- Đang online: 5
- Hôm qua: 781
- Tuần nay: 14009
- Tổng truy cập: 3,368,462
VỀ NIÊN HIỆU CÀN THỐNG CỦA VUA MẠC HIỆN CÒN TRÊN CHUÔNG CHÙA VIÊN MINH Ở CAO BẰNG
- 2262 lượt xem
VỀ NIÊN HIỆU CÀN THỐNG CỦA VUA MẠC
HIỆN CÒN TRÊN CHUÔNG CHÙA VIÊN MINH Ở CAO BẰNG
Lời mở: Niên hiệu Càn Thống, vua Mạc Kính Cung, và di vật trọng yếu
Trước nay, giới nghiên cứu Việt Nam thường chủ yếu dựa vào ghi chép trong Đại Việt thông sử, Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử ký tục biên, mà xem Vương triều Mạc thời kỳ Cao Bằng (1593-1683) từng có 3 niên hiệu nối tiếp nhau: Càn Thống (Mạc Kính Cung), Long Thái (Mạc Kính Khoan), Thuận Đức (Mạc Kính Vũ/Hoàn) [Đinh Gia Thuyết 1925: 106-112; Trần Trọng Kim 2008 (1928): 311-337; Hoàng Lê 1988: 47-51; Nguyễn Minh Tường 1996: 289- 296; Đinh Khắc Thuân 2001: 406-407; Ban Liên lạc họ Mạc 2007; Phan Đăng Nhật 2011]. Vào năm 2000, qua đối sánh sử liệu Việt Nam và Trung Quốc, nhà sử học người Trung Quốc là Ngưu Quân Khải đã đề cập đến niên hiệu thứ tư tiếp sau Thuận Đức, là Vĩnh Xương [Ngưu Quân Khải 2000, 2012, 2013]. Đến năm 2010, trong một tham luận cho hội thảo “Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam”, khi giới thiệu về kết quả nghiên cứu trên của Ngưu Quân Khải, tôi có đặt nghi vấn về độ tin cậy của thông tin về niên hiệu thứ tư, như sau: “Ngưu Quân Khải biết được niên hiệu Vĩnh Xương không phải là bằng sử liệu của phía Trung Quốc, mà thú vị là, lại từ tư liệu dạng văn học của phía Việt Nam. Tư liệu đó là cuốn Nam thiên trân dị tập hiện bản gốc được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với ký hiệu A.1517. Sách này được xem là do Vũ Xuân Tiến biên soạn vào đầu thế kỷ XX (bài tựa viết năm Khải Định thứ 2 – 1917) trên cơ sở tham khảo Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề…(…). Xin cảm ơn tác giả Ngưu Quân Khải đã tìm ra được tư liệu này của phía Việt Nam (mà bản thân các nhà sử học Việt Nam có lẽ bỏ qua), tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào một dòng ghi chép như trên trong Nam thiên trân dị tập mà cho rằng có niên hiệu Vĩnh Xương thì chưa thật chắc chắn” [Chu Xuân Giao 2010: 120]. Dòng ghi chép nhắc ở trên đây là một câu trích từ truyện “Bạch Vân am ký” (về Nguyễn Bỉnh Khiêm) trong Nam thiên trân di tập, như sau: “Các vua Kiền Thống [Càn Thống], Long Thái, Thuận Đức, Vĩnh Xương lui về giữ Cao Bằng suốt ba bốn đời, mãi 70 năm sau mới dứt hẳn” [Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Trần Nghĩa chủ biên) 1997: 1132]. Gần đây, vào cuối năm 2012, trong một cuốn sách học thuật bề thế đầu tiên ở nước ngoài về nhà Mạc và họ Mạc và cũng chính là thành quả nghiên cứu nhiều năm của bản thân Ngưu Quân Khải được xuất bản,(1) để cụ thể hóa thêm điểm đã trình bày hơn mười năm trước, đồng thời cũng tựa như là trả lời cho những nghi vấn như của tôi ở trên, Ngưu đã dẫn thêm một số tư liệu khác có chép niên hiệu Vĩnh Xương. Tất cả đều là tư liệu của phía Việt Nam và đều là những ghi chép liên quan đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, cụ thể như sau:
1) Sách Danh thần danh Nho truyện ký 名³¼名?傳記› (ký hiệu A.1309, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm), trang 63; 2) Sách Lịch triều hiến chương loại chí 歷朝憲?章ỵ誌 của Phan Huy Chú, ở điều mục “Nguyễn Bỉnh Khiêm” trong phần “Nhân vật chí”; 3) Sách Hải Dương phong vật chí 海陽風?志 biên soạn thời Gia Long (ký hiệu HM 2188, Thư viện Hội châu Á Paris), trang 82 [Ngưu Quân Khải 2012: 58]. Với những cứ liệu trên (Nam thiên trân dị tập, Danh thần danh Nho truyện ký, Lịch triều hiến chương loại chí, Hải Dương phong vật chí), đến nay, chúng ta có thể tạm thời tán đồng với đề xuất về niên hiệu thứ tư là Vĩnh Xương của Ngưu Quân Khải.
Bất luận là có ba hay bốn niên hiệu, thì Càn Thống 乾統, hay Kiền Thống theo một cách phiên âm khác, đều là niên hiệu mở đầu trong hệ thống niên hiệu của nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng. Dù Mạc Kính Cung không phải là người đầu tiên đóng vai trò thủ lĩnh ở vùng Cao Bằng trong cả đối nội và đối ngoại (người đó là Mạc Kính Dụng, chính thức được nhà Minh cho cai quản phủ Cao Bằng vào năm Ất Mùi 1595, vị này không đặt ngôi(2)), nhưng niên hiệu Càn Thống của ông có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng ở chỗ: mở ra cả thời kỳ Cao Bằng của nhà Mạc kéo dài đến 90 năm (1593-1683).
Xin nhắc lại có bổ sung về hai điểm liên quan mà chúng tôi từng trình bày trong một bài viết trước đây [Chu Xuân Giao 2013: 254]. Một là, các vua nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng về cơ bản đều không thần phục Lê-Trịnh, tự đặt niên hiệu riêng (trừ thời gian ngắn cuối thời Mạc Kính Khoan mang tính “giả vờ?, và một chút xao lòng của Mạc Nguyên Thanh vào năm 1667). Trong khoảng thời gian có ba thế lực cùng tồn tại thì, Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài và Nguyễn ở Đàng Trong đều dùng chung niên hiệu của nhà Lê (tức sở hữu và sử dụng một loại lịch), chỉ có Mạc là đặt niên hiệu riêng (tức sở hữu và sử dụng một loại lịch khác).Hai là, các vua nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng đều được hai triều Minh- Thanh kế tiếp nhau phong chức vị thế tập, là An Nam đô thống sứ (trước đó là An Bình lệnh hoặc Cao Bình lệnh). Đó cũng là chức vị mà Thái tổ Mạc Đăng Dung đã nhận từ nhà Minh. Sau này, với nhà Lê, cho đến gần hết thập niên 1640 cũng chỉ được nhà Minh phong làm An Nam đô thống sứ, tức là ngang chức vị với nhà Mạc ở Cao Bằng; mãi đến năm Phúc Thái 4 (1647), sau nhiều lần bị từ chối, nhà Lê mới được phong là An Nam quốc vương [Viện Khoa học Xã hội Việt Nam 2009c: 291-292]. Chỉ đến khoảng thời gian 1682-1683, nhà Thanh mới tước bỏ chức vị An Nam đô thống sứ của Mạc Kính Quang. Từ khi mất chức vị đó thì thời kỳ nhà Mạc ở Cao Bằng mới chính thức chấm dứt.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt thông sử, niên hiệu Càn Thống bắt đầu từ tháng 3năm Quý Tỵ (ngang với năm Vạn Lịch 21 của nhà Minh, và năm Quang Hưng 16 của nhà Lê), tức năm 1593, khi Mạc Kính Cung còn ở châu Văn Lan, tức ở khu vực tỉnh Lạng Sơn mà chưa phải tỉnh Cao Bằng ngày nay,(3) với sự trợ lực to lớn của Mạc Ngọc Liễn [Viện Khoa học Xã hội Việt Nam 2009c: 221; Lê Quý Đôn 2012b: 240]. Những cuốn sử gia tộc, như Hoan Châu ký, cũng chép tương tự như vậy: niên hiệu Càn Thống bắt đầu từ năm Quý Tỵ 1593 [Nguyễn Cảnh thị 2011: 163]. Năm 1905, khi xây dựng niên biểu Việt Nam với cơ sở là nguồn chính sử bằng Hán văn, Léopold Cadière cũng tính năm Quý Tỵ 1593 là năm bắt đầu, và năm Ất Sửu 1625 là năm kết thúc của niên hiệu Càn Thống, Mạc Kính Cung làm vua 33 năm [Léopold Cadière 1905: 122]. Riêng Cao Bằng thực lục của Bế Hựu Cung (Nguyễn Hựu Cung), lại có chỗ ghi năm Càn Thống 1 là ngang với năm Hoằng Định 2, tức năm Tân Sửu 1601, muộn rất nhiều so với năm Quý Tỵ 1593.(4) Có lẽ tác giả Cao Bằng thực lục đã nhầm lẫn, hoặc người sao chép văn bản này đã chép thiếu hay chép nhầm.
Một khó khăn lớn trong nghiên cứu thời kỳ Cao Bằng của nhà Mạc, như chúng tôi đã từng nhắc đến ở các bài viết trước đây, là hiện vật tại chỗ có niên đại rõ ràng và mang thông tin hữu ích (như bia ký dạng nguyên vật hay thác bản, tượng thờ, đồ gốm tại chỗ hoặc trong các sưu tập, ấn chương, công trình hay chi tiết kiến trúc, binh khí, chuông đồng…) của thời kỳ này quá hiếm hoi. Nếu thời kỳ Thăng Long – Dương Kinh (1527-1593) còn khoảng 160 đơn vị bia ký (vẫn đang được tiếp tục phát hiện) và một số đơn vị chuông có lời minh, thì thời kỳ Cao Bằng hầu như chưa thấy bất cứ đơn vị nào. Ở bài viết này, với các căn cứ sẽ được trình bày ở dưới đây, chúng tôi đi đến nhận định rằng: chuông chùa Viên Minh hiện còn thấy tại Cao Bằng đích thực mang niên hiệu Càn Thống. Đó là niên hiệu thấy trực tiếp trên chuông, mà không phải niên hiệu suy đoán/dự đoán như trong các nghiên cứu liên quan trước đây. Chuông chùa Viên Minh mang niên đại Càn Thống chắc chắn là một trong những di vật trọng yếu bậc nhất trong nghiên cứu về nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng. Đồng thời, việc ghi “Long phi Càn Thống” hay “Long tập Càn Thống” trong niên đại của chuông cũng đưa đến cho chúng ta một nhận thức mới về vấn đề “Long phi” đã được quan tâm lâu nay.
1. Chuông chùa Viên Minh trong các ghi chép và nghiên cứu đi trước:
Thông tin quan trọng cần nhắc đến đầu tiên là: nguyên vật chuông chùa Viên Minh hiện vẫn được bảo quản tại khu vực chùa Viên Minh và miếu Quan Triều ở Cao Bằng. Địa chỉ chính xác là chùa Viên Minh, cũng được quen gọi là chùa Đà Quận, xã Hưng Đạo thành phố Cao Bằng tỉnh Cao Bằng,(5) cách trung tâm thành phố khoảng 10km (qua cầu Hiến Giang, đi theo hướng đường về Pắc Bó).
Chùa Viên Minh hiện nằm trong một khuôn viên với miếu Quan Triều (xem Ảnh 1 và Ảnh 2). Ở cùng trong khuôn viên này, hiện thấy có hai chiếc chuông đồng cỡ lớn. Chuông thứ nhất đích thực là chuông chùa Viên Minh, hiện treo trong gác chuông mới được xây cất nằm bên trái chùa Viên Minh, trên có khắc một bài minh chữ Hán mở đầu với Viên Minh tự chung minh 圓明寺犑 và có mang một lỗ thủng (xem Ảnh 4). Chuông thứ hai còn nằm trong một gác chuông cũ và thấp ở trước miếu Quan Triều, miệng chuông nằm sát đất, thân chuông không thấy chữ Hán và không có lỗ thủng. Ở hai bên đầu hồi chùa Viên Minh, có hai gác chuông mới được xây cất bề thế Ở thời điểm cuối năm 2012, gác bên trái đã treo chuông chùa Viên Minh, còn gác bên phải vẫn để trống (chuông ở trước miếu Quan Triều cũng sẽ được chuyển về đây chăng ?).(6) Có lẽ hai chiếc chuông trên được đúc cùng một thời kỳ tức là vào thời Càn Thống, nhưng ở bài này, chúng tôi mới khảo cứu được về chuông thứ nhất. Thêm nữa, cũng mới chỉ đi sâu vào dòng niên đại hiện thấy trên thân chuông mà thôi.
Chuông chùa Viên Minh (chùa Đà Quận) đã được nhận Bằng Công nhận Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia năm 1995 theo Quyết định số 2861-VH/QĐ ngày 04/9/1995 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (xem Ảnh 3)
Hai quả chuông hiện còn ở khuôn viên chùa Viên Minh và miếu Quan Triều được giới chuyên môn đánh giá là “vào loại những chuông lớn ở nước ta”. Quả chuông thứ nhất được khảo cứu ở bài này cao 1m55 và có miệng rộng 95cm (quả thứ hai cao 1m75 và có miệng rộng 1m07) [Cung Văn Lược – Chu Quang Trứ:1994)
Về phong cách nghệ thuật của cả hai quả chuông, nhóm Cung Văn Lược và Chu Quang Trứ đã có những miêu tả chi tiết. Về văn tự khắc trên quả chuông thứ nhất, hai tác giả này có nhận định: “Thoạt nhìn, mặt chuông không thấy minh văn, nhưng quan sát kỹ sẽ thấy mặt quả chuông nhỏ có khắc chữ vuông ở tất cả các ô. Trong đó, những ô thuộc nửa trên đã mờ gần hết chữ những ô thuộc nửa dưới còn rõ hơn. Ở đó có khắc phần đầu của bài văn đã đọc được hầu hết các chữ vuông là chữ Hán” [Cung Văn Lược – Chu Quang Trứ, 1994]. Chúng tôi kiểm tra lại bằng mắt thường trên thực địa thì thấy quả đúng như vậy. Tức là, bốn ô thuộc phần trên của mặt chuông (các ô đánh ký hiệu A trong Ảnh 4) vốn có khắc chữ Hán, nhưng đã mờ/mòn hầu như toàn bộ chỉ còn có thể đọc được một vài chữ lẻ ở các cạnh biên, nên không thể biết về nội dung. Còn trong bốn ô thuộc phần dưới của mặt chuông (các ô đánh ký hiệu B trong Ảnh 4), thì có hai ô mang văn tự có thể đọc được. Dòng niên đại nằm ở ô mang văn tự số 2 (xem ô B2 trong Ảnh 5 và Ảnh 6).
Văn bản sớm nhất đề cập đến chuông chùa Viên Minh có lẽ là cuốn Cao Bằng thực lục 高平實錄 đã nhắc ở trên do Bế Hựu Cung soạn đầu thời Gia Long [Nguyễn Hựu Cung 1810: 93-95]. Ở mục “Viên Minh tự 圓明寺”(10) sách có giới thiệu vắn tắt về diên cách cùng hiện trạng của chùa và chuông chùa. Đặc biệt, sách có chép lời bài minh và cả niên đại khắc trên hai ô thuộc phần dưới của mặt chuông (các ô đánh ký hiệu B). Có lẽ đó là bản chép trực tiếp của Bế Hựu Cung trên thực địa vào đầu thế kỷ XIX, tức là ở thời điểm cách nay tới hai thế kỷ. Còn nếu vốn là bản chép trước đó tới một nửa thế kỷ nữa của Phan Lê Phiên thì là bản chép ra giấy sớm nhất (Phan là người từng giữ chức Đốc trấn Cao Bằng vào đầu thập niên 1760 và cũng soạn một cuốn Cao Bằng thực lục; cuốn ấy cũng được Bế Hựu Cung tham khảo, nhưng hiện đang bị thất lạc). Ở đây, tạm xem là bản của Bế Hựu Cung chép vào thập niên 1800-1810.
Qua bản chép của Bế Hựu Cung, có thể biết được rằng: ở đầu thế kỷ XIX, các ô thuộc phần trên của mặt chuông cũng đã mờ gần hết chữ (nên tác giả không chép được gì), và hai ô khắc chữ ở phần dưới cũng đã rất khó đọc. Bởi vậy, ở ngay phần niên đại chuông, Bế Hựu Cung cũng chép không đúng toàn bộ với thực tế văn bản còn thấy hiện nay, mang tới cảm giác là tựa như ông vừa đọc vừa phải đoán. Cụ thể thì, về niên đại của chuông, Cao Bằng thực lục ghi “Long phi Càn Thống chi thập cửu niên Tân Hợi cốc nhật 龍?飛?¬統之十九?辛?¥ 穀日” (Ngày tốt năm Tân Hợi niên hiệu Càn Thống thứ 19).
Tiếp theo, đến thời Tự Đức (1848-1883), khi bộ Đại Nam nhất thống chí được tổ chức biên soạn, quyển XXV (tỉnh Cao Bằng) cũng dành một dòng rất giản lược cho chùa Minh Viên (có lẽ viết lầm từ “Viên Minh” mà ra): “Chùa Minh Viên: ở xã Xuân Lĩnh huyện Thạch An, nay trong chùa có một quả chuông, khắc chữ Kiền Thống thập cửu niên Tân Hợi chú (đúc năm Tân Hợi Kiền Thống thứ 19)” [Quốc Sử Quán triều Nguyễn 2006: 493]. Như vậy, dù rất ngắn, Đại Nam nhất thống chí ghi lại điểm quan trọng nhất của quả chuông là: nó mang niên đại Càn [Kiền] Thống 19 (năm can chi là Tân Hợi). Tuy nhiên, quả thực, trên quả chuông này đích thực có dòng “Long phi Càn Thống chi thập cửu niên Tân Hợi cốc nhật” như ghi chép của Cao Bằng thực lục, hay “Càn Thống thập cửu niên Tân Hợi chú” như ghi chép của Đại Nam nhất thống chí hay không, thì chúng tôi sẽ diễn giải ở phần tiếp theo.
Ngoài hai tư liệu trên, chuông chùa Viên Minh và những câu chuyện mang màu sắc kỳ bí liên quan còn được ghi vào Đồng Khánh địa dư chí và một số sách vở có niên đại muộn hơn. Tuy nhiên, các tư liệu này thường chép lẫn chuyện từ nơi này vào nơi kia, và không cung cấp căn cứ gốc làm sáng tỏ niên đại của chuông chùa Viên Minh, nên ở đây tạm không đề cập đến.
Nghiên cứu cơ bản đầu tiên của khoa học hiện đại về chuông chùa Viên Minh chính là bài viết chung đã nhắc ở trên của nhóm tác giả Cung Văn Lược – Chu Quang Trứ đăng trên tạp chí Hán Nôm năm 1994. Bài viết đó ghi lại kết quả khảo sát nhanh tại thực địa của một nhóm các nhà nghiên cứu trung ương về tham dự một hội thảo tổ chức tại Cao Bằng vào tháng 2 năm 1993 (gồm ba vị là Trần Quốc Vượng, Cung Văn Lược, Chu Quang Trứ), kết hợp với việc đối chiếu ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí (như đã thuật ở trên). Bài viết cung cấp một miêu tả chi tiết đầu tiên về hình dáng, kích thước, phong cách nghệ thuật của chuông chùa Viên Minh, đặc biệt, còn thực hiện việc phiên âm và dịch nghĩa bài minh trên chuông. Các tác giả đã rất cố gắng đọc chữ Hán còn thấy ở hai ô thuộc phần dưới của mặt chuông, dù rất mờ, để tổng hợp với các chi tiết mang tính kỹ thuật mỹ thuật mà đưa ra kiến giải quan trọng: phong cách chuông chùa Viên Minh thuộc “hậu kỳ thời Mạc”, mà không phải là thuộc “phong cách nghệ thuật cuối Trần đầu Lê” như một nhà nghiên cứu trước đó đã đoán định chỉ bằng nhìn hình dáng chuông. Hai ông đi đến lời tạm kết rằng: “… rất có thể chuông chùa Viên Minh được đúc khi nhà Mạc đang chiếm giữ Cao Bằng và đóng đô ngay tại đây… (…). Chuông thời Mạc đến nay còn rất hiếm. Những áng văn thơ hay của thời Mạc cũng chẳng còn được bao nhiêu. Và ngay cả những nhận thức về thời Mạc cũng chưa thống nhất. Dầu sao đi nữa quả chuông với bài minh trên kia vẫn là những tư liệu rất quý”. Bài viết có giá trị học thuật cao của hai ông, đặc biệt là phần khảo tả và phần phiên âm dịch nghĩa bài minh, sau này được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng, trích dẫn [Hoàng Triều Ân 2010; Đinh Khắc Thuân 2010: 533-534; Đặng Hồng Sơn – Phạm Văn Chiến – Nguyễn Xuân Toàn 2011: 155-160; Ban Liên lạc họ Mạc Cao Bằng 2012: 125-130; Nguyễn Đại Đồng 2012: 156-157(11)]. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là, bản thân nhóm tác giả Cung Văn Lược cũng không đọc được do nét chữ khắc đã quá mờ, hay vô ý mà bỏ qua mất dòng niên đại ghi ngay trên mặt chuông, nên phải dựa vào ghi chép như đã dẫn của Đại Nam nhất thống chí để suy đoán. Thêm nữa, ở thời điểm đó, để có tư liệu đối sánh, tìm ra được “niên đại tuyệt đối là năm Kiền Thống 19, tức năm 1611”, hai tác giả Cung Văn Lược – Chu Quang Trứ mới chỉ dựa vào Đại Nam nhất thống chí, mà chưa sử dụng Cao Bằng thực lục dù cuốn này từ lâu đã không còn xa lạ với học giới nói chung và những nhà nghiên cứu về Cao Bằng hay về những tộc người Tày – Nùng ở Cao Bằng nói riêng (chẳng hạn Bế Nhật Hoàng 1992; Chu Xuân Giao 2000, 2002a-b).
Năm 2011, trong một tham luận cho hội thảo “Nhà Mạc trong thời kỳ Cao Bằng” tổ chức vào tháng 6 cùng năm tại Cao Bằng, để làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến chuông chùa Viên Minh, Đinh Khắc Thuân đã sử dụng các ghi chép trong Cao Bằng thực lục. Có hai điểm quan trọng như sau trong bài đó. Một là, đã phiên âm và dịch lại bài minh/bài tán trên chuông dựa theo bản chép của Bế Hựu Cung vào đầu thế kỷ XIX (có một vài chỗ khác với bản đọc trực tiếp năm 1993 của nhóm Cung Văn Lược); hai là, nhắc đến một niên đại liên quan của chuông là “Năm Long phi Càn Thống chi thập cửu niên, Tân Hợi cốc nhật…? [Đinh Khắc Thuân 2011: 310]. Tuy nhiên, do mới chỉ làm việc qua Cao Bằng thực lục, mà chưa có dịp khảo sát chuông nguyên vật trên thực địa, nên ông chỉ xem năm Long phi Càn Thống 19 là một niên đại liên quan, mà không hề biết đó chính là niên đại của bài minh, tức niên đại của quả chuông. Bởi vậy, dù đã phiên âm dịch nghĩa bài minh và nhắc đến năm Long phi Càn Thống 19, nhưng Đinh Khắc Thuân vẫn viết: “Rõ ràng đây là bài tán trên chuông được viết vào thời Lê, khi tu tạo ngôi chùa vốn được xây dựng từ thời Mạc này” (Sđd, trang 310).
Cũng có một số ký thuật hiện đại khác xem bài minh đó được viết vào thời Lê. Chẳng hạn trên website Di tích Lịch sử quốc gia (ditichlichsuquocgia), có viết về bài minh trên chuông Đà Quận như sau: “Thoạt nhìn, mặt chuông không thấy minh văn, nhưng quan sát kỹ sẽ thấy mặt quả chuông nhỏ có khắc chữ vuông ở tất cả các ô. Trong đó, những ô thuộc nửa trên đã mờ gần hết chữ, những ô thuộc nửa dưới còn rõ hơn. Ở đó có khắc phần đầu của bài văn đã đọc được hầu hết các chữ vuông là chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp của châu Thạch Lâm lúc bấy giờ và sự phục hồi của chùa Viên Minh sau khi nhà Lê khôi phục lại đất Cao Bằng”(12) [CXG nhấn mạnh]. Khi viết như vậy, nhóm biên tập viên của website này hẳn đã tham khảo một tài liệu nghiên cứu nào đó.
Bằng những diễn giải ở dưới đây, chúng tôi cho rằng, bài minh trên chuông chùa Viên Minh không phải được viết vào thời Lê để ca ngợi vẻ đẹp của châu Thạch Lâm nói chung và chùa Viên Minh nói riêng sau khi nhà Lê chiếm lại được Cao Bằng. Mà hoàn toàn ngược lại, đó là bài minh được viết vào đầu thời kỳ Cao Bằng của nhà Mạc, ca ngợi chính cảnh thái bình thịnh trị thời Càn Thống, thể hiện tâm trạng hào sảng trước khung cảnh núi sông tươi đẹp
2. Niên hiệu Càn Thống và tiết Hoa Triêu vào tháng Hai năm Tân Hợi (1611)
Như đã nói ở trên, nguyên bản bài minh nổi tiếng trên chuông chùa Viên Minh nằm ở trên hai ô ở phần dưới của mặt chuông, tạm gọi là ô B1 và ô B2 (xem Ảnh 5). Nói chính xác thì bài minh nằm vắt từ B1 sang B2 (mở đầu từ B1 và kết thúc ở B2). Ô B1 ở dưới là tương ứng với ô A1 ở trên có mang một lỗ thủng
Tiêu đề và dòng mở đầu của bài minh nằm ở phía cạnh đứng bên phải của ô B1, tức là ở về phía có hai núm chuông (núm trên và núm dưới; xem Ảnh 6 a-b). Có thể thấy rất rõ trên chuông tiêu đề Viên Minh tự chung minh, tán viết 圓明寺犑 賛?» (tạm dịch: Bài minh chuông chùa Viên Minh, tán rằng/ca ngợi rằng), và dòng mở đầu “Thiên khai Nam Việt, đưa tịch Cao Bằng/Bình 天開?越½ 地高平” (Trời mở ra Nam Việt, đất dựng nên Cao Bằng/Cao Bình).
Dòng nối tiếp của bài minh ở B2 (bắt đầu từ B1) thì nằm ở ngay đầu B2, tức là ở phía cạnh đằng bên phải của ô đó (xem Ảnh 7). Cũng thấy rất rõ dòng đó trên chuông là “Âm công ký hiển, dương báo tất vinh 隂功既@ 陽報?必?s” (Công đức ngầm giúp đã rạng rỡ sự đền đáp ở cõi dương ắt sẽ vẻ vang). Từ thực tế văn bản chuông trên thực địa, đây chưa phải là câu kết của bài minh. Nhưng bản phiên âm và dịch nghĩa của nhóm Cung Văn Lược, cũng như của Đinh Khắc Thuân dựa theo Cao Bằng thực lục, đều dừng ở đây, xem nó như là câu kết. Thực tế thì còn có 4 câu nữa ở sau câu này, nhưng tình trạng văn bản rất mờ, có đọc được một số chữ và tạm hiểu nghĩa chung chung nhưng không ghép được thành câu liền mạch. Chẳng hạn, câu kế tiếp ngay câu trên là “Minh lương…, hỷ khởi ca khang 明良…喜起ð歌” (Vua sáng tôi hiền…, trên dưới hòa mục cùng nhau ca hát xướng họa), tức là bị mất (không đọc được rõ) hai chữ ở sau “minh lương” Đại ý thì câu này cho thấy tâm thế hào sảng của những bề tôi là trí thức Nho học sống trong cảnh trị bình. Về nghệ thuật câu chữ thì “minh lương” (vua sáng tôi hiền) và “hỷ khởi” (vua tôi hòa thuận, trên dưới hòa mục, trong ngoài hợp sức) đều là nhã ngữ mang hàm ý ngợi ca, có khi được dùng ghép lại thành “minh lương hý khởi” hay “hý khởi minh lương”
Câu cuối thực sự của bài minh hiện chỉ còn đọc được ba chữ, gồm một chữ ở đầu và hai chữ cuối câu:“吾……, ….斯銘 (Ngô ….., …..tư minh)” (Tôi……, ….. bài minh này). Có thể tạm hiểu ý câu này là: tôi (chúng tôi) gửi những suy nghĩ và cảm tưởng ở trên vào bài minh này. Như vậy, toàn bài minh gồm có 23 câu liên kết với nhau bằng vần anh(g)/inh, mỗi câu 8 chữ gồm hai vế (vế trên 4 chữ, vế dưới 4 chữ). Dòng tiêu đề và 18 câu đầu nằm trên ô B1, còn 5 câu cuối và dòng lạc khoản ghi niên đại nằm ở ô B2. Giữa câu cuối của bài minh với dòng lạc khoản được để một khoảng trống (không thấy có chữ).
Sau dòng lạc khoản thì có thấy một số tên người, đây là những thí chủ đã công đức tài vật và những vị liên quan đến việc chế tác chuông. Trước đây, nhóm Cung Văn Lược cũng đã đọc được tên của một người là Phạm Thị Ngọc Yến, và có lẽ căn cứ vào chữ “Ngọc” trong tên lót mà dự đoán bà “thuộc vào dòng quyền quý”. Tiếp xúc với chuông nguyên vật, chúng tôi thấy đoạn ghi tên những người hưng công này cũng bị mờ rất nhiều, chỉ đọc đựợc ba vị sau. Một vị nam có tên là Đức Thái 德?© (không rõ họ vì quá mờ và bản thân hai chữ Đức Thái chúng tôi cũng tạm định như vậy). Vợ của vị này là bà Phạm Thị Ngọc Yến 范氏?đ?. Nguyên văn chúng tôi đọc được là “Đức Thái tịnh thê Phạm Thị Ngọc Yến 德?©并妻范氏?đ?” (Đức Thái và vợ là Phạm Thị Ngọc Yến). Người thứ ba được ghi ở cuối cùng, là “Nguyễn Tử Nhụ san 阮子?孺?刊” (Nguyễn Tử Nhụ san [định]). Có thể vị có tên Nguyễn Tử Nhụ này là người trực tiếp khắc bài minh lên chuông.
Nguyên văn của dòng lạc khoản ghi niên hiệu Càn Thống thì có thể xem ở Ảnh 8. Về cơ bản, dòng lạc khoản này đã rất mờ không hề dễ đọc. Có lẽ vì vậy mà khoảng hai thế kỷ hay hai thế kỷ rưỡi trước, lúc đến xem chuông, ông quan là Bế Hựu Cung (hay là Phan Lê Phiên) đã không chép đúng. Rồi đến năm 1993, nhóm Cung Văn Lược thì không nhìn thấy nên đã bỏ qua mà không chép. Lần này, qua khảo sát bằng mắt thường tại thực địa và sau đó là xử lý ảnh chụp kỹ thuật số chúng tôi tạm đề xuất cách đọc như sau đây cho dòng lạc khoản trên chuông chùa Viên Minh.
Toàn lạc khoản có 19 chữ viết chân phương và không kỵ húy, được phân thành các loại như sau. 1) Những chữ tạm đoán được từ cơ sở là một phần văn tự nào đó còn nhìn thấy, chúng tôi để trong dấu móc đơn bình thường. Có 3 chữ ở dạng này là vạn, thập, cốc (萬)(十) (穀); 2) Với những chữ hoàn toàn không đọc được (văn tự mờ hoàn toàn) mà chúng tôi mạnh dạn suy luận ra từ ngữ cảnh chung, kết hợp với di chép trong Cao Bằng thực lục và Đại Nam nhất thống chí, thì để trong dấu móc vuông. Có 3 chữ liền nhau ở dạng này là vạn niên chi [萬] [年] [之]; 3) Những chữ nào không được đặt trong hai dấu trên (móc đơn, móc vuông) thì là văn tự nhìn thấy tương đối rõ bằng mắt thường trên thực địa, hoặc sau khi xử lý ảnh kỹ thuật số (có 13 chữ ở loại này). Như vậy, có 13 chữ trên 19 chữ của dòng lạc khoản còn có thể đọc được, 6 chữ còn lại là suy đoán theo hai mức độ đã trình bày. Ngoài ra, tựa như còn có một chữ nữa ở ngay sau chữ thứ 19, nhưng chúng tôi không chắc (không rõ là có chữ hay không, vì đến hết chữ 19 thì dòng lạc khoản đã có thể coi như đủ nghĩa), nên tạm sử dụng dấu chấm hỏi trong móc vuông [?] để chỉ báo. Cụ thể như sau:
(1) Nguyên văn dòng lạc khoản (bản khôi phục): 龍?集乾統(萬) [萬][年] [之](十)九?q在Ð亥花朝節(穀)日 [?].
(2) Phiên âm Hán Việt (bản đọc theo đúng nguyên văn): Long tập Càn Thống (vạn) [vạn] [niên] [chi](thập) cửu, tuế tại Tân Hợi, Hoa Triêu tiết (cốc) nhật [?].
(3) Phiên âm Hán Việt (bản tổng hợp sau khi xử lý ảnh kỹ thuật số và đối chiếu các nguồn tư liệu tham khảo): Long tập Càn Thống vạn vạn niên chi thập cửu, tuế tại Tân Hợi, Hoa Triêu tiết cốc nhật.
(4) Dịch nghĩa: Ngày tốt vào tiết Hoa Triêu, năm Tân Hợi, năm thứ 19 niên hiệu Càn Thống [sẽ trường tồn] vạn vạn năm.
Về các con chữ quan trọng là Càn Thống, Tân Hợi, thập cửu, Hoa Triêu, Long tập thì tình trạng hiển thị trên chuông nguyên vật hiện nay như sau:
(1) Trong hai chữ Càn Thống 乾統, chữ Càn 乾 tương đối dễ đọc, còn chữ Thống 統 thì không rõ lắm nhưng vẫn đủ để nhận ra. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc trực tiếp với niên hiệu Càn Thống trên hiện vật đích thực (xem chỗ có hai đường kẻ dọc trong Ảnh 9). Hai chữ Long tập 龍?集 ở trước niên hiệu Càn Thống thì không nét lắm nhưng dễ đọc hơn so với tình trạng của chữ Thống (xem chỗ có một đường kẻ dọc trong Ảnh 9).
(2). Hai chữ Tân Hợi 新海 không nét lắm, nhưng đủ để nhận ra tự dạng của năm can chi này (xem chỗ có hai đường kẻ dọc trong Ảnh 10). Hai chữ tuế tại 歲在 (chỗ có một đường kẻ dọc) ở trước hai chữ Tân Hợi cũng thấy tương đối rõ. Các chữ Hoa Triêu tiết 花朝節 (chỗ ba đường kẻ dọc) và cốc nhật 穀日 (chỗ có một bên móc vuông) được viết nhỏ hơn và thành 2 dòng ở sau hai chữ Tân Hợi.
(3). Hai chữ thập cửu 十九 nằm ở trước hai chữ tuế tại, trong đó, chữ cửu (ở đoạn có hai đường kẻ dọc ở Ảnh 11) thì nhận ra được, còn chữ thập trước đó thì là suy đoán từ tự dạng giả định kết hợp với ghi chép của Cao Bằng thực lục, Đại Nam nhất thống chí.
Thật ra, khi đọc được niên hiệu “Càn Thống” và năm can chi là “Tân Hợi” thì chúng ta có thể tính ngay ra được năm dương lịch tương ứng là 1611,(13) mà chưa cần sử dụng đến thông tin “thập cửu”. Tuy nhiên, nếu biết được đích xác là “thập cửu” thì chúng ta sẽ xác định được năm bắt đầu của niên hiệu Càn Thống. Theo dòng lạc khoản trên chuông này, rõ ràng Càn Thống năm đầu sẽ là 1593, đúng như ghi chép của Đại Việt thông sử và Đại Việt sử ký toàn thư.
Tựu trung lại, dòng lạc khoản cho chúng ta biết việc đúc chuông và khắc bài minh lên chuông (có thể bao gồm cả việc xây cất hay trùng tu chùa Viên Minh) là vào tiết Hoa Triêu của năm Tân Hợi tương ứng với năm Càn Thống 19 của vua Mạc Kính Cung. Lạc khoản trên chuông nguyên vật là “Long tập Càn Thống vạn vạn niên chi thập cửu, tuế tại Tân Hợi, Hoa Triêu tiết cốc nhật” Còn “Long phi Càn Thống chi thập cửu niên Tân Hợi cốc nhật” như ghi chép của Cao Bằng thực lục, hay “Càn Thống thập cửu niên Tân Hợi chú” như ghi chép của Đại Nam nhất thống chí rõ ràng là không hoàn toàn chính xác, tuy có giá trị tham khảo đặc biệt.
Rất hiếm trường hợp chúng ta được gặp “Hoa Triêu tiết 花朝 節” tức hội Thưởng hoa hay tết Ngắm hoa, trong lạc khoản trên minh văn (chuông đồng, trống đồng, đồ gốm, bia đá, tế khí,…). “Hoa Triêu tiết” là nghi lễ hay lễ hội trong năm có nguồn gốc từ Trung Quốc, đwợc ghi trong các sách như Mộng lương lục của Ngô Tự Mục đời Tống hay Đế kinh tuế thời kỷ thắng của Phan Vinh Lục đời Thanh. Về thời gian, là vào tháng Hai âm lịch, nhưng không thống nhất về ngày cụ thể giữa các vùng miền và các triều đại, sớm nhất là ngày mồng hai, muộn nhất là ngày rằm. Người ta tổ chức các hoạt động như cúng thần hoa, ngắm hoa, trồng hoa, ngâm vịnh ca xướng… Trong dân gian, có quan niệm rằng, nếu vào dịp Hoa Triêu mà trời trong xanh thì cả năm cây cối sẽ tốt tươi, hoa trái sẽ được mùa [Chu Văn Bách (Chủ biên) 1992: 603]. Phong tục này chắc đã được truyền sang Đại Việt từ lâu. Trong An Nam chí lược, tác giả Lê Tắc là người của thế kỷ XIV có miêu tả hội Xuân Đài tổ chức vào tháng Hai, có sự tham gia của vua và hoàng gia đời Trần: “Tháng Hai làm một cái nhà, gọi là Xuân Đài, các con hát hóa trang làm mười hai vị thần, múa hát trên đài. Vua coi các trò tranh đua trước sân, và coi các lực sĩ và trẻ con đấu nhau, ai thắng thì được thưởng. Các công hầu thì cưỡi ngựa và đánh trái cầu, quan nhỏ thì đánh cờ đánh vu bồ (bài thẻ), đá bóng và thi đua các trò chơi khác” [Lê Tắc 2009: 69]. Sách đó cũng lại chép về ngày Lập xuân: “Theo gia lễ ngày Lập xuân đi du xuân, khiến các tôn trưởng dắt trâu đất, xong rồi, các quan lại giắt hoa vào đầu để vào đại nội dự tiệc” (Sđd: 69). Tựa như có bóng dáng của tiết Hoa Triêu trong sinh hoạt cung đnh thời Trần, nhưng không còn rõ ràng, chắc là đã được cải biên. Không rõ là đến thời Lê, rồi thời Mạc, và Lê Trung hưng, tiết Hoa Triêu được tổ chức như thế nào trong kinh thành Thăng Long. Nhưng rõ ràng, với tư liệu chuông chùa Viên Minh, chúng ta biết đến Hoa Triêu trong sinh hoạt của Vương triều Mạc thời kỳ Cao Bằng. Tựa như vào trung tuần tháng Hai âm lịch, khi tiết trời đã ấm lên, ở kinh đô nhà Mạc cũng như ngoài dân gian (bao gồm các tộc người Tày, Nùng, Kinh, Dao…), người ta tổ chức hội ngắm hoa hay trồng hoa. Mường tượng này kết hợp với nội dung của bài minh trên chuông chùa Viên Minh,(14) cho phép chúng ta quyền suy tưởng về những ngày tháng an vui, sung túc, thong thả êm ả của Vương triều Mạc đầu thời kỳ Cao Bằng. Trong lòng không thực sự thấy an vui, người ta không thể tổ chức được hội Hoa Triêu, thậm chí không còn có thể nghĩ được về nó. Cuộc sống không êm ả không thể nhàn tản ngắm hoa hay trồng hoa trong kinh thành vào tháng Hai âm lịch. Triều đnh và dân gian không sung túc, thì không thể đúc nên những đại hồng chung như thấy ở trong khuôn viên chùa Viên Minh ngày nay, cũng không thể bàn đến chuyện “vua sáng tôi hiền” hay “trên dưới hòa mục cùng nhau ca hát xướng họa” Giá trị trân quý của nguyên vật chuông chùa Viên Minh cùng lời minh trên đó chính là giúp chúng ta có một cái nhìn vừa cận cảnh lại vừa tổng quan như vậy về những năm tháng trị bình ở Cao Bằng của vua Mạc Kính Cung. Vượt qua những đợt đánh phá ác liệt và tận diệt kinh đô Cao Bằng của thế lực Lê-Trịnh, lại qua bao phen binh hỏa suốt từ thời Tây Sơn cho đến gần đây, bao nhiêu dâu bể đổi thay như vậy, nguyên vật chuông chùa Viên Minh được đúc năm Càn Thống Tân Hợi (1611) vẫn đang nằm rất đỗi thư thả và bình dị trong gác chuông chùa Viên Minh.
3. Càn Thống với Long phi và Long tập
Vấn đề Long phi và Long tập (hai chữ Long phi 龍?飛 hay Long tập 龍?集 xuất hiện trong dòng niên đại của các di vật như bia ký, chuông đồng, hoành phi, đại tự câu đối, sách vở? ở Việt Nam) từng thu hút sự chú ý của không ít nhà nghiên cứu sử học, văn học, văn bản học, văn hóa dân gian ở trong và ngoài nước. Thích nghĩa theo lối đơn giản, thì Long phi là “rồng bay lên” còn Long tập là “rồng tụ lại”
Ở trong nước, năm 1987, trong một bài đăng trên tạp chí Hán Nôm, Đinh Khắc Thuân đã đưa ra những kiến giải đầu tiên từ thực tế nghiên cứu của bản thân ông đến thời điểm đó. Ông có đưa một kết luận tạm thời rằng: “Long phi được dùng cả ở thời Khải Định và Bảo Đại. Chúng tôi chưa đủ cứ liệu để xác định Long phi được dùng ghi niên đại từ niên hiệu nào. Song cũng như Thiên vận, Long phi tượng trưng cho một giai đoạn – chắc chắn nó tồn tại ở giai đoạn cuối Nguyễn mà sớm nhất không thể vượt quá niên hiệu Tự Đức được” [Đinh Khắc Thuân 1987]. Từ kinh nghiệm thực địa, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, quả thực Long phi thường gắn với thời kỳ muộn của nhà Nguyễn (mấy ông vua cuối của triều đại này), nhưng vẫn cần cảnh giác để suy tính kỹ lưỡng tới từng trường hợp văn bản. Có một trường hợp Long phi không còn như nhận định của Đinh Khắc Thuân, rằng “chắc chắn nó tồn tại ở giai đoạn cuối Nguyễn mà sớm nhất không thể vượt quá niên hiệu Tự Đức được” mà đã vượt lên tới năm Cảnh Hưng thứ 47, tức là sớm hơn thời Tự Đức rất nhiều. Đây là trường hợp của Long phi ở trên tấm bia Hậu thần bi ký ở chùa Linh Thông (còn gọi chùa Cao hay Cao Ninh) thuộc thôn Ninh Sơn xã Phụng Châu huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây (cũ) đã được Nguyễn Xuân Diện phát hiện rồi công bố vào năm 2001 [Nguyễn Xuân Diện 2001]. Dòng lạc khoản trên tấm bia đó, theo Nguyễn Xuân Diện là “Lê triều vạn vạn niên Long phi Cảnh Hưng tứ thập thất, tuế tại Bính Ngọ, quý xuân thương cán 黎¯萬年 ýˆ景興?十七歲在?午季春上?”. Từ đó, Nguyễn Xuân Diện đưa ra hai điểm sau trong cách hiểu về Long phi: 1) “Là hai chữ được dùng với ý nghĩa tôn kính để chỉ thời gian trị vì của vua đương triều”; 2)“Việc dùng hai chữ Long phi trong dòng niên đại hay lạc khoản không phải là bắt đầu từ thời Nguyễn, càng không phải không thể sớm hơn niên đại Tự Đức”.
Theo tư liệu của một số nhà nghiên cứu nước ngoài, bên cạnh Long phi, còn xuất hiện cả Long tập (chúng tôi sẽ trình bày cụ thể vấn đề này ở một dịp khác). Cũng xin ghi chú thêm là hai nhà nghiên cứu Việt Nam ở trên mới chỉ để mắt tới Long phi, mà chưa nhắc đến Long tập. Chính ở quả chuông lớn đúc năm Càn Thống 19 tại kinh đô Cao Bằng này có liên quan tới cả Long phi và Long tập. Nếu chỉ căn cứ theo ghi chép của Bế Hựu Cung hoặc của Phan Lê Phiên trong Cao Bằng thực lục thì là Long phi (nguyên văn Long phi Càn Thống 龍?飛?¬統). Đến nay, căn cứ theo nguyên bản trên nguyên vật, như đã trình bày ở trên, thì chúng tôi xác định là Long tập (nguyên văn Long tập Càn Thống 龍?集乾統). Không rõ tác giả của Cao Bằng thực lục nhìn nhầm từ Long tập ra Long phi, hay tự xem hai cái này có thể sử dụng lẫn cho nhau.
Niên đại chế tác của chuông chùa Viên Minh ở Cao Bằng tính ra dương lịch là năm 1611, rõ ràng là cách rất xa so với năm Cảnh Hưng 47 (1786) trên bia chùa Linh Thông ở Hà Tây cũ chứ chưa cần nói đến thời Tự Đức (1848- 1883). Như vậy, trường hợp Long tập Càn Thống thời vua Mạc Kính Cung này cung cấp một tư liệu thú vị và chắc chắn để chúng ta tiếp tục suy nghĩ về Long phi và Long tập.
Lời tạm kết
Trong hệ thống niên hiệu của các vua Mạc thời kỳ Cao Bằng, Càn Thống của vua Mạc Kính Cung – người xây dựng kinh đô Cao Bằng – được chính sử Đại Việt triều Lê Trung hưng và Nguyễn sau này ghi chép nhiều hơn cả Chúng tôi chưa làm thống kê chi tiết, nhưng có thể phỏng đoán là tần suất xuất hiện trong các bộ chính sử thời Lê Trung hưng của niên hiệu Càn Thống (1593-1625) nhiều hơn hẳn các niên hiệu kế tiếp. Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt thông sử đều có chép sự kiện các tướng Phan Ngạn, Ngô Đnh Nga, Bùi Văn Khuê phản Lê về với nhà Mạc vào năm Canh Tý 1600 (khi đó Mạc Kính Dụng đã qua đời; Mạc Kính Cung đã đặt niên hiệu được khoảng 7 năm, mới chuyển địa bàn về Cao Bằng và được nhà Minh công nhận; mẹ của Mạc Mậu Hợp chuẩn bị về Thăng Long trong tư cách quốc mẫu). Nhóm Phan Ngạn quy phụ nhà Mạc, đã sử dụng niên hiệu Càn Thống để tập hợp lực lượng và chiêu dụ các địa phương (“dùng niên hiệu Càn Thống của họ Mạc trong các bảng yết thị hoặc lệnh cấm”) [Viện Khoa họcXã hội Việt Nam 2009c: 256; Lê Quý Đôn 2012b: 255]. Có thể nêu nhiều dẫn chứng tư?ng tự như vậy từchính sử và các nguồn sách tham khảo khác. Nhưng trực tiếp mang niên hiệu Càn Thống đích thực trên divật của chính thời Càn Thống thì chuông chùa Viên Minh ở Cao Bằng có thể xem là duy nhất hiện nay. Đây đích thực là chuông chùa,(15) trong khu vực kề cận của kinh thành Cao Bằng, ở những năm tháng đầu tiên với cảm quan chung từ nội dung bài minh là thời kỳ trị bình, vua sáng tôi hiền, trong triều ngoài nội sung túc. Nhấn mạnh thêm một lần nữa như vậy về tính trọng yếu trong nghiên cứu nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng của chuông chùa Viên Minh, là vừa để tạm đóng lại
Bài viết này vừa chuẩn bị cho việc đi sâu tìm hiểu nội dung của bài minh được khắc trên đó mà chúng tôi sẽ công bố ở những dịp khác.
Hà Nội, tháng 1 và tháng 7 năm 2013
Chỉnh lý lần cuối vào tháng 5 năm 2015 tại Osaka
TS. Chu Xuân Giao
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển
CHÚ THÍCH
(1) Xem Ngưu Quân Khải, 2012. Sách xuất bản vào tháng 11 năm 2012. Nền tảng của sách này là luận văn học vị của Ngưu Quân Khải đã đệ trình tại Đại học Trung Sơn năm 2003 với tiêu đề tạm dịch là “Triều cống và bang giao – Nghiên cứu về quan hệ Trung-Việt thời cuối Minh đầu Thanh (1593-1702)”
(2) Xem Lê Quý Đôn 2012b: 245-247. Trực tiếp là đoạn: “Tháng 7 năm ấy (Quang Hưng 18, Ất Mùi, 1595, … triều đình nhà Minh…gọi Mạc Kính Dụng tới xem tận mặt, Dụng thán tự cung khai, quan nhà Minh tạm cho y an tháp ở một nơi, và xin lấy phủ Cao Bằng để an trí bọn Kính Dụng, lấy châu Bảo Lạc, Hải Đông để an trí bọn Kính Chương, Kính Cung, để bảo tồn việc tế tự của tông tộc nhà Mạc” Đến tháng 4 năm 1597 (Quang Hưng 20), trong một tờ biểu tâu về triều đình của quan Tổng đốc Trần Đại Khoa (nhà Minh) cũng viết: “Đất đai của họ Mạc đã bị mất hết từ trước rồi, chỉ có họ Mạc Kính Dụng còn sót lại không bao nhiêu… Nên cắt một nơi ở phủ trị Cao Bằng cấp cho Kính Dụng để an trí y ở đây” (Sđd: 251).
(3) Theo sách Đại Nam nhất thống chí soạn thời Tự Đức thì, châu Văn Lan (tên từ thời Lê) trước vốn có tên châu Yên Lan (ghi trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi), đến thời Gia Long đổi thành châu Văn Quan (Quốc Sử Quán triều Nguyễn 2006: 431).
(4) Ở mục “Tiên Giao sự lục” của sách này có ghi: “Tân Sửu Lê triều Hoằng Định nhị niên, Mạc tiếm hiệu Càn Thống nguyên niên. Mạc thời kiến đô Cao Bằng ư Mãnh Tuyền chi địa, sáng chế cung điện” (Nguyễn Hựu Cung 阮祐恭 1810: 46). Đoạn này tạm dịch như sau: “Vào năm Hoằng Định thứ hai triều Lê, tức năm Tân Sửu, nhà Mạc tiếm xưng Càn Thống năm đầu. Mạc dựng kinh đô Cao Bằng ở đất Mãnh Tuyền, xây cất cung điện”
(5) Trước tháng 9 năm 2012, là xã Hưng Đạo thị xã Cao Bằng (và trước nữa thì là xã Hưng Đạo huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng). Thành phố Cao Bằng được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Cao Bằng, theo Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ “Về việc thành lập thành phố Cao Bằng thuộc tỉnh Cao Bằng” do Thủ tướng ký ngày 25 tháng 9 năm 2012. Có thể xem văn bản Nghị quyết trên website Cổng thông tin điện tử Chính phủ:
(6) Ở thời điểm năm 1993, hai tác giả Cung Văn Lược và Chu Quang Trứ miêu tả hiện trạng chùa Viên Minh và hai gác chuông cũ như sau: “Chùa Đà Quận tên chữ là Viên Minh tự, hiện thuộc xã Hưng Đạo huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng, nay đã tan hoang, nhưng trong khu đất nền chùa còn có hai quán nhỏ rêu phong, bên trong treo hai quả chuông lớn”
(Cung Văn Lược – Chu Quang Trứ 1994).
(7) Tất cả các ảnh không có chú thích riêng trong bài này đều của tác giả bài viết, cùng chụp vào ngày 29 tháng 11 năm 2012. Khi đó, tôi đi một mình, vào giờ chiều muộn.
(8) Ảnh lấy từ bài “Chuông chùa Đà Quận” trên website
(9) Chúng tôi tạm đánh ký hiệu A vào các ô bên trên, và ký hiệu B cho các ô
bên dưới của mặt chuông.
(10) Theo khảo cứu của Trần Văn Giáp, sách Cao Bằng thực lục là của Nguyễn Hựu Cung (Bế Hựu Cung) có mang bài tựa đề năm Gia Long 9 (1810), trong đó, có đoạn là ông trích và sửa chữa lại từ sách Thực lục. Từ đó, Trần Văn Giáp đ?a ra giả thiết: Nguyễn Hựu Cung đã “dùng sách Thực lục của Phan Lê Phiên và một phần sách của họ Phan còn được ghi lại trong sách của Nguyễn Hựu Cung” (Trần Văn Giáp 1984: 386). Vẫn theo Trần Văn Giáp, Phan Lê Phiên hay Phan Trọng Phiên (1734-1809, người làng Đông Ngạc ở Hà Nội) từng soạn Cao Bằng thực lục (Trần Văn Giáp 1971: 338-339). Phan Lê Phiên từng làm quan Đốc trấn ở Cao Bằng vào khoảng đầu thập niên 1760, trong một vài năm, nên có thể đã soạn Cao Bằng thực lục khi đó. Cao Bằng thực lục của Nguyễn Hựu Cung có sử dụng Cao Bằng thực lục của Phan Lê Phiên như một tài liệu tham khảo, nhưng tiếc là văn bản hiện còn của nó tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm không cho ta biết rõ đoạn nào là vốn là của Phan Lê Phiên và những đoạn nào do Nguyễn Hựu Cung viết thêm hoặc nhuận sắc. Vì vậy, toàn đoạn về chùa Viên Minh trong Cao Bằng thực lục không biết là bản viết cũ của Phan Lê Phiên hay của Nguyễn Hựu Cung.
(11) Một số nghiên cứu này sử dụng hoặc trích dẫn gần như cả bài, nhưng có khi quên ghi xuất xứ.
(12) Bài “Chuông chùa Đà Quận” ở địa chỉ sau:
(13) Năm can chi Tân Hợi ứng với các năm dương lịch sau: 1551, 1611, 1671, 1731, 1791. Từ các năm này, chúng ta sẽ xác định được Càn Thống Tân Hợi sẽ là 1611.
(14) Nội dung của bài minh, hiện tại có thể xem bản dịch của nhóm Cung Văn Lược – Chu Quang Trứ và của Đinh Khắc Thuân.
(15) Gần đây, tác giả Nguyễn Minh Đức có suy đoán quả chuông này (chuông nhỏ có một lỗ thủng) và quả chuông lớn hơn ở cùng trong khuôn viên chùa Viên Minh và miếu Quan Triều là chuông trận. Chỉ hoàn toàn là suy tưởng cá nhân, mà không có bất cứ chứng cớ thuyết phục nào, nhưng tác giả đã đi đến kết luận: “Như vậy, hai quả chuông nhà Mạc ở chùa Đà Quận ngày nay chắc chắn là chuông trận. Trong lịch sử chiến tranh hầu như ta chưa thấy có nguồn sử liệu nào nói về việc sử dụng những quả chuông lớn như vậy để làm hiệu lệnh chỉ huy mặt trận” (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Trung tâm Bảo trợ Văn hóa Kỹ thuật truyền thống (RCTCT) 2012: 118).
TÀI LIỆU THAM KHẢO/TRÍCH DẪN
- Ban Liên lạc họ Mạc, 2007, Hợp biên thế phả họ Mạc, Hà Nội, Nxb Văn hóa Dân tộc.
- Ban Liên lạc họ Mạc Cao Bằng (Nguyễn Xuân Toàn chủ biên), 2012, Vương triều Mạc ở CaoBằng một thời hưng thịnh, Hà Nội, Nxb Dân trí.
- Bế Nhật Hoàng, 1992, Bước đầu tìm hiểu một số vấn đề của Cao Bằng thực lục, Luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Hán Nôm thuộc Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nộikhóa 33 (1988-1992), Bản lưu mang ký hiệu HN7 tại Thư viện Khoa Ngữ văn trước đây (Bản chụp của Chu Xuân Giao thực hiện năm 1994).
- Cadière Léopold, 1905, “Tableau chronologique des dynasties annamites”, In trong BEFEO (Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient) Tome 5, pp. 77-145.
- Chu Văn Bách 周?柏 (Chủ biên), 1992, Trung Quốc lễ nghi đại từ điển 中国?đ?Ç大?辞典, Bắc Kinh, Nxb Đại học Nhân dân Trung Quốc 中国?民?大?学出?版?社.6.
- Chu Xuân Giao, 2000, Đời sống, vai trò và bản chất của thầy Tào người Nùng An qua trường hợp bản Phia Chang, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa dân gian, 349 trang, hiện lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
- Chu Xuân Giao, 2002a, 東北ベ?ナ?に?ªける?Ìン?族?Ìン?アン?集団?Ỵ?祀š者?®タオ’に する?đ?×学的?Ð究」東京外?語?ĩ?§大?学院º大?学院º博士後?課?Ì論叢『言Ỡ Z・地?ị?化研究』第8号 (“Nghiên cứu Dân tục học về thầy Tào trong nhóm Nùng An thuộc tộc người Nùng ở Đông Bắc Việt Nam” in trong tạp chí Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa khu vực số 8-Tập luận văn của Chương trình đào tạo Tiến sĩ Đại học Ngoại ngữ Tokyo), pp.121-135.
- Chu Xuân Giao, 2002b, “Từ trường hợp bản Phia Chang (Cao Bằng) suy nghĩ về lịch sử người Nùng An ở Đông Bắc Việt Nam” in trong sách Văn hóa và lịch sử các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ Thái ở Việt Nam (Hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ III, Chương trình Thái học Việt Nam, Nxb Văn hóa-Thông tin), pp.100-117.
- Chu Xuân Giao, 2010, “Toan tính và số phận của các vị vua sau năm 1677: Mấy ghi chú bước đầu về niên đại và về thời điểm kết thúc của triều Mạc ở Cao Bằng, qua tham khảo kết quả nghiên cứu của các nhà sử học Trung Quốc” in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Vư?ng triều Mạc trong lịch sử Việt Nam (Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 1.000 năm Thăng Long, Hội Sử học Hà Nội), Hà Nội, 2010, pp. 107-124.
- Chu Xuân Giao, 2013, “Ba vua Mạc cuối cùng qua sử liệu Trung Quốc (1638-1683)” in trong sách Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc xuất bản, pp. 235-395.
- Cung Văn Lược – Chu Quang Trứ 1994, “Văn chuông chùa Đà Quận – Viên Minh tự – một tư liệu quý về thời Mạc ở Cao Bằng” tạp chí Hán Nôm số 1 năm 1994.
- Đặng Hồng Sơn – Phạm Văn Chiến – Nguyễn Xuân Toàn, 2011, “Di sản văn hóa nhà Mạc thời kỳ Cao Bằng qua các đnh, chùa, miếu” tập hợp trong Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng 2011 (Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Nhà Mạc trong thời kỳ Cao Bằng”), tr. 155-169.
- Đinh Gia Thuyết (Nguyễn Hữu Khánh duyệt bình), 1925, Thuyết Mạc – An Nam tiểu thuyết, Hà Nội, Lê Văn Tân.
- Đinh Khắc Thuân, 1987, “Một số vấn đề về niên đại bia Việt Nam” tạp chí Hán Nôm số 2 (3). Bản trực tuyến trên website Viện Nghiên cứu Hán Nôm:
- Đinh Khắc Thuân, 2001, Lịch sử triều Mạc qua thư tịch và văn bia, Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội.
- Đinh Khắc Thuân (Sưu tầm, khảo cứu, dịch chú), 2010, Văn bia thời Mạc, Hải Phòng, Nxb Hải Phòng.
- Đinh Khắc Thuân, 2011, “Dấu tích văn hóa thời Mạc qua tài liệu Cao Bằng thực lục” tập hợp trong Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng 2011 (Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Nhà Mạc trong thời kỳ Cao Bằng”), tr. 306-317.
- Hoàng Lê (Biên soạn), 1988, Mạc thị thế phả hợp biên (Lưu hành nội bộ).
- Hoàng Triều Ân, 2010, “Cao Bằng qua văn thơ xưa” (20/04/2010), Website Cổng thông tin điện tử tỉnh Cao Bằng: http://www.caobang.gov.vn:10040/wps/wcm/connect/Web+Content/ caobang/vietvecaobang/4806c500422f2b99a4acbe40f0083290?presentationtemplate=PT++Print&presentationtemplateid =45183700422ff7f1a662be40f0083290
- Lê Quý Đôn (Ngô Thế Long dịch), 2012a (1749), Đại Việt thông sử – Quyển 1, TP Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ – Nxb Hồng Bàng.
- Lê Quý Đôn (Ngô Thế Long dịch), 2012b (1749), Đại Việt thông sử – Quyển 2, TP Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ – Nxb Hồng Bàng.
- Lê Tắc, 2009, An Nam chí lược, Nxb Lao Động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
- Nguyễn Cảnh thị (Nguyễn Thị Thảo dịch, Trần Nghĩa khảo đnh và giới thiệu), 2011, Thiên Nam liệt truyện Hoan Châu ký, Hà Nội, Nxb Thế giới.
- Nguyễn Đại Đồng, 2012, Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến 1981, Hà Nội, Nxb Văn học.
- Nguyễn Hựu Cung 阮祐恭 (Bế Hựu Cung 閉祐恭), 1810, Cao Bằng thực lục 高平實錄, Bản chép tay hiện lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.1129 (bản chụp phục vụ bạn đọc với ký hiệu VHc.1438).
- Nguyễn Minh Tường, 1996, “Nhà Mạc sau năm 1592”, in trong Viện Sử học 1996, tr. 279-305.
- Nguyễn Xuân Diện, 2007 (2001), “Hai chữ Long phi trong dòng niên đại bia thời Lê” Thông báo Hán Nôm học 2001, Bản trực tuyến trên website Viện Nghiên cứu Hán Nôm: (lên mạng ngày 23/3/2007).
- Ngưu Quân Khải 牛军?, 2000, “安南ª氏¸ß平政权初?½” tạp chí Đông Nam Á – Nam Á nghiên cứu 《东南?Ç南?Ç研究/Southeast Asian and South Asian Studies》, số 3-4 (67), tr. 45-51, Nguyên bản tiếng Trung của Ngưu Quân Khải, 2013.
- Ngưu Quân Khải, 2012, 王?Ị?ĩỊ?叛?乱?者£º越½南ª氏?Ị?与?Ð国?系研究 (Hậu duệ vương thất và kẻ phản loạn: Nghiên cứu về quan hệ của nhà Mạc ở Việt Nam với Trung Quốc), 广?Ý:世 界图书?ư?ỉ?东有限?«司, 326 trang.
- Ngưu Quân Khải (Chu Xuân Giao dịch và chú giải), 2013, “Bước đầu nghiên cứu về nhà Mạc ở Cao Bằng và hậu Cao Bằng” in trong sách Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc xuất bản, tr.114-142.
- Phan Đăng Nhật 2011, Nhà Mạc và họ Mạc – Ý chí và mục tiêu chiến lược, Hà Nội, NXB Dân trí.
- Quốc Sử Quán triều Nguyễn (Viện Sử học phiên dịch và chú giải: Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đnh), 2006, Đại Nam nhất thống chí, tập 4 (Tái bản lần thứ hai), Huế, Nxb Thuận Hóa.
- Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng, 2011, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Nhà Mạc trong thời kỳ Cao Bằng” (Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Minh Đức). Tập bản thảo chế bản trên hai mặtgiấy, khổ B5 gồm 427 trang (bìa màu xanh có in chìm hình trống đồng Đông Sơn).
- Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng – Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – Trung tâm Bảo trợ Văn hóa và Kỹ thuật truyền thống (RCTCT), 2012, Dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học – Đề tài “Thực trạng và giải pháp bả o tồn, phát huy các giá trị di sản phi vật thể nhà Mạc tại cố đô Dương Kinh – Hải Phòng” (Mã số: ĐT.XH.2008.511; Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Minh Đức; Đơn vị thực hiện: Trung tâm Bảo trợ Văn hóa Kỹ thuật truyền thống). Tập bản thảo chế bản trên một mặt giấy khổ A4 gồm 172 trang (bìa màu xanh nhạt).
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc – Trung tâm Bảo trợ Văn hóa và Kỹ thuật truyền thống – Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Tường, 2012, Hội thảo khoa học “Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc” – Tóm tắt các tham luận, Tài liệu in bìa mềm gồm 65 trang sử dụng trong Hội thảo “Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc” (Vĩnh Phúc, ngày 21/9/2012).
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc – Trung tâm Bảo trợ Văn hóa và Kỹ thuật truyền thống – Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Tường, 2013, Nhà Mạc và hậu duệ trên đất Vĩnh Phúc (Kỷ yếu hội thảo khoa học), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc xuất bản, 720 trang.
- Trần Văn Giáp, 1971, Lược truyện các tác gia Việt Nam, Tập I (In lần thứ hai, có sửa chữa, bổ sung), Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội
- Trần Văn Giáp, 1984, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Tập I, in lần thứ II), Hà Nội, Nxb Văn hóa.
- Trung tâm Bảo tồn Khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội, Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 1.000 năm Thăng Long, Hội Sử học Hà Nội, 2010 Kỷ yếu Hội thảo khoa học Vương triều Mạc trong lịch sử Việt Nam, Tập bản thảo gồm 434 trang khổ A4.
- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (Nguyễn Khánh Toàn giới thiệu, Phan Huy Lê khảo cứu, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính), 2009a, Đại Việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 – 1697), Tập I, Nxb Khoa học Xã hội.
- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đnh), 2009b, Đại Việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 – 1697) – Tập II, Nxb Khoa học Xã hội.
- Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (Hoàng Văn Lâu – Ngô Thế Long dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đnh, Khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội làm sách dẫn), 2009c, Đại Việt sử ký toàn thư (dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 – 1697), có phụ thêm Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên của nhóm Phạm Công Trứ Tập III, Nxb Khoa học Xã hội.
- Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Trần Nghĩa chủ biên), 1997, Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập II, Hà Nội, Nxb Thế giới.
- Viện Sử học, 1996, Vương triều Mạc (1572-1592), Hà Nội, Nxb Khoa học xã hội.
TÓM TẮT
Bài viết trình bày kết quả khảo cứu từ tư liệu điền dã và đối chiếu thư tịch của tác giả về dòng lạc khoản của bài minh hiện còn thấy trên chuông chùa Viên Minh (cũng gọi là chùa Đà Quận) ở Cao Bằng. Dòng lạc khoản này đã bị mờ mòn, rất khó đọc nên lâu nay đ?ợc ghi lại không thống nhất trong các tài liệu thư tịch cũng như các công trình nghiên cứu gần đây. Kết quả khảo cứu cho biết việc đúc chuông và khắc bài minh lên chuông là vào tiết Hoa Triêu năm Tân Hợi, niên hiệu Càn Thống thứ 19 dưới thời vua Mạc Kính Cung, dương lịch là năm 1611. Kết quả này góp phần khẳng định giá trị quý báu của chuông chùa Viên Minh trong việc cung cấp các cứ liệu văn hóa-lịch sử liên quan đến thời kỳ đầu của nhà Mạc ở Cao Bằng. Đồng thời, đây cũng là một cứ liệu chắc chắn để tìm hiểu thêm việc dùng các từ tôn xưng triều đại như Long phi, Long tập kèm theo năm can chi trong thư tịch xưa.
ABSTRACT
ABOUT CÀN THỐNG REIGN OF THE MẠC KING
ON THE EXISTING BELL OF VIÊN MINH PAGODA IN CAO BẰNG PROVINCE
The paper presents research results from fieldwork data comparing to the author’s bibliography about the writing at the bottom of the epitaph on the bell of Viên Minh Pagoda (also called Đà Quận Pagoda) in Cao Bằng. The writing is blurred and eroded, which makes it hard to read, leading to the dissimilarity among recent bibliographies and research works. Results of the research proved that the cast of the bell and the engraving of the epitaph were in Hoa Triêu seasonal segment, the year of the Pig, 1611 A.D, the 19th year of the Càn Thống reign of King Mạc Kính Cung. The results confirm worthy values of the bell in Viên Minh Pagoda and provide cultural and historical evidence related to the early days of the Mạc Dynasty in Cao Bằng. Besides, they are exact data to find out the use of imperial titles, such as Long phi, Long tập and the five signs of the Heavenly Stems and of the Earthly Branches in ancient bibliographies.
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.