- Đang online: 4
- Hôm qua: 665
- Tuần nay: 12059
- Tổng truy cập: 3,377,726
GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC TỪ NĂM 1527 ĐẾN 1592
- 3139 lượt xem
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
==========
Tô Ngọc Hằng
GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC
TỪ NĂM 1527 ĐẾN 1592
Luận văn Thạc sĩ khoa học Lịch sử
Chuyên ngành Lịch sử Việt Nam
MÃ SỐ: 60.22.54
Người hướng dẫn khoa học
PGS. TS. NGUYỄN TRỌNG VĂN
VINH 2011
===========
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến tất cả những người đã giúp tôi hoàn thành công trình này. Tôi đặc biệt cảm ơn PGS. TS. Nguyễn Trọng Văn, người đã tận tâm hướng dẫn, chỉ bảo tôi về phương pháp nghiên cứu và cấu trúc luận văn; giúp tôi trưởng thành hơn trong bước đường nghiên cứu của mình.
Tôi cũng xin cảm ơn sâu sắc tất cả Quý Thầy Cô, những người đã đào tạo tôi trong suốt 6 năm dưới giảng đường Đại học Vinh và giúp tôi sửa chữa, hoàn thiện luận văn. Tất cả những kiến thức và sự tự tin sẽ là hành trang quan trọng để tôi vững bước trong tương lai.
Cuối cùng, tôi xin gửi lời biết ơn tới gia đình, người thân, bạn bè, các Trung tâm thông tin thư viện và nhiều cá nhân trong dòng họ Mạc đã luôn động viên, chia sẻ, giúp đỡ tôi trong quá trình thực hiện đề tài.
Với tinh thần cầu thị khoa học, tôi mong nhận được những ý kiến xây dựng của Quý Thầy Cô, các bạn để luận văn được hoàn chỉnh hơn. Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Vinh, tháng 12 năm 2011
Tác giả
Tô Ngọc Hằng
|
NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN VĂN
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh: Trạng nguyên.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh: Bảng nhãn.
Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh: Thám hoa.
Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân: Hoàng giáp.
Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân: Tiến sĩ.
GS: Giáo sư
PGS: Phó giáo sư
TS: Tiến sĩ
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Nhân loại đang bước vào thế kỷ XXI, thế kỷ của toàn cầu hoá và của nền kinh tế tri thức, trong đó chắc chắn mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, của mỗi cộng đồng dân tộc cũng như của từng cá nhân sẽ có những thay đổi sâu sắc, mau lẹ và diễn ra theo những phương thức hoàn toàn mới. Trước những cơ hội to lớn và những thách thức hết sức phức tạp đó, nhiều quốc gia dân tộc đang ra sức hoạch định lại chiến lược phát triển của mình, trong đó nhiều vấn đề trên thực tế đã và đang vượt ra khỏi khuôn khổ của tri thức và lối tư duy truyền thống.
Trong bối cảnh đó, với tư cách là một nước “đi sau” và để hội nhập, hợp tác, phát triển một cách bền vững, Việt Nam càng phải quan tâm thiết thực hơn nữa tới chiến lược giáo dục, đào tạo, phát triển nhân tài. Mục đích của công trình nhỏ này là khảo sát một cách khoa học giáo dục khoa cử thời Mạc trên các phương diện cụ thể để có cái nhìn khách quan, hệ thống; rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích, góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho chiến lược giáo dục ở nước ta hiện nay và trong tương lai.
1.2. Từ nửa sau thế kỷ XX, nhất là những năm đầu thế kỷ XXI, Nho giáo đã có nhiều biến đổi cho phù hợp với tình hình mới. Những mặt hạn chế không còn phù hợp của nó cũng từng bước được khắc phục để rồi ngày nay chúng ta được chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của những nước có truyền thống Nho giáo và Nho học ở Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là các nước Đông Á và Đông Bắc Á mà người ta gọi là “thế giới Hán hoá mới”. Ở khía cạnh nào đó, sự phát triển “thần kỳ” của các quốc gia hoá rồng Châu Á như là sự thăng hoa của tri thức, của mô hình đào tạo theo phương thức Á đông. Do đó việc nghiên cứu, đánh giá vai trò của Nho học; phân tích những ảnh hưởng của nó đối với đời sống xã hội đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tích cực của Nho học đang là xu thế chung, là một việc làm cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
1.3. Đến nay, giáo dục khoa cử thời Mạc không còn là vấn đề mới nữa, nhưng với những đóng góp mà giáo dục khoa cử mang lại cho Vương triều Mạc nói riêng, cho xã hội Đại Việt nói chung như đánh giá của nhà sử học Phan Huy Chú “Nhà Mạc dẫu bận chiến tranh mà vẫn không bỏ thi cử vì thế được nhiều người tài giỏi giúp việc chống với nhà Lê, kéo dài đến hơn sáu mươi năm. Ấy cũng là công hiệu của khoa cử đó” [8, tr.16]; thì giáo dục khoa cử thời Mạc vẫn chưa được nghiên cứu sâu và có được một vị trí xứng đáng.
1.4. Hơn nữa, đặt trong xu thế đổi mới tư duy lịch sử với phương châm khoa học “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” mà Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra, từ năm 1986 đến nay giới sử học Việt Nam đã có cách nhìn khách quan hơn, công bằng hơn khi đánh giá về Vương triều Mạc. Luận văn vì thế sẽ góp thêm tiếng nói trong việc khẳng định lại những đóng góp của vương triều này với lịch sử dân tộc.
Chính từ những lý do trên, tôi quyết định chọn đề tài “Giáo dục, khoa cử thời Mạc từ năm 1527 đến năm 1592” làm luận văn tốt nghiệp.
2. Lịch sử vấn đề
Đề tài giáo dục khoa cử Nho học từ lâu đã thu hút được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu, nhưng vấn đề giáo dục khoa cử thời Mạc từ năm 1527 đến năm 1592 vẫn đang còn là một khoảng trống, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Dưới thời phong kiến, các sử gia đã có ý thức ghi chép về việc học, việc thi cũng như tiểu truyện của các nhà khoa bảng trong các thư tịch cổ như: Thiên Nghệ Văn chí trong Đại Việt Thông sử và thiên Khoa cử trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn. Đặc biệt là các chí như Văn tịch chí, Nhân vật chí; nhất là Khoa mục chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là những phần ghi chép tương đối có hệ thống hơn cả về lịch sử giáo dục thi cử Nho học và đóng góp của kẻ sĩ nước ta từ thời Lý cho đến trước triều Nguyễn.
Các bộ sử xưa như Toàn thư, Cương mục,… các sách thuộc địa lý – lịch sử như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn… cũng có mục nhân vật hay liệt truyện đề cập đến tiểu sử các nhà khoa bảng. Trong những năm qua, công việc nghiên cứu lịch sử văn hoá được đẩy mạnh. Một số tác giả hiện đại đã dựa vào các công trình trên, biên soạn thành các cuốn sách như: Lược truyện các tác gia Việt Nam do Trần Văn Giáp chủ biên, Nhà xuất bản Văn học tái bản lần thứ ba, Hà Nội, năm 2000. Hay sách Các nhà khoa bảng Việt nam (1075 – 1919), Ngô Đức Thọ chủ biên, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1993. Trong các cuốn sách này, tiểu sử, sự nghiệp; nhất là sự nghiệp giáo dục cùng trước tác của các nhà khoa bảng đã được đề cập khá đầy đủ, hệ thống.
Ngoài ra, cũng có một số sách lược sử giáo dục khoa cử Việt Nam đã được xuất bản như: Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước năm 1945 của Vũ Ngọc Khánh, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1985; Khoa cử và giáo dục Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, năm 1993; Nho học ở Việt Nam của Nguyễn Thế Long, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1995; Lịch sử giáo dục Việt Nam trước Cách mạng tháng 8 – 1945 của Nguyễn Đăng Tiến, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1996; Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử ở Việt Nam thời phong kiến của Nguyễn Tiến Cường, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 1998… Nhìn chung trong các công trình trên, chế độ giáo dục khoa cử Việt Nam được nghiên cứu khá toàn diện. Chế độ giáo dục khoa cử thời Mạc hoặc ít, hoặc nhiều đã được đề cập, song còn ở mức khái quát và chưa có hệ thống.
Năm 1985, Hội thảo khoa học nhân ngày kỷ niệm 400 năm ngày mất Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức tại Hải Phòng, đã mở ra một khuynh hướng nghiên cứu mới về nhà Mạc. Tiến hơn một bước nữa là Hội thảo về Vương triều Mạc được tổ chức ở huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng vào ngày 18.7.1994 do Viện Sử học, Hội Khoa học Lịch sử, Hội nghiên cứu Lịch sử Hải Phòng chủ trì. Tại đây, các nhà khoa học đã tỏ ra cởi mở, khách quan hơn khi đánh giá về Vương triều Mạc. Vấn đề giáo dục khoa cử thời Mạc cũng được giới nghiên cứu chú ý nhiều hơn.
Gần đây nhất vào tháng 9 năm 2010, Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long, Hội Sử học Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam. Hội thảo đã giúp cho giới sử học Việt Nam đánh giá khách quan, toàn diện và xích lại gần nhau hơn trong nhận thức về Vương triều Mạc. Về phần giáo dục khoa cử thời Mạc, Hội thảo đã có một số bài tham luận như: TS Đặng Kim Ngọc với bài “Những đóng góp của Vương triều Mạc trong sự nghiệp phát triển văn hoá – giáo dục dân tộc”; Phạm Hùng với bài “Nét đặc sắc của giáo dục và văn hoá nhà Mạc”; hay Minh Thuận với bài “Giáo dục Nho học và thi cử ở Đông Kinh thời Mạc”; PGS.TS Mạc Văn Trang có bài “Mấy suy nghĩ về chính sách giáo dục của nhà Mạc”; Nguyễn Quang Hà có bài “Khoa cử và tâm thái của các nhà Nho thời Mạc”… Đó là nguồn tư liệu hết sức phong phú mang lại cho chúng tôi cách tiếp cận mới và gợi mở nhiều vấn đề trong quá trình nghiên cứu.
Bên cạnh đó, trong rất nhiều chuyên khảo hay các hội nghị chuyên đề; hoặc trên các sách, báo, tạp chí cũng có một số bài viết về giáo dục nhà Mạc như trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử có Nguyễn Hữu Tâm với bài “Tình hình giáo dục thi cử thời Mạc”, số 6 năm 1991; hay trên Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội có Lê Thành Lân, Trần Ngọc Dũng với bài “Tính lại niên hiệu các khoa thi Tiến sĩ triều Mạc trong cuốn các nhà khoa bảng Việt Nam”, số 5 năm 1999… Có thể nói, những tư liệu trên là cơ sở quan trọng để chúng tôi khai thác và chứng minh cho những ý tưởng, luận điểm của mình.
Tóm lại, các công trình nói trên hoặc là giới thiệu khái quát giáo dục, thi cử Nho học cả nước; hoặc là tìm hiểu một khía cạnh nào đó về giáo dục thời Mạc; chứ chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện – diện mạo giáo dục, khoa cử nhà Mạc thời kỳ ở Thăng Long. Với sự kế thừa các nguồn tài liệu nói trên, chúng tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc khôi phục, tái hiện bức tranh giáo dục khoa cử thời Mạc từ năm 1527 đến năm 1592.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn tập trung làm rõ vấn đề giáo dục khoa cử thời Mạc trong khoảng thời gian từ năm 1527 đến năm 1592.
Trong luận văn, trước hết chúng tôi khảo sát tình hình giáo dục khoa cử thời Mạc trên những nội dung cụ thể: Từ hệ thống trường công ở trung ương, các đạo, phủ, huyện đến trường tư ở các địa phương; Các tấm gương thầy trò tiêu biểu; Nội dung giáo dục và thi cử thời Mạc; Tình hình các khoa thi thời Mạc. Từ đó rút ra đặc điểm của giáo dục, khoa cử thời Mạc cũng như những đóng góp của Nho sĩ thời Mạc về chính trị, ngoại giao, văn hoá.
Và để có một cái nhìn khách quan, tổng quát chúng tôi còn đặt giáo dục khoa cử thời Mạc trong mối quan hệ với giáo dục trước và sau đó, tức là giai đoạn Lê Sơ và giai đoạn đầu thời Lê Trung hưng để thấy được sự kế thừa, phát triển của nền giáo dục từ thời Lê Sơ; đồng thời chỉ ra những đặc điểm và đóng góp của giáo dục khoa cử Nho học với Vương triều Mạc nói riêng, với Lịch sử Việt Nam nói chung.
Luận văn nghiên cứu giáo dục khoa cử thời Mạc, nhưng chủ yếu là giáo dục Nho học, chứ không bàn đến vấn đề Võ cử. Trong lịch sử giáo dục khoa cử Việt Nam, Nhà nước phong kiến có tổ chức các kỳ thi võ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là một phương diện khác với đối tượng luận văn đang bàn. Vấn đề Võ cử do đó xin được bàn đến trong một dịp khác.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Vương triều Mạc tồn tại trong lịch sử Việt Nam 156 năm (1527 – 1683) với 12 đời vua, trải qua 2 thời kỳ: Thời kỳ ở Thăng Long (1527 – 1592) và thời kỳ ở Cao Bằng (1593 – 1683). Trong luận văn chúng tôi chỉ giới hạn việc nghiên cứu giáo dục khoa cử khi nhà Mạc còn ở Thăng Long với tư cách là một vương triều chính thức, nghĩa là từ khi Vương triều Mạc được xác lập năm 1527 đến khi nhà Mạc tổ chức khoa thi cuối cùng tại Hành dinh Bồ Đề năm 1592.
Cũng trong thời gian này, từ năm 1533, nhà Lê dấy nghiệp trung hưng, hoạt động chủ yếu từ Thanh Hoá trở vào. Đặc biệt, từ năm 1558 có thêm sự kiện Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá, mở ra thời kỳ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Tuy nhiên, vùng cai quản chủ yếu của nhà Mạc là Thăng Long và khu vực Tứ trấn. Do đó, luận văn chỉ tập trung nghiên cứu giáo dục khoa cử trong vùng đất thuộc phạm vi quản lý của nhà Mạc; phần giáo dục khoa cử Nho học trong thời kỳ nhà Mạc ở Cao Bằng, hay phần giáo dục khoa cử của nhà Lê Trung hưng, của Chúa Nguyễn sau này không thuộc phạm vi nghiên cứu của luận văn.
4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
4.1. Nguồn tài liệu
Luận văn được thực hiện dựa trên những nguồn tài liệu chủ yếu sau:
– Tư liệu trong thư tịch cổ Việt Nam như Đại Việt Sử ký toàn thư, Đại Việt Thông sử, Lịch triều hiến chương loại chí…
– Tư liệu được hậu duệ con cháu họ Mạc lưu giữ như Hợp biên thế phả họ Mạc.
– Nhiều ấn phẩm của các nhà nghiên cứu gồm sách, báo, tạp chí… liên quan đến nội dung đề tài nghiên cứu.
– Tư liệu trên các website đã được xác minh, kiểm định như Mactoc.com, hoaphuongdo.vn.
– Cuối cùng là các công trình nghiên cứu, các loại sách chuyên sâu về giao dục khoa cử.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Về phương pháp luận:
Để giải quyết những vấn đề do đề tài đặt ra, chúng tôi dựa vào Chủ nghĩa duy vật biện chứng, đặc biệt là Chủ nghĩa duy vật lịch sử. Chúng tôi đã sử dụng quán triệt quan điểm sử học mácxit nhằm đánh giá khách quan về chính sách giáo dục khoa cử thời Mạc, cũng như đóng góp của nó đối với nhà Mạc nói riêng, với lịch sử dân tộc trong thế kỷ XVI nói chung. Đồng thời, quan điểm sử học mácxit cũng là kim chỉ nam để chúng tôi xử lý nguồn tư liệu, nhất là tư liệu do các sử gia phong kiến biên soạn trên tinh thần khoa học và đảm bảo tính lịch sử.
Về phương pháp cụ thể:
Là một đề tài lịch sử nên phương pháp lịch sử và phương pháp logic được đặc biệt coi trọng. Chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử để trình bày sự kiện, nhân vật; cũng như tình hình học tập thi cử thời Mạc và đóng góp của Nho sĩ thời Mạc theo trình tự thời gian với mọi tính chất cụ thể của nó. Bên cạnh đó, luận văn có chú ý kết hợp phương pháp logic để rút ra bản chất sự vật, hiện tượng; từ đó có được một cái nhìn khái quát, toàn diện hơn về quá trình vận động phát triển của giáo dục khoa cử thời Mạc từ năm 1527 đến năm 1592.
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng các phương pháp khác như phương pháp so sánh đối chiếu, phương pháp định lượng, phương pháp liên ngành… nhằm hỗ trợ cho hai phương pháp chủ yếu trên.
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn khôi phục, tái hiện tình hình giáo dục, khoa cử ở Việt Nam từ khi triều Mạc thành lập ở Thăng Long – năm 1527 cho đến năm 1592 – khi nhà Mạc rút lên Cao Bằng, nhằm đưa lại cái nhìn toàn diện, hệ thống hơn về chế độ giáo dục khoa cử thời Mạc. Trên cơ sở đó góp phần lý giải khách quan những vấn đề liên quan đến nhà Mạc nói riêng, đến lịch sử dân tộc thời kỳ này nói chung.
Luận văn sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng, thiết thực không chỉ cho sinh viên khoa Sử, mà cho tất cả những bạn đọc quan tâm đến lịch sử, văn hoá Việt Nam nói chung. Một phần luận văn cũng sẽ được sử dụng cho chuyên đề giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam từ 1075 đến 1919, góp phần giúp thế hệ trẻ Việt Nam kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung luận văn được trình bày trong 3 chương:
Chương 1. Sự thành lập Vương triều Mạc và chính sách giáo dục, khoa cử thời Mạc
Chương 2. Tình hình giáo dục, khoa cử thời Mạc (1527 – 1592)
Chương 3. Đóng góp của Nho sĩ thời Mạc (1527 – 1592)
NỘI DUNG
Chương 1
SỰ THÀNH LẬP VƯƠNG TRIỀU MẠC VÀ CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC, KHOA CỬ THỜI MẠC
1.1. Sự thành lập Vương triều Mạc
1.1.1. Bối cảnh lịch sử xã hội Đại Việt cuối thời Lê Sơ
Cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, trong đời sống kinh tế – xã hội và chính trị Đại Việt diễn ra nhiều biến đổi. Sự biến đổi đó bắt nguồn từ những chuyển biến trong chế độ sở hữu ruộng đất ở nông thôn. Chế độ Quân điền của nhà Lê đã không ngăn cản được quá trình tư hữu hoá ruộng đất. Sự phát triển của ruộng đất tư hữu và đi cùng với nó là quá trình thu hẹp ruộng đất công làng xã đã làm suy yếu bệ đỡ kinh tế của bộ máy tập quyền quan liêu. Thêm vào đó là sự suy sụp của chính quyền trung ương, kéo theo tình trạng phân tán, cát cứ của các thế lực phong kiến địa phương vừa có sức mạnh về kinh tế vừa có quyền hành về chính trị. Xã hội Đại Việt cuối thời Lê Sơ bước vào thời kỳ khủng hoảng sâu sắc, toàn diện.
1.1.1.1. Tình hình kinh tế
Một trong những nhân tố giúp Hoàng quyền của nhà Lê Sơ tồn tại và có giá trị lâu bền đó là chính sách Quân điền. Cái hơn hẳn trong chính sách ruộng đất của triều Lê Sơ so với các triều đại khác là: Dân chúng Đại Việt, từ quan nhất phẩm triều đình cho đến những người nghèo khổ nhất sống nơi thôn cùng xóm vắng đều được chia ruộng đất. Với Quân điền, Nhà nước đã nắm được làng xã và dân chúng, quan hệ Hoàng quyền – thần dân được xác lập toàn diện, triệt để. Chính sách Quân điền do đó ban đầu mang một ý nghĩa tích cực đối với đại bộ phận nhân dân Đại Việt và trở thành công cụ đắc lực để duy trì Nhà nước phong kiến tập quyền, mạnh mẽ. Thời Lê Sơ vì vậy được xem là thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam. Tuy nhiên, chế độ ấy cũng không tránh khỏi những hạn chế và ngày càng nảy sinh nhiều yếu tố tiêu cực khiến Nhà nước suy yếu. Ngay từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, chế độ Quân điền đã bộc lộ những mặt trái không thể khắc phục được. Sự phát triển mạnh mẽ của ruộng đất tư hữu, cùng với chính sách Lộc điền và nạn bao chiếm, kiêm tinh ruộng đất của cường hào, địa chủ và một số quan lại đã làm cho số diện tích ruộng công làng xã bị thu hẹp. Ruộng đất phân hoá đã gây ra sự phá sản của nông dân nghèo và hạng trung. Chính sách Quân điền trở thành thứ trói buộc họ vào làng xã với sưu cao thuế nặng. Xã hội Đại Việt trì trệ, luẩn quẩn trong nền kinh tế tiểu nông.
Mặc dù về hình thức, Nhà nước cấm biến ruộng công thành ruộng tư, nhưng trên thực tế quá trình đó vẫn diễn ra. Cho đến những năm cuối thế kỷ XV, sự phát triển của chế độ sở hữu lớn địa chủ về ruộng đất đã trở thành một nguy cơ lớn đối với Nhà nước trung ương. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng vào những năm đầu thế kỷ XVI, năm 1510 Lê Tương Dực phải ban hành sắc chỉ quy định rõ: “Khi ban cấp các hạng ruộng đất, bãi dâu, ao đầm thì cho phép các xứ cấp vào những chỗ còn lọt ở dân, chưa vào sổ quan; cho quan Thái bộc tự mình đi tìm, làm bản tâu lên, đợi nhận chỉ chuyển giao cho bộ Lễ, vâng mệnh thi hành, làm sắc cấp cho các công, hầu, bá theo thứ bậc khác nhau” [19, tr.54]. Sắc lệnh này phản ánh thực trạng cướp đoạt ruộng đất một cách công khai của giai cấp thống trị, mở rộng số ruộng tư mà chúng chiếm được, đồng thời thu hẹp ruộng công làng xã, khiến người nông dân càng thêm khổ.
Để giải quyết thực trạng này, Tương Dực đã ban hành Trị bình bảo phạm, trong đó, điều 2 quy định việc lập mốc giới, khám thực ruộng và cấm ức hiếp ruộng của dân. Nhà nước cũng nhiều lần ban bố những điều luật trong Quốc triều hình luật nhằm ngăn chặn những tệ lộng hành về ruộng đất. Điều 344 quy định việc xử phạt nếu nhận bậy ruộng đất của người khác; điều 355, 357 quy định việc xử phạt người ức hiếp mua ruộng hay xâm chiếm đất đai của người khác. Những chính sách trên chứng tỏ thực tế tranh chấp, lấn chiếm, cướp đoạt ruộng đất đã trở nên phổ biến, Nhà nước phải quy định thành những điều luật để xét xử. Tuy nhiên hiệu quả những chính sách đó không cao. Những nỗ lực của Nhà nước trong thời gian này đã không khắc phục nổi tình trạng bao chiếm ruộng đất của địa chủ, quan lại. Sự suy yếu của chính quyền trung ương vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của tình trạng đó.
Sự phát triển của ruộng đất tư hữu thời Lê Sơ phản ánh xu thế phát triển khách quan về ruộng đất trong lịch sử Việt Nam, xác lập quan hệ sản xuất phong kiến phổ biến địa chủ – tá điền trong xã hội. Tuy nhiên, đây là một quá trình tư hữu hoá không tự nhiên, dẫn đến tình trạng khủng hoảng ruộng đất. Điều đó trực tiếp đe doạ cuộc sống của nông dân, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp.
Thời kỳ này nông nghiệp sa sút. Nhà nước không còn quan tâm đến nông nghiệp như trước, công tác trị thuỷ do đó càng lơi lỏng. Hiện tượng hạn hán, lũ lụt, vỡ đê thường xuyên xảy ra. Năm 1512 “hạn hán, trong nước đói to” [19, tr.64]; năm 1513, “vỡ đê phường Yên Hoa” [19, tr.71] gây nên nạn lụt lớn. Nhà nước bất lực, nhân dân điêu đứng. Năm 1517 “trong nước đói to, xác người chết đói nằm gối lên nhau. Những nơi trải qua binh lửa… càng đói dữ” [19, tr.86].
Nhà nước không giải quyết được những mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt trong nông nghiệp và nông thôn. Nhân dân đói khổ, bị đẩy đến bước đường cùng; trong khi kinh tế công thương nghiệp nhỏ bé, bị kìm hãm không phát triển được.
Thời Lê Sơ kinh tế công thương nghiệp đã tiến thêm một bước. Nhưng Nhà nước Lê Sơ là một nhà nước trọng nông. Đi đôi với chính sách trọng nông là chính sách ức thương theo quan niệm “trọng bản, ức mạt” của Nho giáo. Nhà nước đặt trạm kiểm soát ở các cảng khẩu, tra xét nghiêm ngặt thuyền buôn nước ngoài; đồng thời nắm độc quyền giao thương. Năm 1467, người Xiêm (Thái Lan) đến cảng Vân Đồn dâng biểu bằng vàng lá và hiến vật phẩm nhưng Lê Thánh Tông từ chối. Vì thế, yếu tố kinh tế hàng hoá mới manh nha bị kìm hãm nên phát triển chậm chạp, chưa đủ sức dẫn đến sự hình thành các đô thị.
Kinh đô Thăng Long vẫn là nơi giao lưu, trao đổi lớn nhất cả nước. Dân cư và thương nhân các nơi đổ về ngày càng đông. Trước sự phát triển đó, năm 1481 Lê Thánh Tông chủ trương đuổi những người “tạp cư” ở Thăng Long về nguyên quán, chỉ cho những người có hàng chợ phố xá ở lại. Thăng Long là đô thị lớn nhất cả nước không được phát triển và mở rộng, không có khả năng tác động lớn đến quan hệ sản xuất phong kiến đang thống trị. Chức năng chủ yếu của nó vẫn là trung tâm chính trị – văn hoá truyền thống.
Ở địa phương, các trấn lỵ cũng không có vai trò kinh tế – xã hội lớn. Thành thị không phát triển, mà hoà tan trong nông thôn, tạo nên loại hình làng nông – công – thương. Kinh tế hàng hoá trải đều trong các chợ nông thôn làm cho kết cấu kinh tế và cư dân chưa có sự chia tách rõ thành hai khu vực thành thị và nông thôn. Kết cấu xã hội Lê Sơ chủ yếu vẫn là nông nghiệp – nông dân – làng xã. Hay nói cách khác, nền kinh tế tiểu nông chi phối toàn bộ xã hội, trong đó kinh tế hàng hoá chỉ là một bộ phận nhỏ bổ sung cho nông nghiệp.
Càng về sau, việc kìm hãm sự phát triển thương nghiệp nhất là hoạt động ngoại thương, cùng với các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp khác không được chú trọng đã làm cho nền sản xuất ngày một suy yếu. Và khi chế độ Quân điền phá sản, nền nông nghiệp rơi vào khủng hoảng thì nền kinh tế khó có thể gượng dậy được.
Như vậy cuối thời Lê Sơ, chế độ quân chủ chuyên chế đã bộc lộ những hạn chế mà Nhà nước khó có thể khắc phục nổi. Kinh tế công thương nghiệp không có thành tựu gì đáng kể, không thể cứu vãn nổi sự khủng hoảng của xã hội Đại Việt đang cận kề. Đó chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khủng hoảng toàn diện của đất nước cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI.
1.1.1.2. Tình hình chính trị, xã hội
Khi đánh giá về xã hội Đại Việt cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, các nhà nghiên cứu đều có chung một nhận định đó là “một thời đại loạn” [35, tr.28]. Nhà nước phong kiến tập quyền Lê Sơ bước vào thời kỳ suy vong, biểu hiện ra thành cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc, toàn diện.
Tính đến cuối thế kỷ XV, Nhà nước Lê Sơ vẫn có những ông vua giỏi, tiếp nối được cơ nghiệp tiên đế. Nhưng đáng tiếc là những vị vua có tài và tâm huyết như Hiến Tông, Túc Tông đều dang dở với công cuộc trị bình vì mất sớm, trong khi đó những người kế vị kém tài thiếu đức.
Năm 1505, Lê Uy Mục lên ngôi, không đáp ứng được yêu cầu lịch sử, trái lại, càng làm cho tình hình thêm rối loạn. Bị người đương thời mệnh danh là “Quỷ Vương”, Uy Mục có tật nghiện rượu, hoang dâm, hiếu sát: “Vua đêm nào cũng cùng cung nhân vui đùa uống rượu vô độ. Khi rượu say liền giết cả cung nhân” [19, tr.45]. Tệ hơn nữa, Uy Mục còn sai quan hầu cận ngầm giết Thái Hậu và những công thần tôn thất trước không ủng hộ mình; đồng thời chỉ tin dùng hoạn quan và ngoại thích. Điều đó đã khiến cho mâu thuẫn giữa phái công thần tôn thất và phái ngoại thích ngày càng gay gắt, bùng phát thành cuộc xung đột vũ trang để tranh giành quyền thống trị đất nước.
Cuộc lật đổ ngai vàng của Giản tu công Lê Oanh đã nhận được sự ủng hộ khắp nơi, nổi bật là lực lượng của phái công thần tôn thất ở Thanh Hoá do Nguyễn Văn Lang cầm đầu. Bản hịch dụ của Lương Đắc Bằng đã vạch trần tội ác không thể dung tha của Uy Mục và phái ngoại thích: “Bạo chúa Lê Tuấn,… lần nữa mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khoé… Cư dân nhức óc, cả nước đau lòng” [19, tr.48]. Ngày 8 tháng 11 năm 1509, Lê Oanh dấy binh, quân Uy Mục nhanh chóng thất bại. Uy Mục chạy đến Nhật Chiêu (Tây Hồ, Hà Nội) thì bị bắt. Ngày 1 tháng 12 năm 1509, Uy Mục phải uống thuốc độc tự tử. Sau khi giành thắng lợi, ngày 4 tháng 12 năm 1509 Lê Oanh lên ngôi lấy niên hiệu là Hồng Thuận (Lê Tương Dực). Tuy nhiên, xã hội Đại Việt không chuyển biến theo hướng tích cực mà càng lún sâu vào khủng hoảng, vì người thay thế là một “Vua Lợn”.
Chỉ sau một thời gian ngắn, Tương Dực đã nhanh chóng lộ rõ bản tính tàn bạo, xa hoa dâm dục của mình. Năm 1512, trong lúc nhân dân đói to thì Tương Dực cho Vũ Như Tô làm điện lớn hơn 100 nóc. Năm 1513, Vua bắt dựng điện Mục Thanh, rồi xây Cửu trùng đài, vắt kiệt tiền của và sức dân trong nước. Năm 1514, nghe lời vu cáo của Hiệu uý Hữu Vĩnh, Tương Dực đã “giết hết 15 vương công họ tông thất” [19, tr.73]. Bản thân vua lại tư thông với cung nhân tiền triều, đồng thời thường bắt “bọn nữ sử trần truồng chèo thuyền chơi trên Hồ Tây, Vua cùng chơi, lấy làm thích thú lắm” [19, tr.74]. Đến nỗi chính sử cũng phải lên tiếng: “Linh Ẩn gian dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít ngày, mượn tên của anh để cướp nước của người khác, xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt nặng, thuế khoá nhiều, giết hết các thân vương, can qua xảy ra khắp nơi, người thời ấy gọi là “Vua Lợn”, điềm nguy vong đã được thấy đó” [19, tr.76].
Như vậy, những năm cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, chế độ quân chủ Lê Sơ ngày càng suy yếu, sự tập quyền mất dần do các vua kế vị bất tài thiếu đức. Phong trào nông dân khởi nghĩa và những cuộc tranh hùng của các thế lực phong kiến diễn ra liên tục, thể hiện mong muốn thay đổi hiện thực xã hội và tham vọng bá vương.
Ngay từ đầu thế kỷ XVI, hàng loạt phong trào nông dân khởi nghĩa đã nổ ra trên một quy mô rộng lớn và kéo dài từ thời Lê Tương Dực đến thời Lê Chiêu Tông, tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghĩa Trần Cảo (1516 – 1521).
Mở đầu cho phong trào nông dân phản kháng thời kỳ này là cuộc khởi nghĩa của Thân Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng và Trần Tuân năm 1511 ở Kinh Bắc và Sơn Tây. Năm 1512, Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt cũng nổi dậy ở Nghệ An. Triều đình phải khó khăn lắm mới dẹp yên. Sau khi đàn áp được phong trào đấu tranh của nông dân, giai cấp thống trị vẫn tiếp tục cuộc sống truỵ lạc. Là người đứng đầu đất nước, Tương Dực “không thi thố thêm được việc gì cụ thể để khắc phục tình trạng đất nước ngày càng thêm rối loạn” [11, tr.200], mà chỉ làm tăng thêm mâu thuẫn xã hội. Phong trào nông dân tiếp tục bùng phát với quy mô ngày càng lớn.
Trong khoảng thời gian từ 1515 đến 1522, phong trào phát triển mạnh mẽ, lan rộng khắp các địa phương từ Thanh Hoá đến Sơn Tây, Kinh Bắc, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Năm 1516, Trần Cảo phất cờ khởi nghĩa ở Quỳnh Lâm. Đây là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất đầu thế kỷ XVI, “là đỉnh cao của phong trào nông dân phản kháng trong những năm thập kỷ đầu thế kỷ XVI” [53, tr.402].
Để thu phục nhân tâm chiêu tập lực lượng, dựa vào lời sấm truyền “phương Đông có khí thiên tử”, Trần Cảo tự xưng là “Đế Thích giáng sinh”, cháu 5 đời của vua Trần Thái Tông, lãnh đạo đội nghĩa binh gọi là “Quân tam đoá” (Quân ba chỏm), dựng cờ khởi nghĩa ở chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Chỉ một thời gian ngắn đã quy tụ hàng vạn người, thanh thế mạnh mẽ, nghĩa quân đi đến đâu chính quyền quân chủ nơi đó tan rã, cả “một vùng Hải Dương đều rạp xuống như cỏ gặp gió, không ai chống cự nổi” [53, tr.403].
Đến tháng 5 năm 1516, từ Hải Dương nghĩa quân đánh về Thăng Long. Vua tôi nhà Lê phải bỏ chạy về Thanh Hoa. Nghĩa quân tiến vào Thăng Long, Trần Cảo lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiên Ứng. Không lâu sau, triều đình tập hợp lực lượng, đánh nghĩa quân. Trần Cảo phải rút quân về Hải Dương, nhưng vẫn kiểm soát cả một vùng Đông Bắc rộng lớn.
Khởi nghĩa Trần Cảo kéo dài trong 6 năm, đã thu hút đông đảo các tầng lớp tham gia, gây nhiều thiệt hại cho quan quân nhà Lê. Sau một thời gian hoạt động, Trần Cảo nhường ngôi cho con là Trần Cung. Năm 1521, Mạc Đăng Dung đánh bại Trần Cung ở Bảo Lộc (Bắc Giang). Trần Cung bị bắt và bị xử tử. Khởi nghĩa Trần Cảo thất bại, nhưng nó là hồi chuông báo hiệu sự cùng quẫn tột độ của quần chúng nhân dân Đại Việt, cũng là lời cảnh báo trước sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của triều đình phong kiến Lê Sơ.
Do có công trong việc đánh dẹp và đàn áp các cuộc nổi dậy, thế lực võ quan ngày càng mạnh, nổi lên tranh giành bá vương. Năm 1516, lợi dụng tình thế rối ren, tướng Trịnh Duy Sản đã ngầm liên kết với Thái sư Lê Quảng Độ, Thượng thư Trình Chí Sâm lập mưu lật đổ Tương Dực. Đêm 6 tháng 4 năm 1516, Trịnh Duy Sản giết Vua ở nhà Thái học. Việc làm của Trịnh Duy Sản cho thấy sự bất lực của Vua và bộ máy nhà nước, tạo nên sự phân liệt và chia rẽ sâu sắc trong nội bộ triều đình mà kết cục bi thảm là: Vua Quang Trị ở ngôi được 3 ngày thì bị giết, Lê Y (Chiêu Tông) lên thay. Không chống đỡ nổi cuộc tấn công của “giặc Cảo”, Trịnh Duy Sản phải đưa Vua chạy vào Thanh Hoá.
Sự lớn mạnh của khởi nghĩa Trần Cảo đã đe doạ nghiêm trọng sự tồn vong của triều đình Lê Sơ. Điều đáng nói là, khi quyền lực bị đe doạ, vua Lê đã huy động được một lực lượng đông đảo cận thần chiến đấu bảo vệ ngai vàng, nhưng khi đạt mục đích, chính vua lại là người làm mất đi những trợ thủ đắc lực ấy. Năm 1518, Chiêu Tông cho người giết Trần Chân. Việc làm đó không chỉ cắt mất chỗ dựa của vua, mà đã khiến nhiều quan lại, cận thần phải suy nghĩ về vận mệnh của mình. Sau cái chết của Trần Chân, kinh thành càng náo loạn bởi sự trả thù của các bộ tướng dưới quyền Trần Chân. Chiêu Tông bất lực, phải chuyển đến Bảo Châu (Từ Liêm) trông cậy vào Mạc Đăng Dung, bấy giờ đang là Trấn thủ Hải Dương.
Cũng thời gian trên, Trịnh Tuy cùng nhiều tướng lĩnh lập em trai Tĩnh Tu Công Lộc là Bảng lên làm vua. Được nửa năm lại đưa Lê Do lên, đóng triều đình ở Miêu Nha (Từ Liêm, Hà Nội). Trong khi đó, Chiêu Tông ở Bảo Châu yếu thế, bí mật cử người vào Thanh Hoa mời Nguyễn Hoằng Dụ ra ứng cứu. Quân Hoằng Dụ thất bại, thiệt hại nặng nề phải rút về Thanh Hoa, ít lâu sau qua đời. Uy tín và quyền lực của Mạc Đăng Dung ngày càng mạnh mẽ.
Năm 1519, Trịnh Tuy cùng Lê Do tiến công Bồ Đề, nơi Chiêu Tông đang đóng hành dinh. Quân Trịnh Tuy nhanh chóng bị đánh tan, buộc phải rút về Yên Lãng (Vĩnh Phúc). Tháng 7 năm 1519, Mạc Đăng Dung thống lĩnh quân thuỷ bộ phản công Lê Do ở Miêu Nha. Kết quả, Lê Do bị bắt, Trịnh Tuy chạy vào Thanh Hoa; Nguyễn Kính, Hoàng Duy Nhạc ra hàng được Mạc Đăng Dung thu nhận. Ngày 20 tháng 9 năm 1519, Chiêu Tông trở về Kinh sư. Tình trạng hỗn chiến tạm thời lắng xuống.
Như vậy, xã hội Đại Việt cuối thời Lê Sơ khủng hoảng sâu sắc, toàn diện. Giai cấp thống trị không còn đáp ứng được yêu cầu lịch sử. Sức mạnh tập quyền của chính quyền trung ương Lê Sơ suy yếu trầm trọng, vua chỉ còn là bù nhìn và bị điều khiển bởi các thế lực cát cứ. Trong các thế lực đó nổi lên gương mặt sáng giá nhất: Mạc Đăng Dung – người khai sáng ra một vương triều mới – Vương triều Mạc.
1.1.2. Sự thành lập Vương triều Mạc
Mạc Đăng Dung sinh giờ Ngọ, ngày 23 tháng 11 năm 1483, trong một gia đình nghèo, sống bằng nghề đánh cá và lái đò ở Cổ Trai, huyện Nghi Dương (xã Ngũ Đoan, Kiến Thuỵ, Hải Phòng). Nhưng dòng họ ông vốn là một thế gia vọng tộc ở Lũng Động, Chí Linh (Hải Dương). Ông là cháu đời 16 của Trạng nguyên Mạc Hiển Tích và cháu đời 7 của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Cả hai đều có nhiều đóng góp cho các triều đại phong kiến cũng như lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, càng về sau dòng họ này càng sa sút. Lúc thiếu thời Mạc Đăng Dung theo nghiệp văn, nhưng vì nhà bần bách, phải bỏ để làm nghề lái đò đánh cá sinh nhai. Ông học võ rất giỏi, lại sở trường môn vật và múa đao, có sức khoẻ hơn người. Đó là nền tảng quan trọng góp phần hình thành nhân cách và tác động không nhỏ đến sự nghiệp của Mạc Đăng Dung sau này.
Thời Lê Uy Mục tổ chức thi tuyển dũng sĩ, với sức khoẻ và bản lĩnh của người dân miền biển, Mạc Đăng Dung đã trúng Đô lực sĩ xuất thân, được sung vào đội quân Túc Vệ cầm dù theo vua. Đây là mốc mở đầu cho con đường công danh của Mạc Đăng Dung. Từ một người dân bình thường, trở thành lính Túc Vệ và cuối cùng thành một Hoàng đế, đó là cả quá trính gian khó. Để có được những bước tiến kỳ diệu ấy, ngoài tài năng về võ, chắc hẳn phải có tài trí, mưu lược cộng với chút may mắn do thời cuộc đưa lại. Trong trường hợp này, có thể nói Mạc Đăng Dung là “anh hùng lập thân trong thời loạn”.
Năm 1508, Mạc Đăng Dung được phong làm Đô chỉ huy sứ vệ Thần Vũ. Năm 1511, Ông được tiến phong tước Vũ Xuyên bá khi mới 29 tuổi. Tiếp đó, năm 1516, triều đình sai Đăng Dung làm trấn thủ Sơn Nam, gia phong chức phó tướng Tả đô đốc. Từ sự thăng tiến nhanh chóng của Mạc Đăng Dung cho thấy một điều: Mạc Đăng Dung là người có tài hoặc ít nhất cũng biết cách thu xếp để vun vén quyền lực cho mình.
Nhờ có công dẹp loạn trong triều, năm 1518, Mạc Đăng Dung được Vua thăng tước Vũ Xuyên hầu, điều ra trấn thủ Hải Dương. Đây là cơ hội ngàn vàng để ông chiêu tập lực lượng, chỉnh đốn quân ngũ. Không lâu sau, nhờ đánh bại Lê Do, Mạc Đăng Dung được phong làm Minh quận công. Với sự hỗ trợ và đề bạt của Phạm Gia Mô, năm 1520, Mạc Đăng Dung được giữ chức Tiết chế các doanh thủy lục quân 13 đạo. Từ đây, tất cả binh mã tinh nhuệ trong thiên hạ đều thuộc quyền Đăng Dung.
Ngoài ra, Mạc Đăng Dung còn có công đàn áp phong trào nông dân khởi nghĩa, trong đó có việc dập tắt cuộc khởi nghĩa Trần Cảo. Vì thế năm 1521, vua phong Mạc Đăng Dung làm Nhân quốc công, Tiết chế thập tam đạo thủy bộ chư dinh. Những chiến công trên khiến uy quyền của Mạc Đăng Dung càng mạnh, “lòng người ai cũng hướng về Mạc Đăng Dung”.
Như vậy, Mạc Đăng Dung sinh ra trong thời bình nhưng lớn lên trong thời loạn, Ông đã thích nghi trong bối cảnh xã hội đầy rối ren, phức tạp và từng bước thâu tóm quyền lực về dòng họ mình. Chỉ 13 năm (1508 – 1521), từ một lính Túc vệ, Mạc Đăng Dung đã vươn lên cấp cao trong tước bậc thời phong kiến. Dẫu là may mắn hay gặp thời thì cũng không thể phủ nhận tài năng và đóng góp của ông với triều đình và xã hội bấy giờ. Vậy nên hoàn toàn có cơ sở khi khẳng định rằng: sự xuất hiện của Mạc Đăng Dung đã đáp ứng được yêu cầu lịch sử đặt ra lúc bấy giờ, Mạc Đăng Dung lên ngôi “thay thế những vua Lợn, vua Quỷ… Sự thay thế đó là hợp lẽ Đời và Đạo” [40, tr.159].
Trước sự lớn mạnh của thế lực Mạc Đăng Dung, Vua và các cựu thần nhà Lê tỏ ra lo lắng, nhưng bất lực. Trên thực tế, thực lực và vây cánh của ông ngày càng lấn át, chi phối toàn bộ triều đình Lê Sơ.
Trước tình thế ngày một nguy cấp, nghe theo lời một số cận thần trung thành, đêm 27 tháng 7 năm 1522, Chiêu Tông rời Kinh thành hiệu triệu bốn phương hỏi tội Mạc Đăng Dung. Ngay ngày hôm sau, Mạc Đăng Dung sai Hoàng Duy Nhạc đem quân đuổi theo, trận chiến xảy ra, Hoàng Duy Nhạc tử trận. Trong tình huống Kinh thành trống vắng, vua không còn ở Kinh sư, Mạc Đăng Dung đã bàn với các đại thần tạm thời lập Hoàng đệ Xuân (Lê Cung Hoàng) làm vua. Ngày 1 tháng 8 năm 1522, Đăng Dung và một số triều thần nhà Lê cùng tôn Hoàng đệ Xuân lên ngôi Hoàng đế, đổi niên hiệu là Thống Nguyên năm thứ 1.
Trong khi đó, Chiêu Tông ở ngoài huy động sự trợ giúp của nhân dân và các cựu thần. Tuy nhiên, nhiều người từ chối, công khai quay sang giúp Đăng Dung. Chiêu Tông ngày càng mất đi nhiều chỗ dựa đắc lực, Trịnh Tuy bấy giờ đóng quân ở Thanh Hoa vốn là một lực lượng mạnh, cũng chần chừ trong việc ứng cứu vua, lại thêm việc bị kế ly gián nên đã ép Chiêu Tông vào Thanh Hoa và yêu cầu giải tán hết các đạo binh, “thế của vua Chiêu Tông ngày càng suy sụp, các cựu thần hết hi vọng vào việc vực dậy nhà Lê” [53, tr.421].
Bấy giờ, trong một nước có hai vua, vua Chiêu Tông ở Thanh Hoa đại diện cho lực lượng cựu thần nhà Lê do Trịnh Tuy cầm đầu; Cung Hoàng đế ngự tại dinh Bồ Đề, mọi việc do Mạc Đăng Dung sắp xếp và đối phó. Sau khi đàn áp một số lực lượng nổi dậy, thế lực Mạc Đăng Dung vô cùng mạnh mẽ, kiểm soát và làm chủ vùng Kinh Bắc, quan lại và quân dân đến quy phục ngày một đông.
Năm 1524, Mạc Đăng Dung tự thăng làm Bình Chương quân quốc trọng sự, Thái phó, Nhân Quốc Công. Tháng 10 năm 1525, Mạc Đăng Dung tiến đánh Trịnh Tuy ở đầu nguồn Thanh Hoa. Trịnh Tuy thất thế rồi qua đời, Chiêu Tông bị bắt giải về Kinh sư. Đến đây, ngọn cờ giúp vua của một số cựu thần nhà Lê đã mất đi chỗ dựa, Chiêu Tông bị bắt đã làm nản lòng những cận thần trung thành. Mọi quyền lực đều thuộc về Mạc Đăng Dung. Để tạo sự khách quan, Mạc Đăng Dung lui về Cổ Trai nhưng vẫn chế ngự triều chính. Trên thực tế, những gì Mạc Đăng Dung làm đã phủ nhận quyền lực của vua Lê và báo hiệu một sự thay thế đang đến gần, không gì ngăn được.
Ngày 18 tháng 12 năm 1526, Mạc Đăng Dung sai Phạm Kim Bảng bí mật giết Chiêu Tông. Tháng 4 năm 1527, Cung Hoàng sai đình thần cầm cờ tiết đem kim sách, áo mão thêu rồng đen, đai dát ngọc, kiệu tía, quạt vẽ, lọng tía đến Cổ Trai, tấn phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương, gia thêm cửu tích. Nghi thức Vua ban cho Mạc Đăng Dung thể hiện sự trọng đãi đặc biệt của người đứng đầu quốc gia với một đại thần có nhiều công lao như ông.
Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai trở lại Kinh sư trong sự đón tiếp của nhân dân và quan lại trong triều, “lúc này thần dân phần nhiều xu hướng về Đăng Dung, đều ra đón y về kinh đô” [27, tr.326]. Ngày 15 tháng 6, dưới sức ép của Mạc Đăng Dung, vua Cung Hoàng xuống chiếu nhường ngôi cho Mạc Đăng Dung: “Ta bạc đức nối ngôi, không thể gánh nổi. Mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái sư An Hưng vương Mạc Đăng Dung, là người tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước, trăm họ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều quy phục. Nay theo lẽ phải, nên nhường ngôi cho” [27, tr.327]. Mạc Đăng Dung lên ngôi một cách êm thấm mà không một cuộc đổ máu, tàn sát thảm khốc. Liền sau đó, Đăng Dung ban lệnh đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là năm Minh Đức 1; phế truất vua Cung Hoàng làm Cung Vương, giam cùng Thái hậu. Vài tháng sau Mạc Đăng Dung bắt cả hai phải tự tử.
Như vậy, trước sự sụp đổ không thể cứu vãn của nhà Lê Sơ, bằng tài năng và sự khôn khéo, Mạc Đăng Dung đã từng bước thu tóm quyền lực và đánh bại các thế lực đối lập, để cuối cùng xác lập một vương triều mới: Vương triều Mạc. Sự xuất hiện của Mạc Đăng Dung trên chính trường Việt Nam vào đầu thế kỷ XVI là một tất yếu. Dẫu sử sách phong kiến hay các quan điểm khắt khe có đánh giá Mạc Đăng Dung là kẻ tiếm ngôi, nghịch thần nhưng “Mạc Đăng Dung vẫn hiện ra như một người đã khai thông nút ách tắc của lịch sử vào đầu thế kỷ XVI, do đó ông xứng đáng được lịch sử ghi nhận” [40, tr.39].
1.2. Chính sách giáo dục, khoa cử thời Mạc
Mặc dù giành ngôi nhà Lê sau một cuộc đảo chính hoà bình, nhưng trong buổi đầu chính quyền còn trứng nước Mạc Đăng Dung chưa thể làm gì hay hơn là giữ nguyên và ổn định tình trạng hiện thời. Về điều này các sử gia nhà Lê cho biết: “Đăng Dung sợ lòng người nhớ vua cũ, để lâu lại sinh biến, nên phải tuân giữ pháp độ của triều Lê” [19, tr.110]. “Giữ pháp độ” ở đây có nghĩa là nhà Mạc vẫn xây dựng Nhà nước mới theo mô hình chế độ quân chủ tập trung thời Lê Sơ mà cơ sở của nó là đội ngũ Nho sĩ được đào tạo theo khuôn mẫu Nho giáo. Do đó, đứng trước yêu cầu xây dựng và củng cố chính quyền mới mà tầng lớp Nho sĩ quan liêu đóng vai trò nòng cốt, Vương triều Mạc đã đặc biệt đề cao giáo dục khoa cử, coi đó là Quốc sách hàng đầu. Và chính giáo dục khoa cử đã tạo ra cho nhà Mạc một đội ngũ trí thức trung thành, vừa mạnh cả về lượng vừa mạnh cả về chất. Có được kết quả đó là do chính sách giáo dục, khoa cử đúng đắn của Nhà nước. Chính sách đó gồm các nội dung chủ yếu sau:
1.2.1. Đề cao Nho giáo và Nho học
Thời Mạc, Nho giáo vẫn chiếm ưu thế trong Tam giáo và mặc dù không còn ở địa vị độc tôn như thời Lê Sơ, nhưng Nho giáo vẫn là hệ tư tưởng chính thống của Nhà nước. Nho giáo do vậy vẫn là tư tưởng chủ đạo của nền giáo dục đương thời. Sử cũ cho biết: “Tháng Giêng, mùa Xuân, năm Đinh Dậu… (1537) Đăng Doanh đến trường Thái học làm lễ Thích điện Tiên thánh Tiên sư” [27, tr.344]. Việc tôn thờ Khổng Tử – Ông Tổ Nho giáo và đích thân vua Mạc Đăng Doanh chủ trì nghi lễ cúng Tiên thánh Tiên sư chứng tỏ nhà Mạc thừa nhận Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống của Nhà nước, là công cụ đắc lực để nhà Mạc xây dựng và củng cố trật tự xã hội.
Nho giáo được tôn sùng thì Nho học được đề cao. Bài văn trên bia Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1529) khẳng định: “Vâng mệnh Hoàng đế, để chúc mừng nền Nho học… Những kẻ sĩ hào kiệt đều do khoa cử mà ra… nước Đại Việt ta vua hiền đức kế tiếp nhau trị vì đều lấy khoa mục làm bậc thang cho hào kiệt tiến lên… Bia này lập ở nhà Thái học… để nêu rõ lòng thành khuyến khích Nho học” [93, tr.33 – 34]. Đây có thể xem là lời tuyên ngôn về chính sách giáo dục và khuyến khích Nho học của nhà Mạc.
1.2.2. Đề cao người thầy và quan hệ thầy – trò
Thời Mạc người thầy và nghề dạy học được Nhà nước coi trọng và bảo vệ bằng những điều lệ cụ thể. Luật Hồng Đức Thiện Chính quy định học trò phải có bổn phận kính trọng thầy giáo “khi gặp phải kính cẩn, lễ phép, không được khinh nhờn ngạo mạn” [67, tr.443]. Nếu coi thường thầy, thì chẳng những “học nghiệp không thành” mà còn “bị khép vào tội bất kính” [67, tr.443], sẽ bị phạt bằng hình thức “roi vọt” và nộp tiền. Điều 13 trong Hồng Đức Thiện Chính thư quy định rõ: “Kẻ nào khinh nhờn với thầy thì bị phạt 50 quan tiền quý, kẻ nào đánh chửi thầy thì tiền phạt tăng thêm 15 quan, và phạt đánh 80 trượng” [67, tr.447]. Đây là mức phạt khá nặng, vì thời Mạc 1 mẫu ruộng giá 30 quan, mà ở đây mức phạt không kính thầy lên đến 50 quan, tính ra là gần 2 mẫu ruộng, đó là chưa kể người phạm tội còn bị đánh 80 trượng. Mức phạt trên cho thấy địa vị của thầy giáo trong xã hội cũng như sự nghiêm minh của luật pháp đương thời.
Không chỉ với thầy dạy, nếu học trò vô lễ, xúc phạm nhân phẩm những người thân trong gia đình thầy cũng bị luật pháp trị tội, tuy mức phạt có nhẹ hơn: “Phạm các tội kể trên đối với vợ thầy thì tiền phạt và số trượng bị đánh đều giảm đi một nửa, đối với vợ lẽ của thầy thì lại giảm đi một nửa nữa” [67, tr.447]. Điều 14 còn cho biết thêm, nếu “vợ con các học trò đánh chửi thầy học thì bị phạt tiền 10 quan, xử đánh 80 trượng, đánh chửi vợ thầy thì phạt tiền 5 quan, xử đánh 50 trượng” [67, tr.448]. Và để tỏ rõ sự nghiêm khắc, thì bản thân người học trò đó cũng phải chịu tội: “Kẻ đó (người học trò – TG chú thích) tuy đã làm thầy nhưng suốt đời không cho dạy học nữa” [67, tr.448].
Nghĩa thầy là một thứ tình cảm sâu nặng, thiêng liêng và cao cả; đòi hỏi người học trò phải luôn khắc ghi, bởi lẽ ơn dạy bảo của thầy giáo cũng như nghĩa sinh thành của cha mẹ. Vì thế nếu học trò quên công ơn thầy, pháp luật sẽ phạt “suốt đời không cho đi thi, không được ra làm quan, hoặc theo nghề dạy học” [67, tr.447]. Với người trí thức phong kiến, đi học dùi mài kinh sử là để ra làm quan “tiến vi quan”; không chí ít cũng lui về làm thầy dạy học “thoái vi sư”. Điều luật trên tỏ rõ tuy xã hội và Nhà nước trọng vọng kẻ sĩ, nhưng với những học trò bội ơn thầy thì luật pháp sẵn sàng cắt đứt con đường tiến thân cũng như vị trí của họ trong xã hội.
Nếu với các tội bất kính, xúc phạm thầy giáo học trò mới bị pháp luật phạt tiền và đánh để răn đe; và “nếu biết lỗi xin với thầy, mà thầy cho tạ lỗi thì cũng tha cho” [67, tr.448]; thì tội “thông dâm với vợ thầy” [17, tr.129] – một tội làm đảo lộn luân thường đạo lý, pháp luật không thể tha thứ mà quy vào tội nặng nhất và trừng trị ở mức cao nhất: “quyết phải khép vào tội chết” [17, tr.129]. Ngược lại, người vợ của thầy cũng không được pháp luật khoan hồng, mà “bị tội xuy năm chục, điền sản phải trả hết cho chồng. Chiếu luật thi hành, không tha thứ” [17, tr.129].
Có thể nói, thời Mạc người thầy luôn được Nhà nước đề cao. Địa vị cũng như quyền lợi của họ được pháp luật bảo vệ. Điều này cho thấy chính sách coi trọng trí thức của Vương triều Mạc.
1.2.3. Thu hút người tài bằng nhiều hình thức khác nhau
1.2.3.1. Trọng dụng trí thức của Vương triều cũ
Năm 1527, vừa giành chính quyền Mạc Đăng Dung đã sử dụng các cựu thần, Nho sĩ của nhà Lê, cho họ nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng. Mạc Đăng Dung sai người tìm kiếm “con cháu các vị công thần thế gia” [27, tr.329] của triều cũ để bổ dụng; đồng thời “phong tặng tất cả các vị tiết nghĩa cựu thần như bọn các ông Vũ Duệ, Đàm Thận Huy” [27, tr.329] của tiền triều.
Mặc dù đa số những người này vẫn nghi ngờ, chống đối hoặc trốn tránh; nhưng cũng có không ít quan lại, kể cả đại thần của triều Lê Sơ đã ra hợp tác và được triều Mạc trọng dụng. Chỉ một năm sau khi lên ngôi, vào tháng 2 năm 1528, Mạc Đăng Dung đã phong chức cho những người từng phục vụ nhà Lê hoặc đỗ đạt dưới triều Lê: “Tất cả có 56 người đều được thăng trật và phong tước theo thứ bậc khác nhau” [27, tr.330].
Cách làm của nhà Mạc không giống các triều đại trước và sau đó. Việc sử dụng đội ngũ quan lại, những người được đào tạo và đỗ đạt dưới triều đại cũ, cũng như việc trưng dụng con cháu họ tham gia vào chính quyền mới đã thể hiện sự khôn ngoan, mềm dẻo của Mạc Đăng Dung – ông vua đầu triều, để thu phục nhân tâm, tạo sự vững chãi cho vương triều mới trong buổi đầu còn trứng nước. Không những thế, việc làm đó còn cho thấy cách dùng người rất mới của họ Mạc: Cởi mở, không thành kiến, không phân biệt mà thực sự coi trọng nhân tài của đất nước như lời văn trên bia đề danh Tiến sĩ nhà Mạc dựng năm 1536: “Mở khoa thi để kén tài, là nề nếp trị vì của vua chúa; dùng người hiền không kể loại, là đường lối nhất quán xưa nay… Cách dùng người hiền không kể loại xưa đã có, nay há chẳng thấy sao?” [93, tr.46].
1.2.3.2. Nhanh chóng đào tạo trí thức mới
Khi nhà Mạc mới thành lập, tầng lớp quý tộc thuộc dòng dõi nhà Mạc chưa đóng vai trò gì trong bộ máy lãnh đạo nhà nước. Mạc Đăng Dung phải dựa vào những người bạn “thân tình” với mình và những quần thần cũ của triều Lê Sơ. Có thể nói là một dòng họ xuất thân bình dân, trong buổi đầu “nhà Mạc không hề có một hậu thuẫn ở những người giúp việc trung thành của dòng họ Mạc” [102, tr.37]; trong khi đó con cháu, quý tộc cũ của triều Lê thì ra sức chống lại. Vì thế, đi đôi với việc trọng dụng trí thức của vương triều cũ, nhà Mạc đã khẩn trương tổ chức giáo dục khoa cử để đào tạo cho mình một đội ngũ trí thức Nho học mới, trung thành phục vụ cho hoạt động của vương triều. Dù điều kiện chiến tranh, nhưng nhà Mạc đã “dùng văn giáo mà rèn luyện nhân tài, sửa trường học để mở rộng nền giáo dục, ban học quy để cổ vũ lòng hăng hái. Nhân văn được trau dồi, thi cử được đổi mới. Phàm những điều lệ về thi cử, ban ấn vinh theo cấp bậc, so với thời xưa đều rõ ràng và đầy đủ hơn nhiều” [93, tr.33]. Vì vậy trong 65 năm, nhà Mạc đã tổ chức được 22 khoa thi, lấy đỗ 484 Tiến sĩ với những trí thức tài danh, có nhiều đóng góp cho Vương triều Mạc và nền văn hoá Đại Việt thế kỷ XVI.
1.2.3.3. Ân điển rộng rãi
Nhà Mạc có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần rất lớn đối với hiền tài, đặc biệt là những người đỗ Tiến sĩ.
Ân điển vua Mạc ban cho các tân Tiến sĩ phong phú, từ lễ xướng danh, yết bảng, thưởng tiền đến lễ vinh quy bái tổ. Bài ký trên bia Tiến sĩ năm Minh Đức 3 (1529), khoa thi đầu tiên của vương triều này, cho biết: “Ngày 24, Hoàng thượng ngự điện Kính Thiên truyền loa xướng tên những người đỗ. Bộ Lại vâng ban ấn lệnh, bộ Lễ đem bảng vàng treo trước cửa nhà Thái học. Cùng ngày hôm đó lại ban cho tiền thưởng. Ngày 27 ban mũ đai, y phục nhiều hơn lệ thường. Ngày 28 cho ăn yến ở bộ Lễ. Ngày 7 tháng 3, cho vinh quy. Lại ban cho tiền theo thứ bậc. Ân đức thật rộng khắp” [93, tr.32 – 33].
Để khích lệ sĩ tử, đề cao khoa cử, nhà Mạc cũng noi theo nhà Lê cho dựng bia Tiến sĩ ở Văn Miếu. Nội dung văn bia tôn vinh những người đậu đạt trong kỳ thi do nhà Mạc tổ chức thể hiện khá rõ tinh thần trọng văn của triều đại này: “Bia này lập ở nhà Thái học không phải chỉ để nêu rõ lòng thành khuyến khích Nho học của Thánh thượng mà còn để vun trồng thế giáo, để khích lệ lòng người… và giúp cho học sinh… cảm kích, phấn khởi… cùng nối gót ra đời làm cho quốc gia mãi mãi thái bình, thịnh trị” [93, tr.34].
Được khắc tên vào bia đá lưu danh muôn đời ở Văn Miếu là ân điển cao quý nhất mà các triều đại phong kiến ban cho các bậc đại khoa. Triều Mạc không chỉ dựng bia, tôn vinh những Tiến sĩ triều đại mình, mà còn dựng bia khắc tên những Tiến sĩ triều đại trước chưa kịp dựng. Năm 1536, Mạc Đăng Doanh sai Thượng Thư bộ Lễ Nguyễn Trí Thái soạn văn bia ghi lại tình hình thi cử, tuyển dụng nhân tài trong khoa Mậu Dần (1518) niên hiệu Quang Thiệu 3 đời Lê Chiêu Tông và cho khắc tên những người đỗ khoa này vào bia đá dựng ở Văn Miếu. Tấm bia này hiện nay vẫn còn, trong bia Nguyễn Trí Thái đã khẳng định giá trị của việc làm tốt đẹp này: “Thánh triều ta,… thánh đế nối nhau…. Đặc biệt sai kiểm tra các bia đề tên Tiến sĩ của triều Lê trước, khoa nào đã có bia mà bị vỡ lở thì lập lại bia khác, khoa nào đáng ghi mà chưa có bia thì dựng bia mới. Lại sai bọn hiền thần chia nhau soạn các bài ký. Như thế là coi trọng những điều mà nền văn đáng trọng, làm đủ những việc mà đời trước chưa làm. Ý nghĩa thật là lớn lao” [93, tr.46 – 47].
Nhà Mạc đã tiếp nối được truyền thống dựng bia từ thời Lê Sơ. Rất tiếc về sau do chiến tranh liên miên, việc dựng bia không được tiến hành thường xuyên. Năm 1582, Đề điệu Quốc tử Thiếu bảo Thao Quận công Trần Thì Thầm đã dâng sớ tâu bày nên tiếp tục thực hiện thịnh điển dựng bia đá và ghi vào sổ vàng (Quế lục) tên những người thi đỗ: “Xin bệ hạ ra lệnh cho các vị triều thần bàn định, bắt đầu từ năm nay trở đi, mỗi khi mở khoa thi xong, liền sai bộ Công tạo bia đá, khắc tên các vị trúng tuyển; các vị văn thần thì soạn bài ký ca tụng, khắc luôn vào bia đá. Lại chiếu xét những khoa thi trước, khoa nào chưa có bia thì lập bia, hoặc còn thiếu sót thì điền bổ cho đầy đủ. Lại sai văn thần biên chép tất cả tên những người thi đỗ vào Quế tịch. Như vậy không những là mỹ quan một thời, mà còn để đời sau xem xét, những tên các vị khoa mục, sẽ lưu thơm tới ức nghìn vạn năm! Không chỉ là thịnh sự của các vị tấn thân, mà thực là một sự hiển vinh của quốc gia vậy. Văn hoá thịnh vượng, thế đạo thịnh vượng, thiên hạ thịnh vượng” [93, tr.426]. Theo tác giả Đại Việt Thông sử thì đề nghị của Trần Thì Thầm không được thực hiện vì “Mậu Hợp cho là hiện lúc này trong nước đang thời kỳ lắm việc, nên chưa thi hành” [27, tr.426]. Nhưng chúng ta thấy, có thể việc dựng bia Tiến sĩ không thực hiện được, vì hiện nay ở Văn Miếu chỉ còn lưu 3 tấm bia Tiến sĩ do triều Mạc dựng. Còn việc ghi tên vào sổ Quế tịch chắc hẳn đã được vua Mạc cho thực thi để ngày nay chúng ta biết được hành trạng của 484 Tiến sĩ đỗ đạt trong 22 khoa thi do triều Mạc tổ chức.
Bên cạnh những ân điển mang tính lễ nghi đã thành điển lệ, người đỗ Tiến sĩ còn được triều đình bổ dụng, ban phẩm trật theo thứ bậc: “Đệ nhất giáp Đệ nhất danh, hàm chánh lục phẩm, 8 tư; Đệ nhị danh, hàm tùng lục phẩm, 7 tư; Đệ tam danh, hàm chánh thất phẩm, 6 tư; Đệ nhị giáp, hàm tùng thất phẩm, 5 tư; Đệ tam giáp, hàm chánh bát phẩm, 4 tư. Vào Hàn Lâm Viện thì được hơn một cấp” [8, tr.11]. Từ đây các tân Tiến sĩ được gia nhập vào hàng ngũ quan lại, không chỉ đem tài năng phục vụ vương triều, phụng sự đất nước, thực hiện lý tưởng “thượng trí quân, hạ trạch dân” (trên giúp vua, dưới lo việc dân) của bản thân; mà còn làm rạng danh gia đình, dòng họ. Điều 37 trong Hồng Đức Thiện Chính cho biết những người thân của người đỗ đạt cũng được triều đình phong thưởng trọng hậu: “Nếu con đỗ đạt thì nên thưởng cho cha phẩm hàm để thiên hạ noi theo đạo cha con, một nhà vinh hiển” [67, tr.454].
Nhìn chung, các ân điển dành cho những người đỗ đạt và gia đình họ thể hiện sự quan tâm cũng như chính sách khuyến khích Nho học của nhà Mạc; đồng thời có tác dụng thúc đẩy học phong, vun trồng thế giáo. Cũng nhờ chính sách đó mà truyền thống khoa cử được tạo dựng từ các triều đại trước vẫn được tiếp nối, phát huy, hình thành nên những làng học, họ học, những gia đình khoa bảng. Về mặt này, giáo dục thời Mạc đã kế thừa và bồi đắp truyền thống hiếu học của dân tộc.
Tóm lại, nhà Mạc có nhiều biện pháp cụ thể để khuyến khích giáo dục khoa cử. Chính sách đó đã thúc đẩy giáo dục khoa cử triều Mạc phát triển, góp phần đào tạo một lực lượng trí thức hùng hậu giúp vương triều này xây dựng và phát triển đất nước.
* Tiểu kết chương 1
Như vậy, nhà Lê Sơ sau một trăm năm trị vì (1427 – 1527) đã mất quyền cai trị đất nước. Trải qua nhiều thăng trầm, nhà Lê Sơ đã có đóng góp lớn lao cho lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, những thành tựu ấy không đủ cứu vãn xã hội Đại Việt khỏi cơn khủng hoảng sâu sắc, toàn diện. Trước yêu cầu của lịch sử, bằng tài năng và sự khôn khéo, Mạc Đăng Dung đã thành công trong việc xác lập quyền cai trị của dòng họ mình: Vương triều Mạc.
Vương triều Mạc ra đời bắt tay vào xây dựng đất nước theo mô hình chế độ quân chủ tập trung mà cơ sở của nó là đội ngũ Nho sĩ được đào tạo theo khuôn mẫu Nho giáo. Do đó, Vương triều Mạc đã đặc biệt đề cao giáo dục khoa cử, coi đó là Quốc sách hàng đầu. Và chính giáo dục khoa cử đã tạo ra cho nhà Mạc một đội ngũ trí thức tài giỏi, trung thành, có nhiều đóng góp cho lịch sử vương triều nói riêng cũng như cho lịch sử dân tộc nói chung. Có được kết quả đó là do chính sách giáo dục, khoa cử đúng đắn của Nhà nước.
(Đón xem tiếp Chương II)
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.