- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 20097
- Tổng truy cập: 3,370,938
Lịch sử 779
- 497 lượt xem
Lịch sử – văn hóa dòng họ Hoàng (gốc Mạc) ở Trâm Khê, Đại Thắng, Hải Phòng
từ thế kỷ XVIII đến những năm đầu thế kỷ XXI (tiếp theo)
CHƯƠNG 1: TIÊN LÃNG – VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI VÀ
TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ
1.1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
Về vị trí địa lý và giới hạn: huyện Tiên Lãng được đề cập trong các thư tịch cổ viết khá đồng nhất và rõ ràng. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi “Huyện Tiên Minh cách phủ 64 dặm về phía Tây đến địa giới huyện Tứ Kỳ, phủ Ninh Giang 5 dặm, phía Nam đến địa giới huyện Cẩm Giàng, phủ Ninh Giang 27 dặm, phía Bắc đến địa giới huyện Kim Thành phủ Kiến Thụy 24 dặm…”. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” chép “huyện Tân Minh bắt đầu từ Trâm Khê đến cuối Úc Hải, khoảng giữa là xã Lũ Đăng, tục ngạn nói rằng “Đầu Mè, đuôi Úc, giữa khúc Lũ Đăng”, phía Nam suốt đến huyện Vĩnh Lại, phía Bắc tiếp giáp huyện An Lão, chỗ đối ngạn có đầm Lôi Tân”. Sách “Đồng Khánh dư địa chí lược” xác định: “Tiên Minh là huyện thống hạt thuộc phủ Nam Sách, huyện lỵ đặt ở địa phận xã Cựu Đôi…Đông Tây cách nhau 34 dặm, Nam Bắc cách nhau 21 dặm. Từ huyện lỵ về phía Bắc đến thành tỉnh dài 40 dặm. Từ huyện lỵ đi về phía Tây Bắc đến phủ lỵ dài 6 dặm…”[4;32]
Tiên Lãng ngày nay là một huyện ven biển thuộc thành phố Hải Phòng, phía Bắc và phía Đông Bắc giáp hai huyện An Lão và Kiến Thụy, phía Tây Nam giáp huyện Vĩnh Bảo, phía Tây giáp huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ(Hải Dương), phía Nam giáp biển. Toàn huyện rộng 189 km², dân số là 149,2 nghìn người (2004).
Nằm về phía Tây Nam thành phố, có vùng bờ biển dài hơn 10km nối hai cửa sông Văn Úc – Thái Bình, trấn giữ cửa ngõ phía Nam của thành phố cảng, Tiên Lãng giữ vị trí rất quan trọng về quân sự, kinh tế.
Về điều kiện tự nhiên: Tiên Lãng là huyện đồng bằng thấp ven biển có diện tích tự nhiên 168 km2, được hình thành trong quá trình biển tiến và biển lùi thuộc thời Toàn Tân, chủ yếu do phù sa của hai sông Văn Úc và Thái Bình bồi đắp. Là một bộ phận của đồng bằng Bắc Bộ, vùng đất Tiên Lãng từng là lục địa vào thời kỳ trước Hôlôxen.
Do quá trình bồi đắp không liên tục của phù sa và sự biến động không có núi đồi, nhưng các vùng đất thấp, cao không đều, xen giữa những cánh đồng rộng lớn là sông ngòi, đầm hồ, lạch triều, bãi bồi. Nơi đất cao thuộc các xã Tiên Tiến, Quyết Tiến, Khởi Nghĩa, Tiên Thanh, Minh Đức…Nơi thấp trũng có nhiều đầm, hồ ngập nước, thuộc Đoàn Lập, Bạch Đằng, Tiên Minh, Tiên Thắng, Bắc Hưng… là dấu tích của sông xưa đã đổi dòng.
Sông ngòi ở Tiên Lãng khá nhiều. Các sông chính là Thái Bình, Văn Úc, Mới, Mía…và hệ thống kênh mương trải khắp huyện, rất thuận lợi trong giao thông vận tải và tưới tiêu. Sông Mới trở thành tuyến giao thông thủy quan trọng từ cảng Hải Phòng đi Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên. Do quá trình đổi dòng, sông Thái Bình và Văn Úc đã tạo nên hệ thống đầm hồ trên địa bàn huyện Tiên Lãng. Những đầm hồ này được khai thác cấy trồng, nuôi thả tôm, cá và điều hòa nước tưới.
Mỗi năm vùng đất Tiên Lãng lại rộng ra thêm do quá trình tiến ra biển, tốc độ lấn biển khoảng 10 – 15m/năm. Sức bồi của hai dòng sông tạo nên những bãi phù sa màu mỡ, đẩy biển xa dần. Vùng đất hoang được con người khai phá, đắp đê ngăn mặn, cải tạo và dần trở thành làng xóm mới trù phú.
Khí hậu ở đây nóng ẩm mang nét chung của khí hậu ven biển Bắc bộ nhưng vẫn có đặc thù của một huyện đồng bằng thấp trũng không núi đồi. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 23 – 24 độ C. Khí hậu phân thành hai mùa rõ rệt : mùa đông lạnh, ít mưa và mùa hè nóng, nhiều mưa, gió bão, lượng mưa trung bình 1.719 mm. Khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho sự phát triển của cây lúa, thuốc lào, cói… Sóng gió và lượng mưa bão cũng gây không ít khó khăn cho sản xuất.
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo điều kiện cho quá trình tụ cư và sinh sống của nhiều dòng họ từ thuở sơ khai. Trải qua bao biến cố lịch sử, nhân dân Tiên Lãng luôn luôn kiên cường trong đấu tranh, cần cù và sáng tạo trong lao động, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
1.2. Sự thay đổi địa giới hành chính
Tên gọi sớm nhất của huyện Tiên Lãng là Tân Minh, thuộc phủ Nam Sách do vua Lê Thánh Tông đặt năm 1469. Thời vua Lê Kính Tông (1600 – 1619), do kiêng tên húy nên đổi thành huyện Tiên Minh. Đến đời vua Thành Thái nhà Nguyễn (1889), đổi thành Tiên Lãng và được giữ đến ngày nay. Hai chữ Tiên Lãng được giải thích: Tiên – trước tiên, Lãng – ánh sáng, tức là nơi đón ánh sáng trước tiên. Tiên Lãng vẫn giữ được gốc Tân Minh thuở trước. Ý kiến khác cho rằng Tiên Lãng là nơi đầu sóng ngọn gió. Nhưng dù theo nghĩa nào, Tiên Lãng vẫn mang ý nghĩa vùng đất ven biển.
Thời các vua Hùng dựng nước, Tiên Lãng thuộc bộ Dương Tuyền.
Thời Bắc thuộc là đất huyện Câu Lậu. Đời Lý – Trần thuộc Hồng lộ, sau lộ này chia thành hai phủ thì Tiên Lãng thuộc phủ Nam Sách.
Thời nhà Minh xâm lược nước ta, Tiên Lãng cùng Thanh Hà là một huyện có tên Bình Hà.
Năm Quang Thuận thứ X (1469), vua Lê Thánh Tông đặt các đơn vị hành chính, huyện Bình Hà tách thành hai huyện Tân Minh và Thanh Hà. Sông Mía là ranh giới tự nhiên của hai huyện.
Năm Minh Mệnh thứ XIII, do phân phủ thống hạt. Năm Tự Đức thứ V bỏ phân phủ do huyện Thanh Hà kiêm nhiệm.
Khi thực dân Pháp xâm lược, chúng đã thay đổi nhiều đơn vị hành chính, lập ra các tỉnh, huyện mới. Năm 1898 thành lập ra tỉnh Phủ Liễn, Tiên Lãng trực thuộc tỉnh.
Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Tiên Lãng thuộc tỉnh Kiến An. Năm 1963, Hải Phòng – Kiến An hợp nhất, huyện Tiên Lãng thuộc thành phố Hải Phòng.
Lúc mới thành lập, Tiên Lãng có 92 xã, 12 trang. Đời Gia Long có 12 tổng, 92 xã thôn, đến đời Đồng Khánh có 12 tổng, 93 xã thôn. Năm 1901 có 13 tổng, 99 xã. Cuối năm 1945, chính quyền cách mạng xóa bỏ cấp tổng, thành lập 16 xã, đến tháng 6 – 1956 có 19 xã. Năm 1981, tách xã Chấn Hưng, nâng tổng số lên 20 xã. Năm 1986, lập hai xã Đông Hưng và Tây Hưng, nâng tổng số lên 22 xã. Năm 1987, Chính phủ quyết định chuyển xã Minh Đức thành thị trấn Tiên Lãng. Năm 1993, thành lập xã Tiên Hưng nâng tổng số thành 1 thị trấn và 22 xã.
1.3. Đặc điểm kinh tế của huyện
Trong quá trình chinh phục thiên nhiên, những lớp người đầu tiên đặt chân lên vùng đất Tiên Lãng đã lấy nghề nông làm nghề chính. Bằng mồ hôi công sức con người, đất canh tác được cải tạo, ngọt hóa và sử dụng phù hợp với từng loại cây trồng. Những khu bãi ven sông, ven biển trồng cói, nơi đất cao trồng thuốc lào, rau màu, nơi thấp trũng trồng lúa. Mùa khô đất chua mặn do thiếu nước ngọt về từ thượng nguồn về nên trước đây chỉ trồng được một vụ, ngày nay hệ thống mương trung thủy nông dẫn nước ngọt trải khắp huyện nên nông dân có điều kiện mở rộng diện tích đất canh tác, thâm canh hai, ba vụ một năm.
Ngoài trồng lúa và rau màu, thuốc lào là cây đặc sản ở Tiên Lãng. Tuy được trồng ở nhiều nơi nhưng thuốc lào Tiên Lãng là ngon hơn cả. Thuốc lào là nguồn thu nhập quan trọng của người dân trong vùng. Cây cói và nghề dệt chiếu cói ở đây đã có từ lâu đời, được đầu tư trồng để dệt chiếu, dệt thảm ở địa phương và xuất khẩu. Tuy vậy, quy mô những cơ sở này nhỏ và không phát triển, cộng với thiếu đầu tư kỹ thuật nên sản phẩm cói không đảm bảo chất lượng, chiếu thô và xấu, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài những sản vật trên, Tiên Lãng còn có nguồn nước khoáng được phát hiện ở thôn Phác Xuyên và nguồn cát mặn phong phú ở biển. Cát dùng trong xây dựng, nước khoáng có thể chữa một số bệnh, cũng là một nguồn lợi kinh tế của nhân dân Tiên Lãng.
Bên cạnh nông nghiệp là nguồn sống chính, nhân dân ven biển có nghề nuôi thả và đánh bắt hải sản. Nghề đánh bắt hải sản đã có từ lâu đời nhưng những người dân chuyên nghề đánh cá không nhiều, phần lớn vẫn làm nghề nông kiêm đánh cá. Thế mạnh là khai thác đầm hồ để nuôi tôm cá. Các xã Quyết Tiến, Khởi Nghĩa, Tiên Tiến, Cấp Tiến…có nhiều đầm hồ lớn, chú ý phát triển ngành nghề nên thu hoạch khá, bình quân 1-1,5 tấn/ha. Các xã Hùng Thắng, Đông Hưng, Tây Hưng, Nam Hưng, Tiên Hưng có phong trào đắp bờ thành vùng nuôi tôm, cá, đặc biệt là tôm xuất khẩu có giá trị cao, mở ra triển vọng mới. Những bãi triều ven biển rộng lớn được trồng thành dải rừng ngập mặn đã lưu giữ được nguồn lợi hải sản quý, đồng thời còn là vành đai chắn sóng, bảo vệ đê rất hiệu quả.
Từ xa xưa, người Tiên Lãng cũng có một số nghề thủ công truyền thống. Thư tịch cổ và ca dao lưu truyền trong dân gian cho biết nghề làm chiếu phát triển ở Lũ Đăng, Lật Dương, Dư Đông, Lai Phương, nghề mộc ở Ngân Bồng, dệt vải ở Đăng Lai, nhuộm ở Thọ Hàm, đan lát ở Sinh Đan, Hộ Tứ, quay quại, dệt thảm, làm mũ, đóng thuyền thường có ở các làng ven biển. Ngoài ra còn có một số nghề phụ truyền thống như nấu rượu (Xuân Lai), làm bún (Xuân Hòa)… Trên thực tế, nghề thủ công ở Tiên Lãng nghèo nàn, mang tính chất nghề phụ gia đình và chưa tách khỏi nông nghiệp. Sản phẩm chủ yếu trao đổi tại chợ làng, chợ tổng, chợ huyện chưa có mặt hàng có giá trị kinh tế cao nên nghề thủ công truyền thống không phát triển và có nghề bị mai một.
1.4. Đặc điểm con người Tiên Lãng
Cư dân sinh sống trên đất Tiên Lãng hầu hết là người Kinh. Họ sống tập trung thành những làng lớn nằm cạnh nhau. Do sống ở nơi ven biển, bão tố, phải sớm chống chọi với tự nhiên để sinh tồn nên bản tính của họ rất kiên cường, cần cù, đoàn kết.
Xuất phát từ truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời đã bồi đắp cho cư dân Tiên Lãng đức tính cần cù chăm chỉ, chịu thương chịu khó bởi nghề nông phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Vì vậy, bản thân những cá thể phải đoàn kết với nhau để chống lại sức mạnh vô hình của tự nhiên. Đức tính đoàn kết trong cộng đồng ấy được manh nha từ sự đoàn kết trong mỗi gia đình và trong dòng họ. Ban đầu, họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau cùng làm ăn và sinh sống trên mảnh đất Tiên Lãng. Trải qua quá trình phát triển đã tạo ra những dòng họ có bề dày lịch sử và văn hóa. Theo điều tra, có khoảng 80 dòng họ đã về đây tụ họp sinh sống. Từ lâu đời, các dòng họ đã đùm bọc nhau, không phân biệt nguồn gốc, gắn bó với xóm làng, dòng sông, đồng ruộng, quê hương.
Cư dân ở đây cũng sớm biết kết hợp làm nông nghiệp với các ngành nghề khác như chài lưới, mộc, cơ khí, quay quại, dệt thảm, buôn bán, dịch vụ… Ngoài ra, những nông sản làm ra được họ đem đi buôn bán ở các chợ trong vùng và ở các khu vực lân cận. Xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp kết hợp với kinh tế thủ công nghiệp và ngư nghiệp đã hun đúc cư dân nơi đây thành những con người cần cù, chịu khó, khéo léo, bản lĩnh và sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn thử thách.
Cư dân Tiên Lãng cũng rất coi trọng tình huyết thống, vai trò các chi phái, dòng tộc. Việc thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ…là một phong tục tốt đẹp được duy trì từ bao đời nay. Các dòng họ như Hoàng, Lê, Trần, Vũ, Mai, Lương, Đinh, Nguyễn, Đào, Bùi, Phạm…dù đến sớm hay muộn đều cùng nhau xây dựng tình đoàn kết, thắm đượm tình làng nghĩa xóm, một lòng một dạ xây dựng và bảo vệ quê hương ngày càng giàu đẹp.
1.5. Truyền thống lịch sử – văn hóa.
Truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm
Đất Tiên Lãng có con người sinh sống từ lâu đời. Từ đó đến nay, con người nơi đây luôn đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tương trợ nhau trong sản xuất và kiên cường chống thù trong giặc ngoài, góp phần gìn giữ non sông đất nước. Ngay từ buổi đầu dựng nước, nhân dân Tiên Lãng đã đứng lên theo Quý Minh, bộ tướng tài giỏi, nổi danh của vua Hùng, đánh giặc. Ở vùng ven biển này có 12 nơi thờ tướng Quý Minh.
Những năm 30 – 40, nhân dân khắp nơi trong huyện đồng lòng nổi dậy tích cực tham gia khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, đánh đuổi giặc Tô Định, giải phóng và bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Có gia đình cả nhà cùng đánh giặc. Người dân Tiên Lãng rất tự hào khi kể về tấm gương oanh liệt, chiến đấu quên mình của ba chị em Tạ Huy Thâu, Tạ Ả Dáng, Tạ Đoan Dung người thôn Đông Ninh (Tiên Minh). Theo thần tích làng Đông Ninh, do có công lao to lớn nên ba chị em được Trưng Vương phong cho là Huy Thâu trinh thục công chúa, Ả Dáng phương viên công chúa, Đoan Dung thục diệu công chúa. Ở Bạch Đằng có 5 anh em họ Trương và 32 trai tráng trong vùng cũng xả thân đánh giặc, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng [4; 28]. Ở Cựu Đôi có Đào Quang, Nguyễn Công Châu đã tập hợp dân làng theo Hai Bà Trưng đánh quân Đông Hán. Và Đào Quang đã được phong làm Trung phẩm Đại tướng quân. Hiện nay, di tích đình Cựu Đôi chính là nơi nhân dân thờ phụng tướng Đào Quang và nhiều vị tướng có nhiều công lao thời đó.[4; 29]. Không chỉ có Tiên Minh, Bạch Đằng và làng Cựu Đôi, ở xã Đoàn Lập còn có tướng Nguyễn Minh, ở làng Cương Nha (xã Khởi Nghĩa) có tướng Đào Lang cũng chiêu mộ dân làng, vùng lên khởi nghĩa lập nhiều chiến công. Hiện thực ấy đã chứng tỏ Tiên Lãng là địa phương dẫn đầu Hải Phòng về số tướng lĩnh và nhân dân tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống quân xâm lược.
Góp phần tô thắm truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc, người dân Tiên Lãng đã không tiếc xương máu trong quá trình đấu tranh giành và giữ gìn độc lập, tự do của Tổ quốc. Năm 981, khi Lê Hoàn kéo quân về vùng cửa sông Bạch Đằng lập thế trận đánh quân Tống xâm lược, 5 anh em Đặng Công Xuân, Đặng Công Chung, Đặng Công Tuấn, Đặng Công Thọ, Đặng Công Nguyên cùng trai làng Đốc Hậu đã tham gia chiến đấu trên sông Bạch Đằng, lập công hiển hách lưu danh muôn đời.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ II (1285), Tiên Lãng là nơi cung cấp lương thực cho quân đội nhà Trần. Nhiều trai tráng gia nhập đội quân “Sát Thát”, góp phần bé nhỏ cùng toàn dân Đại Việt đánh tan 50 vạn quân xâm lược hùng mạnh. Tướng quân Trần Quốc Thành về Tiên Lãng chiêu quân, tích trữ lương thực, trấn giữ một vùng cửa ngõ phía đông của đất nước. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ III, nhân dân Tiên Lãng đóng góp sức người, sức của làm nên chiến thắng to lớn. Quân và dân Tiên Lãng trực tiếp tham gia đánh giặc ở cửa Đại Bàng (cửa Văn Úc), góp phần tiêu diệt hơn 300 chiến thuyền trong trận thủy chiến vào mùa xuân năm 1288. Chiến thắng này được khắc vào lịch sử mãi mãi không bao giờ phai, chôn vùi đạo quân xâm lược hung hãn, đè bẹp ý đồ xâm lược nước ta của đế quốc Mông Nguyên. Đền Hà Đới và Hội chợ xuân là chứng tích ghi nhận công lao ấy. Hiện nay đền Hà Đới còn lưu câu đối:
Chương Dương thủy trận thiên vô mã
Ngọc Động chung linh địa hóa long
Đến cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII dưới thời vua Lê chúa Trịnh, tình trạng ruộng đất công làng xã dần bị địa chủ cường hào lũng đoạn, chiến tranh và sự bất lực của Nhà nước đã làm cho đời sống nhân dân vô cùng khổ cực. Mâu thuẫn giai cấp giữa nông dân và địa chủ phong kiến đã phát triển đến mức gay gắt chưa từng có. Lòng bất bình, oán ghét của quần chúng đã đến lúc chuyển thành chí căm thù, hành động căm thù và hành động phẫn nộ. Trong hoàn cảnh đó, cuộc chiến tranh nông dân bùng lên và lan rộng khắp nơi. Hải Dương khi đó (tức Hải Hưng – Hải Phòng) cùng một phần Quảng Ninh ngày nay, nơi nạn đói xảy ra nghiêm trọng nhất trở thành trung tâm của phong trào nông dân. Một lần nữa, nhân dân Tiên Lãng lại đứng lên góp thêm sức mạnh cho các cuộc khởi nghĩa của nông dân Nguyễn Hữu Cầu (1741 – 1751), Phan Bá Vành (1821 – 1827). Năm 1742, được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, Nguyễn Hữu Cầu đã tiến đánh quân Lê – Trịnh ở huyện Tiên Minh, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Do vậy, đông đảo nhân dân Tiên Minh thuở ấy đã đi theo Nguyễn Hữu Cầu chống lại triều đình phong kiến thối nát [4; 32]. Thủ lĩnh Phan Bá Vành sau khi dựng cờ khởi nghĩa ở Núi Voi (An Lão) và năm 1826 đã mở những trận đánh lớn vào huyện Tiên Minh. Nghĩa quân tới đâu cũng nhận được sự hưởng ứng của nông dân. Họ phá kho thóc, đốt văn tự khế ước và xoá nợ cho dân nghèo.
Khởi nghĩa của nông dân lan rộng khắp vùng đồng bằng duyên hải, làm lung lay triều đình phong kiến suy tàn. Cuối cùng, tuy đều bị dập tắt nhưng những cuộc nổi dậy đó đã chứng minh sức mạnh tinh thần yêu nước và ý thức tự chủ của người dân Tiên Lãng.
Truyền thống yêu nước của người Tiên Lãng lại được thổi bùng khi thực dân Pháp xâm lược nước ta vào năm 1858. Trong khi triều đình Huế liên tiếp nhượng bộ dâng đất cho giặc thì nhân dân ta suốt từ Nam tới Bắc rầm rộ nổi dậy. Nhân dân Tiên Lãng tích cực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Năm 1882, cụ Ngô Xuân Khang (Người Hán Nam, Kiến Thiết) bí mật vận động nhân dân ủng hộ lương thực, cùng con trai và nhiều trai làng tham gia khởi nghĩa. Cụ khóa Khang từng làm mưu sĩ đắc lực cho lãnh tụ Nguyễn Thiện Thuật. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, hai cha con cụ Khang bị thực dân Pháp hành hình. Nhân dân Kiến Thiết, Tiên Lãng vô cùng thương tiếc và nhớ ơn. Năm 1888, thủ lĩnh Huân (người Cẩm Khê, Toàn Thắng) chiêu mộ được 50 nghĩa quân, bí mật kéo lên Phồn Xương tham gia cuộc khởi nghĩa do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Năm 1891, Nguyễn Quang Phong (người Tiên Thắng) cùng nhiều trai tráng tham gia cuộc nổi dậy chống Pháp của Cai Vàng ở Bắc Ninh.
Vào đầu thế kỷ XX, hưởng ứng phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, ở Tiên Lãng có Phạm Quang Thét, Nguyễn Văn Sinh tuyên truyền vận động nhân dân tham gia. Năm 1913, hai ông bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Tiếp đó, vào năm 1914, các ông Vũ Văn Nôm, Lê Văn Ống, Phạm Văn Rù (Thôn Nghiện, thôn Rỗ, Tiên Tiến) và đội Bốn (Thôn Liên Hào, Kiến Thiết) tập hợp đội nghĩa binh hoạt động ở vùng Kinh Khê. Nghĩa quân vượt sông Văn Úc đánh quân Pháp đóng ở làng Du Viên và Kinh Điền (An Lão)…
Ngày 7 – 11 – 1929, nhân kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga, tổ thanh niên Ninh Duy đã treo cờ búa liềm ở chợ Nhàn, rải truyền đơn ở các thôn: Cương Nha, Ngọc Động (xã Khởi Nghĩa), Ngân Cầu (xã Quyết Tiến), Trung Lăng, Chợ Đôi (Minh Đức), Hộ Tứ (xã Đoàn Lập). Từ đây, ngọn lửa cách mạng đầu tiên đã được nhen lên ở Tiên Lãng, mở ra hướng đi đúng đắn cho phong trào đấu tranh từ những năm 1929 – 1930.
Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Tiên Lãng càng bùng lên mạnh mẽ từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930. Trong cao trào cách mạng 1930 – 1931, thanh niên Tiên Lãng đã vùng lên tranh đấu, chống sưu cao thuế nặng, phụ thu lạm bổ, chống cướp đoạt ruộng đất, mở đầu là phong trào đấu tranh của nhân dân Ninh Duy đấu tranh chống bọn lý dịch lạm thu thuế. Ngoài ra, nhân dân Tiên Lãng còn tích cực tham gia đấu tranh trong phong trào dân chủ 1936 – 1939, phong trào rải truyền đơn, căng biểu ngữ chống thu thóc tạ…
Cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, trước những biến động mạnh mẽ của tình hình thế giới và trong nước, nghe theo lời kêu gọi của Đảng, nhân dân Tiên Lãng tích cực ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 14 – 4 – 1945, huyện bộ Việt Minh Tiên Lãng được thành lập. Ban lãnh đạo gồm những đồng chí: Nguyễn Hải, Nguyễn Văn Sơ, Vũ Đa Phúc… Nhiệm vụ cụ thể mà huyện bộ Việt Minh đề ra đó là: Phát triển các đoàn thể cứu quốc, xây dựng tự vệ, phá kho thóc, giải quyết nạn đói. Chủ trương sáng suốt và kịp thời đó nhanh chóng biến thành một khẩu hiệu cách mạng, huy động và tổ chức toàn thể nhân dân đứng vào đội ngũ sẵn sàng hành động. Sau ngày huyện bộ Việt Minh ra đời, phong trào cách mạng của nhân dân càng được đẩy mạnh. Thực hiện phương châm tuyên truyền tới đâu, tổ chức tới đó, thôn xóm xã nào có tổ chức Việt Minh là có đội tự vệ cứu quốc tích cực rèn sắm vũ khí, tập luyện quân sự.
Ngày 8 – 6 – 1945, tại huyện lỵ, đội tuyên truyền vũ trang của tỉnh được tự vệ và nhân dân Tiên Lãng hỗ trợ đã cướp diễn đàn của thanh niên Đại Việt – một tổ chức thân Nhật do phát xít Nhật lập ra – biến buổi họp của chúng thành buổi diễn thuyết cách mạng.
Ngày 5 – 7 – 1945, hàng nghìn nông dân ở các thôn Ninh Duy, Hà Đới, Phú Kê, Kinh Khê, Đại Công…kéo về chợ Nhàn mít – tinh, biểu dương lực lượng. Sau đó, đoàn người kéo về chợ Mè, chợ Vượn, chợ Đầm…vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu “Đả đảo phát xít Nhật”, “Tích cực ủng hộ mặt trận Việt Minh”.
Ngày 6 – 8 – 1945, được sự phối hợp của tự vệ Kim Sơn (Kiến Thuỵ), tự vệ Tiên Lãng đã đột nhập huyện lỵ gây áp lực buộc tri huyện Nguyễn Đình Tạo nộp 9 khẩu súng [4; 33]. Bốn ngày sau, tự vệ Ninh Duy, Cương Nha tổ chức đánh úp hai thuyền dầu của Nhật ở gần Quý Cao. Số dầu thu được (30 000 lít) một phần chia cho nông dân, một phần đem bán lấy tiền mua vũ khí.
Tháng 8 – 1945, cùng với không khí khởi nghĩa sôi sục trong cả nước, nhân dân Tiên Lãng hăng hái tham gia phong trào chống Nhật. Ngày 4 – 8, tự vệ Tiên Lãng vượt sông Văn Úc sang Kim Sơn (Thái Bình) phối hợp chống Nhật. Phong trào cách mạng sôi sục trong toàn huyện. Ở nhiều xã trong huyện, Việt Minh chủ động điều hành công việc.
Ngày 22 – 8 – 1945, một đội tự vệ Tiên Lãng cùng tự vệ Kiến Thụy, An Lão…tiến về tỉnh lỵ tham gia giành chính quyền. Ngày 23 – 8 – 1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Hải Phòng ra mắt trước hàng vạn nhân dân Hải Phòng – Kiến An. Ngày 24 – 8, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh ra đời, đến cuối năm 1945, ủy ban nhân dân cách mạng các xã cũng lần lượt được thành lập, kiện toàn. Chính quyền các cấp kêu gọi nhân dân đoàn kết, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, không ngừng củng cố và phát triển lực lượng về mọi mặt để bảo vệ thành quả vừa giành được.
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nhân dân Tiên Lãng cùng nhân dân cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, làm chủ vận mệnh của mình. Song chính quyền non trẻ vừa mới ra đời đã gặp biết bao khó khăn chồng chất. Nền kinh tế đất nước nghèo nàn, lạc hậu. Nạn đói năm 1945 để lại hậu quả nặng nề, thiên tai đe dọa liên tục, đồng ruộng bỏ hoang…đã ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân. Do chính sách ngu dân của thực dân Pháp, trên 90% nhân dân mù chữ. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan… chưa được khắc phục. Trong khi đó đất nước lại đang đứng trước nạn ngoại xâm. Trong hoàn cảnh đó, thực hiện chỉ thị của Đảng, Chính phủ, chính quyền cách mạng Tiên Lãng đã tập trung chỉ đạo sớm củng cố chính quyền các cấp, giải quyết nạn đói, nạn dốt và chống giặc ngoại xâm.
Để giải quyết nạn đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Nhường cơm sẻ áo” và vận động nhân dân tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Hưởng ứng phong trào, cán bộ, tự vệ, hội viên và nhân dân Tiên Lãng coi nhiệm vụ tăng gia sản xuất như chiến đấu, chống đói như chống giặc ngoại xâm, mọi người ra sức cày cuốc, cấy lúa, trồng màu và đào mương tưới tiêu, đắp đê phòng lụt…Nhờ vậy, vụ chiêm năm 1946 đã được mùa khá. Qua phong trào “hũ gạo tiết kiệm” và “sản xuất cứu đói”, nhân dân Tiên Lãng đã tiết kiệm được hàng chục tấn gạo để cứu giúp người nghèo đang bị nạn đói đe đọa và ủng hộ hàng trăm tấn lương thực cho bộ đội.
Để giải quyết những khó khăn tài chính, Chính phủ ra sắc lệnh tổ chức “Quỹ độc lập” và “Tuần lễ vàng” để tăng ngân sách nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết của đất nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Tiên Lãng đã nhiệt tình tham gia phong trào. Hàng trăm gia đình ở các xã trong huyện, kẻ ít người nhiều đã tự nguyện đem tiền bạc, của cải, đồ trang sức bằng vàng, bạc ủng hộ vào “Quỹ độc lập”. Huyện Tiên Lãng đã huy động được hơn 1kg vàng và gần 60.000 đồng Đông Dương góp phần với tỉnh giúp Chính phủ giải quyết khó khăn về tài chính và mua sắm vũ khí trang bị cho tự vệ.
Để giải quyết nạn dốt, đồng bào Tiên Lãng nô nức hưởng ứng phong trào bình dân học vụ với tinh thần con chưa biết thì cha bảo, vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo. Các đoàn thể Phụ lão, Thanh niên, Phụ nữ lập ra hội khuyến học, vận động giúp đỡ những nông dân nghèo đi học. Năm 1945 – 1946, các trường phổ thông bắt đầu được thành lập ở các xã.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), nhân dân Tiên Lãng cùng nhân dân cả nước đấu tranh làm thất bại hoàn toàn âm mưu “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân Tiên Lãng tiễn đưa hơn 4.000 thanh niên nhập ngũ, trong đó có ngót 100 chiến sĩ xung phong vào đoàn quân Nam tiến, 500 chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và hơn 1 vạn người tham gia dân quân du kích, hơn 1.200 người đi dân công hỏa tuyến và đóng góp hàng nghìn tấn lương thực cho kháng chiến. Dân quân du kích cùng bộ đội đánh 1.342 trận, tiêu diệt và bắt sống 5.561 tên, thu 569 súng các loại và thu nhiều vũ khí, quân dụng. Những thắng lợi của những trận chiến đấu ban đầu ở Hùng Thắng, Khởi Nghĩa (1948), cuộc nổi dậy của nhân dân Toàn Thắng, Tiên Minh, Quang Phục đánh địch càn quét (1950), cuộc phát động toàn dân đánh giặc phá tan trận càn Cloche (Tháng 8 – 1953)…đi vào lịch sử Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Lãng như một dấu son chói lọi, như dòng máu đỏ để truyền tiếp cho thế hệ hôm nay và mai sau [4; 39]
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng tiêu biểu trong khánh chiến chống Pháp như: đồng chí Đào Văn Dừa – Chủ tịch xã Bạch Đằng, đồng chí Phạm Văn Tấc – Chủ tịch xã Đoàn Lập… khi sa vào tay giặc, chúng mua chuộc, dụ dỗ rồi tra tấn dã man, nhưng cả hai đồng chí vẫn giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Khi bọn giặc đem đồng chí Dừa đi xử bắn, đồng chí luôn mồm mắng nhiếc kẻ thù: “Chúng bay là đồ chó má, đừng hòng khai thác ở tao nửa lời. Tao chết đi sẽ có hàng ngàn, hàng vạn đồng bào đồng chí của tao sẽ giết chúng mày”. Khi chúng đem đồng chí Tấc đi chôn sống, trước khi chết đã hô vang khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, “Hồ Chủ Tịch muôn năm”.
Trong những năm chống càn quét đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Văn Kiến – xã đội trưởng Minh Đức – Chỉ huy chống càn lập nhiều chiến công xuất sắc. Khi rơi vào tay địch, chúng tra tấn dã man, rồi mổ bụng moi gan mà đồng chí vẫn giữ được khí tiết người cộng sản; Nhữ Văn Hộ – Bí thư Chi bộ xã Bạch Đằng – giặc cuốc hầm, đồng chí xông lên ném lựu đạn, mấy tên địch đã bị giết chết, sau đó đồng chí đã anh dũng hy sinh; Phạm Đình Nguyên chiến sĩ thi đua toàn quân đã tham gia chiến đấu phá tan đoàn xe lội nước, cứu nguy cho đồng đội và đã hy sinh anh dũng trong trận càn ngày 28 – 8 – 1953 ở Tiên Minh. Em Phạm Ngọc Đa tuổi nhỏ chí lớn, ngoài nhiệm vụ giao thông, liên lạc, em còn là du kích trung kiên. Khi sa vào tay giặc chúng mua chuộc, dụ dỗ, mổ bụng moi gan mà Đa vẫn không hề nao núng. Còn biết bao tấm gương khác như cụ Chương ở xóm Lố (Cấp Tiến), ông Khuông Vinh Quang, em Dinh (Tiên Minh), em Bước (Thái Lai)…Đó là những người con anh dũng của quê hương Tiên Lãng mà nhân dân đời đời nhớ ơn.
Sau kháng chiến chống Pháp, nhân dân Tiên Lãng tiếp tục cùng với nhân dân cả nước hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa (1958 – 1960). Sau 10 năm quê hương giải phóng, bộ mặt quê hương Tiên Lãng đã có nhiều thay đổi, tạo được một cơ sở kinh tế – xã hội vững mạnh, chuyển sang thời kỳ cách mạng mới, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trước nguy cơ hoàn toàn thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, Mỹ liều lĩnh triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc nước ta. Trước tình hình đó, hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 (Khóa III) năm 1965, quyết định chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Nhân dân Tiên Lãng đã cùng nhân dân cả nước tích cực sản xuất, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa thực hiện nghĩa vụ chi viện cho miền Nam. Trong 10 năm 1965 – 1975, đồng đất còn nhiều chua mặn, thiên tai khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá, đời sống của mỗi gia đình còn thiếu thốn nhưng bộ mặt làng quê, nếp sống, ăn mặc, học hành…đã có những đổi thay lớn. Năng suất lao động, nhất là năng suất lúa, tính đến năm 1975 chưa vượt qua cửa ải 5 tấn/ha nhưng đã là kết quả của những cố gắng rất lớn của Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, Đảng bộ và quân dân huyện Tiên Lãng vẫn trụ vững “nơi đầu sóng ngọn gió”, “chắc tay cày, vững tay súng”, “tay búa tay súng”, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi và chi viện lớn cho tiền tuyến, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Quân dân Tiên Lãng, nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, độc lập, bắn rơi 5 máy bay, phối hợp với đơn vị bạn bắn rơi 9 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến Mỹ, rà phá 116 quả bom nổ chậm và bắt sống 2 giặc lái Mỹ. Toàn huyện có 13.910 thanh niên tòng quân, 1.430 người đi thanh niên xung phong và dân công quốc phòng. Lực lượng vũ trang xã Vinh Quang được Chính phủ tuyên dương danh hiệu anh hùng. Đảng bộ Tiên Lãng qua đấu tranh đã xây dựng được đội ngũ vững mạnh đủ sức chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ một vùng quê nghèo nàn, lạc hậu, Tiên Lãng đã vươn lên thành một huyện khá về mọi mặt và góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc – đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trong thời kỳ đổi mới hôm nay, một lần nữa mọi người lại thêm xúc động khi nhắc đến Anh hùng, liệt sỹ Bùi Thu Nội (Xa Viễn, Tiên Minh, Tiên Lãng), người đã hy sinh quên mình để cứu bốn em nhỏ khỏi dòng nước lũ. Tấm gương dũng cảm của Bùi Thu Nội đã trở thành biểu tượng sáng ngời về lòng nhân ái, đức hy sinh, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Truyền thống khoa bảng: Làm rạng rỡ cho quê hương là những danh nhân thời nào cũng có. Nơi đây xuất hiện nhiều tướng tài, phò vua giúp nước. Nhưng bên cạnh các danh tướng cũng xuất hiện nhiều vị tài cao, học rộng, có người sau khi đỗ đạt làm quan tới chức Thượng thư hoặc Giám sát ngự sử trong triều đình. Qua các khoa thi dưới các triều đại phong kiến, Tiên Lãng có 12 người đỗ đại khoa. Đầu tiên có thể kể tới bà Nhữ Thị Thục, con của Thượng thư Nhữ Văn Lan (Người An Tử Hạ, Kiến Thiết), là thân mẫu danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy phận gái nhưng bà thông minh, hiểu biết hơn người. Bà có công lớn trong việc dạy dỗ và nuôi dưỡng con mình trở thành nhân tài đất nước. Ngoài ra có các đại khoa: Phạm Bá, Trần Bân, Nguyễn Cảnh Diễn, Vũ Tường, Phạm Đốc Phỉ (Toàn Thắng), Nguyễn Khắc Cần, Tô Chí Cốc, Phạm Minh Du, Hoàng Vụ Bản, Đoàn Kim Sơn, Hoàng Đĩnh. Những trí thức xưa có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa cho đất nước.
Truyền thống văn hóa: Truyền thống sản xuất của cải vật chất gắn liền với truyền thống sáng tạo văn hóa tinh thần. Cùng với thiên nhiên tươi đẹp, Tiên Lãng có nhiều đình chùa, đền miếu, nhà thờ họ…là những giá trị nghệ thuật tiêu biểu và cũng là những di tích ghi nhận những sự kiện lịch sử huy hoàng ở địa phương. Hầu như làng nào cũng có đình, miếu thờ người có công đức với quê hương, đất nước được tôn làm thành hoàng. Đình làng còn là nơi hội họp, bàn việc làng, việc nước, tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm. Đình Cựu Đôi, một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ kính còn đến ngày nay. Đình thờ các vị Đào Quang, Hoàng Công Đường, Trần Công Cát và Nguyễn Công Châu là tướng của Hai Bà Trưng. Kiến trúc của đình rất tinh xảo, nhiều họa tiết về tứ linh, các loài chim muông, cua, cá…đang bay nhảy, bơi lội cùng hoa, lá, cỏ, cây…rất sinh động. Với ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật cao, năm 1991, đình Cựu Đôi được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Đình Lộ Đông (Tiên Thắng) thờ bà Tạ Huy Thâu, người đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 – 43), đình làng Ngô (Sơn Đông) thờ Đô thống thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu, người có công lớn dưới triều vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông (1010 – 1054), miếu vua Bà thờ Thái hậu Linh Nhâm (tức Nguyên phi Ỷ Lan) thời vua Lý Thánh Tông.
Ở Tiên Lãng còn nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác xưa như đấu vật, bơi thuyền, chơi đu, hát chèo, lễ hội ngày xuân…Hội chèo mở ra, người ta thức thâu đêm nghe hát, ngậm ngùi, cảm thông với những số phận éo le, cay đắng như chính cuộc đời họ từng nếm trải. Hội vật có từ lâu đời, thể hiện nét phóng khoáng, tinh thần thượng võ của cư dân vùng ven biển không chỉ nổi danh hàng tổng, hàng huyện mà còn nổi danh hàng tỉnh và trong nước. Qua hội vật còn tuyển lựa nhiều người tài giỏi cho đất nước. Đô vật Phạm Văn Tý nhiều lần đạt huy chương vàng giải quốc gia và được dự Thế vận hội Ôlimpíc Quốc tế Mátxcơva năm 1980.
Hội bơi thuyền hàng năm là sinh hoạt văn hóa dân gian đặc trưng của dân cư vùng này. Nhưng nét độc đáo của Tiên Lãng là gắn lễ đảo vũ thi bơi thuyền (lễ cầu mưa). Khi gặp trời hạn hán lâu ngày, Tiên Lãng mở hội rước kiệu, rước long đình 5 vị thần, còn gọi là rước “Ngũ linh từ” về đền Bì, tổ chức lễ cầu mưa. Đó là các vị ở đền Đề Xuyên, đền Hà (Tiên Thanh), đền Gắm và hai vị ở đền Bì Anh, đền Bì Em. Cùng với tế lễ cầu mưa, hội thi bơi thuyền đã được tổ chức tại đầm Bì. Lễ hội chỉ kết thúc khi trời đã đổ mưa, vì vậy dân gian có câu:
“Lụt lạt thì tháo cống đôi
Nhược bằng hạn hán thì bơi đầm Bì”.
Lễ hội hạ điền trước đây được tổ chức ở hầu hết các làng. Vào vụ cấy trồng hàng năm dân làng mở hội, diễn trò về nghề nông như cày, cấy, cuốc đất. Sau đó, làng mở cửa đền, đình cúng bái, cầu trời đất mưa thuận gió hòa, cả năm may mắn. Ở Tiên Lãng còn có lễ hội đóng đám, hội trống, trò nhảy phỗng, ném pháo đất. Hội trống Đề Xuyên (Đại Thắng) nổi tiếng một thời, nhiều xã mở hội thường mời về giúp vui. Các trò chơi nhảy phỗng ở Đoàn Lập, Cấp Tiến lạ mắt, lý thú, thu hút dân nhiều nơi về xem. Người diễn trò là những thanh niên khỏe mạnh, cường tráng và khéo léo.
Di tích lịch sử: Thời xưa dân hàng tổng nhớ đến Đoàn Lập, Toàn Thắng với những ngôi đền nổi tiếng “Thứ nhất đền Bì, thứ nhì đến Gắm”. Đền Bì ở Đoàn Lập là một kiến trúc nghệ thuật độc đáo bằng đá, hiện nay vẫn giữ vẻ đẹp thuở ban đầu. Đền Gắm (xã Toàn Thắng) thờ Ngô Lý Tín (cuối triều Lý, khoảng năm 1183). Tương truyền, khi Ngô Lý Tín mất, nhân dân Cẩm Khê thương tiếc, làm lễ an táng ông tại ngôi trường ông dạy học khi xưa. Vua Lý cảm thương, ban tặng 300 quan tiền để nhân dân xây dựng đền thờ, ban sắc phong chuẩn dân được phép thờ phụng. Đền thờ Ngô Lý Tín được xếp vào hàng Quốc lễ. Hàng năm tới ngày giỗ, triều đình cử người về địa phương tổ chức tế lễ. Đền Gắm được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử. Đình Đốc Hậu (Toàn Thắng) thờ 5 anh em họ Đặng cũng được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử.
Tiểu kết chương 1
Những điều kiện thuận lợi và yếu tố con người năng động đã tạo tiền đề để cho mảnh đất Tiên Lãng trở thành một địa phương có kinh tế, lịch sử văn hóa phát triển khá toàn diện. Sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thủ công nghiệp bên cạnh nền kinh tế nông nghiệp truyền thống đã tạo ra nét riêng biệt trong đặc trưng về con người nơi đây. Con người là chủ nhân của các nền văn hóa địa phương và dân tộc. Vì vậy, nhờ đặc trưng ấy mà những nét văn hóa trong lối sống, sinh hoạt dòng họ có những cái hay, cái đẹp mà không phải địa phương nào cũng có.
Người Tiên Lãng không chỉ anh dũng vật lộn với thiên nhiên, chiến đấu chống giặc ngoại xâm mà còn biết làm thơ ca ngợi cuộc sống, xác lập nên truyền thống văn hóa vật chất và tinh thần suốt hàng nghìn năm qua. Đình chùa, đền miếu – đó là những công trình nghệ thuật của dân gian trên các lĩnh vực kiến trúc và điêu khắc. Những bàn tay của người thợ thủ công Tiên Lãng đã tạo nên những sản phẩm điêu khắc nổi tiếng, mang rõ bản sắc và ước vọng của cư dân miền biển.
Ngày nay, sự nghiệp văn hóa, giáo dục ở Tiên Lãng có những bước tiến lớn lao, đã góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng con người mới, nền văn hóa mới của Thành phố.
Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, từ những con người đầu tiên xuất hiện trên mảnh đất này đến nay – người Tiên Lãng không ngừng đấu tranh chống thiên nhiên, giặc dữ để xây dựng cuộc sống. Trên vùng đất đậm chua mặn, đầy sóng gió, bão tố, không được thiên nhiên ưu đãi, chỉ có đấu tranh với nghị lực phi thường và thông minh thì mới có thể tồn tại. Người Tiên Lãng cần cù, chất phác, trọng nghĩa, kiên nghị. Hiện nay những tinh hoa tốt đẹp của lịch sử và truyền thống đang được cán bộ và nhân dân Tiên Lãng khơi dậy, cùng đi vào sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.