- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19560
- Tổng truy cập: 3,370,708
LỜI GIỚI THIỆU cuốn sách “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc, hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức”. 742
- 762 lượt xem
LỜI GIỚI THIỆU
Cuốn sách “Nhà Mạc và Thời đại nhà Mạc,
hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức”
Mactoc.com: cuốn sách “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc, hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức” của PGS.TS Trần Thị Vinh, do NXB Khoa học Xã hội ấn hành tháng 12/2013 là công trình khoa học mới nhất về nhà Mạc được công bố. Xin trân trọng đăng:
LỜI GIỚI THIỆU của GS, Viện sĩ Thông tấn, NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam về cuốn sách “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc, hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức”. Trong đó có câu: “Từ những hội thảo và những kết quả nghiên cứu khoa học mới, nhận thức về vương triều Mạc và thời kỳ nhà Mạc trong lịch sử dân tộc ĐÃ HOÀN TOÀN THAY ĐỔI”…
LỜI GIỚI THIỆU
Mở bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư, các vương triều đều được chép thành Kỷ như Kỷ nhà Ngô, Kỷ nhà Đinh, Kỷ nhà Lý… Nhưng vương triều Mạc tồn tại ở Thăng Long từ năm 1527 đến năm 1592 lại không được công nhận là một vương triều chính thống, không được chép thành Kỷ nhà Mạc và các đời vua nhà Mạc chỉ được “chép phụ” vào các đời vua Lê tương ứng. Trong “Phàm lệ” của bộ Quốc sử đã xác định rõ “Còn họ Mạc tiếm ngôi thì chia làm hai dòng mà chua ở dưới thứ tự năm, thế là để tôn vinh chính thống mà nén tiếm nghịch”. Trên quan điểm trung quân và chính thống, vương triều Mạc bị coi là “tiếm ngôi”, là “thoán nghịch”, sự tồn tại của vương triều trong lịch sử bị phủ định. Cùng chung số phận như vậy còn có vương triều Hồ và vương triều Tây Sơn cũng đều bị coi là “nhuận triều”, “ngụy triều”. Vương triều Tây Sơn sớm được nhà sử học Trần Trọng Kim, tác giả Việt Nam sử lược (1949), ra sức biện hộ để chứng minh cũng là một “nhà chính thống như nhà Đinh và nhà Lê vậy”. Vương triều Hồ gắn liền với những cải cách của Hồ Quý Ly và cuộc kháng chiến chống Minh đã được giới sử học nghiên cứu, thảo luận để đi đến sự nhìn nhận khách quan. Riêng vương triều Mạc phải chịu đựng sự đối xử bất công cho đến tận những năm 80 của thế kỷ XX. Vào những năm 50 thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Lê Văn Hòe (Hồ Quý Ly – Mạc Đăng Dung, 1952), Phạm Văn Sơn (Việt sử tân biên, 1959) đã nêu lên một số mặt tích cực của nhà Mạc với thái độ dè dặt và xu thế chi phối của xã hội vẫn là phê phán, lên án. Mãi đến năm 1985, trong hội thảo kỷ niệm 400 năm mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) ở Hải Phòng, một số nhà sử học nêu vấn đề cần nhận thức, đánh giá lại thời đại nhà Mạc và vương triều Mạc thì mới hiểu được con người và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm, một số tác giả khác phân tích những mặt tích cực của vương triều Mạc. Tinh thần đó cũng được đề cập đến trong hội thảo khoa học kỷ niệm 500 năm sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1991. Có thể coi đó là màn dạo đầu mở ra một phương hướng mới trong nhận thức về vương triều Mạc.
Được sự hưởng ứng của giới sử học và các ngành khoa học liên quan như văn hóa, giáo dục, mỹ thuật, những hội thảo chuyên đề về nhà Mạc đã được tổ chức ở Hải Phòng năm 1994, ở Hà Nội năm 2010, ở Cao Bằng năm 2011, ở Vĩnh Phúc năm 2012. Cùng với các hội thảo khoa học, công việc nghiên cứu về vương triều Mạc và nước Đại Việt thời nhà Mạc cũng được giới khoa học quan tâm. Một số vấn đề về nhà Mạc đã được cán bộ trẻ chọn làm đề tài luận văn Thạc sĩ và bảo vệ thành công ở nhiều cơ sở đào tạo. Ban Lịch sử cổ – trung đại Việt Nam của Viện Sử học thực hiện chương trình nghiên cứu ba năm (1991-1993) về nhà Mạc và thời đại nhà Mạc.
Từ những hội thảo và những kết quả nghiên cứu khoa học mới, nhận thức về vương triều Mạc và thời kỳ nhà Mạc trong lịch sử dân tộc đã hoàn toàn thay đổi. Trước hết, mọi người dễ dàng đồng tình cần phải vượt qua quan điểm chính thống thời kỳ chế độ quân chủ, đối xử với nhà Mạc một cách công bằng, khách quan như các vương triều khác. Nhà Lê thành lập trên thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn là một vương triều tiến bộ, đã đưa nước Đại Việt phát triển đến sự thịnh đạt dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Nhưng vào đầu thế kỷ XVI, nhà Lê đã suy yếu và bộc lộ tất cả sự đồi bại trước lịch sử và trước nhân dân. Trên quan điểm phát triển của lịch sử và lấy lợi ích của quốc gia, của dân tộc làm chỉ tiêu cao nhất thì phế bỏ một vương triều suy đồi như vậy để sáng lập một vương triều mới tiến bộ hơn phải được coi là một bước tiến của lịch sử. Vấn đề căn bản trong nhìn nhận và đánh giá vương triều Mạc là sau khi thành lập và trong thời gian tồn tại, nhà Mạc đã thực thi những chủ trương, chính sách gì và đã có những cống hiến gì đối với sự phát triển của đất nước trong bối cảnh lịch sử cụ thể thời bấy giờ. Trên phương diện này, còn có một số vấn đề thảo luận, nhất là chính sách đối ngoại và giải pháp ứng phó với nhà Minh, nhưng nói chung các cuộc hội thảo và các công trình nghiên cứu đều ghi nhận nhiều mặt tích cực và nhiều cống hiến của nhà Mạc, nhất là chính sách phát triển kinh tế và văn hóa, những thành tựu trong giáo dục, thi cử, nghệ thuật. Những con số 22 khoa thi hội, 484 Tiến sĩ, trong đó có những danh nhân kiệt xuất như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải; những kiến trúc như đình Tây Đằng; những sản phẩm gốm sứ ghi tên người đặt hàng và người sản xuất độc đáo của Bát Tràng, Chu Đậu,… khắc đậm dấu ấn nhà Mạc. Vương triều Mạc tuy tồn tại trong tình hình gần như chiến tranh liên tục với các thế lực phục hưng triều Lê, nhưng đã từng tạo ra những thời gian khá ổn định, thanh bình cho đất nước với cảnh tượng mà bộ quốc sử không công nhận triều Mạc cũng ghi chép: “ban đêm không có trộm cướp…, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đã đến lúc sử học phải nghiên cứu sâu sắc hơn, trung thực hơn để trả lại cho nhà Mạc vị thế và cống hiến đích thực của vương triều này trong lịch sử dân tộc, nhìn nhận một cách toàn diện kể cả mặt tích cực và mặt hạn chế.
PGS. TS. Trần Thị Vinh là một nhà sử học đã tham gia liên tục quá trình nhận thức lại nhà Mạc suốt hơn hai mươi năm qua. Tác giả không chỉ tham gia các cuộc hội thảo, nghiên cứu một số đề tài về nhà Mạc, mà còn chủ trì chương trình nghiên cứu “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc” của Viện Sử học. Trong số các nhà sử học đã tham gia nghiên cứu nhằm nhận thức lại nhà Mạc, PGS.TS. Trần Thị Vinh là người đồng hành chăm chú, theo dõi chặt chẽ nhất và có nhiều cống hiến quan trọng. Trên cơ sở đó, tác giả đã biên soạn công trình “Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc, hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức”. Trong công trình này, tác giả một mặt điểm lại quá trình nhận thức về nhà Mạc từ quan điểm chính thống của chế độ quân chủ cho đến những thay đổi về quan điểm và nhận thức trong hơn phần tư thế kỷ vừa qua, và quan trọng hơn là đưa ra những kết quả nghiên cứu về nhà Mạc trong thời gian tồn tại ở Thăng Long như một vương triều tiêu biểu cho chủ quyền quốc gia Đại Việt từ 1527 đến 1592. Trong tình trạng tư liệu thư tịch rất hiếm hoi, tác giả cố gắng khai thác mọi nguồn thông tin, nhất là những bi ký, những tư liệu điều tra thực địa, cố gắng phân tích các chủ trương, chính sách của nhà Mạc và tình hình mọi mặt của nước Đại Việt. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra nhận thức mới về nhà Mạc, vừa phản ánh những kết quả nghiên cứu chung, vừa trình bày những ý kiến riêng của mình. Cuối cùng là một Phụ lục với những tư liệu mang tính thống kê có giá trị về niên biểu các đời vua Mạc, danh mục các khoa thi Tiến sĩ, danh sách Trạng nguyên, thư mục nghiên cứu…
Cuốn sách Nhà Mạc và thời đại nhà Mạc, hơn hai mươi năm nghiên cứu và nhận thức của PGS. TS. Trần Thị Vinh cung cấp cho người đọc một bức tranh tổng quát về con đường dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá lại nhà Mạc và những nhận thức về nhà Mạc hiện nay qua hơn hai mươi năm thảo luận và nghiên cứu. Cuốn sách hết sức bổ ích cho mọi người muốn tìm hiểu về thời kỳ nhà Mạc, một thời kỳ nhiều biến động về lịch sử và cũng nhiều uẩn khúc về nhận thức. Trên tinh thần đó, tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Hà Nội, ngày 20/12/2013
GS, Viện sĩ Thông tấn, NGND Phan Huy Lê
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.