- Đang online: 1
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 16639
- Tổng truy cập: 3,369,195
VỀ VIỆC NHÀ MẠC TRẢ LẠI ĐẤT CHO NHÀ MINH – PGS-TS. Hán Nôm Đinh Khắc Thuân
- 619 lượt xem
VỀ VIỆC NHÀ MẠC TRẢ LẠI ĐẤT CHO NHÀ MINH
PGS-TS. Hán Nôm Đinh Khắc Thuân
Việc trả lại đất mà thường được gọi là “việc cắt đất của nhà Mạc cho nhà Minh” từng bị phê phán khá gay gắt và Mạc Đăng Dung được coi là “chủ mưu” trong việc này bị lên án là người “không biết liêm sỉ”, là “phản quốc”. Theo nguồn sử liệu Việt Nam, Mạc Đăng Dung đã có ít nhất là hai lần “cắt đất” cho nhà Minh. Đó là vào năm 1528, cắt hai châu Quy Thuận và năm 1540 cắt một số động cho sát nhập vào đất Khâm Châu.
Về sự kiện được gọi là cắt đất vào năm 1528, chỉ duy nhất được nêu trong Đại Việt sử kí toàn thư, rằng: “Sợ nhà Minh hỏi tội, Đăng Dung bèn lập mưu cắt đất, dâng nhân dân hai châu Quy Thuận và hai hình người bằng vàng bạc, cùng là châu báu, của lạ, vật lạ…
1) Giải thích về sự kiện này, tác giả của Cương mục nhận thấy: “…Tỉnh Hưng Hoá nước ta hiện có hai châu Quy và Thuận”.
2) Ghi chép trên của Toàn thư là hoàn toàn lầm lẫn và sự giải thích của Cương mục lại cũng không rõ ràng. Thực tế, năm 1528 không hề xảy ra sự kiện dâng hai châu Quy Thuận cho nhà Minh. Bởi hai châu này, theo cố GS. Đào Duy Anh thì: “… Nhà Tống đã chiếm từ thời nhà Lý nước ta rồi”.
3) Việc nộp đất ở vùng này chỉ diễn ra vào thời Lý, năm 1057 và năm 1073, với hai động Vật Dương và Vật Ác mà thôi
4) Thực tế, đất Quy Thuận vốn là đất của nhà Lý đã bị nhập đất vào nhà Tống vào thế kỉ XI, như nhận xét của Hà Phúc Tường, nhà nghiên cứu Trung Quốc khi viết về địa chí phủ Quy Thuận, năm 1848 là “Quy Thuận vốn thuộc An Nam”.
5) Vì vậy, sự kiện chép trong Toàn thư về việc Mạc Đăng Dung cắt hai châu Quy Thuận cho nhà Minh là sự nhầm lẫn đáng tiếc.
Về sự kiện năm 1540, hiện còn sự khác biệt về số lượng và tên gọi của các động mà nhà Mạc trả lại cho nhà Minh được ghi trong các tác phẩm sử học khác nhau. Trong bảng 2, ta thấy số động là 4, có chỗ lại ghi là 5, thậm chí là 6; còn tên các động này thì là Kim Lẫm, Tư Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, hoặc Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát và La Phù, hoặc Tư Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương (An Lãng), La Phù.
6) Tại sao có sự khác biệt này ? Thực tế số động mà nhà Mạc đã trả lại cho nhà Minh là bao nhiêu ?
Những địa danh thuộc Khâm Châu ở sát biên giới Việt Trung, xuất hiện khá sớm trong lịch sử từ những năm đầu Công nguyên, khi Mã Viện dựng cột đồng trụ trên núi Phân Mao7, mà ở đó cư dân địa phương được định vị bằng các tên gọi là “động”. Để bảo vệ đất biên giới, quân đội dựng doanh trại ở các động này, đặc biệt là ở các vị trí chiến lược quan trọng suốt theo chiều dài biên giới. Số động ngày một đông dân cư và dần dần được liên kết với nhau với mục đích tăng cường khả năng quân sự, nên đã hình thành các “đô”. “Đô” được hình thành trên cơ sở liên kết các động lại với nhau, tương tự hình thức xuất hiện đơn vị hành chính “tổng” sau này.
Vùng biên giới Đông Bắc, vốn có ba “đô” là Như Tích, Thời La và Chiêm Lãng với 7 “động” là Chiêm Lãng, Thời La, Tư Lẫm, Liễu Cát, Cổ Sâm, Kim Lặc và La Phù. Trong đó, các động Tư Lẫm, La Phù, Liễu Cát và Kim Lặc thuộc “đô” Như Tích; còn các động Cổ Sâm, Chiêm Lãng thuộc “đô” Chiêm Lãng; động Thời La cũng là đô Thời La8. Mỗi động có người đứng đầu gọi là “động chủ”. Trong niên hiệu Chí Nguyên (1285-1314) thuộc vua Thế tổ triều Nguyên, động trưởng động Tư Lẫm là Hoàng Thế Hoa vì có công với triều đình trong việc giữ gìn an ninh biên giới, được ban ấn tín cai quản cả 7 động này. Năm 1368, năm nhà Minh thành lập, hai vị tướng quân là Lưu Vĩnh Trung và Chu Lượng Tổ được phái đến vùng Khâm Châu nhằm củng cố quyền lực của vương triều mới này. Họ đã đổi chức “động chủ” thành chức “động trưởng” và cấp cho ấn tín mới. Trong thời kì này, dân cư ở đây tương đối đông đúc, cụ thể như vào năm 1427, bốn động Tư Lẫm, Cổ Sâm, Kim Lặc và Liễu Cát có 29 thôn với 292 hộ 9.
Như vậy, từ thời Tống đến thời Minh, xuất hiện ba loại đơn vị hành chính: đô, động và thôn. Mỗi đô gồm từ một đến bốn động, mỗi động có trên dưới 7 thôn, mỗi thôn có chừng 40 hộ. Cả thẩy 3 đô, 7 động trên lệ vào Khâm Châu dưới thời Minh. Nhưng năm 1427, có 4 động thuộc về nhà Lê của Việt Nam. Sách Khâm Châu chí chép: “Năm Tuyên Đức 2 (1427), động trưởng động Tư Lẫm là Hoàng Kim Quảng và động trưởng động Cổ Sâm là Hoàng Khoan, cùng với Hoàng Tử Kiều, Hoàng Kiến kéo theo 4 động với 29 thôn, 292 hộ về An Nam…”10. Trong số 4 động trên, thì 3 động Tư Lẫm, Kim Lặc và Liễu Cát thuộc về đô Như Tích, còn động Cổ Sâm thuộc đô Chiêm Lãng. Khi theo về với nhà Lê, ba động của đô Như Tích thuộc vào phủ Vạn Ninh, còn động Cổ Sâm thuộc vào phủ Tân Yên của Việt Nam lúc bấy giờ 11. Các vị động trưởng này đều được nhà Lê phong thưởng chức tước, như động trưởng Hoàng Kim Quảng được phong là Kinh lược sứ Đồng tri. Sau đó vua Minh nhiều lần cho gọi các động trưởng này về, nhưng không thành. Cụ thể là: “Tháng 9 năm Chính Thống thứ 5 (1440), Ngự sử Chu Giám phụng chiếu thư đem theo ba ty Đô, Bố (Bố chánh sứ), Án (Án sát sứ), đến Khâm Châu chiêu dụ phản dân Hoàng Kim Quảng, Hoàng Khoan, Hoàng Tử Kiều và Hoàng Kiến. Nhưng cả bốn người đều không đến trình diện. Cuối cùng Chu Giám phải bỏ về”12. Nhưng vào năm 1540, khi nhà Minh đe doạ quân sự, con cháu các vị động trưởng này liền bỏ về, như trong lời tâu lên vua Minh, Mao Bá Ôn viết: “Các chức Hành lệnh ở 4 động: Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát và Kim Lặc của Khâm Châu, nguyên là chức tước của An Nam, lại có chú thêm là chức Tham chánh, Phó sứ. Vậy xin chiếu nguyên ngạch biên vào sổ của Khâm Châu và ưu đãi như hiện nay. Chờ ba năm sau, cấp lương theo cấp bậc”13. Rõ ràng là nhà Minh đã lấy lại bốn động này trước khi diễn ra sự đầu hàng trên của nhà Mạc. Tình thế hết sức căng thẳng đã buộc Mạc Đăng Dung phải chấp nhận một việc đã rồi, và kết cục ông đã phải giải trình trong biểu đầu hàng của mình rằng: “Thủ thần Khâm châu tâu xưng là 4 động Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm và Liễu Cát của 2 đô Như Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm Châu. Nếu quả như vậy, thì những đất ấy do triều trước họ Lê mạo nhận mà có. Nay hạ thần xin dâng các xứ ấy lệ vào Khâm châu”14.
Quả là Mạc Đăng Dung chưa hề cắt đất cho nhà Minh, nhưng ông đã phải bó tay và buộc phải chấp nhận sự kiện các động trưởng của bốn động ở sát biên giới Đông Bắc trở lại với nhà Minh. Với những vùng đất này, nhà Mạc cũng không thể tránh khỏi đối mặt với lời viện cớ có tính tiền lệ có từ thời Tống rằng: “Những đất mà nhà Tống chiếm đóng, thì sẽ trao trả lại cho Giao Chỉ, nhưng những đất mà thủ lĩnh của nó tự theo về thì không thể trả lại được”15. Tương tự như vậy, làm sao nhà Mạc có thể giữ lại được bốn động trên khi mà các động trưởng đã bỏ về với nhà Minh ? Thực tế chỉ có 4 động thuộc 2 đô như vừa trình bày ở trên trả về đất Khâm châu.
Tóm lại, bốn động biên giới đã bị nhà Minh lấy lại, thành chuyện đã rồi đối với nhà Mạc. Mạc Đăng Dung thực sự không hề mắc tội phản quốc, mà trái lại đã góp một phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị – xã hội trong nước, cũng như tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh.
Để có những đánh giá cụ thể hơn về vương triều Mạc, cần thiết phải tìm hiểu thêm về tổ chức chính quyền nhà Mạc, cũng như các hoạt động kinh tế và văn hoá của thời kì lịch sử này 16.
Ghi Chú:
1. Đại Việt sử kí toàn thư, Bản dịch, Nxb. KHXH 1968, Tập 4, tr. 122.
2. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. Giáo dục 1998, Tập 2, tr. 116.
3. “Minh sử không chép việc Đăng Dung dâng đất hai châu Quy Thuận để tạ tội. Vả chăng hai châu Quy Thuận thì nhà Tống đã chiếm từ nhà Lý nước ta rồi. Hai châu Quy Thuận là châu Quy Hoá và châu Thuận An. Trung Quốc địa danh đại từ điển nói rằng: châu Quy Hoá đời Tống trị sở ở tại huyện Nghi Sơn, tỉnh Quảng Tây. Nhà Tống đặt châu ấy với đất Vật Dương do Nùng Chí Cao nộp. Châu Thuận An thì nhà Tống đặt với đất Vật ác do Nùng Tôn Đản nộp”. Đại Việt sử kí toàn thư, bản dịch, 1968, t. 4, Sđd., tr. 347.
4. Xem Hoàng Xuân Hãn, Lí Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao triều Lí, Nxb. Văn hoá tái bản, Hà Nội, 1994, tr. 240.
5. “Quy Thuận cổ An Nam dã”. Xem Quy Thuận châu trực lệ châu chí, Hà Phúc Tường đời Thanh biên soạn, Thành Văn xuất bản xã xuất bản năm 1967, tr. 35.
6. Xem: Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, tái bản lần thứ 6, Sài Gòn 1958, tr. 274; Lê Hữu Thu, Lịch sử Việt Nam, Sách giáo khoa Trung học, Hà Nội 1952, tr. 72; Nguyễn Phan Quang, Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Nxb. Giáo dục, 1980, tr. 73. Xem thêm : Nguyễn Khắc Xương, “Biên giới Việt-Trung với vương triều Mạc”, Tạp chí Nghiên cứu Lỉch sử, 212 (IX-X), 1983, tr. 12-23.
7. Mã Viện truyện, trong Hậu Hán thư, quyển 24, tr. 838.
8. Lin Xiyuan, Khâm Châu chí, quyển 9, tờ 10 a.
9. Tiêu Đắc Hạo (Xiao Dehao) trong bài nghiên cứu của mình, đã đưa ra số liệu là 919 thôn, có lẽ là không đúng. Xem: Xiao Dehao, “Ruxi du guishu kao” (Như Tích đô quy thuộc khảo), Yindu Zhina yanjiu, 4-1981, tr. 60. “Thôn” ở Việt Nam từ thế kỉ XV trở đi là tên gọi một đơn vị dân cư dưới đơn vị hành chính cơ sở “xã”. Nhưng ở các giai đoạn trước, giống như Trung Quốc, thôn là đơn vị cư dân tương đối lớn, tương tự như “hương”, bao gồm vài xã sau này. Xem Phan Văn Các và Claudine Salmon, Epigraphie en chinois au Việt Nam (Văn khắc Hán Nôm Việt Nam), Paris-Hà Nội, 1998, tr. 47.
10. Khâm Châu chí, do Lâm Hy Nguyên sử gia thời Minh biên soạn, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã xuất bản năm 1982, quyển 9, tờ 10a-11b.
11. Châu Vạn Ninh, vào thời Lê (XVII-XVIII), thuộc phủ Hải Đông; thời Nguyễn (XIX) là huyện Hải Ninh (nay là Móng Cái), tỉnh Quảng Ninh, sát biên giới với Trung Quốc; còn Tân An (Yên), thời Lê là châu Tân An (Tân sau đổi thành Tiên vì kiêng huý vua Lê Kính Tông: 1600-1619) lệ vào phủ Hải Đông, sang thời Nguyễn là huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Xem, Nguyễn Văn Siêu, Đại Việt địa dư toàn biên, Bản dịch Viện Sử học. Nxb. Văn hóa 1997, tr. 397; hoặc Bản đồ Việt Nam “Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Hà Nội, 1997.
12. Lin Xiyuan, Khâm Châu chí, Sđd, tờ 11b.
13. Thù vực châu tư lục, do Yang Congjian biên soạn năm 1583, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục xuất bản, 1993, tr. 229.
14. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, q. 5, bản gốc, tờ 35b, bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Sài Gòn 1973, tr. 165; Thù vực châu tư lục, sđd., tr. 227.
15. Phúc đáp của một vị vua nhà Tống với nhà Lí, vào thế kỉ XI. Xem, Hoàng Xuân Hãn, Lí Thường Kiệt và lịch sử ngoại giao triều Lí, Tái bản, Nxb. Văn học, 1994, tr. 246.
16. Bài viết này trích trong sách Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia của Đinh Khắc Thuân, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội 2001, tr.82-88.
(Tác giả giữ bản quyền. Đăng tải theo nguyên bản từ mactoc.com, ngày 14.06.2011. Xử dụng lại xin vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com).
Đăng tải: BBT Mactoc.com – HSH
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.