất cho nhà Minh”… (mà ngay sử cũ cũng đã nêu lên nghi vấn, chưa chắc đó đã là sự thực, nhất là những địa danh vùng đất cắt dâng không đúng với thực tế[4]. Trần Trọng Kim vẫn cố tình buộc tội Mạc Đăng Dung với lời lẽ cay nghiệt: “Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần. Đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc…Đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm”[5].
Còn ngày nay, nhìn lại nhà Mạc, nếu chỉ phê phán họ cũng như phê phán các tập đoàn phong kiến khác (Trịnh, Nguyễn) là chia cắt, cát cứ, gây chiến tranh liên miên, làm khổ dân, hại nước… thì không có gì cần bàn nữa.
Nhưng đi sâu hơn vào thực tế lịch sử, có thái độ khoa học, công bằng hơn thì cần bàn thêm về nhà Mạc.
Tôi không chuyên về lịch sử cổ đại và trung thế kỷ nên chỉ xin đóng góp một vài suy nghĩ của mình:
1. Trước hết tôi xin tự giải đáp những băn khoăn của mình từ thực tế lịch sử. Cũng như những người sáng nghiệp nhà Trần, Mạc Đăng Dung cũng xuất thân từ đám dân chài vùng biển phía Đông Bắc của Tổ quốc Việt Nam. Là dân “hạ bạn” nhờ ngành võ mà lên, như Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Đăng Dung người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, lúc bé làm nghề đánh cá, đến khi lớn, có sức khoẻ, thi đỗ lực sĩ xuất thân, khoảng năm Hồng Thuận, thăng làm Đô chỉ huy sứ Vũ xuyên bá”[6]. Từ một người đánh cá mà đạt đến tước bá của triều Lê đầy rẫy các nhà khoa bảng, chắc không phải là đơn giản. Phải chăng họ Mạc là những người lao động đánh cá sông, biển ở vùng Đông Bắc Việt Nam, đồng thời cũng là những người tiếp cận với thị trường nội địa và ngoài biển ở thế kỷ XVI, khi mà giao thương, hàng hải vùng biển Đông đã phát triển. Lịch sử vùng này đã để lại những chứng tích như một nhà buôn xuất thân từ hoàng gia đời Trần là Trần Khánh Dư, nỏi tiếng về buôn than, buôn nón ma-lôi, nhờ bôn ba cùng song nước, tiếp xúc với thương trường mà đã góp phần vào chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt thời Trần. Rồi suốt gần 3 thế kỷ từ Trần đến Hồ, đến thuộc Minh, đến Lê, vùng Đông Bắc này đã phát triển thương mại và tiểu thủ công tới mức đáng được đi sâu tìm hiểu. Chỉ nêu một sự kiện về gốm sứ thôi. Trong hơn một thập kỷ, ngành khảo cổ và bảo tàng Hải Hưng đã khai quật và tìm ra nhiều di chỉ gốm sứ, thu được hàng vạn hiện vật, chủ yếu là thời Mạc, với men gốm sứ đặc sắc và với tạo dáng tinh vi. Ngoài men xanh ngọc đã xuất hiện từ Lý, Trần còn có men tím, men nâu, hoa lam mang sắc thái Mạc. Cần nấn mạnh tới gốm sứ Việt Nam đã sớm sang tới Trung Đông khiến cho đến nay tại bảo tang Itstambun-Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn một di vật gốm Việt Nam từ thế kỷ XV. Đó là một lọ gốm hoa lam của Việt Nam, được trưng bày ở Bảo tàng Topkapu, mang dòng chữ Hán “Thái Hoà bát niên tượng nhân Nam Sách châu, Bùi Thị Hý bút” (Tức Niên hiệu Thái Hoà, năm thứ tám, triều vua Lê Nhân Tông 1450”), người thợ thủ công Bùi Thị Hý châu Nam Sách vẽ. Thật không phải ngẫu nhiên mà gốm sứ Mạc do kế thừa được di sản gốm sứ nói trên, lại vẫn đậm đặc, nhất là vùng Nam Sách, quê hương của nghệ nhân gốm sứ Đặng Huyền Thông, vẫn còn nổi tiếng cho đến ngày nay. Di sản về giao thông, thương mại với bên ngoài và về thủ công mỹ nghệ đó phải chăng cũng tô đậm them cho cái vũ lực, thông minh, khôn khéo của họ Mạc ở đây?
Đấy là chưa kể tổ tiên họ Mạc, không ai quên là có Mạc Đĩnh Chi, một trí thức tài năng triều Trần Anh Tông đỗ Trạng nguyên đi sứ sang nhà Nguyên đã làm rạng danh đất Việt một thời. Từ quê hương miền bán sơn địa Chí Linh nổi tiếng với Kiếp Bạc, Côn Sơn, họ Mạc đã toả ra sinh sống rải rác ở vùng Hải Đông. Một nhánh định cư ở vùng “Hạ Bạn” Cổ Trai, huyện Nghi Dương (xưa cũng thuộc Hải Dương) không phải đã không kế thừa được những tinh hoa của cha ông, vừa lao động nông, công, thương nghiệp, vừa lao động trí óc theo dòng trạng Mạc, trạng Trình…
Nêu ra như vậy không nhằm để đề cao họ Mạc mà muốn là để có thái độ công bằng hơn, chống lại những luận điểm coi Mạc là “dân võ biền, vô học” là “loại dân ngu, khu đen”… để đến chỗ lên án sự thoán nghịch có tính chất “ngu đần, dại dột” của họ.
Một điều nữa đáng quan tâm là khi đã ghét nhà Mạc với dụng ý riêng hay với quan điểm phong kiến Khổng Mạnh đặc sệt của mình, người ta thường hay nói về những oán thù do nhà Mạc gây nên, mà ít khi nói đến lòng dân đối với nhà Mạc. Đặc biệt là chỉ nói đến chinh chiến và tàn sát, ức hiếp cưỡng bức những người chống đối hơn là nói đến sự nghiệp xây dựng đất nước của họ Mạc.
Mặc dầu vậy, chân lý lịch sử cũng cứ phải phơi bày, dầu chỉ ở một vài dòng. Trong Việt sử thông giám cương mục, tuy xếp Mạc vào loại nguỵ triều, nhưng có chỗ phải viết: “Lòng mọi người hướng về Mạc Đăng Dung”[7]. Không chỉ căn cứ vào lời lẽ ghi chép mà nhìn vào thực tế, nếu nhân dân không ủng hộ làm sao họ Mạc đã tuyển mộ hàng vạn quân lính, thu được hàng trăm tướng tài. Nhân dân không ủng hộ làm sao họ Mạc giữ được nghiệp vua hơn 60 năm trời. Lại nữa, hàng chục khoa thi mở ra, cứ đúng 3 năm một kỳ, tuyển chọn được hàng trăm Tiến sĩ, và một số Trạng nguyên trong đó nổi bật là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh KHiêm (ở khoa thi Hội năm Ất Mùi 1535). Mặc dù trong khói lửa chiến tranh, các sĩ tử vẫn cứ đua nhau đi thi với nhà Mạc. Đâu chỉ vì hám danh khoa hoạn. Nếu không có lòng tin thì người trí thức đâu dễ mà bộc lộ được tài năng, trí tuệ ở chốn khoa trường. Trong thực tế, không ít người có tài năng đã đạt bảng vàng thời Mạc cùng với Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Còn nói về phát triển kinh tế xã hội, chỉ vài dòng hé ra của các sử thần phong kiến trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã phần nào minh oan cho nhà Mạc là không chỉ có tội lỗi trong xây dựng kinh tế xã hội, như nhiều sử gia buộc biện. Sau khi trình bày kết quả khoa thi Hội năm Nhâm Thìn (1532) nhà Mạc lấy tổng số 27 tiến sĩ, tác giả Đại Việt sử ký toàn thư viết:
“Mạc có lệnh cấm các xứ trong ngoài, người ta không được cầm dáo mác và binh khí hoành hành ở đường sá, ai trái thì cho pháp ty bắt. Từ đấy, người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp. Trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình.
Trong khoảng vài năm đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên…”[8].
Qua mấy dòng này, chí ít ta cũng thấy: buôn bán, chăn nuôi có phát triển, nông nghiệp được mùa… do đó trật tự trị an đạt được một cách hiếm có. Tất nhiên mới là “Trong cõi tạm yên” mà thôi. Nhưng với tình thế phong kiến loạn lạc như vậy, đạt được tạm yên đã là quý rồi. Và cũng có thể chỉ là trong thời Đại Chính (Mạc Đăng Doanh) mà thôi. Nhưng cũng cần phải thừa nhận để công bằng hơn với nhà Mạc.
Về đối ngoại, việc cắt đất đầu hàng nhà Minh còn nhiều nghi vấn là không có thực, cần được làm rõ thêm.
Mặt khác trong đối ngoại, ta cũng cần thấy những gương mặt đáng kính như Mạc Ngọc Liễn mà Việt sử thông giám cương mục còn ghi:
“Họ Lê trung hưng, đó là số trời. Còn như dân ta vô tội sao ta lại nỡ để cho dân mắc vào vòng mũi tên, hòn đạn lâu mãi như vậy! Chúng ta nên lánh ở nước khác cốt phải giữ gìn, đừng lại cố sức chiến đấu với họ nữa. Lại dứt khoát chớ đón rước người Minh kéo sang nước ta để đến nỗi dân ta phải lầm than khổ sở”[9].
Đó là khi mà thế cùng lực kiệt, rất cần cầu cứu mà họ còn biết nghĩ như vậy, chẳng đáng ca ngợi sao? Tất nhiên trong số quần thần nhà Mạc cũng có thể có người nghĩ khác Mạc Ngọc Liễn. Nhưng, đến nhà Trần lúc thịnh trị mà đối lập với Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo còn có Trần Kiện, Trần Ích Tắc phản bội dân tộc nữa là. Vậy, thì không vì theo quan điểm phong kiến mà lên án nhà Mạc là nguỵ triều để nhấn thêm cho họ cái tội “bán nước”, chưa hẳn đúng với sự thực lịch sử. Có như vậy mới bảo đảm được công bằng trong nhận thức lịch sử.
2 Sau khi có vài suy nghĩ về nhà Mạc, tự giải đáp băn khoăn của mình như vậy, tôi muốn đem so sánh họ Mạc-Bắc triều với phía Nam triều-Lê mạt có sự giúp sức của Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm và con cháu các vị ấy.
Các vị ấy có hơn gì Mạc? Chỉ có cái khôn khéo làm theo Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Giữ chùa thờ bụt, thì ăn oản” theo một xu thế tất yếu “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong” mà thôi.
Cho nên đứng trên quan điểm tiến bộ lịch sử ngày nay mà xét, lúc đó nhà Lê đã quá suy tàn, cái “thống nhất đất nước” mà Lê là tượng trưng, chỉ còn là ảo ảnh. Cái thực của đất nước Việt Nam lúc đó là khủng hoảng xã hội, trong đó tiềm lực nhân dân đang có nhu cầu phát triển kinh tế hàng hoá, giải thể nhanh chóng hình thái kinh tế xã hội phong kiến Việt Nam đã từng hội nhập với tàn dư phương thức sản xuất chấu Á, kìm hãm xã hội. Cần có một lực lượng xã hội mới, mạnh hơn, đánh đổ hoàn toàn cơ chế xã hội cũ, đưa đất nước tiến lên, như sau này nhà Tây Sơn thể nghiệm. Không thể có tiến bộ xã hội khi đất nước vẫn giữ thế song trùng lãnh đạo của hai thế lực đều tiêu cức, yếu kém, lại kiềm chế lẫn nhau, khiến tình hình xã hội cứ “bùng nhùng như nhọt bọc” không thể thể vỡ mủ ra được. Đau đớn biết chừng nào!
Chỉ tiếc rằng lực lượng Mạc vẫn chưa có được hậu thuẫn kinh tế xã hội, đủ sác mạnh để lật đổ được vương triều Lê tàn tạ cùng với quần thần trì trệ, bảo thủ của họ. Điều này có lẽ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhận thấy.
Có lúc tôi đã trách, sao Nguyễn Bỉnh Khiêm tài giỏi như vậy lại do nhà Mạc tuyển lựa qua khoa cử, đậu đến Trạng nguyên, mà chỉ khuyên nhà Mạc được có một câu: “Sau này nếu có biến cố thì đất Cao Bằng dẫu nhỏ cũng có thể hưởng phúc lâu được vài đời?”[10]. Sao không khuyên kế sách dựng nghiệp lâu dài, ít ra cũng như lời khuyên họ Trịnh, hay cao hơn là bằng lời khuyên đối với họ Nguyễn?
Phải chăng thế và lực của nhà Mạc dấy lên ở vùng Hải Đông mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đang sống, chỉ cho phép nhà Mạc làm được đến như vậy thôi. Vùng Đông Bắc nhỏ hẹp này của Tổ quốc lại tiếp giáp với Trung Hoa lớn mạnh, không còn đất xoay sở rộng ra, khác với chúa Nguyễn ở phương Nam và sau này, nhờ có thiên thời, địa lợi, nhân hoà ở Đàng Trong, đã có thể thoả sức vẫy vùng. Từ đó cho đến nay, kinh tế hàng hoá và cơ chế thị trường ở phía nam vẫn năng động hơn phía Bắc như ta đã thấy.
Về chính sự, thực tế nếu họ Nguyễn không tách hẳn ra để dựng nghiệp ở Đàng Trong mà cũng cầm quyền với vua Lê như chúa Trịnh ở Bắc thì việc chuyên quyền, lấn át vua Lê nhất định cũng xảy ra (thậm chí như Trịnh Tùng đã từng ép vua Lê phải thắt cổ tự tử để lập hoàng tử Duy Kỳ tức Lê Thần Tông lên thay thì cũng vì lợi ích của họ Trịnh[11].
Chúa Nguyễn ngay cả khi đúc tiền vẫn giữ niên hiệu nhà Lê cũng chỉ là khôn khéo bề ngoài mà thôi. Thực tế, Trịnh cũng như Nguyễn chẳng ai muốn đưa đất nước tiến lên mà lại chịu đựng một cơ chế phân chia quyền lực như vây.
Xét cho cùng, “Nguỵ Mạc là nguỵ công khai, còn nguỵ Trịnh, nguỵ Nguyễn là nguỵ giấu mặt”. Tất cả đều là phản ánh cái “ảo” thống nhất trong cái “thực” chia cắt.
3. Sau khi so sánh đương đại về cái gọi là nguỵ triều chúng tôi muốn so sánh lịch đại để thấy rõ hơn:
“Phải chăng những cái gọi là nguỵ đó đều là đại diện cho những lực lượng tiến bộ đương thời?”
Về nguỵ Tây Sơn, khỏi phải nói, ai cũng đã rõ. Còn nhuận Hồ, thực chất là người tìm đường thoát ra khỏi khủng hoảng cuối Trần. Cải cách của họ Hồ thất bại chủ yếu do nguyên nhân bên ngoài-nguyên nhân nhà Minh xâm lược, mà nhà Hồ chưa thoát khỏi được khủng hoảng kinh tế xã hội để có lực mà đối phó. Còn những hoài bão cải cách của Hồ Quý Ly lại một phần lớn Lê Sơ thực hiện.
Như vậy đã rõ ràng là cả 3 triều đại gọi là nguỵ triều trong lịch sử Việt Nam đều thể hiện những xu hướng tiến bộ nhưng chưa đủ điều kiện để thành công.
Cái mạnh của họ Mạc là dám công khai và kiên quyết huỷ bỏ cái cũ lạc hậu, dựng nên cái mới tiến bộ chứ không nước đôi như Trịnh-Nguyễn. Chính vì vậy mà các sử gia phong kiến gọi họ Mạc là nguỵ. Trong khi đó các sử gia phong kiến lại lập luận như kiểu Đặng Bính kể trên: “Từ Triệu đến Đinh, Lê, Lý, Trần sự truyền ngôi đều là thuận”. Nhưng chỉ xin đơn cử một thí dụ là Trần Thủ Độ cưỡng bức Lý Huệ Tông phải tự tử rồi lại tàn bạo tiêu diệt tôn thất nhà Lý thì có phải là hành động cần thiết để bổ sung cho việc Trần Cảnh hoà bình giành lấy ngôi vua, lấy Lý Chiêu Hoàng nhỏ tuổi làm vợ, rồi khôn khéo buộc Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi vua cho mình để giữ vững thế đứng của nhà Trần không? Thực chất đó có phải là một việc tiếm ngôi một cách khéo léo không?
Riêng tôi, tôi ca ngợi tất cả, cả việc truyền ngôi vua từ nhà Đinh sang cho Lê Hoàn, từ nhà tiền Lê sang cho Lý Công Uẩn, từ nhà Lý sang cho Trần Cảnh, v.v… Vì vậy tôi tán thành nhà Mạc, muốn giải quyết khủng hoảng xã hội lúc đó thì phải giành cho được toàn quyền hành động. Còn cái tàn bạo giết chóc những người chống đối, trong đó có cả hoàng thân quốc thích nhà Lê, thì cũng tương tự như các triều đại trước mà thôi. Nếu cần phe phán thì cũng là phê phán chung cả cái tệ nạn phong kiến ấy, chứ phê phán riêng gì nhà Mạc?
Phải chăng, chúng ta đã xoá nhưng chưa dứt điểm, từ nay nên dứt khoát xoá đi cái gọi là nguỵ Mạc, và nên khôi phục lại tất cả nững gì là tích cực mà họ Mạc đã cống hiến cho lịch sử dân tộc.
—
[1] Bài phát biểu nhân lễ Kỷ niệm Danh nhân Văn hoá Mạc Đĩnh Chi, tổ chức tại Văn Miếu (Quốc tử giám) Hà Nội-1996.
– In trong sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử-Hà Nội 1996
– In trong sách Năm năm Hán Nôm-Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm- Viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh-1995.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập IV, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1968, tr 127-128.
[3] Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim, QII, Bộ Giáo dục, Trung tâm học liệu Sài Gòn xuất bản 1971, tr 4-5.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, Tập IV đã dẫn, đoạn trích từ Minh sử, tr 347.
[5] Việt Nam sử lược, sđd, tr 17.
[6] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr 119-120.
[7] Việt sử thông giám cương mục chính biên, tập 14, Nxb Văn Sử Địa, 1959, tr3.
[8] Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr126
[9] Việt sử thông giám cương mục, Tập 15, Nxb Văn Sử Địa, H., 1959, tr9.
[10] Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí-Nhân vật chí-tập 1, Nxb Sử học, H., 1960, tr 299.
[11] Việt sử thông giám cương mục, Tập 15, Nxb Văn Sử Địa, H., 1959, tr 39.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.