- Đang online: 1
- Hôm qua: 815
- Tuần nay: 19365
- Tổng truy cập: 3,370,142
CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG HƠN NỮA VỀ NHÀ MẠC VÀ VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI NGƯỜI VIỆT VÀ ĐẤT NƯỚC (Đại tá Nguyễn Quang Tuyến – Hải Dương 5/7/2015) 619
- 333 lượt xem
CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG HƠN NỮA VỀ NHÀ MẠC VÀ VƯƠNG TRIỀU MẠC TRONG LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI NGƯỜI VIỆT VÀ ĐẤT NƯỚC
(Đại tá Nguyễn Quang Tuyến – Hải Dương 5/7/2015)
Trên cơ sở những đánh giá khách quan khoa học, trung thực, công tâm và tương đối công bằng của các nhà nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực mà nhà Mạc được đánh giá là một “ Vương Triều chính thống ” trong lịch sử dân tộc, vậy mà Đảng và Nhà nước mới cho xây dựng Khu tưởng niệm các vua nhà Mạc khang trang bề thế, để giáo dục truyền thống; ghi nhận công lao to lớn của các bậc tiền nhân và là một trong 3 công trình trọng điểm của Hải Phòng được đưa vào danh sách các công trình trọng điểm Chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ngày 16/2/ 2004 Từ đường họ Mạc Cổ Trai, nơi thờ tự các tiên đế, tiên vương Triều Mạc được Nhà nước cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia (do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Phạm Quang Nghị ký, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đồng thời cũng trong năm 2010 tại thôn Long động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (Viễn tổ 7 đời của Vua Mạc Thái Tổ) cũng đã được UBND tỉnh Hải Dương và Nhà nước đầu tư xây dựng với quy mô khang trang bề thế. Ngày 25/12/2010, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng và nhiều lãnh đạo Bộ, Ban Ngành ở TW và Lãnh đạo TP Hải Phòng cùng nhiều địa phương khác đã về dự lễ khánh thành Khu tưởng niệm Vương triều Mạc. Từ đó đến đến nay cũng đã có nhiều đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính Phủ, Bộ, Ban Ngành ở TW đã về dâng hương tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc như: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương v.v…. Đồng thời vào các dịp đầu xuân hay dịp lễ kỷ niệm ngày Mạc Thái Tổ băng hà, UBND Thành phố Hải Phòng chỉ đạo cho các sở, ban, ngành và UBND huyện Kiến Thụy tổ chức trọng thể các ngày lễ hội tại Khu Tưởng niệm Vương Triều Mạc, thể hiện tấm lòng của hậu thế tri ân các bậc tiền nhân. Đặc biệt dịp đầu xuân lễ hội khai bút hàng năm được gắn với năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng (từ 2013) được tổ chức rất trọng thể, các cháu học sinh giỏi của các trường tiêu biểu trong Thành phố và bà con nhân dân địa phương, cùng con cháu dòng tộc các nơi về dự. Điều đó là để ôn lại truyền thống nhà Mạc trọng học, khuyến tài “ Vì hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Chỉ tính riêng 65 năm cầm quyền ở Thăng Long (1527-1592), Nhà Mạc đã tổ chức 22 khóa thi, lấy đỗ 485 tiến sỹ, trong đó có 13 Trạng Nguyên. Trong đó có Trạng Nguyên nổi tiếng là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trạng Nguyên Giáp Hải (Giáp Trưng). Thời kỳ ở Cao Bằng (1593-1683) Nhà Mạc cũng đã tổ chức nhiều khoa thi để tuyển dụng nhân tài phục vụ cho triều đình, lấy đỗ nhiều tiến sỹ là con em người dân tộc thiểu số như: Nông Quỳnh Văn, Bế Quản Phụng (Hội thảo Vương triều Mạc ở Cao Bằng), lấy đỗ và tuyển dụng bổ nhiệm Tiến sỹ nữ Nguyễn Thị Duệ ở làng Kiệt Đặc, Chí Linh Hải Dương. Đây là tiến sỹ nữ đầu tiên và duy nhất trong chế độ khoa cử của thời phong kiến ở nước ta.
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm ngày Mạc Thái tổ băng hà, lãnh đạo địa phương đã ca ngợi và khẳng định công lao to lớn của Vương triều Mạc có những đóng góp tích cực trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước dân tộc. Chúng tôi với tấm lòng của người dân đất Việt, hướng về cội nguồn để tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân có công lao xây dựng và bảo vệ đất nước muốn góp thêm tiếng nói khách quan công bằng, trung thực tự đáy lòng mình nhân dịp UBND thành phố Hà Nội trình HĐND thành phố về việc đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông tại Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi nghĩ rằng mỗi con người trong thời đại mới của thế kỷ 21 văn minh, cần công tâm, công bằng khách quan trung thực cần góp tiếng nói chung để mang lại sự công minh của lịch sử và để chúng ta không những hiểu đúng về vai trò của Mạc Thái tổ và Vương Triều Mạc trong tiến trình lịch sử phát triển 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Việc đánh giá nhà Mạc, Vương Triều Mạc, các Sử gia phong kiến trước đây, do nhận thức và ý thức hệ của thời đại phong kiến lúc bấy giờ đã có cái nhìn thiên lệch chưa khách quan mà gọi Nhà Mạc, Nhà Tây Sơn là “ Ngụy Triều ” nhà Hồ là “ Nhuận triều ”. Nhưng thực tế không phải như vậy, vì quy luật vận động và phát triển của xã hội, cái mới tiến bộ sẽ thay thế cái cũ đã lỗi thời lạc hậu bảo thủ và không còn phù hợp quy luật là lẽ đương nhiên. Ở đây tôi không dám đưa ra các vấn đề về lý luận và khoa học mà chỉ nêu vấn đề về thực tế một triều đại phong kiến mới, tiến bộ thay triều đại phong kiến cũ khi đã thối nát, lạc hậu, yếu kém, bảo thủ, trì trệ là phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử. Như nhà Tiền Lê (ở ngôi 29 năm), thay nhà Đinh (ở ngôi 7 năm), nhà Lý (ở ngôi 215 năm) thay nhà Tiền Lê. Nhà Trần ( ở ngôi 175 năm) thay nhà Lý, nhà Hồ (ở ngôi 7 năm) thay nhà Trần, nhà Mạc thay nhà hậu Lê (1527-1592 – ở thăng Long và 1593-1683 ở Cao Bằng; tổng cộng 156 năm), nhà Tây Sơn (ở ngôi 24 năm) thay nhà Lê – Trịnh v.v.
Tuy mhieen hiện nay vẫn còn một số người đánh giá nhà Mạc, Vương Triều Mạc còn sai lệch trên các vấn đề chính như sau:
1. Sử gia phong kiến đã quy kết cho Nhà Mạc là Ngụy triều.
Quan điểm đó là sai trái và lạc nhậu với các kết quả nghiên cứu khoa học lịch sử vừa qua. Ngay từ những năm 1985 tại Hải Phòng tại hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 400 năm ngày mất của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có nhiều công trình nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm, những công trình bước đầu đánh giá lại nhà Mạc và Vương triều Mạc một cách khách quan hơn. Trong đó đã khẳng định việc nhà Mạc lên thay Nhà Lê ở thời điểm ấy là một xu thế tất yếu của lịch sử xã hội phong kiến Việt Nam. Đây là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ xã hội.
– Năm 1991 tại thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 500 năm ngày sinh của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có hội thảo của Viện KHXH và Sở VHTT về Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều bài viết tích cực về Vương triều Mạc tương tự như ở Hải Phòng.
– Ngày 18/7/1994 tại Hải Phòng Hội KHLS Việt Nam, Viện Sử Học Việt Nam đã phối hợp với Hội KHLS Hải Phòng, Sở VHTT và UBND huyện Kiến Thụy đã tổ chức Hội thảo khoa học về Vương Triều Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử dân tộc. Trong đó có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã công tâm, khách quan, trung thực và tương đối công bằng khẳng định công lao to lớn của Vương triều Mạc trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
– Ngày 21/9/ 2010 trước thềm lễ hội 1000 năm Thăng Long có hội thảo về Vương Triều Mạc trong Lịch sử Việt Nam do Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa- thành cổ Hà nội, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1000 năm Thăng Long cùng với Hội KHLS thành phố Hà Nội tổ chức. Tại hội thảo đó cũng đã có nhiều công trình khoa học trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành như: Sử học, văn hóa giáo dục, xã hội học, khảo cổ học, hán nôm học, ngoại giao, tổ chức hành chính, chính trị quân sự, kinh tế…Trong đó có nhiều công trình nghiên cứu khoa học rất sâu sắc đã công tâm khách quan trung thực, công bằng khẳng định công lao to lớn của nhà Mạc đối với đất nước, đối với dân tộc trên nhiều lĩnh vực.
– Tiếp đó ngày 16/6/2011, Hội Khoa học lịch Sử Việt Nam, Viện Sử học Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng và HĐMT Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về nhà Mạc – Vương triều Mạc thời kỳ ở Cao Bằng.
– Ngày 13/10/2011 Hội thảo những di sản Hoàng đế Vũ An Mạc Toàn tại huyện Kinh Môn Hải Dương do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Sở VHTT và Hội KHLS Hải Dương, cùng với UBND huyện Kinh Môn tổ chức.
– Ngày 21 tháng 9 năm 2012 Hội thảo khoa học về nhà Mạc và Hậu duệ trên đất vĩnh Phúc tổ chức tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc do Sở VHTT-UBND huyện Vĩnh Tường và HĐMT Việt Nam phối hợp tổ chức.
-Năm 2014 tại Nghệ An cũng đã có Hội thảo khoa học về nhà Mạc và hậu duệ trên đất Nghệ -Tĩnh cũng do Sở KHCN, Hội KHLS tổ chức.
Như vậy trong khoảng 25-26 năm gần đây đã có rất nhiều cuộc hội thảo khoa học với quy mô lớn ở cấp quốc gia, cấp tỉnh thành để đánh gía về vai trò Nhà Mạc – Vương triều Mạc trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong các cuộc hội thảo đã có nhiều công trình nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khác nhau đánh giá khách quan, khoa học, công tâm, trung thực để mang lại sự công minh của lịch sử và mang lại công bằng về Vương Triều Mạc của các nhà khoa học tiêu biểu hàng đầu như: GS Vũ Khiêu, GSVS Phan Huy Lê, GS Văn Tạo, GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Đăng Nhật, GS Mạc Đường, PGS-TS Trần Thị Vinh, Nguyễn Hải Kế và nhiều nhà khoa học khác như: Huệ Thiên, Lê Văn Hòe, TS Hoàng Lê, TS Trần Lâm Biển, PGS-TS Đinh Khắc Thuân, Nguyễn Minh Tường, Nguyễn Minh Đức, ThS Phan Đăng Thuận, Thái Kế Toại, Tô Ngọc Hưng, Tống Thanh Bình, nhà sử học Ngô Đăng Lợi và rất nhiều nhà khoa học khác v.v…cùng nhiều con cháu các chi học Mạc, gốc Mạc đã góp phần không nhỏ cung cấp các tư liệu, các chứng cứ xác đáng để cho các nhà khoa học nghiên cứu và chiêu tuyết cho tổ tiên. Từ sự kết nối tích cực của các chi họ Mạc (gốc Mạc) cùng với nhiều nhà khoa học có tâm, có tầm, có tài đã xuất bản được nhiều cuốn sách khoa học có gía trị về nhà Mạc – Vương triều Mạc như: “ Hợp biên thế phả họ Mạc ”, “Mạc Đăng Duy và Vương Triều Mạc ”, “ góp phần đổi mới nhận thức và đánh gía về Vương triều Mạc”¸ “ Nhà Mạc và dòng họ Mạc trong lịch sử dân tộc”; “Gương sáng dòng họ tập 1;2;3 ”, “Kỷ yếu về các cuộc Hội thảo khoa học tại Hải Phòng, Hà Nội, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nghệ An ” . Đồng thời tạp chí khoa học xưa và nay của Hội KHLS Việt Nam cũng đã có nhiều chuyên đề, phụ trương khoa học về vấn đề Nhà Mạc- Vương Triều mạc .v.v
Tôi xin phép được trích ra một số dẫn chứng của các nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực, trong các cuộc hội thảo như sau:
– Kết luận của GS-VS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam tại hội thảo nhà Mạc và Vương triều Mạc ở Kiến Thụy năm 1994: “ Nhà Mạc là Vương Triều ra đời và tồn tại sau nhà Lê. Việc nhà Lê sụp đổ và nhà Mạc lên thay là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ, được nhiều người ủng hộ. Không nên coi sự việc này là cướp ngôi”.
Cụ Mạc Đăng Dung lên thay nhà Lê trong bối cảnh khủng hoảng cung đình; vì vua chẳng ra vua, quan chẳng ra quan, để dân chúng lầm than khổ cực, mà theo hịch kể tội của Thượng thư Lương Đắc Bằng triều Lê như sau: “ Tước đã hết mà lạm thưởng không hết. Dân đã cùng mà lạm thu không cùng. Thu thuế đến tơ tóc, mà dùng của như bùn đất. Bạo ngược như Tần Chính, đãi công thần như chó ngựa, coi dân chúng như cỏ rác…”, thế thì sự việc thay thế này là tất yếu khách quan, nếu không có cụ Mạc Đăng Dung thì tất yếu cũng sẽ có người khác thay thế.
– Ý kiến của GS sử học Văn Tạo – nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam:
“ Khi khủng hoảng cung đình diễn ra trầm trọng (trong khoảng 20 năm từ 1504-1526 đã thay tới 5 vua), triều đình đổ nát, kinh tế suy sụp, dân tình cực khổ. Mạc Đăng Dung dẹp được các phe phái phân chia cát cứ và lên ngôi, tạo dựng được cơ nghiệp cho con cháu nối đời, góp phần ổn định đời sống xã hội, xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội trong hơn nửa thế kỷ…”. Trong khi đó về an ninh trật tự được bảo đảm, như Đại Việt Sử ký toàn thư đã ghi nhận công lao của Nhà Mạc: “Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên…đi đường không phải mang binh khí, ai vi phạm pháp ty bắt được sẽ trị tội....”.Như vậy đấy là thời kỳ trị bình sao lại gọi là “Ngụy Triều” được.
GS. Văn Tạo đã khẳng định Nhà Mạc không phải là: “ Ngụy triều ” như định kiến của sử gia phong kiến đối nghịch trước đây mà còn nêu công lao to lớn của vua Mạc Thái Tổ như sau: “... Xét về mặt sự nghiệp dựng nước thì bao giờ cũng “ Vạn sự khởi đầu nan” , công lao đó thuộc về Mạc Đăng Dung. Nói tóm lại 65 năm tồn tại và phát triển, nhà Mạc có công hiến nhất định trong lịch sử dân tộc. Công lao và sự nghiệp của Mạc Đăng Dung đối với nhà Mạc là lớn lao và sự nghiệp của nhà Mạc đã được sử sách ghi nhận. Hậu thế chúng ta cần trân trọng và phát huy ”.
– Ý kiến GS Vũ Khiêu – AHLĐ nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã Hội Việt Nam:
“ …Nhìn lại những tư tưởng và việc làm của Mạc Đăng Dung ta thấy ông xuất hiện như một bông hoa xuyên tuyết, chọc thủng lớp băng giá mùa đông để đón chào mùa xuân cho đất nước…”
– Ý kiến GS Sử học Trần Quốc Vượng ĐHQG Hà Nội đánh giá tích cực công bằng về nhà Mạc:“… Không nên chỉ nhìn nhận và đánh gía sự nghiệp của nhà Mạc qua những gì sử thần Lê – Trịnh viết. Triều đình Lê – Trịnh đối địch với Triều Mạc từ đầu đến cuối thế kỷ XVI ở Thăng Long, mà còn đối địch với nhà Mạc thu nhỏ ở Cao Bằng. Do vậy những gì sử thần nhà Lê – Trịnh bôi xấu Triều Mạc là tất nhiên: “ Yêu nên tốt, ghét nên xấu là chuyện thường tình” . Mạc Đăng Dung lấy ngôi nhà Lê không phải từ tay vua Lê anh hùng như Lê Lợi, một vua Lê có học vấn và tài năng như vua Lê Thánh Tông, mà từ những vua lợn, vua quỷ… sự thay thế đó là hợp lẽ đời và đạo, việc ấy là theo lẽ phải “ Lẽ phải chính trị và nhân văn”. Tôi cho rằng nếu Dương Kinh nhà Mạc được xây dựng thành công, nhà Mạc tồn tại và phát triển lâu hơn nữa, Việt Nam đã có một cuộc cải cách đổi mới mạnh mẽ giống như thời Minh Trị của Nhật Bản, nhưng rất sớm. Dương kinh chính là thể hiện tư tưởng “ Hướng ngoại” của nhà Mạc”.
– GS sử học Lê Văn Hòe, 1952 đã có các công trình nghiên cứu đánh giá về nhà Mạc: “ …Cái khuyết điểm lớn nhất của cuốn Việt Nam Sử lược là ở chỗ nặng lời biếm nhục Mạc Đăng Dung- vua Thái tổ nhà Mạc… sự thật khác hẳn Mạc Đăng Dung bị hiểu lầm. Mạc Đăng dung là một người anh hùng lập thân trong thời loạn. Mạc Đăng Dung là người yêu nước, thương dân. Mạc Đăng Dung là người có tài ngoại giao…”. Phải chăng tác giả cuốn Việt Nam Sử lược có phải là vị Thủ tướng bù nhìn thân Nhật Trần Trọng Kim không? nếu quả đúng như vậy thì ông ta đã bán nước rồi, sao dám lên giọng phê phán tiền nhân chứ… Trong khi đó ông ta không biết rằng một nhà tiên tri ở châu Âu đã nói: “ Nếu ta bắn vào quá khứ một viên súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào ta một viên đại bác”.
– PGS.TS Trần Thị Vinh – Viện sử học cho biết: Công trình nghiên cứu ¼ thế kỷ đánh giá về nhà Mạc của “… Đã đến lúc Mạc Đăng Dung và Triều đại Nhà Mạc phải được trả về vừa tầm với vị trí của mình. Tôi đồng tình với một số ý kiến của giới sử học gần đây trong cách đánh giá Mạc Đăng Dung và Nhà Mạc. Tức là chúng ta nhìn nhận Mạc Đăng Dung không phải là kẻ “nghịch thần”, nếu coi Nhà Mạc là “ thoán đoạt” là kẻ “ nghịch thần” hay Nhà Mạc là “ Ngụy triều” tức là đã phủ nhận những đóng góp chung của Nhà Mạc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa giáo dục và nghệ thuật. Còn nếu coi hoạt động chính trị của Mạc Đăng Dung ở đầu thế kỷ XVI đẫn đến việc thiết lập Vương Triều Mạc là có tội, thì trước kia vào cuối thời Lý đầu thời Trần; Trần Thủ Độ cũng dùng mưu mẹo, thậm chí dùng cả hành động độc ác ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, giành cơ đồ về tay nhà Trần. Vậy tại sao lại không bị lịch sử lên án…”
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến khách quan, công tâm và công bằng của các nhà khoa học, cho thấy việc nhà Mạc lên thay nhà Lê đã mục nát tại thời buổi ấy là quy luật tất yếu của lịch sử. Điều đó hoàn toàn giống như các triều đại trước đây đã làm, vì lẽ đất nước Đại Việt là của muôn dân bách tính chứ không phải của riêng dòng họ nào. Khi triều đại đó vì dân, lấy dân là gốc thì “ Quốc thái dân an, đất nước cường thịnh”. Sau khi lên ngôi Nhà Mạc cũng rất nhân văn, không truy sát con cháu nhà Lê, không tàn phá Lam Kinh, đã bổ dụng 56 cựu thần quan lại cao cấp của nhà Lê để phục vụ cho triều đại mới. Đồng thời triều Mạc đã kế thừa những mặt tích cực, thành quả tốt đẹp của thời kỳ Vua Lê Thánh Tông “Hồng Đức Thiện Chính – những chính sách tốt từ thời Hồng Đức. Đồng thời có bổ sung sửa đổi một số chính sách, pháp luật cho phù hợp với quá trình phát triển của xã hội và ban bố 59 điều làm thành bộ luật “Hồng đức thiện Chính Thư ” để sử dụng cho triều đại mới. (PGS.TS Đinh Khắc Thuân – nguồn Thư tịch cổ và văn bia – sách góp phần nghiên cứu Triều Mạc ở Việt Nam – NXBKHXH – trang 10).
Vì vậy ta có thể gọi các triều đại phong kiến của nhà nghiên cứu PGS-TS Lê Thành Lân, người làm niên biểu nhà Mạc thì thời kỳ 65 năm (1527-1592) Nhà Mạc trị vì ở Thăng Long gọi là Vương triều chính thức. Còn nhà Lê Trung Hưng khi đó ở Thanh Hóa (1533-1592) gọi là vương triều cùng thời. Giai đoạn từ năm 1593 nhà Lê -Trịnh đóng đô ở Thăng Long gọi là vương triều chính thức; còn lại Vương triều Mạc ở Cao Bằng (1593-1683) gọi là vương triều cùng thời. Vì theo cách gọi này của nhà nghiên cứu Lê Thành Lân cho thấy nó mềm mỏng hơn, thấu tình đạt lý hơn, tránh được xung đột không cần thiết giữa 2 họ Lê – Trịnh với họ Mạc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chung tay góp sức xây dựng bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu của tổ quốc.
2. Vấn đề tồn nghi Nhà Mạc cắt đất cho nhà Minh ? đầu hàng nhà Minh ? Sự kiện đó đã bị xuyên tạc.
Vai trò của Nhà Mạc bị các sử gia phong kiến đánh giá sai lệch, đến nay tư tưởng đó vẫn còn rơi rớt ở một số người do không cập nhật tư liệu nghiên cứu mới hoặc do còn tồn tại sai sót trong sách giáo khoa THCS, THPT và cả giáo trình ĐH chậm được sửa đổi theo các nghiên cứu mới được tổng kết qua nhiều cuộc hội thảo ¼ thế kỷ vừa qua.
– GS sử học Lê Văn Hòe từ những năm 1952 khẳng định không phải như vậy mà đã bị sử gia phong kiến Lê- Trịnh bôi nhọ, bóp méo sự thật. GS Trần Quốc Vượng cho là sử thần Lê – Trịnh định kiến hẹp hòi bảo thủ, yêu nên tốt, ghét nên xấu là chuyện thường tình. Vấn đề dâng đất cho nhà Minh đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu đánh giá và khẳng định Nhà Mạc không thực sự dâng đất cho nhà Minh. Vì ngay từ thế kỷ thứ XVIII Nguyễn Văn Siêu (Thần Siêu) trong sách Phương đình dư địa chí đã khẳng định: “ Thế thì sáu động họ Mạc đem nộp vờ như đất Như Tích, Phật Đà ở Khâm Châu, chỉ vì tên gọi thay đổi khác nhau mà thôi”. Đó là dâng đất khống, hoặc trả lại đất mà ta đã lấn chiếm trước đây như: “ Trả lại 4 động Tư Lẫm , Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc 2 Đô Như Tích và Chiêm Lãng thuộc Khâm Châu ” – (Trích ĐVTS của Lê Quý Đôn – trang 165 ) hay các động trưởng vùng biên giới do tư tưởng mạnh bên nào theo bên ấy mà thôi.
Còn trong quan hệ Mạc – Minh, các sử gia phong kiến trước đây thường lên án Nhà Mạc đầu hàng nhà Minh, nhưng đến nay các nhà nghiên cứu cho thấy sự thật không phải như vậy mà chỉ giả vờ đầu hàng để giữ hòa hiếu, điều cốt lõi là giữ được độc lập thực sự. Trước một nước lớn luôn có tư tưởng bành trướng bá quyền thường xuyên muốn nhòm ngó xâm lược nước ta thì đây là một sách lược ngoại giao khôn khéo linh hoạt, mềm mỏng của Nhà Mạc như Cố GS Trần Quốc Vượng đã nhấn mạnh: “ Hành động đầu hàng của nhà Mạc do Minh sử chép là một sự phóng đại để khoe khoang”….
– Nhà nghiên cứu Trần Khuê cũng nhận định: “ Việc giành lấy ngôi vua từ tay một triều đại, một dòng họ đã suy tàn là hợp với quy luật, việc trá hàng nhẫn nhục để giữ yên bờ cõi và bảo toàn chủ quyền là khôn khéo. Còn tội “cắt đất” dâng cho kẻ thù rõ ràng không có chứng cứ chính xác. Chờ đến khi có nhà nghiên cứu nào đưa ra được chứng cứ lịch sử khác, tôi có thể khẳng định rằng: “Nhà Mạc không hề mắc tội phản quốc” (PGS-TS Đinh Khắc Thuân – sách góp phần nghiên cứu lịch sử Triều Mạc ở Việt Nam trang 29- NXBKHXH -2012).
Các chứng cứ lịch sử đã chứng tỏ là trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 1536 đến tháng 10 năm 1540 Nhà Minh đã cử Thượng thư bộ binh Mao Bá Ôn và Hàm Ninh Hầu Cừu Loan đưa quân áp sát biên giới nước ta với quân số cả chính binh và kỳ binh là 22 vạn quân (Cương mục tập 2 – trang 114). Đã có 10 lần diễn ra các sự kiện (ngày 16/11/1536; ngày 7/12/1536; ngày 12/1/1537; 13/3/1537; ngày 20/3/1537; ngày 21/5/1537; ngày 16/6/1537; ngày 4/7/1537; ngày 8/9/1539; ngày 20/10/1540) Nhà Minh đã tích cực chuẩn bị xâm lược nước ta. Có thể nói vận nước trong lúc này như ngàn cân treo sợi tóc đặt trọng trách lớn lao trên vai Vương Triều Mạc. Nhưng vì sao Nhà Minh chần chừ do dự,chưa xâm lược ngay. Vì theo binh pháp Tôn Tử “biết người biết ta thì trăm trận trăm thắng” nên Nhà Minh lo ngại Nhà Mạc có lực lượng quân sự đủ mạnh với số quân thường trực khoảng 12 vạn, không kể dân binh. Đồng thời Nhà Mạc đã tích cực chủ động củng cố xây dựng các công trình phòng thủ đất nước (bằng chứng là Nhà Mạc đã xây dựng nhiều thành trì phòng thủ ở các nơi hiểm yếu để chống giặc ngoại xâm còn dấu tích đến ngày nay như: Thành Lạng Sơn, Cao Bằng, Hòa Bình, Hưng Hóa, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hoành Bồ, Cẩm Phả, Đầm Hà, Quảng Yên Quảng Ninh, Cát Bà, Thành Dền Thủy Nguyên Hải Phòng và còn nhiều nơi khác nữa…). Mặt khác tại thời điểm đó Nhà Mạc là thời kỳ thịnh trị, kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhiều năm liền được mùa liên tiếp, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương được phát triển mạnh mẽ, văn hóa giáo dục được phát triển, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, kỷ cương phép nước được giữ nghiêm, ra đường không phải mang theo binh khí, nhà cổng ngoài không phải đóng. Vì vậy cả thế và lực trong nước đã được nhà Mạc chuẩn bị chu đáo cho tác chiến phòng thủ chống giặc ngoại xâm để bảo vệ đất nước. Đồng thời nhà Minh cũng cũng hiểu được tài thao lược văn võ kiêm toàn của Thái tổ Mạc Đăng Dung và đội ngũ tướng lĩnh trung thành của ông, cùng với nhiều văn thần, võ tướng tài ba phục vụ triều Mạc ở thời điểm này như: Trạng Nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giáp Hải, Dương Phúc Tư, Ngô Miễn Thiệu. Trần Tất Văn v.v.. Chính Nhà Mạc đã vận dụng khéo léo sức mạnh tổng hợp của triều đình và toàn dân để xây dựng các công trình phòng thủ, chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất để chống giặc Minh như Lê Triều Thông Sử đã viết: “Nhà Mạc đã cho tu sửa doanh trại, thành lũy nơi hiểm yếu, luyện tập thủy quân, trưng cầu hết thảy cựu thần, lão tướng để cùng bàn việc nước”. Sách “Thù vực chu tư lục” của nhà Minh cũng đã cho biết nhà Minh còn tranh cãi về việc đánh hay không? Khi Mao Bá Ôn đến Nam Ninh tung quân đi do thám đã thấy quân dân Đại Việt tích cực chuẩn bị kháng chiến chống quân Minh quyết liệt “… lấy thuốc độc bã đậu bỏ vào suối nước, đào hố chôn cọc tre trên đường tiến quân để ngựa sa hố, lại phao tin đồn nhảm ( nghi binh ) sẽ mang quân đường biển tập kích Quảng Đông”.
Cho nên GS Trần Quốc Vượng kết luận: “ Tất cả những ứng xử của nhà Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong chiến lược hằng xuyên suốt của Việt nhỏ Hoa lớn, thần phục giả vờ hay độc lập thực sự”. Đồng thời nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Tường cũng có chung nhận định này: “ vào lúc đó, theo chúng tôi, nhà chính khách Mạc Đăng Dung đầy kinh nghiệm đã chấp nhận “ Khổ nhục kế” tức là tự trói mình để mong đạt được mục đích cuối cùng là quân đội của Cừu Loan và Mao Bá Ôn rút binh ” ( Trích sách góp phần nghiên cứu lịch sử Triều Mạc ở Việt Nam của PGS–TS Đinh Khắc Thuân-NXBKHXH-2012 trang 29).
Vì vậy trong 65 năm Nhà Mạc đóng đô ở kinh thành Thăng Long đã không có một bóng một tên giặc ngoại xâm. Đồng thời ngay cả khi Nhà Mạc không còn ở Thăng Long mà thu hẹp tại Cao Bằng đại thần Đô úy Thái Phó Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn cũng đã dặn dò con cháu: “.. Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước, để dân ta phải lầm than cực khổ, đó là tội lớn không nặng gì bằng…”. Đây không phải là ý kiến riêng của cá nhân cụ Mạc Ngọc Liễn, mà đây là tuyên ngôn tư tưởng lớn của Nhà Mạc về tấm lòng yêu nước thương dân, không muốn vì quyền lợi của riêng dòng họ mình mà mượn người Minh vào xâm lược, dày xéo non sông đất nước ta, nhằm tránh cho đất nước ta một cuộc chiến tranh thảm khốc với ngoại bang. Điều này đã được chứng minh trên 90 năm ở Cao Bằng con cháu nhà Mạc không hề mời người Minh, hoặc xin quân chi viện của nhà Minh để đánh nhau với Lê -Trịnh.
Do đó tôi thấy 2 vấn đề còn tồn nghi của sử gia phong kiến để lại có thể khẳng định là: Cụ Mạc Đăng Dung không đầu hàng và không cắt đất mà sử gia phong kiến Lê – Trịnh trước đây đã bôi nhọ và không đúng sự thật.
Do những công lao to lớn của nhà Mạc đối với đất nước, đối với dân tộc, nên việc đặt tên 2 đường phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông tại thành phố Hà Nội là hoàn toàn phù hợp và được lòng dân đồng tình ủng hộ.
Ảnh: Lễ Khánh thành giai đoạn I KTN Vương triều Mạc ở Hải Phòng 25/12/2010
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.