- Đang online: 1
- Hôm qua: 808
- Tuần nay: 17252
- Tổng truy cập: 3,369,407
CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC CỦA NHÀ MẠC TRONG HỒNG ĐỨC THIỆN CHÍNH THƯ
- 173 lượt xem
CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC CỦA NHÀ MẠC TRONG
HỒNG ĐỨC THIỆN CHÍNH THƯ
Tô Ngọc Hằng – Đại học Vinh.
Năm 1527 thần dân trăm họ hướng về Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế, Vương triều Mạc chính thức được thiết lập. Trong 65 năm (1527-1592) tồn tại ở Thăng Long, Vương triều Mạc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: ổn định tình hình chính trị – xã hội, phát triển kinh tế – văn hoá…đặc biệt là giáo dục khoa cử. Chính giáo dục khoa cử đã tạo ra cho nhà Mạc một đội ngũ trí thức trung thành, vừa mạnh cả về lượng vừa mạnh cả về chất, “giúp việc giữ nước chống với nhà Lê, kéo dài đến hơn 60 năm” [1, 16]. Có được kết quả đó là do chính sách giáo dục đúng đắn của Nhà nước. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn ở việc tìm hiểu chính sách giáo dục của nhà Mạc trong Hồng Đức Thiện Chính thư.
1. Hồng Đức Thiện Chính thư là bộ luật thời Mạc.
Hồng Đức Thiện Chính thư nghĩa là sách ghi chép về những chính sách tốt thời Hồng Đức. Văn bản Hồng Đức Thiện Chính thư hiện còn không ghi cụ thể tên tác giả và niên đại biên soạn, do đó đã gây nên hiểu lầm nhất định. Có người cho rằng đây là bộ luật được biên soạn dưới thời Lê Thánh Tông. Bởi lẽ, sách gồm khoảng 80 điều mục lớn, ghi chép các lệ lệnh về ruộng đất, hôn nhân, quy chế để tang… được ban hành chủ yếu dưới thời Hồng Đức. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh được Hồng Đức Thiện Chính thư không phải là bộ luật được ban hành dưới thời Hồng Đức. Nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân khẳng định: “Hồng Đức Thiện Chính từng được coi là tập sách về luật lệ biên soạn dưới niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) thời Lê, nhưng thực tế nó được biên soạn vào thời Mạc” [5,13]. Trần Thị Kim Anh đã phân tích và đi đến kết luận: “Sách Hồng Đức Thiện Chính được biên soạn vào thời Mạc khoảng từ năm 1541 đến 1560” [4, 422]. Kết luận của Trần Thị Kim Anh cũng giống với nhận xét của luật sư Vũ Văn Mậu: “Chúng ta có thể chắc chắn rút bớt khoảng thời gian trong đó quyển Hồng Đức Thiện Chính được soạn ra xuống 20 năm từ 1541 đến 1560” [3, X]. Nhà nghiên cứu người Mỹ John Whitmore cũng khẳng định: “In this work, the Mac collected laws from Thanh Tong’s reign, while providing their own emphases (for example, focusing on land rather than proper relatioships). Though no introduction exists to the work, several new laws added in 1540 seem to indicate that it was compiled in that year.” [7, 124] (xin được tạm dịch là: Trong công trình này, nhà Mạc đã tập hợp/tổng kết luật pháp từ triều đại Lê Thánh Tông, tuy nhiên vẫn có những điểm nhấn của riêng mình (chẳng hạn, chú trọng việc đất đai hơn là chú trọng các mối quan hệ riêng biệt). Mặc dù không có các tài liệu giới thiệu về công trình này nhưng một số điều luật mới được bổ sung vào năm 1540, dường như đã cho thấy rằng công trình được biên soạn vào năm đó.) Những nhận xét của các nhà nghiên cứu trên hoàn toàn có cơ sở khoa học. Chúng tôi đồng tình với những nhận xét trên. Bởi vì ngoài một số điều luật được ban hành dưới thời Hồng Đức còn có một số điều luật được ban hành trước và sau niên đại này. Đó là các niên hiệu Quang Thuận (1460 – 1469) đời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Thuận (1510 – 1516) đời vua Lê Tương Dực, niên hiệu Quang Thiệu (1516 – 1526) đời vua Lê Chiêu Tông; đặc biệt có hai niên đại của nhà Mạc là niên hiệu Đại Chính (1530 – 1540) đời Mạc Đăng Doanh, niên hiệu Quảng Hòa (1541 – 1546) đời Mạc Phúc Hải nhưng lại không có niên hiệu của nhà Lê trung hưng. Chúng ta phải giải thích điều này như thế nào?
Chúng ta biết rằng, năm 1527 mặc dù giành ngôi nhà Lê sau một cuộc đảo chính êm thấm; nhưng trong buổi đầu chính quyền còn trứng nước, Mạc Đăng Dung chưa thể làm gì hay hơn là giữ nguyên và ổn định tình trạng hiện thời. Về điều này các sử gia nhà Lê cho biết “Đăng Dung sợ lòng người nhớ vua cũ, để lâu lại sinh biến, nên phải tuân giữ pháp độ của triều Lê…”[3, 110]. Và trên thực tế, Mạc Đăng Dung không cần thiết phải thay đổi hệ thống luật pháp vốn đã khá hoàn chỉnh dưới thời Lê sơ, nhất là những luật lệnh điều chỉnh hữu hiệu các vấn đề về tổ chức nhà nước cũng như xã hội, rất có lợi cho việc tập trung quyền lực vào tay vua (điều Mạc Đăng Dung cần lúc đó) được ban hành dưới thời Hồng Đức – một thời được xem là “thiện chính”. Hơn thế, các vua Mạc sau đó đã kế thừa các điều luật còn phù hợp của nhà Lê sơ để sử dụng khi chưa xây dựng được cho mình một bộ luật riêng. Chúng ta có thể thấy điều đó qua đoạn trích sau: “Ngày 14 tháng 3 niên hiệu Đại Chính thứ 11 (1540), thần vâng thấy Nhất phủ Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu Thẩm đoán tụng Thiếu sự Liêm Quận công Mạc Ninh Bang vâng khảo cứu điều lệnh của tiền triều gồm bốn điều” [4, 428]. Do đó, việc nhà Mạc cho tập hợp các điều luật còn phù hợp được ban hành dưới thời Lê sơ, làm thành bộ luật phục vụ cho vương triều của mình là điều có thể hình dung được. Có thể nói đó cũng là một sự ứng xử thích hợp của vua Mạc Đăng Dung và các vua kế vị.
Mặt khác năm 1533, với sự giúp đỡ của Quốc vương Ai Lao (Sạ Đẩu), ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc” được Nguyễn Kim kéo lên trên đất Sầm Nưa, đưa đến sự hình thành một cục diện mới: Cục diện Nam – Bắc triều được xác lập. Từ đây mỗi bên thiết lập một triều đình riêng với niên hiệu riêng. Hồng Đức Thiện Chính thư chỉ ghi chép các luật lệnh của nhà Lê sơ cũng như hai niên hiệu Đại Chính, Quảng Hòa nhà Mạc; mà không hề đề cập tới các niên hiệu của nhà Lê Trung Hưng. Điều đó cho thấy sách được biên soạn trong vùng nhà Mạc quản lý, với khuôn thời gian dưới đời vua Mạc Phúc Hải (1541 -1546), hoặc đời vua Mạc Phúc Nguyên (1546 – 1564) hay Mạc Mậu Hợp (1564 – 1592).
Về đời vua Mạc Mậu Hợp có thể loại trừ, vì Hồng Đức Thiện Chính thư không ghi một niên đại nào của Mạc Mậu Hợp. Đồng thời, căn cứ vào lời của quan Trung Trinh đại phu Thanh hình Hiến sát sứ đạo Kinh Bắc là Nguyễn Như Cương tâu vào “ngày mùng 8 tháng 10 năm Quảng Hòa thứ 3 (1543)” [4, 430], chúng ta càng có thể chắc rằng Hồng Đức Thiện Chính thư được biên soạn trong khoảng thời gian từ năm 1541 đến 1564.
Hơn nữa 1592, sau khi nhà Mạc thất bại phải rút khỏi kinh thành Thăng Long, chính quyền Lê -Trịnh đã tìm mọi cách thiêu huỷ tất cả những di sản của nhà Mạc. Bởi vậy cuốn sách này không thể ghi là “Đại Chính thiện chính” hoặc “Quảng Hoà thiện chính” mà phải “nguỵ trang” thành một cuốn sách của thời Hồng Đức.
Tóm lại, từ những phân tích trên chúng ta có thể đi đến kết luận: Hồng Đức Thiện Chính thư là tác phẩm được biên soạn dưới thời Mạc, trong khoảng thời gian từ 1541 đến 1564, nhằm ghi chép và bổ sung vào các điều luật tiêu biểu có từ thời Hồng Đức làm thành bộ luật phục vụ cho vương triều này.
2. Chính sách giáo dục của nhà Mạc trong Hồng Đức Thiện Chính thư.
Chính sách giáo dục của nhà Mạc được đề cập đến trong Hồng Đức Thiện Chính thư gồm các nội dung chủ yếu sau:
2.1. Bổn phận của học trò.
Thời Mạc người thầy và nghề dạy học được Nhà nước bảo vệ bằng những điều lệ cụ thể. Luật Hồng Đức Thiện Chính quy định học trò phải có bổn phận kính trọng thầy giáo “khi gặp phải kính cẩn, lễ phép, không được khinh nhờn ngạo mạn” [4, 443]. Nếu coi thường không tôn kính thầy, thì chẳng những “học nghiệp không thành” mà còn “bị khép vào tội bất kính” [4, 443], sẽ bị xử phạt bằng hình thức “roi vọt” và nộp tiền. Điều 13 trong Hồng Đức Thiện Chính thư quy định rõ: “Kẻ nào khinh nhờn với thầy thì bị phạt 50 quan tiền quý, kẻ nào đánh chửi thầy thì tiền phạt tăng thêm 15 quan, và phạt đánh 80 trượng” [4, 447]. Đây là mức phạt khá nặng, vì thời Mạc 1 mẫu ruộng giá 30 quan, mà ở đây mức phạt không kính thầy lên đến 50 quan, tính ra là gần 2 mẫu ruộng, đó là chưa kể người phạm tội còn bị đánh 80 trượng. Mức phạt trên cho thấy địa vị của thầy giáo trong xã hội cũng như sự nghiêm minh của luật pháp đương thời.
Không chỉ với thầy dạy, nếu học trò vô lễ, xúc phạm nhân phẩm những người thân trong gia đình thầy cũng bị luật pháp trị tội, tuy mức phạt có nhẹ hơn: “Phạm các tội kể trên đối với vợ thầy thì tiền phạt và số trượng bị đánh đều giảm đi một nửa, đối với vợ lẽ của thầy thì lại giảm đi một nửa nữa” [4, 447]. Điều 14 còn cho biết thêm, nếu “vợ con các học trò đánh chửi thầy học thì bị phạt tiền 10 quan, xử đánh 80 trượng, đánh chửi vợ thầy thì phạt tiền 5 quan, xử đánh 50 trượng” [4, 448]. Và để tỏ rõ sự nghiêm khắc, thì bản thân người học trò đó cũng phải chịu tội: “Kẻ đó (người học trò – TG chú thích) tuy đã làm thầy nhưng suốt đời không cho dạy học nữa” [4, 448].
Nghĩa thầy là một thứ tình cảm sâu nặng, thiêng liêng và cao cả; đòi hỏi người học trò phải luôn khắc ghi, bởi lẽ ơn dạy bảo của thầy giáo cũng như nghĩa sinh thành của cha mẹ. Vì thế nếu học trò quên công ơn thầy, pháp luật sẽ phạt “suốt đời không cho đi thi, không được ra làm quan, hoặc theo nghề dạy học” [4, 447]. Với người trí thức phong kiến, đi học dùi mài kinh sử là để ra làm quan “tiến vi quan”; không chí ít cũng lui về làm thầy dạy học “thoái vi sư”. Điều luật trên tỏ rõ tuy xã hội và nhà nước trọng vọng kẻ sĩ, nhưng với những học trò bội ơn thầy thì luật pháp sẵn sàng cắt đứt con đường tiến thân cũng như vị trí của họ trong xã hội.
Nếu với các tội bất kính, vi phạm nhân phẩm thầy giáo học trò mới bị pháp luật phạt tiền và đánh để răn đe; và “nếu biết lỗi xin với thầy, mà thầy cho tạ lỗi thì cũng tha cho” [4, 448]; thì tội “thông dâm với vợ thầy” [2, 129] – một tội làm đảo lộn luân thường đạo lý, pháp luật không thể tha thứ mà quy vào tội nặng nhất và trừng trị ở mức cao nhất: “quyết phải khép vào tội chết” [2, 129]. Ngược lại, người vợ của thầy cũng không được pháp luật khoan hồng, mà “bị tội xuy năm chục, điền sản phải trả hết cho chồng. Chiếu luật thi hành, không tha thứ” [2, 129].
Có thể nói, thời Mạc người thầy luôn luôn được Nhà nước đề cao. Địa vị cũng như quyền lợi của họ được pháp luật bảo vệ. Điều này cho ta thấy chính sách coi trọng tri thức của Vương triều Mạc.
2.2. Tư cách đạo đức thí sinh.
Một trong những mục đích quan trọng của khoa cử thời Mạc là tuyển chọn người tài đức ra làm quan, phục vụ vương triều. Do đó, việc xem xét tư cách đạo đức học trò trước khi thi là yêu cầu đầu tiên.
Để đủ điều kiện dự thi Hương, học trò phải được các xã trưởng “bảo kết” về tư cách đạo đức và phải nộp giấy “thông căn cước sắc” khai rõ lý lịch ba đời, không được giả mạo. Nếu “ai khai mạo họ để thi, hay là để bổ quan chức, sẽ bị khép vào tội làm mất tổ tôn (như họ Nguyễn mà khai họ Lê)” [2, 65]. Quy định này cho thấy thể lệ thi cử rất chặt chẽ, nó hạn chế được hiện tượng gian lận trong thi cử; cũng như giúp cho nhà nước chọn được những người có phẩm hạnh.
Còn với Giám sinh Quốc Tử Giám, nhà Mạc có hẳn một điều luật riêng. Giám sinh là hạt giống Nhà nước ươm mầm để trong tương lai trở thành những người giúp việc trung thành, phục vụ đắc lực cho bộ máy quản lý xã hội. Họ được đào luyện dưới trường Quốc học có chất lượng cao, với những người thầy tài giỏi, đức hạnh, mô phạm; đồng thời được hưởng những ưu đãi đặc biệt của Nhà nước. Do đó, yêu cầu của Nhà nước đối với các Giám sinh về trình độ học vấn, nhất là tư cách đạo đức cũng cao hơn so với học trò ở địa phương, trường làng. Một khi họ làm những điều sai trái vi phạm quy định như phóng đãng, cờ bạc thì sẽ bị phạt rất nặng “ba khoa không được đi thi, không được bổ dụng” [4, 447]. Nếu không biết sửa chữa, mà còn tái phạm thì mức phạt sẽ càng nặng hơn, có thể bị tội đồ thậm chí bị lưu đày: “Nếu ai tái phạm thì tăng thêm một mức để trị tội. Đối với mức không cho dự thi thì tăng thêm một mức xử tội đồ ba năm, đối với mức không bổ dụng thì gia thêm một mức, lưu đày đi châu xa ba năm” [4, 447]. Nhờ định lệ này, học trò trường Giám luôn lo tu dưỡng đạo đức, chăm chỉ học hành; chất lượng trường Quốc học vì thế được nâng lên một bước.
Ngay cả những người đã đỗ Sinh đồ trong các kỳ thi Hương, luật nhà Mạc cũng quy định chặt chẽ: “Là Sinh đồ là đã đỗ đạt khoa trường phải giữ lễ nghĩa, biết liêm sỉ, không được càn rỡ làm điều sai trái không đúng luật pháp” [4, 447]; Và nếu vi phạm họ cũng sẽ “bị xử theo pháp luật” [4, 447], không có bất cứ một đặc ân nào.
Với những quy lệ chặt chẽ về tư cách đạo đức thí sinh nói trên, giáo dục nhà Mạc đã chọn lựa và đào tạo được một đội ngũ trí thức có học hạnh, bổ sung vào bộ máy nhà nước.
2.3. Chính sách đãi ngộ.
Nhà Mạc có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần rất lớn đối với hiền tài, đặc biệt là những người đỗ Tiến sĩ. Sau khi thi đậu, các tân Tiến sĩ được gia nhập vào hàng ngũ quan lại, không chỉ đem tài năng phụng sự đất nước, thực hiện lý tưởng “thượng trí quân, hạ trạch dân” (nghĩa là trên giúp vua, dưới lo việc dân) của bản thân; mà còn làm rạng danh gia đình, dòng họ. Điều 37 trong Hồng Đức Thiện Chính cho biết những người thân của người đỗ đạt cũng được triều đình phong thưởng trọng hậu: “Nếu con đỗ đạt thì nên thưởng cho cha phẩm hàm để thiên hạ noi theo đạo cha con, một nhà vinh hiển” [4, 454].
Nhìn chung, các ân điển dành cho những người đỗ đạt và gia đình họ thể hiện sự quan tâm cũng như chính sách khuyến khích Nho học của nhà Mạc; đồng thời có tác dụng thúc đẩy học phong, vun trồng thế giáo. Cũng nhờ chính sách đó mà truyền thống khoa cử được tạo dựng từ các triều đại trước vẫn được tiếp nối, hình thành nên những làng học, họ học, những gia đình khoa bảng. Theo thống kê của Nguyễn Quang Hà “dưới thời Mạc có 83 gia đình đã từng có 2 người đỗ tiến sĩ, 24 trường hợp gia đình có 3 người đỗ tiến sĩ, 11 trường hợp gia đình có 4 người đỗ tiến sĩ, 3 trường hợp gia đình có 5 người đỗ tiến sĩ, 1 trường hợp trong gia đình từng có 9 người đỗ” [5, 279]. Về mặt này, giáo dục thời Mạc đã kế thừa và bồi đắp truyền thống hiếu học của dân tộc.
3. Kết luận
Nói tóm lại, Hồng Đức Thiện Chính thư là một bộ luật được ban hành và thực thi dưới triều Mạc. Qua Hồng Đức Thiện Chính thư, chúng ta thấy chính sách giáo dục của nhà Mạc đã được cụ thể hoá bằng pháp luật. Trong đó địa vị người thầy được nâng cao, đạo đức học trò được coi trọng, ân điển rộng khắp. Đây cũng là một lý do giải thích tại sao thời Mạc giáo dục khoa cử phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Phan Huy Chú (1961), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 3, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội.
- Đại học viện Sài Gòn- Trường Luật khoa Đại học (1959), Hồng Đức Thiện chính thư, Nam Hà ấn quán, Sài Gòn.
- Hoàng Văn Lâu – Ngô Thế Long dịch và chú thích (1998), Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 3, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Nguyễn Ngọc Nhuận (chủ biên) (2006), Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, tập 1 (từ thế kỷ XV đến XVIII), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Đinh Khắc Thuân (2001), Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội.
- Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội – Văn phòng BCĐ Quốc gia 1000 năm Thăng Long – Hội Sử học Hà Nội (2010), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam, Tài liệu lưu hành tại hội thảo.
- Keith Weller Taylor, John K.Whitmore (1995), Essay into Vietnamese pass, SEAP, Publication.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.