- Đang online: 3
- Hôm qua: 701
- Tuần nay: 16479
- Tổng truy cập: 3,369,300
BANG GIAO CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC – TS. Sử học Hoàng Lê (Cập nhật theo nguyên bản của tác giả ngày 14.3.2012)
- 331 lượt xem
BANG GIAO CỦA VƯƠNG TRIỀU MẠC
TS. Sử học Hoàng Lê
(Cập nhật theo nguyên bản của tác giả, ngày 14.3.2012)
Trong 65 năm của vương triều Mạc ở Thăng Long (1527 – 1592) việc bang giao chủ yếu là với phương Bắc. Còn phía Tây dường như không có vấn đề gì. Phía Nam thì có chúa Trịnh và Nguyễn. Mà với chúa Trịnh thì nhà Mạc muốn thôn tính để thống nhất. Ngược lại chúa Trịnh đối với nhà Mạc cũng vậy.
Đối với phương Bắc lúc đó là triều đại nhà Minh (Minh Thế Tông 1522 – 1566). Một triều đại đang suy tàn và nhà Thanh thay thế khi mà ở nước ta đang diễn ra cuộc chiến tranh giữa Trịnh và Nguyễn.
Như chúng ta đã biết: Đối với mỗi dân tộc, thời kỳ lập nước bao giờ cũng là một chặng đường lịch sử sôi động, trải qua không ít gay go, có biết bao vấn đề trọng đại đặt ra, từ việc xây dựng một nền kinh tế văn hoá giáo dục, đến việc xây dựng những quy chế cho một chế độ chính trị xã hội và an ninh quốc phòng… Thế kỷ XVI, ở đất nước Việt Nam này không được ổn định: Các tập đoàn phong kiến Mạc – Lê – Trịnh, Nguyễn tranh chấp nội bộ. Từ Sơn Nam trở ra Bắc, là lãnh địa của nhà Mạc, từ Thanh Hoá đến sông Linh Tích, là lãnh địa của vua Lê chúa Trịnh và từ sông Linh Tích trở vào là thuộc chúa Nguyễn. Chiến tranh liên miên giữa các tập đoàn trên để thôn tính lẫn nhau, đã làm khổ lụy cho dân không nhỏ. Lúc bấy giờ nhà Minh ở phương Bắc cũng đang gặp những khó khăn nội bộ chưa trực tiếp đem quân xâm lược nước ta, nhưng tham vọng bành trướng của họ thì chưa hết, nên khi Mạc Đăng Dung lập lên vương triều Mạc (1527), nhà Lê đã cho người sang kêu cứu bên Tầu để xin viện binh, vua nhà Minh liền sai quan đi đến Vân Nam cùng với quan tuần phủ sở tại tra xét thực hư, muốn nhân cơ hội đó mà sang chiếm giữ như khi trước sang đánh nhà Hồ vậy. Mạc Đăng Dung không phải là không biết ý đồ đó, nên đã sai người sang tận Yên Kinh báo với nhà Minh rằng con cháu họ Lê không còn ai thừa tự nữa, thuộc sứ là họ Mạc tạm trông coi việc nước, nhưng vua nhà Minh không nghe. Mạc Đăng Dung phải lập mưu cắt đất dâng 2 châu Tuy Hoá và Thuận An (gọi tắt là Quy Thuận ở phía Bắc tỉnh Cao Bằng) và hình người bằng vàng và bạc cùng châu báu của lạ, vật lạ. Vua Minh thu nhận và dĩ nhiên không cất quân sang “vấn tội” nữa. Vua Minh nào có biết đâu đất 2 châu ấy vốn dĩ là của mình từ xa xưa rồi. Sách Trung Quốc địa danh đại từ điển ghi như sau: Châu Quy Hoá là đất Vật Dương do Nùng Trí Hội nộp (1064), châu Thuận An là đất Vật Ác do Nùng Tôn Đản nộp (1087) từ đời nhà Tống. Hai châu đó, thời Lý đã từng cử Lê Văn Thịnh (trạng nguyên đầu tiên của nước ta 1075) tới trại Vĩnh Bình thương nghị việc biên giới và đòi nhà Tống trả lại (xem Thơ văn Lý Trần, tập I, NXB KHXH HN – 1977, tr.295). Ngoài những tên đất đã thuộc Trung Quốc, còn lại là có tên mà không có đất. Khi biết rõ sự thực thì quân viễn chinh đã giải tán rồi không dễ gì triệu tập lại.
Năm Kỷ Sửu (1529) nhà Lê lại sai bề tôi là Trịnh Ngung, Trịnh Ngang sang tố cáo nhà Mạc với triều Minh nhưng cả hai người đều chết ở bên đó.
Đến năm Giáp Ngọ (1534) lúc này Mạc Đăng Dung đã thôi làm vua, mà nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh để lui về Cổ Trai làm Thái Thượng Hoàng (bắt chước đời Trần) được 4,5 năm rồi. Lê Trang Tông là con ruột của Lê Chiêu Tông, được Nguyễn Kim lập lên làm vua ở đất Sầm Châu (Lào) vào năm 1533, không có đất, không có dân lại cử Trịnh Duy Liêu sang nhà Minh lần nữa, tâu việc Mạc Đăng Dung “tiếm loạn” (chữ dùng của sử gia phong kiến) chiếm giữ kinh thành, ngăn trở đường đi, cho nên bỏ lâu việc tiến cúng.
Nhà Minh bèn sai Hàm Ninh Hầu Cừu Loan làm Tổng đốc quân vụ, Binh bộ Thượng thư Mao Bá Ôn làm Tham tán quân vụ đem quân sang đánh ta. Lại sai Hộ bộ thị lang Hồ Liễn và Cao Công Thiều đến trước Vân Quí và Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) điều quân lương. Đô đốc Thiêm sự Giang Hoàn và Ngưu Hoàn làm tả hữu Phó tổng binh, đốc quân sang chinh phạt nhà Mạc, còn đại tướng thì chờ cử sau. Sách Minh sử chép: Bấy giờ đình thần nhà Minh ý kiến bất nhất nên việc ấy lại đình. Đến tháng 3 năm Gia Tĩnh thứ 17, đình thần mới bàn lại và vẫn như cũ. Lần nữa mãi đến năm Gia Tĩnh thứ 19 (1540) bọn Mao Bá Ôn mới đến Quảng Tây. Y hạch sách nhà Mạc nào đòi đất, cống người vàng và láo xược gửi sang triều đình nhà Mạc một bài thơ Vịnh bèo, có ý khinh miệt dân Việt như bèo bọt và có ý xỏ cả vua Mạc, vì bèo chữ Hán là Bình, mà Mạc Bình là ông nội của Mạc Đăng Dung. Triều đình Mạc phải cử Giáp Hải trạng nguyên khoa Mậu Tuất (1538) người làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn (nay thuộc Lạng Giang, Hà Bắc) lên cửa Nam Quan tiếp sứ.
Công việc bang giao trong điều kiện lịch sử ấy (triều Mạc) thật khó khăn và phức tạp, không như các sứ giả tiền bối đã làm trong giai đoạn cường thịnh. Mặt trận bang giao này có tầm quan trọng không nhỏ. Ngô Sĩ Liên, nhà sử học thế kỷ XV đã viết: “Cuối cùng đánh được giặc mạnh, khiến chúng phải nguội lạnh cái lòng dòm ngó phương Nam, đó há không phải là binh lực mà thôi đâu”. Trong bộ Quốc Triều hình luật có điều quy định: “Đi sứ mà… làm nhục quốc thể thì phải tội đồ hoặc tội lưu”. Cho nên đi sứ, tiếp sứ ngày xưa thật là gian nan vất vả nhọc nhằn, là cuộc đấu trí, là sự thử thách trước sự đe doạ bức bách và cả lừa lọc của kẻ thù, chỉ một chút sơ hở là có thể phương hại đến quốc thể đến lân giao, thậm chí có thể làm bùng nổ hoặc dập tắt chiến tranh. Đã đi sứ, tiếp sứ, ai cũng phải hiểu sứ mệnh, quân mệnh, quốc mệnh là một. Phải cực kỳ thông minh, ứng xử linh hoạt mà góp phần vào cuộc đấu tranh vì độc lập, chủ quyền của đất nước.
Trở về với bài thơ xướng của Mao Bá Ôn, nguyên văn như sau:
Tuỳ điều trục thuỷ mạo ương châm
Đáo xứ khan lai thực bất thâm
Không hữu căn miêu, không hữu diệp
Cảm sinh chi tiết, cảm sinh tâm
Đồ tri tụ xứ ninh tri tán,
Đản thức phù thời ná thức trầm
Đại để trung thiên phong khí ác,
Tảo quy hồ hải tiện nan tầm.
Nghĩa là:
Bèo mọc trong ruộng nước nhơ như cái kim
Rễ bám vào đâu không ai biết, không ăn sâu
Bèo đã không gốc rễ, không có lá, không có cả cành
Tuy rằng họp lại đấy nhưng tan rã cũng rất nhanh
Chỉ một trận gió là tan tác
Nếu lại gặp phải khi trời xấu, bão gió
Thì quét một trận là ra hồ, ra bể không ai còn thấy vết tích nữa.
Ngạo mạn như thế đó, khinh dân ta hèn kém không có nguồn gốc, chỉ đánh một trận là tan tác như bèo.
Giáp Hải phải làm thơ hoạ lại với tư cách đại diện cho một đất nước, phải làm rạng rỡ uy danh cho Tổ quốc phải có bản lĩnh, có khí phách và tâm hồn dân tộc, và phải làm sao tránh cho đất nước một cuộc chiến tranh tàn khốc đang đe doạ, xua tan được những đám mây đen đang cuồn cuộn ở vùng biên… và bài thơ hoạ của ông như sau:
Cẩm lân mật mật bất dung châm
Đái điệp liên căn bởi kế thâm
Thường giữ bạch vân tranh thuỷ diện,
Khăng giao hồng nhật trụy ba tâm
Thiên trùng lãng đã thành nan phá,
Vạn trận phong suy vĩnh bất trầm
Đa thiểu ngư long tàng nghiễn lý,
Thái Công vô kế hạ câu tầm.
Tạm dịch:
Bèo kết lại với nhau dầy đặc như vẩy gấm,
Dù cái kim chui qua cũng không lọt,
Cành rễ liền nhau, mọc chằng chịt ăn rất sâu
Thường cùng đám mây trắng tranh vẻ đẹp trên mặt nước.
Và làm cho vầng hồng kia cũng không sao chiếu xuống được đáy nước.
Ngọn sóng dù lớn đến đâu cũng không phá nổi
Gió bão dù lớn tới đâu cũng không làm chìm nổi bèo
Ở dưới có nhiều cá rồng ẩn núp
Dù tài câu thả của Lã Vọng cũng khó thả câu được.
Ngụ ý nói dân ta sống đông đúc như vẩy gấm dệt đoàn kết chặt chẽ, có thế độc lập của mình, không sợ ngoại xâm như bèo không sợ mây trời gió bão. Nhân tài, tài nguyên ta nhiều như rồng cá, dù cho kẻ địch có tướng giỏi như Khương Tử Nha nhà Chu (Còn gọi là Lã Vọng) cũng không làm gì nổi.
Qua bài thơ hoạ đó Mao Bá Ôn và Cừu Loan không dám tiến quân vào cõi nước ta.
Tháng mười, Mao Bá Ôn về Yên Kinh tâu: Mạc Đăng Dung tự trói mình dâng lễ hàng ở cửa ải xin tuân theo chính sách, trả lại đất bốn động đã xâm chiếm, xin nội phụ xưng thần, hàng năm ban cho lịch đại thống, bù đủ số lễ vật cống hàng năm….
Đó là sách của họ viết về Mạc Đăng Dung, không loại trừ cách nhìn khinh thị các vua của các nước nhỏ như họ vẫn thường gọi là “man di”. Giả thiết có thật chăng đi nữa thì cũng là sách lược của triều đình Mạc mà thôi. Mạc Đăng Dung lúc này có chấp chính đâu, là một ông già ở Cổ Trai, (Cháu Mạc Phúc Hải đã lên ngôi) thái độ nhún nhường mềm mỏng bên ngoài nhưng cứng rắn và nguyên tắc bên trong có thể nói là cách ứng xử khéo léo, thích hợp nhất của ông cha ta xưa trong quan hệ bang giao.
Mao Bá Ôn không biết có nhận được bao tặng vật, mà đã biện hộ hết lời cho Mạc Đăng Dung: “Nếu như xem Mạc Đăng Dung là kẻ có tội đầu hàng mà chưa có thể khinh xuất cho Tước và Đất thì cháu hắn là Mạc Phúc Hải hiện nay còn đợi lệnh. Nếu mang ơn cho tội thì hoặc có thể làm cho các chức Đô hộ Tổng quản theo như việc cũ của nhà Hán, nhà Đường. Mỗi năm Bố chính sứ ti Quảng Tây ban cho lịch Đại thống khiến đến trấn Nam Quan mà kính lĩnh. Còn lễ vật cống hiến về các năm trước bỏ thiếu thì tra xét bắt bù cho đủ, từ năm sau chia ra chiếu sổ thi hành. Còn như Lê Ninh tự xưng là con cháu họ Lê nhưng cứ theo các ti tra xét thì tung tích khó biện rõ ràng”. Trịnh Duy Liêu thì có ngầm đến động trại Thạch Lâm nước ấy, gần liền với tổ quan Quảng Tây, diện mạo của Lê Ninh thế nào không từng biết, cho nên hoặc gọi là Lê Ninh, hoặc gọi là Lê Hiến, hoặc gọi là Quang Chiếu, hoặc gọi là Quang Hoà, hoặc lại bảo là họ Trịnh trá xưng, mà Trịnh Viên thì nói rằng ở động Tất Mã tuy có Lê Ninh, nhưng lai lịch tông phái không biết rõ, bầy tỏ sự tình, tuổi tác và nét mặt lại khác với lời báo trước của Trịnh Duy Liêu, đều khó lấy làm bằng cứ. Hãy cho ở Tất Mã Giang mà chờ lệnh.
Nếu không phải là con cháu họ Lê thì bỏ đấy, không bàn đến nữa. Còn Trịnh Duy Liêu thì cho sở thuộc Quảng Đông tuỳ nghi cấp lương cho ruộng và nhà, đừng để phải bơ vơ. Xử nhân như thế ngõ hầu mới là chu tất.
Vua nhà Minh bèn phong cho Mạc Đăng Dung làm An Nam Đô thống sứ ty Đô thống sứ, cho ấn bằng bạc và cho thế tập.
Năm Nhâm Dần (1542), Mạc Phúc Hải đến trấn Nam Quan để được xét nghiệm và hội khám cùng nhận ban 1000 bản lịch đại thống của nhà Minh. Lại lĩnh một đạo sắc mệnh trước kia phong cho Mạc Đăng Dung và một quả ấn bạc.
Tháng tám năm ấy, vương triều Mạc sai Mạc Kính Điển, Nguyễn Công Nghi và Lương Giản sang nhà Minh tạ ơn. Còn Nguyễn Chiêu Huấn, Vũ Tuân và Tạ Đình Quang thì sang cống năm. Tháng 12 năm ấy, nhà Minh phong Mạc Phúc Hải nối chức An Nam Đô Thống sứ ty, Đô thống sứ.
Những năm tiếp sau, triều đình Mạc vẫn sai sứ sang tuế cống, các sứ đoàn sang dâng cống hàng năm dường như ít có vấn đề khó khăn phức tạp, nên sử ta không ghi hoặc ít ghi chép. Riêng có sứ đoàn sang cầu phong thường bị cật vấn, thử thách, thậm chí còn bị giam giữ như phái đoàn của Lê Quang Bí, được cử đi vào năm Mậu Thân (1548) có lẽ là đi cầu phong cho Mạc Phúc Nguyên. (Mạc Phúc Hải mất tháng 5 năm Bính Ngọ – 1546. Con là Mạc Phúc Nguyên mới lên nối ngôi). Nhà Minh ngờ là giả dối đã giam ông ở Nam Ninh 19 năm liền. Đến năm Bính Dần (1566) thì Mạc Phúc Nguyên cũng đã chết cách 5 năm rồi, vua Minh Thế Tông cũng vừa mất, ông mới được trả tự do và cho về cố quốc. Nhà Mạc sai Lại bộ Thượng thư Đông các đại học sỹ Kế Khê bá Giáp Hải và Đông các hiệu thư Phạm Duy Quyết lên địa đầu Lạng Sơn đón ông. Mạc Mậu Hợp khen ông người tiết nghĩa phong tước Tô quận công ý muốn ví ông như Tô Vũ đời Hán (TQ) cũng đi sứ Hung nô và bị giam giữ suốt 19 năm mới được về.
Lê Quang Bí người làng Mộ Trạch huyện Đường An (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang – Hải Hưng) là con của Trạng nguyên Lê Nại. Ông đỗ Hoàng giáp niên hiệu Thống Nguyên (1527) năm 21 tuổi, làm quan cho nhà Mạc. Khi đi sứ ông có tập Tư hương vân lục, trong đó có bài ca ngợi Lê Cảnh Tuân, tác giả Vạn ngôn thư một nhân vật lịch sử của thế kỷ XV là tổ bốn đời của Lê Quang Bí, ông tổ này bị nhà Minh bắt giam ở ngục Kim Lăng (TQ) 6 năm liền và chết trong ngục. Bài thơ đó có câu:
… Nỗ lực quên mình chung một dạ
Ân cần lo nước sách ba phương
Cương thường tự gánh ngoài không kể
Nồi vạc xem khinh chết cũng thường
Trung nghĩa báo đền con cháu mãi
Trời Nam sự nghiệp tiếng nhà vang.
Trên mặt trận bang giao của thế kỷ XVI này (hay của vương triều Mạc nói riêng) có biết bao “chiến sỹ” lỗi lạc tài ba, đã phát huy một cách chủ động truyền thống độc lập, tự cường của ông cha, xứng đáng với Tổ quốc, với nhân dân trong vai trò trực tiếp đi sứ của mình và cũng để lại cho đời hoặc ít hoặc nhiều thơ văn chứa chan tình cảm yêu nước, thương nhà, tự hào dân tộc như Giáp Hải, Lê Quang Bí đã nói trên; hoặc chưa nói đến như Đào Nghiễm (Tiến sỹ 1523); Hứa Nam Tỉnh (Bảng nhãn 1508); Nguyễn Giản Thanh (Trạng nguyên 1508); Vũ Hữu (Hoàng Giáp 1463); Vũ Cận (Tiến sỹ 1556) v.v… Có biết bao nhiêu giai thoại bang giao, hàng loạt chuyện đi sứ, tiếp sứ được dân gian hóa lưu truyền mãi mãi để khẳng định thành tích ngoại giao, đề cao tài trí thông minh của một dân tộc. Thơ văn bang giao là một đóng góp đáng kể vào sự phát động của văn học dân tộc ./.
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.