- Đang online: 2
- Hôm qua: 918
- Tuần nay: 15158
- Tổng truy cập: 3,368,817
VAI TRÒ CỦA GIA PHẢ VÀ TƯ LIỆU TỔNG HỢP NHIỀU NGUỒN, ĐỐI VỚI TÂN SỬ HỌC- TRƯỜNG HỢP HOÀNG (MẠC) CÔNG CHẤT.
- 283 lượt xem
VAI TRÒ CỦA GIA PHẢ VÀ TƯ LIỆU TỔNG HỢP NHIỀU NGUỒN, ĐỐI VỚI TÂN SỬ HỌC- TRƯỜNG HỢP HOÀNG (MẠC) CÔNG CHẤT.
GS. TSKH. PHAN ĐĂNG NHẬT
MỞ ĐẦU
1.Vài dòng về xu hướng nghiên cứu lịch sử hiện đại[1]
Trong thời kỳ đương đại, mọi khoa học đều biến chuyển mạnh mẽ, nhiều khi thay đổi hẳn quan điểm truyền thống. Khoa lịch sử cũng vậy. Xu hướng của sử học hiện nay được gọi là tân sử học (new history) hay xã hội sử học (social history).
Tân sử học quan tâm đến toàn bộ xã hội chứ không chỉ có các triều đại, tập trung cả vào những con người bình thường trong xã hội, vào đám đông quần chúng. Để đáp ứng được những yêu cầu trên, về nguồn tư liệu, ngoài sử sách, bi ký (là phần quan trọng) còn phải chú ý đến tài liệu văn hóa dân gian, huyền thoại, phả ký, hồi ký, nguồn tài liệu từ ký ức tập thể, qua lời kể, được gọi là truyền khẩu sử học(oral history); đặc biệt quan tâm đến gia phả.
Như vậy, về tư liệu được sử dụng từ nhiều cội nguồn “đa nguyên”. Còn phương pháp thì sử dụngphương pháp liên ngành như xã hội học , nhân học, kinh tế học, tâm lý học, ngôn ngữ học, địa lý học, y học,… kể cả phương pháp định lượng có gốc từ khoa học tự nhiên “ngành Khoa học xã hội cần toán học hóa ngôn ngữ của mình – (Borist Lojkine)”.
Để thu hút được tư liệu “đa nguyên” và phương pháp liên ngành như trên, lực lượng viết sử thường được huy động nhiều ngành liên quan.
Xu hướng nghiên cứu tân sử học nói trên được phổ biến rộng ở các nước Âu Mỹ, tiêu biểu là ở Pháp, ở Mỹ, Anh, Ý ,…
2. Xu hướng nghiên cứu tân sử học rất phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của họ Mạc.
Như các Cụ các Bác đã biết, mấy trăm năm qua, họ Mạc cũng như họ Hồ, họ Nguyễn Tây Sơn,… đã phải trải qua loạn ly tan hợp, đau đớn tang thương. Sử chính thống Lê Trịnh thì “bôi xấu triều Mạc” (GS Trần Quốc Vượng). Tài liệu sách vở khác bị đốt phá, nhiều trường hợp chính ta tự hủy để tránh liên lụy. Phần lớn còn lưu lại các lời truyền miệng, mà cũng truyền bí mật, hạn hẹp.
3. Để phục hiện toàn cảnh và bản chất xã hội quá khứ chúng ta cần khai thác toàn diện sử liệu chính thống, gia phả và các nguồn thông tin khác, phải nắm được mối quan hệ tương hỗ của chúng.
Theo phương hướng này, chúng tôi chủ trương thu thập tư liệu qua các nguồn thông tin khác nhau, biên soạn tài liệu lịch sử nhà Mạc và họ Mạc các địa phương, Ví dụ:
-Nhà Mạc ở Cao Bằng,
-Hoàng đế Mạc Toàn – Hải Dương,
-Nhà Mạc và hậu duệ ở Vĩnh Phúc,
-Họ Mạc ở Nghệ An,
-Thủ lĩnh Hoàng (Mạc) Công Chất-Hải Phòng, Điện Biên.
-……
Qua các công việc trên, chúng tôi bước đầu đã thu nhận được một số kinh nghiệm.
Tuy nhiên trong thời gian rất hạn chế của hội nghị này, chúng tôi xin phép chỉ trình bày một kinh nghiệm nhỏ: Thủ lĩnh Hoàng (Mạc) Công Chất qua gia phả Thái và tư liệu tổng hợp đa nguồn.
Tiếp theo chúng tôi xin trình bày ba ý chính;
1. Hoàng Công Chất qua gia phả Thái “Quam tô mương” và lệ mường Thái:
– vai trò các bậc chức dịch,
-lịch sử tiến lên mường luông, liên mường luông và Pathet sệt,
2.Hoàng Công Chất qua thơ ca dân gian.
3.Hoàng Công Chất qua tín ngưỡng và thờ cúng
TRIỂN KHAI
I.Hoàng Công chất qua gia phả Thái “Quam tô mương”và lệ mường Thái
Quam tô mương, tiếng Thái nghĩa là “Truyện kể bản mường”. “Cuốn sách này đến nay tìm thấy được hơn 30 bản khác nhau. Đó là cuốn sách không ghi tên tác giả, chép các sự kiện lịch sử xẩy ra trong từng Mường do một chúa đất cai quản, đời nọ tiếp đời kia , từ lúc hai nhân vật nửa huyền thoại , nửa có thực là tạo Ngần, tạo Xuông dẫn dắt người Thái theo dọc sông Hồng đến khai phá đất Mường Lò (Văn Chấn)…”[2]
“Lệ mường”, tiếng thái là hịt khoong, là một bộ luật dân gian đồ sộ của nhân dân Thái, đã được công bố:
-Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng sưu tầm, dịch, NXB Văn hóa dân tộc, H, 1999, 1227 trang.
-Chúng tôi (P.Đ.N.) đã nghiên cứu và giới thiệu trong sách Đại cương về văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam, bài Văn hóa lệ mường Thái, NXB Thời đại, 2012, tr. 282-297.
1.Tổ chức cơ bản của xã hội Thái và con đường liên minh các châu mường hình thành kiểu tiền Nhà nước “mường luông” với người đứng đầu là “chẩu mường luông”/ “chẩu luông”.
1. Hình thức tổ chức cơ bản của xã hội Thái
Hình thức tổ chức cơ bản của xã hội Thái là bản và mường.
Bản là một công xã nông thôn, gồm những gia đình hạt nhân theo quan hệ huyết thống hay láng giềng (là chủ đạo) và được vận hành theo một chế độ dân chủ công xã dựa trên chế độ già làng, đứng đầu là “phò bản” (bố làng) với một hội đồng già làng. Các bản tập hợp thành một “Mường” (trong một thung lũng) dưới sự quản trị của một dòng họ quý tộc, đứng đầu là một tù trưởng “Chẩu mường” (chủ mường) được quyền thế tập dựa trên hội đồng già làng (Thầu ké háng mương). Bản là ha tầng cơ sở, còn mường là hình thái cấu trúc bậc trên .
Mường Thái có bốn cấp như sau: Mường lộng — Mường phìa — Châu mường và Mường luông
1. Mường lộng (hay mường quen): Đây là cấp nhỏ nhất, gọi tắt là lộng, quen, nằm gọn trong một thung lũng lòng chảo, có thể tương đương với một bản lớn có đến 50 – 60 nóc nhà trở lên, hoặc cũng có thể có hai, ba bản nhỏ hơn hợp lại. Đứng đầu đơn vị lộng, quen là một đàn ông thuộc dòng dõi quý tộc gọi là tạo (tạo lộng hay tạo quen).
2. Mường phìa: cấp trên của mường lộng (quen). Trong tiếng Thái ở vùng Đông Nam Á có nơi không phát âm là phía mà là phaya. Người đứng đầu đơn vị mường phìa là phìa (chẩu phìa). Đây là chức danh riêng cho một dòng quý tộc cha truyền con nối hoặc anh em.
3.Châu mường: Đơn vị châu mường có người đứng đầu là chẩu (chẩu mường), cũng thuộc dòng quý tộc cha truyền con nối hoặc anh em. Ở đây, chữ chẩu đồng nghĩa với chữ tạo, phía trong biểu hiện thủ lĩnh mường.
Tạo, Chẩu mường (hay Phìa) có thể vốn là dòng dõi của những thủ lĩnh cầm đầu bộ lạc. Những người này đã có công khai phá đất đai hoặc chiến thắng trong các cuộc chiếm đất mở mường nên được các thành viên trong cộng đồng suy tôn làm người đại diện. Họ được tập thể trả công và giao quyền phân chia ruộng của mường cho dân, và sử dụng các tài sản do người nhận ruộng phải nộp (như hình thức địa tô) dành cho việc chung. Sau này, những con cháu họ, cha truyền con nối, được thừa hưởng quyền mà tập thể giành cho những người thủ lĩnh đầu tiên ấy. [3]
2.Vai trò của chẩu mường luông/ chẩu luông (chúa lớn)
Trong số các chẩu mường (ở Tây Bắc, thời nhiều nhất là 16) xét công lao và uy tín, một người được toàn thể thần phục, tôn làm chẩu mường luông/chẩu luông, mường do ông quản lý trực tiếp trở thành mường luông và là mường trung tâm của toàn thể lãnh thổ. Chẩu luông vừa quản lý mường của mình vừa coi sóc toàn thể 15 châu mường khác. Chẩu luông có uy quyền bao trùm nhưng không tham gia chỉ đạo các công viêc nội bộ của 15 châu mường khác. Cụ thể ông có những nhiệm vụ chính sau đây:
1.Góp phần cử chẩu mường mới.
Quy trình công việc diễn ra như sau:
“Khi đã già yếu chẩu mường giới thiệu người sẽ thay thế với “bô lão trong mường” (cũng có nghĩa giới thiệu với bản, mường). Người được giới thiệu thường là con trai cả.
Bô lão trong mường có thể chấp nhận hoặc tiến cử người khác trong quý tộc để chẩu mường xem xét lại. Quyền quyết định cuối cùng vẫn là ở chẩu mường cha. Tiếp theo là việc cử người đến trình chẩu luông. Nếu chưa vừa lòng, chẩu luông chỉ có thể gợi ý để bô lão và chẩu mường cha cử lại. Nếu phía chẩu mường cha cứ quyết định người đó, thì buộc chẩu luông phải công nhận.
Sau khi chẩu luông chấp thuận, bô lão trong mường và chẩu mường cha sẽ cử một phán đoàn do viên “phóng xai” (một chức đối ngoại) dẫn đàu , đưa chẩu mường mới tới ra mắt và nộp lễ vật lên chẩu luông để tỏ ý tạ ơn.”[4]
2.Góp phần bãi miễn chẩu mường cũ.
Sau đây là quy trình được thực hiện ở trường hợp Cầm Mựt (Mường La)
“Ví dụ, có trường hợp “bô lão trong mường” đã bãi chức “chẩu mường” ở Mường La, đươc Quám tố mướng ghi: “Cầm Mựt (thời gian khoảng cuối thế kỷ 15 tương đương với đòi vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức- CT) lên làm “chẩu mường” nhưng đã tham lam sắc tửu bừa bãi, không thẳng thắn…bô lão không phục nên xin với “chẩu mường luông” bãi miễn” [5]
3. Phong chức cho các chẩu mường
Sử Thái có ghi lại trường hợp Hoàng Công Chất phong chức cho một số chẩu mường: “Hoàng Công chất thu cống nạp, điều binh khi chiến trận, cắt cử phong ấn, sắc cho các tù trưởng Thái. Sử thái ở Sơn La có chép. Ông phong cho phìa Cầm Ten làm chủ Mường Muổi (tức Thuận Châu); Cầm Phằn và Cầm Vang làm chủ Mường Mụa (tức Mai Sơn) ; Bun Xao, con Bun Dom làm chủ Mường La”[6]
“Tóm lại. quan hệ chung giữa các châu mường với mường luông, người Thái gọi là “ó suối ó hán” (có nghĩa là phải cống nạp và quy thuận). Những châu mường phải chịu cống nạp và quy thuận mường luông gọi là “mường vảy suối xin” (mường chịu sự lệ thuộc)
Quý tộc mường luông chỉ có thể đặt lệ cho các châu mường hàng năm phải cống vật phẩm; chứ không có quyền trực tiếp can thiệp mọi công việc thuộc phạm vi nội bộ của mỗi châu mường.
Quý tộc mường luông thực hiện việc chi phối các châu mường lệ thuộc bằng cái gọi là lam. Nội dung lam là việc cống nộp và thường trực giải quyết các công việc cần thiết của các châu mường. Quý tộc và chức dịch của các châu mường đến nộp cống và yết kiến mường luông gọi là khửn lam (lên lam), Người đứng đầu mường luông khi nhận chức đứng đầu châu mường thường phân công cho chức dịch làm lam (đại diện chẩu mường luông phụ trách các châu mường)”[7]
Việc thành lập mường luông đứng đầu là chẩu mường luông là nhu cầu phát triển của lịch sử các dân tộc, không riêng gì ở Tây Bắc. Các nhà sử học coi đó là quy luật phát triển từ thị tộc, bộ lạc, liên minh bộ lạc đến Nhà nước sơ khai. Đây là một con đường lâu dài , quanh co, có khi phải qua hàng thiên niên kỷ và thường bị đứt đoạn.
Để hình thành liên minh bộ lạc, phương thức phổ biến là chiến tranh. Chiến tranh là “bà đỡ của lịch sử”, đã phá vỡ tình trạng chia cắt riêng rẽ, đi đến thống nhất lãnh thổ, thống nhất lãnh đạo dưới một thủ lĩnh tài ba; nhằm thoát ra khỏi thời kỳ “dân chủ quân sự” chiến tranh liên miên, tiến dần từng bước đền thời kỳ tiền Nhà nước tạo nên sức mạnh to lớn và sự ổn định bền vững cho cộng đồng. Để thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng này cần có thủ lĩnh có tài năng quân sự, có uy tín cao, bao trùm.
Ngoài phương thức chiến tranh còn có các phương thức thần thuộc một cách hòa binh dựa trên quan hệ phân phong quyền lực trong và ngoài huyết thống, quan hệ hôn nhân,…
Ở Tây Bắc , theo Quam tố mướng ghi lại thì chỉ có mấy thời kỳ hợp nhất được các châu mường rồi sau đó tan vỡ:
1.Ta Ngần xây dựng Mường Muổi, phát triển thế lực khắp miền Sông Đà, Sông Mã (thế kỷ 14)
2. Xa Khắm Xam có công theo Lê Lợi đánh quân Minh, được trông coi vùng thượng du Sông Đà (thế kỷ 15), Mộc Châu/Mường Sang luông là trung tâm
3. Bun Phanh, chúa lớn Mường La phát triển ảnh hưởng khắp vùng Tây Bắc (thế kỷ 15)
4. Thế kỷ 18, Hoàng Công Chất (Thiên Chất)bước tiêp các chẩu luông nhiều thế kỷ trước, được tôn làm chẩu luông, thống nhất 16 châu mường, Mường Thanh là mường luông, trung tâm của các châu mường.
Ghi chú: về Hoàng Công Chất sẽ được trình bày chi tiết hơn ở phần tiết theo
5. Hoàng Công Chất tiễu trừ giặc Phẻ, giải phóng Tây Bắc. Các dân tộc Tây Bắc, các chẩu mường đã tôn Ngài làm chúa lớn/ chẩu luông, với Mường Thanh là mường luông, trung tâm toàn lãnh thổ.
Khi vào Tây Bắc, nghĩa quân Hoàng Công Chất đã phối hợp với quân của thủ lĩnh người Thái là tướng Ngải, tướng Khanh (Cương mục có chép Chất liên kết với thủ lĩnh Thành) đánh giặc Phẻ cứu dân, bảo vệ miền biên giới tổ quốc.
Được sự ủng hộ của chúa Thái và các dân tộc giúp đỡ, nghĩa quân Hoàng Công Chất theo hai con đường từ Sông Mã tiến lên bao vây thành Tam Vạn. Trận đánh diễn ra hết sức quyết liệt. Giặc Phẻ không sao chống cự được, cuối cùng phải bỏ thành Tam Vạn chạy đến Pú Vằng (Khu đồi Độc Lập) hiện nay. Đến đây, giặc Phẻ đã huy động toàn bộ lực lượng và dùng các loại vũ khí lợi hại nhất lúc bấy giờ như: súng to châm mồi thuốc súng, bắn đạn chì ghém tầm gần, nghĩa binh của Hoàng Công Chất bị thương vong rất nhiều, không sao tiến lên được. Trong lúc khó khăn, một số nghĩa binh của Hoàng Công Chất là người Lự, người Lào tham mưu và hai tướng Ngải, Khanh hiến kế cho một bộ phận người Lào, người Lự tới trước cửa thành của phạ chẩu Tin Tòng (tướng giặc Phẻ) xin hàng, chúng tin là thật nên nhận. Đêm đến, quân Hoàng Công Chất tiến đánh, được bộ phận trá hàng làm nội gián đánh ra nên quân của Công Chất thắng lớn, chém được Tin Tòng. Tàn quân giặc Phẻ phải ngược sông Nậm Nua và Nậm Rốm chạy sang Lào.
II. Hoàng Công Chất qua thơ ca dân gian
Ở Tây Bắc, về Hoàng Công Chất, ngoài các tài liệu ghi trong sử các dịa phương, Quam tô mương (Kể chuyện bản mường), còn có nhiều truyền thuyết và thơ ca dân gian. Sau đây là một trong số các bàì thơ nói trên:
1. “Dưới xuôi có vua
Trên này có chúa
Những miền từ Mường Puồn, Châu Ét (Sầm Nưa)
Từ Đà Bắc, Chợ Bờ
Lại từ phía Xo, Là đổ lại (Vân Nam, Phong Thổ)
Tất cả đều quy phục chúa Mường Thanh
Đất Mường Thanh rộng một giải
Nậm Rốm, Nậm U, Nậm Núa
Vây quanh thành Bản Phủ
Chúa thật lòng yêu dân
Chúa xây bản dựng mường
Mọi người mới được yên ổn làm ăn…
2. Nghe chăng tiếng hát của quân Keo Chất trong phủ
Ngân vang khắp cánh đồng Mường Thanh bao la
Ai ơi, muốn biết xin hãy về coi
Ai ơi, có mắt hãy mở trông cho kỹ
Người Kinh cùng người Hán
Người Thái với người Lào, người Xá
Vui vẻ cùng nhau tay làm miệng hát
Ai ơi, thấy không?
Chỉ bọn giặc Phẻ cổ phải đeo gông
Dây gai bện ngang lưng thắt chặt
Ai ơi, đừng thương chi bọn gịăc
Đời làm tôi tớ dành cho chúng, thật đáng lắm rồi
3. Chúa cho ta nước uống, ta được uống
Chúa cho ta cơm ăn, ta được ăn
Chúa bảo ta đắp thành, ta xây, ta đắp
Thành to thành đẹp
Thành vững đứng giữa cánh đồng
Giặc nào chẳng khiếp vía
Hào vây quanh thành, sâu hơn 10 sải
Mặt thành rộng hai chục sải tay
Ngựa đi, voi chạy, lính đứng gươm trần sáng loáng
Chúa cưỡi ngựa trên mặt thành uy nghiêm
Nào ta hãy lấy tre về trồng cho khắp
Tre Điên Biên, Chúa bảo đừng lấy
Hãy lấy tre có gai vàng như ngà
Tận miền xuôi về trồng mới tốt
Lấy hơn bốn mươi ngàn khóm
Bao quanh thành, thành vững, Chúa yên lòng…
(Phỏng dịch theo lời ca của
ông Lường Văn Ún, bản Pắc Pe)
Trong lúc lịch sử chủ yếu thuật lại sự kiện, và lịch sử của tầng lớp thống trị là tuyên ngôn về thái độ chính trị của họ, thường thiên lệch ; thì trái lại, thơ ca dân gian, qua sự kiện lịch sử bộc bạch tình cảm, tấm lòng, thái độ của nhân dân trung thực và khách quan.
Phần đầu của bài thơ bày tỏ niềm tự hào của nhân ân Tây Bắc về chuá lớn của mình –thủ lĩnh Chất người Kinh. Nhân dân ca ngợi công lao to lớn của ông đã đánh đuổi giặc Phẻ , giải phóng Tây Bắc, quy phục các chúa mường, thống nhất giang sơn về một mối, rộng lớn, phía Tây đến Sầm Nưa (Lào), phía Đông Bắc đến Vân Nam (Trung Quốc), Phong Thổ ; phía Nam đến Chợ Bờ (Hòa Bình).
Đáng quý nhất là tấm lòng của ông đối với nhân dân :
« Chúa thật lòng yêu dân
Chúa xây dựng bản mường»
Nhờ đó nhân dân được sống cảnh bình an :
« Mọi người được yên ổn làm ăn»
Tiếp theo là niềm vui sướng vô hạn, nhờ sự chăm lo của họ Hoàng, các dân tộc được chung tay làm lụng, hân hoan hò hát để ca ngợi niềm vui sướng của mình :
« Nghe chăng tiếng hát của quân Keo Chất trong phủ
Ngân vang khắp cánh đồng Mường Thanh bao la
Người Kinh cùng người Hán
Người Thái với người Lào, người Xá
Vui vẻ cùng nhau tay làm miệng hát
Ai ơi, thấy không?»
Thật là một bài ca đoàn kết dân tộc và chung vui lao động hiếm thấy.
Công cuộc xây thành Bản Phủ to lớn, hoành tráng không kém khó khăn, vất vả , nhưng các dân tộc xây dựng tự nguyện, qua đó bày tỏ lòng trung thành và sự biết ơn :
«Chúa cho ta nước uống, ta được uống
Chúa cho ta cơm ăn, ta được ăn
Chúa bảo ta đắp thành, ta xây, ta đắp»
…
« Tre Điên Biên, Chúa bảo đừng lấy
Hãy lấy tre có gai vàng như ngà
Tận miền xuôi về trồng mới tốt
Lấy hơn bốn mươi ngàn khóm
Bao quanh thành, thành vững, Chúa yên lòng… »
Ngoài việc chăm lo đời sống các dân tộc như trên, có tài liệu còn viết, Hoàng Công Chất đã chia ruộng cho dân cày :
« Thế mới phải,
chia nước cho dân uống
Chia ruộng cho dân cày »[9]
Và cụ Hoàng còn đem kiến thức kỹ thuật trồng trọt ở miền xuôi dạy cho dân trồng cấy: “Cụ « Trong quá trình điền dã, chúng tôi được biết thêm rằng, ngoài những kỳ tích kể trên, Hoàng Công Chất còn là người có công lớn trong việc nâng cao dân trí, đem lại những kiến thức, kĩ thCụ đưa kỹ thuật trồng trọt từ miền xuôi cho đồng bào Mường Thanh, dạy dân cách trồng cấy để mùa màng tăng năng suất. Đồng thời, dạy dân biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, xây dựng khối tình đoàn kết giữa các dân tộc Tây Bắc. Hành động đó của Hoàng Công Chất càng khắc sâu thêm bản chất tốt đẹp, luôn vì người khác của ông. Và cũng chính vì thế, ông đã trở thành đức thánh của lòng dân “sống làm tiết nghĩa, chết nên phúc thần”. »[10]
Tóm lại, ngoài sự nghiệp oanh liệt lẫy lừng là đánh đuổi giặc Phẻ từ phương Bắc xuống, giải phóng nhân dân, bảo vệ biên cương ; Hoàng công Chất còn chăm lo đời sống của nhân dân, dạy bảo, hướng dẫn và tổ chức cho dân cày cấy trong sự đoàn kết và hân hoan. Nhân dân các dân tộc vô cùng tự hào, sung sướng và biết ơn.
Chăm lo đời sống của nhân dân là một truyền thống bền vững của nhà Mạc đã được kiên trì thực thi suốt hai thời kỳ lịch sử trước:
-Thời kỳ Thăng Long
-Thời kỳ Cao Bằng
*
Nhà dân tộc học người Thái –Cầm Trọng- đã nhận định rất đúng: “Hoàng Công Chất có thể xưng chúa lớn và Mường Thanh trở thành trung tâm mười sáu châu mường được là nhờ trước hết ông đã có công chỉ huy nghĩa quân thực hiện nhiệm vụ quét giặc cỏ từ Vân Nam vào cướp phá, sau đó ông mới quay sang làm nhiệm vụ của cuộc khỏi nghĩa chống triều đình Lê-Trịnh mục nát” [11]
Tóm lại
1.Ở Tây Bắc Việt Nam cũng như ở vùng người Thái Đông Nam Á và lân cận, đã sinh thành và phát triển một thể chế xã hội theo mô hình:
Bản – Mường – Mường luông -Liên mường luông (vương quốc cổ mandala)- Pathết Sạt (quốc gia dân tộc).
Các tổ chức trong mô hình trên được bài trí xoay tròn hướng tâm. Về lãnh địa , cộng đồng tập trung mọi chú ý vào trung tâm, địa giới ngoại vi càng xa tâm càng mơ hồ và biến động.
2. Lịch sử các cộng đồng người Thái Đông Nam Á đã phát triển theo mô hình trên, mà bậc cao là các quốc gia Xiêm, Lào,…… Đồng thời trong các quốc gia trên vẫn song song tồn tại các cộng đồng ở bậc thấp hơn.
3. Ở vùng Tây Bắc Việt Nam, đương nhiên đã phát triển theo quy luật lịch sử của đồng tộc Đông Nam Á, và từ các thế kỷ trước, Tây Bắc đã phát triển đến liên 16 châu mường trở thành mường luông, mà đứng đầu là chẩu luông. Cụ thể là:
-thế kỷ XIV, chẩu luông Ta Ngần, trung tâm là Mường Muổi,
-thế kỷ XV, chẩu luông Xa Khắm Xam, trung tâm là Mường Sang
-thế kỷ XVII, chẩu luông Bun Phanh, trung tâm là Mường La
-thế kỷ XVIII, chẩu luông Hoàng Công Chất/ Thiên Chết, trung tâm là Mường Thanh.
Nói cách khác, xét về lịch đại, sự kiện Chúa Lớn Hoàng Công Chất là một bước kế tục và tiến lên của lịch sử; xét về đồng đại, đây là môt sự kiện có tính chất quốc tế vùng-Đông Nam Á.
4.Chúa Lớn Thiên Chất mới gia nhập xã hội Thái, nhưng đã nhanh chóng , kịp thời hòa đồng, hơn nữa đã chuyển hóa thành thủ lĩnh tài danh, cùng nhân dân đẩy xã hội Thái tiến lên theo đúng quy luật lịch sử. Đây là một sự kiện lịch sử thực sự diệu kỳ.
Nhưng khác với các chẩu luông trước, Thiên Chất, không dựa dẫm vào sự “tin dùng của vua Kinh” mà đánh đổ vua Kinh thối nát, lập một vương quốc riêng.
5. Thiên Chết qua đời đột ngột, lịch sử Thái mất một điều kiện cốt yếu nhất-thủ lĩnh thiên tài -để tiếp tuc phát triển lên liên mường luông.
Thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, họ đã đem súng lớn lên Tây Bắc đàn áp nhân dân. Nhà sử học người Thái , Cầm Trọng , đã viết: “Pháp sang, không còn có chẩu mường luông nữa” (Đặng Nghiêm Vạn, sđd , tr. 348)
III. Hoàng Công Chất qua tín ngưỡng, thờ phụng.
Bằng việc thờ phụng Hoàng Công Chất, nhân dân Tây Bắc đời đời tri ân Ngài.
Việc thờ cúng Hoàng Công Chất đã được thực hành từ lâu đời. và với hai phương thức nghi lễ.
1. Về thời gian
Người ta tìm thấy văn tự kể lại có đền thờ Hoàng Công Chất từ năm 1856 và sau đó , hẳn là đền thờ trước bị hư hỏng nhân dân xây dưng lại đền năm 1936.
-1856
“Hình như người ta không tìm thấy một lời nào về một đền thờ hoặc một sự thờ phụng nào dâng cho Hoàng Công Chất trong các chương sách địa chí do các ông quan triều Nguyễn viết, vào thế kỷ XIX. Riêng Phạm Thận Duật chỉ ra một đền thờ tại Điện Biên dành cho thủ lĩnh khởi nghĩa Hoàng Công Chất, trong Hưng Hóa ký lược , ở chương các đền và chùa trong thành phủ Điên Biên, vào khi ông làm quan ở vùng này (1853-1856)” [12]
-và năm 1936
“Một đền/miếu nhỏ được xây dựng năm 1936” [13]
Viêc thờ Ngài được thực hiện theo hai phong tục, phong tục Thái và phong tục miền xuôi.
2. Các phương thức nghi lễ
2.1. Thờ cúng theo phong tục Thái-lễ xên mường
Lịch sử Thái có ghi lại xên mường xuất hiện từ thế kỷ 13, tiếp tục được tổ chức hàng năm cho đến năm 1956 thì đứt đoạn, đến năm 2012 bắt đầu tổ chức lại. Sau đây là sơ lược về lễ xên mường Mường Then.
Chúng ta sẽ thấy trong lễ lớn này , Hoàng Công Chất và công trạng của Ngài được cúng ở 2 điểm (in đậm) , cùng với Lạng Chượng, thủ lĩnh Thái có công lớn ở Tây Bắc, và cháu của ông.
“Lễ Xên mường đã có quy mô với: bốn chiềng , bảy Đông xên, được ghi vào sử sách và tổ chức một cách liên tục cho đến năm 1956, diễn ra trong năm ngày ở bốn chiềng như sau:
1. Chiềng Chăn là khu vực trung tâm, có bốn Đông xên như sau:
a. Đông xên Luông Vắng Van (Tà pố): thờ chung các thần linh trời đất, các tướng lĩnh toàn mường
b. Đông xên Pú Văng (dưới Tà pố): thờ đồng bào bào bị giặc giết tập thể, lưu giữ chiến công Hoàng Công Chất bắt sống được giặc Chẩu Phạ Tin Tòng (PĐN in đậm)
c. Đông xên Hua Pe (trên Bản Pe): thờ thủ lĩnh Khun Pe, con trai Lạng Chượng.
d. Đông xên Lạng Chượng: (Đồi A1): thờ Lạng Chượng, người đầu tiên lập nên Mường Thanh.
2. Chiềng Lé, Đông xên Chiềng Lé: thờ thủ lĩnh Hoàng Công Chất, tướng Ngải, tướng Khanh và các tướng lĩnh khác của Hoàng Công Chất.(PĐN in đậm)
3. Chiềng On (khu vực Noong Luống và Noong Hẹt). Đông xên Noong Hẹt: thờ các thần, các thủ lĩnh vùng Noong Luống và Noong Hẹt.
4. Chiềng xôm, (đông xên Xam Mứn -có thành Xam Mứn): thờ thủ lĩnh Khun Mứn, cháu của Lạng Chượng”[14]
“Đông xên Chiềng Lé, tế Hoàng Công Chất, mổ một con bò đực to, một con dê, hai con gà.
Thời gian làm lễ, cùng ngày với các Đông xên khác, nhưng khác với các Đông xên khác là mổ vật hiến tế vào ban đêm, khoảng 3h sáng bắt đầu làm thủ tục tế lễ (làm sao tế xong trời còn tối để ruồi nhặng chưa kịp dậy đậu vào các mâm cỗ).
2.2. Thờ phụng theo nghi lễ vùng châu thổ sông Hồng
Việc thờ cúng thủ lĩnh Hoàng Công Chất chắc chắn gắn liền với các đền miếu mà chúng ta được biết là được xây dựng từ năm 1856 và 1936 (xem ở trên). Vậy việc thờ cúng này được thực hành từ nhiều thế kỷ trước. Nghi thức ở đây phỏng theo việc thờ thành hoàng làng/thần làng ở vùng xuôi:
“Ở châu thổ Sông Hồng, cư dân Việt, thực hành từ lâu đời sự thờ phụng thành hoàng làng. Họ thường là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử dân tộc, mà sự đại diện được hình tượng hóa trong đình làng, hòa hợp với những tổ tiên dựng làng. Người anh hùng như thế, là tướng hoặc quan thuở xưa, được tôn thờ một cách lôgich trong làng gốc của họ.” [15]
Những thập niên gần đây lễ hội thờ thủ lĩnh Hoàng Công Chất ngày càng có quy mô hoành tráng hơn. Có nhà nghiên cứu có nhận xét là nghi thức ở đây không liên quan gì đến môi trường Thái:
“Việc thờ cúng này được chính quyền khuyến khích, hiện nay được làm mới mà đồng thời là chứng cớ của một đền thờ và nghi lễ không liên quan đến môi trường Thái, bất cứ về mặt nào, nhưng chắc chắn là đều phỏng theo sự thờ cúng thành hoàng các làng Việt, vùng châu thổ” [16]
Mặc dầu có vẻ không liên quan như vậy nhưng nhân dân các dân tộc Tây Bắc vẫn nhiệt tình tham dự
Vấn đề đặt ra
Có vấn đề được đặt là tại sao một người Kinh lại được thờ ở vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc và thờ theo nghi thức đồng bằng.
Tác giả Philippe Le Filler đã giải đáp rất chính xác là: do công lao vô cùng to lớn của Hoàng công Chất đối với nhân dân các dân tộc, Ngài đã trở thành một người anh hùng “hoàn toàn bản địa” và là niềm tự hào lớn của họ:
“Quan niệm của cư dân Thái là quyền lực của Keo Chất trải dài từ bờ sông Đà dến bờ sông Mã đến tận Trung quốc, mà Mường Thanh là trung tâm. Đó là một cách nhớ lại nền độc lập mà trước đây, vùng Tây Bắc được hưởng. Lúc bấy giờ Hoàng Công Chất được coi như một người anh hùng hoàn toàn bản địa, trị vì toàn vẹn (không chia cho ai) trên một vùng lãnh thổ rộng lớn là và biểu tượng cho sự thống nhất trong mường. Chứng cớ là đoạn sử thi sau đây được dân Thái vùng Sông Đà hát:
Xem đây, dưới xuôi có vua
Trên này có chúa
Chúa xây bản dựng mường
Mọi người được yên ổn làm ăn…
KẾT LUẬN
1. Phần trên, để hoàn chỉnh nhân vật lịch sử Hoàng (Mạc) Công Chất, chúng tôi đã dự trên những tư liệu tổng hợp đa nguyên bao gồm:
– gia phả các vùng Thái “Quam tô mương”
– lệ mường của người Thái
– tín ngưỡng và thờ cúng của các dân tộc Tây Bắc (xên mường, páo khuôn,….)
– Thơ ca dân gian
Nhờ đó đã góp phần giới thiệu một toàn cảnh cuộc đời và con người thủ lĩnh Hoàng Công Chất, đầy đủ và sâu sắc hơn so với trước đây. Có thể lấy ý kiến của Đặng Nghiêm Vạn-Cầm Trọng để kết luận:
“ — Hoàng-công-Chất có công cứu dân Thái và các dân tộc khác thuộc Tây-bắc khỏi ách giăc Phẻ.
— Hoàng Công Chất được nhân dân các dân lộc Tâv-bắc tín nhiệm, mến yêu, coi như người anh hùng của mình. Hầu hết các tù trưởng Thải ỏ’ Tâv-bắc đều tin theo. Khi Hoàng Công Chẩt mất đi, nhân dân Tâv bắc, nhất là vùng Điện-bièn, còn thờ phụng và truyền tụng lại đến ngày nay nhiều bài ca, nhiều truyền thuyết ca ngợi công lao cứu dân eứu nước của họ Hoàng.”[17]
Như vậy , Hoàng Công Chất không phải chỉ là nông dân khởi nghĩa mà đã chuyển thành một Chúa Lớn “chẩu luông” cũng tương tự như Ta Ngần, Xa Khắm Xam, Bun Phanh trước đó.
Đứng về lịch sử nhà Mạc, sau 12 đời vua, có thêm Chúa Lớn Hoàng Công Chất, người anh hùng tiêu biểu cho thời kỳ lịch sử thứ ba, mà tổng cộng cả ba thời kỳ là 242 năm.
P.Đ.N.
[1] Tư liệu của mục này lấy từ :
-Phan Đăng Nhật: Giáo dục lịch sử qua Văn hóa nghệ thuật dân gian, Tạp chí Xưa-Nay, số 72B, tháng 2 năm 2000, tr.10.
– Nhiều tác giả: Di sản lịch sử và những hướng tiếp cận mới, NXB Thế giới, H, 2011
-Philippe Papin: Lịch sử Hà Nội, NXB Nhã Nam, NXB Mỹ thuật, H, 2010
[2] Đặng Nghiêm Vạn chủ biên),…: Tư liệu về lịch sử và xã hội daab\n tộc Thái, NXB Khoa học xã hội, H, 1977, tr.21.
[3] Phạm Đặng Xuân Hương:Đặc điểm thể loại của sử thi Chương ở Việt Nam, Luận án tiến sỹ ngữ văn, H, 2013, tr.30-35.
[4] Cầm Trọng: Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, H. 1978, tr. 349.
[5] Cầm Trọng: Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.147.
[6] Đặng Nghiêm Vạn- Cầm Trọng: Những hoạt động của Hoàng Công Chất trong thời kỳ ở Tây Bắc , Tạp chí nghiên cứu lịch sử, số 75, 1965, tr.52.
[7] Cầm Trọng: Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, t., 341-342.
[8] Đặng Nghiêm Vạn-Cầm Trọng: tài liệu vừa dẫn, tr.53.
[9] Lời hát của bà Lò Thị Dót – Bản Phủ – Điện Biên, Đặng Thị Oanh cung cấp, sách Hoàng Công Chất và lễ hội thành Bản Phủ,Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên, 2014, tr.41.
[10] Đặng Thị Oanh cung cấp, sách Hoàng Công Chất và lễ hội thành Bản Phủ, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên, 2014, tr.25.
[11] Cầm Trọng: Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam,NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.340
[12] -Phạm Thận Duật: Hưng Hóa ký lược và Phạm Thận Duật: Cuộc đời và tác phẩm, H, 2000. NXB Văn hóa thông tin. tr. 157;
Chuyển dẫn theo Philippe Le Failler : Une divinites de circonstance –le culte de Hoàng Công Chất à Điện Biên Phủ , BEFEO, 2006, 93, p.186.
-Nhân đây xin chân thành cám ơn bà Mạc Thu Hương và ông Philippe Papin đã gửi cho tài liệu kịp thời.
-Phạm Thận Duật: Cuộc đời và tác phẩm,http://www.sudoc.fr/156756331.
[13] Trương Hữu Thiêm:Ai về Bản Phủ- Mường Thanh. H, Xưa & Nay, 1998, số 49, tr.10-11-chuyển dẫn theo F. Le Failler , tài liệu đã dẫn, tr.201.
[14] Lương Thị Đại (chủ biên) và cộng sự: Lễ xên mường của người Thái đen ở Mường Then, NXB Đại học quốc gia, H, 2013, tr. 8 và 55-56.
[15] P. Le Failler, tài liệu đã dẫn , tr. 184
[16] P.Le Failler, tài liệu đã dẫn, tr.186.
[17] Đặng Nghiêm Vạn-Cầm Trọng: Những hoạt động của Hoàng Công Chất trong Thời kỳ ở Tây Bắc, Nghiên cứu lịch sử, số 75, năm 1965, tr. 50
Viết bình luận
Tin liên quan
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- TỌA ĐÀM VỀ HAI BIA ĐÁ TÌM THẤY TẠI HUYỆN TIÊN LÃNG, TP. HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.