- Đang online: 2
- Hôm qua: 675
- Tuần nay: 16232
- Tổng truy cập: 3,369,274
ĐÁP LẠI BÀI CỦA THÀNH VĂN, VIẾT VỀ VUA MẠC MẬU HỢP TRÊN BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
- 247 lượt xem
ĐÁP LẠI BÀI CỦA THÀNH VĂN,
VIẾT VỀ VUA MẠC MẬU HỢP
TRÊN BÁO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LUẬT
GS TSKH PHAN ĐĂNG NHẬT
MỞ ĐẦU
Trên báo Đời sống và Pháp luật số 17 ra tháng 4 năm 2012 có bài của Thành Văn viết về vua Mạc Mậu Hợp. Tên bài là “Sự thật về việc mất ngôi báu của vị vua “háo gái” không “thuốc chữa”. Mở đầu của bài với chữ đậm, Thành Văn viết: “Là vua lâu nhất trong số các vua Mạc thời hưng thịnh, tại vị 30 năm, nhưng Mạc Mậu Hợp l ại chính là người khiến cơ nghiệp nhà Mạc suy vong, ng oài đời oán thán mà một phần nguyên nhân chính là do…thói hoang dâm hiếu sắc”. Bài có mấy mục nhỏ: Lên ngôi quá dễ, Chỉ vì thỏa dục vọng, Hoang dâm hại…cả cơ đồ.
Chúng tôi xin phép bàn về bài báo trên.
*
Một số đính chính trước khi vào bài
Hoàng đế Mạc Mậu Hợp tên hiệu đầy đủ là “Anh tổ Tĩnh hoàng đế Mạc Mậu Hợp”.
Về vấn đề này Thành Văn viết: “Do bị giết và sau khi chết nhà Mạc cũng mất nên Mạc Mậu Hợp không được đặt miếu hiệu và thụy hiệu”. Trong một câu ngắn đã có không ít điều sai:
-“Sau khi (MMH) chết nhà Mạc cũng mất”. Không đúng. Sau khi vua Mạc Mậu Hợp mất ngôi, nhà Mạc còn có hai vì vua ở Thăng Long – Dương Kinh với miếu hiệu thụy hiệu đầy đủ là Cảnh Tông Thành hoàng đế Mạc Toàn và Mẫn Tông Trinh Hoàng đế Mạc Kính Chỉ, tiếp đó còn năm vị vua nữa, trị vì ở Cao Bằng. Tổng cộng là 12 đời vua, trị vì trong 156 năm (1527-1683)
-“Không được đặt miếu hiệu và thụy hiệu”. Cũng sai. Đã nói ở trên
-“Do bị giết”. Còn có nghi vấn, có tài liệu viết Ngài cùng 3 con trai lên Cao Bình, sau mất ở đó (gia phả họ Ngô – Mạc ở Vĩnh Phúc).
*
Phần một
HOÀNG ĐẾ MẠC MẬU HỢP VỚI VIỆC
THỰC HIỆN MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC CỦA NHÀ MẠC
Hoàng đế Mạc Mậu Hợp là vị vua thứ 5 của nhà Mạc, là một mắt xích quan trọng của toàn bộ hệ thống nhà Mạc. Ngài có đặc điểm là cầm quyền lâu nhất, 27 năm (1565-1592) ở Thăng Long, một mặt kế thừa di sản để lại của tiên đế, mặt khác phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do hoàn cảnh gây nên cho số phận của nhà Mạc.
Dẫn đến việc hoàng đế Mạc Phúc Nguyên lên ngôi khi còn quá ít tuổi (6 tuổi), đồng thời dẫn đến vụ chia rẽ nghiêm trọng giữa hai bậc đại thần Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi và Khiêm vương Mạc Kính Điển;
Và đặc biệt, trực tiếp là việc qua đời đột ngột của “kình thiên trụ” Khiêm vương Mạc Kính Điển, mà sử đã ghi “khiến lòng người trong cõi dao động.”
Trong hoàn cảnh như vậy, Ngài vẫn giữ vững ý chí sắt đá phấn đấu thực hiện mục tiêu chiến lược của nhà Mạc: xây dựng một nền kinh tế đa diện đem lại đời sống tốt đẹp cho các tầng lớp nhân dân; thực hiện một nền giáo dục sùng Nho đến cùng, đồng thời tôn trọng Phật, Lão, thần làng; xây dựng một nếp văn hóa tư tưởng cởi mở, nhân văn, tôn trọng con người, tôn trọng văn hóa dân gian…
1. Kinh tế, lòng dân thời hoàng đế Mạc Mậu Hợp
Khác với nhà Lê-Trịnh, vua Mạc Mậu Hợp, kế tục truyền thống của Mạc triều là phát huy đường lối kinh tế đa diện là vừa trọng nông vừa trọng công thương kể cả nội ngoại thương, chăm lo mở chợ, xây cầu sửa đường để lưu thông thuận lợi, khuyến khích các nghề thủ công đăc biệt là nghề gốm sứ
1. Chợ
Thời Mạc, cùng với sự phát triển của nghề thủ công là sự mở rộng màng lưới chợ làng và buôn bán. Trong số 11 chợ thì 9 chợ được mở ra dưới thời vua Mạc Mậu Hợp, chiếm 82%.
2. Cầu “thượng gia hạ kiều”
Thời vua Mạc Mậu Hợp có 10 chiếc cầu. Cầu giúp cho đi lại thuận lợi, hàng hóa lưu thông. « Thượng gia hạ kiều » lại còn là nơi hành khách nghỉ ngơi. «Kẻ sỹ về triều, nông phu ra đồng, hành khách qua đường, thương nhân đến chợ, không ai không thấy hết đỗi sướng vui, tiện lợi” (Bia tu sửa cầu Mỗi Nhu)
3. Gốm sứ
Gốm sứ là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc biệt thời nhà Mạc, được thế giới ham chuộng và đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Trong đồ gốm Mạc, loại gốm sứ có minh văn chứa đựng nhiều ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, xã hội mà đương thời hiếm thấy ở các khu vực khác.
Nhà mỹ thuật học Nguyễn Bá Vân khẳng định đồ gốm có minh văn, phần lớn được sản xuất dưới thời vua Mạc Mậu Hợp:
“Qua những dòng chữ viết hoặc khắc trên đồ gốm thờ, ta thấy phần lớn lư hương, chân đèn gốm, được sản xuất tập trung nhiều vào nửa cuối thứ 16 dưới các triều vua Mạc: Sùng Khang (1566-1577), Diên Thành (1578-1585), Đoan Thái (1586-1587), Hưng Trị (1588-1589), chế tạo tại các cơ sở làm gốm ở Bát Tràng và Thanh Lâm”[2].
4. Người làm nghề chế tác đá thời vua Mạc Mậu Hợp
Danh sách thợ khắc bia
TT |
Tên bia |
Năm dựng bia |
Thợ khắc bia |
Nơi làm việc |
1 |
Kỳ Lân tự bi |
Thuần Phúc sơ niên (1565) |
Tạ Văn Kế |
Sở thừa Sở công bộ khí giới tạo |
2 |
Trùng tu Thụy Ứng quán ký |
Thuần Phúc sơ niên (1565) |
Nguyễn Văn Lan |
Ngự dụng giám san thư cục |
3 |
Trùng tu Kiến Linh tự tái tạo Phật tượng bi |
Thuần Phúc sơ niên (1565) |
|
Công bộ tiến công Quang Thọ điện khí cơ doanh |
4 |
Chân Thánh quán bi |
Sùng Khang thứ 2 (1567) |
Trần Đại Tiêu Đỗ Đình Khoa |
|
5 |
Nghiêm Quang tự bi |
Sùng Khang thứ 7 (1572) |
Nguyễn Văn Minh |
|
6 |
Hoa Nghiêm tự bi |
Diên Thành sơ niên (1578) |
Ngô Khu |
Cơ giới doanh tạo sở Ngọc thạch |
7 |
Trùng tu Linh sơn tự bi ký |
Diên Thành thứ 6 (1583) |
Nguyễn Ích Diệu |
|
8 |
Đông Phao tự tân tạo thiêu hương tiền đường bi |
Đoan Thái sơ niên (1586) |
Nguyễn Ích Diệu |
Ty Hà Thanh, vệ Chiêu Vũ |
9 |
Phượng Tường tự bi |
Đoan Thái thứ 2 (1587) |
Nguyễn Ích Diệu |
Ty Hà Thanh, vệ Chiêu Vũ |
10 |
Tư Phúc tự thạch tỉnh bi |
Đoan Thái thứ 3 (1588) |
Phạm Quang Định, Nguyễn Quý |
Tú Lâm cục |
11 |
An Dương tự bi |
Hưng Trị thứ 2 (1589) |
Nguyễn Ích Diệu |
Ty Hà Thanh, vệ Chiêu Vũ |
12 |
Hà Lâu tự bi chung |
Hưng Trị thứ 2 (1589) |
Nguyễn Tử Nghi, Đoàn Văn Lương, Đoàn Quý |
Ngự dụng giám san thư cục |
Chức danh nghề nghiệp của tầng lớp thợ thủ công chuyên nghiệp trong nghề chạm khắc đá thời Mạc ở các giám, sở, cục như: Sở thừa, Tượng chánh, Tượng phó, Tượng nhân, Thường ban, Phó thường ban hay Cục phó… Những người này cũng được ban chức tước như Cẩn sự tá lang, Tướng sĩ lang. Đặc biệt có Tạ Văn Kế người khắc văn bia Kỳ Lân tự bi được vinh phong Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu, tước bá.[3]
Qua đây chúng ta thấy thêm một nguyên nhân khiến thủ công mỹ nghệ dưới thời Mạc sở dĩ phát triển là nhà Mạc, mà đại diện ở đây là vua Mạc Mậu Hợp, đã thực sự coi trọng các nghệ nhân.
Phần trên là nói về người làm bia, nếu xét về số lượng sản phẩm, bia thời Mạc được chế tác nhiều, nhất là thời vua Mạc Mậu Hợp:
“Trong số 145 bia Mạc, đời Mạc Đăng Dung (1527-1529) chỉ có 2 bia, Mạc Đăng Doanh (1530-1540) có 9 bia, Mạc Phúc Hải (1541-1546) có 10 bia, Mạc Phúc Nguyên (1547-1561) có 12 bia, còn lại 112 bia đều thuộc đời Mạc Mậu Hợp (1562-1592)”[4]
5. Lòng dân thời vua Mạc Mậu Hợp, qua văn bia
Vua Mạc Mậu Hợp cũng như nhà Mạc xây dựng một nền kinh tế đa diện, trọng nông mà không ức thương, không trừng phạt nặng nề những người buôn bán mà khuyến khích mọi mặt, mọi thành phần kinh tế. Sự phát triển này không chỉ nhằm mục tiêu trước mắt là đối phó với “thế lực Nam triều” mà nhằm một mục tiêu chiến lược cơ bản, lâu dài và nhân đạo là đem lại đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Kết quả là mọi tầng lớp nhân dân đều sung sướng , mừng vui:
“Kẻ sỹ về triều, nông phu ra đồng, hành khách qua đường, thương nhân đến chợ, không ai không thấy hết đỗi sướng vui, tiện lợi” (Tu sửa cầu Mỗi Nhu, dựng tại chợ Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; năm Diên Thành thứ 3, 1580)[5]
“Qua chừng một tháng mà đất trời dường đổi thay, bể không tát mà cá kình mắc cạn, ngựa xe qua lại như đi trên đất bằng. Trời không mưa mà cầu vồng vắt ngang, khách qua lại như đi trên đường lớn. Vì thế mà bù lấp thêm chỗ chưa hoàn hảo của tạo hóa, lớn mạnh thêm cái thế nhà Mạc nước Đại Việt” (Việc làm cầu Thiên Đông, xã Xứ Bái, tỉnh Kiến An, Hải Phòng; năm Đoan Thái thứ 3, 1587)[6]
“Nước triều lên, thuyền qua lại cảnh tượng thật trù phú. Quả là một nơi tráng lệ bậc nhất của xứ Hải Dương, điểm tô cho ấp ta vậy.
Bậc trí giả đi về hội họp, tiệc sen bày đẹp, chén vàng rượu ngọt, hết đỗi mừng vui lúc tương phùng, áo gấm hương đưa. Ngày mở hội, đường rộng ngựa xe nhiều như chất đống.
Kẻ sỹ về triều, thương nhân ra chợ thảy đều rạng rỡ. Ngư dân thả lưới, mục đồng chăn trâu hết đỗi vui mừng.”
(Tu tạo Đạo quán Tiên Phúc, xã Thượng Chiểu, huyện Kim Môn. tỉnh Hải Dương; năm Đoan Thái thứ 4, 1588)[7]
“Thợ thuyền tinh thông tay nghề nhà nông sống được bằng nghề của mình. Người chài lưới, qua đây đánh cá, người hái củi, qua nhờ cầu này mà kiếm sống được, kẻ chăn trâu có chỗ tạm nghỉ ngơi” (Bia cầu Đạm Giang, xã Đạm Nội, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc)
Qua văn bia chúng ta thử khảo sát các thành phần xã hội được hưởng lợi
Các thành phần xã hội được hưởng lợi
Kẻ sỹ (2 lần) Thi nhân Sỉ tử Mục đồng (2 lần ) |
Nông phu (2 lần) Người lọng dù Trí giả
|
Khách qua đường Ngư dân (3 lần) Thợ thuyền |
Thươngnhân(3 lần) Sãi vãi Người hái củi |
Hầu hết các thành phần xã hội đều được hưởng lợi, kể cả giàu, nghèo, sang, hèn, quan lại , thợ thuyền, người tu hành,…Điều này chứng tỏ tính chất bình đẳng, dân chủ, sự thu hút rộng rãi mọi tầng lớp của nhà Mạc. Hơn nữa, số người bình thường trong xã hội được nhắc đến nhiều (sĩ tử, nông phu, khách qua đường, ngư dân , thợ thuyền. thương nhân, người hái củi, mục đồng). Bậc cao sang chỉ được nhắc đến 1 lần (người lọng dù) trong số 21 lần xuất hiện các tầng lớp
II. Thực hiện đến cùng chính sách “Mạc thị sùng Nho”
Hoàng đế Mạc Mậu Hợp làm vua 27 năm. Ngài đã đều đặn tổ chức 10 kỳ thi Hội:
Tổng cộng: 175 tiến sỹ
Năm Nhâm Thìn (1592), tình hình bên nhà Mạc rất nguy kịch, Trịnh Tùng đã đóng quân ở huyện Chương Đức. Lại chia quân đi đánh dẹp Thanh Trì, Phú Xuyên, Từ Liêm, Đan Phượng (tháng 3).
Thế nhưng, năm đó vua Mạc Mậu Hợp vẫn cho tổ chức thi Hội. Khoa này lấy đỗ 17 tiến sỹ, trong đó có 4 Hoàng giáp. Nói rằng vua Mạc Mậu Hợp tôn sùng đạo Nho đến cùng là như vậy.
Bài văn sách đình đối năm 1583, thời vua Mạc Mậu Hợp
Thi đình là khâu cuối cùng của một đợt thi, nhằm trực tiếp chọn người có thực tài để giúp vua, cứu nước, do vua trực tiếp giao đề , trực tiếp hỏi thi và đánh giá. Kỳ thi đình tổ chức năm 1583 lúc vua Mạc Mậu Hợp 22 tuổi, bản văn đối sách mà chúng ta có là của Nguyễn Tuấn Ngạn (tất cả có 41 câu hỏi. có thể sắp xếp lại trong 8 chủ đề. Kết quả của kỳ thi này ông được đỗ đầu, được chọn làm đình nguyên thám hoa.
Qua nội dung văn sách đình đối trên, chúng ta thấy vua Mạc Mậu Hợp cũng như các bậc tiên vương họ Mạc thực sự tôn sùng Nho giáo, đã tìm trong đó những triết lý, phương châm cũng như kế sách để trị quốc, an dân. Và bản thân vua Mạc Mậu Hợp cũng là người thông hiểu Nho học, là người có trí lực cao. Đây là một phương diện của vua, phương diện trường khảo thí. Phần sau chúng ta sẽ hiểu vua Mạc Mậu Hợp trên phương diện trường chiến đấu.
III.Tôn sùng Phật giáo, Đạo giáo và thần làng
1. Chùa
Thời Mạc không hạn chế Phật giáo như thời Lê sơ, chứng cớ là việc khuyến khích tu bổ xây dựng chùa Phật: “Như vậy có nghĩa là triều đình Mạc không những không hạn chế Phật giáo như thời Lê sơ, mà còn khuyến khích tu bổ, xây dựng chùa Phật”[8]
Dựa vào cả tư liệu điền dã và thư tịch, Nguyễn Du Chi đã thống kê được 142 chùa thời Mạc. Trong số đó thời vua Mạc Mậu Hợp có 52 chùa.
2. Đạo quán
“Trong thời kỳ nhà Mạc, chúng ta biết được 8 ngôi[9] Đạo quán nổi tiếng .Trừ quán Thụy Ứng còn lại 7 Đạo quán được xây dưới thời hoàng đế Mạc Mậu Hợp, chiếm 88%
3.Đình làng
Hiện nay chúng ta biết đến tên của 11 ngôi đình làng thời Mạc. Trong số đó có một số biết rõ niên đại, và số biết niên đại có 5 ngôi thuộc thời kỳ vua Mạc Mậu Hợp. Trong số đó Lỗ Hạnh và Tây Đằng là hai ngôi đình tiêu biểu và đặc sắc, đồng thời là những công trình kiến trúc dân dụng sớm nhất. “Cái quý nhất của đình Tây Đằng là cùng với đình Lỗ Hạnh, là những công trình kiến trúc công cộng dân dụng sớm nhất của lịch sử kiến trúc Việt Nam mà còn tương đối hoàn chỉnh”[10]
“Chốn đình trung” là chốn trang nghiêm , quan cách, nơi quan viên ,chức sắc của làng hội họp, bàn bạc, xét xử; nơi tế lễ, thờ cúng thần làng. Thế mà trên đầu các vị lại dám phơi bày các hình tượng ngỗ ngược (voi lồng, ngựa bay…) và thiếu lễ giáo ( tình tự, ghẹo gái,…)………
Trong xã hội phong kiến nhà Lê, không nói thời suy đồi, vua Quỷ, vua Lợn mà ngay thời thịnh Lê sơ, trước nhà Mạc, cũng không thể có hiện tượng trên.
Đến thời Lê, các tập tục dân gian phải chịu sự phán xét khắc nghiệt của vua quan dưới cái nhìn Nho giáo.
IV. Chính sách cụ thể ở làng xã của Thái hoàng thái hậu họ Vũ
Thái hoàng thái hậu họ Vũ[11] tên là Vũ Thị Ngọc Toản có khi đổi là Toàn, quê ở làng Nhân Trai, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, hoạt đông đóng góp cho nhiều nơi, nổi bật là làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, vào thời gian chủ yếu là thời vua Mạc Mậu Hợp
Bà đã có công lớn là lấy tiền riêng mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam bảo chùa làng Hoà Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng); đồng thời vận động hoàng thân quốc thích đóng góp thêm, tổng số ruộng lên tới 47 mẫu 3 sào, goi là ruộng nhà Thánh (Thánh điền). Số ruộng trên được dùng làm ba khoản chính:
–. Cấp cho việc cúng tế ở đền và chùa làng
– Cấp cho dân đinh, thượng hạ, mỗi người một sào, cày cấy thu hoạch, không phải nộp thuế.
– Phát canh cho cấy lấy thóc lập quỹ hội Thiện[12]/nghĩa thương, khi đói khó cấp đỡ người nghèo, cô nhân, quả phụ, bảo dưỡng lát gạch đường làng. Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 quỹ làng còn 3 tấn thóc, ủng hộ kháng chiến.[13]
Cùng với việc cấp ruộng cho dân làng, Thái hoàng thái hậu là người công đức để xây dựng chùa với 6000 lá vàng, cùng không biết bao nhiệu tiền bạc cho trên 15 ngôi chùa ở khu vực Dương Kinh và phụ cận
Về những việc trên Bà không thể không được sự đồng tình ủng hộ của vua Mạc Mậu Hợp mà Bà là bà nội của vua và hoat động chủ yếu trong thời gian vua Mạc Mậu Hợp tại vị.
Bà cũng là người “bày cho” dân lễ minh thệ, để chống trộm cắp, tham nhũng.
Đúng như PGS Đinh Khắc Thuân đã nhận định: “Bà Thái hoàng thái hậu họ Vũ quả là một người đã dốc toàn tâm toàn ý cho công cuộc trung hưng chùa Phật thời kỳ này. Bà từng được dân gian tôn xưng là “mẫu nghi thiên hạ, là vị Phật sống trên trần gian”[14] … “Bà Thái hoàng thái hậu họ Vũ xem như một biểu tượng của người phúc thiện, đáng được muôn đời ghi nhớ”[15]
V.Tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược đánh đổ phong kiến suy đồi
1.Tấm gương Anh tổ Tĩnh Hoàng đế Mạc Mậu Hợp
Hoàng đế Mạc Mậu Hợp lên ngôi năm 1568, được một bậc hoàng thân tài kiêm văn võ làm phụ chính – Khiêm vương Mạc Kính Điển. Tháng 10 năm Kỷ Mão (1579) Mạc Kính Điển qua đời, lúc tình thế đôi bên Mạc-Trịnh còn rất căng thẳng. Đàng tiếc họ Mạc mất một người con: “Nhân hậu dũng lược, thông minh, tài trí, nhạy bén hiểu đời, từng trải nhiều gian nan nguy hiểm, cần lao trung thành”[16]. Đây là lời đánh giá của sách Toàn thư càng chứng tỏ sự mất mát này là vô cùng to lớn.
Từ đấy trên chiến trường nhà Mạc thua nhiều hơn thắng. Càng về sau tình thế ngày càng nguy nan. Chịu trách nhiệm trước lịch sử và các bậc tiên đế, vua trao ngai vàng cho con là Mạc Toàn rồi tự mình trực tiếp thống lĩnh quân đội.
“Ngày 25-11 Tân Mão (1591), Mạc Mậu Hợp lập con là Toàn làm vua, sai coi việc nước, đổi niên hiệu là Vũ Anh/Vũ An, năm thứ nhất, rồi tự ra làm tướng chống lại triều đình”[17]
Ngài đã huy động toàn bộ lực lượng các trấn, vệ, phủ được 10 vạn quân và tự mình nhận đốc thúc trung quân, quyết chiến.
“Ngày Nhâm tý 21, ban đêm, mặt trăng phạm vào sao Tuế. Bấy giờ họ Mạc bàn cử hết đại binh, thúc gọi binh mã 4 trấn, 4 vệ, 5 phủ, được độ hơn 10 vạn, hẹn đến ngày 16 tháng ấy đến hội quân ở Hiệp Thượng, Hiệp Hạ ( Quốc Oai) để quyết chiến…. Mạc Mậu Hợp đích thân đốc xuất binh mã của chính dinh. Hậu đội thì trong có các tông thất họ Mạc và các tướng túc vệ ở Đông đạo đi sau tiếp chiến.
Ngày 27-12-Tân Mão (1591), chia dường cùng tiến . Đến địa phận xã Phấn Thượng, (nay là xã Ngọc Tảo, huyện Tùng Thiện, Hà Tây) hai bên đối trận với nhau, dàn bày binh mã. Bốn đội quân của họ Mạc khua chuông đánh trống nhất tề tiến lên. Mạc Mậu Hợp đích thân đốc chiến”[18]
Tuy nhiên bên Mạc bị thua nặng, bèn tổ chức thủy chiến hòng giành lại ưu thế, lần này Ngài cũng tự chỉ huy thủy quân hơn 100 chiến thuyền:
“Ngày 6 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1592), Bấy giờ Mạc Mậu Hợp đã qua sông, nhưng còn cậy có sông Cái, có chuẩn bị từ trước, …. Mạc Mậu Hợp tự đốc thủy quân, dàn hơn 100 chiến thuyền giữ sông Nhị Hà để làm thanh viện. Nguyễn Quyện đem quân đến dinh, đặt quân phục ở ngoài cửa Cầu Dền để đợi, dàn súng lớn Bách tử và các thứ hỏa khí để phòng bị.”[19]
Mặt trận này rốt cục nhà Mạc cũng đại bại, cuối cùng phải rút khỏi Thăng Long.
2.Tấm gương Cảnh Tông Thành Hoàng đế Mạc Toàn
Hoàng đế Mạc Toàn là con trai trưởng của Hoàng đế Mạc Mậu Hợp là vị vua thứ 6, lên ngôi ở Thăng Long, của nhà Mạc . Ngài đã kế thừa và phát huy được truyền thống quý baú của dòng họ: anh dũng, kiên cường, bất khuất.
Ngài được vua cha truyền ngôi ngày 26-11-1592 (Nhâm Thìn) để (vua cha) cầm quân ra trận. Nghe tin vua cha bị thua vội đem quân tiếp ứng, đi đến núi Đồ Sơn gặp quân Trịnh Tùng, Ngài chiến đấu dũng cảm, nhưng bị thua. Ngài chạy vào vùng núi Đông Triều, qua My Thử (tức làng Mè, Hải Dương), định lên đóng ở núi Yên Tử. Sau đó Ngài đi đường tắt 10 ngày đến Lạng Sơn. Ở Lạng Sơn, Ngài mộ quân được 6, 7 vạn. Văn võ bá quan tập hợp được 200 người bàn tính khôi phục lại Đông Đô, Trịnh Tùng lo sợ, cho đem 5 vạn quân lên đánh, lần nào cũng bị thua.[20]
Theo Lê Quý Đôn, Cảnh Tông Thành Hoàng Đế bị bắt và bị chém đầu ở bến Thảo Tân vào ngày 27 tháng Giêng năm Quý Tỵ, 1593. Ngài lên ngôi được 3 tháng, từ tháng 11 năm Nhâm Thìn đến tháng Giêng năm Quý Tỵ
Cảnh Tông Thành Hoàng Đế Mạc Toàn sinh ra vào thời gian cuối của vương triều Mạc, giai đoạn Thăng Long, một thời gian lịch sử đầy bi tráng. Tuy nhiên Ngài đã sống và chiến đấu dũng cảm kiên cường, đã hy sinh để bảo vệ lý tưởng cao đẹp, xứng đáng với truyền thống oanh liệt của dân tộc và với các bậc tiên đế.
3.Tấm gương Quốc mẫu Hoàng thái hậu
Con trai và cháu đích tôn thất trận và hy sinh, Quốc mẫu Hoàng Thái hậu lên ngôi hoàng đế, hiệu triệu toàn dân, toàn quân giành lại Kinh đô:
(Ngày 1 tháng 6 năm Canh Tý-1600) “Bâý giờ, mẹ Mạc Mậu Hợp ngụy xưng là quốc mẫu, lên thay ngôi báu. Người tông thất họ Mạc và dư đảng khi trước tránh vào rừng núi, đến đây cùng với con trưởng của Mậu Hợp (không rõ tên) đều đến kính lạy chào. Mẹ Mậu Hợp sai người đi đón Kính Cung, tự ban ân thưởng, trên từ quan viên, dưới đến thứ dân, không kể công lao mới hay cũ, đều phong làm các chức đô chỉ huy sứ, đồng tri, thiêm sự, tả hữu hiệu điểm.
Mùa thu tháng 7, Kính Cung khởi hành từ cửa quan, đến Thị Cầu, huyện Vũ Ninh. Bọn Ngô Đình Nga đều đem quân huyện mình ra đón. Kính Cung đều cho giữ chức cũ. Thế rồi, quan viên tướng sỹ trong nước cùng rước Kính Cung tới Kinh sư”[21]
VI. Về sự băng hà của Ngài
Có hai nguồn tư liệu nói khác nhau: 1.Hoàng đế Mạc Mậu Hợp bị hành hình dã man ở Bồ Đề và 2.Ngài mất trong vòng tay gia đình ở Cao Bình:
1. (Ngày 1-tháng Chạp Nhâm Tuất ) “Bấy giờ, Mạc Mậu Hợp bỏ thuyền đi bộ, đến một ngôi chùa ở huyện Phượng Nhỡn ẩn nấp ở đấy 11 ngày. Quan quân đến huyện Phượng Nhỡn, có người trong thôn dẫn đường đưa quan quân vào chùa bât được Mạc Mậu Hợp đem đến dinh quận. Vũ quận công sai người lấy voi chở cùng hai kỹ nữ về Kinh sư dâng tù, bêu sống ba ngày rồi chém ở bến Bồ Đề, gửi đầu về hành tại Vạn Lại ở Thanh Hoa, đóng đinh vào hai mắt bỏ ở chợ.”[22]
2. Gia phả họ Ngô-Mạc ở Hoa Phú, Bình Dương, Vĩnh Phúc: “Vua Mạc Mậu Hợp sinh 18 con trai đều bị tiêu diệt. Chỉ còn lại 3 con là: Thao, Phố, Thanh. Con lớn là Thao theo cha vào tỉnh Cao Bình ở ẩn, rồi cha chết. Thao đổi tên thay họ là Vạn, con thứ 6 là Thanh trốn vào tỉnh Thanh Hóa thoát nạn rồi thay tên đổi họ.” (Ô. Ngô Hữu Mai, Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp tư liệu)[23]
Hiện nay chưa thể khẳng định đúng sai, thực hư. Vậy xin cung cấp thêm tư liệu, gia phả họ Ngô-Mạc, chỉ nhằm hé ra một khe sáng mới giúp người sau tiếp tục.
*
Tóm lại
Trong thời gian cầm quyền, hoàng đế Mạc Mậu Hợp đã tận tụy, kiên tâm, quyết chí thực hiện cho được mục tiêu chiến lược của tiên đế.
Về kinh tế-xã hội, Ngài coi nông nghiệp là nghề gốc, nhưng đồng thời cũng ra sức phát triển công thương nghiệp. Chúng ta thấy, chợ (9 cái), cầu (10 chiếc), gốm sứ có minh văn (còn lại15 sản phẩm)…Một nền kinh tế đa diện và năng động hình thành và phát triển, bước đầu đem đến sự phồn vinh cho xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được hưởng lợi, đặc biệt đáng quan tâm là lớp dân thường: người làm ruộng, người buôn bán, người đánh cá, kẻ chăn trâu,…đều hồ hởi.
Về văn hóa- giáo dục, Ngài đã quyết tâm , kiên trì đào tạo, tuyển chọn nhân tài qua thi cử. Ngài làm vua 27 năm thì tổ chức đúng 10 kỳ thi, cứ 3 năm một kỳ, tổng cộng lấy 175 tiến sỹ. Kỳ cuối cùng, tình hình nguy nan, Trịnh Tùng đã đánh sát Kinh kỳ, Ngài vẫn quyết cho thi để lấy thêm cho đất nước 17 tiến sỹ, trong đó có 4 thám hoa.
Đúng là “Mạc thị sùng Nho”, nhưng không độc tôn Nho giáo. Dưới thời Ngài, Phật giáo, Đạo giáo và thần làng được tôn sùng, số chùa được xây dựng (52 ngôi ), số đạo quán (7/8 ngôi), số đình làng (5/11ngôi). Riêng đình Lỗ Hạnh và đình Tây Đằng là hai đình làng đặc sắc, tiêu biểu và lâu đời nhất trong các công trình kiến trúc công cộng, được xây dựng /trùng tu vào thời này.
Về cá nhân, chúng ta thấy vua Mạc Mậu Hợp là một vì vua có học vấn, có trí lực, thể lực, văn võ kiêm toàn, có trách nhiệm cao đối với tiên liệt và lịch sử, trong hoàn cảnh nguy nan đã rời bỏ ngai vàng nhận nhiệm vụ nặng nề nhất, là tổng chỉ huy toàn quân, cầm đầu hai cuộc chiến đấu, trực tiếp đối đầu với Trịnh Tùng. Không chỉ có Ngài nêu gương dũng lược, mà con trai-vua Mạc Toàn và mẹ già-Quốc mẫu cũng đều xông lên hy sinh vì sự nghiệp lớn. Một gia đình hoàng tộc như vậy không có nhiều trong lịch sử các vương triều nước ta.
Hoàn cảnh lịch sử không cho phép lật ngược ván cờ. Hoàng đế Mạc Mậu hợp thất trận. Nhưng, các thế hệ hậu duệ của Ngài lớp lớp kế tiếp nhau chiến đấu vì mục tiêu chiến lược của nhà Mạc, qua thời kỳ Cao Bằng, đến thời kỳ hậu Cao Bằng và chỉ chấm dứt khi thủ lĩnh Hoàng (Mạc)Công Chất qua đời ở Điện Biên, năm 1769.
*
Phần hai
ĐỐI CHIẾU VỚI ĐÁNH GIÁ CỦA THÀNH VĂN
VỀ HOÀNG ĐẾ MẠC MẬU HỢP
Thành Văn viết:
“Sử sách chép rằng, Mạc Mậu Hợp sống xa hoa kiêu ngạo, hay nghe xiểm nịnh, ít lắng nghe lời bàn luận, khuyên can của các bậc lương thần và đặc biệt, rất hoang dâm hiếu sắc”
Sử sách nào chép như vậy?, không thấy trích dẫn. Tôi đã tra một số sách có tiếng như Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục ,Đại Việt thông sử,…đều không có câu đó. Vậy câu nói trên là từ trong đầu của Thành Văn chế ra?
Tổng hợp câu trên cùng với các luận điểm khác trong bài, Thành Văn dựng nên những điều sau đây về vua Mạc Mậu Hợp:
-Sống xa hoa,
-Kiêu ngạo, hay nghe xiểm nịnh, ít lắng nghe lời bàn luận khuyên can của các bậc lương thần .
-Đặc biệt, “rất hoang dâm hiếu sắc”, dẫn chứng là “ưng ý Nguyễn Thị”.
-Mưu giết Bùi Văn Khuê
-Vì để mất Bùi Văn Khuê nên mất ngai vàng, nhà Mạc đổ
Thử bàn về các lập luận trên, và sau đây là ý kiến của chúng tôi:
1. Không có cứ liệu viết vua Mạc Mậu Hợp sống xa hoa
Thành Văn không dẫn cứ liệu nào nói về đời sống xa hoa của vua Mạc Mậu Hợp, cũng không có sách sử nào nói Ngài sống xa hoa. Đây là sự bịa đặt hoàn toàn của Thành Văn.
2.Kết tội vua Mạc Mậu Hợp kiêu ngạo, hay nghe xiểm nịnh là không có căn cứ
2.1.Thành Văn đã buông ra một lời độc địa mà không có dẫn chứng. “Kiêu ngạo hay nghe xiểm nịnh” .
Trong thời gian vua Mạc Mậu Hợp cầm quyền 27 năm (chứ không phải 30 năm), tình hình nhà Mạc rất khó khăn , nhiều điều bê bối, nên nhiều bậc trung thần dâng sớ khuyến nghị , riêng Trang nguyên Giáp Hải đã có ít nhất 4 lần dâng sớ:
-Năm Mậu Dần (1578), dâng sớ nêu 6 điều cần phải tránh.
-Năm 1581, Giáp Hải dâng sớ, nhân thiên tai nặng
“Mậu Hợp xem xong tờ sớ này, liền ban lời an ủi phủ dụ Giáp Hải và triệu tới Kinh sư để làm việc tại triều đường” [24]
-Năm 1586. Giáp Hải dâng sớ lần thứ hai. Vua Mạc Mậu hợp đáp lại: “Ông là bầy tôi kỳ cựu, đã từng khó nhọc, đối với lễ, đáng nên về hưu. Nhưng hiện nay dang cần hiền tài giúp việc nước, ông là bậc lão thành am luyện, đối với nghĩa chưa nên đi vội. Vậy phiền ông hãy ngồi lại làm việc tại dinh, giữ công luận, tán thành chính trị, chỉnh lại quốc phong. Đến lúc ấy sẽ về hưu cũng chưa muộn” [25]
Đáp lại tấm lòng của vua, trạng nguyên Giáp Hải bày tỏ:
“Ư kính ư trung, duy cầu quản đạo, sở chỉ chi địa;
Nhi tác nhi tức, nguyên an đề lực hà hữu chi thiên”
(Nào kính nào trung, giữ đạo bề tôi, một lòng son sắt;
Dù làm dù nghỉ, mong yên ngôi chúa, chẳng chút riêng tư)[26]
Các bậc trung thần khác cũng dâng sớ điều trần khuyến nghị Ví dụ:
-Năm Tân Tỵ (1581), Nguyễn Phong, Nguyễn Tự Cường dâng sớ nêu tình hình rối ren.
“Mậu Hợp thấy những lời này rất thiết đáng. Nhưng rốt cuộc không có sự thay đổi nào đáng kể”[27]
Nhiều bậc đại thần tấu trình lên vua để bàn việc nước. Đó là một điều tốt. Thái độ của Mạc Mậu Hợp nói chung là quý trọng, cư xử từ tốn và phần lớn là tiếp thu ý kiến, an ủi phủ dụ, khuyên bảo lễ độ: “Phiền ông hãy ngồi lại làm việc tại dinh” Không thấy trường hợp nào vua đối phó, trách phạt. Nên nhớ đây là một ông vua. Cớ đâu mà buộc tội vua “kiêu ngạo, nghe lời xiểm nịnh” ?.
Đáp lại tấm lòng của vua, trạng nguyên Giáp Hải đã có lời thiết tha trìu mến. Nếu là một ông vua kiêu ngạo, thì nhà đại trí thức hàng đầu đất nước ấy không thể nào “kính, trung, một lòng son sắt” như vậy. Và cũng do ái mộ vua mà Giáp Hải trong hoàn cảnh tuổi già sức yếu, việc nhà nhiều điều buồn thương (con mất), vẫn ở lại triều đình, đến 70 tuổi mới về hưu.
Tuy nhiên có những điều tấu, vua Mạc Mậu Hợp không thể thực hiện được. Thực tế trong hoàn cảnh phức tạp, không phải vị vua nào cũng thực hiện được mọi điều tấu lên. Dầu thực hiện hay không mà với tinh thần và thái độ như trên, không thể nào kết tội “kiêu ngạo, nghe lời xiểm nịnh”
Một lần nữa Thành Văn lại buông ra những lời độc ác, vô căn cứ để phỉ báng người xưa.
2.2.Thành Văn viết tiếp : “bản tính kiêu ngạo, ít chịu nghe lời bàn về việc quân cũng như việc triều chính của các bậc lương thần, để rồi sau đó là dùng Mạc Đôn Nhượng-một con người thiếu bản lĩnh, nhu nhược làm phụ chính”…
Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Nhâm Tuất (Chính Trị) năm thứ năm (1562), Mạc Phúc Thuần năm thứ nhất, Minh Gia Tĩnh năm thứ 41. Tháng Giêng, Mạc Mậu Hợp tuổi còn nhỏ lên nối ngôi, lấy Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng làm nhập nội phụ chính, ẵm Mậu Hợp ra coi chầu.” [28]
Vua Mạc Mậu Hợp lúc bấy giờ mới 2 tuổi làm sao có thể lựa chọn được người làm phụ chính. Vả lại việc lớn như vậy phải do triều đình quyết định là chính.
Thành Văn với một tâm địa độc ác hoặc một đầu óc đen tối đã bịa đặt việc một cậu bé 2 tuổi chọn phụ chính để buộc tội cậu bé kiêu ngạo, ít nghe lời bàn.
2.3.Thành Văn cố tình xuyên tạc ý của Trạng nguyên Giáp Hải , để bôi xấu vua Mạc Mậu Hợp
Năm 1586 Giáp Hải lại dâng sớ xin về nghỉ và bày tỏ rằng: “Cổ nhân lấy câu: Tri túc bất nhục (Biết đủ sẽ không nhục); tiên hiền thường tự xử theo câu: Niên chí tiện quy (Đến tuổi già thì về hưu).
Nay hạ thần đã 70 tuổi, đáng nên về hưu,…”[29]
Đây là câu Giáp Hải nói về mình, nên biết đủ, không nên ở làm việc thêm nữa, đến tuổi thì về hưu. Thành Văn lại xuyên tạc, cho đó là lời quan trạng khuyên vua biết đủ thì không nhục.
Phải chăng với tâm địa đen tối, ác độc Thành Văn đã cố sức bẻ cong , bôi đen những sự kiện rõ ràng, sáng sủa như vậy.
3. Vua Mạc Mậu Hợp không “rất hoang dâm hiếu sắc”
3.1.Thành Văn trích sách Khâm đinh Việt sử thông giám cương mục: “Chúa Mạc là Mậu Hợp ngày ngày say đắm tửu sắc (Thành Văn phóng đại thêm “rất hoang dâm hiếu sắc”). Nguyễn Thị là con gái của Nguyễn Quyện và là vợ Bùi Văn Khuê, nhân có em gái là vợ của Mạc Mậu Hợp, nên thường ra vào trong cấm cung, Mậu Hợp ưng ý Nguyễn Thị vì nàng có nhan sắc, nên muốn giết Văn Khuê để chiếm lấy nàng. Văn Khuê biết chuyện, bèn đem quân bản bộ tự ý rút về Gia Viễn, đóng binh một chỗ, không chịu vào chầu. Mậu Hợp sai quân đến bức bách , Văn Khuê sai con trai là Văn Nguyên chạy vào Thanh Hoa, dâng lễ đầu hàng và xin cứu viện”
Thử hỏi Thành Vân kết tội “rất hoang dâm hiếu sắc” cụ thể là gì? Chỉ có “Ưng ý Nguyễn Thị vì nàng có sắc đẹp” sao kết tội là rất hoang dâm hiếu sắc được. Từ điển tiếng Việt giải thích : “hoang dâm là có tính dâm dục vô độ” Thử hỏi Thành Vân, ưng ý một người nào, đó là tư tưởng, đâu có phải hành động dâm dục, mà ông/bà kết tội là “rất hoang dâm”, lại còn “rất” nữa. Ông cố tình bôi nhọ xuyên tạc trắng trợn vua Mạc Mậu Hợp là cố tình gây thù chuốc oán đấy.
3.2. Thành Văn còn bịa đặt thêm cho vua Mạc Mậu Hợp những hành động sau đây: “Mạc Mậu Hợp thấy sắc đẹp của Thị Niên nên muốn chiếm đoạt, bèn triệu vào phòng để giữ lại trong cung tới sáng rồi giữ luôn”(?). Ý này cũng không có trong chính sử.
4. Việc vua Mạc Mậu Hợp mưu giết Bùi Văn Khuê, chỉ là một cái cớ của Khuê đưa ra để đầu hàng trót lọt
Để xem xét vấn đề, chúng ta cần đặt sự kiện trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ và trong mối quan hệ với các nhận vật liên đới.
Đoạn sử ở trên mà Thành Văn trích ghi sự kiện vào tháng Tám năm Nhâm Thìn (tức 1592). Lúc bấy giờ, tình hình nhà Mạc và vua Mạc Mậu Hợp rất nguy ngập. Vua cùng với tướng lĩnh, trong đó có Bùi Văn Khuê và Nguyễn Quyện (bố vợ của Khuê), vừa trải qua mấy cuộc chiến đấu chống Trịnh Tùng, rất quyết liệt, nhưng thất bại thảm hại. Nguyễn Quyện bị bắt. Quân Trịnh đã chiếm được thành đang san phẳng các lũy đất. Vua Mạc Mậu Hợp phải chạy về Kim Thành, Hải Dương.
Hãy bắt đầu từ cách ứng xử của Nguyễn Quyện và Bùi Văn Khuê.
Hai người đều là tướng tài, được trọng dụng và quyết tâm chiến đấu dưới lá cờ nhà Mạc. Ngày 6 tháng Giêng, Nhâm Thìn cả hai tướng đều chiến đấu cố thủ kinh thành. Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên giữ cửa Cầu Dừa, Cầu Muống, Cầu Dền.
Nguyễn Quyện giữ từ Mạc Xá trở về Đông. Mạc Mậu Hợp tự đốc xuất thủy quân. Trận đó bên Mạc thua to. Con của Quyện là Bảo Trung, Nghĩa Thạch và thủ hạ tinh binh, đều cố sức đánh, đều chết tại trận. Nguyễn Quyện bị bắt. Trịnh Tùng nói lời ân nghĩa dụ hàng, Quyện không nghe, sau vì con là Nguyễn Tín mưu chống lại Lê-Trịnh nên bị giam mãi, chết trong ngục (Khâm định Việt sử thông giám cương mục.) Như vây là cả gia đình Nguyễn Quyện (ông và ba người con) hy sinh dưới ngọn cờ chiến đấu của nhà Mạc.
Đó là một cách ứng xử. Cách ứng xử khác là của Bùi Văn Khuê. “Khuê đem quân bản bộ tự động bỏ về huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, đóng quân ở đấy không ra nữa. Mậu Hợp cho gọi hai ba lần không được bèn sai tướng đen đến hỏi tội Khuê”. (Toàn thư)
Như vậy, một bên trung thành cho đến chết cả 4 cha con, một bên bỏ chạy, xin đầu hàng (có thể là biện pháp tình thế, vì mấy năm sau Khuê về với Mạc, chống lại Trịnh- sẽ nói ở sau). Chúng ta không đánh giá sự việc, tuy nhiên, điều cần bàn là lý do mà Khuê đưa ra. Bùi Văn Khuê đã chiến đấu đến những ngày cuối, biết rõ cơ đồ nhà Mạc không thể cứu vãn nên quyết định đầu hàng Trịnh. Tuy nhiên họ Bùi biết Trịnh Tùng vốn hiếu sát và đa nghi , đã chặt đầu bao nhiêu người thân tín kể cả Trịnh Xuân là con đẻ. Vì vậy, Khuê phải có một lý do thật mạnh mẽ để tạo lòng tin cho Trịnh Tùng: Mạc Mậu Hợp định giết Khuê để cướp vợ.
Đây chỉ là một cớ thoát thân. Cụ thể là sau đó Bùi Văn Khuê cùng Phan Ngạn, quay trở về với nhà Mạc, chống lại nhà Trịnh: “Khi ấy (năm 1600), bọn Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê đem quân phụ theo họ Mạc, chiêu an các thành thị…Ngạn từ xưng là Tiết chế Sính quốc công, Đình Nga tự xưng là Thái bảo Hoa quận công, em Ngạn tự xưng Tiền bộ dinh Quỳnh quận công dùng niên hiệu Càn Thống của họ Mạc (vua Mạc Kính Cung) trong các bảng yết thị hoặc lệnh cấm” (Toàn thư tr.208-209)
Hãy trở lại tình thế của vua Mạc Mậu Hợp. Ông đang trong tình thế khốn quẫn, trước hoặc sau liền kề thời gian chạy để thoát thân. Ông biết rõ vai trò rất quan trọng của Bùi Văn Khuê trong thời điểm này.
Xin nhắc lại, vua Mạc Mậu Hợp là người có trách nhiệm cao đối với sự nghiêp của tiên đế, đã suốt đời đấu tranh thực hiện mục tiêu chiến lược của dòng họ. Trong gia đình ông, ba thế hệ liên tiếp hy sinh vì sự nghiệp. Một người như vậy, và vào thời điểm gay go này, không thể nào lại đổi một người tướng tài, tức là gần như đổi tất cả , để lấy một người phụ nữ.
Lại nói thêm về Nguyễn Quyện, là thân sinh của hai chị em Nguyễn Thị, ắt biết rõ việc gia đình, biết rõ cách cư xử của vua Mạc Mậu Hợp với con gái và con rể ông (Bùi Văn Khuê). Nếu quả thật vua Mạc Mậu Hợp đối xử tồi tệ, thiếu nhân cách như tác giả Thành Văn viết, thì không bao giờ Nguyễn Quyện, cùng với 3 con trai, trung thành tuyệt đối, với vua Mạc Mậu Hợp, cho đến chết, bất chấp lời phủ dụ của Trịnh Tùng.
Tóm lại, với một sự phân tích tổng thể các nhân vật và các sự kiện liên quan, trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, có thể nhận định: thông tin vua Mạc Mậu Hợp mưu giết Bùi Văn Khuê để lấy vợ Khuê chỉ là một cái cớ do Khuê viện ra, để trót lọt việc đầu hàng Trịnh Tùng nhất thời. Sử gia Lê-Trịnh được thể, tóm lấy khuyếch đại lên, để bôi xấu vua Mạc, rồi Thành Văn phóng đại lên một bậc nữa, để thực hiện ác ý của mình.
5. Không phải chỉ do mất Bùi Văn Khuê mà cơ đồ nhà Mạc sụp đổ.
Triều Mạc có hai giai đoạn lịch sử, ở Thăng Long –Dương Kinh 65 năm, ở Cao Bằng 91 năm, tất cả 156 năm. Riêng thời kỳ Thăng Long Dương Kinh bị kết thúc bi thảm bằng việc thất thủ kinh đô. Sự thất bại của nhà Mạc do một hệ nguyên nhân tổng hợp kéo dài nhiều thập kỷ. Có thể nêu ra 4 nguyên nhân chính:
5. 1. Có những hiện tượng mất đoàn kết trong triều đình nhà Mạc, tiêu biểu là vụ Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi và Khiêm vương Mạc Kính Điển. Hai Ngài đều là đại trung thần của nhà Mạc, đều có tài nghiêng trời lệch đất . Chỉ tiếc là quan niệm về chọn người kế vị ngai vàng khác hẳn nhau nên dẫn đến việc đem quân đánh lại nhau gây tổn hại về thực thể và tinh thần rất lớn.
5.2. Cũng giống như bao triều đại phong kiến khác trong lịch sử, các vị vua nối ngôi về sau không giữ được những phẩm chất tốt đẹp của các bậc tiên đế, cũng góp phần khiến cho cơ nghiệp tổ tông không giữ được. Tuy nhiên, chúng ta cần thận trọng để khỏi nghe theo kẻ xấu đổ tội oan cho tiền nhân.
5.3. Có thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng về thủ lĩnh:
.1540, vua Mạc Đăng Doanh mất
.1541, vua Mạc Đăng Dung mất
.1546, vua Mạc Phúc Hải mất
5. 4. Nguyên nhân quan trọng nhất là trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam thế kỷ XVI có 2 xu hướng:
– Xu hướng tư hữu hoá ruộng đất, hình thành tầng lớp hữu sản, tư tưởng cởi mở phóng khoáng, trọng cả Nho, Phật , Lão và văn hoá dân gian; tôn trọng cá nhân; phát triển kinh tế nhiều mặt, nông công thượng nội ngoại thương.
– Xu hướng quan liêu bảo thủ Tống nho, trọng nông ức thương, bế quan toả cảng, độc quyền Nho giáo.
Cả hai xu hướng này đấu tranh loại trừ lẫn nhau. Sự thất bại của nhà Mạc là sự thất bại của xu hướng thứ nhất. Trong hoàn cảnh lịch sử đương thời, nhà Mạc chưa đủ điều kiện để chiến thắng xu hướng thứ hai. Xu hướng này còn tồn tại dai dẳng qua nhà Nguyễn và đến Cách mạng tháng Tám 1945 mới được giải quyết về cơ bản.
Cá nhân anh hùng có vai trò quan trọng, ở mức độ nhiều hay ít, do tình hình cụ thể. Trong bối cảnh bấy giờ , sau tháng 8-1592, mất Bùi Văn Khuê là rất đáng tiếc, nhưng xét việc vương triều Mạc thất thủ Thăng Long-Đông Đô, phải xét cả 4 nguyên nhân nêu trên, không thể quy vào một mịnh Bùi Văn Khuê. Vả lại Bùi Văn Khuê đã hết sức cố gắng chiến đấu bên cạnh các chiến hữu danh tiếng như Nguyễn Quyên, Mạc Ngọc Liễn, Phan Ngạn,….dưới sự tổng chỉ huy của vua Mạc Mậu Hợp, mà không thay đổi được thế trận. Sau đó ông mới làm động tác đầu hàng.
Vậy Thành Văn dồn vào vai trò của Bùi Văn Khuê là để thực hiện tâm địa đen tối là đổ tội cho vua Mạc Mậu Hợp. Lại thêm một sai lầm , độc ác nghiêm trọng nữa.
KẾT LUẬN
1. Hoàng đế Mạc Mậu Hợp đã có quyết tâm sắt đá, kiên trì thực hiện mục tiêu chiến lược của tiên đế cho đến cùng, về các mặt: quân sự, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, tư tưởng. Về cá nhân Ngài là một người có học thức, có trí tuệ, kiêm toàn văn võ, khiêm ái, thận trọng… Gia đình Ngài, cả ba thế hệ đã kế tục hy sinh tận tụy, chiến đấu để bảo vệ đến cùng sự nghiệp của tổ tông và đất nước.
Về sự thất bại của nhà Mạc có nhiều nguyên nhân như đã trình bày trên. Những vị trọng thần đã chiến đấu bên cạnh vua Mạc Mậu Hợp cho đến ngày cuối đã nhận định:
-“Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng, đó là số trời…Bọn ta nên tránh ra nước khác, chứa nuôi uy sức, chịu khuất đợi thời, xem khi nào mệnh trời trở lại, mới có thể làm được” (Lời di chúc của Phò mã đô úy thái phó Đà quốc công Mạc Ngọc Liễn)[30]
-“Trời đã bỏ họ Mạc thì người anh hùng cũng khó ra sức” (Lời của Nguyễn Quyện)[31]
Mọi người tuyệt nhiên không trách cứ vua Mạc Mậu Hợp
Để vẽ ra một con người hoàn toàn khác với thực tế, Thành Văn trong bài viết, đã dùng một loạt thủ đoạn ngòi bút như: bịa ra những hiện tượng không có, lấy những hiện tượng bịa đặt cho vào sử sách, lấy ý kiến nói về người khác buộc vào cho vua Mạc Mậu Hợp, đổ dồn trách nhiệm lịch sử vào một mình vua Mạc Mậu Hợp, v.v. …
2. Người viết sử phải học rộng biết nhiều. Khi viết một phải biết mười và hơn thế nữa, vì một sự kiện lịch sử liên quan đến mấy chục sự kiện khác, một nhân vật lịch sử liên quan đến mấy chục nhân vật khác. Sử học không chấp nhận người hiểu biết hạn hẹp, nông cạn.
3. Đặc biệt người viết sử phải có tâm trong sáng, có lòng nhân hậu, để đem lại “công minh lịch sử, công bằng xã hội” (GS. Văn Tạo). tạo sự thương yêu, quý mến giữa các cộng đồng dòng họ. Sử học không dung kẻ ác tâm, gây chia rẽ bằng cách phỉ báng tiền nhân vô căn cứ.
Cũng mong hậu duệ của vua Mạc Mậu Hợp khoan lượng cho kẻ viết bậy bạ, để giữ đoàn kết. Chỉ e rằng người dung tha mà “lưới trời lồng lộng” (thiên võng khôi khôi)./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
-Nguyễn Tiến Cảnh,….: Mỹ thuật thời Mạc, Viện Mỹ thuật xuất bản, H, 1993.
-Viện Khoa học xã hội: Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, H. 1988.
-Lâm Giang: Trạng nghuyên Giáp Hải, NXB Khoa học xã hội, H, 2009.
– Gia phả họ Ngô-Mạc ở Bình Dương, Vĩnh Phúc
– Đỗ Thị Hảo: Bà tiến sỹ triều Mạc- Nguyễn Thị Duệ, trong sách Kỷ yếu Hôi thảo khoa học…, Hà Nội. 2010.
– Khâm định việt sử thông giám cương mục, NXB Giáo dục, H,1998.
– Phạm Đăng Khoa biên soạn: Tóm tắt nội dung di tích đền- chùa Hoà Liễu, Tài liệu không xuất bản.
– Lê Thành Lân, Trần Ngọc Dũng: Hiệu chỉnh lại thời dụng của 8 niên hiệu thời Mạc, trong sách Kỷ yếu hội thảo khoa học vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam, Hà Nôi, 9-2010.
– Phan Huy Lê: Gốm Bát Tràng thế kỷ 14-19, NXB Thế giới, H, 1995.
– Vũ Duy Mền: Một số vấn đề về làng xã dưới thời Mạc, trong sách Vương triều Mạc, NXB Khoa học xã hội,h, 1996.
– Nguyễn Xuân Toàn: Những đóng góp của nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng, sách Kỷ yếu hội thảo…, H, 2011.
– Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, NXB Hải Phòng, Hải Phòng, 2010.
– Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia , NXB Khoa học xã hội, H, 2001.
– Phan Đăng Thuận: Kinh tế thời Mạc, Luận án thạc sỹ sử học, Trường Đại học Vinh.
– Ngô Đức Thọ….:Các nhà khoa bảng Việt Nam, (1075-1919), NXB Văn học, H. 2006.
– Nguyễn Bá Vân: Gốm thời Mạc ,trong sách Mỹ thuật thời Mạc,Viện Mỹ thuât, H, 1993.
– Thành Văn: Sự thật về việc mất ngôi báu của vị vua “háo gái”không” thuốc chữa”, báo Đời sống và Pháp luật, số 17, ra ngày 14-4- 2012
[1] Cám ơn Thạc sĩ Phan Đăng Thuận đã cung cấp một số tư liệu quan trọng
[2] Nguyễn Bá Vân: Gốm thời Mạc,trong sách Mỹ thuật thời Mạc,Viện Mỹ thuât, H, 1993, tr.102.
[3] Phan Đăng Thuận: Kinh tế thời Mạc, Luận văn thạc sỹ sử học, trường Đại học Vinh
[4] Chu Quang Trứ: Hiểu về xã hội Mạc qua mấy phát hiện về mỹ thuật ở xứ Đông, trong sách Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử, sách đã dẫn, tr.270.
[5] Đinh Khắc Thuân; Văn bia thời Mạc, sách đã dẫn , tr.321
[6] Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, sách đã dẫn, tr.417.
[7] Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, sách đẫ dẫn, tr.429.
[8] Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, NXB Hải Phòng, 2010, tr.48.
[9] Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, NXB Hải Phòng ,2010 , tr.52.
[10] Nguyễn Du Chi: Nghệ thuật kiến trúc thời Mạc trong sách Mỹ thuật thời Mạc, sách đã dẫn, tr.134.
[11] Theo Đinh Khắc Thuân thì: “Có lẽ đây là tên gọi do Mạc Mậu Hợp khi lên ngôi đã phong tặng cho bà nội làm Thái hoàng thái hậu” (Lịch sử triều Mạc, sách đã dẫn, tr.233)
[12] Lập các hội Thiện để tổ chức phong trào làm việc thiện “Các bia dựng trong các chùa , miếu cho biết hội Thiện khá phát triển . Từ các vương hầu tôn thất , quan lại (nhà Mạc) tại vị hoặc hưu quan đến thường dân các làng xã đều đua nhau làm việc thiện…”[12] ) Vũ Duy Mền: Một số vấn đề về làng xã dưới thời Mạc, trong sách Vương triều Mạc, NXB Khoa học xã hội,h, 1996, tr.138-142.
[13] Phạm Đăng Khoa biên soạn: Tóm tắt nội dung di tích đền- chùa Hoà Liễu, Tài liệu không xuất bản, tr.34-35.
[14] “Kim Thái hoàng thái hậu dĩ thiên mẫu vi phật trung trần”. Văn bia chùa Quang Minh (Gia Lộc, Hải Dương ) năm 1579. Bia 151. Chú thích theo Đinh Khắc Thuân: Lịch sử triều Mạc… sách đã dẫn, tr, 233.
[15] Đinh Khắc Thuân, sách đã dẫn, tr.233.
[16] Đại Việt sử ký toàn thư, tâp III, sách đã dẫn, tr.156.
[17] Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, sách đã dẫn, tr. 177
[18]. Đại Việt sử ký toàn thư,tập III, sách đã dẫn, tr.168-169.
[19] Đại Việt sử ký toàn thư , tập III, sách đã dẫn, tr,172.
[20] Ban liên lạc họ Mạc: Hợp biên thế phả họ Mạc, NXB Văn hóa dân tộc, H, 2007, tr106.
[21] Đai Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.210.
[22] Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.178.
[23] Gia phả họ Ngô-Mạc ở Bình Dương, Vĩnh Phúc
[24] Lâm Giang: Trang Nguyên Giáp Hải, NXB Khoa học xã hội, H, 2009, tr.107.
[25] Lâm Giang: Trạng nguyên Giáp Hải, sách vừa dẫn, tr.114.
[26] Lâm Giang: Trạng nguyên Giáp Hải. sách vừa dẫn, tr.110.
[27] Lâm Giang: Trạng nguyên Giáp Hải,sách vừa dẫn, tr.104.
[28] Đại Việt sử ký toàn thư, tâp III, Viện khoa học xã hội Việt Nam, H. 1998, tr,135.
[29] Lâm Giang: Trạng nguyên Giáp Hải, Sách đã dẫn, tr. 112.
[30] Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.189
[31] Đại Việt sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.173.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.