- Đang online: 4
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19546
- Tổng truy cập: 3,370,700
MẠC ĐĂNG DOANH 765
- 181 lượt xem
MẠC ĐĂNG DOANH- NGƯỜI KẾ TỤC VẺ VANG SỰ NGHIỆP CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC
Trần THị Vinh (Viện Sử học)
Mạc Đăng Doanh là con trưởng của Thái tổ Mạc Đăng Dung- người sáng lập ra vương triều Mạc ( 1527-1592), quê ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, thành phố Hải Phòng). Không rõ Mạc Đăng Doanh sinh năm nào, chỉ biết vào đầu thời Quang Thiệu đế, ông được phong là Dục mỹ hầu, giữ điện Kim Quang[1] và đến năm 1527, khi Mạc Đăng Dung lên ngôi thì Mạc Đăng Doanh được lập làm Thái tử[2]. Lên ngôi vua, dựng xây nền móng cho vương triều được ba năm, thấy tình hình trong nước và lòng dân còn nhiều bất ổn Mạc Đăng Dung đã quyết định nhường ngôi cho Mạc Đăng Doanh rồi lui vào làm Thái thượng hoàng. Được vua cha nhường ngôi, ngày Đinh Hợi mồng một, tháng giêng năm Canh Dần (1530) Mạc Đăng Doanh lên kế vị, đổi niên hiệu là Đại Chính[3], bắt đầu một triều vua thứ hai của vương triều Mạc.
*
* *
Vương triều Mạc dưới thời trị vì của Mạc Đăng Doanh đã đánh dấu một bước phát triển của một thời thái bình thịnh trị mà sử sách vẫn còn ghi lại. Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: Đăng Doanh “ Là con Đăng Dung, tính khoan hậu giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khoá. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi thời ấy là thái bình”[4].
Nắm giữ triều chính trong bối cảnh đất nước còn nhiều loạn lạc và lắm mâu thuẫn giữa các tập đoàn phong kiến thù địch, Mạc Đăng Doanh đã khéo biết chèo lái, vừa giữ vững pháp độ, vừa cấm làm những việc hà khắc, giảm nhẹ sưu thuế và tạp dịch, tạo dựng cho dân lành một cuộc sống bình yên, no đủ “ban đêm ngủ cửa không cần phải khoá”, “khi ra đường không phải mang theo khí giới để phòng vệ”, “nhiều năm liền phong đăng, dân cả bốn trấn đều yên ổn”[5].
Có được sự ổn định về xã hội trong bối cảnh đất nước loạn ly và chiến tranh triền miên xảy ra giữa các phe phái đối lập như ở nửa đầu thế kỷ XVI là một cố gắng rất lớn của người đứng đầu vương triều Mạc lúc đó là Mạc Đăng Doanh.
Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua không phải là một sự “êm chèo mát mái” mà vì vua cha Mạc Đăng Dung lúc đó “sợ nhân tâm chưa ổn định” mới “bèn nhường ngôi cho”[6]. Bởi thế, khi Đăng Doanh vừa lên ngôi đã bị ngay thế lực của cựu triều nổi binh chống lại. Đó là thế lực của Lê Ý, con trai của An Thái công chúa (cháu ngoại vua Lê) đã xưng hiệu là Quang Thiệu rồi hiệu triệu tướng sĩ trong các xứ của Thanh Hoá và Nghệ An họp binh chống lại Đăng Doanh. Mới chỉ hơn tám tháng, sau khi lên ngôi (ngày 23 tháng 8 năm 1530), Đăng Doanh đã phải đem quân vào Thanh Hoá hội binh với Thượng hoàng Đăng Dung để đánh lại quân của Lê Ý, nhưng vì lực chưa đủ mạnh nên bị thua. Ngay trận ra quân đầu tiên này, Đăng Doanh đã phải lui quân cố thủ và phải để ít quân sĩ ở lại cầm cự với quân của Lê Ý rồi đem quân trở về kinh sư.
Không phải chỉ đối phó với những thế lực nổi dậy như Lê Ý mà triều Mạc do Mạc Đăng Doanh đứng đầu lúc đó còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu phục hào kiệt về phía mình. Lê Ý, sau khi bị quân của Mạc Quốc Trinh (tướng của Mạc Đăng Doanh) đánh bại và bị giải về kinh sư giết chết thì lại có rất nhiều thổ tù ở các nơi nổi binh chống lại, như thế lực Nguyễn Kim ở Ai Lao; Trịnh Ngung, Trịnh Ngang chiếm cứ ở Thái Nguyên; Vũ Văn Uyên chiếm cứ ở xứ Tuyên Quang v.v… họ đều nêu danh nghĩa phục quốc chống lại nhà Mạc, đến mức “suốt một dải ven núi các xứ Thanh, Nghệ, Tuyên, Hưng đều không theo lệnh họ Mạc”[7].
Trước tình hình đó, vào đầu năm Tân Mão (1531), Mạc Đăng Doanh đã phải sai tướng Nguyễn Kính vào Thanh Hoá để đánh Nguyễn Kim, nhưng vẫn bị thua. Sau Mạc Đăng Doanh phải dùng thuyền, nhân lúc trời đổ mưa mới đẩy lùi được quân của Nguyễn Kim và Nguyễn Kim phải rút trở về Ai Lao.
Trở lại Ai Lao, đến cuối năm 1532, Nguyễn Kim cùng các cựu thần triều Lê đã tìm được con trưởng của vua Lê Chiêu Tông và lập lên làm vua (tức vua Lê Trang Tông – lên ngôi vào đầu năm 1533). Lê Trang Tông lên ngôi, vừa đặt xong niên hiệu là phong ngay tước cho các tướng để luyện binh, mưu đồ khôi phục nhà Lê, kết hợp với việc cho người sang nước Minh để xin quân. Vì thế vào năm Giáp Ngọ, niên hiệu Nguyên Hoà thứ 2(1534), vua nước Minh đã sai Hàm Ninh hầu Cừu Loan và Binh bộ thượng thư Mao Bá Ôn dẫn quân đến biên giới nước ta, tuyên bố đánh họ Mạc.
Lúc này, một thử thách nữa lại đến với Mạc Đăng Doanh và triều đình nhà Mạc. Mạc Đăng Doanh liền cho “tu sửa trại sách, luyện tập thuỷ quân, trưng cầu hết thảy các cựu thần lão tướng để cùng bàn việc nước”[8]. Mạc Đăng Doanh còn phục chức cho Thái bảo Vũ Hộ làm Tây quân tả đô đốc Chưởng phủ sự và “vời ông đến triều đình để bàn chính sự”[9]. Sau đó, vào năm 1538 Mạc Đăng Doanh còn cho “tuyển trai tráng sung vào ngạch quân”[10]. Chuẩn bị đối phó với nhà Minh như vậy, nhưng nhà Minh “vẫn còn chần chừ để xem xét, thực ra chưa dám phát binh, chỉ hư trương thanh thế để đe doạ thôi”[11].
Còn ở trong nước thì vua Lê Trang Tông đã phong tước cho hàng loạt tướng lĩnh để sai họ đem quân đi đánh họ Mạc. Như phong tước Công cho Trịnh Kiểm, Trịnh Công Năng, Lại Thế Vinh; tước Hầu cho Hà Nhân Chính và một loạt vị quận công khác thì được ban mỗi người một quả ấn tướng quân[12]. Tất cả các tướng lĩnh này đã đem quân bản bộ, thanh thế lẫy lừng tiến đánh quân của nhà Mạc và lúc đó, nơi nào quân của Mạc Đăng Doanh cũng bị thua[13].
Nhận lĩnh trách nhiệm gách vác công việc của triều đình giữa lúc tình hình đất nước còn nhiều xung đột giữa hai thế lực cũ và mới, mặt khác lại luôn phải đương đầu với một lực lượng chống đối mạnh hơn mình, mặc dù đằng sau vẫn có vua cha (Thượng hoàng Mạc Đăng Dung) giúp rập, song vì tương quan lực lượng còn chênh lệch và nhất là lòng dân khi đó còn vẫn “nhớ về vua cũ”, nên dưới triều vua Mạc Đăng Doanh chưa giành được mấy thắng lợi về mặt quân sự.
Nhưng về mặt Văn hoá giáo dục thì triều vua Mạc Đăng Doanh đã làm được những việc vô cùng quan trọng và vô cùng có ý nghĩa, không chỉ đặt nền móng cho các triều vua sau mà còn cho cả vương triều Mạc, đó là việc đào tạo được một đội ngũ trí thức nho học có nhiều tài năng và tâm huyết phụng sự vương triều Mạc với những gương mặt vô cùng sáng giá đại diện cho lớp trí thức mới của thời Mạc nói riêng và trí thức của Đại Việt trong thế kỷ XVI nói chung, như: Nguyễn Thiến, Bùi Vịnh, Nguyễn Lương Bật, Nguyễn Bỉnh Kiêm, Giáp Hải v.v.. họ đều là những bậc trí thức có tài đỗ đạt dưới triều vua Mạc Đăng Doanh. Vào đầu thời Mạc, dưới triều Mạc Đăng Dung mới chỉ tổ chức được một khoa thi Tiến sĩ (năm 1529) tuyển chọn người tài vào giúp việc triều đình thì dưới triều vua thứ hai – Mạc Đăng Doanh, cứ đều kỳ, 3 năm mở một khoa thi chọn Tiến sĩ, mặc cho chiến sự xảy ra triền miên. Dưới triều Mạc Đăng Doanh đã tổ chức được 3 khoa thi vào các năm: Nhâm Thìn(1532), lấy đỗ được 27 Tiến sĩ, người đỗ đầu là Trạng Nguyên Nguyễn Thiến (đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh); năm Ất Mùi (1535) lấy đỗ 32 Tiến Sĩ, người đỗ đầu là Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh) và khoa thi năm Mậu Tuất(1538) lấy đỗ 36 Tiến sĩ, người đỗ đầu là Trạng nguyên Giáp Hải (đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đê Đệ nhất danh)[14].
Đây là con số kỉ lục về số người đỗ và số Trạng nguyên dưới triều Mạc Đăng Doanh. Vì trong 65 năm đóng đô ở Thăng Long, nhà Mạc đã tổ chức được tất cả 22 khoa thi và lấy đỗ 486 Tiến sĩ, trong đó có 7 khoa thi chỉ lấy đỗ được 17 Tiến sĩ, tính trung bình mỗi khoa thi lấy đỗ được 22 Tiến sĩ. Riêng triều Mạc Đăng Doanh trong 11 năm chỉ tổ chức được 3 khoa thi mà số Tiễn sĩ lấy đỗ đã lên tới 95 người, tính trung bình mỗi khoa đạt tới trên 31 Tiến sĩ. Còn số Trạng Nguyên thì khoa thi nào cũng có, chiếm tới gần 3% (3/11) trong tổng số Trạng nguyên của cả thời Mạc.
Hơn nữa những Trạng nguyên thi đỗ dưới triều Mạc Đăng Doanh đều là những gương mặt sáng giá và nổi tiếng không chỉ của riêng đời Mạc Đăng Doanh, của riêng triều đại nhà Mạc mà còn tiêu biểu cho những Trạng nguyên của dân tộc ta ở thế kỷ XVI. Đó là Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ năm 1535 và Trạng nguyên Giáp Hải đỗ năm 1538, là hai bậc trí thức nổi tiếng trong lịch sử văn hoá dân tộc. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một “bậc tri thức đầy uy vọng trọng dân gian”, ông trải thăng Tả thị lang bộ Lại, kiêm Đông Các Đại học sĩ, rồi Thượng thư bộ Lại, kiêm Thái phó, tước Trình quốc công, nên dân gian thường gọi ông là Trạng Trình. Tuy sau ông đã lui về trí sĩ tại am Bạch Vân “nhưng vua Mạc vẫn tôn như bậc thầy, khi trong nước có việc quan trọng vẫn sai sứ đến hỏi ông. Có lúc còn triệu ông về kinh để hỏi mưu kế lớn”, “ông học rộng khắp các sách, hiểu sâu nghĩa lý Kinh Dịch, mưa nắng, hoạ, phúc việc gì cũng biết trước”[15]. Còn Giáp Hải mới 23 tuổi đã thi đỗ Trạng nguyên dưới triều Mạc Đăng Doanh, tài năng của ông “ Bấy giờ ai cũng tôn trọng. Ông thường qua Nam quan bàn việc, ứng đáp tinh nhanh, người Minh gọi là Giáp Tuyên phủ mà không gọi tên”[16]. Ông từng trải thăng chức Thượng thư bộ Lại, kiêm Đô ngự sử, tước Luân quận công[17].
Những trí thức nho học thi đỗ dưới triều vua Mạc Đăng Doanh hầu hết đều là rường cột quan trọng của vương triều Mạc, họ đã đem tài năng và tâm huyết của mình giúp rập và phụng sự triều đình giữa lúc các trí thức đương thời đang đứng phải trước ngã ba đường là chọn triều Mạc, chọn triều Lê hay đi vào ở ẩn.
Để có được đội ngũ những người giúp việc trung thành với vương triều Mạc, Mạc Đăng Doanh đã cất nhắc những nho sĩ đỗ đạt do chính vương triều vừa đào tạo được và những công thần vào những vị trí quan trọng tương xứng với tài năng của họ. Như Nguyễn Thiến được làm tới chức Thượng thư Thư quận công[18]; Trần Phỉ được cất nhắc vào những chức vụ: Lại bộ Tả thị lang[19] (năm 1532), Thượng thư bộ Lễ, kiêm Thừa tuyên sứ Hưng Hoá[20](năm 1538)… Đó là chưa kể Nguyễn Bỉnh Khiêm và Giáp Hải là hai nhân sĩ nổi tiếng có công rất lớn đối với vương triều Mạc, rất được Mạc Đăng Doanh và các vua nhà Mạc kính nể trọng dụng như vừa nêu ở trên. Đối với công thần, như Lê Bá Ly, nổi tiếng là người tài dũng, là bạn thân cũ với Mạc Đăng Dung, khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, ông được giữ vệ Kim Ngô và phong tước Hầu, thì đến đây Mạc Đăng Doanh “càng thêm tín nhiệm phong cho ông chức Đông quân đô đốc, tước quận Công”[21].
Không chỉ lo tổ chức các khoa thi Tiến sĩ chọn người tài vào giúp việc triều đình nhà Mạc mà Mạc Đăng Doanh còn chăm lo tới sự nghiệp giáo dục chung của đất nước như cho tu sửa lại trường Quốc Tử giám và đi thăm hỏi tế lễ các bậc tiên hiền tiên thánh…Sách Đại việt thông sử ghi: “Vào mùa xuân, năm Bính thân, niên hiệu Nguyên Hoà thứ 4 (1536), Đăng Doanh đã sai Đông quân Tả đô đốc Khiêm quận công Mạc Đình Khoa tu sửa lại trường Quốc Tử giám”[22]. Và năm sau (1537) Mạc Đăng Doanh còn đích thân “đến trường Thái học để làm lễ Thích điện tế tiên Thánh tiên Sư”[23].
Giữa lúc vương triều Mạc đang đi vào thế ổn định, văn hoá xã hội đang đà đi lên, nhiều nhân sĩ tài năng đang hăm hở dốc bầu nhiệt huyết phụng sự vương triều thì vào ngày Mậu Ngọ (25 tháng giêng) năm Canh Tý (1540), Mạc Đăng Doanh qua đời[24], để lại một sự nghiệp dang dở sau 11 cầm quyền.
*
* *
Mười một năm Mạc Đăng Doanh nắm giữ vương triều chỉ chiếm khoảng 1/6 quãng thời gian tồn tại chính thức của vương triều Mạc (11/65 năm) nhưng những gì mà Mạc Đăng Doanh và triều đình nhà Mạc do Mạc Đăng Doanh đứng đầu làm được, đã tạo đà vững chắc cho vương triều Mạc sau đó và đặc biệt những sự nghiệp mà triều vua Mạc Đăng Doanh đạt được đã để lại một dấu ấn khá đậm nét trong lịch sử của dân tộc ta ở thế kỷ XVI nói chung và trong lịch sử của nhà Mạc nói riêng. Một khung cảnh xã hội thanh bình, người dân ngủ vào “ban đêm không có trộm cướp”, “ trâu bò thả chăn không phải mang về”, “đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng”, “nhiều năm liền được mùa to”vv…[25] Một xã hội thanh bình “dân no, nước đủ” như thế đã được sử sách lưu truyền, thật xứng đáng là một thời kỳ vàng son của triều vua Mạc Đăng Dung cũng như của vương triều Mạc trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
[1] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, trong Lê Quí Đôn toàn tập, tập III, Bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1978, tr.274.
[2] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr. 266.
[3] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.269, 273.
[4] Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí ( Nhân vật chí), Tập I, Bản dịch Nxb Sử học, Hà Nội, 1960, tr5, 180.
[5] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.270.
[6] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.269, 274.
[7] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.275.
[8] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.277.
[9] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.277.
[10] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.278.
Đại việt sử ký toàn thư, Bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1973, Tập IV, tr. 130.
[11] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.278
[12] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.279.
Đại việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập IV, tr. 131.
[13] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.278
[14] Đại việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập IV, tr.126,130, 131
Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.276,277,278.
Xem “Các nhà khoa bảng Việt Nam”(1075-1919), Ngô Đức Thọ(Cb), Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Hữu Mùi( biên soạn), Nxb Văn học 2005.
[15] Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr. 299.
[16] Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr. 209.
[17] Phan Huy Chú Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tr. 209.
[18] Đại việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập IV, tr.126.
[19] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.277.
[20] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.278.
[21] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.278.
[22] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.278.
Đại việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập IV, tr.130.
[23] Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.278.
[24] Đại việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập IV, tr.131.
Lê Quí Đôn Đại việt thông sử, Sđd, tr.279.
[25] Đại việt sử ký toàn thư, Sđd, Tập IV, tr.126.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.