- Đang online: 1
- Hôm qua: 401
- Tuần nay: 11164
- Tổng truy cập: 3,387,912
NHÀ MẠC Ở VÙNG NÚI PHJA PẢNG, CAO BẰNG
- 3333 lượt xem
LÝ GIẢI NHỮNG BÍ ẨN VỀ NHÀ MẠC Ở VÙNG NÚI PHJA PẢNG
Phja Pảng là quả núi to cao nhất vùng, liền với động Ngườm Ngao cuả khu du lịch Bản Giốc (Đàm Thủy, Trùng Khánh). Gần đến đỉnh Phja Pảng, núi bị thủng sang bên kia. Chỗ núi bị thủng, tiếng Tày gọi là “lộng”. Trong “lộng” có cửa hang rộng chừng 3m đi sâu xuống lòng núi. “Lộng” Phja Pảng chứa đựng những điều bí ẩn từ bao đời nay chưa có căn nguyên giải đáp.
Phja Pảng nằm giữa làng Khuổi Ky, làng Bồng Sơn và xóm Bản Thuôn. Từ làng Khuổi Ky đi 300m rẽ trái lên khe núi vào khu hang động Ngườm Ngao; Đi thẳng theo chân núi gần 1km rẽ trái qua một khe núi đi lên núi Phja Pảng. Trước đây, ở chân núi Phja Pảng có dãy thành đá dài, nay không còn dấu vết vì dân dỡ đi lấy đá làm hàng rào nương rẫy. Đi lên đến lưng núi Phja Pảng là bãi đất dốc thoai thoải gọi là Lũng Pảng. Chân Lũng Pảng có dãy thành đá gần như còn nguyên vẹn, dài hơn 100m nối liền hai sườn núi. “Lộng” Phja Pảng ở bên trái Lũng Pảng. Từ chân Lũng Pảng leo dốc hơn 100m mới đến “lộng. Chắn trước cửa “lộng” có dãy thành đá dài khoảng 30m nằm dưới đám cây lúp xúp. Qua bên kia “lộng”, xuống đến chân núi có cửa hang cao, rộng nơi con suối nhỏ chảy qua xóm Bản Thuôn vào núi Phja Pảng, qua động Ngườm Ngao, đi ra chân khe núi lên Lũng Pảng, phía trên làng Khuổi Ky. Chắn cửa vào hang này bằng dãy thành đá dài hơn 30m, cao 6-7m. Từ chân Lũng Pảng đi thẳng lên mép trên lũng, có dãy thành đá chắn đường lên từ cuối làng Bồng Sơn. Lũng Ngao ở phía bắc chân núi Phja Pảng. Trong các quả núi vòng quanh Lũng Ngao đều có hang động sâu, rộng luôn có nước nhũ đá và nước của con suối chảy qua trong núi. Trước cửa vào các hang động này đều có thành đá kiên cố.
Điều bí ẩn thứ nhất: Vì sao có nhiều thành đá ở Lũng Pảng ?
Dấu tích thành đá ở Lũng Pảng
Những dãy thành đá ấy là do con người làm nên. Tính sơ bộ, tổng số thành đá ở Lũng Ngao và Lũng Pảng đến 1300 mét khối đá xếp. Đây là công trình to lớn, đòi hỏi sự tham gia xây dựng của hàng nghìn binh lính, trong một khoảng thời gian vài năm. Đó là chứng cứ lịch sử về hoạt động của nhà Mạc ở vùng này.
Tìm hiểu về lịch sử nhà Mạc, thấy rằng: Sau khi vương triều Mạc ở Thăng Long sụp đổ, tôn thất Mạc bị phân tán đi khắp nơi, nhưng thế lực nhà Mạc vẫn còn mạnh, lòng dân vẫn hướng về nhà Mạc, các bậc Vương thất Mạc luôn nung nấu ý chí phục quốc, tái lập vương triều. Mạc Kính Chỉ con của Mạc Kính Điển (Tể tướng vương triều Mạc) đã xưng vua ở Đông Triều, Quảng Ninh, lực lượng đi theo đến 7-8 nghìn người, nhưng bị quân Lê Trịnh tiêu diệt sau một thời gian ngắn. Sau đó, Tướng quân Mạc Ngọc Liễn đã suy tôn Mạc Kính Cung, con thứ của Mạc Kính Điển lên làm vua, lấy hiệu là Càn Thống. Trước lúc lâm chung, Mạc Ngọc Liễn có di thư căn dặn Mạc Kính Cung rằng: “Nay vận nhà Mạc đã hết, nhà Lê lại phục hưng, đó là số trời. Dân ta vô tội, mà lại mắc nạn binh đao, sao nỡ thế. Bọn ta nên tránh ra ở nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại mới có thể làm được. Rất không nên lấy sức chọi sức, hai con hổ đánh nhau tất có một con bị thương, không được việc gì. Nếu thấy quân họ đến, ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ là hơn. Lại chớ mời người Minh vào trong nước ta, mà để dân ta phải lầm than, đau khổ, đó cũng là tội không có gì nặng bằng”.
Nhớ tới lời của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nói với vua Mạc Mậu Hợp: “Đất Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng về sau nước có sự việc, có thể lên đấy hưởng phúc đến mấy đời”, Mạc Kính Cung có chủ trương lên Cao Bằng gây dựng sự nghiệp, trong hoàn cảnh luôn đối phó với sự truy diệt của quân Lê Trịnh. Mạc Kính Cung không thể đàng hoàng kéo quân thẳng lên Cao Bằng lập vương quốc riêng, mà phải tìm một nơi ở Cao Bằng làm căn cứ cố thủ ban đầu cũng như lâu dài, đảm bảo an toàn tính mạng, thuận việc dựng xây lực lượng, chịu khuất đợi thời, chờ thời cơ thuận lợi mới lập vương quốc, thiết lập vương triều.
Các bậc vĩ nhân, lãnh tụ của dân tộc lập nên sự nghiệp lớn đều bắt đầu nương thân nơi núi rừng hiểm trở. Lê Lợi lấy “Núi Lam Sơn dấy nghĩa, chốn hoang dã nương mình” mà đánh đuổi được quân Minh xâm lược,lập nên vương triều Lê. Hồ Chí Minh bắt đầu nương thân ở hang Pác Bó, sát biên giới Việt Trung ở Trường Hà (Hà Quảng, Cao Bằng) mà lập nên nước Việt Nam độc lập. Mạc Kính Cung đi qua Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) tìm được núi Phja Pảng thuộc đất Cao Bằng, ở sát biên giới Việt Trung làm nơi nương thân, cố thủ để bảo toàn tính mạng và lực lượng của mình. Nơi nương thân của vua Mạc Kính Cung chính là ở trong hang trên “lộng” Phja Pảng. Bằng chứng thể hiện ở các dãy thành đá từ các phía chân Lũng Pảng lên đến cửa “lộng” là để bảo vệ nơi trú ẩn của vua. Quân lính của nhà Mạc ở Lũng Ngao (phía Bắc) và ở Phò Keo (phía nam) của núi Phja Pảng. Mạc Kính Cung chọn nơi này lập căn cứ là vì vị trí địa lý thuận lợi nhiều mặt: Các hang động ở Lũng Ngao, Lũng Pảng là pháo đài thiên tạo rất hiểm trở, vững chắc, làm nơi cố thủ an toàn cho các lực lượng của nhà Mạc. Căn cứ cố thủ này tiếp giáp với vùng đồi đất, đồng ruộng rộng lớn ở cuối châu Thượng Lang và châu Hạ Lang, thuận tiện việc tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm để nuôi quân. Dọc theo đường biên giới Việt Trung của Cao Bằng, chỉ có nơi này thuận tiện qua lại giữa hai nước vì có con sông làm biên giới dài 4-5km, có nhiều đoạn qua lại dễ dàng để giao tiếp với chính quyền nhà Minh. Có thể nói vùng đất này có vị trí chiến lược đắc địa của nhà Mạc.
Nhờ có căn cứ này, nhà Mạc đã đối phó được các cuộc tấn công truy quét của quân Lê Trịnh. Điển hình, có hai trận đánh lớn của quân Lê Trịnh quyết tâm tiêu diệt vua Mạc Kính Vũ, đều không thành.
- Tháng 11 năm 1638, chúa Trịnh thân chinh đem đại quân đi qua châu Quy Thuận thuộc Quảng Tây (Trung Quốc) vượt sông đánh sang nơi giáp ranh châu Thượng Lang với châu Hạ Lang, đến nơi quân Mạc ẩn rất nhanh, không thấy tung tích đâu cả, chờ 10 ngày đành rút quân về.
- Tháng 12- 1639, Chúa Trịnh lại thân chinh dẫn đại quân đánh lên vùng Đà Dương, qua Vân Đô đánh xuống vùng biên giới Việt Trung ở cuối châu Thượng Lang. Trận này, chúa Trịnh chuẩn bị rất chu đáo, viết nhiều thư cho tướng nhà Minh và các thổ ty ở vùng biên giới bên Quảng Tây cùng hợp quân đánh Mạc Kính Vũ. Quân Lê Trịnh đến nơi hẹn, nhưng quân bên nhà Minh không ai đến, chiến dịch lại thất bại.
Ngoài hai trận đánh lớn này, Lê Trịnh đã tiến hành nhiều cuộc càn quét, rất ít khi được giao chiến với quân Mạc ở vùng này. Các đời vua Mạc thời kỳ ở Cao Bằng đã thực hiện đúng theo lời căn dặn của Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn: “…thấy quân họ đến ta nên tránh, chớ có đánh nhau, nên cẩn thận mà giữ là hơn…”.
Như vậy, Phja Pảng là trung tâm căn cứ cố thủ của vua Mạc Kính Cung và các vua Mạc sau này. Nơi trọng yếu mà vua Mạc trú ẩn là hang trong lòng núi trên “lộng” Phja Pảng, được bảo vệ bằng các tầng lớp thành đá kiên cố. Sự bố trí các dãy thành đá từ chân Lũng Pảng đến cửa “lộng” cho ta phán đoán này. Còn thực tế nơi ăn, chỗ ngủ của vua Mạc ở dưới hang trên “lộng” chưa có người khảo sát để xác nhận cụ thể.
Điều bí ẩn thứ hai: Ngôi đình ở phía nam chân núi Phja Pảng thờ một người đứng đầu nhà Mạc từ 400 năm qua, người ấy tên là gì ?
Nhà thờ, ba mặt xây đá sát mái
Bài viết: “Ba vua Mạc cuối cùng qua sử liệu Trung Quốc” của học giả Chu Xuân Giao, đăng trong kỷ yếu Hội thảo khoa học về nhà Mạc ở Vĩnh Phúc, năm 2012, nêu rõ: Vương triều Mạc thời kỳ ở Cao Bằng gồm 5 đời vua:
- Vua Mạc Kính Cung, niên hiệu Càn Thống (1593 – 1621).
- Vua Mạc Kính Khoan, niên hiệu Long Thái (1621 1625), Thái úy Thông Quốc công của nhà Lê (1625 – 1638)
- Vua Mạc Kính Vũ, niên hiệu Thuận Đức (1638 – 1661)
- Vua Mạc Nguyên Thanh, niên hiệu Vĩnh Xương (1661 – 1680)
- Vua Mạc Kính Quang (1681 – 1683)
Tóm tắt diễn biến cuộc đời của từng vị vua như sau:
- Vua Mạc Kính Cung được suy tôn lên ngôi năm 1593, đến năm 1600 lập đế đô ở thành Na Lữ, lập vương phủ ở Cao Bình (xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng). Năm 1621, nhường ngôi cho Mạc Kính Khoan. Năm 1625, Mạc Kính Cung và con trưởng của Mạc Kính Khoan bị quân Lê Trịnh bắt được, đem về Thăng Long hành quyết, không có phần mộ lưu giữ.
- Vua Mạc Kính Khoan lên ngôi năm 1621, đến năm 1625 bị đại quân Lê Trịnh tiến đánh Cao Bằng, lực lượng bị tổn thất nặng nề, tình thế suy yếu nên đã trá hàng Lê Trịnh để tồn tại, bằng cách nhận chức Thái úy Thông Quốc công của nhà Lê, được trấn giữ vùng Cao Bằng, đến tháng Giêng năm 1638 thì mất. Vì đang là quan Thái Úy Thông Quốc công của triều Đình nhà Lê, Mạc Kính Khoan được sống yên ổn và mất tại vương phủ Cao Bình, còn phần mộ không biết mai táng ở đâu.
- Vua Mạc Kính Vũ tiếp ngôi vua cha Mạc Kính Khoan vào tháng giêng năm 1638. Ngài đã tỏ rõ sự phản kháng, chống đối nhà Lê, không báo tang cha, tự lập niên hiệu Thuận Đức. Lê Trịnh huy động đại quân nhiều lần chinh phạt nhằm tiêu diệt Mạc Kính Vũ, nhưng đều thất bại. Mạc Kính Vũ là nhà quân sự linh hoạt, khi bị tấn công thì cho quân ẩn tránh, địch rút lại trở về. có điều kiện thì cho quân tiến đánh để mở rộng lãnh thổ. Mạc Kính Vũ khôn khéo việc ngoại giao với nhà Minh và chủ động đặt quan hệ với nhà Thanh trước nhà Lê. Tranh thủ lập quan hệ tốt với nhà Thanh bằng việc cung tiến một lượng lớn gỗ quý cho việc xây dựng tòa Tam Bảo Đại Phật ở Quảng Châu. Tháng 5 – 1661, truyền ngôi cho con trưởng là Mạc Nguyên Thanh, sau đó lui vào bí mật, không xuất hiện ở Cao Bằng nữa. Sau này được biết Ngài đã bí mật về xuôi mưu sự nghiệp và mất ở chùa Xuân Sơn, thôn Diệm Xuân, xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Phần mộ được mai táng ở vườn sau chùa Xuân Sơn.
- Vua Mạc Nguyên Thanh chính thức lên ngôi tháng 11 năm 1661, ngày nhận sắc phong chức An Nam Đô Thống sứ tại kinh đô nhà Thanh. Mạc Nguyên Thanh tiếp nhận từ vua cha Mạc Kính Vũ phần lãnh thổ hẻo lánh, nhỏ hẹp. Vùng Thái Nguyên, Lạng Sơn đã mất vào tay nhà Lê từ lâu. Những trận tấn công liên tiếp của quân Lê Trịnh đã làm hao tốn binh lực của Mạc Nguyên Thanh. Kinh đô Cao Bình nhiều lần thất thủ, làm cho Mạc nguyên Thanh phải chạy đi, chạy lại ở vùng biên giới. Đến năm 1677, đại quân Lê Trịnh tấn công Cao Bằng, đã tàn phá hoàn toàn kinh đô Cao Bình, vương triều Mạc tan vỡ. Mạc Nguyên Thanh chạy đến phủ Tứ Thành thuộc Quảng Tây, Trung Quốc tá túc, nhưng không phải “ngồi buồn một chỗ chờ chết” mà đã liên hệ với thổ ty Sầm Kế Cương ở châu Quy Thuận, Quảng Tây giúp quân lực. Liên quân Mạc Sầm tổ chức một cuộc tấn công vào thành Mục Mã, Cao Bằng. Tướng Đặng Công Chất thua nặng, bị triều Lê triệu về Thăng Long bãi chức. Sau trận ấy Mạc Nguyên Thanh mất tích, có thể chết tại trận hoặc chết ở một nơi nào đó trên đất Việt nam.
- Mạc Kính Quang là em út của Mạc Nguyên Thanh, đang cùng tôn thất Mạc tị nạn ở Tứ Thành. Đầu năm 1681, được tin anh mất đã xưng vua để làm người đại diện nhà Mạc ở đất Quảng Tây, Trung Quốc. Giữa năm 1683, chính quyền Quảng Tây được lệnh dẫn độ Mạc Kính Quang cùng hơn 300 người là tôn thất Mạc về An Nam. Gần đến Mục Nam Quan, Mạc Kính Quang uống thuốc độc tự sát để khỏi rơi vào tay nhà Lê. Không ai biết việc mai táng Mạc Kính Quang cho nên không biết có phần mộ có hay không.
Như vây, trong 5 vị vua Mạc thời kỳ ở Cao Bằng, có hai vị vua mất mà không có mộ phần là vua Mạc Kính Cung và vua Mạc Kính Quang. Một vua (Mạc Kính Vũ) biết nơi mất và phần mộ ở chùa Xuân Sơn, Vĩnh Phúc. Vua Mạc Kính Khoan biết nơi mất nhưng không biết nơi mai táng. Còn vua Mạc Nguyên Thanh không rõ nơi mất và cũng không biết phần mộ mai táng ở chỗ nào.
Ở phía nam chân núi Phja Pảng, thuộc làng Bồng Sơn, có một ngôi đình thờ người đứng đầu nhà Mạc. Lễ cúng tế vị này vào ngày Dậu đầu tháng ba âm lịch hàng năm. Chủ tế là một gia đình họ Nông Tự, người hành lễ cúng tế là một thầy cúng họ Mạc. Ngày cúng tế, cả làng Bồng Sơn mỗi gia đình một người, đến đình thờ mổ lợn, gà, xôi thịt làm đồ tế lễ, cúng tế xong, chia thịt lợn cho mỗi nhà một mảnh dài bằng một gang tay làm hồi lộc, còn lại nấu ăn chung tại sân đình. Nề nếp cúng tế này được tiến hành liên tục gần 400 năm qua, không bỏ khuyết năm nào. Dân làng Bồng Sơn truyền từ đời này sang đời khác về sự ra đời ngôi đình và nề nếp cúng tế này:
Trước đây, ở chân núi Phja Pảng chỉ có một nhà đơn độc của gia đình họ Nông Tự. Từ khi nhà Mạc về ở trên Lũng Pảng và Phò Keo (đồi người Kinh, ở liền núi Phja Pảng), gia đình Nông tự này trở thành thân thích với quan quân nhà Mạc. Đặc biệt, gia dình Nông Tự đã chăm sóc những ngày cuối đời của vị đứng đầu nhà Mạc, được quan nhà Mạc giao cho giữ một quyển sách chữ Nho bằng giấy bản, dầy bằng bề ngang ngón tay cái, rộng hơn gang tay và chắc là còn đươc căn dặn thêm những điều gì nữa. Sau khi vị đứng đầu ấy mất, gia đình Nông Tự đã dựng một ngôi nhà thờ bằng bốn cột gỗ, hai mái lợp ngói âm dương, hướng nhà xuôi theo dòng suối chảy về hướng Bắc. Ba năm liền sau đó, làng Bồng Sơn bất an, hổ báo vào tận trong làng bắt lợn, bắt bò; hươu nai nhảy cả lên mái nhà đạp vỡ hết ngói, ruộng đồng nương rẫy đầy sâu bọ. Đi bói, thầy bói nói phải xoay lại hướng nhà thờ lên núi Phja Pảng. Cả làng Bồng Sơn cùng ra tay góp công, góp của làm lại cái nhà thờ, ba mặt xây đá sát mái, mặt trước xây từ hai góc vào khoảng 80 cm, hai mái lợp ngói âm dương, thành cái thờ cửa to, rộng và hướng lên núi Phja Pảng, gọi là Rườn Đình. Sau khi hoàn thành Rườn Đình, làng Bồng Sơn được bình yên trở lại.
Còn quyển sách chữ Nho giao cho nhà họ Nông Tự giữ gìn, trải qua gần 400 năm, không có phương tiện bảo quản cẩn thận đã mục nát và hỏng hoàn toàn cách đây chừng 20 năm, thật là đáng tiếc. Nếu quyển sách ấy còn thì có thể biết Rườn Đình thờ ai.
Trong 5 vị vua Mạc thời kỳ ở Cao Bằng, chỉ có vua Mạc Nguyên Thanh chưa xác định được nơi mất. Rườn Đình ở cuối làng Bồng Sơn thờ vị đứng đầu nhà Mạc, được hiểu là thờ một vị vua Mạc. Cho nên, Rườn Đình ở Bồng Sơn là nhà thờ vua Mạc Nguyên Thanh. Điều này dẫn đến kết luận: Vua Mạc Nguyên Thanh đã mất tại căn cứ Phja Pảng. Nơi đặt mộ của vua Mạc Kính Khoan và mộ của vua Mạc Nguyên Thanh vẫn còn là ẩn số. Việc xác định nơi đặt mộ của hai vị vua này phải dựa vào quy luật chăm lo hậu sự của các bậc vua chúa: Khi thịnh trị thì xây lăng tẩm khang trang, kiên cố; Lúc loạn lạc thì phải bí mật nơi mai táng phần mộ của mình để phòng kẻ thù tàn phá sau này. Các vị vua Mạc thời kỳ ở Cao Bằng thường xuyên ở trong tình trạng loạn lạc, luôn luôn phải đối phó với sự tìm diệt của quân Lê Trịnh. Vì vậy, phần mộ của vua Mạc phải được mai táng ở một nơi thật bí mật và an toàn dài lâu. Vị trí đáp ứng yêu cầu này không có chỗ nào hơn là ở dưới lòng núi trên “lộng” Phja Pảng, một nơi rất hiểm trở ở tít trên ngọn núi cao, phải leo xuống lòng núi, ngay cả dân địa phương cũng chẳng có mấy người xuống đấy được. Chúng ta có thể phán đoán rằng: Quan tài vua Mạc Kính Khoan và quan tài vua Mạc Nguyên Thanh được đưa lên “lộng” Phja Pảng rồi đưa xuống lòng núi Phja Pảng mai táng. Đây là phán đoán theo phép suy diễn, cần được kiểm chứng bằng một cuộc khảo sát thực địa mới có kết luận cuối cùng.
Qúa trình nghiên cứu, tìm hiểu trên đây cũng đã làm sáng tỏ phần nào về sự tồn tại các dấu tích về nhà Mạc ở khu vực núi Phja Pảng. Rất mong các bạn quan tâm đến lịch sử nói chung, lịch sử nhà Mạc nói riêng, có ý kiến phản biện để làm sáng tỏ hơn lịch sử về nhà Mạc thời kỳ ở Cao Bằng.
NÔNG ĐÌNH ĐÂU
ĐT: 0386056680, email: nongdinhdaucb@gmail.com>
Ghi chú của BBT: Ông NÔNG ĐÌNH ĐÂU, Nguyên Giáo viên giảng dạy Toán học tại Trường Sư phạm tỉnh Cao bằng, sống tại địa phương Phja Pảng gần Bản dốc, quan sát thấy các di tích Nhà Mạc và đã quan tâm tìm hiểu thêm trong dân gian để viết lên bài này.
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- HẢI PHÒNG TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HỘI THI TRUYỀN THỐNG VẬT DÂN TỘC THỜI MẠC 2025
- LỄ CÚNG GIỖ CHÍNH KỴ LẦN THỨ 351 THỦY TỔ HỌ MẠC CỔ TRAI
- HỘI ĐỒNG DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA THÔNG QUA ĐỀ ÁN VINH DANH CỤM DI TÍCH NHÀ MẠC TẠI HẢI PHÒNG
- TRÂN TRỌNG KÍNH MỜI CÁC QUÝ VỊ ĐẠI BIỂU KHÁCH QUÝ, CÙNG BÀ CON CÔ BÁC HỌ MẠC, GỐC MẠC VỀ DỰ ĐẠI LỄ CÚNG GIỖ THỦY TỔ HỒNG PHÚC ĐẠI VƯƠNG MẠC HIỂN TÍCH 15/11/2024 TẠI ĐIỆN SÙNG ĐỨC( TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM)
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM KHOÁ IV ĐANG ĐƯỢC HĐMT VIỆT NAM, HĐMT TỈNH HẢI DƯƠNG TÍCH CỰC CHUẨN BỊ ĐỂ ĐÓN TIẾP CÁC ĐẠI BIỂU, CON CHÁU VỀ DỰ ĐẠI HỘI
- DANH SÁCH ỦNG HỘ ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM LẦN THỨ IV NHIỆM KỲ 2024- 2029
- HỘI ĐỒNG MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TRIỂN KHAI, PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CHO CÁC THÀNH VIÊN PHỤC VỤ ĐẠI HỘI MẠC TỘC VIỆT NAM KHOÁ IV NHIỆM KỲ 2024- 2029 TẠI ĐIỆN SÙNG ĐỨC ( TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM)
- THÔNG BÁO HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH MẠC TỘC VIỆT NAM KHÓA III – Nhiệm kỳ 2019-2024.
- HỘI TUỔI TRẺ MẠC TỘC TỈNH HẢI DƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KẾT NẠP HỘI VIÊN MỚI
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.