- Đang online: 1
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19892
- Tổng truy cập: 3,370,859
BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC “THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA THÁI HOÀNG THÁI HẬU NHÀ MẠC VŨ THỊ NGỌC TOÀN” 798
- 191 lượt xem
BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC
“THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA THÁI HOÀNG THÁI HẬU NHÀ MẠC VŨ THỊ NGỌC TOÀN”
TS. Đoàn Trường Sơn
Nối tiếp các cuộc hội thảo trước đây về Mạc Đăng Dung và Vương triều Mạc, cuộc hội thảo lần này đối với một người, theo chúng tôi, có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Vương triều Mạc, với kinh tế – xã hội thời Mạc. Đó là Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Cuộc hội thảo này còn có ý nghĩa thiết thực, nhằm từng bước vừa bổ sung thêm nguồn sử liệu và đánh giá đúng vai trò của Bà trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc.
Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là người làng Trà Hương, huyện Nghi Dương, xứ Hải Dương, nay là thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Đây là một vùng đất được đánh giá thường sinh ra những cô con gái có sắc, đức hạnh. Sử liệu chính thống hiện không có thông tin gì về Bà, nhưng tư liệu điền dã của các nhà nghiên cứu và văn bia thời Mạc để lại, nói về Bà tương đối nhiều. Hai nguồn sử liệu này đều ca ngợi Thái Hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là bậc thánh mẫu, hóa thánh Nam quốc, sánh đứng thánh thiện Đồ Sơn (nhà Hạ). Với một người tài sắc, đức độ như vậy, chắc chắn Bà sẽ có những đóng góp hết sức quan trọng (dù rằng, theo quan điểm của chế độ phong kiến, phụ nữ, nhất là trong chốn hậu cung không được tham dự công việc triều chính) đã cùng Mạc Đăng Dung ngày đầu sáng lập vương triều Mạc, xây dựng Dương Kinh và củng cố vùng đất “căn bản” của nhà Mạc; tổ chức thiết chế chính trị, ngoại giao, hoạch định các chính sách về thu hút và sử dụng nhân tài; tăng cường lực lượng quân đội; phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp; phát triển văn hóa, giáo dục; chấn chỉnh luật lệ ….
Những đóng góp của Bà thông qua các việc làm cụ thể như khuyến khích việc tập hợp dân chúng khai hoang mở rộng diện tích cấy trồng; bỏ tiền mua và ban ruộng đất cho nông dân, tá điền; đứng ra quyên góp để xây mới, sửa chữa chùa chiền, cầu, quán, chợ …. Số tiền, số ruộng do Bà tham gia đóng góp không nhiều, nhưng quan trọng là đã lôi cuốn được các hoàng thân, quốc thích, đại thần, bá quan văn võ trong triều, các nhà giàu có tham gia, tạo thành một nét văn hóa ứng xử, nêu cao thuyết “Vì dân” để tập hợp dân chúng ủng hộ vương triều mới, trong bối cảnh nhà Mạc được xem là “kẻ chiếm ngôi” và lòng người chưa quy thuận. Theo các tư liệu hiện có, trên đất Dương Kinh, trong thời gian ngắn, có tới 15 cây cầu được xây mới hoặc tu sửa (Cầu Nguyễn, Lỗ Giang, Lam Kiều, Thiên Đông, Phú Cốc, Diên Thọ, Long Đài….) hàng chục chợ lớn được mở (chợ cầu Nguyễn, chợ Tứ Kỳ, chợ Nghĩa Trụ, chợ Cẩm Khê, chợ Hậu Bổng …) Qua hoạt động thương nghiệp, bên cạnh Thăng Long một số đô thị và cảng thị được hình thành đã có tác động lớn đến nền kinh tế đương thời.
Về tôn giáo, tín ngưỡng: Dưới thời nhà Mạc, Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian vốn bị hạn chế dưới triều Lê, có dịp phục hồi và phát triển. Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng thời Mạc chủ yếu được phản ánh thông qua hệ thống thiết chế văn hóa ở các làng, xã, như chùa, đình làng, đạo quán … Về lĩnh vực này, Thái Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã có những đóng góp hết sức thiết thực, hiệu quả. Trong 195 công trình được xây dựng, tu bổ tôn tạo dưới triều Mạc, thì có tới 142 công trình kiến trúc chùa, chiếm 72% (Sùng Quang, Thánh Thị, Sùng Ân, Bảo Ân, Bảo Phúc, Bảo Lâm, Trúc Am, Hà Lâu, Bà Đanh ….) Với việc làm này, nhà Mạc đã dần làm “yên” lòng dân. Mọi người đều hướng đến điều thiện, chả thế mà chỉ “Trong khoảng mấy năm, trộm cắp mất tăm”.
Do có chính sách phù hợp và những việc làm được lòng dân, nên dưới thời Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh có cảnh thái bình, thịnh trị: “Trong khoảng mấy năm, trộm cắp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, hàng tháng mới phải kiểm đếm. Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều yên ổn” (Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt thông sử).
Tham gia hội thảo có một tham luận về đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc thời Mạc nói chung và có liên quan đến Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là hết sức cần thiết.
Các báo cáo tham luận tại Hội thảo này và kể cả số ít bài đã viết về thân thế, sự nghiệp của Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn vẫn cần được thảo luận, bổ sung và làm sâu sắc thêm một số nội dung sau:
1. Đóng góp của Bà cùng Mạc Đăng Dung trong việc khai sáng nhà Mạc, hình thành và xây dựng Dương Kinh – vùng đất thang mộc của nhà Mạc.
2. Với vị trí là Hoàng Hậu – Thái Hoàng thái hậu, Bà đã có đóng góp tích cực vào thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội của nhà Mạc – Một trong những chính sách được đánh giá là tiến bộ trong lịch sử.
3. Những đóng góp của Bà đối với việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
4. Đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị các di tích, những tư liệu lịch sử có liên quan đến Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn.
Vương triều Mạc được thiết lập trong bối cảnh đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội nghiêm trọng. Do vậy, buổi đầu tạo lập, vương triều Mạc phải đương đầu với bao khó khăn, cả đối nội và đối ngoại. Sự sống còn của nhà Mạc và của cả Quốc gia, phụ thuộc vào những chính sách và kết quả thực hiện những chính sách đó. Buổi đầu thành công của nhà Mạc chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng, dù nguồn tư liệu không nhiều, Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đã có những đóng góp thiết thực vào sự thành công đó. Với những đóng góp ấy, Bà đã được người đương thời tôn vinh, phụng thờ, dựng tượng tại nhiều chùa trên quê hương mình.
TS. Đoàn Trường Sơn
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.