- Đang online: 1
- Hôm qua: 665
- Tuần nay: 12044
- Tổng truy cập: 3,377,721
BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ 4 VỆ QUÂN TRIỀU MẠC (1527 )
- 452 lượt xem
BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU VỀ 4 VỆ QUÂN TRIỀU MẠC
(1527-1592)
Hà Duy Biển*
Tháng 6 năm Đinh hợi 1527, Thái sư, tiết chế các doanh quân thuỷ bộ An Hưng vương Mạc Đăng Dung lên ngôi, lập ra nhà Mạc. Triều Mạc tồn tại từ 1527 đến 1592 (ở Đông Kinh) và kéo dài thêm từ 1592 đến 1677 (ở Cao Bằng), trải qua 10 đời vua Mạc.
Ra đời trong bối cảnh chính trị không thuận lợi, tình hình kinh tế – xã hội đã rệu rã hàng chục năm, với uy tín lớn lao khó vượt qua nổi của sự khai sinh triều Lê Sơ hơn một thế kỷ trước, nhà Mạc phải tính toán những bước đi phù hợp để xây dựng vương triều mới. Ban đầu, triều Mạc “tuân giữ pháp độ của triều Lê, không dám thay đổi, phủ dụ thần dân, trấn áp lòng người, (..) tìm con cháu các nhà thế gia công thần”[1] mong tạo nên một sự ổn định nhanh chóng trong đời sống chính trị – xã hội, là điều kiện cần thiết để duy trì và củng cố, cũng như phát triển chính quyền mới.
Tháng 2 năm Mậu Tý 1528, Mạc Đăng Dung thăng trật, ban tước cho 56 công thần. Trong đó có Phò mã đô uý Thái bảo Nguyễn Quốc Hiến (đổi thành Mạc Quốc Hiến), Thái sư Mạc Quốc Trinh, Tả đô đốc Mạc Đình Khoa, Thiếu bảo Nguyễn Thì Ung,…[2] Qua đợt củng cố chính quyền này, có thể thấy Mạc Đăng Dung vẫn duy trì hệ thống quan chức của vương triều Mạc như triều Lê Sơ. Quan chức triều Mạc vẫn gồm 2 ban văn võ, các chức quan và ty hiệu vẫn không có thay đổi đáng kể. Cơ cấu quan chức cao cấp triều Mạc vẫn gồm Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo), Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo), ban võ thì có Tả đô đốc, Đô chỉ huy sứ, Đô chỉ huy thiêm sự…
Tháng 10 năm Mậu tý 1528, Mạc Đăng Dung cử Thái bảo Mạc Quốc Hiến cùng triều thần bàn định thay đổi về binh chế, điền chế và lộc chế, với mục đích xây dựng một loạt chính sách lớn về chế độ binh bị, ruộng đất, quan chức, hành chính… Từ đây, quân đội triều Mạc bắt đầu có những sự thay đổi đáng kể, so với quân đội triều Lê Sơ trước đó.
Về 4 vệ quân, các bộ sử đều chép thống nhất việc nhà Mạc “đặt bốn vệ Hưng Quốc, Chiêu Vũ, Cẩm Y, Kim Ngô, 5 phủ, các vệ sở trong ngoài, các ty sở thuộc, hiệu ty, tên quan và số lại viên, số người, số lính của nha môn, phỏng theo quan chế triều trước, y lệ mà biên chế bổ sung”[3]. Như vậy, nhà Mạc đặt 4 vệ quân thống lĩnh Cấm quân của triều đình, gồm:
Vệ Hưng Quốc: binh lính lấy từ xứ Hải Dương.
Vệ Cẩm Y: binh lính lấy từ xứ Sơn Tây.
Vệ Kim Ngô: binh lính lấy từ xứ Kinh Bắc.
Vệ Chiêu Vũ: binh lính lấy từ xứ Sơn Nam.
Mỗi vệ đặt 1 viên thư ký, tuyển chọn trong hạng ký lục xuất thân, ngang với việc bổ các chức thủ lĩnh mục dân. Quân trong các vệ được phân bổ thành các ty. Mỗi ty đặt 1 viên Chỉ huy sứ, 1 viên Chỉ huy đồng tri, 1 viên Chỉ huy thiêm sự, 10 viên Trung hiệu, 1.100 Trung sĩ, chia thành 22 phiên để túc trực. Viên trung sĩ nào có công lao thì được thăng bổ lên các chức thiên hộ, thống chế, quản lĩnh, trung uý. Các trung sĩ theo lệ chia phiên, mỗi phiên chia thành 5 giáp, mỗi giáp đặt 1 viên giáp thủ[4]. Các tác giả Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho rằng mọi quy chế đặt ra bấy giờ cũng là dựa trên điển lệ đời Hồng Đức (1470-1497), nhưng cũng phải chua thêm rằng “những phủ, vệ và ti do Mạc Đăng Dung đặt thêm, không rõ số mục là bao nhiêu”[5].
Trước đó, năm Hồng Đức nguyên niên (1470), Lê Thánh Tông bắt đầu đặt 2 vệ Cẩm Y và Kim Ngô. Các tác giả Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng cho rằng “Đăng Dung lại đặt thêm vệ Hưng Quốc và vệ Chiêu Vũ, cộng với hai vệ Cẩm Y, Kim Ngô đã đặt từ trước, thành bốn vệ”[6]. Như vậy, có thể giả định rằng Mạc Đăng Dung đã dựa trên mô hình tổ chức quân đội của nhà Lê Sơ để tổ chức quân đội của vương triều do ông gây dựng. Từ 2 vệ Cẩm Y và Kim Ngô của quân đội triều Lê Sơ, Mạc Đăng Dung đặt thêm 2 vệ Hưng Quốc và Chiêu Vũ, tổ chức lại Cấm quân thành 4 vệ với những quy cách mới!
Theo đó, Cấm quân nhà Mạc được tổ chức gồm 4 vệ: Cẩm Y, Kim Ngô, Hưng Quốc và Chiêu Vũ. Trong đó, vệ Cẩm Y lấy quân từ xứ Sơn Tây. Vệ Kim Ngô lấy quân từ xứ Kinh Bắc. Vệ Hưng Quốc lấy quân từ xứ Hải Dương. Vệ Chiêu Vũ lấy quân từ xứ Sơn Nam. (Vấn đề mối quan hệ giữa 4 vệ quân với những vùng đất mà các Vệ này tuyển quân, cũng như những hệ quả của chúng, là nội dung đáng chú ý trong nghiên cứu về thời kỳ này, sẽ được chúng tôi bàn đến trong một bài viết khác!).
4 vệ quân được tổ chức bao gồm các Ty. Mỗi ty có 1.100 viên trung sĩ. Trong sớ bàn về việc phép cấp lộc điền cho hiệu sĩ của Mạc Ninh Bang vào năm Quý Mão 1543 có nhắc đến Trung sĩ như là thành phần cơ bản của quân đội nhà Mạc[7]. Đại Việt thông sử còn ghi rằng viên trung sĩ nào có công sẽ được thăng bổ các chức Thiên hộ, Thống chế, Quản lĩnh và Trung uý[8].
Như vậy, có thể nhận định rằng cả 4 vệ Cẩm Y, Kim Ngô, Chiêu Vũ và Hưng Quốc được chia thành các Ty (tuy rằng các nghiên cứu hiện nay vẫn chưa cho biết được mỗi Vệ chia thành bao nhiêu Ty). Mỗi ty gồm 1 viên Chỉ huy sứ, 1 viên Chỉ huy đồng tri, 1 viên Chỉ huy thiêm sự, 10 viên Trung hiệu, 1.100 Trung sĩ, tức là mỗi ty có quân số 1.230 người. Theo quy định thời Hồng Đức, mỗi ty Cấm quân gồm 100 người, mỗi sở Thiên hộ của các Đô ty gồm 1.120 người. Như vậy, so sánh quân số các Ty của thời Mạc và thời Lê Thánh Tông cho thấy có sự khác biệt đáng kể.
Trong mỗi ty, 1.100 trung sĩ lại được chia thành 22 phiên, mỗi phiên 50 người. Mỗi phiên chia thành 5 giáp, mỗi giáp 10 người, có 1 người làm Giáp thủ.
Trong cuộc chống đối của Lê Bá Ly, diễn ra vào năm Canh Tuất 1550 – Tân Hợi 1551, khi Lê Bá Ly bị vây ở trại Hồng Mai, “Vạn An hầu, Văn Phái hầu (Nguyễn Quyện) và Tả Ngự hầu mỗi người mang 3000 cấm binh tới hộ vệ”[9]. Sau đó, Lê Bá Ly “đem 1 vạn 4 nghìn quân các đạo Tây Nam cùng với Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện và con trai là Khắc Đôn, Khắc Thận, tới bái yết nơi cửa khuyết [vua Lê – HDB]”[10]. Ít lâu sau, “tướng Tây đạo là Thái uý Đoan quốc công Nguyễn Khải Khang (…) cũng dẫn 3000 quân dưới trướng quy thuận [vua Lê – HDB]”[11]. Tư liệu cho biết Vạn An hầu, Văn Phái hầu và Tả Ngự hầu đều nắm giữ các vệ quân thuộc Cấm binh. Những chi tiết trên cho thấy, kế thừa mô hình tổ chức quân đội mang tính “điển lễ” của thời Hồng Đức (1470-1497) – vốn có lực lượng Cấm quân rất đông đảo, theo tính toán từ mô hình tổ chức có thể lên tới 45.400 quân[12] – với những thay đổi nhất định, quân số mỗi Vệ quân trong tổ chức 4 Vệ quân thời Mạc hẳn cũng không vượt xa con số 3000 quân – là số quân mà các võ quan nhà Mạc nắm giữ các vệ Kim Ngô, Cẩm Y và Phù Nam đã dùng đến trong trường hợp đặc biệt nguy cấp là giải cứu Thái tể Lê Bá Ly và chống lại vua Mạc Phúc Nguyên!
Có thể “mô hình hoá” tổ chức 4 vệ quân thời Mạc như sau:
Sơ đồ tổ chức 4 vệ quân thời Mạc
Vệ |
Cẩm Y: Quân trấn giữ xứ Sơn Tây Kim Ngô: Quân trấn giữ xứ Kinh Bắc Hưng Quốc: Quân trấn giữ xứ Hải Dương Chiêu Vũ: Quân trấn giữ xứ Sơn Nam |
Ty |
1 Chỉ huy sứ, 1 Chỉ huy đồng tri, 1 Chỉ huy thiêm sự, 10 Trung hiệu, 1.100 trung sĩ chia thành 22 phiên (Tổng cộng là 1.203 người) |
Phiên |
50 người, chia thành 5 Giáp |
Giáp |
10 người, có 1 Giáp thủ đứng đầu |
4 vệ quân thường xuyên được nhắc đến trong các hoạt động quân sự và tổ chức quân đội thời Mạc. Tuy nhiên, ngoài đoạn ghi chép khá rõ ràng và thống nhất trong Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử và Khâm định Việt sử thông giám cương mục về việc Mạc Đăng Dung tổ chức 4 vệ quân Kim Ngô, Cẩm Y, Chiêu Vũ và Hưng Quốc năm Mậu tý 1528, trong suốt một thời gian dài không thấy các bộ sử ghi chép về sự thay đổi tổ chức 4 vệ quân này. Mặt khác, 4 vệ quân (Kim Ngô, Cẩm Y, Chiêu Vũ, Hưng Quốc) đã không được ghi chép đầy đủ trong các hoạt động quân sự suốt thời gian sau đó, đồng thời lại có sự xuất hiện của một nhóm các vệ quân khác.
THỐNG KÊ SỰ XUẤT HIỆN CỦA CÁC VỆ QUÂN THỜI MẠC
Stt |
Thời gian |
Tên Vệ quân |
Số trang |
Ghi chú |
1 |
Mậu Tý 1528 |
Hưng Quốc, Chiêu Vũ, Cẩm Y, Kim Ngô |
[TT3; 112] [ĐVTS; 268] [CM2; 102] |
Mạc Đăng Dung quy định lại binh chế,… đặt 4 vệ Hưng Quốc, Chiêu Vũ, Cẩm Y, Kim Ngô |
2 |
Kỷ Dậu 1549 |
Kim Ngô |
[ĐVTS; 289] |
Vạn An Hầu, cháu Lê Bá Ly, giữ chức Chưởng Kim Ngô vệ sự |
3 |
Kỷ Dậu 1549 |
Phù Nam |
[ĐVTS; 289] |
Văn Phái hầu Nguyễn Quyện giữ vệ Phù Nam |
4 |
Kỷ Dậu 1549 |
Cẩm Y |
[ĐVTS; 289] |
Tả Ngự hầu, con rể Lê Bá Ly, giữ vệ Cẩm Y |
5 |
Canh Tuất 1550 |
Phù Nam |
[CM2;128-129] |
Văn Phái hầu Nguyễn Quyện giữ vệ Phù Nam |
6 |
Nhâm Tuất 1562 |
Triều Đông |
[TT3; 135] |
Mạc Mậu Hợp phong Hoa quận công làm Chưởng Triều Đông vệ |
7 |
Nhâm Tuất 1562 |
Phù Tây |
[TT3; 135] |
Mạc Mậu Hợp phong Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn làm Chưởng Phù Tây vệ |
8 |
Nhâm Tuất 1562 |
Phù Nam |
[TT3; 135] |
Mạc Mậu Hợp phong Thạch quận công Nguyễn Quyện làm Chưởng Phù Nam vệ |
9 |
Nhâm Tuất 1562 |
An Bắc |
[TT3; 135] |
Mạc Mậu Hợp phong Phò mã tông chính Thái bảo Ninh quốc công làm Chưởng An Bắc vệ |
10 |
Canh Ngọ 1570 |
Triều Đông |
[ĐVTS; 316-317] |
Các tôn vương họ Mạc thống lĩnh quân vệ Triều Đông.. |
(Chú thích:
[TT3; 112]: Đại Việt sử ký toàn thư (bản in Nội các quan bản – Mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697)), tập III (Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính), Nxb KHXH, Hà Nội, 1998, tr.112
[ĐVTS; 268]: Lê Quý Đôn toàn tập, Tập III: Đại Việt thông sử (Ngô Thế Long dịch, Văn Tân hiệu đính và giới thiệu), Nxb KHXH, Hà Nội, 1978, tr.268
[CM2; 102]: Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1998, tr.102)
Kết quả thống kê trên cho thấy rất có thể trong điều kiện chiến tranh liên miên với nhiều các biến động về lực lượng và nhân sự, vương triều Mạc đã có những sự thay đổi đối với tổ chức 4 vệ quân do Mạc Đăng Dung lập ra năm Mậu tý 1528.
Khảo sát tư liệu cho thấy:
– Sự tồn tại của vệ Kim Ngô và vệ Cẩm Y cho đến năm Kỷ dậu 1549.
– Vệ Phù Nam xuất hiện từ năm Kỷ dậu 1549.
– Vệ Triều Đông, vệ An Bắc và vệ Phù Tây xuất hiện từ năm Nhâm tuất 1562.
– Năm Kỷ dậu 1549 có tư liệu ghi chép về 3 vệ là Cẩm Y, Kim Ngô và Phù Nam.
– Từ năm Nhâm tuất 1562 chỉ thấy tài liệu ghi chép về 4 vệ là Triều Đông, Phù Nam, Phù Tây và An Bắc.
Từ những cứ liệu trên, có thể dẫn dắt tới một giả thuyết về 4 vệ quân thời Mạc như sau: Năm Mậu Tý 1528, Mạc Đăng Dung tổ chức 4 vệ quân là Cẩm Y, Kim Ngô, Chiêu Vũ và Hưng Quốc. Về sau, tên gọi, thậm chí cả tổ chức, của 4 vệ quân này dần dần có những thay đổi. Hiện nay chưa thể chỉ rõ một cách chắc chắn rằng sự thay đổi đối với 4 vệ quân này diễn ra cùng ở một thời điểm (có thể là năm Kỷ Dậu 1549, là năm cuối cùng có những ghi chép về 4 vệ quân do Mạc Đăng Dung lập ra, cũng là năm có những ghi chép đầu tiên về vệ Phù Nam?!), hay sự thay đổi này diễn ra như một quá trình, trong đó 4 vệ quân không được thay đổi cùng một thời điểm mà được thay đổi dần dần, từng bước cụ thể (về khả năng này, sự thay đổi có thể biết được bắt đầu từ năm Kỷ Dậu 1549 với sự xuất hiện của vệ Phù Nam và sự tồn tại của 2 vệ Cẩm Y, Kim Ngô; quá trình này được hoàn thành vào năm Nhâm tuất 1562 với sự xuất hiện đầy đủ của 4 vệ quân “mới” là Phù Nam, Phù Tây, Triều Đông và An Bắc?!).
Về tổ chức của các vệ quân này, những ghi chép còn được biết đến hiện nay chưa cho phép người nghiên cứu vạch ra một mô hình đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên, những thông tin liên quan cũng đưa lại một số hiểu biết căn bản về mô hình tổ chức của các vệ quân này (Xem sơ đồ 4 vệ quân đã nêu ở trên). Tài liệu lịch sử còn ghi lại được về một số võ quan cao cấp đứng đầu các vệ quân này, gồm:
Vạn An hầu (không rõ họ tên) làm Chưởng Kim Ngô vệ sự (1549).
Tả Ngự hầu (không rõ họ tên) quản giữ vệ Cẩm Y (1549)
Văn Phái hầu Nguyễn Quyện quản giữ vệ Phù Nam (1549).
Thạch quận công Nguyễn Quyện làm Chưởng Phù Nam vệ (1562).
Hoa quận công (không rõ họ tên) làm Chưởng Triều Đông vệ (1562).
Phò mã đô uý Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn làm Chưởng Phù Tây vệ (1562).
Phò mã tông chính Thái bảo Ninh quốc công (không rõ họ tên) làm Chưởng An Bắc vệ (1562).
Từ 4 vệ Cấm quân trên, có thể nhận thấy tổ chức quân sự triều Mạc đã kế thừa rất triệt để tổ chức quân sự triều Lê sơ (đặc biệt là những mô hình tổ chức thời Lê Thánh Tông (1460-1497)), đồng thời đã có những sáng tạo nhất định trong kiến tạo tổ chức quân sự, lực lượng quân sự cho triều đại mình đáp ứng đòi hỏi của hiện thực lịch sử và phù hợp với thực lực của vương triều. Với tiềm lực hạn chế của một Nhà nước chỉ kiểm soát được một phần lãnh thổ quốc gia mà nó kế thừa, lại phải đáp ứng những đòi hỏi thực tế của một cuộc chiến tranh kéo dài, hệ thống tổ chức quân sự của nhà Mạc đã có những thay đổi nhất định để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và thực lực của vương triều. Những hạn chế về quân số của quân đội thường trực, những thay đổi trong tổ chức Cấm binh (4 Vệ) là những điều có thể khẳng định được.
Tổ chức quân sự triều Mạc là một vấn đề nghiên cứu quan trọng trong lịch sử quân sự Việt Nam thế kỷ XVI. Tổ chức quân sự triều Mạc có thể coi là một sự “tái cấu trúc” một tổ chức quân sự được cho là đã phát triển vượt bậc trong thời bình (tổ chức quân sự triều Lê sơ) để đáp ứng những đòi hỏi mới trong một cuộc chiến tranh nội bộ (nội chiến) kéo dài. Những thể nghiệm của triều Mạc, những bài học kinh nghiệm tổ chức quân sự từ thực tiễn chiến tranh là những nhận thức quan trọng trong quá trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI nói chung, lịch sử quân sự Việt Nam thế kỷ XVI nói riêng. Tuy nhiên, do những hạn chế nhất định về tư liệu lịch sử và lực lượng nghiên cứu, vấn đề này vẫn là một thách thức không nhỏ đối với giới nghiên cứu lịch sử quân sự Việt Nam nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung. Trước những đòi hỏi của thực tiễn nghiên cứu khoa học, những cố gắng khảo cứu và luận giải về tổ chức quân sự triều Mạc, dù ít dù nhiều, cũng là rất cần thiết và có ý nghĩa.
Hà Duy Biển
* Thượng úy, Cử nhân, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
[1] Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Nxb KHXH, Hà Nội 1998, tr.110.
[2] Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Sđd, tr.111.
[3] Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Sđd, tr.112.
[4] Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Sđd, tr.112; Lê Quý Đôn toàn tập: tập III: Đại Việt thông sử, Nxb KHXH, Hà Nội 1978, tr.268.
[5] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1998, tr.102.
[6] Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, Sđd, tr.102.
[7] Đại Việt thông sử, Sđd, tr.280-281
[8] Đại Việt thông sử, Sđd, tr.268
[9] Đại Việt thông sử, Sđd, tr.290.
[10] Đại Việt thông sử, Sđd, tr.292
[11] Đại Việt thông sử, Sđd, tr.292
[12] Hà Duy Biển, Bước đầu tìm hiểu các chính sách về quốc phòng của Nhà nước Đại Việt dưới thời Lê Thánh Tông (1460-1497), Khoá luận tốt nghiệp tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội 2004, tr.49.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.