- Đang online: 1
- Hôm qua: 602
- Tuần nay: 20419
- Tổng truy cập: 3,372,368
VỊ TRẠNG NGUYÊN ĐỜI MẠC VÀ CÁC VỊ KHOA BẢNG HỌ DƯƠNG 700
- 413 lượt xem
VỊ TRẠNG NGUYÊN ĐỜI MẠC
VÀ CÁC VỊ KHOA BẢNG HỌ DƯƠNG
NGUYỄN KIM MĂNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Lạc Đạo là một trong năm xã của tổng Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc xưa (nay là thôn Ngọc, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Nơi đây là vùng quê văn vật, có truyền thống khoa bảng của xứ Kinh Bắc. Đúng như lời Phan Huy Chú nhận xét trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Kinh Bắc đó là nơi có mạch núi cao vót, nhiều sông vòng quanh, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, Lạng Giang là đẹp hơn cả. Văn học thì phủ Từ Sơn, Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là hồn khí trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”. Có lẽ chính vì lẽ đó, mà chỉ một dòng họ Dương cũng đã có tới 8 vị Tiến sĩ và 1 Trạng nguyên.
Theo gia phả của dòng họ cho biết năm Nhâm Ngọ (1642) hậu duệ của cụ là Dương Hoàng giữ chức Tả thị lang Bộ Công và Dương Hạo giữ chức Đô Ngự sử đã cùng nhau bàn bạc tôn cụ Trạng làm Thủy tổ. Như vậy, Dương Phúc Tư là vị Thuỷ tổ, đồng thời cũng là vị khai khoa đầu tiên của dòng họ Dương. Nhà Mạc từ niên hiệu Minh Đức năm Kỷ Sửu (1529) đến niên hiệu Hồng Ninh năm Nhâm Thìn (1592) mở tất cả 21 khoa thi, trong đó lấy đỗ 484 Tiến sĩ và 11 Trạng nguyên, thì Dương Phúc Tư là một trong 11 vị Trạng nguyên ít ỏi đó. Phần Khoa mục chí Phan Huy Chú cũng ghi: “Mạc Phúc Nguyên năm Vĩnh Định thứ nhất (1547) khoa Đinh Mùi lấy đỗ Tiến sĩ 30 người. Hội nguyên Nguyễn Thước người xã Nghĩa Lộ huyện Thanh Oai. Đình nguyên Trạng nguyên Dương Phúc Tư người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm”.
Còn các tài liệu Đăng khoa lục và gia phả của dòng họ thì ghi: Cụ tên húy là Phúc Tư, tự là Nhuận Phủ, tên hiệu là Nột Trai. Khi nhà Lê khởi nghĩa, cử tế thần đến nơi cụ làm việc hỏi về việc nước, vua phế đế nhà Mạc, lấy cớ ấy giáng chức cụ. Từ đó cụ bỏ làm quan, dời nhà về xã Cổ Thiết, tỉnh Sơn Tây dạy học. Khi nhà Lê lên ngôi đón cụ ra giúp nước, cụ từ chối không nhận. Cứ mỗi khi có việc cần thiết, nhà Lê lại cử tế thần đến hỏi. Một thời gian sau cụ trở về làng, dạy học trò rất đông, có nhiều người làm nên như Trạng nguyên Phạm Tuấn đỗ khoa Bính Thìn (1556) cùng nhiều Tiến sỹ, Tú tài khác. Theo gia phả dòng họ chép: “Cụ mất ngày 29 tháng chạp năm Quý Hợi (1563) niên hiệu Chính Hòa thứ 6, mộ táng tại gò Mả Cả, hưởng thọ 59 tuổi. Cụ sinh được 4 con trai 3 con gái, về sau con cháu cụ làm các chức công, chức phụ, nên cụ được tặng thêm là Tự khanh Thiếu bảo. Di văn của cụ còn lại 1 bài văn đình đối và tập thơ Độc sử thi phả với số lượng khá nhiều là 180 bài, hiện đều đang được lưu giữ tại Thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Cụ trả lời bài sách vấn xuất sắc nên được vua khen: “Trả lời mọi câu đều thiết thực, đúng là một cây bút lớn. Đó chính là cái gọi là khi bậc chân nho ra đời thì đạo sẽ hanh thông từ trên xuống dưới”.
Trong thời đại Lê – Mạc khoảng 200 năm (từ 1547 – 1754), ngoài cụ tổ đỗ Trạng nguyên ra, trong dòng họ con cháu đời sau có nhiều đời cha con, anh em cùng đăng khoa. Nên trong các cuốn Đăng khoa lục khi chép về các Tiến sĩ họ Dương ở Lạc Đạo, sau những thông tin về tuổi, quê quán thường có dòng chữ”nhiều đời đăng khoa”. Đó là các Tiến sĩ:
Dương Thuần: đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1628) niên hiệu Vĩnh Hựu nhà Lê. Làm quan trải các chức Giám sát cấp sự đô, Cấp sự tự khanh thừa sứ, đến năm Ất Mùi được thăng Hữu Thị lang bộ Hộ, Thừa chính sứ Sơn Nam, thăng chức Tả thị lang Bộ Lại, tước Nho Lâm bá. Cụ là cháu của Dương Phúc Tư, cha của Dương Hạo.
Dương Hoàng: tên tự là Nhã Chính, tiểu danh là Trừng. Đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Đinh Sửu, niên hiệu Dương Hòa (1637) đời Lê. Cụ là người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vừa giỏi văn lại giỏi võ, cụ được cử đi quản lý quân ở Cao Bằng và Thuận Quảng, lập công lớn, được vua ban khen, sau khi mất được vua cấp tiền, lệnh cho nhân dân địa phương làm lễ mai táng. Cụ làm tới chức Tả thị lang Bộ Công, tước Thọ Lâm hầu, tặng là Thượng thư. Cụ là cháu của Dương Phúc Tư, là em Dương Thuần và là chú của Dương Hạo.
Dương Hạo: hiệu là Mẫn Giản, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa (1640) đời Lê. Cụ làm quan trải qua nhiều chức: Giám sát Ngự sử Hải Dương, Thanh Hóa. Năm Ất Mùi thăng chức Hình khoa cấp sự trung, Đốc đồng Thanh Hóa, Hiến sát sứ tỉnh Nghệ An. Nhiều lần được cử đi giám sát các trường thi như Sơn Tây, Sơn Nam. Khi mất được vua sửa lễ phúng 250 quan tiền. Cụ là cháu đời thứ 6 của Dương Phúc Tư, là con của Dương Thuần, là cháu Dương Hoàng.
Dương Quán: đỗ Đồng Tiến sỹ, khoa Mậu Tuất (1718), niên hiệu Vĩnh Thịnh, đời Lê. Làm quan đến Giám sát ngự sử, là cháu đời thứ 6 của Dương Phúc Tư, là tằng tôn của Dương Thuần, cũng là cháu Dương Hạo, cùng hàng em với Dương Lệ.
Dương Công Thụ: đỗ Đồng Tiến sỹ khoa Tân Hợi (1731), niên hiệu Vĩnh Khánh đời Lê. Làm đến Tả thị lang Bộ Lại, tặng Thượng thư, tước Đạo Quận công. Cụ được bao phong là Phúc thần, gia tặng là “Văn ý Đoan chính, Thuần túy Khoa nhân, Nhã thực đức độ, Trung hòa uyên bác, Quảng hóa hoằng hiến, Hùng tài vĩ liệt, Thuận An Lạc Đạo đại vương”, hiện nay trên mộ của cụ vẫn còn một tấm bia thần đạo ca ngợi công lao của cụ, nội dung có đoạn: “…Nay cụ họ Dương tên huý là Thụ, hiệu là Nhu Độn, được ban tên thuỵ là Ôn Nhã, người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, là cháu cụ Trạng nguyên, đỗ Tiến sĩ khoa Tân Hợi, niên hiệu Vĩnh Khánh. Tiếng tăm tốt đẹp của cụ vang dội khắp nơi, cụ được nhiều lần cất nhắc. Sau lên tới hàm Kim tử vinh lộc đại phu, chức Nhập thị bồi tụng tả tư giảng, Hữu thị lang Bộ Lại, kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám, tước Đạo Phái bá. Cụ là người thân tín trong phủ chúa, được phân giúp đỡ Thế tử học tập trau dồi. Văn chương đạo đức của cụ đứng hàng đầu một thời. Nhà nghèo mà trách nhiệm thì nặng, cụ càng thêm gắng gỏi và chuyên cần. Cụ hưởng thọ 58 tuổi. Triều đình bàn định, phong cụ chức Tả thị lang bộ Công, truy phong chức Thượng thư bộ Công, tước Đạo Phái hầu”.
Dương Sử: tên thụy là Mẫn Đạt, đỗ Đồng Tiến sĩ, khoa Giáp Tuất (1754), niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê, sinh năm Đinh Hợi (1707), 58 tuổi mất năm Giáp Thân (1764) ngày 14 tháng 8, giữ chức Tự khanh đông các đại học sỹ, cụ là người học rộng văn tài, có học trò đỗ đạt. Thời đó có câu tục ngữ: “Dục tảo khoa danh cử, tất đãi Dương Sử công”, cụ là anh em của Dương Khiêm, anh em cùng đỗ một khoa.
Dương Trọng Khiêm: hiệu là Bình Tiết, tên húy là Đình, đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754), niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê. Từng giữ chức Thiêm đô ngự sử, sau đổi tên là Trọng Tế. Cụ là anh em với Dương Sử, anh em cùng đỗ một khoa.
Ngoài ra phần ghi chép về quan tước trong dòng họ có: Quận công 2, tước Hầu 9, tước Nam 2, tước Bá 9, tước Tử 3, Đại vương 3, Thượng thư 5, Thái phó 2, Thiếu phó 1, Thái bảo 2, Thiếu bảo 1.
Hiện nay, dòng họ vẫn giữ được ngôi nhà thờ của Trạng nguyên với tấm hoành phi “Trạng nguyên từ” cùng nhiều câu đối hay. Trong đó có đôi câu đối ca ngợi về sự nghiệp đỗ đạt của cụ Thủy tổ và các cụ trong dòng họ như sau:
“Tiên tổ Trạng nguyên, thanh thế công danh vang triều Mạc
Hậu sinh Tiến sĩ, lưu truyền khoa bảng hiển Dương gia”
Tạm dịch:
Tổ tiên Trạng nguyên, công lớn danh thơm, vang triều Mạc;
Con cháu Tiến sĩ, lưu truyền khoa bảng, rạng họ Dương.
Chúng tôi được ông trưởng họ cho biết, ngôi nhà thờ của các vị khoa bảng của dòng họ Dương ngày nay vẫn giữ được giá trị bảo tồn bảo tàng với nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như: Hoành phi, câu đối, các đồ thờ, các sắc phong, gia phả, bia đá, đặc biệt là ngôi mộ tổ của Trạng nguyên được dòng họ trông nom và xây dựng rất khang trang. Là người con của đất Lạc Đạo, nhiều thế hệ đời sau đều một lòng ngưỡng mộ cụ như tấm gương sáng về tài năng và đức độ. Hiện nay sở giáo dục huyện Văn Lâm đã quyết định lấy tên cho ngôi trường năng khiếu của mình là “Trường năng khiếu Dương Phúc Tư” đặt tại thị trấn Như Quỳnh. Theo chúng tôi được biết cuối năm 2005 dòng họ sẽ làm lễ kỉ niệm 500 ngày sinh của cụ trên quê hương Lạc Đạo, ngày đó sẽ quy tụ những người con của dòng họ Dương khắp trong Namngoài Bắc. Dòng họ cũng đang hoàn tất thủ tục xin xếp hạng ngôi từ đường và công nhận Dương Phúc Tư là danh nhân văn hóa. Chúng tôi thiết nghĩ, một dòng họ có truyền thống khoa bảng, với tài năng và sự cống hiến, cùng những gì dòng họ đang gìn giữ, thì Trạng nguyên Dương Phúc Tư xứng đáng được Bộ văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử và danh nhân văn hóa.
Thông báo Hán Nôm học 2005 (tr.433-437)
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006 (Phan Đăng Thuận ST).
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.