- Đang online: 3
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15344
- Tổng truy cập: 3,368,885
NGHIÊN CỨU NHÀ MẠC THỜI KỲ HẬU CAO BẰNG
- 317 lượt xem
Toan tính và số phận của các vị vua sau năm 1677 : Mấy ghi chú bước đầu về niên đại, và về thời điểm kết thúc của triều Mạc ở Cao Bằng, qua tham khảo kết quả nghiên cứu của các nhà sử học Trung Quốc
Chu Xuân Giao
(Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Khoa học xã hội Việt Nam)
Tóm tắt: Cho đến nay, về cơ bản, giới sử học Việt Nam đều thống nhất rằng, Mạc với tư cách là một vương triều thực sự chỉ tồn tại chính thức 65 năm từ năm 1527 đến năm 1593 (trải 5 đời vua, tính từ khi Mạc Đăng Dung lên ngôi đến khi Mạc Mậu Hợp bị quân Lê Trịnh bắt sống), và sau đó, thì tồn tại thêm 85 năm với tính chất là một lực lượng cát cứ từ năm 1593 đến năm 1677 (trải qua 5 đời vua, tính từ khi Mạc Toàn được cha là Mạc Mậu Hợp cho kế ngôi đến khi Mạc Kính Vũ chạy sang Trung Quốc sau khi Cao Bằng bị thất thủ)[1]. Ở bài viết này, qua tham khảo kết quả nghiên cứu của phía Trung Quốc, như sẽ trình bày dưới đây, chúng tôi đề xuất cách phân kì đối với Mạc bằng 3 khoảng thời gian và số vua Mạc tương xứng như sau: 1- Vương triều Mạc ở Thăng Long – Dương Kinh (1527-1593, gồm 7 vị vua), 2 – Vương triều Mạc ở Cao Bằng (1593 -1683, gồm 5 vị vua), 3 – Thế lực Mạc hậu Cao Bằng (chính xác hơn là thế lực mang danh vương triều Mạc sau năm 1683 vẫn tồn tại cho đến nửa cuối thế kỉ 18)[2]. Nội dung chính của bài là bàn về những toan tính và số phận của 2 vị vua cuối cùng của Mạc (vua đời thứ 11 và 12 tính) hầu như chưa được nhắc đến (hoặc nhắc đến nhưng lại nhầm lẫn) trong nghiên cứu sử học Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại: Mạc Nguyên Thanh (được xem là có niên hiệu là Vĩnh Xương), và Mạc Kính Quang.
Lời mở
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà quan trọng hơn cả là cho đến gần đây sử quan xem Mạc là “ngụy triều” vẫn tồn tại một cách cố chấp trong học giới Việt Nam, nên hiện chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về Mạc. Vì thế, ngay chỉ riêng về niên biểu thường quen dùng trước nay của Mạc (từ năm 1527 đến năm 1677, được xem là gồm 10 đời vua), vẫn còn nhiều điểm sai nhầm, đặc biệt là những sai nhầm ấy lại xuất hiện trong những sách công cụ có tính sử dụng cao qua nhiều chục năm qua (tiêu biểu là cuốn Niên biểu Việt Nam ấn hành rộng rãi từ năm 1970). Bởi vậy, trước hết, chúng tôi thấy cần thiết nhắc lại những sai nhầm ấy, và nhất là về sự cải chính gần đây của các nhà nghiên cứu đối với chúng. Mặc dù, cho đến thời điểm hiện tại, tác giả bài viết này không có đóng góp gì vào sự cải chính niên biểu Mạc, và ở đây chỉ là nhắc lại một cách tóm tắt thành quả nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu Việt Nam đi trước (Lê Thành Lân – Trần Ngọc Dũng, Đinh Khắc Thuân), nhưng thiết nghĩ, sự nhắc lại này có ý nghĩa nhấn mạnh để giúp chúng ta không quên một điều có tính cơ bản khi muốn tìm hiểu về Mạc. Hơn nữa, quan trọng hơn, theo chúng tôi, bản thân sự cải chính niên biểu Mạc vẫn chưa kết thúc, để có được một niên biểu chính xác và thống nhất cho đến thời điểm năm 1677, rồi sau năm 1677, chúng ta cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo đây.
Sở dĩ chúng tôi phân biệt trước và sau năm 1677, là muốn nói rằng, cho đến nay, hầu như giới nghiên cứu Việt Nam mới chỉ lấy năm 1677 làm mốc thời gian cuối cùng của “nhà Mạc”. Mặc dù ở đây đó căn cứ vào ghi chép trong sử Việt Nam (như Đại Việt sử ký toàn thư – Bản kỷ tục biên) mà có nhắc đến sự kiện năm 1683 quân đội nhà Thanh bắt được 350 người là con cháu tướng tá nhà Mạc và giao họ cho nhà Lê [Nguyễn Minh Tường 1996 : 296], nhưng các nhà sử học Việt Nam hình như chỉ xem đó là tàn quân của vị vua cuối cùng của nhà Mạc là Mạc Kính Vũ (đã chạy sang Quảng Tây vào năm 1677), và một khi tàn quân đã được tống khứ về nước như vậy là mầm họa đã bị xóa sổ. Có lẽ bởi vậy, sự kiện đó đã được xem như là hình bóng cuối cùng của nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam, từ đó về sau không nhắc đến nữa. Tức là, nhà Mạc đã kết thúc hoàn toàn ở niên hiệu Thuận Đức 順德 (1677) của Mạc Kính Vũ.
Ở đây, bằng việc tham khảo kết quả nghiên cứu trong những năm gần đây của các học giả Trung Quốc, chúng tôi muốn đưa ra một gợi ý rằng, sau năm 1677, Mạc vẫn tồn tại khá lâu nữa với tính chất như là một thế lực đối kháng với Lê Trịnh. Có nhà sử học Trung Quốc hiện nay xem Mạc tồn tại cho mãi đến trước khi nhà Tây Sơn nổi lên (tức đến khoảng cuối thế kỉ 18, những năm 1770). Mãi về sau này, trong những hành động quân sự mang tính đối kháng với Lê Trịnh, thì khởi nghĩa của Hoàng Công Chất (vốn là dòng dõi nhà Mạc, mất năm 1769) cũng được phía Trung Quốc tính là một hành động tiêu biểu. Về thế phả Mạc chính thống, thì sau Mạc Kính Vũ, qua tư liệu Trung Quốc, chúng ta còn có thêm 2 vị vua, để có một thế phả tổng thể gồm 12 vua Mạc; vì thế, vẫn còn niên hiệu mới của Mạc xuất hiện sau niên hiệu Thuận Đức (đó là niên hiệu Vĩnh Xương永昌).
Xin nhấn mạnh thêm một lần nữa: giới sử học Việt Nam quen với định thuyết rằng, cho tới năm 1677, nhà Mạc có 10 đời vua; nhưng một số nhà sử học Trung Quốc thì cho rằng, chỉ tính đến năm đó, đã có 11 đời vua (đã có việc thay ngôi vào năm 1661 mà sách sử Việt Nam và Trung Quốc ghi không rõ ràng).
Xâu chuỗi những điều trên lại một mối, thì Mạc trong ý tưởng hiện nay của chúng tôi (không có từ như “nhà”, “triều”, “họ” đi kèm ở trước như quen dùng hiện nay) là bao gồm cả giai đoạn kéo dài từ năm 1527 đến khoảng những năm 1770, bao gồm hai quãng lớn sau:
– vương triều Mạc, hay triều Mạc, tính từ năm 1527 đến năm 1683 gồm 12 đời vua (trong đó, lại chia nhỏ thành hai khúc: từ năm 1527 đến năm 1593 là vương triều Mạc ở Thăng Long – Dương Kinh với 7 đời vua, từ năm 1593 đến năm 1683 là vương triều Mạc ở Cao Bằng với 5 đời vua[3]),
– thế lực Mạc mang danh vương triều Mạc sau năm 1683 là chỉ những thế lực hậu duệ của triều Mạc hay các cuộc nổi dậy dưới danh nghĩa của triều Mạc tính từ sau năm 1683.
Cho đến nay, trong giới sử học Việt Nam, việc tham khảo tư liệu của phía Trung Quốc khi viết về Mạc còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là hầu như là con số không. Trong bối cảnh này, việc làm của chúng tôi ở đây có thể xem như là một trong thử nghiệm ban đầu. Tuy nhiên, do bị giới hạn về dung lượng và về thời gian chuẩn bị, nên hiện tại chúng tôi chỉ dừng lại ở mức sử dụng các kết quả của các nhà nghiên cứu Trung Quốc đương đại, mà chưa có điều kiện đi sâu vào tư liệu gốc (chủ yếu là hai bộ Minh thực lục, Thanh thực lục, một số ghi chép mang tính cá nhân, và đặc biệt là tư liệu thực địa tại hai tỉnh Vân Nam và Quảng Châu thuộc Trung Quốc hiện nay) để vừa có thể kiểm chứng lại các kết quả ấy, vừa tìm thêm những gì còn bị bỏ sót. Công việc này sẽ dành cho những nghiên cứu tiếp sau.
1 – Nhắc lại những điều cần chú ý nhất về niên biểu Mạc cho đến năm 1677, và bổ sung đời vua thứ 11 tính đến thời điểm đó
Như trên đã nói, những người có công tích chính yếu trong việc chỉnh sửa niên biểu Mạc giai đoạn vương triều Mạc từ năm 1527 đến năm 1677 là Lê Thành Lân, Trần Ngọc Dũng, và Đinh Khắc Thuân [Lê Thành Lân, Trần Ngọc Dũng 1996; Lê Thành Lân 1997, 2000; Đinh Khắc Thuân 2001] .
Trước chỉnh sửa của các ông, giai đoạn “Thế phổ họ Mạc” trong Niên biểu Việt Nam [Vụ Bảo tồn Bảo tàng 1970], được xây dựng bằng cách “chỉ là kế thừa các tác giả đi trước, không sáng tạo thêm gì, làm thô đi bằng cách không ghi ngày cải nguyên, vì thế không làm rõ được các năm có hai niên hiệu, đặc biệt chép các vua nhà Mạc vào mục thế phả như họ Nguyễn và họ Trịnh là không đăng đối về lịch sử” [Lê Thành Lân 1997]. Các tác giả đi trước được Lê Thành Lân kể ở đây là Cadière (1905), Nguyễn Bá Trác (1924); và theo Lê Thành Lân, những tác giả này chủ yếu dựa vào ghi chép trong Đại Việt sử kí toàn thư và Việt sử thông giám cương mục (trong đó, có chứa nhiều sai sót), mà không hề tham khảo Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn (quyển này về cơ bản viết đúng, tuy có một đôi chỗ nhỏ vẫn nhầm).
Để chỉnh sửa niên biểu Mạc, tác giả Lê Thành Lân đã sử dụng các nguồn tư liệu bổ trợ chính sau: 1 – Phần ghi chép về Mạc trong Đại Việt thông sử của Lê Quí Đôn; 2 – Ghi chép của Đăng khoa lục; 3 – Văn bia thời Mạc (một số bia quan trọng trong gần 250 thác bản mang niên đại trong khoảng 1528 -1593[4]); 4 – Một số minh văn mang niên đại Mạc trên đồ gốm. Dựa vào việc đối chiếu các nguồn tư liệu bổ trợ này với nhau, và đối chiếu chúng với Đại Việt sử kí toàn thư, Lê Thành Lân đã đưa ra bản chính lí về 7 niên hiệu trong niên biểu Mạc, trong đó, quan trọng nhất là sự chỉnh lí những năm chuyển ngôi giữa Mạc Phúc Nguyên 莫福源và Mạc Mậu Hợp 莫茂洽 (từ niên hiệu Quang Bảo sang niên hiệu Thuần Phúc), cụ thể như sau:
– Quang Bảo 光寶 (niên hiệu cuối cùng của Mạc Phúc Nguyên), gồm 10 năm, từ đầu năm Ất Mão đến hết năm Giáp Tý (1555 – 1564) chứ không phải 1554 – 1561.
– Thuần Phúc淳福, gồm 4 năm, từ đầu năm Ất Sửu đến giữa năm Mậu Thìn (1565 -1568) chứ không phải 1562 -1565.
– Sùng Khang 崇康, gồm 11 năm, từ giữa năm Mậu Thìn đến giữa năm Mậu Dần (1568 – 1578) chứ không phải 1566 – 1577.
– Diên Thành 延成, gồm 8 năm, từ giữa năm Mậu Dần đến giữa năm Ất Dậu (1578 – 1585) chứ không phải từ đầu năm Mậu Dần đến hết năm Ất Dậu.
– Đoan Thái 端泰, gồm 4 năm, từ giữa năm Ất Dậu đến giữa năm Mậu Tý (1585 – 1588) chứ không phải 1586 -1587.
– Hưng Trị 興治, gồm 4 năm, từ giữa năm Mậu Tý đến giữa năm Tân Mão (1588 – 1591) chứ không phải 1588-1590.
– Hồng Ninh 洪寧, gồm 2 năm, từ giữa năm Tân Mão đến gần cuối năm Nhâm Thìn (1591 – 1592) chứ không phải từ đầu năm Tân Mão đến gần cuối năm Nhâm Thìn.
Điểm quan trọng nhất cần chú ý là năm kết thúc của niên hiệu Quang Bảo (niên hiệu cuối cùng của vua Mạc Phúc Nguyên) và năm bắt đầu của niên hiệu Thuần Phúc (niên hiệu chính thức đầu tiên của vua Mạc Mậu Hợp). Cụ thể như sau.
– Trước đây, Đại Việt sử kí toàn thư và Niên biểu Việt Nam cho rằng, Mạc Phúc Nguyên mất vào tháng Chạp năm Tân Dậu (tức năm 1561), vì vậy niên hiệu Quang Bảo cũng dừng lại ở năm 1561. Nhưng đó là ghi chép sai. Trên thực tế, theo nghiên cứu của Lê Thành Lân thì, Mạc Phúc Nguyên mất vào tháng Hai năm Giáp Tí (tức năm 1564), tức là muộn lại tới 3 năm.
– Theo đó, trước đây, niên hiệu Thuận Đức của Mạc Mậu Hợp thường được tính bắt đầu từ năm Nhâm Tuất (1562). Đó là ghi chép sai; trên thực tế, là năm Ất Sửu (1565).
Lê Thành Lân cũng chỉnh năm cuối của thời kì vương triều Mạc (theo cách gọi của chúng tôi là vương triều Mạc ở Thăng Long – Dương Kinh) là 1592 thành năm 1593, với cách tích như sau: “Mậu Hợp mất tháng Chạp năm Nhâm Thìn, theo lẽ thường năm Nhâm Thìn ứng với năm 1592, nhưng lúc này đã sang năm 1593”. Ở đây, chúng tôi theo đó mà ghi thời gian của vương triều Mạc tại Thăng Long – Dương Kinh là từ năm 1527 đến năm 1593.
Những chỉnh lí trên đã được Lê Thành Lân công bố chính thức và chi tiết vào các năm 1996 -1997, và sau đó là vào năm 2000 [Lê Thành Lân – Trần Ngọc Dũng 1996; Lê Thành Lân 1997, 2000]. Tác giả Đinh Khắc Thuân, trước đó, trong công trình nền tảng là Văn bia thời Mạc (1996) do vẫn tin vào ghi chép trong Đại Việt sử kí toàn thư nên “dựa vào các niên biểu cũ mà ghi chú rằng bia sai, thế là lấy cái sai làm chuẩn để chú cho cái đúng” (Lê Thành Lân 1997); nhưng sau này, khi đã tiếp thu kết quả nghiên cứu của Lê Thành Lân, ông đã khẳng định tính chính xác của sự chính lí ấy trong công trình công bố năm 2001[5].
Sau này, hai soạn giả Hà Văn Thư và Trần Hồng Đức, khi viết cuốn Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam đã tiếp thu kết quả nghiên cứu của Lê Thành Lân và Đinh Khắc Thuân, đưa ra một niên biểu mới cho Mạc, có phản ánh một phần các điểm chính lí nêu trên [Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức 2007 : 136 – 137, 301[6]].
Tuy nhiên, chúng tôi thấy cần thiết nói thêm 2 điểm cần chú ý ở dưới đây.
Một là, ở đây đó, trên sách vở và trên mạng, một số điểm đã được chỉnh sửa trong niên biểu Mạc như đã nêu trên vẫn chưa được chú ý (hoặc không biết mà chú ý), cho nên vẫn bắt gặp nhiều sai nhầm. Bởi vậy, tại đây, tôi một lần nữa muốn nhấn mạnh đến tính quan yếu của những chỉnh sửa này.
Hai là, theo nghiên cứu của các nhà sử học Trung Quốc, cho đến năm 1677, sau Mạc Kính Vũ 莫敬宇với niên hiệu Thuận Đức 順德, còn có một vị vua Mạc nữa. Đó là vị vua thứ 11 tính từ Mạc Đăng Dung. Vị này có tên là Mạc Nguyên Thanh莫元清 (cũng tức là Mạc Kính Thụy莫敬瑞), có niên hiệu là Vĩnh Xương 永 昌. Mạc Nguyên Thanh đã nhận ngôi từ Mạc Kính Vũ vào năm 1661. Cũng có nghĩa là niên hiệu Thuận Đức đã kết thúc vào năm 1661, mà không phải kéo dài cho tới năm 1677 như kiến thức chung cho đến nay [牛军凯 (Ngưu Quân Khải) : 2000; cụ thể xem Bảng 1 ở dưới]. Từ năm 1661 đến năm 1681 là niên hiệu Vĩnh Xương.
Niên hiệu Vĩnh Xương này sẽ được trình bày thêm ở mục tiếp theo, nhưng trước hết, chúng ta thấy có sự khác nhau giữa sử học Việt Nam và sử học Trung Quốc đối với niên biểu Mạc ở đời vua thứ 10 là Mạc Kính Vũ (và sau đó là Mạc Nguyên Thanh – đời vua thứ 11) như sau:
Niên biêu hiện dùng của phía Việt Nam (các tác giả như Lê Thành Lân) |
Niên biêu của phía Trung Quốc, đang cần xác nhận (tác giả Ngưu Quân Khải) |
||||||
Đời |
Vua |
Niên hiệu |
Năm |
Đời |
Vua |
Niên hiêu |
Năm |
9 |
Mạc Kính Khoan |
Long Thái |
1621-1625 (1625 – 1638 là Thái Úy Thông Quốc công) |
9 |
Mạc Kính Khoan莫敬宽 |
Long Thái 隆泰 |
1621-1625 (1625-1638 là Thái Úy Thông Quốc công 太尉通国公) |
10 |
Mạc Kính Vũ (Hoàn) |
Thuận Đức |
1638-1677 |
10 |
Mạc Kính Vũ 莫敬宇(Hoàn, Mạc Kính Diệu莫敬耀) |
Thuận Đức 顺德
|
1638-1661 |
Không ghi |
Không ghi |
Không ghi |
Không ghi |
11 |
Mạc Nguyên Thanh莫元清 (Mạc Kính Thụy莫敬瑞) |
Vĩnh Xương 永昌
|
1661-1681 |
Bảng 1: Đối sánh ghi chép trong sử Việt Nam và
sử Trung Quốc về các vị vua thứ 9,10 và 11 của Mạc (đời 11 không xuất hiện trong sử Việt Nam)
2 – Những vị vua Mạc sau năm 1677 và toan tính cùng số phận của họ
Như đã nói ở lời mở, đến nay, chúng ta vẫn chưa khai thác được nhiều nguồn tư liệu của phía Trung Quốc, các nhà sử học Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc khai thác sử liệu của phía Việt Nam mà bản thân các sử liệu ấy cũng hầu như không còn ghi gì về Mạc sau năm 1677 (có lẽ do hai nguyên nhân sau: một là, sử quan nhà Lê và sử quan nhà Nguyễn sau này không còn nắm được tình hình của Mạc khi họ đã lưu vong sang Trung Quốc; hai là, các sử quan ấy chưa khai thác, hay chưa có điều kiện khai thác sâu, các bộ sử của Minh và Thanh, và những tài liệu liên quan khác, khi biên soạn sử Việt Nam).
Với tài liệu hiện có, chúng tôi chú ý đến nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc sau đây: Chung Tiểu Vũ钟小武, Ngưu Quân Khải牛军凯, Viên Vận Phúc袁运福, Trần Văn Nguyên – Lí Ninh Diễm陈 文源,李宁艳. Đây là những nghiên cứu mới, được thực hiện chủ yếu trong vòng hơn 10 năm qua. Điểm nhìn cơ bản của các tác giả này là: đặt Mạc và sự hưng vong của nó trong mối quan hệ với chính sách đối ngoại của Minh và Thanh. Từ điểm nhìn này, có thể thấy được hai nhận định tổng quát sau của các nhà sử học Trung Quốc.
(1). Về phía Trung Quốc: Minh và Thanh, dù trong tiểu tiết có dị biệt, nhưng về cơ bản đều thực hiện chính sách ngoại giao “không chống Lê, cũng không chống Mạc (bất cự Lê, diệc bất cự Mạc不拒黎, 亦不拒莫)”. Họ lấy tư cách là thiên triều mà chủ ý tạo ra cục diện: cùng một An Nam, duy trì hai chính quyền (Lê Trịnh, Mạc), cho hai bên tự khắc chế nhau (hỗ tương khiên chế 互相牵制). Vì vậy, ngay cả khi, mặc dù Mạc Kính Vũ đã từng có thời gian theo Ngô Tam Quế 吴三桂, tức là Mạc đã đắc tội với Thanh, nhưng khi Thanh dẹp tan thế lực Ngô Tam Quế để lên nắm quyền, thì Thanh cũng như nhà Minh trước đó, không có ý tiêu diệt Mạc, mà vẫn duy trì chính sách cơ bản với tình hình Việt Nam là đề nghị Lê Trịnh cho Mạc một chốn nương thân tại Cao Bằng, xem cả hai đều là kẻ tòng thuộc của mình (tuy nhiên, Lê Trịnh không nghe theo lệnh nhà Thanh, nên Mạc Kính Vũ phải lưu vong sang Trung Quốc) [牛军凯 (Ngưu Quân Khải) 2000]. Hay như, năm 1597, sứ giả của Lê Trịnh là Phùng Khắc Khoan sang triều cống nhà Minh và xin sách phong; khi thấy Minh phong cho Lê là An Nam Đô thống sứ (安南都统使), tức là ngang với Mạc (cũng được phong là An Nam Đô thống sứ[7]), sứ giả họ Phùng đã dâng biểu xin đổi, nhưng hoàng đế Vạn Lịch thì trả lời lại rằng: “(Lê) mới phục quốc, e rằng lòng người chưa yên, hãy tạm mà nhận lấy (黎) 初复国, 恐人心未定, 方且受之” . Như vậy, ở thời điểm đó (năm 1597), Minh vừa công nhận Hậu Lê lại vừa tiếp tục công nhận Mạc, phong cả hai đều là An Nam Đô thống sứ. Sau này, sau năm 1677, Thanh cũng phong cho Mạc Nguyên Thanh (là con của Mạc Kính Vũ, khi đó đang ở nhờ đất Quảng Tây) là An Nam Đô thống sứ [牛军凯 (Ngưu Quân Khải) 2000].
(2). Về phía Mạc: Sau khi không còn là vương triều ngự tại Thăng Long – Dương Kinh mà phải rút lên Cao Bằng, Mạc rõ ràng chọn thái độ “thực dụng chủ nghĩa” kiểu “gió chiều nào che chiều ấy”. Lúc đầu thì theo Minh, sau lại theo Thanh, rồi có khi lại theo Ngô Tam Quế phản Thanh. Tựa hồ Mạc không có ý tưởng chính trị mang tính nền móng, mà chỉ liên tục ứng xử theo kiểu ứng phó tình thế như vậy. Phải chăng chính chính sách đối ngoại không có ý tưởng ấy đã đưa họ đến chỗ tiêu vong [牛军凯 (Ngưu Quân Khải) 2000[8]].
Như trên đã nói, sau năm 1677, Mạc còn tiếp tục thế lực của mình ở vùng biên giới Việt Trung, có khi chạy sang tá túc bên đất Quảng Tây, rồi lại trở về Cao Bằng, cứ dịch chuyển luôn luôn. Theo khảo cứu của Ngưu Quân Khải, có những diễn biến chính xảy ra trước và sau năm 1677 như dưới đây:
– Năm 1638, Mạc Kính Khoan莫敬宽mất (Mạc Kính Khoan xưng là Khánh vương, niên hiệu là Long Thái nhưng chỉ sử dụng từ năm 1621 đến năm 1625, còn từ năm 1625 đến năm 1638 thì bỏ niên hiệu, vì đã về hàng Lê Trịnh và được phong làm Thái úy Thông Quốc công )[9]. Con của Mạc Kính Khoan là Mạc Kính Vũ xưng vương, đặt niên hiệu là Thuận Đức. Lê Trịnh nghe thấy thế liền cử quân tấn công Cao Bằng, nhưng bị đánh bại.
– Năm 1644, quân Lê Trịnh lại tấn công Cao Bằng, nhưng vẫn không tiêu diệt được Mạc.
– Thanh bắt đầu nắm quyền. Tháng 6 năm 1661, Thanh phong cho người cai quản Cao Bằng là Mạc Kính Diệu 莫敬耀làm Qui hóa Tướng quân (tướng quân nhập tịch thành người Trung Quốc). Mạc Kính Diệu trong sách sử Trung Quốc chính là Mạc Kính Vũ trong sách sử Việt Nam.
– Tháng 12 năm 1661, nhà Thanh phong cho con của Mạc Kính Diệu (tức Mạc Kính Vũ) là Mạc Nguyên Thanh làm An Nam đô thống sứ. Như vậy, trong năm 1661 này, đã có một cuộc đổi ngôi của Mạc tại Cao Bằng. Mạc Nguyên Thanh chính là nhân vật Mạc Kính Thụy 莫敬瑞trong sử Việt Nam.
– Năm 1662, Mạc hợp quân ở Thất Tuyền (Lạng Sơn), nhưng sau bị đánh bại.
– Năm 1666, quân Lê Trịnh tấn công Cao Bằng, Thái Nguyên. Thông Quận công bị quân Mạc bắt, quân Lê Trịnh bị đẩy lùi.
– Sau đó ít lâu, đại quân của Lê Trịnh lại tới đánh phá Cao Bằng, đốt trụi cung thất của Mạc.
– Năm 1667, quân Lê Trịnh lại tiến công Cao Bằng. Cao Bằng thất thủ, Mạc Nguyên Thanh chạy sang Vân Nam.
– Năm 1669, nhà Thanh cử Lý Tiên Căn李仙根[10] và Dương Triệu 杨兆[11]sang huấn dụ nhà Lê phải trả lại 4 châu ở Cao Bằng cho Mạc. Lê lại phải rút quân, và Mạc trở về Cao Bằng.
– Không lâu sau đó, Bình Tây vương của nhà Thanh là Ngô Tam Quế 平西王吴三桂 dấy loạn, chống Thanh hòng tự lập làm hoàng đế, Mạc Nguyên Thanh ngả theo Ngô Tam Quế.
– Năm 1677, khi Thanh đã dẹp xong loạn Ngô Tam Quế, quân Lê Trịnh thừa cơ đánh Cao Bằng, tôn thất Mạc bỏ chạy sang Long Châu龙州 ở Quảng Tây. Lê lấy cớ Mạc đã giúp cho nghịch tặc Ngô Tam Quế mà đề nghị Thanh hãy đừng tiếp tục giúp Mạc Nguyên Thanh nữa.
– Năm 1681, Mạc Nguyên Thanh bị bệnh mà mất ở Trung Quốc, em là Mạc Kính Quang莫敬光 tiếp thu dư đảng, sau này, trong sử Trung Quốc ghi Mạc Kính Quang là An Nam đô thống sứ.
– Năm 1682, triều đình Thanh ra lệnh cho Tuần phủ Quảng Tây phải đưa dư đảng Mạc đang cư ngụ tại Trung Quốc trở lại An Nam.
– Năm 1683, Mạc Kính Quang uống thuốc độc tự sát, một nhóm dư đảng Mạc đã lánh nạn đi nơi khác.
– Tháng 5 năm 1683, 350 người thuộc dư đảng Mạc còn thấy tại Quảng Tây được trả lại An Nam. Triều đình Lê cho họ cư trú ở Lạng Sơn, có một số người được phong tước vị.
Đến đây, có thể xem là vương triều Mạc ở Cao Bằng chấm dứt. Tất nhiên thế lực Mạc vẫn chưa dứt hẳn, sau đó vẫn thỉnh thoảng nổi lên chống Lê Trịnh với mục đích phục quốc.
Nếu tạm dừng ở thời điểm vương triều Mạc ở Cao Bằng chấm dứt, tức năm 1683, thì căn cứ vào kết quả nghiên cứu của Ngưu Quân Khải, chúng ta biết được rằng, có 2 vị vua Mạc tồn tại trước và sau năm 1677. Đó là Mạc Nguyên Thanh (đời thứ 11) và Mạc Kính Quang (đời thứ 12).
Có thể tổng quan về 5 đời vua của vương triều Mạc ở Cao Bằng như sau:
★ 1 (đời 8). Mạc Kính Cung莫敬恭, 1593-1621, niên hiệu Càn Thống 乾统
★ 2 (đời 9). Mạc Kính Khoan莫敬宽, 1621-1625, niên hiệu Long Thái隆泰
1625-1638 là Thái úy Thông Quốc công
★ 3 (đời 10). Mạc Kính Vũ莫敬宇(Mạc Kính Diệu莫敬耀), 1638-1661, niên hiệu Thuận Đức 顺德 (ở Cao Bằng và Quảng Tây, được Thanh phong là Qui hóa Tướng quân vào tháng 6 năm 1661, cho đến lúc mất vẫn chưa được phong làm An Nam đô thống sứ)
★ 4 (đời 11). Mạc Nguyên Thanh莫元清(Mạc Kính Thụy莫敬瑞), 1661 -1681, niên hiệu Vĩnh Xương (được Thanh phong là An Nam đô thống sứ vào tháng 12 năm 1661, sau mất vì bệnh tại Trung Quốc)
★ 5(đời 12). Mạc Kính Quang莫敬光, 1681-1683, không rõ có niên hiệu hay không (có lẽ đã được Thanh phong là An Nam đô thống sứ, tự sát tại Trung Quốc).
3 – Ghi chú thêm về những vị vua cuối cùng của triều Mạc ở Cao Bằng
Để có cái nhìn cụ thể hơn về những năm tháng cuối cùng của triều Mạc ở Cao Bằng, dưới đây, chúng tôi thêm một số ghi chú cần thiết về 3 vị vua là Mạc Kính Vũ, Mạc Nguyên Thanh, Mạc Kính Quang, qua diễn giải của tác giả Ngưu Quân Khải kết hợp với nghiên cứu của phía Việt Nam. Tóm tắt bằng quan hệ huyết thống giữa 3 vị này, thì Mạc Kính Vũ là cha, Mạc Nguyên Thanh là con lớn, và Mạc Kính Quang là con thứ (em của Nguyên Thanh).
Về Mạc Kính Vũ (đời thứ 10): phía Việt Nam thường ghi theo cách quen thuộc là “Mạc Kính Vũ (cũng có sách chép là Kính Hoàn)”[Nguyễn Minh Tường 1996 : 295; Lê Thành Lân 1997]. Chữ Vũ 宇và chữ Hoàn完 hao hao giống nhau. Nhưng trước đây, Trần Kinh Hòa陈荆和 thì giải thích rằng, Mạc Kính Hoàn là trưởng tộc Mạc, còn Mạc Kính Vũ là người cầm quyền trên danh nghĩa[12]. Còn Ngưu Quân Khải thì cho rằng đó chỉ là do sao chép có lầm lẫn, Mạc Kính Vũ đã bị chép nhầm thành Mạc Kính Hoàn, là một người mà thôi.
Sử Trung Quốc thì ghi về Mạc Kính Vũ bằng cái tên là Mạc Kính Diệu (bản dịch sử liệu Việt Nam phía Việt Nam lại đọc nhầm chữ Diệu thành chữ Trạc, mà thành ra Mạc Kính Trạc). Có thể khi chạy sang Trung Quốc, Mạc Kính Vũ đã đổi tên thành Mạc Kính Diệu, như phân tích sau đây của Nguyễn Minh Tường (chú ý chữ Diệu bị đọc nhầm thành Trạc): “Đến năm 1677,… bị quân Trịnh đánh đuổi khỏi Cao Bằng, Mạc Kính Vũ chạy trốn sang Trung Quốc, đổi tên là Kính Trạc, đút lót bọn quan lại nhà Thanh xin đòi nhà Lê trả lại đất Cao Bằng. Tuần phủ Quảng Tây tâu lên vua nhà Thanh phong cho Kính Vũ làm Đô thống sứ An Nam” [Nguyễn Minh Tường 1996 : 295].
Về Mạc Nguyên Thanh (đời vua thứ 11): phía Việt Nam thường xem Mạc Nguyên Thanh là một tên khác của Mạc Kính Vũ. Tức là, phía Việt Nam cho rằng Mạc Kính Vũ đã 2 lần đổi tên, một lần thành Mạc Kính Diệu (Mạc Kính Trạc) như nói ở trên, và một lần nữa thành Mạc Nguyên Thanh. Chẳng hạn, Nguyễn Minh Tường viết rằng: “Năm 1669, Mạc Kính Vũ lại đổi tên là Nguyên Thanh xin nhà Thanh bắt ép nhà Lê trả đất cho họ Mạc. Nhà Thanh cho đem Mạc Kính Vũ về Nam Ninh rồi sai sứ bắt Trịnh Tạc phải cắt đứt 4 châu ở Cao Bằng là Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang nhường cho họ Mạc” [Nguyễn Minh Tường 1996 : 296] . Kì thực, theo Ngưu Quân Khởi, Mạc Nguyên Thanh không phải là Mạc Kính Vũ (tức Mạc Kính Diệu), mà là con của Mạc Kính Vũ. Mạc Kính Vũ cho đến khi mất vẫn chưa được phong là An Nam đô thống sứ (mới chỉ được phong là Qui hóa Tướng quân), phải đến con ông là Mạc Nguyên Thanh mới được phong tước vị đó.
Về Mạc Kính Quang (đời vua thứ 12): vị này xuất hiện trong sử Trung Quốc, nhưng không thấy trong sử Việt Nam. Ông là em của Mạc Nguyên Thanh, hình như đã được triều đình Thanh phong làm An Nam đô thống sứ vào năm 1681. Có thể việc ông đã uống thuốc độc mà tự sát vào năm 1683 là ở trước khi số 350 người dư đảng của Mạc bị phía nhà Thanh đem trả về cho An Nam vào cùng năm đó. Hiện chưa rõ ông có đặt niên hiệu trong khoảng các năm 1681-1683 hay không.
Trên đây là tóm tắt về hành trạng, cũng tức là “số phận”, của ba vị vua Mạc cuối cùng. Còn về toan tính của họ, thì có thể lấy lại tổng quan đã nêu ở trên: họ chọn thái độ “gió chiều nào che chiều ấy” mà không có ý tưởng chính trị mang tính nền móng, chỉ liên tục ứng xử theo kiểu ứng phó tình thế. Có thể các vua Mạc cuối cùng đã toan tính lạc bước khi ngả theo Ngô Tam Quế, để rồi cuối cùng, dù Thanh không có ý tiêu diệt nhưng cũng không tỏ ra mặn mà với họ.
Thay lời kết
Trở lên, bằng vào việc tham khảo kết quả nghiên cứu về Mạc của cả Việt Nam và phía Trung Quốc, chúng tôi đã lại một lần nữa đặt ra vấn đề cần tiếp tục chỉnh lí niên biểu/thế phả Mạc. Có thể xem việc bổ sung 2 vị vua Mạc (Mạc Nguyên Thanh, Mạc Kính Quang) vào thế phả để tiến tới việc xây dựng thế phả gồm 12 đời vua ở đây là điểm mới, chưa từng được nhắc đến trong các công trình nghiên cứu về Mạc của phía Việt Nam. Nếu nhìn rút gọn thì bài viết này chính là diễn giải về 2 vị vua đó trong tổng thể về các giai đoạn tồn tại của Mạc bằng kết quả nghiên cứu của phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần phải đặt ra ở đây là: vậy thì, liệu kết quả nghiên cứu của phía Trung Quốc có đáng tin cậy hay không ?
Ở thời điểm hiện tại, như đã nói ở đầu bài viết, chúng tôi chưa có điều kiện tiếp xúc với từng sử liệu gốc cần thiết, cho nên chỉ tạm thời sử dụng kết quả nghiên cứu của phía Trung Quốc để phác thử ra một hướng nghiên cứu về Mạc. Bản thân các tác giả Trung Quốc được nêu ở bài này cũng mới chỉ sử dụng phương pháp sử học truyền thống, tức là mới chỉ dừng lại ở việc khai thác các nguồn sử liệu thuần túy (của cả Trung Quốc và Việt Nam). Hơn nữa, các nguồn sử liệu này chỉ là tài liệu lịch sử ở dạng viết tay hay in ấn ở cách xa thời điểm sự kiện diễn ra, mà không có những tư liệu gốc ở cùng thời điểm (hay gần cùng thời điểm) sự kiện diễn ra (như bia đá, minh văn, hoặc tư liệu đương thời của phương Tây[13]); đồng thời, việc khảo sát văn bản của bản thân các nguồn sử liệu ấy chưa được thực hiện. Đặc biệt, cần nhấn mạnh rằng, việc điều tra điền dã ở vùng Cao Bằng (Việt Nam) và Vân Nam – Quảng Tây (Trung Quốc) còn hoàn toàn bị bỏ ngỏ.
Tạm thời bằng lòng với việc chỉ khai thác sử liệu, như các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã làm, thì hiện tại chúng tôi cũng thấy một số điểm còn chưa thật sự vững sau đây trong lập luận của họ. Ở đây, chỉ nêu một điểm duy nhất, là về niên hiệu Vĩnh Xương. Tác giả Ngưu Quân Khải cho rằng đây là niên hiệu của Mạc Nguyên Thanh. Chúng tôi tra cứu lại theo chính chỉ dẫn tài liệu của tác giả thì thấy rằng: hiện chưa có sử liệu nào cho ta biết đích xác về niên hiệu này. Ngưu Quân Khải biết được niên hiệu Vĩnh Xương không phải là bằng sử liệu của phía Trung Quốc, mà thú vị là, lại từ tư liệu dạng văn học của phía Việt Nam. Tư liệu đó là cuốn Nam thiên trân dị tập南天珍异集hiện bản gốc được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với kí hiệu A.1517. Sách này được xem là do Vũ Xuân Tiến biên soạn vào đầu thế kỉ XX (bài tựa viết năm Khải Định 2 – 1917) trên cơ sở tham khảo Công dư tiệp kí của Vũ Phương Đề (1697 – ?). Trong sách này, ở quyển 1, có truyện Bạch Vân am kí (ghi chép về Bạch Vân am) kể về hành trạng của Bạch Vân am cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhân vật có liên quan sâu sắc với Mạc. Trong Bạch Vân am kí có đoạn sau:
“Tháng 11 năm Ất Dậu (1585) niên hiệu Diên Thành 8, ông (Nguyễn Bỉnh Khiêm) ốm nặng. Mạc Mậu Hợp sai sứ thần đến thăm và hỏi về việc nước. Ông chỉ nói:
– Ngày sau, nếu nước xảy ra sự cố, đất Cao Bằng tuy nhỏ, có thể kéo thêm phúc vận vài đời.
Ngoài ra, không nói gì thêm. Bảy năm sau nhà Mạc mất. Các vua Kiền Thống, Long Thái, Thuận Đức, Vĩnh Xương lui về giữ Cao Bằng suốt ba bốn đời, mãi 70 năm sau mới dứt hẳn” [Viện Nghiên cứu Hán Nôm 1997: 1132]
Xin cảm ơn tác giả Ngưu Quân Khải đã tìm ra được tư liệu này của phía Việt Nam (mà bản thân các nhà sử học Việt Nam có lẽ đã bỏ qua), tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào một dòng ghi chép như trên trong Nam thiên trân dị tập mà cho rằng có niên hiệu Vĩnh Xương thì chưa thật chắc chắn[14]. Hi vọng những điểm còn nghi vấn tương tự, trong tương lai, có thể xác nhận được bằng sử liệu gốc và tư liệu thực địa ở cả Việt Nam và Trung Quốc.
Cuối cùng, cần nhắc rằng, đâu đó, trên mạng Trung Quốc hiện nay, có một quan điểm cũng cho vương triều Mạc có 12 đời vua, nhưng hai vị cuối cùng không phải là Mạc Nguyên Thanh và Mạc Kính Quang, mà là Mạc Kính Hỉ 莫敬喜 (1677–1681, không có lãnh thổ, cư trú ở biên giới Việt Trung) và Mạc Kính Tiêu 莫敬蕭 (hay Mạc Tiêu莫蕭, 1681-1682, mất ở Miến Điện) [Tư liệu mạng 2]. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa xác nhận được về hai vị này, chưa biết đó chỉ là hai cái tên khác của Mạc Nguyên Thanh và Mạc Kính Quang, hay là hai vị hoàn toàn khác đã tự xưng vương ở những năm cuối cùng của vương triều Mạc tại Cao Bằng (và vì thế phải chăng được ghi chép bởi một nguồn tư liệu khác mà đến nay chúng ta chưa hề biết đến).
Hà Nội, tháng 8 năm 2010
CXG
Tài liệu tham khảo/trích dẫn
[1] Alexandre De Rhodes, 1651, Histoire du royaume de Tunquin, J.-B. Devenet (Lyon), Bản chụp kĩ thuật số trên mạng:
http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k54392965.image.r=19.f2.pagination#
[2] Alexandre De Rhodes (Hồng Nhuệ dịch), 1994 (1651), Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài (Histoire du royaume de Tunquin), Ủy ban Đoàn kết Công giáo Tp. Hồ Chí Minh xuất bản
[3] Chu Xuân Giao, 2010 a, “Đền Cờn và nữ thần Cửa Chúa (Nghệ An) ở thế kỉ XVII trong ghi chép thực địa của giáo sĩ Đắc Lộ”, In trong sách Thông báo Văn hóa 2009, Hà Nội : Nxb Từ điển Bách khoa
[4] Chu Xuân Giao, 2010 b, “Đền Cờn và nữ thần Cửa Chúa (Nghệ An) ở thế kỉ XVII trong ghi chép thực địa của giáo sĩ Đắc Lộ, từ góc nhìn nhân loại học lịch sử”, Bản điện tử ấn hành tại Website Tạp chí Da Màu (ngày 24 tháng 4 năm 2010)
http://damau.org/archives/11727
[5] Chu Xuân Giao (Chủ biên), Nguyễn Thị Lương, 2010, Thăng Long thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 qua tư liệu người nước ngoài, Hà Nội: Nxb Quân đội Nhân dân
[6] 钟小武 (Chung Tiểu Vũ), 2002, “明朝对安南莫氏的政策(1536-1542)”, In trong 《江西师范大学学报 (哲学社会科学版) 》2002年 第02期 (“Chính sách của triều Minh đối với chính quyền của nhà Mạc”)
[7] Đại Việt sử ký toàn thư – Bản kỷ tục biên, Hà Nội : Nxb Khoa học xã hội, 1980
[8] Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789), Ngô Thế Long và Nguyễn Kim Hưng dịch và khảo chứng, Nguyễn Đổng Chi hiệu đính, Hà Nội : Nxb Khoa học xã hội, 1991
[9] Đinh Khắc Thuân (Sưu tầm, khảo cứu, dịch chú), 1996, Văn bia thời Mạc . Hà Nội : Nxb Khoa học xã hội
[10] Đinh Khắc Thuân, 2001, Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Hà Nội : Nxb Khoa học xã hội
[11] Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, 2007, Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam (Tái bản lần thứ 12 có sửa chữa và bổ sung), Hà Nội : Nxb Văn hóa Thông tin
[12] Hồ Bạch Thảo, 2009, “Quỹ tín dụng của đất nước”, In trong sách Việt sử : Tư liệu cùng lời bàn (Quyển hạ), Hoa Kì: Nxb Thư ấn quán, trang 385-440
[13] Lê Quý Đôn, 1978, Đại Việt thông sử, Hà Nội : Nxb Khoa học xã hội
[14] Lê Thành Lân, Trần Ngọc Dũng, 1996, “Dùng văn bia để xác định lại một vài niên hiệu của nhà Mạc”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3 năm 1996
[15] Lê Thành Lân, 1997, “Niên biểu nhà Mạc”, Tạp chí Hán Nôm số 1 (30) năm 1997
[16] Lê Thành Lân, 2000, Lịch và niên biểu lịch sử hai mươi thế kỉ (0001-2010), Hà Nội : Nxb Thống kê
[17] Lê Văn Hòe, 1952, “Hồ Quý Ly – Mạc Đăng Dung”, In trong Nghiên cứu phê bình những bài học lịch sử, Hà Nội: Quốc gia thư xã
[18] Ngô Sĩ Liên (và các sử thần triều Lê), 1973, Đại Việt sử kí toàn thư, Hà Nội : Nxb Khoa học xã hội
[19] Nguyễn Khắc Xuyên, 1960, “Sưu tầm tài liệu cổ tại Âu châu”, Tạp chí Việt Nam Khảo cổ tập san số 1, Sài Gòn : Bộ Quốc gia Giáo dục
[20] Nguyễn Minh Tường, 1996, “Nhà Mạc sau năm 1592”, In trong Viện Sử học 1996
[21] 牛军凯 (Ngưu Quân Khải), 2004, “安南莫朝与中越关系制度的变化”), In trong《南洋问题研究》2004年第4期 (“Triều Mạc nước An Nam và sự thay đổi trong cách thức quan hệ Trung Việt”)
[22] 牛军凯 (Ngưu Quân Khải), 2002, “安南莫氏高平政权与明清两朝的关系”, In trong (新加坡)《南洋学报》 56卷 – 2002年12月 (“Quan hệ giữa chính quyền nhà Mạc ở Cao Bằng với hai triều Minh và Thanh”)
[23] 牛军凯 (Ngưu Quân Khải), 2000, “安南莫氏高平政权初探”, In trong 《东南亚》,2000年3-4合期 (Bước đầu tìm hiểu chính quyền nhà Mạc ở Cao Bằng), bản trên mạng http://www.historykingdom.com/simple/?t65624.html
[24] Nhiều tác giả (Ngô Đăng Lợi, Phạm Thu Hà sưu tầm – biên soạn), 2000, Mạc Đăng Dung và vương triều Mạc, Hà Nội : Hội Sử học Hải Phòng
[25] Phạm Đình Khiêm, 1960, “Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII dưới con mắt giáo sĩ Đắc Lộ”, Tạp chí Việt Nam Khảo cổ tập san số 2, Sài Gòn : Bộ Quốc gia Giáo dục
[26] Phạm Văn Sơn, 1959, Việt sử tân biên, Sài Gòn
[27] Phan Huy Chú (Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch và chú giải), 1992, Lịch triều hiến chương loại chí, 4 tập, Hà Nội : Nxb Khoa học xã hội
[28] Quốc sử quán triều Nguyễn (Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính), 1992, Đại Nam nhất thống chí, Huế : Nxb Thuận Hóa
[29] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007, Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Tái bản lần thứ nhất), 2 tập, Hà Nội : Nxb Giáo dục
[30] Tạ Chí Đại Trường, 2009, Bài sử khác cho Việt Nam (Sơ thảo), Hoa Kì : Nxb Văn Mới
[31] Trần Trọng Kim, 1994, Việt Nam sử lược, Bản điện tử trên mạng dựa trên bản in năm 1971 do Trung tâm Học liệu xuất bản
http://www.viethoc.org/eholdings/sach/vnsl.pdf
[32] Trần Trọng Kim, 1999 (1920), Việt Nam sử lược, Hà Nội : Nxb Văn hóa Thông tin
[33] 张秀民(Trương Tú Dân), 1995, “安南书目提要九种”(包括元徐明善《安南行记》、元陈孚《交州藁》、明丘濬《平定交南录》、明郑若曾《安南图说》、明慎懋赏《海国广记安南》、清李仙根 《安南使事纪要》、清周灿《使交纪事附使交吟》、清陈元燮《安南军营记略》、清宝清《越南纪略》), In trong sách 《中国东南亚研究会通讯》, 1995 (2, 3) : 38-48 (“An Nam thư mục đề yếu – 9 loại: bao gồm An Nam hành kí, Giao Châu cảo, Bình định An Nam lục, An Nam đồ thuyết, Hải quốc quảng kí An Nam, An Nam sứ sự kỉ yếu, Sử giao kỉ sự phụ sử giao ngâm, An Nam quân doanh kỉ lược, An Nam kỉ lược”)
[34] 张秀民(Trương Tú Dân), 1996, “安南书目提要十一种” (包括宋郑竦《安南纪略》、《永乐交阯总志》、明李文凤《越峤书》、明王世贞《安南传》、明苏濬《安南志》), In trong 《中国东南亚研究会通讯》, 1996 (1, 2) : 41-47 (“An Nam thư mục đề yếu – 11 loại: bao gồm An Nam kỉ lược, Vĩnh Lạc giao chỉ tổng chí, Việt kiệu thư, An Nam truyện, An Nam chí”)
[35] Tư liệu mạng 1, “Niên biểu nhà Mạc (đối chiếu với Trung Quốc, với nhà Lê” (theo tư liệu của Lê Thành Lân)”, Website Mạc tộc http://mactoc.net/Thepha/PhanIII/PhucLucI/Nien_bieu_nha_Mac.asp
[36] Tư liệu mạng 2, “莫朝(Nhà Mạc)”, Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (bản tiếng Trung Quốc)
http://zh.wikipedia.org/zh/%E8%8E%AB%E6%9C%9D
[37] 陈文源,李宁艳 (Trần Văn Nguyên, Lí Ninh Diễm), “莫登庸事件与明代中越关系的新模式”, In trong 《暨南学报(哲学社会科学版)》2010年 第01期 (“Sự kiện Mạc Đăng Dung và mô hình mới trong quan hệ Việt Trung thời nhà Minh”)
[38] 袁运福 (Viên Vận Phúc), 1998,《略论越南历史上的莫朝》, 郑州大学98 年硕士论文 (Lược bàn về triều Mạc trong lịch sử Việt Nam — Luận văn Thạc sĩ năm 1998, Đại học Trịnh Châu)
[39] 袁运福 (Viên Vận Phúc), 2004, “论黎莫战争与莫朝的灭亡”, In trong 《东南亚纵横 》 2004年 第2期 (“Bàn về chiến tranh Lê Mạc và sự diệt vong của triều Mạc”)
[40] 袁运福 (Viên Vận Phúc), 2004, “略论越南莫朝文化”, In trong 《美与时代》 2004年 第2期 (“Lược bàn về văn hóa thời Mạc”)
[41] Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Trần Nghĩa chủ biên), 1997, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập II, Hà Nội : Nxb Thế giới
[42] Viện Sử học, 1996, Vương triều Mạc (1572-1592), Hà Nội : Nxb Khoa học xã hội
[43] Vụ Bảo tồn Bảo tàng, 1970, Niên biểu Việt Nam, Hà Nội :Nxb Khoa học xã hội
Chú thích
[1] Tuy còn thấy những chỗ dị biệt trong tiểu tiết, nhưng có thể thấy quan điểm tương đối thống nhất này trong các nghiên cứu sau: Trần Trọng Kim 1920 (lần xuất bản đầu tiên), Vụ Bảo tồn Bảo tàng 1970, Viện Sử học 1996, Lê Thành Lân 1997, Đinh Khắc Thuân 2001.
[2] Một chuyên gia về lịch sử Mạc và lịch sử quan hệ Trung Việt của Trung Quốc là Ngưu Quân Khải (sẽ trình bày cụ thể hơn ở dưới đây) đưa ra 3 thuật ngữ sau: 1 – Mạc triều (莫朝) tức “Triều Mạc”; 2 – Mạc thị Cao Bằng chính quyền (莫氏高平政权) tức “Chính quyền của họ Mạc ở Cao Bằng”; 3 – Hậu Cao Bằng Mạc thị thế lực (后高平时期莫氏势力) tức “Thế lực họ Mạc thời kì sau Cao Bằng” (xem Ngưu Quân Khải 2000). Cách chia 3 thời kì tồn tại của Mạc bằng 3 thuật ngữ trên, và những diễn giải liên quan đến 3 thời kì của Ngưu đã gợi ý cho chúng tôi đưa ra 3 thuật ngữ vừa đề xuất.
Sở dĩ chúng tôi tán thành cách chia thời kì của Ngưu là vì “Cao Bằng” được ông xem là một chìa khóa quan trọng đối với việc nghiên cứu Mạc. Như sẽ trình bày ở dưới đây, có nhiều giáo sĩ phương Tây đến Đàng Ngoài vào các thập niên 1620-1630 khi viết báo cáo (viết ngay lúc đó để gửi về Roma) đã gọi người đứng đầu chính quyền của Mạc ở Cao Bằng là “chúa Cao Bằng” (“chúa Canh/ciucanghe”) hay “vua Cao Bằng” (xem Chu Xuân Giao chủ biên 2010 : 110).
Tuy nhiên, khi đối sánh với cách phân kì đối với Mạc của Ngưu với của một số nhà nghiên cứu Việt Nam (tiêu biểu là Lê Thành Lân với hai thuật ngữ “vương triều chính thức” và “triều cùng thời” — sẽ trình bày kĩ hơn ở dưới), cộng với suy tính thêm của chúng tôi về vai trò quan trọng của Dương Kinh trong hệ thống địa bàn Thăng Long – Dương Kinh – Cao Bằng của Mạc, mà chúng tôi đã đưa ra 3 thuật ngữ mới: 1- Vương triều Mạc ở Thăng Long – Dương Kinh (1527-1593); 2 – Vương triều Mạc ở Cao Bằng (1593-1683); Thế lực Mạc hậu Cao Bằng (chính xác hơn là thế lực mang danh vương triều Mạc sau năm 1683).
Mạc Đăng Dung bắt chước các triều Lí – Trần ở nhiều điểm trong cơ cấu tổ chức quyền lực và hành chính. Việc xây dựng Dương Kinh (quê, nơi phát tích, hành cung và lăng tẩm) trong vị thế kết nối với Thăng Long (triều đình, kinh đô) của Mạc Đăng Dung cũng có thể xem như là một ví dụ (Lí xây dựng hành cung ở Đình Bảng, gọi là Bắc Kinh; Trần thì xây dựng Thiên Trường cung ở làng Tức Mặc, thuộc Nam Định ngày nay). Dương Kinh có thể là tên rút gọn của Hải Dương, tên của đạo thừa tuyên, nhưng cũng có thể là Nghi Dương, là tên huyện có làng Cổ Trai – nơi phát tích của Mạc, nay thuộc huyện Kiến Thụy thành phố Hải Phòng (Đinh Khắc Thuân 2001 : 170-173). Trong sử liệu thuộc thời Minh (Minh thực lục), Dương Kinh được gọi là Đô Trai. Vị trí chiến lược của nó được triều đình Minh nhìn nhận ra như sau: “Chỗ dựa của Phương Doanh (Mạc Đăng Doanh) là Đô Trai, vùng này gần biển, bùn lầy hơn 10 dặm, thuyền không ghé được. Kế hoạch của chúng nếu kinh thành không giữ được thì chạy đến Đô Trai, nếu Đô Trai không giữ được thì chạy ra biển”(xem Hồ Bạch Thảo 2009 : 426).
[3] Trước đây, tác giả Lê Thành Lân (xem Lê Thành Lân 1997) có đưa ra hai thuật ngữ quan trọng về mặt thời gian đối với Mạc, đó là thời gian Mạc là vương triều chính thức (từ năm 1527 đến năm 1593), và thời gian Mạc là triều cùng thời (từ năm 1593 đến năm 1677). Ông dùng hai thuật ngữ này để thay thế cho quan niệm cũ chính triều – nhuận triều (hàm ý: ngụy triều).
Tuy vậy, nếu xét tổng thể trong quan hệ Trung Quốc (Minh, Thanh, và các thế lực cát cứ khác) – Việt Nam (Lê Trịnh, Mạc, Nguyễn) ở thời kì đó, tức là trong quan hệ thiên triều – thuộc quốc, thì đem cả giai đoạn từ năm 1527 đến năm 1593 là vương triều chính thức thì e có vướng mắc một chút, ở chỗ: cho đến khi Mạc Đăng Dung được nhà Minh chính thức “tha lỗi” và phong làm An Nam Đô thống sứ vào năm 1541 thì sự chính thức của Mạc chưa được thiên triều công nhận.
Thứ nữa, chúng tôi xem vấn đề địa lí (địa bàn hoạt động) có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn vong của Mạc, cho nên, ở đây tiếp tục đề xuất ba thuật ngữ sau. Các thuật ngữ này không soi xét mối tương quan “chính thức” hay “không chính thức” với sự công nhận của phía Trung Quốc hay của Lê, mà thuần túy dùng địa bàn định đô/cát cứ làm cơ sở: vương triều Mạc ở Thăng Long – Dương Kinh (1527-1593); vương triều Mạc ở Cao Bằng (1593-1683); thế lực Mạc hậu Cao Bằng (chính xác hơn là thế lực mang danh vương triều Mạc sau năm 1683).
[4] Con số này là theo Đinh Khắc Thuân trong Đinh Khắc Thuân 2001 : 20
[5] Chúng tôi, người đi sau có điều kiện đọc kết quả nghiên cứu của người đi trước, thấy có một nghi vấn cần ghi lại ở đây. Đó là: ở lần công bố năm 2001, mặc dù Đinh Khắc Thuân vẻ như công nhận kết quả nghiên cứu của Lê Thành Lân, và sử dụng nó vào bảng “Niên biểu mới của nhà Mạc” (Đinh Khắc Thuân 2001 : 100). Cũng như Lê Thành Lân, ông có phê phán việc sai nhầm của tác giả Đinh Kim Ngọc (Đinh Khắc Thuân 2001 : 101) khi nhận định về niên đại trên bia Mạc (bài của Đinh Kim Ngọc in trong Viện Sử học 1996: 67). Thế nhưng, ông không hề nói đến sự sai nhầm tương tự của chính bản thân mình trong cuốn Văn bia thời Mạc (1996), mặc dù trước đó đã được Lê Thành Lân chỉ ra (Lê Thành Lân 1997). Nếu chỉ đọc Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia (Đinh Khắc Thuân 2001 : 95 – 102), thì ta sẽ dễ bị nhầm rằng, người có công lao chính trong việc chỉnh lí cái sai nhầm của các niên biểu trước đây, bằng tư liệu văn bia, là tác giả Đinh Khắc Thuân. Kì thực, theo chỗ chúng tôi quan sát qua tư liệu, thì cần nhận thức rõ rằng: Lê Thành Lân là người có công tích chính yếu trong việc chỉnh lí niên biểu Mạc, và Đinh Khắc Thuân là người tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của việc chỉnh lí đó.
Thêm nữa, “Niên biểu nhà Mạc (có chỉnh sửa)” mà Đinh Khắc Thuân đưa ra ở cuối sách trên (Đinh Khắc Thuân 2001 : 406) lại có những sai nhầm (đối chiếu với Niên biểu Việt Nam, và với chỉnh lí năm 1997 của Lê Thành Lân). Chẳng hạn, ở dòng Mạc Kính Khoan, thì Đinh Khắc Thuân cho niên hiệu Long Thái được để chạy từ năm 1626 đến 1638. Điều này không đúng. Niên biểu Việt Nam (trang 35-36) thì ghi niên hiệu Long Thái ở trong khoảng 1623-1625; còn Lê Thành Lân thì sau này, năm 1997, đã chỉnh lại thành: Long Thái (5 năm, từ 1621-1625), từ 1625-1638 là Thông Quốc công (Mạc Kính Khoan đã đầu hàng nhà Lê và được phong làm Thông Quốc công vào tháng 6 năm Ất Sửu – 1625) .
[6] Niên biểu Mạc của hai tác giả này vẫn có những chỗ không chính xác. Chẳng hạn, vẫn ghi niên hiệu Long Thái chạy từ năm 1623 đến năm 1638.
[7] Theo Minh thực lục (“Thế tông”, quyển 248, tờ 1b-5a) thì, vào năm Gia Tĩnh 20 (1541), nhà Minh cũng phong cho Mặc Đăng Dung là An Nam đô thống sứ, tòng nhị phẩm (tương đương với quan nhị phẩm của nhà Minh), nước An Nam thì bị giáng xuống thành An Nam Đô thống sứ ti (xem bản dịch tiếng Việt trong Hồ Bạch Thảo 2009 : 435).
[8] Nguyên văn: 纵观莫氏对中国封建王朝的政策, 它采取了明显的实用主义态度。前附明, 后附清, 乃至依附反清的吴三桂, 都没有什么基本的政治理念, 只为其统治得以暂时的延续。这种没有原则的随风倒的对外政策, 最后终于玩火自焚。(Ngưu Quân Khải 2000).
[9] Năm 1621, Mạc Kính Cung nhường ngôi cho Mạc Kính Khoan. Mạc Kính Khoan tự xưng là Khánh vương, đặt niên hiệu là Long Thái.
[10] Lý Tiên Căn (1621-1690) là tác giả của cuốn sách quan trọng đối với lịch sử Mạc nhưng hiện chưa được phía Việt Nam chú ý đúng mức là An Nam sứ sự kỉ yếu安 南使事纪要(Ghi chép về việc đi sứ An Nam). Ông là chánh sứ trong sứ đoàn mà Thanh cử sang An Nam vào năm 1669, đã điều đình thành công với Lê để cho Mạc Nguyên Thanh (năm 1668 đã chạy sang Nam Ninh) được trở lại Cao Bằng. Việc xong, trên đường về, ông biên soạn sách trên (xem Trương Tú Dân 1995 : 44 – 45).
[12] (越) 吴土连等《大越史记全书》, 陈荆和编校, 东京大学东洋文化研究所印刷 第900 —903 页 (chuyển dẫn từ Ngưu Quân Khải 2000).
[13] Chẳng hạn các ghi chép vào năm 1626 và năm 1631 về ba chúa (Trịnh, Nguyễn, Mạc) hay “vua Cao Bằng” của các giáo sĩ phương Tây là Giuliano Baldinotti và Cristophoro Borri (xem Chu Xuân Giao chủ biên 2010 : 110, 139).
Năm 1626, trong Tường trình về Đàng Ngoài 1626 (viết tại Ma Cao để gửi về Roma, thuật lại thời gian 6 tháng làm việc ở Thăng Long với sự đón tiếp nồng hậu của chúa Trịnh), cha Giuliano (một trong những giáo sĩ phương Tây đến Đàng Ngoài ở thời kì đầu tiên, trước Alexandre de Rhodes một năm) có viết: “Vua xứ Đàng Ngoài đứng đầu chín lãnh thổ, có ba quốc vương đến triều cống đó là vua xứ Lào, chúa Đàng Trong và vua Cao Bằng. Còn chính ngài thì phải triều cống Trung Quốc” (xem Chu Xuân Giao chủ biên 2010 : 110).
Trong các ghi chép của Alexandre De Rhodes (1593-1660) về Đàng Ngoài được thực hiện trong thập niên 1630 và được xuất bản tại Roma vào thập niên 1650 (Alexandre De Rhodes 1651, 1994 — ông đã ở Đàng Ngoài hơn 3 năm, từ tháng 3 năm 1627 đến tháng 5 năm 1630), chúng ta thấy xuất hiện chữ “Ciüa Canh/Chúa Canh” khi nói về người cầm đầu vương triều Mạc ở Cao Bằng (xem Chu Xuân Giao 2010 a, 2010b). Trước đây Phạm Đình Khiêm suy đoán rằng ““Ciüa Canh/Chúa Canh”có thể là từ “Chúa Công” mà ra, ông viết: “Kính Khoan giao hiếu với Chúa Trịnh, được triều đình Đông Đô phong cho chức Thái úy Thông quốc công, mà giáo sĩ Đắc Lộ gọi là Ciüa Canh, chắc hẳn do lối gọi bình dân Chúa Công” [Phạm Đình Khiêm 1960 : 42]; nhưng sau này, năm 1994, Nguyễn Khắc Xuyên lại ngờ rằng có thể là từ chữ “ciucanghe” trong tiếng Bồ Đào Nha, ông viết: “Không hiểu bởi đâu người ta gọi nhà Mạc ở Cao Bằng là Chúa Canh. Có lẽ do người Bồ gọi chúa Cao Bằng là ciucanghe” [Alexandre De Rhodes 1994a: 211].
Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi biết được rằng, chữ “Ciüa Canh/Chúa Canh” hay chữ “ciucanghe” là xuất phát từ chữ “chúa Khánh”, là vì, ở thời điểm đầu thập niên 1620 (Alexandre De Rhodes đang có mặt tại Đàng Ngoài từ năm 1627, có thể đã nghe trực tiếp dân gian gọi “chúa Khánh”), Mạc Kính Khoan tự xưng là Khánh vương.
[14] Ngưu Quân Khải đọc tác phẩm này qua nguyên bản Hán văn được hiệu chú và in chữ rời tại Đài Loan năm 1992 trong bộ sách lớn Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tùng san: 《越南汉文小说丛刊》, 第二辑, 第四本《南天珍异集》, 台湾学生书局, 1992 年
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.