- Đang online: 2
- Hôm qua: 1220
- Tuần nay: 21454
- Tổng truy cập: 3,371,365
VÀI NÉT VỀ CHẾ ĐỘ RUỘNG ĐẤT VÀ CHÍNH SÁCH NÔNG NGHIỆP THỜI MAC
- 1292 lượt xem
Đỗ Đức Hùng
I. Chính sách ruộng đất dưới thời Mạc
Một nhận xét được nhiều nhà nghiên cứu nêu ra là vào các thế kỷ XVI-XVII, ruộng tư được phát triển khá tự do. Có thể giải thích tình trạng trên là do chính quyền trung ương, tập quyền ở thời kỳ này suy yếu, do đó không kiểm soát được sự phát triển của tư hữu ruộng đất. Song mặt khác phải nhìn ngược lại: chính sự phát triển một cách “phi pháp” của tư hữu ruộng đất ngay từ cuối thế kỷ XV – đầu XVI và sự hình thành các chủ sở hữu lớn là cơ sở cho tình hình chính trị, xã hội của các thế kỷ XVI- XVII. Có một nhận xét quan trọng khác là: không phải các trung tâm cát cứ lớn xuất hiện từ đầu thế kỷ XV (1) chịu ảnh hưởng thụ động của cơ sở kinh tế (chế độ ruộng đất) mà ngay chính sách ruộng đất của các lực lượng mới thay thế nhà Lê cũng khác với chính sách ruộng đất của nhà Lê sơ và nhà nước Lê-Trịnh.
Một câu hỏi được đặt ra: Chính sách ruộng đất của nhà Mạc như thế nào? Có gì khác với trước? Nhà Mạc có tiến hành phép quân điền không?
Có người cho rằng so với chế độ quân điền ở thời Lê sơ, chính sách chia ruộng của nhà Mạc có phần rộng rãi hơn, tôn trọng truyền thống cộng đồng làng xã hơn và có lợi cho dân chúng hơn (2). Vậy thực chất của vấn đề này thế nào?
Khi mới lên ngôi, vì sợ “lòng người mến cũ” (3), nhà Mạc tạm thời giữ pháp độ của triều Lê, không dám thay đổi gì. Nhưng chỉ một năm sau (1528) Mạc Đăng Dung đã sai bề tôi bàn định lại các chế độ. Xây dựng bộ máy theo hướng quân sự hóa.
Riêng về điền chế được bàn năm 1528 ra sao? không thấy sử chép đến. Chúng ta chỉ bắt gặp một nguồn thông tin quá hiếm hoi về chính sách ruộng đất của nhà Mạc được ghi qua lời bàn của Thiếu sư Mạc Ninh Bang về phép cấp lộc điền cho hiệu sĩ năm 1543 như sau: “Năm Quảng Hòa thứ 3 (1543) đã ra lệnh: Xã nào ngoài số ruộng đất tư, mà có ruộng quan và ruộng chùa, thì tùy theo số ruộng đó, chiếu cấp: hạng nhất trung hiệu, mỗi người hai phần rưỡi, hạng nhất trung sĩ mỗi người hai phần rưỡi. Xã nào không có ruộng thì mỗi người một phần. Nếu xã nào tuy số ruộng nhiều đáng được hai phần, thì hai phần ấy cũng không được quá hai mẫu, rồi tùy theo cấp bậc giảm dần, còn bao nhiêu ruộng sẽ theo nhân số trong xã mà chia đồng đều”. Nhưng theo Mạc Ninh Bang: “trong bọn được ưu đãi là trung hiệu , trung sĩ tất nhiên có kẻ hăng hái, có kẻ lười biếng, đâu nhất luật như nhau, thế mà cấp phát ruộng đất một cách đồng đều không phân biệt, thì không thể khuyến khích lòng người được. “Vậy xin cho các quan tướng bản doanh ra lệnh cho các quan bản huyện lấy công tâm lựa chọn bảo cử, người nào tinh tráng khỏe mạnh và thiện chiến làm hạng nhất, chia loại, lấy thực số làm thành sổ cấp điền. Đồng thời các quan phủ huyện, xã trưởng chiếu theo sổ cấp điền nói trên, lập làm quyển thứ hai, rồi đem ruộng nhất đẳng cấp cho hạng này trước, để khuyến khích chiến sĩ”. Phúc Hải nghe theo” (4).
Qua lời bàn của Mạc Ninh Bang đã dẫn trên, có thể rút ra một số nhận xét:
1. Lộc điền dưới thời Mạc chỉ dành để cấp cho binh lính (sĩ quan): hạng nhất trung hiệu và hạng nhất trung sĩ. (Trong khi đó, chúng ta biết rằng chế độ ban cấp lộc điền ở thời Lê sơ chỉ dành cho quan lại cao cấp có phẩm hàm từ tứ phẩm trở lên).
2. Ruộng đem ban cấp làm lộc điền cho quân sĩ lấy từ ruộng đất công của làng xã và ruộng chùa. (Chúng ta biết rằng theo Lê Quý Đôn thì ở thời Lê sơ lộc điền thường được lấy chủ yếu từ loại ruộng không chủ, ruộng lậu thuế không ghi vào sổ quan, do các quan tự tìm rồi tâu lên xin phê chuẩn. Đến 1510 vẫn còn lệnh truy tìm ruộng còn lại ở dân, chưa vào sổ quan để cấp cho các công , hầu, bá theo thứ bực) (5).
3. Cách ban cấp lúc đầu là định bình quân. Nhưng sau theo lời bàn của Mạc Ninh Bang, ban cấp có phân biệt thành nhiều hạng, trong đó có loại dược ưu tiên đặc biệt, dược cấp ruộng nhiều hơn và ruộng tốt nhất. Phần ruộng không còn tùy thuộc vào từng làng xã còn nhiều hay ít ruộng công mà phụ thuộc vào các “quan tướng bản doanh” và các quan bản huyện “lấy công tâm bảo cử”. Với cách ban cấp ưu tiên để “khuyến khích chiến sĩ” như trên nên quan số theo biên chế của nhà Mạc lúc đó ước tính có lúc lên đến 12 vạn người, với số lượng ruộng công làng xã còn lại ít ỏi ở giữa thế kỷ XVI (nhà Mạc không động đến ruộng tư), thì sau khi dã cấp lộc điền cho quân đội, phần ruộng công còn lại để “chia đều theo nhân số” trong các làng xã không còn bao nhiêu.
Tóm lại, theo phân tích trên có thể nghĩ rằng nhà Mạc không còn đất để thực hiện phép quân điền nữa. Các tài liệu sử cũ, kẻ cả sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú không thấy nhắc tới chính sách quân điền dưới thời Mạc. Như vậy là nhà Mạc trong hoàn cảnh có nội chiến, không bỏ quân điền, nhưng dành ưu tiên cho việc cấp ruộng lộc điền cho binh lính. Chính sách cấp lộc điền ưu tiên cho các sĩ quan quân đội cho chúng ta một liên tưởng đến hình thức phông đất cho những tùy tùng thân cận của các vua phong kiến châu Âu-Những người được phong phần đất gọi là “bénéfice” này phải có nghĩa vụ quân dịch đối với nhà vua…
Như vậy là nhà Mạc với tư cách là một dại diện quyền lực ở vùng đồng bằng Bắc Bộ đã đẩy làng xã vào vòng phụ thuộc phong kiến chặt chẽ hơn, làng xã hầu như bị tước mất quyền hành đối với ruộng đất công, chứ không phải là rộng rãi hơn như các ý kiến đã được nêu ra.
Ngoài lộc điền cấp cho binh sĩ, chúng ta thấy nhà Mạc vẫn cố gắng duy trì các loại ruộng phong cấp khác như: ruộng “thế nghiệp”, ruộng thờ và “phân điền” (?) Nguồn sử liệu rải rác còn lại cho biết một vài sự kiện nhà Mạc phong cấp ruộng đất cho các công thần như sau:
Theo gia phả dòng họ, Nguyễn Bỉnh Khiêm khi mất được nhà Mạc cấp 100 mẫu ruộng thờ; Ngụy thiếu sư trí sĩ Trần Phỉ được cấp 57 mẫu ruộng thế nghiệp (năm 1554); hoặc thượng thư Nguyễn Thai, người xã Lại An, huyện Đan Phượng (Hà Nội) để lại cho dòng họ 10 mẫu ruộng tế ban cấp từ thời Mạc (7); Lê Quang Bí, một sứ thần bị nhà Minh giam hãm 18 năm ở Trung Quốc, khi trở về được nhà Mạc ban cho 20 lạng bạc, 200 chuỗi tiền và 50 mẫu ruộng (8). Sau khi ông mất, vua Mạc còn phong cho ông 80 mẫu ruộng tế, 11 mẫu ruộng miễn hoàn cùng 90 người cày cấy để phụng sự việc tế lễ hàng năm (9). Các loại ruộng phong cấp trên, người được phong được quyền chiếm thực sự và thậm chí ruộng phong bị đem mua bán, chuyển nhượng, cúng tặng rất phổ biến. Hiện tượng này dưới chính thể nhà Mạc khác với chính sách của nhà nước Lê-Trịnh ở thế kỷ XVII (Năm 1661 trở đi, ruộng thế nghiệp, ruộng tế… của các công thần nhà nước Lê-Trịnh bị cắt xén bớt và dần dần thay bằng tiền…)
Qua hàng loạt bia có niên đại thế kỷ XVI dựng trong vùng kiểm soát của nhà Mạc đã phản ánh nhận định trên:
Bia chùa Minh Phúc (xã Cẩm Khê, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, dựng năm 1572) chép việc Hoàng Thái hậu họ Vũ cúng vào chùa 5 mẫu ruộng mới mua tại xứ Mả cả, xã Dốc Hành, huyện Tân Minh làm ruộng tam bảo. Văn bia này chép rõ nguồn gốc ruộng này là ruộng thế nghiệp của Phúc Tuy thái trưởng công chúa ngày trước mà các con trai là Bùi Thế Mỹ, Bùi Thế Trạch và Bùi Triết đã đem bán với giá tương đương 120 lạng bạc (10). Các Hoàng Thái hậu, trưởng công chúa thường bỏ tiền ma ruộng cúng vào chùa. Ví dụ như năm 1579 thái hoàng thái hậu mua ruộng cúng cho chùa Thánh Thọ làm ruộng tam bảo 1 mẫu 1 sào 11 thước và cúng cho chùa Phổ Chiếu 1 mẫu 5 thước 2 tấc (11). Số ruộng của Hoàng Thái hậu cho chùa Thiên Phúc (xã Hòa Niễu, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) 26 mẫu ruộng (12). Năm 1582 Thọ Phương Thái trưởng công chúa nhà Mạc cúng cho chùa Hoa Tân (xã Bách Phương, huyện An Lão, Hải Phòng) 20 mẫu ruộng (13). Một loạt ruộng được các bia chép bị đem cúng cho chùa rất nhiều là ruộng “được phân” (phân điền). Năm Hồng Ninh thứ 2 nhà Mạc (1592), con gái thứ hai của thái úy quốc công thượng trụ quốc tri được ban phong “Trung thành tây chí vương” là Mạc Ngọc Ý, pháp hiệu Đức An có ruộng được phân (phân điền) 2 mẫu 8 sào và 1 sào đầm, 1 thửa ruộng 3 sào (tổng cộng 3 mẫu) cúng cho chùa làm ruộng tam bảo (14). Hoặc năm 1561 Thái hoàng thái hậu có ruộng được phân (phân điền) và ruộng mới mua cúng cho chùa Thiên Phúc gồm 2 mẫu 2 sào 2 thước, chia thành 56 thửa ở các xứ đồng khác nhau (15). Năm 1589 Chính Phi công chúa có 7 mẫu ruộng phân “phân điền” ở xứ Ô Hà cúng cho chùa làm ruộng tam bảo (16).
Những dẫn chứng trên cho phép kết luận rằng ngay dưới thời Mạc (TK XVI) các loại ruộng “thế nghiệp” và ruộng “phân điền” cho các công thần và những người trong hoàng gia đã biến thành sở hữu tư nhân và được đem bán hoặc cúng tặng nhà chùa… khá phổ biến. Không thấy sử chép việc nhà Mạc cấm biến ruộng công thành ruộng tư. Trái lại những câu thơ phản ánh thế lực của đồng tiền nói chung, đồng tiền Vạn Lịch nói riêng truyền tụng trong ca dao, trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, phản ánh sự phổ biến của các quan hệ hàng hóa tiền tệ. Tình hình đó cũng phản ánh trong lời tâu của Đô Ngự sử Giáp Trưng lên Mạc Mậu Hợp rằng: “… Nay các quan cấp trên cũng như cấp dưới, những người không hám lợi, chỉ chừng hai, ba phần mười, ngoài ra hết thảy đều chăm chăm về lợi, quan tước nhũng lạm, ruộng đất bị chiếm, những sự mua quan bán tước, không việc gì không làm”(17). Các tướng, các trung sĩ, trung hiệu…không những chỉ nắm được nhiều ruộng đất, thao túng xã hội vè mặt kinh tế mà còn thao túng cả về chính trị và luật pháp. Vào năm 1553 các bầy tôi của Mạc Phúc Nguyên gồm Trấn thảo doanh tổng đốc Hưng Quốc công Nguyễn Quý Liêm, Hùng tiệp doanh ký lục hiệu lý Nguyễn Ngan Hoàng đã dâng sớ tâu rằng: “Gần đây, gặp lúc quốc gia có biến, tướng ngạo binh kiêu, không tuân hiệu lệnh… Đến như việc ngục tụng là trách nhiệm của quan hữu ty, thế mà các nha phủ, các quan trong doanh trại và các quan đô ty, vệ, sở đều lập nha môn xử kiện ngay trong nhà, có người kiện về hộ, hôn, điền sản và các việc khác, các viên ấy đều tự tiện nhận đơn, rồi bắt tới tra khảo, hạch sách tiền của, tự ý phân xử, mà các quan hữu ty cũng không can thiệp”…(18).
Tình hình trên là kết quả của cuộc chiến tranh phe phái giữa các thế lực phong kiến, sự suy yếu của chính quyền tập trung, song mặt khác, nó cũng là biểu hiện sự phát triển của các quan hệ kinh tế phong kiến ở các địa phương và sự bành trướng thế lực của chúng về mặt xã hội và chính trị. Có thể nghĩ rằng thế kỷ XVI có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự ra đời một giai cấp địa chủ phong kiến ở nước ta. Thật vậy, chúa Nguyễn ở Thuận Quảng đã xây dựng cơ sở cát cứ, khuyến khích dân khai khẩn ruộng đất hoang cho làm ruộng tư (bản bức tư điền), cho cày cấy mãi mãi mà nộp thuế riêng (19). Khuyến khích sự phát triền của sở hữu tư nhân về ruộng đất, đó là chính sách khôn khéo của chúa Nguyễn ở phía Nam và nhà Mạc ở phái Bắc. Chính sách trên có ảnh hưởng tích cực đến đời sống kinh tế trong vùng kiểm soát của họ Mạc và họ Nguyễn, trước hết là nông nghiệp.
II. Một vài nét về tình hình kinh tế nông nghiệp thời Mạc.
Nhà Mạc khi mới lên chiếm cứ được miền đồng bằng Bắc Bộ khá sầm uất, rất thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Chính sách cai trị của nhà Mạc là dựa vào bạo lực và lực lượng quân sự. Mạc Đăng Dung sau khi lập ra vương triều Mạc, làm vua ba năm, rồi học cách nhà Trần nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh và lên làm Thái Thượng hoàng. Dưới triều Mạc Đăng Doanh (1530-1540), một người mà theo như nhận xét của Phan Huy Chú: “Tính tình khoan hậu, giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình” (20), bằng các biện pháp quản lý có hiệu quả, nhà Mạc đã tạo nên được một thập kỷ khá huy hoàng trong lịch sử mà ngay các sử thần triều Lê cũng phải ghi nhận. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “…Từ đấy người buôn bán và người đi đường đều tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng kiểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không thể biết là vật của nhà mình. Trong khoảng vài năm, đường xá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên” (21). Đó cũng là những năm mà nhà Mạc chưa phải tiến hành các cuộc chiến tranh với Nam triều. Từ khi có cuộc chiến tranh quy mô với Nam triều, tình hình kinh tế nông nghiệp lẽ đương nhiên có sự sút kém đi. Nhưng ngay trong hoàn cảnh cùng chịu cảnh chiến tranh thì sự tương quan với Nam triều, sự so sánh cũng cho ta một vài nhận xét thú vị. Theo thống kê từ biên niên sử của triều Lê (Đại Việt sử ký toàn thư), trong vòng 100 năm của thế kỷ XVI, trên địan bàn cả nước có đến 30 năm sử chép là có thiên tai, địch họa dẫn đến mất mùa lớn. Trong đó chủ yếu là những năm của nửa sau thế ky XVI và tập trung trên miền đất quản lý của Nam triều. Tất nhiên ai cũng biết vùng Thanh Nghệ vốn từ trong quá khứ đã là nơi khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, lại luôn chịu thiên tai, đến thế kỷ này (XVI) lại trở nên thành bãi chiến trường giữa Nam và Bắc triều. Có những trận lụt lớn như năm 1557, mưa dầm to mấy tháng không ngớt: ở Thanh Hóa, Nghệ An nước lụt, đường đê vỡ lở, trôi mất vài trăm nóc nhà; năm 1559, tháng 8, thành Tây đô bị ngập, kho tàng phần nhiều ngập nước, nhân dân đói kém. Vào những năm 70 của thế kỷ XVI, trên vùng đất của Nam triều bị mất mùa luôn, dân đói to, trong khi đó thì tình hình kinh tế ở vùng đất phía Nam do Nguyễn Hoàng trấn trị khá sầm uất: “Chợ không nói thác, dân không trộm cắp, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều đến buôn bán, trao đổi phải giá…”(22). Năm 1572, các huyện ở Nghệ An đồng ruộng bỏ hoang, không thu được hạt thóc nào, dân đói to, lại bị bệnh dịch, chết đói quá nửa. Nhân dân nhiều người xiêu giạt, hoặc tản đi miền Nam (vùng đất của chúa Nguyễn), hoặc giạt về Đông Bắc, trong hạt tiêu điều” (23). Chúng ta biết rằng vùng Đông Bắc khi đó là đất bản bộ của nhà Mạc. Ngoài những yếu tố thuận lợi về điều kiện khí hậu và tự nhiên có sự khác nhau khá quan trọng, có lẽ còn phải tính đến yếu tố con người nữa. Chính sách cai trị, quản lý cũng có ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí quyết định. Ở vùng đất “cuối sông đầu núi”, lại ỷ “thế Thanh, thần Nghệ”, chính sách cai trị của Nam triều tỏ ra lỗi thời so với Bắc triều ở phía Bắc và chúa Nguyễn ở phía trong. Nhà nước Nam triều vẫn tiếp tục chính sách có từ thời Lê sơ. Năm 1559, Thái sư Trịnh Kiểm của Nam triều sai hộ bộ đô chi là Văn Toàn từ Lê Trọng Nghĩa đi “khám ruộng đất công tư ở Thanh Hóa, Nghệ An để định ngạch thuế”. Nhà nước Lê-Trịnh vẫn cố gắng duy trì chế độ công điền và theo phép quân điền. Năm 1663, chúng ta thấy triều đình Lê-Trịnh sai quan đến hai xứ Thanh, Nghệ bắt những trang trại mới thành lập đặt làm xã thôn và đo các hạng ruộng công, đất bãi, đầm ao, ruộng đồn điền, chiếu số ruộng công của xã cấp cho binh lính mỗi người 1 mẫu (24).
Tóm lại, nhà Mạc bằng chính sách của mình đã khuyến khích ruộng đất tư phát triển, Mạc Đăng Doanh “giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa…” đã tạo ra một thập kỷ “trị bình”, tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Những năm 1530-1540 sử chép cảnh tượng khá phồn vinh của vùng đồng bằng Bắc Bộ: “Được mùa, nhà no, người đủ…”. Tiếp theo đó là các thập kỷ chiến tranh, cả hai bên đều phải huy động sức người, sức của cho cuộc chiến, nhưng nhìn chung mùa màng nông nghiệp của Bắc triều thường khá hơn. Đó không chỉ là kết quả của thời tiết, khí hậu mà còn phụ thuộc vào chính sách của nhà Mạc có phần rộng rãi và cởi mở hơn chính sách của Nam triều. Hiển nhiên là chính sách của cả hai phía Bắc triều và Nam triều là thế nào thì những cuộc chiến tranh tàn khốc, đặc biệt là vào cuối của cuộc chiến tranh (những năm cuối thế kỷ XVI), tình hình nông thôn và nông nghiệp khá đen tối. Trên địa bàn cả nước, năm 1595 sử chép “đói to lại thêm ôn dịch, người chết xác gối lên nhau” (25) và năm 1596: “Bấy giờ đại hạn, thóc vụ chiêm đều không thu được, phá chằm khô cạn, cây cỏ phần nhiều vàng rụng, hoa quả căn cỗi. Trôm cướp quần tụ trong dân gian, bọn lớn đến 7, 8 trăm người, bọn nhỏ cũng chẳng kém vài trăm người, ngày đêm đốt phá nhà cửa, cướp lấy tiền của súc vật, thủy bộ không thông, đường xá bế tắc, dân chết đói quá nửa”.(26)
Sau khi chiến thắng được Bắc triều, nhà nước Lê-Trịnh phải mất hàng hai mươi năm để khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình xã hội-kinh tế. Triều đình Lê-Trịnh qua Tham tụng Phạm Công Trứ (1664) với phép “Bỉnh lệ” đến An đô vương Trinh Cương và các quần thần Lê Anh Tuấn, Nguyễn Công Hãng (1719-1730) và cuối cùng là Trịnh Doanh (1740) đều loay hoay tìm cách thoát khỏi thế mâu thuẫn và cuộc khủng hoảng không dễ thoát khỏi. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng trên là cuộc đấu tranh “không phân thắng bại” giữa một bên là xu hướng tư hữu hóa triệt để nhằm hình thành một giai cấp địa chủ bình dân, thương nhân và nông dân tư hữu (tiểu nông)- (xu hướng kinh tế) với một bên là xu hướng cộng đồng cơ sở của nhà nước tập quyền và chế độ quan liêu bảo thủ -(xu hướng quyền lực-kinh tế). Xu hướng thứ nhất đại diện cho sự tiến hóa, thúc đẩy xã hội phát triển, xu hướng thứ hai nhân danh đạo lý và lới ích của sự tồn tại của cộng đồng. Nó không biểu hiện cho sự tiến bộ, nhưng lại rất cần thiết để duy trì sự tồn tại của cộng đồng: chống ngoại xâm, chốn lũ lụt…
Sau một thời gian ngắn tương đối ổn định dưới thời Lê Thánh Tông, sang thế kỷ XVI xã hội Việt Nam lại bước vào một thời kỳ nội chiến phân liệt. Nguyên nhân kinh tế của tình hình trên thật dễ chỉ ra: đó là do sự phá sảncủa chính sách quân điền nhà nước thời Lê sơ cố gắng hoàn thiện đến mức cao nhất vào thời Lê Thánh Tông; đó là do sự phát triển mạnh mẽ của sở hữu tư nhân về ruộng đất và kinh tế hàng hóa để hình thành nhiều thế lực phong kiến địa phương. Các thế lực này không chỉ bành trướng về kinh tế mà còn thi nhau sự giàu sang và quyền lực. Những quan hệ phong kiến vốn đã khá mạnh ở cuối thời Trần (cuối thế kỷ XIV) bị kìm nén với cải cách của nhà Hồ, rồi bị đánh bại bởi hình thái nhà nước châu Á nửa sau thế kỷ XV, thì sang thế kỷ XVI lại được phát triển mạnh mẽ và tự do. Có nhiều biểu hiện cho thấy xã hôi Việt Nam ở thế kỷ XVI là xã hội ở buổi đầu giai đoạn phong kiến trung kỳ. Chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến khác nhau, sự chia xẻ đất nước thành nhiều vùng tách biệt, sự suy yếu của chính quyền trung ương, sự sa sút của ý thức dân tộc trong giai cấp thống trị, lực lượng sĩ quan và binh lính nắm quyền và lũng đoạn triều cương, vua cũng chỉ tồn tại như một lãnh chúa phong kiến…Tất cả những điều đó nói lên sự thắng thế của những quan hệ phong kiến trong cơ sở kinh tế – xã hội. Quy luật kinh tế tự mở đường đi của mình và mỗi bước tiến lên theo quy luật kinh tế, con người phải chấp nhận sự trả giá. Là một công cụ vô thức của lịch sử, nhà Mạc đã phần nào phản ánh và đáp ứng được đòi hỏi của quy luật trên. Nhưng cuối cùng nhà Mạc cũng bị thất bại-đó không phải chỉ là sự thất bại của một vương triều mà là sự thất bại của một xu hướng-xu hướng thứ nhất, xu hướng kinh tế.
CHÚ THÍCH
(1) Giản Tu công Oanh (1509), Trần Tuân (1511), Lê Hy, Trịnh Hưng (1516), Hoàn Duy Nhạc (1518), Lê Khắc cương, Lê Bá Hiếu (1522), Giang Văn Dụ (1522), Trịnh Tuy (1524).
(2) Phan Huy Lê: “Nguyễn Bỉnh Khiêm và thời đại của ông”. Tham luận tại Hội thảo kỷ niệm Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hải Phòng. Bản đánh máy.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư. Bản dịch, Nxb KHXH, 1968, tập IV, tr 120.
(4) Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử. Bản dịch, Nxb KHXH, Hà Nội-1978, tr 280-281.
(5) Toàn thư, tập 4, tr 59, 65.
(6) Toàn thư, tập 4, tr 173. Đại Việt thông sử Đã dẫn, tr 301, 325.
(7) Theo “Đường An Đan Loan thế phả” Dẫn theo Trương Hữu Quýnh: “Chế độ ruộng đất ở Việt Nam”, tập II, Hà Nội, Nxb KHXH 1983, tr 52.
(8), (9) Theo bia “Tổ quận công thần đạo bi minh”, dựng năm 1579 ở Mộ Trạch, Cẩm Bình, Hải Hưng. Dẫn theo Trương Hữu Quýnh, đã dẫn.
(10) Bia chùa Minh Phúc, xã Cẩm Khê, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng dựng năm 1572. No 9869. Bản dịch Đinh Khắc Thuân. TL đánh máy, VSH.
(11) Bia chùa xã Hoạch Trạch, huyện Bình Giang, Hải Hưng. No4340, TLVSH.
Bia chùa Phổ Chiếu, Kiến Thụy, Hải Phòng.No 10053, TLVSH.
(12) Bia chùa Hòa Niễu, Kiến Thụy, Hải Phòng.No 10067-8 TLVSH.
(13) Bia chùa Hoa Tân, xã Bách Phương, An Lão, Hải Phòng. No 1222, Tl VSH.
(14) Bia chùa Hồng Khánh, xã Đóc Hành, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. No 9910 dựng năm 1589. TLVSH.
(15) Bia chùaThiên Phúc, xã Hòa Niễu, Kiến Thụy, Hải Phòng.No 10067-8 TLVSH
(16) Bia chùa Hồng Khánh, xã Đóc Hành, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. No 9910 dựng năm 1589. TLVSH.
(17), (18) Đại Việt thông sử Đã dẫn, tr 32 5, 299-300.
(19) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, HN, Sử học 1960, tập 1, trang 180.
(20), (21), (22) Toàn thư, đã dẫn, tập 4, tr 161.
(23), (24), (25), (26) Toàn thư, đã dẫn, tập 4, tr 205-206-212.
Viết bình luận
Tin liên quan
- HỘI THẢO KHOA HỌC TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM
- VÈ ĐỀN BÀ CHÚA CỘT CỜ Ở THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
- THỜI KỲ CÁC VUA MẠC CỦA VƯƠNG QUỐC CAO BẰNG (1593-1683)
- GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: VĂN BIA HÁN NÔM THỜI MẠC: TƯ LIỆU VÀ KHẢO CỨU. Tác giả: GSTS Đinh Khắc Thuân.
- VỀ SỰ KIỆN BIÊN GIỚI NĂM 1540 GIỮA NHÀ MINH VÀ NHÀ MẠC.
- ĐÌNH TÂY ĐẰNG: VẺ ĐẸP KIẾN TRÚC GỖ TIÊU BIỂU THỜI MẠC
- VỀ NHỮNG THIÉU SÓT VÀ BẤT HỢP LÝ TRONG SỬ SÁCH VỀ MẠC ĐĂNG DUNG VÀ NHÀ MẠC.
- MẠC ĐĨNH CHI: TÀI NĂNG XUẤT CHÚNG KHIẾN TRIỀU THẦN NHÀ NGUYÊN KÍNH NỂ.
- THANH LONG ĐAO BẢO VẬT QUỐC GIA
- BÍ ẨN “DI NGÔN CHÍ” TRÊN BIA ĐÁ CỔ TÌM THẤY Ở HẢI PHÒNG
- Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) – Tiểu sử và Sự nghiệp –
- NGHỆ THUẬT THỜI MẠC
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Nghệ An
- ĐỊA CHỈ MỘT SỐ DI TÍCH NHÀ MẠC VÀ DANH THẮNG CƠ BẢN Ở TỈNH CAO BẰNG
- Đoán định lại thân thế Nguyễn Dữ và thời điểm sáng tác “Truyền kì mạn lục”
- CHÍNH QUYỀN NHÀ NƯỚC THỜI MẠC
- LỊCH SỬ ĐIỆN SÙNG ĐỨC TỔ ĐƯỜNG MẠC TỘC VIỆT NAM
- Danh sách các chi họ Mạc và các chi họ gốc Mạc ở Bắc Giang
- HẬU TÁI ĐỊA DANH CÓ TỪ THỜI NHÀ MẠC
- THÔNG BÁO CỦA HỘI ĐỒNG MẠC TỘC VIỆT NAM VỀ TRANG WEB “ mactoc.com” MỚI.