- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21687
- Tổng truy cập: 3,371,421
GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC TỪ NĂM 1527 ĐẾN 1592 (Tiếp theo)
- 459 lượt xem
Tô Ngọc Hằng
GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC
TỪ NĂM 1527 ĐẾN 1592
Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử
Chuyên ngành Lịch sử Việt Nam
(TIẾP THEO)
2.2. Nội dung giáo dục và thi cử
Giáo dục và thi cử thời Mạc gồm những nội dung gì? Ngày nay chúng ta rất thiếu những tư liệu cụ thể để tìm hiểu, thẩm định, đánh giá vấn đề này. Nhưng may mắn là, Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được ba bài Văn sách Đình đối của ba khoa thi Đình thời Mạc. Đó là:
Bài Văn sách của Dương Phúc Tư, đỗ Trạng nguyên khoa Đinh Mùi (1547), niên hiệu Vĩnh Định 1 đời Mạc Phúc Nguyên; chép trong sách Lạc Đạo xã lịch triều đăng khoa khảo, ký hiệu VHv.2339.
Bài Văn sách của Đỗ Cung, đỗ Thám hoa khoa Canh Thìn (1580), niên hiệu Diên Thành 3 đời Mạc Mậu Hợp; chép trong tập Lịch triều Đình đối văn, ký hiệu VHv.335/3.
Bài Văn sách của Nguyễn Tuấn Ngạn, đỗ Thám hoa khoa Quý Mùi (1583), niên hiệu Diên Thành 6 đời Mạc Mậu Hợp; ghi trong sách Lịch triều Đình đối văn, ký hiệu VHv.335/3.
Mặc dù số lượng ba bài Văn sách còn lại so với số khoa thi nhà Mạc đã tổ chức thì rõ ràng chỉ là một phần hết sức nhỏ bé. Song, thông qua việc nghiên cứu những bài Văn sách nói trên chúng tôi thấy nhà Mạc vẫn lấy nội dung trong các sách Kinh điển Nho giáo làm chương trình thi.
Hơn nữa Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút, thông qua việc nhận định về Văn sách đình đối, loại văn mà theo ông “không phải người học quán xuyến cổ kim thì không thể hạ bút viết được. Vậy nên chọn được nhiều người tài giỏi”; từ đó Ông khẳng định “Từ đời Diên Thành (niên hiệu của Mạc Mậu Hợp (1578 – 1585) TG chú thích) trở lên, nề nếp ấy vẫn còn” [38, tr.169].
Như vậy, qua nội dung ba bài Văn sách Đình đối còn lưu lại và qua nhận xét của Phạm Đình Hổ chúng ta thấy: Trong nội dung giáo dục thi cử, nhà Mạc vẫn dựa trên nền tảng Nho giáo mà nhà Lê Sơ đã dày công vun đắp. Hay nói cách khác, nội dung giáo dục, khoa cử thời Mạc không ngoài những nội dung nằm trong các sách Kinh điển Nho giáo đã thành điển lệ từ thời Lê Sơ.
2.2.1. Nội dung giáo dục
Thời Lê Sơ, Lê Lợi và các vua kế vị đã lấy Nho giáo làm cơ sở cho hệ tư tưởng chính thống của Nhà nước: Nho giáo trở thành Quốc giáo. Thời Mạc Nho giáo không còn giữ địa vị độc tôn, nhưng vẫn là hệ tư tưởng chủ đạo của Nhà nước quân chủ. Đào tạo quan chức phục vụ cho bộ máy Nhà nước, thông thạo việc cai trị dân chúng chính là đào tạo họ thông thạo tinh thần và tư tưởng Nho giáo. Do vậy, các sách dùng trong trường lớp thời kỳ này trước hết và chủ yếu là sách của Trung Hoa.
Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn chép rằng: “Khoảng niên hiệu Hồng Đức, hàng năm ban phát sách công cho các phủ như Tứ thư, Ngũ kinh, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn tuyển và Cương mục, học quan do đấy để giảng dạy, khoa cử do đấy để lấy nhân tài” [25, tr.95 – 96]. Tứ thư, Ngũ kinh chính là những sách Kinh điển của Nho gia. Sách Ngọc đường văn phạm chưa khảo cứu được tác giả. Sách Văn hiến thông khảo gồm 348 quyển, do Mã Đoan Lâm nhà Nguyên biên soạn. Sách Văn tuyển còn gọi là Chiêu minh văn tuyển, gồm 602 quyển do Tiêu Thống, Chiêu minh Thái tử nhà Lương biên soạn. Sách Cương mục tức Thông giám cương mục, gồm 592 quyển do Chu Hy nhà Tống biên soạn. Dưới đây là một số sách chủ yếu bắt buộc học trò phải học nếu muốn thi cử đỗ đạt.
Hiếu Kinh do Tăng Tử soạn. Tăng Tử tên là Sâm, tự là Tử Dư, học trò của Khổng Tử. Sách Hiếu Kinh chép lời dạy của Khổng Tử với các môn sinh, nhất là dạy về đạo hiếu đối với cha mẹ.
Minh tâm bảo giám có nghĩa là tấm gương báu soi sáng cõi lòng. Sách sưu tập những câu cách ngôn của các bậc Thánh hiền chép trong Kinh truyện và các sách để dạy con người sửa tâm rèn tính. Sách chia làm 20 thiên, mỗi thiên gồm nhiều chủ đề có quan hệ mật thiết với nhau.
Minh Đạo gia huấn có nghĩa là sách dạy trong nhà của Minh Đạo. Minh Đạo là Trình Hiệu, học trò của Chu Đôn Di, đỗ Tiến sĩ làm quan đời Tống. Sách gồm 500 câu thơ, khuyên răn về luân thường đạo lý và chỉ bảo cách tu thân xử thế.
Tam Tự Kinh có nghĩa là sách ba chữ. Đây là sách dạy chữ, gồm 358 câu, mỗi câu ba chữ có vần.
Trên đây là những sách dạy học trò lúc bắt đầu đi học. Nội dung những sách sơ học đó chủ yếu định hướng cho người học về Hiếu đễ, trọng nghĩa; noi theo gương tốt để học hành và tu rèn tính cách, đạo đức. Khi đã đạt đến một trình độ nhất định, học trò sẽ học Kinh điển của Nho gia, tức những Kinh truyện. Những sách này giúp học trò thấu rõ nghĩa lý của đạo Nho để trở thành những người hiểu biết, thi đỗ làm quan đem tài giúp vua, trị nước. Đây là những sách học cơ bản của nền giáo dục thời Mạc.
Kinh truyện tức là Tứ Thư và Ngũ Kinh. Dưới đây là đại cương về các sách Kinh điển của nhà Nho.
Tứ Thư gồm bốn cuốn sách Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học và Trung Dung do học trò của Khổng Tử soạn.
Luận Ngữ là bộ sách kinh điển quan trọng của Nho giáo, được soạn vào thời Chiến Quốc (481 – 221 TCN). Sách do học trò của Khổng Tử biên chép những lời giảng của thầy về các vấn đề chính trị, luân lý, tu dưỡng đạo đức… trong đó bao trùm lên tất cả những quan điểm ấy là chữ Nhân mà theo Khổng Tử gốc của Nhân là hiếu và đễ. Bộ Luận Ngữ lưu hành về sau do Chu Tử chương cú tập chú, gồm 10 quyển 20 chương.
Mạnh Tử là sách do Mạnh Tử và học trò biên soạn. Ông là người kế thừa xuất sắc tư tưởng của Khổng Tử, phát triển quan niệm Nhân thành học thuyết Nhân chính. Mạnh Tử hiện còn 7 thiên, mỗi thiên gồm hai phần (thượng, hạ). Những luận điểm quan trọng trong sách này là Vương đạo, Nhân chính và tính Thiện. Tư tưởng tiến bộ nhất của Mạnh Tử là đề cao vai trò của người dân “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là quý, xã tắc là thứ, vua thì xem nhẹ). Đến đời Tống, Mạnh Tử chính thức được coi là sách giáo khoa.
Đại Học là sách của Tăng Tử diễn giải những lời Khổng Tử truyền lại. Sách cốt dạy đạo làm người quân tử, nghĩa là phải “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”; mà muốn vậy thì phải “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm”. Nói cách khác, Đại Học là cái học của bậc đại nhân.
Trung Dung do Tử Tư soạn, là sách nói về chủ nghĩa chiết trung của Thánh hiền và thuật lại ý chí của Khổng Tử. Sách dạy những tiêu chuẩn làm người quân tử, bàn về trung dung, trung hòa, chí thành. Tóm lại, Trung Dung bàn về tu dưỡng đạo đức mà gốc ở chữ Thành.
Ngũ Kinh gồm năm bộ là Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu.
Kinh Thi là tuyển tập thơ ca sưu tầm từ đầu đời Chu đến giữa đời Xuân Thu, do Khổng Tử sắp xếp và chỉnh lý. Toàn tập gồm 305 bài, chia làm ba phần: Phong, Nhã và Tụng. Đọc Kinh Thi chúng ta biết được tính tình, phong tục và chính trị của người Trung Hoa cổ đại qua những dòng thơ điêu luyện, cô đọng, giàu hình tượng, trong sáng và giản dị.
Kinh Thư tập hợp những văn kiện lịch sử gồm cáo (chính lệnh), thệ (quân lệnh), mệnh (chỉ thị), huấn (báo cáo với cấp trên), mô (lời bàn mưu) của vua tôi các đời từ Nghiêu Thuấn đến Thương, Chu.
Kinh Dịch là sách triết học trọng yếu của Nho giáo, được hoàn thành ở đời Chu nên còn gọi là Chu Dịch; giải thích sự biến hóa của tự nhiên và xã hội theo luật Âm Dương. Với Kinh Dịch, Nho giáo cũng có cái nhìn biện chứng về tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, sau đó nó được phát triển thành môn Dịch học, khá phức tạp.
Kinh Lễ ghi chép các nghi lễ trong gia đình, hương đảng và triều đình thời Xuân Thu – Chiến Quốc.
Kinh Xuân Thu là bộ sử do Khổng Tử viết, chép lịch sử nước Lỗ từ đời Lỗ Ân Công đến đời Lỗ Ai Công (722 – 481 TCN); thể hiện rõ tư tưởng của ông về thuyết Chính danh định phận, đề cao Thiên tử nhà Chu, khen chê các việc làm đúng sai với bút lực ngắn gọn súc tích. Xuân Thu được liệt vào Ngũ Kinh không chỉ vì là bộ biên niên sử đầu tiên, mà còn vì được chép thiên về bình đoán (bình luận và phán xét).
Ngoài Kinh truyện, chương trình học để thi phải kể đến những sử sách và thơ văn gọi chung là Ngoại thư. Đó là bộ Cổ văn gồm văn phẩm của các văn nhân thi sĩ Trung Hoa từ Tiên Tần, Chư Tử đến đời Tống. Bên cạnh đó còn bộ Đường thi và mấy cuốn Thi vận đời Đường.
2.2.2. Nội dung thi cử
Thời Mạc, chương trình thi do Nhà nước quản lý và quy định. Toàn bộ hoạt động thi cử Nhà nước giao cho bộ Lễ đảm nhiệm. Nói đến chương trình thi là nói đến các đề thi. Đề thi thường do các bậc Đại khoa ra, có khi chính nhà vua ra. Kế thừa thời Lê Sơ, nội dung thi Hương cũng như thi Hội thời Mạc vẫn lấy tư tưởng Nho giáo làm nòng cốt với các thể Văn trường thi: Kinh nghĩa; Chiếu, Chế, Biểu; Thơ, Phú và Văn sách.
Kinh nghĩa: Kinh có nghĩa là sách, là lời dạy của Thánh hiền. Tứ Thư và Ngũ Kinh đều gọi chung là Kinh. Kinh nghĩa là giải thích những chỗ uẩn súc của các câu chữ trong Kinh truyện mà quan trường chọn làm đầu đề, nhằm kiểm tra khả năng thông thạo kinh điển Nho gia của học trò. Kinh Nghĩa thường được chọn làm kỳ thi đầu tiên trong một khoa thi.
Trong thi cử Kinh nghĩa là một bài văn xuôi, thông dụng nhất là lối bát cổ. Khi làm bài thí sinh phải nhằm vào câu chữ trong đề, nương theo chú giải của các tiên Nho mà giải thích sâu rộng hơn. Đồng thời cần xác định rõ tác giả câu kinh điển ấy là ai, từ đó đóng vai người ấy mà giảng giải. Nếu dùng điển cố, cần lưu ý những chữ từ đời đó trở về trước để dùng cho đúng.
Chiếu, Chế, Biểu cũng là những môn thi bắt buộc đối với thí sinh. Chiếu là lời vua ban bố, hiệu lệnh cho nhân dân trong nước biết; Chế là lời vua phong thưởng cho công thần, danh sĩ; Biểu là bài văn của bề tôi dâng lên vua để bày tỏ một điều gì. Hạ biểu là để chúc mừng, Tạ biểu là để tạ ơn.
Cả ba bài thi trên đều là văn xuôi được làm theo lối cổ thể. Từ đời Đường trở đi làm theo lối tứ lục gọi là cận thể. Khi làm bài, thí sinh phải theo địa vị người nói mà viết cho đúng giọng. Chẳng hạn, khi làm bài chiếu thì phải có giọng nghiêm trang, đĩnh đạc; làm bài biểu thì văn phải cung kính, thù phụng. Đề thi thường có tính lịch sử, nên thí sinh phải căn cứ vào đó mà viết sao cho sinh động, phù hợp với biến chuyển lịch sử và nhu cầu xã hội.
Chiếu, Chế, Biểu là những thể loại công văn hành chính, nên thí sinh phải thành thạo để sử dụng sau khi đỗ đạt ra làm quan.
Thơ, Phú: Từ đời Đường, người Trung Quốc đưa môn Thơ (Thi) vào chương trình thi và đặt ra những quy lệ khắt khe để thí sinh phải gạn lọc từ, ý câu thơ. Đó là một thành quả bất ngờ của chế độ giáo dục, khoa cử Nho học. Thơ có hai lối: Cổ thể và Đường luật, nhưng Đường luật được dùng nhiều nhất trong các khoa thi. Ở Việt Nam, thi Hương thường hỏi về thất ngôn; thi Hội thường hỏi về ngũ ngôn.
Phú thoát thai từ Sở từ, rất thịnh từ đời Hán. Phú nghĩa đen là phô diễn, theo Tuân Tử thì: “Phú vốn là phép hành văn nói thẳng điều gì muốn nói, sau dùng để tả cảnh vật, tâm sự một cách du dương, diễm lệ, đôi khi có đối, có vần” [75, tr.261]. Phú cũng có hai loại: Cổ thể và Đường luật, trong đó phú Đường luật thông dụng hơn. Theo Lê Quý Đôn “đời Hồng Đức hay dùng thể Lý Bạch song quan đối nhau, bốn vần bằng xen kẽ bốn vần trắc” [75, tr.261].
Khi làm bài thí sinh phải tuân thủ nghiêm chỉnh những quy tắc về bố cục và niêm luật. Đề thi thường lấy trong kinh sử, thí sinh phải diễn tả sao cho quan trường thấy rõ ý tưởng cao viễn cùng cái học uyên thâm của mình; đồng thời phải tinh ý tán tụng nhà vua và chế độ đương thời. Nếu bài thi không chú ý đến điều đó điểm thi sẽ thấp, thậm chí sẽ bị đánh trượt dù văn hay.
Văn sách là môn thi quan trọng nhất của mỗi khoa. Sách có nghĩa là sách lược, mưu kế, hoạch định. Văn sách là một bài văn bày tỏ những hiểu biết, ý kiến riêng của bản thân về các vấn đề đầu bài đặt ra.
Đề mục Văn sách do đích thân vua ra và phân hạng cao thấp nhằm chọn những người thực tài. Nội dung thường hỏi về đạo trị nước, quốc phòng, cách tu thân, sử dụng nhân tài… Đề mục gồm hai phần: Cổ văn, hỏi các điển tích trong kinh sử và Kim văn, hỏi tình thế đương thời so với đời xưa. Theo đề mục, Văn sách được chia làm hai loại: Văn sách đạo và Văn sách mục.
Đề thi Văn sách thời Mạc thuộc loại Văn sách mục. Chẳng hạn đề thi Văn sách khoa Đinh Mùi (1547), đời Mạc Phúc Nguyên “hỏi về các điều cốt yếu trong đạo trị nước của bậc đế vương” [95, tr.434] có tới 14 câu: “Bậc đế vương cai trị thiên hạ tất phải lấy nhân nghĩa, giao xã, đồn điền, thủy lợi, lục nghệ, đồ thư, học hiệu, văn chương làm điều cốt yếu trong việc cai trị. Thế nào gọi là động, thế nào gọi là tĩnh? Động tĩnh có đúng là tương thông với nhau không? Thế nào gọi là hợp, thế nào gọi là phân? Phân hợp cái nào thì thích hợp? Có phương pháp hoàn thiện việc phòng thủ, giảm bớt sự vất vả của việc vận chuyển, làm cho đất nước đủ cái chi dùng, thực hiện phương pháp này có khó không? Trong thì kinh đô, ngoài thì các quận, xa nữa là nơi biên cương, ai là người có thể khai thác nguồn lợi những nơi đó? Cái nghĩa cơ bản của ngũ lễ, lục nhạc, ngũ xạ, ngũ ngự, lục thư, cửu số có thể trình bày rõ được không? Mối liên quan, sự vững bền và biến hóa của bát quái, cửu trù, sinh số, thành số, cơ số, ngẫu số có thể trình bày đầy đủ được không? Phương pháp học của tiểu học, đại học, thượng tường, hạ tường, đông tự, tây tự, tả học, hữu học, đều không giống nhau. Có thể chỉ ra thực chất việc thiết lập chúng và ý nghĩa của từng loại đó được không? Các thể thiên văn, địa văn, sách sớ, từ phú, văn thơ, chế cáo không giống nhau. Có thể chỉ ra người tiêu biểu đứng trong giới văn chương sách vở được không? Những thể văn trên đúng là có cái thể cái dụng, cái trước cái sau chăng? Trẫm nối nghiệp tiên tổ, ngay từ buổi ban đầu đã thi hành nền chính sự nhân nghĩa…. Thế mà hiện nay phải chăng cái học chưa được đúng đắn, hành động chưa được hợp với đạo? Có phải vì cái đạo ở đời có khi lên, khi xuống mà dẫn đến như vậy chăng? Là bậc đại phu sinh ra trong thời này… làm thế nào để ở bên trên thì đạo được thịnh vượng, ở bên dưới thì phong tục được tốt đẹp, khiến cho trẫm có được một nền chính sự trong sáng, có phúc lành như bậc đế vương Hy, Dao xưa? Hãy trả lời tất cả những điều trên dâng lên để Trẫm đích thân đọc xét.” [95, tr.433].
Phép làm bài Văn sách có hai thể: Đối sách và Xạ sách, trong đó thể Đối sách đòi hỏi thí sinh phải vận dụng vốn kiến thức của mình mà đối đáp. Thể văn này hướng vào thực học, do đó chọn được những người thực tài.
Thời Mạc Văn sách thuộc thể Đối sách. Trong bài Văn sách của mình, sau khi chép lại đề mục vào quyển thi, Dương Phúc Tư đã lần lượt trả lời 14 câu hỏi. Nhìn chung cách làm bài của ông không quá gò bó, câu không có vần và được viết như văn xuôi. Cốt lõi nhất là Dương Phúc Tư đã thể hiện được học thức uyên thâm cũng như tài biện luận, dẫn giải một cách thông suốt khúc chiết. Bài Đối sách xuất sắc về đạo trị nước đã đưa Dương Phúc Tư lên đỉnh cao nhất mà mọi học trò đều mơ ước: Trạng nguyên. Với kiến thức sâu rộng được viết bởi một văn phong sắc sảo, Ông xứng đáng là bậc kỳ bút không chỉ tiêu biểu cho nền giáo dục khoa cử thời Mạc mà còn cho cả nền giáo dục khoa cử Nho học nước ta đúng như lời ngự phê của vua Mạc Phúc nguyên: “Trả lời mọi câu hỏi đều thiết thực, thực là một cây bút lớn. Đúng là khi bậc chân Nho ra đời thì Đạo sẽ hanh thông từ trên xuống dưới” [95, tr.432].
Văn tự sử dụng trong giáo dục thi cử thời Mạc vẫn là Hán văn. Song Đàm Văn Chí cho biết vào kỳ thi Hội khoa Ất Sửu (1565), Mạc Mậu Hợp đã lấy Nguyễn Hiển Tích đỗ Tiến sĩ bằng một bài Phú Nôm ở kỳ đệ tứ với lời ngự phê “Lưu Hầu bất thủ, cánh thủ hà nhân?” (Lưu Hầu chẳng lấy thì còn lấy ai?) [6, tr.67] và theo ông đó là một ngoại lệ “độc đáo nhất trong lịch sử khoa cử” [6, tr.63]; còn nhà nghiên cứu Trần Lê Sáng thì đánh giá đó “là sự kiện duy nhất xảy ra trong lịch sử thi cử thời xưa ở nước ta” [76, tr.30]. Đáng tiếc là hiện nay chúng tôi chưa có thêm tư liệu để chứng minh triều Mạc có đưa chữ Nôm vào chương trình giáo dục, và đề thi Nôm có phải là một trong những đề thi bắt buộc ở khoa thi Hương hoặc thi Hội hay không? Nhưng việc bài Phú Lưu Hầu viết bằng văn Nôm của Nguyễn Hiển Tích được lấy đỗ là biểu hiện chứng tỏ nhà Mạc không chỉ coi trọng chữ Nôm, mà còn “mở ra một xác nhận đúng mức: Chính sự triều Mạc ở phần đất suy tàn, nhưng không do ảnh hưởng của học thuật, và tất nhiên không đồng chiều với nó. Từ đây, bài “Phú Lưu Hầu” đã làm Ông (Hiển Tích) đỗ mang một ý nghĩa mới, sáng tỏ” [6, tr.63]; và vì thế “đây chính là một biểu hiện tiến bộ hơn so với nền giáo dục khoa cử của các vương triều trước kể cả thời Lê Sơ” [82, tr.30].
Như vậy về nội dung giáo dục và thi cử, thời Mạc đã kế thừa và tiếp tục củng cố nền giáo dục mang nội dung Nho giáo từ thời Lê Sơ, một nền giáo dục hướng vào thực học. Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ dù phê phán Nho sĩ sau Lê Sơ đua chen theo lối phù phiếm nhưng theo ông: “Khoảng đời Minh Đức, Đại Chính (niên hiệu của Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh – TG chú thích),… thói học còn chưa đến nỗi hủ lậu, nên học vấn, văn chương, chính sự, công nghiệp cũng không kém cổ nhân mấy” [38, tr.156]. Có thể nói, giáo dục nhà Mạc đã tiếp nối được cái học phong của thời Lê Sơ.
2.3. Các hình thức thi
Toàn bộ việc học hành, dạy dỗ của học trò và thầy giáo đều phục vụ cho thi cử. Thi cử là khâu cuối cùng của việc đào tạo và cũng là khâu đầu tiên để tuyển chọn quan chức cho bộ máy nhà nước. Tuỳ theo mục đích, yêu cầu tuyển chọn quan chức Nhà nước quyết định mở các kỳ thi. Dựa trên nguồn tư liệu hiện có và qua khảo sát của chúng tôi, cho đến nay nhà Mạc đã tổ chức 2 hình thức thi sau: Khoa thi Tiến sĩ và khoa thi Đông các.
2.3.1. Khoa thi Đông các
Đông các là khoa thi bất thường, được mở từ thời Hồng Đức, nhằm tuyển chọn những viên quan có tài văn chương để hiệu chỉnh các văn bản của triều đình đảm bảo thật chính xác trước khi ban hành như tác giả Lịch triều hiến chương loại chí chép “phàm các bài chế, biểu, thơ ca, văn thư, đều phụng mệnh sửa chữa; cùng là sự bầu cử ở triều đường chưa được hợp, đều được làm tờ trình lên” [54, tr.171].
Đối tượng dự thi khoa Đông các phải là Tiến sĩ, thi ở cung Vạn Thọ. Nội dung đề thi do “vua ra đầu bài hoặc thơ ngũ ngôn Đường luật, hoặc bài luận phê phán, hoặc phú, tụng, châm, minh, ký, bạt, không có thể thức nhất định” [25, tr.100].
Trong hệ thống quan chức ban hành năm 1471, Hàn Lâm Viện và Đông Các là hai cơ quan có trình độ học vấn cao nhất của nhà vua: Một đằng cố vấn trong việc đưa ra những văn bản vừa có tính khoa học cao, vừa đảm bảo đúng đường lối chủ trương; một đằng cố vấn về mặt sửa chữa cho nội dung văn bản khoa học hơn, đúng chủ trương và có tính khả thi hơn. Trong các khoa thi Tiến sĩ, những người giỏi hơn cả thường làm việc ở Viện Hàn Lâm. Vì thế, cũng phải chọn những người có tài năng xuất sắc vào Đông Các để cơ quan này đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của nó. Chính vì có một tầm quan trọng như thế và vì người thi đều đã kinh qua kỳ thi Tiến sĩ, nên khoa Đông các thường được tổ chức chặt chẽ và những người đỗ được hưởng ân điển rất cao, nhiều khi còn hơn khoa Tiến sĩ. Nếu xét về mặt ban cấp mũ, áo, đai bạc và thưởng bạc thì đãi ngộ như với Tam khôi: “Mỗi viên một mũ phác đầu (đều giống nhau). Về đai bịt bạc và cành hoa bạc người trúng cách thứ nhất được như Trạng nguyên, người thứ hai như Bảng nhãn, người thứ ba như Thám hoa. Màu áo chầu thì người thứ nhất dùng đoạn màu quan lục, người thứ hai và thứ ba đều dùng đoạn màu huyền. Các thứ ấy ban cho ở ngoài cửa Đoan Môn” [54, tr.172]. Nếu xét về mặt phong tước thì người đỗ đầu được bổ làm Đông các Đại học sĩ, hàm Tòng tứ phẩm ngang Tế tửu Quốc Tử Giám. Người đỗ thứ hai được bổ làm Đông các học sĩ, hàm Tòng ngũ phẩm, ngang với Quốc Tử Giám Tư nghiệp. Người đỗ thứ ba được bổ Đông các Hiệu thư, hàm Chánh lục phẩm, ngang với Lang Trung Lục bộ; trong khi đó Trạng nguyên chỉ được bổ quan chức đến Chánh lục phẩm.
Tóm lại, khoa thi Đông các thực sự là một Chế khoa văn học quy mô thể hiện từ mục tiêu chọn người đến thể loại văn dùng trong kỳ thi. Vì thế, thi và đỗ khoa Đông các là một vinh dự rất lớn, đáng tự hào cho những cây bút trong đám văn thần.
Thời Mạc đã tổ chức các khoa thi Đông các. Các nhà khoa bảng Việt Nam cho biết có khá nhiều Tiến sĩ triều Mạc từng trải qua các kỳ thi này. Thí dụ Phạm Công Sâm đỗ Bảng nhãn (1541) “sau lại thi đỗ khoa Đông các” [92, tr.395]; hoặc Đào Tông đỗ Hoàng giáp (1583) “Sau lại đỗ thứ hai khoa Đông các. Làm quan đến chức Đông các Hiệu thư” [92, tr.489]; đặc biệt cùng khoa với Đào Tông có Hoàng giáp Ngô Cung “ứng chế và thi khoa Đông các đều đứng thứ nhất” [92, tr.489]. Ngoài ra, trong Công Dư tiệp ký Vũ Phương Đề khi viết về Thượng Thư Nguyễn Lễ chép: “Năm 21 tuổi Ông đỗ Tiến sĩ…, lại đỗ khoa Đông các hạng ưu. Những bài thi của ông đã đăng trong tuyển tập” [21, tr.231].
Nhưng với nguồn tài liệu hiện có, chúng tôi chưa thể tái dựng một cách cơ bản về khoa thi Đông các với đầy đủ diện mạo của nó. Chỉ biết rằng, dưới thời Mạc có tổ chức khoa thi Đông các và đã có nhiều Tiến sĩ tài giỏi đỗ khoa thi này.
2.3.2. Khoa thi Tiến sĩ
Bên cạnh thi Đông các, một khoa thi hết sức quan trọng và chiếm vị trí chủ chốt trong khoa cử thời Mạc, đó là khoa thi Tiến sĩ. Phạm Đình Hổ cho biết: “Triều nhà Lý khai khoa, thi thì có khoa Tam giáo, khoa Thái học sinh, cũng có cả khoa Tiến sĩ… Từ năm Hồng Đức trở về sau, chỉ chuyên trọng khoa Tiến sĩ là khoa chủ yếu để chọn hiền tài. Nhà Mạc cũng làm theo thế” [38, tr.89]. Nhà sử học Phan Huy Chú còn nói rõ hơn về tổ chức khoa cử thời Mạc: “Năm Minh Đức thứ 3 [1529], mở khoa thi Hội. Đăng Doanh nối tiếm ngôi, năm Đại Chính thứ 3 [1532], lại mở khoa thi Hội. Thể lệ thi cử đều theo như nhà Lê. (Sau Đăng Doanh thì Phúc Nguyên, Phúc Hải, Mậu Hợp đều theo lệ cũ ấy mà thi)” [8, tr.16]
Nhà Lê Sơ trải các đời từ Thái Tổ qua Thái Tông, Nhân Tông đến Thánh Tông đã hoàn thiện các thể lệ thi cử trở thành chế độ của Nhà nước. Đến thời Mạc, khoa thi Tiến sĩ đã kế thừa các định chế thi cử thời Lê Sơ, với 2 cấp thi Hương và thi Hội (gồm cả thi Đình).
2.3.2.1. Thi Hương
Thi Hương là kỳ thi được tổ chức ở các đạo, lấy người đỗ Hương cống ra làm quan, cũng gọi là Trung khoa. Thời Mạc, cả nước chia làm 13 đạo Thừa tuyên và 1 phủ Phụng Thiên. Tuy nhiên từ khi nhà Lê trung hưng, vùng quản lý của nhà Mạc bị thu hẹp. Do đó, thi Hương chỉ được tổ chức ở những đạo thuộc phạm vi kiểm soát của nhà Mạc, chủ yếu từ đạo Sơn Nam trở ra, trong đó hạt nhân là Thăng Long và khu vực Tứ trấn.
Học trò dứt khoát phải trải qua lệ Bảo kết và một kỳ thi khảo hạch như một điều kiện bắt buộc nhằm bước đầu xét duyệt những người có đủ phẩm hạnh và trình độ kiến thức để được thi Hương.
Trước hết, học trò phải được các xã trưởng “Bảo kết” về tư cách đạo đức và phải nộp giấy “thông thân cước sắc” khai rõ lý lịch ba đời, không được giả mạo. Nếu “ai khai mạo họ để thi… sẽ bị khép vào tội làm mất tổ tôn (như họ Nguyễn mà khai họ Lê)” [17, tr.65]. Quy định này cho thấy thể lệ thi cử rất chặt chẽ, nó hạn chế được hiện tượng gian lận trong thi cử; cũng như giúp cho Nhà nước chọn được những người có phẩm hạnh. Riêng những nhà làm nghề hát xướng, người có tiếng xấu và người có đại tang đều không được đi thi. Như vậy để được thi Hương, học trò không những phải là con nhà lương thiện mà bản thân phải có tư cách đạo đức tốt.
Còn với Giám sinh Quốc Tử Giám, nhà Mạc có hẳn một điều luật riêng. Giám sinh là hạt giống Nhà nước ươm mầm để trong tương lai trở thành những người giúp việc trung thành, phục vụ đắc lực cho bộ máy quản lý xã hội. Họ được đào luyện dưới trường Quốc học có chất lượng cao, với những người thầy tài giỏi, đức hạnh, mô phạm; đồng thời được hưởng những ưu đãi đặc biệt của Nhà nước. Do đó, yêu cầu của Nhà nước đối với các Giám sinh về trình độ học vấn, nhất là tư cách đạo đức cũng cao hơn so với học trò ở địa phương, trường làng. Một khi họ làm những điều sai trái vi phạm quy định như phóng đãng, cờ bạc thì sẽ bị phạt rất nặng “ba khoa không được đi thi, không được bổ dụng” [67, tr.447]. Nếu không biết sửa chữa, mà còn tái phạm thì mức phạt sẽ càng nặng hơn, có thể bị tội đồ thậm chí bị lưu đày: “Nếu ai tái phạm thì tăng thêm một mức để trị tội. Đối với mức không cho dự thi thì tăng thêm một mức xử tội đồ ba năm, đối với mức không bổ dụng thì gia thêm một mức, lưu đày đi châu xa ba năm” [67, tr.447]. Nhờ định lệ này, học trò trường Giám luôn lo tu dưỡng đạo đức, chăm chỉ học hành; chất lượng trường Quốc học vì thế được nâng lên một bước.
Ngay cả những người đã đỗ Sinh đồ trong các kỳ thi Hương, luật nhà Mạc cũng quy định chặt chẽ: “Là Sinh đồ là đã đỗ đạt khoa trường phải giữ lễ nghĩa, biết liêm sỉ, không được càn rỡ làm điều sai trái không đúng luật pháp” [67, tr.447]; Và nếu vi phạm họ cũng sẽ “bị xử theo pháp luật” [67, tr.447], không có bất cứ một đặc ân nào.
Sau khi qua lệ Bảo kết, thí sinh phải qua một kỳ thi khảo hạch. Thi khảo hạch được tổ chức ở các phủ, huyện nhằm tuyển chọn những người có đủ kiến thức tối thiểu để thi Hương.
Thời Mạc chế độ khảo hạch được thực hiện bằng phép thi tứ trường ban hành từ đời Lê Tương Dực. Sau kỳ khảo hạch, các huyện quan lập danh sách trúng tuyển trình bộ Lễ và chỉ những người có tên trong danh sách đó mới đủ điều kiện thi Hương.
Tóm lại, học trò phải có lý lịch, tư cách đạo đức tốt; đồng thời phải thi đỗ khảo hạch mới đủ điều kiện thi Hương.
Tiến trình tổ chức và hệ thống quan chức trong thi Hương thời Mạc cơ bản giống thời Lê Sơ. Thời Mạc, các quan chức cấp cao ở Hàn Lâm Viện đã được cử làm khảo quan và chấm thi. Thí dụ năm 1558, Giáp Hải khi đó đã là Thượng thư 5 bộ kiêm Đông các Đại học sĩ, Thái bảo, được cử làm Đề điệu trường thi Hương đạo Sơn Nam. Lần ấy vì ra đề thi khó, thí sinh không làm được gây rối, Giáp Hải phải ra đề khác trường thi mới yên. Sau khi phát giác thí sinh khởi xướng, Giáp Hải đã quyết định xử chém thí sinh đó ở cổng trường thi. Sự kiện đó cho thấy, việc tổ chức thi cử từ khâu ra đề cho đến giám sát dưới thời Mạc rất nghiêm túc.
Phép thi Hương gồm 4 kỳ (tứ trường), thí sinh đỗ kỳ 1 mới được vào kỳ 2, cứ như thế vào kỳ 3, rồi kỳ 4. Đề thi từng kỳ đại thể như sau:
– Kỳ 1: Thi Kinh nghĩa
– Kỳ 2: Thi Thơ, Phú
– Kỳ 3: Thi Chiếu, Chế, Biểu
– Kỳ 4: Thi Văn sách
Những người đỗ 4 kỳ trong thi Hương được gọi chung là Hương cống. Những người đỗ không đủ 4 kỳ, được gọi bằng những tên khác nhau, như đỗ 3 kỳ gọi là Sinh đồ. Thí sinh đỗ thi Hương mới được vào thi Hội.
2.3.2.2. Thi Hội và thi Đình
Thi Hội và thi Đình là kỳ thi Quốc gia do triều đình tổ chức. Đây là kỳ thi sẽ mang lại vinh quang tột đỉnh cho một Nho sĩ, cũng là cuộc kiểm tra, đánh giá cao nhất đối với các tài năng của đất nước. Với ý nghĩa đó, kỳ thi này được gọi là Đại khoa. Kỳ thi này gồm 2 giai đoạn: Thi Hội và thi Đình. Thi Hội có 4 kỳ như thi Hương, nhưng yêu cầu về chất lượng cao hơn. Thí sinh đỗ thi Hội được vào thi Đình. Thi Đình diễn ra ở sân Điện, do vua ra đề và chấm để xếp loại những người đỗ trong kỳ thi Hội.
Đối tượng dự thi Hội gồm những thí sinh đã đỗ thi Hương. Các Giám sinh Quốc Tử Giám, Nho sinh Chiêu Văn Quán và Tú Lâm Cục cũng như con cháu trong Hoàng tộc nếu đủ trình độ đều được dự thi. Ngoài ra, quan lại đã qua sát hạch đều được ứng thí. Số lượng thí sinh dự thi Hội thời Mạc rất đông. Riêng năm 1529, khoa thi Hội đầu tiên, đã có hơn 4000 thí sinh.
Thời Mạc, thi Hội và thi Đình cứ 3 năm tổ chức một lần, xen kẽ với các năm thi Hương. Cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội, tức các năm Tý – Ngọ – Mão – Dậu thi Hương, còn các năm Thìn – Tuất – Sửu – Mùi thi Hội.
Trường thi thời Mạc tương tự thời Lê Sơ. Trường thi không có nhà làm sẵn, mỗi lần thi là một lần làm trường. Trường làm bằng tre, mái lợp tranh, rào dậu nứa, sĩ tử ngồi trong lều làm bài. Tuy nhiên, về sau khi chiến tranh xảy ra liên tục trường thi cũng thay đổi theo. Với tài liệu hiện có chúng tôi chưa thể khảo cứu được hệ thống trường thi thời Mạc.
Quan trường coi thi đều là các quan chức cấp cao của Nhà nước do bộ Lễ tâu để vua duyệt. Mọi việc trong trường thi các quan đều cùng làm và cùng chịu trách nhiệm. Riêng coi thi Đình có các chức Đề điệu, Giám thí làm lãnh đạo, một số đại thần có văn học làm Độc quyển. Thí dụ các quan chức coi thi Đình năm 1529 gồm:
– Đề điệu là Mạc Kim Bưu, Thái bảo Điện Quốc công.
– Tri cống cử là Mạc Ninh Chính, chức Binh bộ Thượng thư, tước Khánh Khê hầu.
– 2 quan Độc quyển là Nguyễn Thanh chức Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, tước Văn Đoàn bá; và Đinh Thận chức Thượng thư bộ Lại kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, tước Binh Lễ bá.
Điều đặc biệt là trong thi Đình các quan Độc quyển đọc bài văn của các sĩ tử, vua là người chấm duyệt rồi lấy đỗ theo thứ bậc cao thấp. Bài văn bia đề danh Tiến sĩ (1529) cho chúng ta thấy phần nào tiến trình một kỳ thi Đình thời Mạc: “Ngày 18 tháng 2, Vua ngự trước điện ra đề thi về đạo trị nước… Ngày hôm sau, các quan Độc quyển là Nguyễn Thanh… Đinh Thận… dâng bài văn đọc để nhà vua nghe. Vua xét định cao thấp, chọn bọn Đỗ Tông 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Văn Quang 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Hữu Hoán 16 người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân” [93, tr.32].
Thời Mạc danh vị cao nhất dành cho những người đỗ đại khoa là danh hiệu Tiến sĩ, được xếp theo thứ bậc sau:
– Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, gồm 3 người đỗ đầu được gọi là Tam khôi:
+ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (Trạng nguyên)
+ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (Bảng nhãn)
+ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa)
– Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp).
– Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân (cũng được gọi là Tiến sĩ).
Thi Đình thường không đánh trượt thí sinh, nhưng cũng có trường hợp không được thi Đình hoặc được vào thi mà vẫn bị đánh trượt. Thời Mạc có một số trường hợp sau:
1. Nguyễn Quang Tá, người xã Nhị Châu, Thanh Lâm (Hải Dương). Năm 1565 đỗ Tiến sĩ, nhưng vì nhà có đại tang không được dự thi Đình, làm quan đến chức Lại khoa đô cấp sự trung, tước bá.
2. Nguyễn Lễ, người xã Tiên Xa, An Dương (Hải Phòng). Năm 1574 đỗ thi Hội, nhưng vì theo Hoằng Vương Mạc Chính Trung nên không được dự thi Đình; sau làm quan đến chức Huy Văn điện thiêm sự.
3. Nguyễn Trung, người xã Nhân Mục, Thanh Trì (Hà Nội). Năm 1586 đỗ thi Hội, nhưng vì có người tố cáo nên không được dự thi Đình, sau làm quan đến chức Tham chính.
Những người trên mặc dù không được dự thi Đình, nhưng vì đã đỗ thi Hội nên vẫn được Nhà nước bổ nhiệm chức vụ. Điều đó cho thấy quy chế thi cử thời Mạc còn nghiêm và sự trọng dụng nhân tài của Nhà nước.
2.3.2.3. Các khoa thi Tiến sĩ (ĐÓN XEM KỲ SAU)
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.