- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 19862
- Tổng truy cập: 3,370,846
BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ XUỐNG MÓNG VÀ PHẠT MỘC XÂY DỰNG NHÀ THỜ THÁNH MẪU MẠC TRIỀU CỦA TS HOÀNG VĂN KỂ, PHÓ CHỦ TỊCH HĐMT VN, PHÓ BAN THƯỜNG TRỰC BVĐ MTVN, CHỦ TỊCH HĐMT HẢI PHÒNG 783
- 187 lượt xem
BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ XUỐNG MÓNG VÀ PHẠT MỘC XÂY DỰNG NHÀ THỜTHÁNH MẪU MẠC TRIỀU CỦA TS HOÀNG VĂN KỂ, PHÓ CHỦ TỊCH HĐMT VN,PHÓ BAN THƯỜNG TRỰC BVĐ MTVN, CHỦ TỊCH HĐMT HẢI PHÒNG
Kính thưa: – Anh linh Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, các vị Tiên đế, Tiên vương triều Mạc;
– Anh linh Thái Hoàng Thái Hậu, các Hoàng Hậu, Hoàng Phi, Công chúa Mạc triều;
– Anh linh các vị văn võ, bá quan, hoàng thân quốc thích vương triều.
Kính thưa: – Tiên Tổ, thưa các quý vị đại biểu và bà con cô bác dòng họ.
Hôm nay, ngày Thìn, tháng Quý Hợi trong tiết thu khô, trời trong sáng, âm dương thuận hòa, lòng người quy phụng một mối, chúng ta tập hợp về đây cùng thành tâm chứng lễ xuống móng và phạt mộc xây dựng Đền thờ Thái Mẫu Mạc triều – nơi sẽ phụng thờ Đức Thánh Thái Hoàng Thái Hậu, các Hoàng Hậu, Hoàng Phi, công chúa vương triều Mạc, đồng thời cũng sẽ là nơi ghi, lưu danh, vinh danh những phụ nữ của dòng họ tài đức nổi bật, có nhiều đóng góp to lớn cho dân tộc, đất nước, cho trăm họ và dòng họ qua các thời đại – một hạng mục công trình có vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quy hoạch của quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia – Từ đường họ Mạc Cổ Trai, Ngũ Đoan, Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.
Thưa các quý vị đại biểu bà con cô bác trong họ, qua các nguồn sử liệu chính thống, không chính thống, điền dã và lưu truyền trong dân gian, chúng ta được biết Thái Hoàng Thái Hậu của chúng ta họ Vũ, người làng Trà Hương, huyện Nghi Dương, xứ Hải Dương, nay là thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, Kiến Thụy. Từ nhỏ đã nổi tiếng là người con gái tài sắc, đức hạnh. Bà xuất thân từ dòng họ danh gia vọng tộc, được dạy dỗ, giáo huấn chu đáo của gia đình, Bà sớm mến mộ chàng trai làng chài nghèo, nhưng giàu ý chí và có nghị lực phi thường; Bà đã nhận lời cầu hôn, giúp chàng đảm việc nhà, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dạy con cái, giúp Mạc Đăng Dung rèn võ, luyện văn, thi đỗ Đô lực sỹ, tới quan đầu triều, rồi thuận theo ý trời, lòng dân mong mỏi, vào giờ Ngọ, ngày 15 tháng 6, năm Đinh Hợi (1527) Thái Tổ đăng quang, Mạc triều khởi nghiệp, thịnh trị 05 đời như sử sách chính thống của nước nhà đã lưu truyền và gần đây, dưới ánh sáng của tư tưởng đổi mới của Đảng, giới sử gia nước nhà đã từng bước làm rõ, khẳng định. Tột đỉnh là Đảng và Nhà nước ta đã ghi nhận vai trò, sự đóng góp của Vương triều mạc, công đức của Thái Tổ, Thái Tông và các Tiên đế, Tiên vương Vương triều Mạc bằng việc đầu tư hàng trăm tỷ đồng, xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc – là công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, hoàn thành cách đây 03 năm.
Đóng góp vào giai đoạn thịnh trị trong lịch sử của dân tộc, với tư cách là vợ đích vủa Thái Tổ; Chính cung Hoàng Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn không chỉ làm tốt việc cai quản cung đường. Với đức tính nghiêm minh, chính trực, thông minh, sáng suốt, lại rất nhân hậu, khiêm nhường, Bà đã được cung nữ kính tin, mến phục, các hoàng tử, công chúa, hoàng thân quốc thích, văn võ bá quan đều vâng lời Bà, ra sức phụng sự Vương triều, thượng tôn pháp chế. Ngay cả đến thời con, cháu, chắt Bà làm vua, việc cai quản nội cung đều do các hoàng hậu đảm đương theo phép nước. Nhưng do tài đức uy phong của Vương triều, của nội cung, Bà chỉ “Chấp kỳ Đại Cương” mà Vương triều Mạc không hề xảy ra hiện tượng hoàng thân quốc thích cậy thế lộng hành, không tài, kém đức mà được tuyển bổ, được lấy đỗ hương cống, tiến sỹ… Hiếm có triều đại nào ở nước ta có được thành công này. Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi thì tất cả các chính cung hoàng hậu các đời vua khai sáng nước ta, đều không sánh bằng Hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Không chỉ quản lý tốt nội cung, Thái Hoàng Thái Hậu còn giành nhiều công sức, tiền của giúp nhà vua và Vương triều mở rộng sản xuất, giao thương, chăm lo giáo dục, đào tạo nhân tài, tổ chức khoa cử, thiết lập trật tự, kỷ cương xã tắc. Bởi vậy, dưới thời Thái Tổ, Thái Tông mới có cảnh thái bình, thịnh trị như sử sách đã ghi lại: “Trong khoảng mấy năm, trộm cắp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cả tháng mới phải kiểm đếm; ngoài đường không nhặt của rơi, đêm ngủ cổng ngoài không phải cài cửa, được mùa liên tiếp, nhân dân bốn trấn yên ổn…”. Thái Hoàng Thái Hậu của chúng ta đã giành gần như cả cuộc đời, toàn bộ tiền vàng, bổng lộc, ruộng đất được hưởng, dốc tâm, sức cho công cuộc chấn hưng, phát triển đất nước: Tập hợp dân chúng khai hoang, mở rộng diện tích cấy trồng, bỏ tiền của và ban ruộng đất cho nông dân, tá điền, xây cầu, mở chợ, giúp đỡ người nghèo; đặc biệt công cuộc trung hưng chùa phật, thời kỳ này đã lôi kéo các hoàng thân quốc thích cùng làm theo, gắn liền với truyền bá tư tưởng, đạo đức bao dung, hướng thiện, đồng thời với việc thiết lập, tuân thủ kỷ cương, phép nước liêm chính, chí công vô tư…, mãi lưu truyền qua những lễ hội đặc sắc, được bảo tồn, phát huy trong cộng đồng.
Thái Hoàng Thái Hậu mặc dù trong vai trò ở hậu trường, cai quản nội cung, song trên thực tế, Bà là người có công vô cùng to lớn giúp Vương triều triển khai, thực thi nhiều chính sách cải cách tiến bộ, phát triển kinh tế – xã hội, quy tụ lòng người, an sinh xã hội. Ở Người, đã hội tụ đầy đủ “Ngũ phúc tam đa”, ước nguyện của người phương Đông. Bởi vậy, mà không phải ngẫu nhiên mà sử sách, các nguồn dữ liệu, người đời, muôn dân đã ca ngợi, ngưỡng vọng, tôn thờ “Bà là bậc Thánh mẫu của Thánh triều, Chính vị Đông triều, hóa thánh Nam quốc, sánh đức Thánh Thiện Đồ – (nhà Hạ); là Mẫu nghi thiên hạ; là Phật sống trần gian”. Người đã được tạc tượng thờ, khắc bia lưu giữ công đức ở nhiều đình, đền thờ, chùa, không chỉ ở quê hương Bà mà còn ở nhiều địa phương khác, trải rộng khắp các địa phương khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Gương sáng của Đức thánh bà đã để lại cho nữ giới thời hiện đại nhiều bài học quý giá về tu dưỡng bản thân, về xây dựng gia đình, tham gia các hoạt động xã hội.
Kính thưa: Các quý vị đại biểu, bà con cô bác dòng họ !
Thể theo nguyện vọng của con cháu họ Mạc, gốc Mạc cả nước, họ Vũ Trà Phương và đông đảo nhân dân địa phương, được sự đồng ý về chủ trương của UBND Thành phố; chỉ đạo giúp đỡ của các Sở, ban, ngành của thành phố; của huyện Kiến Thụy và xã Ngũ Đoan cho phép Ban Quản lý Di tích Từ đường họ Mạc Cổ Trai và dòng họ được tu bổ, tôn tạo, mở rộng khuôn viên Di tích; trong đó có các hạng mục phụ trợ: Di chuyển nhà Thủ từ; xây dựng Cổng ngoài Từ đường và đền thờ Thánh mẫu Mạc triều sẽ được con cháu trong họ quyên góp, công đức xây dựng trước.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại, do tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế, đời sống nhân dân, con cháu trong họ hết sức khó khăn. Song, nhờ ân đức của Tổ tiên, gương sáng của Thánh mẫu, con cháu trong họ người góp công, người cúng tiến, công đức tiền của cùng với sự hảo tâm của nhân dân và khách thập phương, Cổng ngoài và nhà Thủ từ đã hoàn công, cáo thành vào đúng Đại lễ Cúng giỗ Thái Tổ năm Quý Tỵ vừa qua; và hôm nay tiếp tục tiến hành xây dựng Nhà thờ Đức Thánh Mẫu Mạc triều bằng nhiều vật liệu quý, bền, đẹp, vững chãi, dự kiến công trình sẽ được xây dựng trong 6 đến 7 tháng, hoàn thành trước húy kỵ của Thái Hoàng Thái Hậu, ngày 15 tháng 6 năm Giáp Ngọ – 2014. Hướng tới ngày lễ thiêng liêng đó, Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng đã hội bàn, xin ý kiến và được sự đồng ý hân hoan, ủng hộ của bên ngoại Thái tổ; chúng ta đang được GS-TS Trần Đình Ngôn, nhà viết kịch, biên kịch chèo hàng đầu Việt Nam, xây dựng vở chèo về Thái Hoàng Thái Hậu. Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng sẽ cùng Hội đồng gia tộc họ Vũ và địa phương, xây dựng kế hoạch, tổ chức Lễ rước anh linh Thái Hoàng Thái Hậu về đoàn tụ với Thái Tổ và con, cháu của Người tại mảnh đất Cổ Trai đế vương quê hương của Thái tổ, đồng thời tổ chức Lễ hội Vua bà hàng năm vào dịp ngày Giỗ Đức Thánh Bà tại đây. Cùng với Đại Lễ Cúng giỗ Thái Tổ vào 22 tháng 8 Âm lịch, Lễ Khai bút đầu xuân tại Khu Tưởng niệm, sẽ đáp ứng ước nguyện bao đời của con cháu hai họ; nhu cầu thưởng thức văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân; phát huy mạnh mẽ các giá trị vật thể, phi vật thể của Khu Di tích, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả thành phố Hải Phòng.
Để những tâm nguyện của chúng ta hôm nay trở thành hiện thực, còn vô vàn những khó khăn phải vượt qua, công việc phải làm; không chỉ là đóng góp công sức và tiền của, vật chất, mà còn là kiến thức, trí tuệ, sự đồng lòng, quyết tâm cao độ trong dòng họ và cả xã hội. Rất mong trong quá trình tổ chức thực hiện, Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng và con cháu 2 họ Mạc – Vũ, tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Thành phố, của huyện Kiến Thụy, của các cấp lãnh đạo xã Ngũ Đoan, đặc biệt của Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, Hội đồng họ Vũ-Võ Việt Nam và thành phố Hải Phòng; Hội đồng Mạc tộc các tỉnh, thành trên cả nước và con cháu họ Mạc, gốc Mạc trong nước và ở nước ngoài; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm quan tâm, thiện cảm, giành tình cảm cho một Vương triều phát tích trên miền đất Hải Phòng, có nhiều đóng góp cho tiến trình dựng nước, giữ nước và phát triển của dân tộc.
Xin bày tỏ sự cảm ơn chân thành nhất tới các quý vị đại biểu, bà con cô bác đã đến dự buổi Lễ hôm nay.
Xin trân trọng cảm ơn!
Ảnh: Ông Hoàng Văn Kể, phát biểu tại Lễ Xuống móng và Phạt mộc xây dựng Nhà thờ Thánh Mẫu Mạc triều tại Từ đường họ Mạc.
Tin và ảnh: Hoàng Sơn Hiền
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.