- Đang online: 2
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 17973
- Tổng truy cập: 3,369,740
MỘT GIẢ THIẾT VỀ MẠC KÍNH VŨ QUA HÀNH TRÌNH LÀM PHIM “TIẾNG KÈN NHÀ MẠC” 626
- 252 lượt xem
MỘT GIẢ THIẾT VỀ MẠC KÍNH VŨ
QUA HÀNH TRÌNH LÀM PHIM “TIẾNG KÈN NHÀ MẠC”
THÁI KẾ TOẠI
Nhà văn- Nguyên Giám đốc Điện ảnh Công an
Các nguồn sử liệu Việt Nam cho biết về Mạc Kính Vũ như sau :
– Đại Việt sử ký toàn thư chỉ viết đến đời Gia Mỹ tông Hoàng đế (1672-1675), chưa nói đến sự kiện nhà Lê Trung hưng chiếm được Cao Bằng.
– Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn có viết về Mạc Kính Vũ từ năm 1638 nhưng bản còn lại chỉ viết đến năm 1644. Có thể Lê Quý Đôn có viết hết về Mạc Kính Vũ nhưng rất tiếc phần kết cục sự nghiệp của Mạc Kính Vũ đã không còn.
– Lịch triều tạp kỷ chép về sự kiện 1677 như sau:
Tháng 8, mùa thu. Bọn Đinh Văn Tả cả phá Nguyên Thanh (tức Mạc Kính Vũ) ở Cao Bằng. Nguyên Thanh chạy đi Long Châu ( Trung Quốc), dư đảng đều tan vỡ. Bốn châu (Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang) do đó được lấy lại và yên.
Về việc nhà Thanh trao trả người nhà Mạc sách này cho biết nhà Thanh trả Mạc Kính Nhậm cùng với họ hàng và người đi theo tất cả trai gái lớn bé cộng 350 người. Phần lớn số này được chia ra đưa đi an sáp ở Lạng Sơn, riêng bọn Mạc Kính Liêu 124 người thì giải về cửa cung khuyết rồi cũng tha cả.
–Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục viết:
Đinh Tỵ, năm thứ 2 (1677). (Thanh, năm Khang Hy thứ 16).
Mùa xuân. Sai Đinh Văn Tả đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng. Kính Vũ trốn sang đất nhà Thanh. Địa phương Cao Bằng hết thảy đều bình định được.
…..
Tháng Tám năm này, bọn Đinh Văn Tả đánh phá được Kính Vũ ở Cao Bằng, Kính Vũ chạy sang Long Châu, đồ đảng còn lại đều tan vỡ.
Việc nhà Thanh trao trả người nhà Mạc Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép tương tự, phần Kính Liêu có thêm là 3 người được triều đình trao cho quan chức, ngoài ra đều phân phối đi các nơi để được yên phận ở xen vào với dân bản xứ, hàng năm giúp đỡ cho vải và tiền.
Trong Việt Nam sử lược Trần Trọng Kim viết:
Đến tháng tám năm Đinh Tỵ (1677) Đinh Văn Tả lấy được thành Cao Bằng, Mạc Kính Vũ cùng họ hàng chạy sang Long Châu, bị quan nhà Thanh bắt giải sang trả cho An Nam.
Trong Việt sử yếu Hoàng Cao Khải chỉ viết chung chung :
…Trịnh Căn sai Đinh Văn Tả tiến quân đánh Cao Bằng. Mạc Kính Vũ lại đem hơn ba trăm người đảng phái và họ hàng chạy sang Long Châu nữa.
Bấy giờ quân nhà Thanh bắt sống hết bọn tộc đảng của Mạc Kính Vũ và trao trả cho nhà Lê.
Như vậy cả bốn tài liệu có viết về sự kiện 1677 đều khẳng định Mạc Kính Vũ thua trận chạy sang Long Châu Trung Quốc, tức là Mạc Kính Vũ còn sống.
Việc Mạc Kính Vũ có bị trả về Việt Nam hay không Lịch triều tạp kỷ và Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết là trong số người bị trả về không có tên Mạc Kính Vũ, Việt sử yếu viết chung chung, Việt Nam sử lược viết là có nhưng chắc rằng độ tin cậy không cao.
Mới đây nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo trong bài viết duy trì 2 triỀu đẠi lê, mẠc đỂ chia rẼ nhẰm làm suy yẾu nưỚc ta, mưu đỒ cỦa trung quỐc tỪ triỀu minh đẾn thanh có dẫn một văn bản của nhà Thanh như sau:
Ngày 10 Ðinh Hợi tháng 4 năm Khang Hy thứ 21 [16/5/1682]
Bộ binh bàn rồi phúc tấu:
“ Tuần phủ Quảng Tây Hác Cốc dâng sớ tâu: ‘Ðô thống sứ An Nam Mạc Nguyên Thanh cùng em là Mạc Kính Quang bị Trịnh Tộ nước An Nam đánh đuổi, chạy vào nội địa; cũng không có bằng chứng theo giặc trợ ác làm hại địa phương.’ Nhưng viên Tướng quân nguyên nhiệm Mãng Y Ðồ thì tâu rằng: ‘ Mạc Nguyên Thanh bỏ Cao Bằng, thua bại chạy đến Phú Châu (4).’ Lại còn Quốc vương An Nam Lê Duy Chính [Lê Hy Tông] dâng sớ tâu: ‘ Ngô Tam Quế gây biến, Mạc Nguyên Thanh đồng ác tiếp giúp, biện lương cho giặc.’
Mạc Nguyên Thanh chịu ơn lớn của Hoàng thượng, được phong làm Ðô thống sứ, trú giữ Cao Bằng, không lo báo ân; lúc Ngô Tam Quế phản loạn, lại theo giặc trợ ác, lý ra đáng trị tội nặng. Nhưng riêng bản thân, cách chức Ðô thống sứ, miễn nghị xử; riêng Mạc Kính Quang mang gia quyến theo, nạp ấn đầu thuận, miễn bị xử phạt. Nhưng bọn chúng người ngoại quốc, không tiện cư trú tại nội địa; nên viên Tổng đốc cần đưa Mạc Kính Quang và gia quyến trở về An Nam, dặn dò viên Quốc vương đừng giết hại bọn Mạc Kính Quang, lệnh tìm chổ thuận tiện cư trú. (Thanh Thực Lục, Thánh Tổ Thực Lục quyển 102, trang 5-6; tập 5, trang 24-25)
Vậy có thể khẳng định là trong sự kiện 1677 vua Mạc Kính Vũ không chết. Ông còn sống và chạy sang Trung Quốc, được triều đình nhà Thanh bảo trợ miễn trừ theo chức Đô thống sứ, được giữ lại ở Trung Quốc.
Vậy thì sau 1677 Mạc Kính Vũ đi đâu, làm gì ?
Mạc Kính Vũ có ở Phục Hòa không và ở vào thời điểm nào ?
Tại Cao Bằng tài liệu viết tay của hai nhà nghiên cứu văn hóa dân gian là Nguyễn Xuân Toàn và Nguyễn Thiên Tứ lại khẳng định rằng trong lúc thất trận cuối năm 1677 Mạc Kính Vũ bỏ trốn sang Trung Quốc theo sông Bằng Giang nhưng bị bắt và đã tự vẫn. Tuy nhiên tài liệu của hai ông chỉ dựa trên truyền miệng. Nhưng ông sau đó Nguyễn Xuân Tòan và ông Vương Hùng cho biết thêm nhà Mạc còn tồn tại ở thành Phục Hòa cách Cao Bằng 65 km về phía Đông Bắc, cách cửa khẩu Tà Lùng 10 km cho đến 1685.
Theo mô tả của ông Nguyễn Xuân Toàn thành Phục Hòa bên tả ngạn sông Bằng, hình vuông, mỗi cạnh 400m, tường xây bằng gạch hòm sớ truyền thống của nhà Mạc cao 4m, chân thành rộng 4m có kê đá tảng. Thành có hai cổng, cổng phía Bắc rộng 8m cao 4m, có hai cánh cổng bằng gỗ nghiến. Cổng phía Nam ra sông Bằng. Phía Tây ngoài thành còn vết tích 22 lò gạch xây chìm dọc bờ sông. Trong thành có đền thờ vua Lê dựng sau khi thắng quân Mạc, có vườn đạn đá mẫu giống như đạn đá thành Nà Lữ. Xuôi về phía hạ lưu sông cách thành chính 600 m còn có một thành ngoại vị bằng đất chắn ngang đường đi Tà Lùng dài từ chân núi xuống đến bờ sông Bằng. Ở giữa thành nội và thành ngoại là bãi thao trường tập bắn còn một phiến đá đục lỗ thủng hình tròn chôn xuống đất để tập ngắm bắn. Bên trái thành có núi đá, lên cao 10 m có hang, vua Mạc thường lên đó làm việc, hóng mát, thường gọi là hang Vua.
Tại phục Hòa còn có chợ Háng Séng cùng tên với chợ tỉnh ở Cao Bình.
Các câu chuyên truyền miệng của nhân dân vùng này cho biết năm 1677 nhà Lê Trung hưng chiếm được vương phủ nhà Mạc ở Cao Bình thì giao cho tướng Đinh Văn Tả tiếp tục truy quét tàn quân nhà Mạc. Tướng Tả đã triển khai quân lính bao vây thành Phục Hòa, đóng đại bản doanh ở Tổng Lao (xã Tiên Giao sau là xã Tiên Thành ngày nay) bên hữu ngạn sông Bằng.
Sự việc này không tìm thấy trong chính sử Việt Nam và cả sử Trung Quốc. Nhưng qua các di tích còn tồn tại, qua các truyện kể lưu truyền trong dân gian, sự tích của tên gọi các địa danh thì thấy có việc Đinh Văn Tả tiếp tục vây thành phục Hòa 8 năm mới giải giáp nó, không tốn một viên đạn và không đổ máu, mở đường thoát cho người họ Mạc và các binh sĩ. Nguyên nhân kéo dài cuộc bao vây 8 năm được gắn với mối tình giữa tướng Tả với công chúa cả Tiên Giao của vua Mạc Kính Vũ. Khi quân nhà Lê đánh Cao Bình, công chúa Tiên Giao cùng nhũ mẫu chạy về Nam Mẫu ở hồ Ba Bể, Bắc Cạn. Sau nghe tin vua cha đã rút về Phục Hòa Tiên Giao cùng con gái nhũ mẫu trốn đi tìm. Hai cô đến Phiêng Lâu thì kiệt sức, Tiên Giao lại bị say vì ăn phải quả độc. Tướng Tả đi thị sát nghe tiếng kêu cứu, cho quân sĩ đưa hai cô về doanh trại cấp cứu. Hai cô khai là hai chị em bố mẹ mất sớm, họ hàng nuôi nấng nhưng định gả bán, không ưng ý nên bỏ trốn, nay chưa biết về đâu.
Đinh Văn Tả động lòng thương, giữ hai cô làm tỳ nữ hầu hạ trong bản doanh. Trai tài gái sắc, ông đem lòng yêu mến Tiên Giao và giãi bày tâm sự quân Mạc đã đến đường cùng, muốn lấy khoan dung cho họ lối thoát, nếu cố tấn công ngay thì đôi bên đều tổn thất xương máu. Để kéo dài cuộc vây hãm, làm yên lòng binh sĩ tướng Tả tổ chức sản xuất lương thực nuôi quân. Hai chị em Tiên Giao được giao giúp tổ chức vui chơi giải trí giữa binh lính với dân chúng. Thế là hai cô đã làm nên các cuộc múa hát trong những đêm trăng sáng và đã cải biên lượn Then thành lượn Slương hay là lượn Nàng Hai.
Từ kinh thành triều đình nghi ngờ tướng Tả, thúc giục phải đánh thành nhanh trong mùa gặt 1685. Tướng Tả chuẩn bị quân cơ định ngày đánh thành. Bất ngờ đêm hôm trước ngày xuất quân, hai cô tỳ nữ nhảy xuống sông tự vẫn, để lại một bức thư, trong đó Tiên Giao tự nhận là công chúa con vua Mạc Kính Vũ. Tướng Tả thương tiếc hai cô, lui thời gian tiến công và cho nhười bí mật vào thành thuyết phục quân Mạc tự giải giáp, cam kết tạo điều kiện để tôn thất vua Mạc có nơi ẩn tích, hàng binh được đối xử tử tế cho về bản quán làm ăn. Cuối năm 1685 tướng Tả vào thành Phục Hòa thì cánh cửa đã mở toang, quân Mạc trốn hết. Về sau nơi quân Mạc tự giải giáp được đặt tên là xã Quy Thuận, còn xã Tổng Lao nơi Tiên Giao cải biên điệu lượn Slương đổi là xã Tiên Giao, nay là Tiên Thành huyện Phục Hòa.
Hiện nay ở Tiên Thành còn dấu tích ngôi đình từng là bản doanh của tướng Tả có bức hoành phi chạm chữ Phục kích vi binh. Hai bên bờ sông còn nhiều địa danh là nơi đóng quân, đài quan sát, trạm gác của quân nhà Lê như trại Mủng Thiên, trạm Phiêng Lậu, trạm Phiêng Cọn…Ở Phiêng Lao hiện còn miếu thờ công chúa Tiên Giao. Ở xã Tiên Thành dân họ Đinh chiếm đa số, quê gốc gác Hải Dương là con cháu các tướng sĩ họ Đinh lấy vợ người Tiên Thành và ở lại sinh sống.
Đây là một truyền thuyết đẹp về Đinh Văn Tả và những ngày cuối cùng của nhà Mạc ở Cao Bằng. Nhưng tiếc rằng trong Lịch triều tạp kỷ và KĐVSTGCM cho biết tướng Tả đánh Cao Bằng lần thứ nhất là năm 1625, lần hai 1639, lần ba 1663, lần bốn1668, lần năm 1676, đánh xong bị điều về xuôi ngay sau 1677, thay bằng Đặng Công Chất, lưu Đoàn Tuấn Hòa ở lại làm Tham lãnh. Thiếu bảo Lộc quận công Đinh Văn Tả còn làm Chánh chủ khảo hai kỳ thi tiến sĩ ở Thăng long năm 1681, 1683 và mất vào ngày 4 tháng 5 âm lịch năm 1685 thọ tới 84 tuổi. Trang web dòng họ Đinh Việt Nam có nói rằng Đinh Văn Tả có 3 người vợ, 2 người ở Hải Dương, còn một người ở Cao Bằng trong thời gian chinh phạt nhà Mạc hậu duệ cũng phát đạt. Như vậy nhiều khả năng có mối quan hệ giữa cha con Mạc Kính Vũ và tướng Tả ở Phục Hòa xảy ra trước 1677. Đây cũng là nguyên nhân Đinh Văn Tả bị chúa Trịnh gọi về sớm và bị xếp công trạng kém Hoàng Triều Hoa trong việc bình công.
Số phận Phục Hòa phải kết thúc trước hoặc ngay sau 1677. Mạc Kính Vũ ở Trung Quốc rồi mới về Việt Trì sau 1677.
Ông đã ẩn danh làm nhà sư ở chùa Xuân Sơn chờ thời khôi phục lại cơ đồ trong khi tại Cao Bằng và vùng biên giới phía Đông Bắc nhiều hậu duệ họ Mạc vẫn còn hoạt độngcho tới 1744. Và trong quan hệ của Mạc Cảnh Huống ở phía Nam với các chúa Nguyễn vẫn có lúc chúa Nguyễn mưu tính liên kết với nhà Mạc Cao Bằng và một số quan lại ở Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây tìm thời cơ tiêu diệt chúa Trịnh.
Việc Mạc Kính Vũ ở Việt Trì.
Có mấy căn cứ như sau:
Thứ nhất là dấu tích ngôi mộ cổ dân thường gọi là mộ vua tại chùa Xuân Sơn tự tức chùa Trống tại xã Việt Xuân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, đã có báo cáo đề cập, tôi không đề cập nữa.
Thứ hai là di ngôn truyền của dòng họ Nguyễn gốc Mạc xã Tiên Lữ huyện Lập Thạch. Xin trích lại một đoạn đơn của ông Nguyễn Hữu Hạnh ngày 1-6-2008 có dấu xác nhận của UBND xã Tiên Lữ:
Ông cha chúng tôi vốn là dòng dõi họ Mạc đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, tháng 8 năm 1677 Vương triều Mạc thất thủ Cao Bằng phải chạy đi khắp nơi đổi họ thay tên mai danh ẩn tích, tránh sự truy sát của nhà chúa Trịnh. Khi đó có những thân vương nhà Mạc về tại xã Tiên Lữ để mai danh ẩn tích. Theo dân gian truyền miệng khi về đến xóm chùa xã Tiên Lữ có đem theo nhiều báu vật của triều đình nhà Mạc như Mi môn, Cửu long tranh châu, Ấn tín, Gia phả cổ của 10 đời vua Mạc, đồ thờ cúng…nhưng đến nay đã bị thất truyền không còn lưu giữ được. Theo lời kể của ông Đỗ Văn Ngạn là đảng viên ( thời kỳ xảy ra việc công tác tại Phòng Văn hóa huyện Lập Thạch ) hiện đang nghỉ hưu tại xã Tiên Lữ thì năm 1961 Bộ Văn hóa có về gia đình tôi để tìm kiếm báu vật của Vương triều Mạc, lúc đó cụ nhà tôi phải dấu kín thân phận nên không khai báo gì.
Đến năm 1965 Bộ Văn hóa lại về nhà tôi để tìm kiếm một mảnh đĩa cổ, lúc đó có ông Đỗ Văn Ngạn đi cùng. Theo lời ông Ngạn kể thì Bộ Văn hóa có nói rằng:
Khi thất thủ Cao Bằng nhà Mạc phải ly tán tránh sự truy sát của nhà chúa Trịnh, nên cắt một cái đĩa thành bốn mảnh để chia cho bốn anh em mỗi người giữ một mảnh, có giao ước với nhau khi nào đất nước thanh bình anh em gặp lại nhau mỗi người một mảnh ghép vào thấy khớp thì đúng là con cháu nhà Mạc. Bộ Văn hóa nói rằng được biết ở Thanh Hóa giữ một mảnh, Hải Phòng giữ một mảnh, còn ở Tiên Lữ Lập Thạch giữ một mảnh, Cao Bằng giữ một mảnh.
Theo lời ông Ngạn thì lúc đó trong tay bộ Văn hóa đã có 2 mảnh đĩa lấy được ở Thanh Hóa và Hải Phòng. Sau khi Bộ Văn hóa đưa 2 mảnh đĩa ghép đó ra ghép vào nhau thấy khớp thì ông cụ nhà tôi mới lấy mảnh đĩa của mình đã cất giữ gần 300 năm giao cho Bộ Văn hóa đem về Bảo tàng Việt Nam.
Một cụ già trong họ Nguyễn gốc Mạc Tiên Lữ có kể cho tôi nghe rằng lúc còn bé, tức là vào hồi đầu thế kỷ XX cụ có được xem lễ bí mật mở Sắc phong của nhà Mạc (có lẽ là của nhà Thanh), tờ chiếu rất đẹp, to như chiếc chiếu. Sau trong kháng chiến chống Pháp tờ chiếu đã bị mất.
Trong việc này có nhiều điều đáng tiếc vì chi họ gốc Mạc ở đây đã không giữ được các di vật của triều Mạc nhưng đó là câu chuyện có thật và nó chứng minh rằng có một nhánh thân vương nhà Mạc ở Cao Bằng chạy về đây, còn đúng có phải là Mạc Kính Vũ hay không thì còn có nhiều việc để các nhà khoa học chuyên ngành phải làm.
Nói thêm về các chi họ gốc Mạc là hậu duệ của Mạc Kính Vũ.
Chi nhánh họ Mạc của Mạc Kính Vũ quả là có một sức sống mãnh liệt. Đoàn làm phim Tiếng kèn Nhà Mạc đã gặp nhiều chi họ gốc Mạc tự nhận là hậu duệ Mạc Kính Vũ ở vùng ven biển các tỉnh thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng…Các chi họ này đều có tổ chức sinh hoạt cộng đồng khá tốt, đời sống kinh tế, văn hóa khá, con cháu có nhiều người thành đạt.
Tại xã Sơn Lai, Gia Viễn Ninh Bình chúng tôi tìm được chi họ Hứa gốc Mạc chạy từ Cao Bằng về dưới vỏ người Mường để nhập vào dân bản địa. Hai ông tổ lấy tên là Cun Nuôi, Cun Lang và họ thờ 2 công chúa họ Mạc con Mạc Kính Vũ tự vẫn ở Cao Bằng. Hàng năm họ vẫn về chùa Phổ Minh để viếng công chúa Mạc Ngọc Lan, vợ Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn vào ngày giỗ của bà.
Trở lại chuyện Mạc Kính Vũ, trong khi chờ đợi các cứ liệu khoa học chính xác, it nhiều chúng ta vẫn có thể tin vào các truyền thuyết, cứ liệu điền dã và yếu tố tâm linh của con cháu, của linh hồn thiêng của cụ.
Hà Nội tháng 4 – 2012
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.